Papillon - Người tù khổ sai - Chương 25 phần 1

Chương 25

Nhà giam cầm cố

Một chiếc xuồng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Trong số mười chín tù nhân cấm cố sẽ có mười người di chuyển trước. Tôi được gọi tên để lên xuồng. Dega thản nhiên nói:

- Không, anh này đi chuyến sau.

Từ khi đến đây tôi đã phải sửng sốt khi nghe cách ăn nói của các tù nhân. Rõ ràng là họ không đếm xỉa đến kỷ luật và có vẻ như chẳng coi bọn cảnh sát ra gì hết. Tôi nói chuyện với Dega lúc bấy giờ đã đến đứng gần tôi. Bác ta đã biết hết chuyện vượt ngục của tôi cũng như những chuyện khác có liên quan đến tôi. Có những người đã tiếp xúc với tôi ở Saint-Laurent có đến Quần đảo và kể lại cho bác biết hết. Bác ta không hề tỏ ý thương xót tôi. Bác ta tế nhị hơn nhiều. Chỉ một câu thôi nói tự đáy lòng:

- Cậu rất xứng đáng thành công. Thôi để lần sau?

Thậm chí bác ta cũng không nói “Can đảm lên.” Bác thừa biết rằng cái đó thì tôi có thừa.

- Tôi làm kế toán trưởng ở đây và có quan hệ rất tốt với ông chỉ huy. Ở nhà giam cấm cố cậu cố gắng có hạnh kiểm tốt. Tôi sẽ gửi cậu ít thuốc lá và thức ăn. Cậu sẽ không thiếu thứ gì đâu. Papillon, đi thôi!

Đã đến lượt tôi.

- Xin chào tất cả. Cám ơn những lời lẽ chân tình của các bạn.

Tôi xuống thuyền. Hai mươi phút sau, thuyền cặp bến ở Saint-Joseph. Tôi có đủ thì giờ nhận thấy trên thuyền chỉ có ba viên giám thị có súng, trong khi có đến sáu người tù chèo thuyền và mười người tù cấm cố phối hợp để chiếm lĩnh cái thuyền này chỉ là một trò đùa.

ở Saint-Joseph, một ủy ban tiếp đón ra nhận chúng tôi. Có hai viên chỉ huy tự giới thiệu: viên chỉ huy trại trừng giới của đảo và viên chỉ huy của Nhà giam cấm cố. Chúng tôi được dẫn bộ đi lên con đường dốc đến nhà giam. Trên đường đi không thấy một người tù nào.

Khi đi vào cửa sắt lớn ở bên trên có mấy chữ Nhà giam cấm cố trừng giới, người ta có thể hiểu ngay tầm quan trọng của cái phương tiện trấn áp này. Bên trong tấm cửa và bốn bức tường cao ở xung quanh, trước hết có một dãy nhà nhỏ có đề: “Ban giám đốc - Quản trị”, rồi ba dãy nhà khác đề A, B, C. Chúng tôi được đưa vào dãy nhà của ban giám đốc. Một gian phòng lạnh lẽo. Khi mười chín người đã được xếp thành hai hàng trong phòng, viên chỉ huy Nhà giam cấm cố nói với chúng tôi:

- Các phạm nhân cấm cố, các anh biết rằng nhà này là một nhà trừng giới dành cho những phạm nhân đã bị đày khổ sai mà lại còn có những hành động phạm pháp. Ở đây người ta không tìm cách cải huấn các anh. Chúng tôi biết rằng việc đó vô ích. Ở đây người ta chỉ tìm cách trấn áp các anh. Chỉ có một nội quy duy nhất: câm mồm. Im lặng tuyệt đối, “gọi điện” là việc rất nguy hiểm, nếu bị bắt gặp sẽ bị phạt rất nặng. Nếu không ốm nặng, chớ đăng ký xin đi khám. Vì nếu khám không thấy có bệnh nặng, các anh sẽ bị phạt rất nghiêm. Đó là tất cả những gì tôi cần nói với các anh. À quên, ở đây nghiêm cấm hút thuốc. Giám thị, hãy lục soát kỹ các phạm nhân, rồi đưa từng người về xà-lim. Charrière, Clousiot và Maturette không được ở cùng một nhà. Ông Santori, ông phải thân hành trông coi việc này.

