Papillon - Người tù khổ sai - Chương 25 phần 2

Người đã có cái ý xây những chuồng cọp này không thể là một bác sĩ tâm bệnh học được: một người thầy thuốc không đời nào lại tự hạ mình làm một việc nhơ nhuốc đến như vậy. Nội quy của nhà giam này cũng không phải do một bác sĩ thảo ra. Nhưng hai con người đã cùng nhau tạo nên cái nhà tù này, người kiến trúc sư cũng như người viên chức đã dự tính một cách chi li những chi tiết của nhà tù, họ quả thật là hai con quái vật đáng ghê tởm, hai nhà tâm lý học tồi bại và độc ác tràn đầy một lòng căm thù xa đích đối với các phạm nhân.

Từ những căn buồng giam của khám trung tâm ở Beaulieu, ở Canen tuy sâu như vậy, hai tầng hầm phía dưới mặt đất, vẫn còn có thể vọng ra ngoài, đến tai công chúng, những tiếng vang xa xăm của những cực hình mà các phạm nhân phải chịu đựng. Chứng cớ là hồi ấy, khi người ta tháo khóa tay cho tôi tôi đã thấy rõ ràng vẻ sợ hãi trên mặt bọn lính gác: chắc chắn là họ sợ bị phiền hà, bị trừng trị. Nhưng ở đây, trong nhà giam cấm cố này, nơi mà chỉ có bọn viên chức trong ban quản trị mới vào được, họ rất yên tâm họ không bao giờ có thể bị phiền hà gì hết.

Clac, clac, clac, clac, - người ta mở tất cả các ghi-sê. Tôi đến cạnh ghi-sê của tôi, đánh liều dòm ra ngoài, rồi tôi thò đầu ra một chút, và sau đó thò hết cả cái đầu ra ngoài hành lang. Bên phải cũng như bên trái tôi đều trông thấy cả một dãy đầu thò ra. Tôi hiểu ngay ràng hễ ghi-sê được mở thì mọi người đều lập tức thò đầu ra ngoài. Người bên phải nhìn tôi mà mắt tuyệt nhiên không biểu hiện một cảm nghĩ gì. Chắc đã đờ đẫn đi vì thói thủ dâm. Hắn xanh xao phờ phạc, mặt phì ra, gương mặt đần độn, u mê. Người bên trái hỏi tôi rất nhanh:

- Bao nhiêu?

- Hai năm.

- Tớ bốn. Mới được một. Tên gì?

- Papillon.

- Tớ, Georges, Jojo l' Auvergnat. Cậu bị ở đâu?

- Paris, còn cậu?

Người kia chưa kịp trả lời: suất cà-phê và ổ bánh mì tròn đã được đưa đến cách đấy hai buồng. Hắn thụt đầu vào. Tôi cũng làm như thế. Tôi giơ cái ca ra. Họ rót cà-phê vào rồi đưa một ổ bánh mì tròn. Vì tôi đưa tay ra đón ổ bánh mì hơi chậm, khi cửa ghi-sê sụp xuống thì ổ bánh mì của tôi lăn xuống đất. Không đầy mười lăm phút sau im lặng đã trở lại. Chắc mỗi hành lang phải có một tốp đi phát bữa sáng, chứ không thì không thể nhanh như vậy. Đến giữa trưa có món xúp bỏ một miếng thịt hầm. Buổi chiều, một đĩa đậu ván xào. Cái thực đơn ấy trong suốt hai năm chỉ thay đổi trong bữa ăn chiều: đậu ván, đậu đỏ, đậu chiên, đậu đũa, đậu trắng và cơm xào. Bữa trưa thì lúc nào cũng chỉ có thế.

