Kí Ức Của 1 Người Lính Trinh Sát Sư 307 (Phần 4) - Chương 01 - 02 - 03 - 04

Tập 4:

Biên giới Tây nam - Chùa Prết Vi Hia năm tháng khó khăn của chiến trường

Pốt quay trở lại sau khi được hà hơi tiếp sức, kèm theo sự bao che dung dưỡng. Tiến hành chiến tranh du kích với những thủ đoạn mới đầy thâm độc.

Những năm tháng khó khăn của đất nước về chính trị, ngoại giao và kinh tế.

Những người mẹ Việt Nam vừa giã xong hạt gạo, phải chuyển ngay ra chiến trường cho con... và cho đất nước Chùa Tháp. Tấm áo của mẹ còn vá chằng vá đụp, thì tấm chăn của con cũng đâu đủ ấm, khi gió bấc từ Thái Lan thổi về.

Nội tâm người lính... những vấn đề của thời kì quá độ tích cực lẫn tiêu cực... anh em lính trước 1976 ra quân trở về đất mẹ...

Những vấn đề của đất nước, có những ảnh hưởng đến nội tâm người lính, và phần nào tâm trạng của người lính, phản ánh tình cảnh của đất nước trong một giai đoạn khó khăn cùng cực.

Người lính phải chiến đấu và biết cách chiến thắng để trở về.

Topic bốn được viết từ những trận chiến đấu, trong sự chiến thắng và con đường trở về của người lính... Preah Vihear - Những năm tháng khó khăn của chiến trường.

TÌNH HÌNH KHU VỰC CHÙA PREAH VIHEAR NĂM 1981.

Bước sang năm 1981, tình hình khu vực chùa Preah Vihear về phía ta vẫn không có gì thay đổi. Toàn e95 vẫn bố trí quanh khu vực chùa.

Cụ thể:

+ dBB1 có cBB3 và c4 hỏa lực trấn giữ trên chùa cùng với các bộ phận phối thuộc của e95 và f307; cBB2 án ngữ dưới chân cao điểm 606 về hướng 547 (hướng tây) bảo đảm đường cơ động số 3 chi viện cho chùa; cBB1 đóng chốt trên đường 120 cách chân cao điểm 606 2 km, bảo đảm thông suốt và an toàn đường cơ động số 1 (đường chính lên chùa) và đường số 2, có một b chốt giữ và lập một đài quan sát ở gần cao điểm 500 phía đông chùa.

+ c13 cối 120 li của e95 chốt trên đường 120 cùng với d bộ dBB1 cách chân cao điểm 606 khoảng gần 4 km.

+ dBB3 phía sau dBB1 theo trục đường 120 nối kết với đơn vị pháo cao xạ 37 li và pháo 105 mmm, bảo đảm thông tuyến đường 120 về hướng Choamkhsan. Khu vực này được chọn là bãi đáp của máy bay trực thăng cho d1 và d3 khi có yêu cầu. Ngoài ra cBB11 có một b trấn giữ cao điểm 300 nằm trên tuyến biên giới phía đông Chùa (cách chốt của cBB1 gần 2 km).

+ dBB2 vẫn trấn giữ khu vực đồi 428 dọc theo tuyến biên giới.

+ dBB10 bảo vệ e bộ 95 và f bộ f307 (ngầm Saem) và làm nhiệm vụ cơ động theo yêu cầu của trên.

+ c14 súng máy 12.7 vẫn ở Phum Kamtuot theo trục đường 69 làm công tác dân vận, và đây là đơn vị duy nhất của e95 sống chung với dân.

Tình hình địch năm 1981 có sự thay đổi lớn. Cuối năm 1980 trên địa bàn e95, chúng đánh mạnh trên hướng 428 của d2, và bước đầu có hoạt động trên hướng của d1 với mục đích thăm dò ta. Bước vào mùa mưa năm 1981, chúng tăng cường tập kích c2 phía tây chùa, vượt qua biên giới gài mìn trên hướng c1 (bộ phận đài quan sát của c1 ta hi sinh hai trinh sát của d1 và hai chiến sĩ của c1 vào tháng 9 năm 1980).

