Papillon - Người tù khổ sai - Chương 25 phần 3

- Charrière, anh nhận thức ăn và thuốc lá bao lâu rồi?

- Anh kia đã nói cho các ông biết rồi còn gì.

- Tôi hỏi anh ấy.

- Tôi thì bị bệnh mất trí nhớ, hôm qua có chuyện gì tôi không thể biết được.

- Anh giễu chúng tôi đấy à?

- Không, việc này mà người ta không ghi vào hồ sơ của tôi thì lạ thật. Tôi bị mất trí nhớ vì một đòn đánh vào đầu.

Viên giám đốc nghe câu trả lời của tôi ngạc nhiên quá quay ra hỏi:

- Gọi điện hỏi Royale xem thử trong hồ sơ có ghi gì về việc này không?

Trong khi người ta gọi điện thoại, hắn nói tiếp:

- Anh có nhớ mình tên là Charrière chứ?

- Cái đó thì có. - Đoạn tôi nói tiếp thật nhanh để làm cho họ ngỡ ngàng hơn nữa, nói như một cái máy: - Tôi tên là Charrière, tôi sinh năm 1906 ở tỉnh Ardèehe, bị xử án chung thân ở Paris, quận Seine.

Ông ta trợn mắt tròn xoe như hai hòn bi, và tôi cảm thấy mình đã làm cho viên giám đốc lung lay thực sự.

- Sáng nay anh vẫn được phát cà-phê và bánh mì đấy chứ?

- Vâng.

- Tối hôm qua người cho anh ăn món đậu gì?

- Tôi không biết.

- Thế thì theo anh, anh không còn chút trí nhớ gì sao?

- Những việc xảy ra thì hoàn toàn không nhớ chút gì. Mặt thì tôi nhớ. Chẳng hạn như tôi nhớ rằng ông có tiếp tôi một lần. Vào lúc nào thì tôi không biết.

- Thế anh không biết anh còn phải bị giam bao lâu nữa sao?

- Chung thân mà? Hình như đến khi chết.

- Không! Hạn giam cấm cố ấy.

- Tôi mà bị giam cấm cố à? Vì tội gì?

- Ơ thế thì thật quá sức! Mẹ kiếp! Anh đừng làm cho tôi nổi khùng lên. Anh dám nói rằng anh không nhớ đã bị xử hai năm vì tội vượt ngục sao? Gớm thật!

Đến đây, tôi hạ nốt đòn cuối cùng cho hắn gục hẳn:

- Tôi mà lại vượt ngục à? Thưa ông chỉ huy, tôi là người nghiêm chỉnh và có trách nhiệm. Xin ông cứ đi với tôi về buồng giam, ông sẽ rõ là tôi có vượt ngục hay không.

Vừa lúc ấy một tên cảnh sát nói với viên chỉ huy:

- Thưa xếp, có điện của Royale gọi.

Viên giám đốc đến cầm máy lên:

- Không ghi gì cả à? Lạ thật, hắn bảo là hắn bị mất trí nhớ... Nguyên nhân à? Bị đánh vào đầu... hiểu rồi, hắn giả vờ. Ai mà biết... Vâng, xin lỗi thiếu tá, tôi sẽ kiểm tra lại. Chào thiếu tá... Vâng, tôi sẽ báo cáo lại để thiếu tá rõ.

- Đồ kép hát, xem cái đầu nào. Ừ, mà phải. Có một vết thương khá dài. Thế anh làm cách nào mà nhớ được rằng anh bị mất trí nhớ từ khi bị đánh cú này, hả? Nói đi xem nào?

- Tôi không hề giải thích, tôi chỉ ghi nhận rằng tôi nhớ là đã bị đánh, nhớ rằng tên tôi là Charriène.

Tôi còn nhớ nhiều thứ khác nữa ấy chứ.

- Rốt cuộc anh muốn nói gì hay làm gì?

