Papillon - Người tù khổ sai - Chương 26 phần 2

- Thưa thiếu tá, tôi xin lấy danh dự hứa với ngài là chừng nào ngài còn ở đây, nếu không quá sáu tháng, tôi sẽ không đi khỏi Quần đảo.

- Không đến năm tháng nữa tôi sẽ ra đi: đó là điều hoàn toàn chắc chắn.

- Vậy thì rất tốt. Ngài cứ hỏi Dega: bác ta biết tôi đã hứa là giữ lời.

- Tôi tin anh.

- Nhưng đổi lại, tôi có một yêu cầu.

- Yêu cầu gì?

- Trong cái thời hạn năm tháng ấy tôi phải được phân những công việc mà lý ra về sau tôi mới được nhận, và hơn nữa, khi cần tôi sẽ được đổi sang đảo khác.

- Được, tôi đồng ý. Nhưng việc này chỉ có hai chúng ta biết thôi.

- Thưa ngài vâng.

Thiếu tá cho gọi Dega đến: Dega nói ràng chỗ của tôi không phải ở trong đám các “tù nhân tử tế” mà là trong đám giang hồ. Trong tòa nhà giam các tù nhân nguy hiểm: tất cả các bạn tôi đều ở đấy. Người ta trao cho tôi cái bị đựng toàn bộ trang phục và đồ dùng của tù khổ sai. Thiếu tá ra lệnh thêm cho tôi mấy bộ quần áo lao động màu trắng tịch thu của bọn thợ may.

Thế là tôi đi theo một viên cảnh sát về khu trung tâm của trại, với hai cái quần trắng mới tinh khôi, ba cái áo va-rơi và một cái mũ rơm. Muốn đến dãy nhà nhỏ của Ban Quản trị trại phải đi qua cả khoảng đất bằng trên đỉnh đồi. Chúng tôi đi ngang trước mặt bệnh xá của giám thị, men theo một bức tường cao bốn mét bao quanh trại giam. Sau khi đi gần hết chu vi cái hình chữ nhật rộng mênh mông này, chúng tôi đến cửa chính trại trừng giới Quần đảo “Phân trại Royale”. Cánh cửa gỗ to tướng của trại mở toang hoác. Nó cao phải đến sáu mét. hai tốp gác mỗi tốp bốn viên giám thị. Một viên đeo lon ngồi trên một chiếc ghế tựa. Không thấy có súng trường: ai nấy đều đeo súng lục. Tôi còn thấy có năm sáu tên giữ khóa người A-rập.

Khi tôi vào đến vòm cửa, bọn giám thị đều bước cả ra. Viên chỉ huy, người Corse, nói:

- Đây là một phạm nhân mới, thuộc loại có hạng.

Bọn giữ khóa toan lục soát tôi, nhưng hắn ngăn họ lại:

- Thôi đừng bày trò bắt hắn giở hết cả bạc-đa ra. Vào đi Papillon. Ở nhà tù trung tâm chắc chắn là có nhiều bạn cũ đang đợi mày. Tao tên là Sofram. Chúc mày gặp may mắn ở Đảo này!

- Cám ơn sếp.

Tôi bước vào một khoảng sân rộng mênh mông xung quanh có ba tòa nhà lớn. Tôi đi theo viên giám thị, vào một tòa nhà có đề trên cửa: “nhà A - Khối Đặc biệt” trước cánh cửa rộng mở viên giám thị gọi lớn:

- Khối trưởng đâu!

Một người tù khổ sai già bước ra. Viên sếp nói:

- Đây là một tay mới - đoạn bỏ đi.

Tôi bước vào một gian phòng lớn hình chữ nhật có một trăm hai mươi người ở. Cùng như trong cái lán đầu tiên của tôi ở Saint-Laurent, hai bên có hai thanh sắt dài chạy song song với hai bức tường làm thành chiều dài của gian phòng, chỉ đứt quãng ở chỗ có cánh cửa sắt đóng vào ban đêm. Giữa mỗi thanh sắt và bức tường đối diện có căng rất thẳng những tấm vải bố dùng làm giường, được gọi là “võng” tuy nó chẳng giống võng chút nào. Nhưng cái “võng” này rất tiện nghi và hợp vệ sinh. Phía trên môi tấm vải có hai tấm ván đóng vào tường dành cho phạm nhân để đồ đạc: một tấm để áo quần, một tấm để cà-mèn và thức ăn v.v... Giữa hai hàng võng có một lối đi rộng ba mét, gọi là “hành lang”. Ở đây phạm nhân cũng họp thành từng nhóm nhỏ gọi là “xóm” hay “tổ” sinh hoạt. Có những tổ chỉ có hai người, nhưng cũng có nhưng tổ có đến mười người.