Ngày 26/ 5/ 1981, một bộ phận tuần tra của c1 vướng mìn KP2 của địch, ta hi sinh hết hai chiến sĩ và bị thương một (liệt sĩ Nguyễn Chân quê Mỹ Thành – Phù Mỹ - Bình Định và Nguyễn Tâm (Tâm bồ đệch) quê Hoài Nhơn – Bình Định, cả hai Liệt sĩ đều là lính 1978) và sau đó vài ngày cũng chính tại khu vực này Anh Nguyễn Phải (cùng quê, cùng đợt lính với liệt sĩ Tâm) phát hiện loại mìn mới (mìn 65 - 2A) trên đường và khắc phục đưa về Công binh e95 nghiên cứu. Đây được coi là quả mìn 65 - 2A đầu tiên được phát hiện trên khu vực tác chiến của f307 (anh Nguyễn Phải sau này là Chiến sĩ thi đua của MT579 và QK5 có thành tích nổi bật về khắc phục các loại mìn. Tại Đại hội CSTĐ của QK5 năm 1981 đã có một nhà báo viết một bài thơ tặng cho Anh. Thời đó cả MT579 nói đến Nguyễn Phải hầu như ai cũng biết. Anh ra quân cuối năm 1983).

Giai đoạn này anh em ta phải chịu nhiều thương vong do mìn địch gây ra. Không phải do anh em ta chủ quan, mà do mức độ mìn địch quá dày, phân bổ trên một địa bàn rộng… với nhiều cách bố trí khác nhau. Cả năm 1981 tôi được biết c1 và c2 của d1 e95 ta hi sinh khoảng mười anh em do bị mìn.

NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG NĂM 1981

Bước vào năm 1981, Pốt được các thế lực nuôi dưỡng hà hơi tiếp sức, cũng như sự dung dưỡng của nhà cầm quyền Thái Lan, ẩn nấp dưới những cánh rừng già dọc theo tuyến biên giới Thái – Căm. Pốt bắt đầu tung quân quậy phá ta và chính quyền của bạn, lập các căn cứ nằm sâu trong nội địa đất K. Quan sát trang thiết bị của Pốt ta thấy rằng chúng được trang bị gần như mới toàn bộ, các loại mìn, súng, đạn ta thu được đều rất mới. Quần áo không phải là màu đen mà là màu xanh, nổi danh là “áo Pốt” mà anh em ta ai cũng thích (đến nỗi Bác Haanh phải cầm trái B chạy theo đập đầu chúng để lấy). Pốt nào cũng có đồng hồ SEIKO FIVE mới toanh (cung ứng cho anh em ta canh giờ gác đêm, cũng đỡ khổ). Chỉ cần một bi đông nước, chúng có thể đi và về dễ dàng… Khi gặp ta đánh, chúng chỉ cần vượt qua biên giới là coi như ổn… Phía bên kia đồi 300 của c11d3 chúng có cả trại dân tăng gia sản xuất… như là đất của nhà chúng. Cao điểm 500 nằm ngay đường ranh biên giới, nghiêng nhiều về đất Thái, chúng đặt khẩu DKZ, lâu lâu chúng hỏi thăm d bộ d1, c13 và c11 ở vòng quanh hồ Vườn Xoài…

Cái khó khăn lớn nhất của chúng ta là cái lằn đen đậm trên bản đồ…

Không phải ta không đủ lực lượng hay khả năng để vượt qua lằn đen đó… Đây là lệnh của trên. Ngay cả Tư lệnh f307 cũng bị cấp trên “quán triệt nghiêm khắc” về vấn đề này.

Còn nỗi đau nào hơn khi chúng đánh ta… ta truy kích… chúng vượt qua biên giới… quay mặt lại “nhoẻn miệng cười”…

Thời đó nghe anh nào nói câu “Bực đ… chịu được” là biết anh này đã bị Pốt “nhoẻn miệng cười.”

Trong một cuộc nói chuyện tại d bộ dBB1 Vườn Xoài, Phó Chính ủy QK5 Thiếu tướng Nguyễn Huy Chương cũng phải thốt lên “Liên Hiệp Quốc như là một cái chợ...” Có đoạn trong lúc nói chuyện, ông còn nhấn mạnh “Thằng nào nói giỏi thì đem quân vào đây…” Vì bên kia bờ đại dương, thành phố New York, chiếc ghế thành viên LHQ của Campuchia vẫn do Pốt ngồi. Tư lệnh Lục Quân Thái Lan rêu rao “Bộ đội Việt Nam tấn công vào đất Thái Lan.” Một vị ở Đại sứ quán Việt Nam tháp tùng thủ tướng Campuchia Chăn – Xi lên thăm f307, có nói đến chuyện ở Thái Lan, nhà cầm quyền còn thuê người, biểu tình ở trước Sứ quán Việt Nam tại Bangkok, để la ó việc này. Rồi cuộc đối đầu giữa ASEAN và ba nước Đông Dương…

Lính tráng đâu có biết rằng vào thời điểm đó, chúng ta khổ sở như thế nào về vấn đề Campuchia… Những hạt gạo mới xay xát xong tại Bến Lức (Long An) còn nóng hổi, được xe p3 của TCHC nhanh chóng chuyển đến chiến trường qua ngả Congpong Thom đường số 7… và lúc quay về… có khi trên xe là những người con đất Việt đã từ giã cuộc chiến, yên nghỉ tại Nghĩa trang K số 4 được đưa trở về đất mẹ Việt Nam: Nghĩa trang Tân Biên - Tây Ninh.

