Kí Ức Của 1 Người Lính Trinh Sát Sư 307 (Phần 3) - Chương 31 - 32 - 33

TRÊN ĐÀI QUAN SÁT D2

Mục đích ban đầu của việc lập đài quan sát không phải là “quan sát” thuần túy vì việc nắm tình hình địch ở vị trí đài là điều không thể. Mục đích chính là quan sát cho bằng được, các vị trí mà địch đặt hỏa lực để tập kích ta, kết hợp nhiều nhiệm vụ khác nên cần có một bộ phận trinh sát để làm nhiệm vụ này. Vào thời điểm đó, toàn bộ các căn cứ của Pốt dọc theo tuyến biên giới từ chùa Preah Vihear về đến núi Cụt và kéo dài đến Rovieng đã được xác định bằng tọa độ 6 số trên bản đồ tác chiến của BTM Sư đoàn, và nằm trong tầm pháo 105 của các cứ điểm pháo binh của e576. Chỉ cần có lệnh trên cho phép… là mọi điều có thể xảy ra.

Nhưng chưa bao giờ xảy ra “lệnh này” ít nhất là đến tháng 6/ 1984…

Việc đưa khẩu DKZ và cơ số đạn lên đài là việc “Phù Đổng của thế kỉ 20” chúng tôi vẫn thường nói vui như vậy, có chứng kiến mới thấy sức trẻ là như thế nào. Việc đưa hai khẩu pháo 85 mm của d3 e95 lên chùa Preah Vihear còn dễ dàng hơn rất nhiều so với việc này. Đạn DKZ được đặt trong một ống tròn kim loại và mỗi anh em phải mang hai quả trèo qua các vách đá bám vào các rễ cây, bò từng bước một qua các khoảng trống giữa hai mỏm đá. Chỉ cần sơ suất một chút thôi là phải viết hàng chữ “Chúng tôi vô cùng thương tiếc…” ngay tức thì. Nhưng bằng tinh thần, nghị lực vô song của sức trẻ, mọi việc xảy ra đều tốt đẹp và khẩu DKZ oai vệ nằm trên đài quay nòng về hướng bắc.

Thiên nhiên ưu đãi cho đài một cái hang khá lí tưởng, trời mưa không có một giọt nước nào lọt vào trong. Đây là nơi để khẩu DK về đêm và nơi cất cơ số đạn cũng là nơi để mọi thứ của đài. Xung quanh đó ta làm hai cái hầm nổi dưới một cây cây da to hầm được chất xung quang bằng đá và bao vòng ngoài bằng bao cát Đại Hàn, phía trên ta che bằng nilon đi mưa.

Biên chế của đài là mười lăm anh em, trong tình huống chúng tấn công bằng bộ binh lên đài, thì phải chiến đấu trong vòng hai giờ mới có quân chi viện. Hỏa lực trên đài trang bị theo cấp B và tăng cường thêm lựu đạn của ta sản xuất (bốn thùng X một trăm quả). Từ đài nhìn xuống là các vực sâu… hoa bằng lăng nở tím rừng trông rất đẹp. Những cành phong lan đuôi chồn khắp nơi rũ xuống những cành cây, đung đưa trước gió…

Quanh đi quẩn lại thay đổi nhau chỉ mỗi nhiệm vụ cảnh giới ở bốn hướng. Trên đài không có gì để cải thiện bữa ăn. Gà rừng nhiều vô kể nhưng không làm gì được vì bắn thì sợ lộ, thỉnh thoảng cũng bẫy được vài con có chất tươi cho anh em. Sau này cái khó ló cái khôn… một số anh em dùng ná thun bắn sóc đỏ và sóc rằn (con nhen) và cu xanh (bà con với cu cườm, cu lửa) nên hầu như ngày nào cũng có thịt. Đời lính cảnh thiếu rau là bất tận… ban đêm ngủ có anh còn mơ thấy… mình ăn được bữa rau…

Cứ mười lăm ngày thay chốt một lần… ngày thay chốt vui như hội. Chỉ có bộ phận thay chốt mới theo đường lên đài, bộ phận khác làm công tác bảo vệ ở phía dưới chân… không cho địch đeo bám tập kích.