Chúng tôi vừa vào một cái là các tù nhân mặc đồ trắng đổ xô lại.

- Papi, ra phía này!

- Không, cậu ấy đến chỗ chúng tớ.

Grandet cầm lấy cái bị của tôi, nói:

- Papi sẽ ở một tổ với tớ.

Tôi đi theo Grandet. Họ lắp “võng” cho tôi, kéo thật căng.

- Này. Cầm lấy cái gối lông gà này mà gối. - Grandet nói.

Tôi gặp lại cả một lô bạn bè cũ. Rất nhiều Người Corse và người Marseille, cùng có mấy người Paris: đều là những bạn từ Pháp sang, hoặc giả nhưng người tôi đã làm quen ở nhà lao Sante, nhà lao Conciergie hay trên tàu thủy. Nhưng tôi lấy làm lạ sao giờ này mà họ đều có mặt ở đây cả. Tôi hỏi:

- Giờ này mà các cậu không phải đi làm à?

Thế là ai nấy đều cười rộ.

- Chà! Câu này cậu phải chép lại cho chúng tớ làm kỷ niệm đấy! Ở nhà A này ai phải đi làm thì nhiều nhất là mỗi ngày một tiếng. Sau đó là về tổ.

- Cuộc đón tiếp của các bạn thật là nồng nhiệt. Được như thế này mãi thì hay quá.

Nhưng tôi chợt nhận thấy một điều mà tôi không hề dự kiến: tuy chỉ nằm bệnh viện có mấy ngày, giờ đây tôi thấy mình phải học lại cách sống tập thể.

Tôi được chứng kiến một cảnh mà tôi khó lòng có thể tưởng tượng nổi. Một anh chàng mặc đồ trắng bước vào hai tay bưng một cái khay lớn phủ một tấm vải trắng tinh, rao:

- Bít-tết, bít-tết đây! Ai bít-tết nào?

Một lát sau hắn đã đến ngay chỗ chúng tôi, dừng lại, giở tấm vải trắng ra, để lộ cả một khay bày toàn là bít-tết xếp từng chồng sắp rất ngang hàng thẳng lối như trong một cửa hàng thịt chính quy ở Pháp. Có thể thấy rõ Grandet là một ông khách thường xuyên, vì cái anh bưng bít-tết không hỏi xem anh ta có mua bít-tết không, mà chỉ hỏi xem anh ta lấy bao nhiêu suất.

- Năm suất.

- Phô-phi-lê hay thịt vai nào?

- Phô-phi-lê. Hết bao nhiêu đây? Cậu tính sổ lại thư xem, vì bây giờ tổ tớ thêm một nhân khẩu, chẳng giống mọi hôm.

Cậu bán bít-tết rút ra một cuốn sổ tay, tính toán cái gì một lúc.

- Cả thảy vị chi một trăm ba mươi lăm francs: tổng cộng đấy.

- Thế thì tớ thanh toán hết, để bắt đầu ghi sổ lại từ đầu

Khi anh bán thịt đã đi chỗ khác. Grandet nói với tôi:

- Ở đây mà không có bím thì chỉ có chết. Nhưng cũng may là có một phương pháp để lúc nào cũng rủng rỉnh: đó là “biện pháp D”.

Ở trong đám giang hồ chính cống, “biện pháp D” (tức là “debrouille”) là cái cách xoay xớ riêng của từng người để kiếm tiền xài. Anh đầu bếp của trại lấy suất thịt của cái tù nhân, rán bít-tết đem bán. Khi nhận thịt ở nhà bếp, hắn cắt bớt đi chừng một nửa. Tùy loại thịt, hắn làm bít-tết, làm ra-gu hay đem hầm nhừ. Một phần đem bán cho bọn giám thị thông qua vợ họ, một phần đem bán cho các phạm nhân có tiền. Dĩ nhiên, anh đầu bếp cũng có chia phần lời cho viên giám thị phụ trách bếp núc. Nhà đầu tiên anh ta mang hàng đến bao giờ cũng là nhà A, nhà của khối Đặc biệt tức của chúng tôi.