Cứ mười lăm ngày một lần, chúng tôi thò đầu ra ngoài ghi-sê, và một người tù khổ sai dùng một cái tông-đơ răng dày của thợ cắt tóc để cắt râu cho chúng tôi

Tôi ở đây đã được ba ngày. Có một điều làm cho tôi bận tâm. Ở đảo Royale, các bạn tôi có nói là sẽ gửi thuốc lá và thức ăn cho tôi. Tôi chưa nhận được thứ gì, vả lại tôi cũng băn khoăn không hiểu nổi họ lâm thế nào để có thể thực hiện dược một việc thần kỳ như vậy.

Cho nên tôi không lấy làm lạ khi không thấy có gì gửi đến. Hút thuốc lá chắc phải rất nguy hiểm, và dù sao đó cũng là thứ xa xỉ. Ăn thì hẳn là chuyện sống còn, vì xoong xúp trong bữa ăn trưa chỉ là một ít nước nóng lều bều vài nhúm rau xanh và một miếng thịt hầm chỉ độ một trăm gam. Buổi chiều chỉ có một đĩa đựng nước xào sền sệt, lưa thưa mấy hạt đậu hay mấy thứ rau quả khô. Nói thật, tôi không nghi ngờ ban quản trị cho tù ăn kém bằng nghi ngờ bọn tù nhân chuyên việc nấu ăn hay phân phát thức ăn. Tôi nảy ra cái ý này trong bữa chiều, khi một người tù quê ở Marseille bắt đầu vào đưa thức ăn. Cái muôi của anh ta vục xuống tận đáy thùng, cho nên trong suất của tôi đậu bao giờ cũng nhiều hơn nước. Nếu những người khác đưa bữa ăn chiều thì ngược lại họ chỉ hớt phía trên sau khi ngoáy ngoáy cái muôi một chút. Do đó nhiều nước mà ít đậu. Tình trạng thiếu dinh dưỡng này cực kỳ nguy hiểm. Muốn có đủ sức mạnh tinh thần để giữ vững ý chí, cần phải có ít nhiều sức mạnh thể chất.

Lúc này người ta đang quét ngoài hành lang. Tôi có cảm giác là người ta quét ở trước buồng giam của tôi hơi lâu quá. Tiếng chổi quẹt mãi vào cánh cưa buồng tôi một cách không bình thường. Tôi nhìn kỹ thì thấy một mẩu giấy trắng thò ra ở phía dưới cánh cửa. Tôi hiểu ngay rằng người ta đã tuồn một cái gì dưới cánh cửa nhưng không thể tuồn vào sâu hơn được. Người ta đợi cho tôi rút mẩu giấy vào rồi mới quét sang chỗ khác. Tôi mở mẩu giấy ra. Có mấy dòng chữ viết bằng mực dạ quang. Tôi đợi cho tên lính gác đi quá rồi đọc vội: “Papi, kể từ mai trong bô của anh mỗi ngày sẽ có năm điếu thuốc lá và một quả dừa. Khi ăn dừa phải nhai thật kỹ thì mới bổ. Nhớ nuốt cả bã. Hút thuốc vào buổi sáng khi họ đổ bô. Không bao giờ được hút sau bữa cà-phê sáng, phải hút trong bữa ăn trưa ngay sau khi ăn, và buổi chiều cũng vậy. Kèm theo đây có một mẩu ruột bút chì. Mỗi khi cần dùng thứ gì, cứ viết vào mẩu giấy kèm theo đây, khi người quét hành lang quệt chổi vào cánh cửa, hãy dùng ngón tay cào vào cửa. Nếu người kia cũng cào lại thì tuồn mẩu giấy ra. Đừng bao giờ tuồn mẩu giấy trước khi hắn cào lại để trả lời anh. Hãy để mẩu giấy vào tai để khỏi rút plan ra, còn mẩu ruột bút chì thì có thể để bất cứ chỗ nào ở chân tường. Can đảm lên. Các bạn hôn anh. Ignace, Louis.”