Bình thường, phải chờ tới ngày đổi chốt về đến nhà mới tắm. Khi mưa to mới tranh thủ tắm tiên. Ban đêm ngồi gác mùi chua từ quần áo bay lên thoang thoảng nhất là từ đầu gối.

Bộ phận trinh sát của F chỉ ở chốt đài có hai lần thay chốt (một tháng) sau đó nhận nhiệm vụ về F bộ tại ngầm Saem.

Ngày anh em trinh sát về lại Sư đoàn, Thủ trưởng Thăng CTV D2 vay của C15 công binh e95 con heo khoảng 60 – 70 cân để đãi bộ phận trinh sát phối thuộc. (Những năm sau này khi Thủ trưởng Thăng là Phó E trưởng Chính trị 95 và anh Đấu (C trưởng c15) là D trưởng d1, gặp anh em trinh sát bọn tôi tại chùa, anh Đấu thường hay nhắc lại chuyện đòi Thủ trưởng Thăng con heo, anh em chỉ nhìn nhau cười…)

Gần bốn năm sau… trong đội hình trinh sát ngày ấy… có hai anh em được bổ nhiệm là C trưởng c6 và C phó c5 của d2 e95. Chính những con người đã từng chiến đấu sống còn với địch tại cao điểm 428 mùa mưa năm ấy… sau này viết tiếp những chiến công… tạo nên huyền thoại núi Cụt… nét son đánh dấu sự trưởng thành của thế hệ anh em nhập ngũ năm 1983, 1984, của quê hương Thuận Hải và Quảng Nam Đà Nẵng.

Chào cao điểm 428, chào đài quan sát d2… chào mùa mưa máu lửa 1980.

Con đường nhiệm vụ phía trước của trinh sát f307 những ngày cuối năm… ranh giới tỉnh Preah Vihear và tỉnh Siemreap, một dòng suối hai mùa… bắt liên lạc với anh em f302 Quân khu 7 lần thứ hai.

GẶP NHÀ BÁO KHÁNH VÂN BÊN DÒNG SUỐI SAEM.

Từ khu chiến D2 anh em chúng tôi trở lại căn cứ F bộ bên dòng suối Saem. Đơn vị trinh sát chốt ở phía đông F bộ bên kia suối. Khi chúng tôi về, cả C trinh sát chỉ còn mấy anh em bị bệnh ở nhà, nhiều nhất là bệnh đau lưng (thực chất là thoát vị đĩa đệm cột sống), còn lại đã đi phối thuộc ở các E trong toàn sư đoàn.

Buổi chiều họp giao ban ở BTM sư đoàn tôi thấy một người lạ và hỏi anh Cho thông tin F thì được biết người ấy là nhà báo Khánh Vân, công tác tại Báo QĐND. Sau giờ cơm chiều đang ngồi nói chuyện với mấy anh em thì thấy ông xoắn quần lội suối để qua đơn vị.

Chúng tôi chưa kịp chào ông, thì ông đã lên tiếng trước: Chào anh em trinh sát.

Chào Thủ trưởng… tôi thay mặt anh em đáp lại (lúc đó ông là Trung tá).

Ông rút trong túi áo ra gói Tam Đảo và mời anh em. Tôi mời ông vào nhà BCH nhưng ông bảo ngồi đây nói chuyện với anh em cho vui. Ông hỏi thăm từng người về quê quán, nhập ngũ năm nào, tình hình vợ con (có đứa nào có vợ đâu mà có con) người yêu (yêu người khác rồi)… tình hình thư nhà.