Vậy thì biện pháp D là biện pháp của anh đầu bếp bán thịt bán mỡ, của anh làm bánh mì bán bánh mì phăng-te-đi và bánh mì trắng ba-ghét, tức bánh mì ống sáo nướng giòn tan, dành cho bọn giám thị, của anh đồ tể ở lò thịt bán thịt cho anh đầu bếp; của anh y xá bán thuốc tiêm; của anh kế toán ăn tiền để chỉ định cho phạm nhân nhận việc này việc nọ, hay chỉ để cho anh miễn một khoản cỏ-vê nào đấy; của anh lao vườn, bán rau quả tươi; của anh tù làm ở phòng thí nghiệm bán kết quả xét nghiệm, nhiều khi còn sản xuất ra cả những bệnh nhân ho lao dỏm, cùi dỏm, lỵ dỏm, v.v..., của những chuyên gia ăn cắp các thứ vặt vãnh trong sân nhà bọn giám thị rồi đem ra bán: trứng, gà, xà-bông Marseille; của những anh “tù gia đình” chuyên móc nối đổi chác với bà chủ nhà, ai cần gì cứ nhờ họ kiếm cho: bơ, sữa đặc, sữa bột, hộp cá thu, hộp cá trích, pho-mát, và dĩ nhiên là cả rượu vang, rượu mạnh (chẳng hạn tổ tôi bao giờ cũng có một chai Ricard và mấy bao thuốc lá Mỹ hayĂng-lê); rồi lại còn những anh tù được phép đi câu, chuyên bán cá tươi và tôm he nữa.

Nhưng cái biện pháp D hời nhất, và cũng là nguy hiểm nhất nữa, là làm chủ sòng bạc. Lệ ở đây quy định là không bao giờ được có hơn ba hay bốn chủ sòng trong một khối gồm một trăm hai mươi tù nhân. Người nào định kiếm chân chủ sòng thì đang đêm cứ đến một sòng đang chơi tuyên bố:

- Tớ muốn kiếm một chân chú sòng.

Người ta thường trả lời hắn là không được đâu.

- Mọi người đều đồng ý là không được chứ?

- Không được.

- Vậy thì tớ chọn cậu Mỗ đây: tớ chiếm chỗ cậu.

Cái anh mỗ được chọn kia đã hiểu. Hắn đứng dậy, ra giữa phòng và hai người rút dao ra đọ sức. Ai thắng thì được giữ chân chủ sòng. Chủ sòng được hưởng hồ năm phần trăm mỗi số tiền thắng được.

Cờ bạc cũng là cơ hội thực hiện những biện pháp D vụn vặt khác, có những anh chuyên trải những tấm chăn thật thắng thơm xuống đất cho mọi người ngồi, lại có những anh cho thuê mấy cái ghế đòn con con dành cho những con bạc không quen ngồi xếp bằng, có những anh bán thuốc lá điếu bên sòng bạc: họ đặt lên tấm chăn mấy cái hộp xì gà cũ, đựng những bao thuốc Pháp, Anh, Mỹ hay những điếu thuốc quấn lấy. Mỗi thứ đều có giá nhất định. Ai muốn hút cứ việc tự lấy ra, nhưng không được quên bỏ vào hộp số tiền đã ấn định cho từng loại thuốc. Lại có cả những anh chuyên trách mấy cái đèn dầu noa, trông nom cho đèn đừng bốc khói nhiều quá. Đó là những cây đèn làm bằng hộp sữa, mặt trên đục lỗ xâu bấc. Lâu lâu lại phải gạt bấc cho đỡ bốc khói. Những con bạc không hút thuốc thì dùng kẹo hay bánh ngọt: việc sản xuất các thứ này cũng làm thành một nghề D riêng. Mỗi khối nhà đều có một hay hai anh bán cà-phê. Cà-phê theo kiểu A-rập, được ủ nóng suốt đêm trong hai cái bao bố gấp kín lại và được để ở một chỗ cố định. Lâu lâu người bán cà-phê lại đảo qua sòng bạc chào mời, tay cầm một cái bình thủy tự chế đựng cà-phê hay ca cao nóng.