Người gửi cho tôi bức thông điệp này là Galgani và Dega. Tôi thấy nghẹn ngào ở cổ và một hơi ấm tràn đầy trong ngực; có được những người bạn trung thành, tận tụy như vậy thật là ấm áp. Và bước đi của tôi: một, hai, ba, bốn, năm, đằng sau quay, càng thêm vững vàng và nhanh nhẹn, với một mềm tin lớn hơn vào tương lai, một niềm tin tưởng chắc chắn rằng mình sẽ còn sống cho đến khi ra khỏi cái phần mộ này. Và tôi vừa đi vừa nghĩ: trong hai con người ấy có bao nhiêu là tình cảm cao thượng, có biết bao nhiêu ý chí muốn làm điều tốt. Chắc chắn là họ đã tự đặt mình vào một tình thế rất nguy hiểm: một người có thể mất chân kế toán, người kia mất chân liên lạc. Việc họ đang làm để giúp tôi thật là vĩ đại, chưa kể là họ phải tốn biết bao nhiêu tiền mới làm được như thế. Họ đã phải mua biết bao nhiêu người để với tay đến tận buồng giam của tôi trên cái đảo Royale “ăn thịt người”.

Bạn đọc cần hiểu rõ rằng một quả dừa khô chứa rất nhiều dầu trong cái cùi giòn và trắng của nó, chỉ cần nạo sáu quả dừa ngâm vào nước nóng thì một ngày sau trên mặt nước có thể vớt được một lít dầu. Thứ dầu này là một chất béo mà với chế độ ăn của chúng tôi người ta rất cần, nó chứa nhiều thứ sinh tố. Mỗi ngày một cái cùi dừa là gần đủ bảo đảm cho sức khỏe. Ít nhất người ta cũng không thể lâm vào tình trạng mất nước, cũng không thể chết vì suy dinh dưỡng. Đã hai tháng ròng tôi nhận được tiếp tế về thức ăn và thuốc hút mà không xảy ra chuyện gì cả. Mỗi lần hút thuốc tôi đều đề phòng cẩn thận như người Sioux: tôi nuốt khói vào thật sâu rồi nhả ra từ từ, vừa nhả vừa xòe bàn tay phải ra như cái quạt để xua cho khói tan đi.

Hôm qua vừa xảy ra một chuyện hơi lạ. Tôi không biết là tôi đã hành động đúng hay sai. Một tên lính gác đi trên đường tuần tra đã chống tay vào thanh vịn nhìn xuống buồng giam tôi. Hắn châm một điếu thuốc, hút vài hơi rồi để nó rơi xuống buồng giam tôi. Sau đó hắn lại đi tuần. Tôi đợi cho hắn trở lại rồi lấy chân chà lên điếu thuốc, sao cho hắn có thể trông thấy rõ. Bước hắn đi hơi ngưng lại một chút, nhưng không lâu: khi đã thấy rõ cử chỉ vừa rồi của tôi, hắn lại đi ngay. Có phải hắn thương hại tôi, hay thấy xấu hổ cho cái ban quản trị của hắn? Hay đây chỉ là một cái bẫy? Tôi không biết cho nên rất băn khoăn.

Khi người ta khổ, người ta trở nên hết sức nhạy cảm.

Nếu tên giám thị vừa rồi đã có ý muốn làm một người tốt bụng dù cái ý ấy chỉ được một vài giây, tôi cũng rất lấy làm tiếc vì đã làm hắn phiền lòng với cái cử chỉ khinh miệt của tôi.