Mười phút sau tôi bị nhốt vào căn xà-lim dành cho tôi căn số hai trăm ba tư của dãy nhà Ạ. Clousiot bị giam ở dãy nhà B và Maturette ở dãy nhà C. Chúng tôi đưa mắt từ biệt nhau. Khi bước vào đây, tất cả chúng tôi đều hiểu ngay rằng nếu muốn sống sót mà ra khỏi thì nhất nhất phải tuân theo cái nội quy vô nhân đạo này. Tôi từ giã hai người bạn đường của tôi trong chuyến vượt ngục dài ngày, hai người bạn hào hùng và dũng cảm đã tỏ rõ phẩm chất mình trong khi đi với tôi và không hề bao giờ kêu ca hay hối tiếc những gì họ đã cùng làm bên cạnh tôi. Tim tôi se lại, vì sau mười bốn tháng vật lộn vai kề vai để dành lại tự do, chúng tôi đã vĩnh viễn gắn bó với nhau bằng một tình bạn không bờ bến.

Tôi xem xét căn buồng giam mà họ đã lùa tôi vào. Không bao giờ tôi có thể dự đoán hoặc tường tượng rằng một nước như nước Pháp của tôi, vốn là người mẹ của tự do trên trái đất này, là đất nước đã sinh ra Nhân quyền và Dân quyền, lại có thể dựng lên, dù là ở Guyane thuộc Pháp, trên một hòn đảo chơi vơi giữa Đại tây dương, rộng vừa bằng cái mùi-soa bỏ túi, một trại giam có tính chất trấn áp man rợ như cái nhà giam trừng giới ở Saint-Joseph. Cái bạn hãy tương tượng một trăm năm mươi căn xà-lim kế cận nhau, giáp lưng nhau, bốn bức tường rất dày chỉ có một cánh cửa sắt nhỏ với cái lỗ ghi-sê của nó. Ở phía trên mỗi ghi-sê đều có dòng chữ đề: “Cấm mở cửa này nếu không có lệnh trên.” Ở bên trái căn buồng là một tấm ván làm giường nằm với một cái gối bằng gỗ, cũng được thiết bị như ở Beaulieu: tấm ván có thể lật lên móc sát vào tường; một tấm chăn; một khối xi-măng xây ở góc trong dùng làm ghế; một cái chổi nhỏ; một cái ca nhà binh, một cái thìa bằng gỗ, một tấm sắt mỏng dựng đứng che một cái bô bằng kim loại buộc vào tấm sắt kia bằng một sợi xích (từ phía ngoài có thể kéo nó ra để đổ, và từ phía trong có thể lôi nó vào để dùng). Buồng cao ba mét, trần là một dãy song sắt rất lớn, mỗi chấn song to bằng một thanh đường ray xe điện, bắt chéo nhau rất dày để không thể có một vật gì hơi to hơn có thể lọt quạ. Rồi, cao hơn nữa, là mái của tòa nhà, cách mặt đất khoảng bảy mét. Phía trên bức tường ngăn cách các xà lim quay lưng vào nhau là một con đường đi tuần rộng khoảng một mét, có tay vịn bằng sắt, nhìn thẳng xuống các buồng giam. Hai viên giám thị thường xuyên đi từ đầu đường cho đến giữa đường: ở đây họ gặp nhau và quay trở lại. Tất cả gây thành một ấn tượng rùng rợn. ánh sáng ban ngày chiếu vào con đường đi tuần đủ sáng. Nhưng ở các buồng giam, dù đang giữa ban ngày, thì tối mờ mờ không nhìn thấy rõ những vật xung quanh. Tôi bắt đầu đi đi lại lại ngay, trong khi chờ đợi họ huýt còi bay ra một hiệu lệnh gì đó không biết để cho phép tù nhân hạ tám ván xuống mà nằm.