Phạm trù chính trị và ngoại giao, là công việc của những nhà chính trị và ngoại giao. Còn phạm trù của người lính chỉ đơn giản là ĐÁNH TIÊU DIỆT (Chính ủy f307 Lê Lung bảo đó là nguyên tắc số 1 của 10 hay 12 điều gì đó… trong tác chiến).

Đối với người lính tình nguyện Việt Nam “đất thánh” không phải ở hướng bắc, hướng trước mặt… với những cánh rừng già sâu thẳm… nơi chưa chấp những tên đao phủ của thời đại, trang bị những vũ khí mới toanh…

“Đất Thánh” của người lính chúng tôi ở hướng Đông và Đông Nam, từ Đồng Văn đến mũi Cà Mau, dải đất hình chữ S nhìn ra bờ Thái Bình Dương, với bầu trời xanh gió lộng… thuyền ta ngược… thuyền ta xuôi… mỗi khi chiều về.

Và điều gì xảy ra thì phải xảy ra… Phải đánh, đánh cho bằng được, để chiến thắng mà trở về… Mẹ đợi… người yêu mong… vợ chờ…

Chỉ có vậy và phải vậy. Chiến tranh không có khái niệm nơi nào có chứa vũ khí là bất khả xâm phạm.

MÙA TRE RA HOA.

Những ngày cuối năm âm lịch Canh Thân.

Rừng Campuchia đột ngột tre rừng ra hoa (tre gai) dưới chân các bình độ tre gai chỉ còn trơ lại thân cây…những cành tre có hoa phất phơ trước gió…

Vẫn là cao điểm của mùa khô Campuchia… rừng khộp rụng lá… những cánh rừng cháy ngút ngàn… và những cái nắng thiêu đốt cả đất trời… những dòng suối chỉ còn trơ lại cát và đá… những chú gà rừng sáng gáy te te… những đám mây lởn vởn dưới chân dãy Dangrek… mai rừng nở lác đác và các loại phong lan nở rộ trên những thân cây…

Tin báo cho biết… địch đang hoạt động tại khu vực núi Cụt (cao điểm 677) một cách thường xuyên. Một đơn vị của đoàn 5504 tại Choamkhsan, đã mấy lần phục kích khu vực này, nhưng chưa lần nào tiêu diệt được địch… vì khả năng ta bị lộ khi hành quân ra khỏi địa bàn. Có khi ta đến nơi, địch đã di chuyển khỏi vị trí cách đó chừng vài giờ…

Ban Tham mưu Sư đoàn quyết định dùng B3 của trinh sát F, và một lực lượng của d7 e29 tại ngầm Saem, để thực hiện cuộc phục kích này, với lực lượng khoảng bốn mươi người, trang bị hai PRC25, dưới sự chỉ huy chung của Thượng sĩ C phó e29 (lính 1977 là con của quê hương Cách mạng Điện Bàn, Quảng Nam).

Từ F bộ 307 đội hình đi về hướng 428, cắt dọc theo các bình độ biên giới. Tin báo là chính xác… Tại đây, địch thường xuyên dùng lực lượng nhỏ, vận chuyển vũ khí vào khu vực các huyện phía nam của Preah Vihear và Congpong Thom. Đường chúng đi dày như bàn cờ, và đều xuất phát từ bên kia biên giới.

Sau khi quan sát địa hình khu vực, hướng di chuyển của chúng, chỉ huy trinh sát và bộ binh thống nhất là sẽ chặn đánh chúng từ phía sau lưng.

Thời gian này, chúng ta đã không còn dùng mìn Claymore, nên buộc phải bám sát chúng, do lực lượng chúng không đông. Lực lượng ta chia thành bốn nhóm, chặn các ngã dọc biên, mỗi nhóm cách nhau trên dưới một km để dễ dàng chi viện cho nhau.