Tôi ở đây thế là đã hơn hai tháng. Cái nhà giam cấm cố này là nhà giam duy nhất mà theo tôi trong đó không có gì có thể học được. Vì không thể có một cách dàn xếp nào hết. Tôi đã luyện tập được rất kỹ cái khả năng phân thân. Tôi có một chiến thuật có hiệu quả chắc chắn. Để đi lang thang giữa các vì sao với một cảm giác hiện thực thật cao, để dễ dàng thấy hiện ra những thời đoạn khác nhau trong dĩ vãng của cuộc đời giang hồ phiêu bạt của tôi hay của thời thơ ấu, hoặc giả để xây những tòa lâu đài ở Tây Ban Nha hiện rõ y như thật, lúc đầu tôi đã phải tốn rất nhiều sức. Tôi phải đi đi lại lại không ngớt mấy giờ đồng hồ liền, không ngồi xuống, không dừng lại, vừa đi vừa nghĩ bình thường về bất cứ vấn đề gì. Rồi đến khi thật mệt mỏi tôi mới nằm lên tấm ván, gối đầu lên một nữa tấm chăn, còn nửa kia thì đắp lên mặt. Bấy giờ làn không khí đã thưa thớt của phòng giam đi vào miệng tôi và mũi tôi một cách khó khăn vì bị tấm chăn lọc một lần nữa. Điều đó nhằm gây ra trong phổi tôi một tình trạng gần như ngạt thở khiến đầu tôi thấy nhức và nóng.

Trong trạng thái thiếu không khí và ngột ngạt vì nóng bức, tôi đột ngột thấy mình bay bổng lên. Ôi? Những cuộc phi hành của linh hồn ấy đã đem lại cho tôi bao nhiêu là cảm giác khôn tả. Tôi đã có được những đêm ân ái mà cảm giác còn mạnh hơn cả khi tôi được tự do, say sưa hơn, có sức chấn động hơn những cảm giác thật của những đêm ân ái mà tôi đã thực sự trải quạ Phải, cái khả năng du hành trong không gian ấy cho phép tôi ngồi bên cạnh mẹ tôi, người đã chết cách đây mười bảy năm. Tôi mân mê tà áo của người, và người vuốt ve những móc tóc quăn của tôi mà người bắt để rất dài hồi tôi mới năm tuổi, làm như thể tôi là con gái. Tôi vuốt ve mấy ngón tay thon và dài, da mịn như tơ. Người cùng cười với tôi khi thấy nảy ra cái ý muốn gan góc được lao xuống sông như tôi đã thấy những cậu con trai lớn tuổi hơn làm, vào một ngày hai mẹ con đi dạo với nhau. Những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong cách chái tóc của người, niềm thương mến có sức tỏa hào quang của đôi mắt sáng lóng lánh của người, những lời lẽ dịu dàng khó quên của người:

- Riri bé bỏng của mẹ, con hãy ngoan, thật ngoan nhé, để mẹ con thương con thật nhiều. Ít nữa rồi con cũng sẽ nhảy được xuống nước từ rất cao, rất cao. Còn bây giờ thì con còn bé quá, cục vàng của mẹ ạ. Ngày ấy sẽ đến rất nhanh, quá nhanh nữa là khác, cái ngày mà con sẽ thành một chàng trai to khỏe.

Và mẹ tôi dắt tay tôi đi dọc bờ sông về nhà. Tôi thực sự đang sống trong ngôi nhà của thời thơ ấu của tôi. Thực sự đến nỗi tôi đưa hai tay bịt mắt mẹ tôi để người không đọc được nốt nhạc nhưng vẫn tiếp tục chơi piano cho tôi nghe. Tôi đang ở nhà thật chứ không phải tưởng tượng. Tôi đang ở nhà với mẹ, tôi leo lên một chiếc ghế tựa đặt ở phía sau chiếc ghế quay mẹ tôi đang ngồi, và tôi đưa hai bàn tay nhỏ bé lên bít mắt mẹ tôi thật mạnh, để cho đôi mắt to và hiền của người đừng trông thấy gì. Mấy ngón tay thon nhẹ của người vẫn tiếp tục lướt trên các phím đàn đánh cho tôi nghe bài. Nàng quả phụ vui tươi cho đến hết.