Để khỏi gây tiếng động, tù nhân và lính gác đều đi giày vải. Tôi nghĩ ngay: “ở đây, tại buồng giam hai trăm ba tư, Charriere biệt hiệu Bươm bướm, sẽ có gắng sống mà không phát điên trong thời hạn hai năm, tức bảy trăm ba mươi ngày. Hắn có bổn phận cải chính cái biệt hiệu ‘ăn thịt người’ của nhà giám cấm cố này.” Một, hai, ba, bốn, năm quay đằng sau. Một hai, ba, bốn, năm, quay đằng sau. Tên lính gác vừa đi qua trên nóc tường trước mặt tôi. Tôi không nghe thấy tiếng chân hắn đến, tôi chỉ trông thấy hắn. Tách. Đèn bật lên, nhưng rất cao, treo mãi tận mái trên, cách mặt đất hơn sáu mét. Lối đi tuần được chiếu sáng, các buồng giam vẫn chìm trong bóng tối. Tôi đi đi lại lại, cái quả lắc lại đung đưa. Hãy ngủ yên, hỡi mấy miếng phó-mát của hội đồng bồi thẩm đã xử tôi, các người hãy ngủ yên, vì tôi tin rằng nếu hồi ấy các người biết các người sẽ đưa tôi đến chỗ nào, các người sẽ thấy ghê tởm và sẽ không chịu làm những kẻ đồng lõa với việc thi hành một hình phạt như vậy.

Khó lòng thoát khỏi tình trạng đi lang thang của trí tưởng tượng. Hầu như không thể nào thoát được. Tôi nghĩ nên hướng nó về những đề tài không đến nỗi buồn nản quá thì hơn là cố xua đuổi hắn nó đi. Quả nhiên, hiệu lệnh cho phép hạ ván nằm xuống là một tiếng còi. Tôi nghe thấy một giọng thô lỗ nói:

- Những người mới đến nên biết rằng kể từ bây giờ, nếu muốn, thì có thể hạ ván xuống để nằm.

Tôi chỉ ghi nhớ hai chữ “nếu muốn”. Cho nên tôi tiếp tục đi đi lại lại, giờ phút này quá nghiêm trọng để có thể ngủ. Tôi cần phải tập cho mình quen với cái chuồng hở phía trên này.

Một, hai, ba, bốn, năm... tôi đã nắm vững được ngay cái tiết tấu của quả lắc; đầu cúi xuống, hai tay chắp sau lưng khoảng cách từ bước đi phải thật đều và thật chính xác, như một quả lắc đưa qua đưa lại, tôi đi đi lại lại và cùng tận như một kẻ mộng dụ Bước hết năm bước, tôi không cần trông thấy bức tường, áo tôi chỉ chạm nhẹ vào nó khi quay lại cứ thế mãi không hề mệt mỏi trong cuộc đua marathon không có đích mà cũng không cơ thời hạn chấm dứt.

Phải, thật đấy Papi ạ, cái nhà giam “ăn thịt người” không phải là trò đùa. Và khi bóng tên lính gác hắt xuống tường, nó gây một hiệu quả thật dễ sợ. Nếu ngẩng đầu lên mà nhìn thì còn nản hơn nữa: người ta có cảm giác mình là một con báo bị nhốt dưới hố, còn ở phía trên là người đi săn vừa bắt được báo đang nhìn xuống để quan sát nó. Cái ấn tượng thật là hãi hùng, và tôi phải mất đến mấy tháng trời mới quen được.