Ông có khiếu nói chuyện rất hay và rất nghệ sĩ nhưng rất sâu sắc…

Đến tối, tôi mời ông vào BCH vì bên ngoài rất nhiều muỗi.

Bước vào hầm ông đưa cho tôi gói trà bọc trong giấy báo, tôi nhờ anh nuôi pha trà và chúng tôi ngồi tâm sự…

Ông bằng tuổi mẹ tôi (sinh 1927)… (chừng này tuổi mà còn lặn lội chiến trường ư?) Ông rất quý nghề trinh sát và rất mến anh em trinh sát. Khi đi công tác ở các đơn vị ông có thói quen là nghỉ lại ở đơn vị trinh sát…

Bên ấm trà đặc tôi và ông nói chuyện tới khuya.

Là phóng viên đi săn tin, khi ông về F 307 điểm nóng nhất lúc bấy giờ là D2 (e95) ở cao điểm 428 và D9 (e29) ở khu vực nông trường Anlongveng. Ông đã xin ra chốt D2 nhưng Tư lệnh F không đồng ý vì tình hình lúc ấy khá phức tạp. Ông đành ở lại và tìm cách tiếp cận nguồn tin chiến sự, và đặc biệt về hoàn cảnh của anh em đang sống và chiến đấu ở khu chiến sự.

Cuộc nói chuyện có một khoảng cách khá lớn. Ông là cán bộ Trung cấp trong quân đội và là nhà báo cùng với tuổi đời đáng là bậc cha mẹ, khả năng và bản lĩnh chính trị vững vàng. Còn tôi chỉ là một cán bộ mới ở ngưỡng cửa “ ó vạch chưa có sao” với những nhận thức khác xa với ông…

Ông tôn trọng sự thật và nói thật những điều ông còn trăn trở với tình hình bên nước.

Đất nước sau chiến tranh… những điều cần phải làm nhưng đành gác lại. Những chính sách chưa tạo ra những thay đổi lớn cho xã hội, nhất là ở nông thôn. Hình ảnh mẹ tôi cùng tuổi với ông, phải đi hái từng trái mắm, trái còi về ăn, đã làm ông xúc động thật sự. Ông nhìn tôi có phần nào cảm thông ở mọi khía cạnh quan hệ… và tôi nhìn ông với chỉ một điều duy nhất: Với tuổi này ông còn phải lặn lội đến điểm cực bắc của đất nước Chùa Tháp ít lành nhiều dữ này.

Ông đã dùng một câu chuyện có thật ở Trung đoàn 95 mà chính ông là người giải quyết sau chiến tranh, để nói lên những thực tại của cuộc sống người lính, và người lính phải có cái nhìn như thế nào về cuộc sống.

“Người cán bộ ấy ra đi từ mái tranh nghèo của một vùng quê Bắc Bộ vào tháng 5 – 1972 khi vừa lập gia đình chỉ hơn một tháng. Vượt qua bức tường lửa Vĩnh Linh, xuyên qua con đường Trường Sơn huyền thoại, đến với mặt trận B3 Tây Nguyên tháng 12 – 1972, là lính của E95 chiến đấu khắp chiến trường Tây Nguyên và vùng duyên hải Trung Bộ trong đại thắng mùa xuân năm 1975. Không một cánh thư, không một lời nhắn về nhà trong những năm tháng đó.

Năm 1977 là C trưởng của một C Anh hùng của E95, anh cán bộ này được đi phép ba tháng. Ai cũng hiểu tâm trạng của người cán bộ này khi rời mảnh đất Chư Nghé 421.

Về đến quê… Đi qua những cánh đồng làng ở quê nhà, mọi người đều nhìn anh với con mắt cảm thông dò xét.