Dù là tên công tố viên vô nhân đạo, hay là những tên cảnh sát mà sự lương thiện đáng cho người ta ngờ vực, hay là Polein, tên khốn kiếp đã chịu mặc cả để mua lấy tự do bằng một lời khai gian dối, hay là mười hai miếng phó-mát đã ngu xuẩn theo đuôi bản cáo trạng và cách thuyết minh sự việc của bên nguyên, hay là những tên lính gác ở nhà giam cấm cố, những cộng tác viên xứng đáng của cái ngục “ăn thịt người”, không có ai, tuyệt đối không có ai, và cũng không có cái gì, kể cả những bức tường dày và cái khoảng cách xa xôi của hòn đảo mất hút giữa Đại tây dương này, tuyệt nhiên không có một cái gì thuộc phạm trù tinh thần hay vật chất có thể ngăn cản nổi những cuộc du hành nhuộm màu hồng tuyệt vời của hạnh phúc khi tôi cất cánh bay bổng lên các vì sao.

Tôi đã sai lầm: khi tính thời gian phải một mình đối diện với bản thân, tôi chỉ nói đến thời gian bằng đơn vị giờ.

Đó là một sai lầm. Có những lúc phải đo thời gian bằng đơn vị phút. Chằng hạn, sau buổi phân phát cà-phê và bánh mì là giờ đổ bô - sau đó khoảng một tiếng đồng hồ. Khi người ta trả cái bô sạch tôi sẽ nhận được quả dừa, năm điếu thuốc lá và đôi khi cả một mảnh giấy viết chữ lân tinh. Những lúc ấy - không phải bao giờ cũng thế, nhưng rất nhiều khi như thế - tôi đếm từng phút một. Làm như thế cũng khá dễ dàng vì tôi điều chỉnh thân thể tôi thành một quả lắc, cứ năm bước, lúc quay trở lại, tôi nhẩm đếm: một. Đếm đến mười hai thì được một phút. Có điều là xin các bạn chớ tưởng rằng tôi lo lắng muốn biết rồi mình có được ăn cái cùi dừa, vốn chính là sự sống của tôi, có được hưởng cái thú vô biên là đang ở trong cái hầm mộ này mà lại được hút thuốc mười lần trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ (vì mỗi điếu thuốc lá tôi hút làm hai lần) hay không.

Không phải thế; vào giờ nhận cà phê, và tuy không có lý do gì đặc biệt, tôi cũng sợ rằng có một việc gì đã xảy ra với những người đang hy sinh sự yên tĩnh của mình để giúp tôi một cách hào phóng như vậy. Cho nên tôi chờ đợi, và đến khi trông thấy quả dừa tôi mới thở phào yên tâm. Quả dừa có đó, như thế có nghĩa là họ vẫn yên ổn.

Chầm chậm, rất chậm, những giờ, những ngày, những tuần, những tháng trôi qua. Rồi đến một lúc nào đó, tỉnh lại thấy mình đã ở đây được gần một năm.

Đúng mười một tháng và hai mươi ngày tôi chưa được nói chuyện với ai hơn bốn mươi giây, mà cũng chỉ nói nhát gừng, và nói thầm thì, chứ không thành tiếng. Tuy vậy có một hôm tôi cũng đã dự một cuộc đối thoại to tiếng. Hôm ấy tôi bị cảm và ho nhiều. Nghĩ rằng như vậy cũng đủ để xin đi khám, tôi liền báo cáo ốm. Bác sĩ đã đến. Trước sự kinh ngạc của tôi, cái ghi-sê mở ra. Trong cái khung hẹp ấy thấy hiện ra một cái đầu

- Anh làm sao? Anh đau gì? Phế quản à? Quay lưng lại. Ho đi.

Kìa, sao lạ thế nhỉ. Người ta đùa chăng? Thế nhưng đó lại là sự thật một trăm phần trăm. Một ông thầy thuốc xứ thuộc địa đã đến chẩn bệnh qua một cái ghi-sê, bảo tôi quay lưng lại đứng cách cánh cửa một mét, và ghé tai vào lỗ để nghe phổi tôi. Rồi ông ta lại nói:

- Thò tay ra.