Mỗi năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày; hai năm là bảy trăm ba mươi ngày, nếu không có năm nhuận. Tôi mỉm cười vì cái ý này. Anh ạ, dù có là bảy trăm ba mươi mốt thì cũng thế thôi. Tại sao lại cũng thế thôi? Không, không phải cũng thế thôi đâu. Thêm một ngày là thêm hai mươi bốn giờ đồng hồ. Mà hai mươi bốn giờ đòng hồ cũng lâu lắm. Bảy trăm ba mươi lần hai mươi bốn giờ lại còn lâu hơn nhiều. Tổng cộng lại thì thành bao nhiêu giờ nhỉ? Liệu tôi có đủ sức tính nhẩm ra con số đó không? Làm thế nào tính nhẩm được, chịu thôi. Sao lại chịu? Tính được chứ. Xem nào. Một trăm ngày là hai ngàn bốn trăm giờ. Nhân cho bảy rất dễ trước hết ta có mười sáu ngàn tám trăm giờ. Rồi ta nhân ba mươi ngày còn lại cho hai mươi bốn thành bảy trăm hai mươi giờ. Tổng cộng: một vạn sáu ngàn tám trăm cộng với bảy trăm hai mươi, vị chi là một vạn bảy ngàn năm trăm hai mươi giờ, nếu tôi không nhầm chỗ nào. Thưa ngài Papillon thân mến, ngài có cả thảy một vạn bảy ngàn năm trăm hai mươi giờ để mà giết trong cái chuồng được thiết kế riêng cho thú dữ này, với bốn bức tường nhẵn nhụi của nó. Vậy chứ tôi sẽ ở đây bao nhiêu phút nhỉ? Cái đó chẳng có chút gì thú vị, giờ thì còn được chứ phút thì nghĩa lý gì? Ta không nên cường điệu quá. Tại sao lại không tính cả giây nữa nhỉ? Điều đó quan trọng là phải có cái gì lấp đầy những ngày, những giờ, những phút ấy trong khi tôi sống một mình, tự mình đối diện với mình! Ai bị giam ở buồng bên phải nhỉ? ai ở buồng bên trái? ai ở buồng phía sau? Ba con người đó, nếu trong các buồng giam ấy có người, chắc cũng phải tự hỏi: ai vừa vào buồng hai trăm ba tư?

Có một tiếng động mềm của một vật gì vừa rơi xuống ở sau lưng tôi, trên nền xà-lim. Cái gì thế nhỉ? Phải chăng người tù kế cận đã khéo tay vứt cho tôi một vật gì qua hai lần chấn song? Tôi cố nhìn cho ra xem đó là vật gì. Chỉ thấy mờ mờ một cái gì nho nhỏ, dài dài. Tôi đã sắp cầm nó lên, thì cái vật mà trong bóng tối mờ mờ tôi đoán ra được nhiều hơn là trông thấy nó, tự dưng cử động và chạy nhanh về phía tường. Khi nó nhúc nhích, tôi bất giác giật mình lùi lại. Đến chân tường, nó bắt đầu leo lên một quãng rồi tuột xuống đất. Bức tường nhẵn nhụi đến nỗi vật kia không thể bám đủ chặt để leo lên. Tôi để cho nó thử leo lên tường ba lần, rồi đến lần thứ tư, khi nó rơi xuống, tôi giẫm mạnh chân lên. Dưới lớp giày vải tôi thấy mềm mềm. Cái gì thế nhỉ? Tôi quỳ xuống để nhìn cho thật sát, và cuối cùng tôi đã nhìn ra được: đó là một con rết khổng lồ, dài hơn hai mươi phân, thân rộng bằng hai ngón tay cái. Tôi thấy tởm lợm đến nỗi không dám nhặt nó lên để bỏ vào bô. Tôi dùng chân đẩy nó vào gầm ván. Đến mai hãy xem cho sáng. Về sau tôi sẽ còn đủ thì giờ trông thấy nhiều rết nữa; nó rơi từ cái mái nhà rộng ở trên kia. Tôi sẽ phải học cách để cho nó bò trên thân thể để trần của tôi, không bắt, cũng không động đến nó nếu tôi đang nằm. Tôi cũng sẽ có dịp biết rõ rằng những khi nó đang bò trên người, chỉ một sai lầm nhỏ về chiến thuật thôi cũng bắt người ta phải trả giá bằng những cơn đau đớn dừ dội đến thế nào. Một mũi đốt của con vật kinh tởm này đủ làm cho anh sốt nặng trong hơn mười hai tiếng đồng hồ và làm cho đau nhức khủng khiếp trong gần sáu tiếng đồng hồ.