Cuối cùng là nghề tiểu thủ công. Đây có thể nói là một biện pháp D có tính chất mỹ nghệ. Có người mua lại đồi mồi của những tù nhân chuyên đi câu để gia công. Mỗi cái mai như vậy có mười ba mang có thể nặng tới hai ki-lô. Nhà mỹ nghệ dùng đồi mồi làm vòng đeo tay, làm hoa mai, làm vòng đeo cổ, làm cán điếu, làm lược và làm bàn chải. Tôi còn được trông thấy một cái hộp làm bằng đồi mồi vàng, thật là một tuyệt phẩm. Lại có những người chạm trổ sọ dừa, sừng trâu sừng bò, gỗ mun và gỗ đảo hình rắn. Cũng có người làm những thứ đồ gỗ cao cấp đòi hỏi độ chính xác rất cao, không có lấy một cái đinh, toàn dùng khớp làm lại. Những người khéo tay nhất thì làm đồ đồng đen. Lại có cả những họa sĩ nữa.

Cũng có nhiều tài nghệ khác nhau được liên kết lại để làm một sản vật duy nhất. Nói giả dụ có một người tù câu được một con cá mập. Hắn liền lấy xương hàm con cá đánh thật sạch rồi gia công sao cho xương và hai hàng răng thật bóng, thật thẳng, chốt cho cái hàm há rộng thành một cái khung xung quanh toàn răng nhọn hoắt. Một anh thợ gỗ làm một cái mô hình neo bằng gỗ mịn thớ đánh thật bóng, phần giữa thật rộng để có thể vẽ tranh lên trên. Cái neo được gắn vào giữa cái hàm cá mập, và một họa sĩ vẽ lên đấy một cảnh Quần đảo Salut giữa biển cả. Chủ đề hay được sử dụng nhất là chủ đề sau đây: mũi đảo Royale, có biển và đảo Saint-Joseph. Trên mặt biển màu xanh biếc ánh tà dương lấp lánh. Trên mặt biển là một con thuyền có sáu phạm nhân mình trần đứng cầm chèo đứng thẳng, phía sau lại có ba viên cảnh binh cầm tiểu liên. Ở mũi thuyền, hai người đang dốc một cỗ quan tài: từ đấy tụt ra một cái xác chết bọc trong bao bột. Trên mặt nước có thể trông thấy mấy con cá mập đang há mõm đợi ăn. Ở phía dưới bức tranh, bên góc phải có đề “Mai táng ở Royale” và ngày tháng vẽ tranh.

Tất cả các “mỹ nghệ phẩm” như trên đều bán cho các nhà giám thị. Những chế phẩm đẹp nhất thường được đặt mua trước hay đặt làm riêng. Phần còn lại bán cho các chuyến tàu ghé đảo. Đây là lãnh vực của mấy anh chèo thuyền. Cũng có những anh bịp đời, lấy một cái ca cũ kỹ mép méo, khắc dòng chừ “cái ca này trước kia là ca của Dreyfus - Đảo Quỷ, - ngày... tháng... ” Thìa và cà-mèn cũng được dân bịp đời sử dụng kiểu đó. Đối với mấy anh lính thủy người Bretagne thì có một món ăn chắc: bất cứ đồ vật gì có khắc tên “Sezenec”.

Những cuộc mua bán thường xuyên này thu hút vào Quần đảo rất nhiều tiền, và bọn giám thị thấy rõ điều đó có lợi cho họ, cho nên họ cứ để mặc. Mải lo việc sản xuất và bán chác, tù nhân dễ điều khiển hơn và dễ an phận với cuộc sống đày ải của họ hơn. Thói pê-đê ở đây đã trở thành một nếp sống chính thức. Mọi người, cho đến cả chi huy trại giam, đều biết rằng cậu Mỗ nào đó là vợ của một cậu Mễ nào đó, và nếu có trót chuyển một trong hai cậu ấy sang đảo khác mà quên mất cậu kia thì người ta làm đủ cách để cho cái đôi bị “chia loan rẽ thúy” kia sớm đoàn tụ. Trong cả đám phạm nhân ấy không có lấy được ba phần trăm có ý định tìm cách trốn khỏi quần đảo. Ngay cả những người bị án chung thân cũng không. Cách duy nhất để có cơ vượt ngục là làm sao được miễn giam và được chuyển về Đất liền, về Saint-Laurent, Kourou hay Cayenne. Điều đó chỉ có thể có được với những người bị giam có thời hạn. Đối với những người bị án giam chung nhân thì không có cách gì, trừ phi là giết người. Vì nếu phạm nhân giết chết một người nào, thì sẽ bị đưa về Saint-Laurent để xử. Nhưng vì muốn đến Saint-Laurent phải qua thủ tục thú nhận tội sát nhân, người ấy có nguy cơ bị năm năm cấm cố mà không biết là liệu trong cái thời hạn ngắn ngủi ở trại trừng giới Saint-Laurent (tối đa là ba tháng) có đủ thì giờ để tổ chức vượt ngục hay không?