Tôi toan làm theo như cái máy, thì do một thứ tự trọng nào đấy, tôi nói với cái ông thầy thuốc quái dị này:

- Cám ơn bác sĩ, phiền bác sĩ quá nhỉ. Thôi không cần. Chẳng ích gì đâu.

Ít nhất tôi cũng có đủ bản lĩnh để tỏ ra cho hắn hiểu rằng tôi không tưởng lầm là cái kiểu chẩn bệnh của hắn có chút gì nghiêm chỉnh.

- Tùy anh, - hắn đã có đủ vô liêm sỉ để trả lời như vậy.

Rồi bỏ đi. Cũng may, vì chỉ chút nữa tôi đã nổ tung ra vì phẫn nộ...

Một, hai, ba, bốn, năm, đằng sau quay. Một, hai, ba, bốn, năm, đằng sau quay. Tôi đi đi lại lại, đi đi lại lại mãi, không mỏi mệt, không dừng lại, và hôm nay tôi đi đi lại lại một cách giận dữ, hai chân tôi căng thẳng chứ không buông lơi một cách thư thái như thường lệ. Dường như sau sự việc vừa xảy ra, tôi cần phải xéo nát một cái gì. Chân tôi thì có thể giẫm lên cái gì?

Dưới chân tôi chỉ có xi-măng. Không, tôi giẫm lên rất nhiều thứ trong khi đi như vậy. Tôi giẫm lên sự hèn hạ của tên bác sĩ đã cam tâm chịu chiều theo ý Ban Quản trị để làm những việc tởm lợm như vậy. Tôi giẫm lên thái độ dửng dưng của một tầng lớp người trước sự đau khổ của một tầng lớp người khác. Tôi giẫm lên sự ngu dốt của dân tộc Pháp không hề quan tâm, không hề tò mò muốn biết những đồng bào của họ cứ hai năm lại được lùa lên tàu như những bầy gia súc qua Saint- Martinđe-Ré là để đi đến đâu và được đối xử như thế nào. Tôi giẫm lên các phóng viên của các báo chí cánh tả, sau khi viết những bài báo chua ngoa về một con người đã phạm tội nào đấy thì chỉ mấy tháng sau là đã không còn nhớ rằng trên đời có một người như thế. Tôi giẫm lên bọn linh mục công giáo đã nghe các phạm nhân xưng tội, biết rất rõ những gì đang diễn ra ở trại khổ sai của Pháp mà vẫn im hơi lặng tiếng. Tôi giẫm lên một hệ thống xử án biến việc cân nhắc công bằng thành một cuộc đấu khẩu giữa kẻ buộc bội và kẻ bào chữa.

Tôi giẫm lên tổ chức Liên minh Nhân quyền và Dân quyền không hề lên tiếng để nói: Hãy chặn đứng cái máy chém khô của các người lại, hãy hủy diệt cái tâm lý xa-đích tập thể đang hoành hành trong giới viên chức Hành chính. Tôi giẫm lên cái tình trạng tệ mạt là không có một tổ chức hay hiệp hội nào chất vấn những kẻ có trách nhiệm về hệ thống xử án này để hỏi họ xem tại sao và làm thế nào mà trại khổ sai cứ hai năm lại chết mất tám mươi phần trăm dân số của nó. Tôi giẫm lên những tờ giấy báo tử của tổ chức y tế nhà nước: tự tử, suy dinh dưỡng, suy nhược toàn thân, hoại huyết, ho lao, điên loạn, dở hơi. Tôi còn biết tôi đang giẫm lên những gì nữa? Nhưng dù sao, sau sự việc đã xảy ra, tôi không còn đi bình thường nữa, cứ mỗi bước tôi lại xéo nát một cái gì.