- Vấn đề đó thì chúng ta đang bàn đây thôi. Ông hỏi tôi là người ta gửi thức ăn và thuốc hút cho tôi từ bao giờ. Vậy tôi xin trả lời dứt khoát: tôi không biết; chắc đây là lần đầu, nhưng cũng có thể là lần thứ một ngàn. Bị bệnh mất trí nhớ, tôi không thể trả lời rõ hơn được. Xin hết, các ông muốn làm gì tôi thì làm.

- Điều mà tôi muốn cũng đơn giản thôi. Anh đã ăn quá tiêu chuẩn lâu rồi, thế thì bây giờ phải để cho anh gầy đi một chút. Bỏ bữa ăn chiều cho đến hết thời hạn giam cấm cố.

Ngay hôm ấy, tôi nhận được một mảnh giấy lúc họ đi quét hành lang lần thứ hai. Tiếc thay tôi không đọc được vì nó không được viết bằng mực lân tinh. Đến khuya, tôi châm một chiếu thuốc lá còn lại từ hôm qua đã thoát khỏi cuộc khám xét vì nó được giấu rất kỹ trong tấm ván nằm. Rít mạnh điếu thuốc cho đốm lửa sáng lên, tôi dần dần đọc được: “Người đổ bô đã giữ vững. Anh ta khai đây là lần thứ hai anh đưa thức ăn vào cho cậu, một cách hoàn toàn tự nguyện. Lại khai là đã làm như thế vì trước kia có quen cậu ở Pháp. Sẽ không có ai bị liên lụy ở Royale. Can đảm lên.” Vậy là tôi bị tước mất món lửa, thuốc lá và tin tức của bạn bè ở Royale. Hơn nữa họ đã cúp mất bữa ăn chiều của tôi. Tôi đã quen với tình trạng không phải chịu đói và với mười lần hút thuốc lá mà trước đây tôi vẫn dùng để lấp thời gian trong ngày và một phần đêm. Không phải tôi chỉ nghĩ đến mình, tôi nghĩ đến người tù đáng thương bị chúng nó đánh đập tàn nhẫn vì tôi mong rằng anh ta sẽ không bị phạt quá nặng.

Một, hai, ba, bốn, năm đằng sau quay... Một hai, ba, bốn, năm đằng sau quaỵ Mày sẽ không dễ gì chịu được cái chế độ ăn đói này đâu, Papi ạ, và bây giờ mày sẽ ăn ít như vậy thì có lẽ phải thay đổi chiến thuật chăng? Chẳng hạn nằm đến mức tối đa để khỏi tiêu hao năng lượng. Càng ít cứ động thì đốt càng ít ca-lo-ri. Những lúc không nằm thì cố ngồi trong nhiều giờ.

Bây giờ tôi phải tập sinh hoạt theo một kiểu khác. Bốn tháng là một trăm hai mươi ngày. Cứ cái chế độ ăn này thì bao lâu tôi sẽ bắt đầu thiếu máu? Ít nhất là hai tháng. Vậy trước mắt tôi có hai tháng quyết định. Khi tôi đã quá yếu thì các bệnh tật sẽ có được một mảnh đất tuyệt vời để hoành hành. Tôi quyết định là sẽ nằm từ sáu giờ chiều đến sáu giờ sáng. Tôi sẽ đi đi lại lại từ khi đưa cà-phê cho đến khi thu bô, nghĩa là khoảng hai giờ. Đến giữa trưa, sau bữa xúp, lại đi khoảng hai giờ nữa. Cả thảy là bốn giờ đi đi lại lại. Thời gian còn lại thì ngồi hay nằm.

Không mệt thì sẽ khó bay đi lang thang. Nhưng tôi vẫn sẽ cố bay thử.

Hôm nay, sau một hồi lâu suy nghĩ đến các bạn và đến người tù khốn khổ đã bị hành hạ tàn nhẫn vì tôi tôi bắt đầu tập dượt cho quen với cái kỷ luật mới này. Kết quả khá tốt, tuy tôi thấy thời gian trôi chậm hơn, và đôi chân tôi không làm việc mấy giờ liền cứ thấy buồn buồn như chứa đầy kiến.