Dù sao chăng nữa nó vẫn có thể được dùng như một phương tiện giải trí, một lối thoát cho những ý nghĩ của tôi. Về sau mỗi khi có một con rết rơi xuống trong khi tôi đang thức, tôi thường lấy cái chổi con trêu chọc nó, vật lên vật xuống thật lâu, hoặc bày trò chơi với nó bằng cách để cho nó chạy đi nấp và một lát sau tôi tìm cách phát hiện ra nó.

Một, hai, ba, bốn, năm... Xung quanh im lặng hoàn toàn. Ở đây không ai ngáy thì phải? Không ai ho hay sao? Trời nóng nực đến ngạt thở. Thế mà bây giờ đang là ban đêm! Còn ban ngày thì phải nóng đến thế nào nữa? Số tôi là phải sống với rết hay sao ấy. Khi nước thủy triều lên ngập cái buồng giam ở Santa Marta, rết vào từng mớ, nó nhỏ hơn nhưng cũng là cùng một dòng họ với lũ rết ở đây. Ở Santa Marta quả tình ngày nào cũng bị ngập lụt, nhưng người ta được nói, được hét, được nghe tiếng hát hoặc tiếng hú và nghe những câu nói lảm nhảm của những người điên tạm thời hay vĩnh viễn. Chẳng phải như thế này. Nếu được chọn tôi sẽ chọn Santa Marta. Chà, anh nói thế là phi lô-gích mất rồi, Papi ạ. Ở đấy, mọi người đều nhất trí nói rằng thời hạn tối đa mà một con người có thể chịu đựng được là sáu tháng. Thế mà ở đây có nhiều người phải giam đến bốn năm năm hoặc hơn nữa. Người ta bắt họ phải chịu đựng như vậy là là một chuyện; còn họ có chịu đựng được không lại là chuyện khác. Có bao nhiêu người tự tử. Tôi cũng chẳng biết người ta làm cách gì để tự tử nữa. À cũng có cách. Chẳng dễ gì đâu, nhưng người ta có thể tự tử bằng cách thắt cổ chẳng hạn. Người ta xé quần ra làm một sợi dây. Buộc cái chổi con vào một đầu dây rồi leo lên tấm ván, người ta có thể ném sợi dây qua chấn song. Nếu buộc dây sát vào bức tường có lối đi tuần ở phía trên, chắc tên lính gác sẽ không trông thấy sợi dây. Đúng vào lúc hắn vừa đi qua, anh cứ việc nhảy ra khỏi tấm ván và lủng lẳng trên không. Khi tên lính gác quay lại thì anh đã đi rồi. Vả chăng chắc hắn cũng chẳng vội vàng gì mà chạy nhanh xuống mở buồng giam cho anh. Mở cửa buồng ư. Hắn không thể mở được. Trên cánh cửa đã có đề: “Cấm mở cửa này nếu không có lệnh trên.” Vậy thì anh đừng sợ gì hết, người nào muốn tự tử sẽ có đủ thời gian cần thiết trước khi có người mở cửa vào buồng giam theo “lệnh trên”.

Tôi tả lại tất cả những điều trên đây, có lẽ không lấy gì làm sinh động và lý thú đối với những người thích nghe chuyện hành động và đánh nhau. Những người này có thể bỏ qua mấy trang nếu thấy chán. Tuy nhiên, những ấn tượng đầu tiên, những ý nghĩ đầu tiên này ồ ạt đến với tôi khi tôi tiếp xúc lần đầu với cái buồng giam mới, những phản ứng đầu tiên này khi tôi bị đưa xuống nhà mồ, tôi nghĩ rằng tôi phải miêu tả nó một cách thật trung thành.