Một, hai, ba, bốn, năm,... và những giờ phút chảy qua chầm chậm làm cho cuộc nổi loạn thầm lặng của tôi lắng dần vì mệt mỏi. Còn mười ngày nữa tôi sẽ qua được một nửa thời hạn cấm cố. Đây quả là một kỷ niệm rất đáng ăn mừng, vì nếu không kể cái bệnh cảm khá nặng kia, sức khỏe tôi vẫn tốt. Tôi vẫn không điên, mà cũng chưa bước vào quá trình trở thành điên. Tôi tin chắc, thậm chí chắc một trăm phần trăm là sẽ ra khỏi chốn này khỏe mạnh về thể chất và tinh thần khi cái năm đang sấp bắt đầu sẽ hết.

Tôi sực tỉnh vì ngoài kia có tiếng nói rì rầm.

- Hắn đã chết khô từ bao giờ ấy. Durand ạ. Sao, ban nãy anh không nhận thấy à?

- Thưa sếp tôi không biết ạ. Vì hắn treo cổ trong góc tường phía lối đi tuần cho nên tôi đi qua nhiều lần mà không trông thấy.

- Cái đó không quan trọng, nhưng phải thú nhận rằng anh không trông thấy hắn là phi lôgíc.

Người bị giam ở buồng bên trái đã tự tử.

Đó là điều mà tôi đã hiểu ra, họ đến khiêng hắn đi. Cánh cửa khép lại. Nội quy đã được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh vì cánh cửa ấy đã được mở ra và đóng lại trước mắt một “cấp trên” là viên giám đốc của nhà giam cấm cố mà tôi đã nhận ra giọng nói. Đó là người thứ năm đã chết trong các buồng giam ở quanh tôi trong vòng mười tuần.

Ngày kỷ niệm một năm cấm cố đã đến. Trong cái bô tôi thấy có một hộp sữa đặc Nestlé. Đó là một cử chỉ điên rồ của các bạn tôi. Họ đã tìm mua hộp sữa này với một giá đắt không thể tưởng tượng nổi và đã liều lĩnh gửi nó cho tôi. Dù sao tôi cũng đã có được một ngày đắc thắng trước sự tàn nhẫn của số phận. Cho nên tôi tự hứa là không bay đi đâu cả. Tôi đang ở nhà giam cấm cố. Một năm đã qua từ khi tôi đến đây, thế mà tôi vẫn tự cảm thấy đủ sức để lên đường vượt ngục ngày mai nếu có cơ hội. Bản tổng kết như vậy là tíchh cực, và tôi tự hào về nó.

Thông qua người quét hành lang buổi trưa, tôi nhận được mấy chữ của các bạn (đó là một việc khác thường): “Can đảm lên. Chỉ còn một năm nữa thôi. Chúng tôi biết cậu vẫn khỏe. Chúng tôi cũng bình thường, yên ổn. Chúng tôi hôn cậu. Louis, Ignace. Nếu tiện, cậu gửi cho chúng tôi mấy chữ, đưa ngay cho người đã trao cậu mảnh giấy này.”

Trên mảnh giấy trắng gửi kèm theo bức thư tôi viết: “Cám ơn về tất cả. Tôi khỏe mạnh, và nhờ các cậu tôi hy vọng vẫn sẽ như thế này sau một năm. Có thể cho tôi biết tin Clousiot, Maturette không?” Quả nhiên một lúc sau người quét hành lang trở lại, cào vào cửa tôi. Tội vội vàng nhét mảnh giấy dưới cửa, nó biến ngay. Suốt ngày hôm ấy và một phần đêm ấy, tôi ở lại trên mặt đất, trong cái trạng thái mà tôi đã mấy lần tự hứa là sẽ giữ. Một năm nữa tôi sẽ được đưa về một trong hai đảo. Royale hay Saint-Joseph? Tôi sẽ nói chuyện, hút thuốc đến đã đời thì thôi, và lập tức sẽ chuẩn bị vượt ngục.