Cái chế độ này đã thi hành được mười ngày. Bây giờ tôi đói thường xuyên. Tôi đã bắt đầu lâm vào tình trạng mỏi mệt kéo dài. Tôi thấy thèm dừa quá, và cũng thèm thuốc lá nữa. Tôi đi nằm rất sớm và chỉ một lát sau, không lâu lắm, tôi đã vượt ra khỏi buồng giam trong tưởng tượng. Hôm qua, tôi ở Paris, dang ngồi uống sâm banh ở quán Au Rat Mort với mấy thằng bạn, trong đó có Antonio de Londres, quê quán ở Baléares, nhưng nói tiếp Pháp như một người Paris và nói tiếng Anh như một tay roastbeef chính cống của xứ Anh-cát-lợi. Hôm sau ở quán Au Marronnier trên đại lộ Clichy, cậu ta giết một người bạn bằng năm phát súng lục. Trong giới giang hồ những sự đổi thay từ tình bạn sang căm thù diễn ra rất nhanh. Phải, hôm qua tôi ở Paris, khiêu vũ trong tiếng đàn accordéon ở tiệm Petit Jardin, đại lộ Saint-Quen, khách đến nhảy toàn người Corse và người Marseillẹ Tất cả các bạn tôi lần lượt hiện ra trong chuyến du hành tưởng tượng này một cách rõ rệt và chính xác đến nỗi tôi không một giây nào nghi ngờ sự có mặt của họ cũng như sự có mặt của tôi ở những nơi mà tôi đã sống qua những đêm diễm phúc ấy. Như vậy, (tôi) không đi nhiều, với chế độ ăn rất có hẹp này tôi vẫn đạt được một kết quả tương đương như cái kết quả đạt được bằng cách làm cho thân thể mỏi mệt. Những hình ảnh của quá khứ lôi tôi ra khỏi buồng giam một cách mạnh mẽ đến nỗi tôi thực sự được sống nhiều giờ tự do hơn là những giờ cấm cố. Chỉ còn một tháng nữa.

Đã ba tháng rồi tôi chỉ ăn một ổ bánh mì tròn và một xoong xúp nóng không có chất bột vào bữa trưa với miếng thịt hầm của nó. Tình trạng đói thường xuyên đã đưa tôi đến chỗ vừa nhận xong xoong xúp tôi đã vội vàng nhìn kỹ miếng thịt xem thử có phải nó chỉ là một miếng da như đã từng xảy ra khá nhiều lần không.

Tôi đã gầy đi nhiều, và bây giờ tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của trái dừa mà tôi đã may mắn nhận được trong hai mươi tháng liền đối với việc duy trì sức khỏe và trạng thái cân bằng trong tình cảnh bị gạt ra ngoài cuộc sống.

Sáng nay, sau khi uống suất cà-phê, tôi thấy bứt rứt khác thường. Tôi đã tự buông thả đến mức ăn một lúc hết nửa ổ bánh mì, điều mà tôi không bao giờ làm. Mọi khi tôi cắt nó ra làm bốn miếng gần bằng nhau dể ăn làm bốn lần, vào lúc sáu giờ sáng, vào giữa trưa, vào sáu giờ chiều, và miếng cuối cùng vào ban đêm. “Sao lại làm như vậy.” Tôi tự mắng nhiếc một mình. “Sắp kết thúc rồi mà mày lại tự cho phép sa ngã một cách nghiêm trọng như thế - “Tôi đói, và tự cảm thấy không còn sức mạnh - “Sao mày lắm tham vọng thế. Làm sao mày lại có thể mạnh được trong khi ăn như vậy? Điều quan trọng là mày yếu, đúng vậy, nhưng mày không đau ốm: và điểm này mày là kẻ chiến thắng. Xét một cách lỗgích, nếu mày không quá rủi ro, cái nhà giam ‘ăn thịt người’ này rốt cục sẽ thua mày trong cuộc tỷ thí.”