Cũng có thể tìm cách xin được miễn giam vì lý do sức khỏe. Nếu được công nhận là ho lao thì được chuyển đến trại của phạm nhân ho lao, gọi là “Trại mới”, cách Saint-Laurent tám mươi cây số.

Còn có bệnh hủi hay bệnh kiết lỵ kinh niên nữa. Muốn được công nhận có một trong hai bệnh này cũng tương đối dễ, nhưng làm như thế có một nguy cơ rất khủng khiếp: phải chung sống hai năm, cách ly trong một căn nhà riêng với những người mắc bệnh hủi thứ thiệt hay bệnh kiết lỵ thứ thiệt. Trong hai năm ấy chẳng khó gì mà chẳng chuyển từ hủi dỏm thành hủi xịn và từ kiết dỏm thành kiết xịn: không ít người đã qua cái quá trình ấy.

Thế là tôi đã an cư lạc nghiệp trong khối nhà A với một trăm hai mươi bạn tù của tôi. Phải cố học cách sống trong cái khối cộng đồng này, nơi mà người ta phân loại được anh ngay. Trước hết phải làm sao cho mọi người biết rõ rằng không thể nào tấn công mình mà không bị giáng trả đích đáng. Được mọi người e sợ rồi, còn phải được họ kính trọng vì thái dộ của mình khi đối xử với bọn cớm, không được nhận một số chức việc nào đấy, phải khước từ một số công việc nhất định, không bao giờ được khuất phục một nên giữ khóa, không bao giờ tuân lệnh hắn, dù có phải vì thế mà xung đột với một viên giám thị cũng vậy. Nếu đã đánh bạc suốt đêm rồi thì đến giờ điểm danh cũng không ra. Người trường khối chỉ việc trả lời: “ốm phải nằm”, thế là xong. Ở các khối khác, nhiều khi bọn giám thị vào tận phòng tìm “người ốm” và bắt hắn ra điểm danh. Nhưng ở khối dân cứng đầu thì không bao giờ. Chung quy, điều mà từ cấp cao đến cấp thấp bọn họ quý nhất là được yên thân ở trại khổ sai này.

Bạn cùng tổ với tôi, Grandet, là một người Marseille ba mươi lăm tuổi. Người cao lêu đêu, gầy như que củi, nhưng rất khỏe. Chúng tôi là chỗ bạn thân từ hồi ở Pháp. Chúng tôi hay gặp nhau ở Toulon, cũng như ở Marseille và ở Paris. Đó là một tay khoét tủ sắt nổi tiếng. Anh ta hiền nhưng có lẽ rất nguy hiểm. Hôm nay tôi không ra ngoài. Trong gian phòng rộng mênh mông hầu như chỉ có một mình tôi. Ông già trưởng khối đang quét và lau cái sàn xi măng. Tôi trông thấy một phạm nhân đang ngồi sửa đồng hồ, mắt trái đeo cái gì bằng gỗ. Ở phía trên võng của hắn có một tấm ván treo đến ba chục cái đồng hồ. Nhìn nét mặt thì hắn độ ba mươi tuổi là cùng, nhưng đầu hắn bạc trắng. Tôi đến cạnh hắn, nhìn hắn làm việc một lúc. Rồi tôi thử bắt chuyện với hắn. Hắn cứ câm như hến. Thậm chí cũng chẳng thèm ngẩng mặt lên một lần nào, hơi trạnh lòng, tôi bỏ đi ra sân, đến ngồi ở cạnh máy nước. Ở đây đà có Titl la Belote, đang tập dượt với một cỗ bài mới tinh khôi. Mười ngón tay mềm mại của hắn thoăn thoắt trang di trang lại ba mươi con bài với một tốc độ không tài nào tưởng tượng nổi. Vẫn không ngừng ngưng động tác chớp nhoáng của nhà ảo thuật, hắn bảo tôi:

- Thế nào anh bạn? Ở Royale có ổn không?