Khoảng chín giờ sáng ngày thứ ba, nhóm tiền tiêu của ta báo có địch. Từ các khe núi, ta quan sát có mười một tên mang đủ vũ khí cõng hàng vượt qua biên giới. Ta không chủ trương đánh ngay, mà cho bám theo. Khi cách 677 chừng 2 km chúng dùng cuốc đào hầm dưới suối, và chôn vũ khí rồi quay về. Theo nhận định của ta, ngày hôm sau sẽ có quân đến nhận, nên ta không tổ chức đánh bọn này, chờ lực lượng đến nhận sẽ đánh úp luôn. Ta tổ chức bố trí mìn xung quanh, nhưng sau khi hội ý, thì nếu chúng vướng mìn, sẽ khó cho ta tiêu diệt gọn nên ta bỏ phương án này, mà tổ chức phục kích từ các hướng với lực lượng chính là anh em trinh sát, còn bộ binh ta làm nhiệm vụ chốt chặn các ngã đường.

Nhưng không hiểu sao phải hai ngày sau mới có lực lượng đến vị trí nhận hàng, khổ sở cho anh em ta phải vất vả suốt mấy ngày trời, nhưng lực lượng đến nhận ít hơn chỉ có tám tên.

Chúng cũng cho người cảnh giới xung quanh, còn lại chúng chất hàng vào các bao vải to. Xong xuôi chúng bắt đầu di chuyển về hướng nam.

Ta đã tính tới phương án đánh bắt sống, nhưng suy xét thì địa hình quá bất lợi, không đủ điều kiện áp sát bí mật, nên khó thực hiện. Hơn nữa cấp trên đang nóng ruột chưa tiêu diệt được địch… nếu không tiêu diệt gọn sẽ bị khiển trách, nên tổ chức đánh úp luôn.

Di chuyển bám theo chúng chừng hơn 100 m, lợi dụng chúng phải vòng qua những lùm tre gai, tốc độ đi có chậm và co cụm, nên ta nổ súng. Phát B40 đầu tiên của anh lính bộ binh, tiêu diệt gọn hai tên đi giữa đội hình, còn lại sáu tên chúng vứt hàng, bám vào các gốc tre trơ trọi bắn trả về hướng ta. Thấy một Pốt đang lò mò kiếm chỗ nấp, anh lính e29 bình tĩnh dùng AK bắn điểm xạ ba loạt, tên địch giật nẩy người và đổ sụp xuống gốc tre… toàn đội hình ta nổ súng đồng loạt, do bị kẹt vào các khóm tre, nên chúng không thể cơ động ra khỏi vị trí, cố bám vào các gốc tre phản công. Có một tên Pốt già khác, chắc là đường cùng, rời khỏi bụi tre định thoát thân liền bị anh Trình TS, lia cho một loạt AK… nằm vất vưởng trên ụ mối (Năm 1987 anh Trình là d phó d6 e94 đánh nhóm Hoàng Cơ Minh tại núi Hồng).

Sau hơn mười lăm phút nổ súng, ta tiêu diệt gọn toán địch vận chuyển, thu toàn bộ vũ khí và hàng chúng mang. Chủ yếu là đạn B40 mới toanh, cùng một số mìn KP2.

Đang thu dọn chiến trường, từ phía biên giới… một bộ phận của anh em e29 cũng nổ súng mỗi lúc một căng…

MÙA TRE RA HOA… (2)

Tiếng súng nổ từ xa, là trận đụng độ của anh em e29 với địch, nhóm địch này đang di chuyển về bên kia biên giới. Chúng có bốn tên, nhưng do địa hình quá hiểm trở, không đi đúng vào hướng phục của ta, nên anh em e29 chỉ diệt có một tên, nhưng không thu được súng. Thằng địch chết đã lớn tầm tuổi bốn mươi, người to, khỏe. Hắn mặc cái quần kaki màu cứt ngựa, và cái áo đen Pốt chính thống, hắn bị nguyên một loạt AK vào chóp đầu (anh em e29 trên lưng chừng đồi bắn xuống), trong túi bòng còn sót lại nửa gói thuốc Thái, và hai lon cá hộp cũng của Thái (anh Trinh vứt luôn chứ không dùng). Toàn đội hình tiếp tục lùng sục kĩ khu vực dọc biên, phát hiện chúng hoạt động khu này khá mạnh, với những toán vận tải nhỏ. Cách biên giới không xa, ta còn phát hiện một khu dân cư của chúng, với sinh hoạt bình thường, không có gì mang dáng dấp của chiến tranh.

Để lại một nửa đội hình bên này biên giới, khoảng gần hai mươi anh em tiếp cận khu vực chúng đang ở. Không thể bám theo đường mòn của chúng, anh em làm một đường vòng hơn 5 km, xuyên qua những cánh rừng già và dọc theo các suối có nước. Vì theo thông lệ, việc bám theo đường mòn dễ bị chúng phát hiện và bị chặn đánh, mìn thì không sợ vì bên đất Thái chúng hiếm khi gài mìn.