Sau hai giờ đi đi lại lại, tôi ngồi trên cái khối xi- măng dùng làm ghế. Còn ba mươi ngày nữa, tức bảy trăm hai mươi giờ, cánh cửa kia sẽ mở ra và người ta sẽ nói với tôi:

- Phạm nhân Charriere, ra đi. Anh đã mãn hạn hai năm cấm cố.

Và tôi sẽ nói gì? Tôi sẽ nói:

- Vâng, cuối cùng tôi cũng đã kết thúc được hai năm đày đọa này.

Ồ, không được, sao lại nói thế! Nếu đó là viên giám đốc mà mày đã chơi xỏ vụ “mất trí nhớ” mày phải tiếp tục chơi cái trò đó, tỉnh bơ như không. Mày sẽ nói:

- Sao, tôi được ân xá rồi à? Tôi được về Pháp à? án chung thân của tôi đã mãn hạn à

Chẳng qua để côi bộ mặt của hắn và cho hắn thấy rằng cái chế độ ăn đói mà hắn dùng để trừng phạt mày là một hành động bất công.

- Trời ơi, mày làm sao thế? Bất công hay không, tên giám đốc kia đếch cần. Đối với một tâm địa như vậy thì phạt oan hay không có gì quan trọng đâu? Chẳng lẽ mày nghĩ rằng hắn ân hận vì đã trừng phạt mày một cách bất công sao? Từ nay trở đi tao cấm mày không được coi một tên cai ngục như một con người bình thường. Không có một con người nào đáng được gọi là người lại có thể làm cái nghề này. Trên đời, cái gì người ta cũng có thể quen đi, thậm chí suốt đời quen với cái sự nghiệp của một thằng khốn nạn. May ra chỉ khi nào gần kề miệng lỗ thì nỗi sợ hãi trước Thượng đế mới có thể làm cho hắn ân hận và sám hối, nếu hắn có một tôn giáo. Không phải thực sự hối hận về những hành vi bỉ ổi mà hắn đã làm, chẳng qua vì sợ sự phán xử của Thượng đế, trong đó bản thân hắn là kẻ bị xử tội. Như vậy, khi ra khỏi nhà lao cấm cố, có được đưa về đảo nào chăng nữa, ngay từ đầu mày chớ có chút nào thỏa hiệp với giống người này: Mày với chúng nó đối lập hoàn toàn với nhau, và ở giữa có một đường phân giới rất rạch ròi. Một bên là sự hèn hạ, là quyền thế câu nệ không hồn, là bệnh xa-đích bẩm sinh, có tính chất bản năng, máy móc trong những phản ứng của nó; và bên kia là tôi và những người cùng cảnh ngộ, chắc chắn là phạm những tội nặng, nhưng đã được sự đau khổ tạo cho những phẩm chất vô giá; tình thương xót lòng nhân hậu, sự tôn quý, lòng dũng cảm.

Hoàn toàn thành thật mà nói, tôi thà làm tên tù khổ sai còn hơn làm một tên cai ngục.

Chỉ còn hai mươi ngày nữa. Tôi cảm thấy trong người yếu lắm rồi. Tôi có nhận thấy ổ bánh mì của tôi bao giờ cũng thuộc loại nhỏ. Ai là kẻ có thể tự hạ mình đến mức chọn bánh mì nhỏ cho tôi? Từ mấy ngày rồi trong xoong xúp của tôi chỉ có nước nóng, và suất thịt bao giờ cũng là một cái xương có ít thịt dính quanh, nếu không phải là một miếng da. Tôi sợ mình lăn ra ốm. Nỗi lo sợ này cứ ám ảnh tôi. Tôi yếu đến nỗi trong khi thức tôi chẳng cần cố gắng một chút nào cũng có thể mơ tưởng bất cứ điều gì. Tình trạng mệt mỏi rã rời kèm theo một tâm trạng chán nản trầm trọng làm cho tôi rất lo ngại. Tôi tìm mãi cách phản ứng, nhưng phải khó khăn lắm mới qua được hai mươi bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày. Có tiếng cào ngoài cửa. Tôi hối hả rút mảnh giấy. Nó viết bằng bút dạ quang. Đó là một bức thư của Dega và Galgani. “Cậu viết cho chúng mình mấy chữ đi. Rất lo ngại về tình trạng sức khỏe của cậu. Còn mười chín ngày nữa, can đảm lên. Louis, lgnace.” Kèm theo có một mẩu giấy và một khúc ruột bút chì đen. Tôi viết: “Tôi còn chịu được, tuy rất yếu. Cám ơn. Papi.”