- Ổn, nhưng hôm nay tớ chán quá. Tớ sẽ tìm việc gì làm, để ra ngoài trại một chút. Ban nãy tớ muốn nói chuyện một lát với cái tay gì sửa đồng hồ trong kia, nhưng hắn cũng chẳng buồn trả lời tớ nữa.

- Anh không biết đấy Papi ạ, chứ thằng cha ấy nó có coi ai ra gì đâu. Nó chỉ biết mấy cái đồng hồ của nó. Ngoài ra nó đếch cần. Quả tình sau những chuyện nó phải chịu đựng, nó có quyền điên lắm. Nó chưa điên là may. Anh hãy tương tượng mà xem, cái anh chàng trẻ tuổi ấy - có thể gọi hắn như vậy vì hắn chưa đến ba mươi - năm ngoái đã từng bị xử tử vì bị buộc tội là “hiếp” vợ một thằng cớm. Chuyện láo toét cả. Hắn ngủ với cô chủ từ lâu - cô ta là vợ một viên giam thị trưởng người Bretagne. Vì hắn là “tù gia đình” ở nhà họ, cho nên cứ đến ngày trực của viên giám thị là hai anh chị tha hồ. Nhưng anh chị đã phạm một sai lầm lớn: cô nàng không cho anh chàng giặt là áo quần nữa, cô ta tự làm lấy: thế là anh chồng mọc sừng xưa nay vốn biết tính cô ta lười, thấy lạ và sinh nghi. Nhưng anh ta chưa có bằng chứng là mình bị mọc sừng. Cho nên anh ta quyết định bày mưu để bắt quá tang tại trận và giết chết cả đôi. Anh ta đã không lường trước được cách phản ứng của cô nàng. Một hôm, trực được hai tiếng thì anh ta bỏ phiên về nhà, gọi một viên giám thị về theo lấy cớ là để biếu tay này một súc giăm-bông nhà mới gửi cho. Hai người khẽ khàng đi vào cổng, nhưng vừa vào đến nhà thì con vẹt nuôi trong nhà ré lên “ông chủ đã về!” như nó vẫn quen làm mỗi khi viên giám thị về. Ngay tức khắc cô vợ hét lên: “Cứu với! Nó hiếp tôi đây này?” Hai tên gác xông vào buồng đúng vào lúc cô vợ vừa vùng ra khỏi tay anh tù. Anh này vội nhảy qua cửa sổ chạy. Viên giám thị bắn theo, một phát trúng vai anh ta. Trong khi đó, cô nàng xé rách áo choàng, cào xước vú và má mình ra. Anh tù ngã xuống, tên gác người Breton toan bắn chết thì tên gác kia giật súng đi. Tớ cần nói rõ là tên gác này người Corse, ngay từ đầu đã hiểu rằng ông sếp phịa chứ ở đây chẳng có chuyện hãm hiếp gì hết. Nhưng tên người Corse không thể nói chuyện này với tên kia, cứ làm như thể mình tin câu chuyện hiếp dâm là chuyện thật. Anh thợ đồng hồ bị xử tử hình. Đến đây thì chẳng có gì phi thường hết, anh bạn ạ. Sau đó mới ly kỳ.

Ở Royale, trong những khu trừng phạt có một cái máy chém, mỗi bộ phận đều có chỗ cất riêng trong một căn nhà đặc biệt. Ngoài sân là năm phiến đá xây kỹ thành bệ bằng phẳng để đặt máy chém. Cứ mỗi tuần, đao phủ thủ và hai người tù giúp việc cho hắn lại đem cái máy ra lắp lên bệ, lưỡi dao lười diếc đầy đủ bộ sậu, rồi cho máy chém thử hai ba cây chuối. Để cho chắc là máy vẫn trơn tru, khi cần đến không lo trục trặc. (Anh thợ đồng hồ người Savoie lúc bấy giờ đang nằm trong khám tử hình với bốn người nữa, hai người A-rập và một người Sicilia.) Cả năm người đang đợi phúc đáp đơn xin ân xá do những viên giám thị đã bênh vực họ viết hộ cho.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3