Hôm sau tôi bước vào ngày thứ nhất trong số ba trăm sáu mươi lăm ngày còn lại, lòng vững tin vào số phận của mình. Tám tháng tiếp theo, mọi sự đã trôi qua đúng như tôi dự kiến. Nhưng đến tháng thứ chín thì tình hình trở nên nghiêm trọng. Sáng hôm ấy, đến giờ để bô, người đưa dừa bị bắt quả tang vào lúc đẩy cái bô vào buồng tôi, trong đó đã để sẵn quả dừa và năm điếu thuốc lá.

Việc vừa xảy ra nghiêm trọng đến nỗi trong mấy phút đồng hồ họ đã quên mất quy chế im lặng tuyệt đối. Tiếng người ta đấm đá người tù khốn khổ kia nghe rất rõ. Sau đó là tiếng rên khò khè của một người đã bị đánh một đòn chí mạng. Cái ghi-sê của tôi mở ra và một cái mặt lính gác đỏ bừng quát vào buồng:

- Còn mày nữa, hãy đợi đấy!

- Tao sẵn sàng đợi mày, thằng chó đẻ! - Tôi trả lời thần kinh căng thắng đến tột độ vì đã phải ngồi im nghe chúng nó đánh dập người tù khốn khổ kia.

Việc ấy đã xảy ra lúc bảy giờ. Đến mười một giờ, một phái đoàn do viên phó chỉ huy nhà giam cấm cố đứng đầu đến buồng tôi. Người ta mở cánh cửa đã đóng lại sau lưng tôi cách đây hai mươi tháng và từ đó chưa bao giờ được mở ra. Tôi đang đứng ở cuối buồng giam, tay cầm cái ca, giữ thế thủ, quyết tâm đánh trả đến cùng, vì hai lẽ: thứ nhất là để cho bọn lính gác khi đánh tôi sẽ được trừng trị đích đáng, thứ hai là đế chúng nó đánh tôi chết thật nhanh. Nhưng mãi chẳng thấy chúng làm gì cả, viên phó chỉ huy nói:

- Phạm nhân, bước ra.

- Nếu các anh bảo tôi ra để đánh tôi thì hãy coi chừng: tôi sẽ đánh lại. Mà tôi chẳng dại gì ra để bị đánh từ bốn phía. Tôi cứ đứng đây, hễ đứa nào động vào tôi tôi sẽ cho đi đời ngay.

- Charrière, người ta sẽ không đánh anh đâu.

- Ai bảo đảm điều đó?

- Tôi, phó chỉ huy nhà giam.

- Anh có danh dự không mà bảo đảm?

- Anh đừng thóa mạ tôi, vô ích. Tôi lấy danh dự hứa với anh rằng anh sẽ không bị đánh. Nào ra đi!

Tôi vẫn cầm cái ca trong tay.

- Anh có thể giữ cái ca, anh không phải dùng đến nó đâu.

- Được.

Tôi bước ra, và đi giữa sáu tên giám thị cùng đi với viên phó chỉ huy, vượt qua suốt chiều dài của hành lang. Ra đến sân, tôi thấy chóng mặt và chói mắt dữ dội, phải nhắm nghiền lại. Cuối cùng tôi trông thấy cái nhà nhỏ nơi họ đã đón chúng tôi. Ở đấy có khoảng mười hai tên giám thị. Không xô đẩy, họ đưa tôi vào phòng “quản trị”. Giữa nền nhà bê bết máu, một người tù đang nằm rên rỉ. Khi thấy cái đồng hồ treo trên tường chỉ một giờ, tôi nghĩ: “Tội nghiệp, chúng nó tra tấn anh ta bốn tiếng đồng hồ rồi.” Viêm giám đốc đang ngồi sau bàn giấy, viên phó giám đốc ngồi xuống cạnh hắn ta.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3