Khi nghe tiếng chổi cào cửa lần nữa, tôi luồn mẫu giấy ra. Bức thư nhỏ, không kèm điếu thuốc lá và quả dừa, đối với tôi vẫn là một cái gì hơn tất cả các thứ đó. Sự thể hiện này của một tình bạn chung thủy tuyệt vời đã cho tôi sức khích lệ mà tôi đang cần. Ở bên ngoài, các bạn biết tôi ra sao và nếu tôi lâm bệnh, thế nào các bạn tôi cũng sẽ tìm cách thúc dục bác sĩ chăm sóc tôi tử tế. Các bạn tôi nói đúng: chỉ còn mười chín ngày nữa tôi sẽ đến đích trong cuộc chạy đua gian khổ với cái chết và với sự điên rồ. Tôi sẽ không lâm bệnh.

Phần tôi là phải làm thật ít động tác để chỉ tiêu hao những ca-lo-ri không thể không dùng đến. Tôi sẽ bỏ bớt hai giờ đi đi lại lại buổi sáng và hai giờ buổi chiều. Đó là cách duy nhất để giữ vững. Cho nên suốt đêm, trong mười hai tiếng đồng hồ tôi nằm và mười hai tiếng còn lại, tôi ngồi yên trên cái ghế xi-măng. Thỉnh thoảng tôi đứng dậy, duỗi tay ra co tay vào mấy lần, rồi lại ngồi xuống.

Chỉ còn mười ngày nữa.

Tôi đang dạo chơi ở Trinidad, những cây đàn cò một dây của người Java đang ru tôi với những giai điệu ai oán thì một tiếng gớm ghiếc, nghe không còn ra tiếng ngươi nữa, lôi thôi về cõi thực. Tiếng hét này từ một buồng giam ở sát phía sau buồng tôi hay gần như thế, rất gần, tôi lắng tai nghe:

- Thằng khốn kiếp, mày xuống đây đi, xuống cái hố này. Mày đứng trên ấy giám sát tao mãi mà không chán à? Mày không thấy là mày bị thiệt mất một nửa cảnh vì dưới này tối quá à?

- Anh im đi, nếu không sẽ bị phạt nặng đấy? - Tên lính gác nói.

- À à? Mày nói nghe thối bỏ mẹ, đồ mặt l...? Mày bảo còn có cách gì phạt nặng hơn là sự im lặng này? Mày muốn phạt bao nhiêu cứ phạt, nếu thích thì cứ đánh đập tao đi, tên đao phủ ghê tởm kia, nhưng mày sẽ không bao giờ tìm được một cái gì có thể so sánh với sự im lặng mà mày bắt tao phải giữ. Không, không, không? Tao không chịu thế này nữa đâu, tao không chịu im lặng nữa đâu, tao không thể im lặng mãi được nữa? Lẽ ra từ ba năm trước tao phải nói vào mặt mày: đồ khốn nạn? Đồ cứt đái? Thế mà tao đã ngu dại đến nỗi đợi ba mươi sáu tháng rồi mới chửi vào mặt mày, chỉ vì sợ trừng phạt? Tao nhổ vào mặt mày và cả bọn chúng mày, đồ cai ngục thối nát?

Một lát sau có tiếng cửa mở và tôi nghe thấy:

- Không, không phải thế! Mặc trái vào cho nó, như thể hiệu quả hơn nhiều?