Ngôi nhà này, ngày anh ra đi chỉ còn ba người và nay đã tăng lên năm người… Cha mẹ anh… người thì nằm một chỗ suốt mấy năm, người thì bệnh hoạn liên miên. Bố anh đang đu đưa võng cho một thằng cu hai tuổi do vợ anh sinh ra nhưng không phải là cháu của ông, và đến trưa có một cháu gái đi nhà trẻ về, chào bố anh là ông nội nhưng không phải là con của anh?

Ngang trái đến tột cùng… Anh mang ba lô trở lại đơn vị chỉ sau mười hai ngày sau đó.

Ngày anh ra đi, người phụ nữ của hai đứa trẻ trong nhà anh cũng đưa anh ra bến xe và dúi vào tay anh một ít tiền dành dụm (Ông không nói là anh này có nhận hay không?) và dòng nước mắt ngấn trào. Anh không còn đủ bản lĩnh để nắm lấy tay người phụ nữ hay vòng tay qua vai… mảnh vai gầy cáng đáng nuôi bố mẹ anh ngần ấy năm anh ở chiến trường. Bố mẹ anh vẫn thương hai đứa cháu, vì chính ông bà đã lo cho chúng nó khi vừa mới lọt lòng, và vẫn thương người con dâu lam lũ tảo tần… những lúc trái gió trở trời… tô cháo nóng và nồi lá xông hơi…’’

Anh ra đi lòng trĩu nặng…

Câu cuối cùng mà ông nói với tôi “Mọi sự ở đời là vô nghĩa, khi nhận biết hai chữ HI SINH. Ngay cả ngòi bút của tôi, có những khi đã cảm thấy bất lực trước những mất mát, hi sinh quá lớn của đồng chí, đồng đội mình. Hãy sống và chiến đấu em ạ.”

Đổi gác lần thứ tư tôi và ông mới ngừng câu chuyện, và leo lên võng ngủ.

Ngày mai cả tôi và ông đều theo Đoàn Văn Công QK5 lên Chùa Preah Vihear phục vụ bộ đội.

LÁ VÀNG THU, TIẾC NUỐI GIỮA TAY NGƯỜI.

Cuộc đời người lính, phải chiến đấu giữa cái sống và cái chết, giữa niềm vinh quang và gian khó. Những tiếng cối nổ ùng oàng, tiếng nổ đanh như thép của các loại mìn, và cả tiếng bắn kêu hỗ trợ khẩn thiết của đồng đội. Không hẳn như vậy, và cũng không phải chỉ có thế. Người lính trước hết là một con người, có một thân phận và cũng có một tình yêu… có thể nó là cung bậc của sự thăng hoa, hay chỉ là sự hoang tưởng, và nhiều khi là cả một thời để hối tiếc, và cũng để hối tiếc mà thôi.

Tôi đã rơi vào trương hợp như vậy.

Giữa những ngày khốc liệt ở 428 cùng anh em d2 e95…

“… Cùng một số bạn bè ngày xưa của lớp mình, về đưa tang bạn Đức đến nơi an nghỉ cuối cùng… Cả bọn mới biết bạn đã nhập ngũ mấy năm, và đang chiến đấu ở một chiến trường đầy khắc nghiệt và gian khổ. Mình vô tâm quá…

Khi chia tay nhau sau kì thi nghiệt ngã... Bờ sông Hàn Đà Nẵng một đêm hè… Những quán cơm bình dân dọc đường Ông Ích Khiêm… đầu cầu Trịnh Minh Thế, khi những bàn tay rời nhau sau mấy ngày thi, để từ đây mỗi con người là một số phận… Thời gian năm năm trôi qua sao mà nhanh thế…

Mình cũng không đủ điều kiện để vào Đại học, cũng phải lao động mọi thứ để nuôi sống mình và giúp phần nào cho gia đình… Những đêm trằn trọc suy nghĩ về cuộc đời… trong đó có hơn một nửa là nghĩ về một người… (mà không ngờ đã là một anh bộ đội)… Phù Mỹ chỉ cách Quy Nhơn chưa đầy 60 km, sao thấy xa quá… nhiều lần đã bạo gan xin mẹ đi chơi… nhưng cuối cùng phải hoãn lại, vì đâu biết chính xác địa chỉ…

Những năm ở Trung học Đệ nhất cấp, chỉ là lòng ngưỡng mộ trí thông minh, khi giải những bài đại số khó cho lớp… Những phương pháp giải các bài tập ngữ pháp về câu bị động, những mẹo về cách chia thì trong tiếng Anh.