Tôi đi đi lại lại như thế này đã lâu lắm rồi. Tôi nghe có tiếng thầm thì trong đêm khuya: họ đổi gác. Tên lính gác phiên trước là một gã cao lớn và khẳng khiu tên đến thay phiên thì lùn và mập. Hắn vừa đi vừa kéo lê đôi giày vải. Khi hắn đến cách tôi chỉ còn hai buồng giam, tôi có thể nghe thấy tiếng giày vải hắn sột soạt và đến khi hắn đi qua hai buồng giam mới không nghe thấy gì nữa. Hắn không im lặng một trăm phần trăm như thằng bạn đồng ngũ của hắn. Tôi tiếp tục đi đi lại lại Bây giờ chắc đã khuya lắm rồi. Không biết mấy giờ rồi nhỉ? Đến mai tôi sẽ không thiếu phương tiện để đo thời gian. Mỗi ngày cái ghi-sê phải mở bốn lần: nhờ đó tôi sẽ đại khái biết được giờ giấc. Còn ban đêm thì nhờ biết giờ phiên gác đầu tiên và biết thời hạn của mỗi phiên, tôi sẽ có thể sống với một cách đo lường thời gian xác định: phiên thứ nhất, phiên thứ hai, phiên thứ ba...

Một, hai, ba, bốn, năm... Như một cái máy, tôi lại bắt đầu cuộc đi dạo vô tận, và nhờ trợ lực của sự mệt mỏi, tôi cất cánh một cách dễ dàng để trở về lục lọi trong dĩ vãng Chắc chắn lá do sự tương phản với bóng tối trong xà-lim, tôi bay ra giữa nắng ngồi trên bãi biển của bộ lạc tôi. Chiếc thuyền mà Lali dùng để đi vớt ngọc trai đang đung đưa cách tôi hai trăm mét trên mặt biển tuyệt vời màu xanh ngọc thạch. Hai chân tôi di di trên cát. Zoraima đem lại cho tôi một con cá lớn nướng trên than hồng, gói kỹ trong một tàu lá chuối cho khỏi nguội. Tôi ăn bằng mấy ngón tay, dĩ nhiên, còn Zoraima thì ngồi xếp bằng trước mặt tôi nhìn tôi ăn. Cô ta rất vui mừng khi thấy những mảng thịt to tách ra khỏi con cá một cách dễ dàng và đọc thấy trên gương mặt tôi vẻ khoái trá trong khi ăn cái món ngon lành mà cô đã dọn cho tôi.