Người tù đáng thương gào lên:

- Mày muốn mặc áo cùm cho tao cách nào thì cứ mặc đi, đồ sâu bọ! Mặc ngược cũng được, riết thật chặt vào cho tao chết ngạt đi, kề đầu gối vào mà rút dây cho chặt. Đằng nào thì tao cũng cứ nói rằng mẹ mày chỉ là một con lợn cái, còn mày chỉ có thể là một đống cứt?

Chắc chúng nó đã ghét giẻ vào mồm người tù vì tôi không còn nghe thấy gì nữa. Cánh cửa đã đóng lại.

Cảnh vừa qua chắc đã làm cho tên lính gác trẻ tuổi đang đi lại lại phía trên xúc động vì mấy phút sau hắn đứng lại trước buồng giam tôi và nói:

- Chắc anh ta phát điên rồi.

- Anh nghĩ thế à? Những điều anh ta nói ra đều phải cả đấy chứ.

Tên lính gác sửng sốt một lúc rồi bỏ đi sau khi ném một câu:

- Thế à, thế thì anh cũng sẽ theo gót hắn thôi?

Việc vừa xảy ra dã tách tôi khỏi những người tốt bụng, những tiếng đàn cò, những đôi vú Ấn Độ, cái cảng Port of Spain, và lôi tôi về cái thực tế đáng buồn của nhà giam cấm cố.

Còn mười ngày nữa, tức hai trăm bốn mươi giờ, phải chịu đựng.

Cái chiến thuật không cử động đã đem lại kết quả.

Nếu đó không phải là do những giờ cuối ngày trôi qua một cách êm đềm, hay là nhờ mẩu giấy của các bạn tôi. Tôi có thiên hướng nghĩ rằng sở dĩ mình tự cảm thấy mạnh mẽ hơn là nhờ một sự so sánh đã đến với tôi như một điều hiển nhiên: tôi chỉ còn cách giờ ra khỏi nhà giam có hai trăm bốn mươi tiếng đồng hồ, tôi yếu nhưng óc tôi vẫn nguyên vẹn, năng lực của tôi chỉ cần thêm một ít sức nữa là có thể làm việc trở lại một cách hoàn hảo. Trong khi đó thì sau lưng tôi, chỉ cách hai mét, sau bức tường này, một người tù khốn khổ đang bước vào giai đoạn thứ nhất của sự điên rồ, có lẽ là bước vào bằng một ngưỡng cửa không nên vượt qua: ngưỡng cửa của bạo lực. Người ấy sẽ không sống lâu nữa, vì sự nổi loạn của anh ta khiến cho bọn cai ngục cơ hội sừ dụng những biện pháp đã nghiên cứu rất kỹ để giết anh ta một cách thật khoa học. Tôi tự trách mình là đã cảm thấy mình mạnh hơn chỉ vì người kia bại trận. Tôi tự hỏi, không biết mình có phải là một trong những kẻ ích kỷ mà vào những ngày mùa đông, chân đi giày ấm, tay đi găng, mình khoác tấm áo lông dày, đang nhìn những đám người lao động đang đi làm ăn mặc phong phanh, người rét cóng, hai tay tím lại vì gió rét, đang hớt hải chạy cho kịp chuyến xe buýt hay chuyến mé tro đầu tiên, càng nhìn họ càng thấy mình ấm áp và thường thức cái cảm giác ấy một cách trọn vẹn hơn bao giờ hết.

Trên đời này, nhiều khi mọi sự chỉ là do so sánh mà có. Đúng thế, người ta có thể nghĩ: tôi bị mười năm nhưng Papillon thì bị chung thân. Đúng thế, tôi bị chung thân, nhưng tôi mới hai mươi tám tuổi, còn anh kia chỉ bị mười lăm năm, nhưng tuổi anh đã năm mươi rồi. Dù sao cuối cùng tôi cũng đã gần đến đích, và tôi hy vọng rằng chỉ trong vòng sáu tháng là cùng tôi sẽ lại sung sức về mọi phương diện - thể chất, tinh thần, ý chí - để thực hiện một cuộc vượt ngục ngoạn mục.