Khu vực chúng ở khá rộng, trải dài trên non cây số với những mái nhà tranh còn mới. Chính giữa có một dãy nhà tole dài chừng hơn chục thước, có vẻ là kho. Tổ bám hướng anh Trinh phát hiện: buổi chiều có ba người phụ nữ đi làm nương về mang theo những quày chuối non… có cả tiếng của con nít khóc la trong khu vực. Chỉ quan sát nắm tình hình chứ không được lệnh đánh, vẽ lại cách bố trí của chúng cùng tọa độ khu vực. Chúng tôi khẩn trương rút về bên này biên giới, lúc gần tối, và tổ chức nghỉ đêm tại một trảng rừng dầu rậm, có dòng nước nhỏ, cách chỗ tên địch chết hơn cây số.

Qua liên lạc, BTM sư đoàn ra lệnh cho đội hình quay về D2 để củng cố lực lượng, bổ sung lương thực và nhận nhiệm vụ mới.

Ở D2 được vài ngày thì đội hình tăng cường ra đến nơi. Đội hình thêm c1 d10 e95 của anh Quân (sau này anh là thương binh và chuyển ngành về công ty xây dựng thương nghiệp Nghĩa Bình) cùng một tổ trinh sát của e95 do Thượng úy Khoa (Khoa râu quai nón) trợ lí tác chiến của f chỉ huy chung.

Nhiệm vụ được giao:

+ Toàn bộ đội hình cũ, có tăng cường thêm anh em d10 tiếp tục bám theo đường vận chuyển của chúng xuôi về hướng nam, giáp với địa bàn của đoàn 5504 do anh Khoa chỉ huy.

+ Bộ phận còn lại của D10 và trinh sát e95 do anh Quân chỉ huy, tiếp tục bám địch khu vực biên giới, chặn đánh các toán vận tải của chúng.

Rời d2 e95 vào buổi sáng sớm se lạnh, tiết trời đã vào xuân… Cảm giác của người lính ra trận khi Tết gần về không khỏi xốn xang. Trên đường hành quân xuôi về Nam, tranh thủ lúc nghỉ giải lao, chúng tôi đều nói về ngày Tết ở quê nhà mà chúng tôi có anh em là năm thứ tư (thế hệ lính 1977), dọc đường những cành phong lan khoe sắc khắp trời. Anh em trinh sát vốn thích loại phong lan trắng, to bằng cái bát sắt 5 tấn, loại này phải sau cả tháng mới tàn… chúng bám vào các thân cây to rất dễ lấy. Anh Khoa nhìn hàng quân… trên ba lô, gùi đạn của anh nào cũng có cành lan trang điểm.

Đêm đến tại một khu rừng… gió vẫn thổi từ đất Thái về tê tái… bầu trời mùa khô đầy sao… người lính tòn ten trên võng thả hồn nghĩ về mùa xuân… Có khi là một thoáng bâng khuâng riêng tư những ngày giáp Tết, chinh chiến trên đất nước Chùa Tháp… Phải có mùa xuân để cuộc đời này đáng sống…

Người lính phải chiến đấu… phải biết cách chiến thắng… để chờ mong có những cái Tết sum họp thiêng liêng và đầm ấm, bên người thân thương trong đêm trừ tịch, thơm hương trầm và thơm mùi trà cúng Giao Thừa, giữa trời khuya se lạnh.

Trong làn khói bốc lên cao, chao đảo theo chiều gió, trong ánh lửa đun bếp bập bùng, tia lửa than bắn ra nổ lách tách, từ những nồi nấu bánh chưng cùng mẹ canh tới khuya để vớt. Không chỉ riêng có nhớ nhà, hình tượng làn khói còn gợi lên biết bao nỗi niềm mông lung khác, trong một khoảnh khắc, vẫn chưa kịp gọi tên được chúng.

Bất chợt nhớ về bài thơ “Wait for me… So it will be” (Đợi Anh về) của nhà thơ Tố Hữu, dịch từ bài thơ của một nhà văn Nga nào đó… mà ngày xưa dưới chân mộ Hàn Mặc Tử, đã có lần được nghe từ một đôi môi hồng, với đôi mắt long lanh của tuổi mười tám. Nghe bài thơ… mắt nhìn xa xăm về biển bao la… khi ngoảnh lại… đã thấy đôi má em bên cạnh hồng hồng và đôi môi chờ đợi…

Người lính trên đường hành quân cũng mơ về một cái Tết gần kề, những khúc gỗ lan treo trước hầm… Xuân đã về… Xuân đã về… Xuân về để cảm thấy nỗi lòng bớt cô đơn.