Tôi không còn bị nhốt nữa. Tôi không hề biết đến Nhà giam cấm cố, Saint-Joseph, Quần đảo gì nữa. Tôi lăn lóc trên cát, vục hai tay vào lớp cát cho sạch, lớp cát làm bằng những mảnh vụn san hô mịn đến nỗi tôi có cảm giác như vục tay vào bột. Rồi tôi lội xuống biển để súc miệng bằng thứ nước trong vắt và mặn chát ấy. Tôi lấy hai tay múc nước phả lên mặt. Trong khi rửa cổ tôi nhận ra rằng tóc tôi đã dài lắm. Khi nào Lali về tôi sẽ bảo nàng cạo cổ cho tôi. Tôi qua đêm với bộ lạc của tôi. Tôi mở cái khố của Zoraima, và trên cát, giữa nắng, dưới làn gió biển, tôi chiếm hữu nàng. Nàng khẽ cất những tiếng rên si mê như nàng vẫn làm những khi nàng thấy khoái lạc. Có lẽ gió đưa đến tận tai Lali khúc nhạc yêu đương này. Dù sao thì Lali không phải không nhìn thấy chúng tôi và thấy cái tư thế của chúng tôi chỗ nàng có xa xôi gì đâu mà không thấy rõ chúng tôi đang làm tình. Đúng thế, hẳn là nàng đã trông thấy, vì chiếc thuyền đang đi về phía bờ, nàng tươi cười bước xuống đất. Trên quãng đường về nàng đã tháo các bím tóc ra và lấy mười ngón tay thon và dài chải mái tóc ướt đang bắt đầu khô dần trong làn gió và trong ánh nắng của cái ngày tuyệt đẹp này. Tôi đi về phía nàng. Nàng lấy tay phải quàng lưng tôi và đẩy tôi đi trên bãi cát về phía nếp nhà tranh của chúng tôi. Suốt dọc đường đi, nàng không ngớt bày tỏ cho tôi hiểu: “Cả em nữa, cả em nữa.” Về đến nhà, nàng xô tôi xuống một chiếc võng len đã gấp lại trải xuống đất làm đệm, và trong nàng, tôi quên rằng thế giới tồn tại. Zoraima rất thông minh, nàng chỉ về khi ước chừng chúng tôi đã xong. Nàng vào nhà khi chúng tôi hãy còn nằm trần truồng trên đệm, thỏa mãn no nê vì ái ân. Nàng đến ngồi với chúng tôi, lấy lòng bàn tay vả vả lên hai má của chị, miệng nhắc đi nhắc lại mấy tiếng gì chắc chắn phải có nghĩa đại khái là “đồ tham ăn”. Rồi với một cử chỉ trinh bạch và đầy tình trìu mến, nàng sửa lại cái khố của tôi và cái của Lali cho ngay ngắn. Suốt đêm hôm ấy tôi đã sống ở Guajira. Tôi tuyệt nhiên không ngủ một chút nào. Thậm chí tôi cũng không nằm xuống để nhắm mắt lại mà hồi tưởng những cảnh đã sống qua. Ngay trong khi đi đi lại lại không ngừng trong một trạng thái gần như thôi miên, không cần phải vận dụng ý chí một chút nào, tôi đã vượt qua không gian và thời gian để trở về sống lại cái ngày đẹp tuyệt vời đã qua cách đây gần sáu tháng.

Đèn đã tắt, và có thể thấy rõ ngày mới đang tràn vào bóng tranh tối tranh sáng của căn xà-lim, xua tan thứ sương mù lềnh bềnh đang bao bọc mọi vật xung quanh tôi. Một tiếng còi huýt lên. Tôi nghe tiếng những tấm ván nằm chạm vào tường, và cả tiếng cái móc của người ở buồng bên phải chạm vào cái vòng sắt gắn vào tường. Người ở buồng bên ho, và tôi nghe có tiếng một ít nước giội xuống nền nhà. Sao, ở đây cũng được rửa mặt nữa à?

- Thưa ông giám thị, ở đây rửa mặt thế nào ạ?

- Phạm nhân, vì anh không biết cho nên tôi tha cho anh lần này. Không được nói gì với lính gác: nếu vi phạm điều lệnh này sẽ bị phạt nặng. Muốn rửa mặt, đứng ngay chỗ bô một tay cầm hũ nước, tay kia hứng mà rửa. Anh chưa giở chăn ra phải không?

- Chưa.

- Trong chăn có một cái khăn mặt.

Đến thế thì thật! Không được phép nói với lính gác vì bất cứ lý do gì? Thế nếu mắc phải chứng gì đau quá thì sao? Nếu sắp chết đến nơi: một cơn đau tim, đau ruột thừa, một cơn suyễn quá mạnh, thì sao? Chẳng lẽ ở đây cấm cả việc kêu cứu khi lâm vào một tình cảnh nguy hiểm chết người? Vô nhân đạo đến thế là cùng? Nhưng không, như thế là bình thường. Nếu không, tù nhân có thể quấy phá, làm ầm ĩ lên một cách quá dễ dàng khi thần kinh không chịu nổi nữa. Dù chỉ để nghe tiếng người, dù chỉ để người ta nói với mình một câu, dù câu đó chỉ là: “Chết thì chết đi, nhưng phải câm mồm lại!” Cũng sẽ có vài chục người trong số hai trăm năm mươi tù nhân bị giam ở đây, mỗi ngày vài chục lần, bày chuyện gây ra bất cứ cuộc cãi vã nào để cho thoát bớt sức hơi ép trong óc họ như qua một cái xúp-páp!