Người ta đã phải nói nhiều về chuyến vượt ngục đầu tiên, chuyến thứ hai sẽ được khắc lại trên những phiến đá xây tường của tại khổ sai. Tôi không chút nghi ngờ.

Tôi sẽ ra đi trước sáu tháng: đó là điều hoàn toàn chắc chắn.

Đây là đêm cuối cùng của tôi ở nhà giam cấm cố. Cách đây một vạn bảy ngàn năm trăm tám giờ tôi đã bước vào buồng giam hai trăm ba tư. Họ đã mở cửa ra một lần để giải tôi ra trước mặt viên giám đốc cho hắn xử tội.

Ngoài người tù ở buồng bên mỗi ngày thường trao đổi với tôi mấy tiếng nhát gừng, người ta đã nói chuyện với tôi bốn lần. Một lần để nói rằng khi có tiếng còi huýt có thể hạ ván xuống: đó là ngày thứ nhất. Một lần là các ông bác sĩ nói:

- Quay lưng lại ho đi.

Một buổi nói chuyện dài hơn và sôi nổi hơn với viêm giám đốc. Và hôm trước là bốn câu trao đổi với tên lính gác bị người tù phát điên làm cho xúc động. Giải khuây như vậy thật không lấy làm gì phong phú! Tôi chìm vào một giấc ngủ yên lành, trong ý nghĩ không có gì khác hơn là: ngày mai người ta sẽ mở hẳn cánh cửa này. Ngày mai tôi sẽ được nhìn thấy ánh mặt trời, và nếu họ đưa tôi sang Royale tôi sẽ được hít thở không khí của biển khơi. Ngày mai tôi sẽ được tự do. Tôi bật cười. Tự do là thế nào? Ngày mai mày bắt đầu chính thức hưởng cái án khổ sai chung thân. Thế mà mày gọi là tự do ư? Tôi biết, tôi biết chứ, nhưng cuộc sống ở bên ngoài không thể nào so sánh với cuộc sống mà tôi vừa phải chịu đựng. Tôi sẽ gặp Clousiot và Maturette như thế nào đây.

Đến sáu giờ, họ đưa cà-phê và bánh mì cho tôi. Tôi chỉ muốn nói: Kìa, hôm nay tôi được ra kia mà.

“Anh nhầm rồi.” Nhưng tôi chợt nhớ ra rằng mình là người “mất trí nhớ”, và biết đâu nếu tôi nói như vậy thì khác nào thừa nhận là đã giỡn mặt viên giám dốc, và hắn rất có thể phạt tôi ba mươi ngày xà-lim nữa?

Vì dù có thể nào, theo pháp luật tôi phải ra khỏi nhà giam cấm cố trừng giới Saint-Joseph đúng vào ngày hôm nay, hai sáu tháng sáu 1936. Bốn tháng nữa tôi tròn ba mươi tuổi.

Tám giờ. Tôi đã ăn hết cả ổ bánh mì. Ra ngoài tôi sẽ có thứ khác để ăn ngay. Họ đến mở cửa. Trước mặt tôi là viên phó giám đốc và hai tên giám thị.

- Charrière, anh đã mãn hạn, hôm nay là ngày hai sáu tháng sáu 1936. Anh đi theo chúng tôi.

Tôi ra ngoài. Ra đến tận sân thì mặt trời đã đủ sáng để làm tôi lóa mắt. Tôi có cảm giác như muốn xỉu.

Hai chân tôi mềm nhũn ra, và những chấm đen quay cuồng trước mắt tôi. Thế mà tôi mới vừa đi được chừng năm mươi mét trong đó có ba mươi mét đi dưới nắng.