Rồi năm cuối Trung học Đệ nhị cấp… một người thanh niên mạnh mẽ cá tính và hết lòng với bạn bè.

Mỗi buổi sáng… ngồi ở quán ăn trên đường Võ Tánh… chỉ có một điều duy nhất: nhìn thấy bước chân thoăn thoắt của một người con trai cùng lớp, trên đường vội vã đến trường…

Cả nhóm xuống nhà bạn, nhưng nghe đâu gia đình đã vào Nam hết rồi… lại một dịp may hiếm có vuột mất. Mẹ Đức bảo: cách đây không lâu, đài truyền thanh của xã còn đọc thư của bạn gửi về cho gia đình. Cả bọn lên tìm, và may quá còn sót lại mấy lá, và theo địa chỉ viết thư cho bạn đây.

Cũng nét chữ đẹp như hoa ấy, giọng văn cục mịch, đôi chỗ sang sảng như văn bình luận… chỉ có điều đã là một người lớn… có nói hơi nhiều đến hiện thực khách quan… đâu còn con người của ngày xưa nữa… còn gì sống động hơn là những cánh thư của lính gửi về cho gia đình.

Nước mắt mình không thể cầm được trên những trang thư của bạn. Ngả rẽ cuộc đời sao nhiều điều bất ngờ quá…

Trên đường trở lại Quy Nhơn… khi qua những nẻo đường xứ sở... trí thông minh, lòng kiên trì, biết sống vì mọi người, và coi mọi sự khó khăn, thậm chí cái chết như một làn sương mỏng…

Dọc đường, những em bé đen thủi đen thui, quần áo cái còn cái mất… chạy tung tăng trên những bãi cát trắng tinh, trong buổi chiều nắng chói chang của vùng biển…

Chín năm về trước, năm 1971, cũng có một đứa con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nắng và gió này, ngơ ngác bước vào ngôi trường xa lạ… để sáu năm sau đó ra đi… và đi về một nơi... có tiếng súng đang nổ vang.

Không biết rằng người ấy… giữa bão táp của chiến tranh… mang trong mình mọi sự cứng rắn mãnh liệt kia… có ẩn chứa phía sau là một trái tim còn rực lửa hay không? Có còn cảm nhận được rằng… nơi mái trường xưa… cũng có một người mong ngóng, những bước chân trở về… dù rằng không ai biết có một nỗi niềm như thế…”

Tôi lẩn thẩn hết mấy ngày… như người không hồn.

À ra thế! Trong lớp ngày xưa sao mãi nhìn mình. Nhà có xe máy… luôn đi chơi với bạn bè toàn bằng xe đạp sườn ngang, không có baga phía sau… ngồi phía trước bắt mình chở gần đứt hơi… khi lên dốc mộ thi sĩ Hàn… vẫn… phình… phường…

Mái tóc ngắn thơm mùi bồ kết, tung bay trước gió biển Quy Nhơn…vùng da trắng nõn nà sau gáy… cú ngoảnh mặt vô tình mỗi khi nói chuyện, chạm vào mặt mình với chiếc áo cổ tròn hơi rộng…

Tất cả đã được lập trình và có ý đồ chiến thuật hẳn hoi…

Giờ đây… nơi cao điểm 428… cũng chỉ là sự nuối tiếc.

“Ta trả lại và cảm ơn sự chia tay thầm lặng,

Lá vàng thu, tiếc nuối giữa tay người…”