Đến trước gian nhà “Ban quản trị” tôi trông thấy Maturette và Clousiot. Maturette đúng là một bộ xương, hai má hóp vào, đôi mắt sâu hoắm. Clousiot thì nằm trên cáng. Anh ta xanh xao và đã phảng phất mùi người chết. Tôi nghĩ: “Hai bạn của tôi trông chẳng đẹp chút nào. Không biết mình có như vậy không?” Tôi nóng lòng muốn được nhìn thấy mình trong gương. Tôi nói với hai bạn:

- Thế nào, ổn không?

Họ không trả lời. Tôi nhắc lại:

- Ổn không?

- Ổn - Maturette nói rất khẽ.

Tôi muốn nói với cậu ta rằng bây giờ đã hết hạn cấm cố, chúng tôi có quyền nói chuyện. Tôi cúi xuống hôn lên má Clousiot. Anh nhìn tôi với đôi mắt sáng long lanh và mỉm cười:

- Vĩnh biệt Papillon, - anh nói.

- Không, sao lại nói thế?

- Tôi đến rồi, thế là hết.

Mấy ngày sau, Clousiot sẽ chết ở bệnh viện đảo Royale. Anh được ba mươi hai tuổi, bị xử hai mươi năm khổ sai vì một vụ ăn cắp xe đạp mà anh không phải là thủ phạm. Nhưng lúc ấy viên giám đốc đã đến:

- Cho họ vào. Maturette và Clousiot, các anh đã có hạnh kiểm tốt. Cho nên tôi đề vào phiếu của các anh là “Hạnh kiểm tốt”. Còn anh, Charriere, anh đã phạm một lỗi nặng, tôi phải đề: hạnh kiểm xấu.

- Xin lỗi ông, tôi phạm lỗi gì ạ?

- Thế anh không nhớ vụ thuốc lá và dừa bị bắt quả tang à?

- Cây dừa ở đâu?

- Kìa, bốn tháng nay anh hưởng chế độ gì?

- Về phương diện nào chứ? Ăn uống à? Từ khi tôi vào đây hôm nào chẳng thế!

- Chà! Thế thì thật quá quắt! Chiều qua anh ăn gì?

- Như mọi khi, cho gì tôi ăn nấy. Tôi đi đâu mà biết? Tôi không nhớ, nhưng tôi biết đại khái là đậu hay cơm xào, hay một thứ rau gì đấy.

- Thế anh có ăn bữa chiều à?

- Trời đất! Ông tưởng tôi đổ đi sao?

- Không thế này thì không được, tôi xin bỏ cuộc. Thôi, tôi rút lui “Hạnh kiểm xấu”. Làm lại phiếu ra tù đi ông X... Tôi ghi cho anh “Hạnh kiểm tốt”, được chưa?

- Như thế là công bằng thôi. Tôi có làm gì đâu mà chẳng hạnh kiểm tốt?

Và đó là câu cuối cùng trước khi chúng tôi ra khỏi văn phòng.

Cổng lớn của nhà giam cấm cố mở ra cho chúng tôi đi qua. Chỉ có một tên giám thị đi theo áp giải, chúng tôi thong thả bước xuống con đường dẫn ra trại. Phía dưới là mặt biền lấp lánh những ánh bạc và bọt sóng. Đảo Royale ở phía trước mặt, phủ đầy cây cối xanh rờn và mái ngói đó. Đảo Quỷ, khắc khổ và hoang dại. Tôi xin phép tên giám thị ngồi xuống mấy phút. Hắn bằng lòng. Chúng tôi ngồi xuống cạnh Clousiot, tôi bên phải, Maturette bên trái. Chúng tôi cầm lấy tay anh từ lúc nào cũng không biết nữa. Sự tiếp xúc này gieo vào lòng chúng tôi một nỗi xúc động lạ kỳ. Không nói một lời, chúng tôi ôm hôn nhau. Viên giám thị nói.

- Thôi các cậu. Phải xuống thôi.

Và chúng tôi từ từ, rất chậm rãi, đi xuống trại. Hai đứa chúng tôi cùng vào trại một lúc, hai bàn tay vẫn nắm lấy nhau, phía sau là hai người khiêng cáng bạn chúng tôi đang hấp hối.