Papillon - Người tù khổ sai - Chương 26 phần 3

Một buổi sáng nọ người ta lắp máy chém và đột nhiên mở cửa buồng giam anh thợ đồng hồ. Tốp đao phủ xông vào trói chân anh ta lại và cũng sợi dây ấy buộc hai cổ tay, dây liền với chân. Họ lấy kéo xén cổ áo rồi dắt anh ta đi từng bước ngắn trong ánh sáng mờ mờ của buổi bình minh, từ từ vượt qua cái khoảng cách chừng hai mươi mét từ buồng giam đến máy chém. Chắc bạn cũng biết rằng khi anh đến trước máy chém, anh giáp mặt với một tấm ván dựng đứng cao ngang vai anh, có đính sẵn nịt da để buộc sấp anh vào đấy, sau đó, tấm ván sẽ được lật ngang ra và thế là anh chuyển sang tư thế nằm sấp, cổ đặt vừa đúng vào chỗ lưỡi dao sẽ rơi xuống. Vậy thì người ta đang sắp sửa lật ngang tấm ván có buộc anh thợ đồng hồ, nhưng vừa đúng lúc ấy ông chỉ huy trại - Ông “Dừa khô” đương kim trại trưởng đấy - ra sân: theo lệ của trại, ông ta bắt buộc phải dự cuộc hành quyết. Tay ông ta cầm một cây đèn bão lớn, và khi giơ đèn lên soi, ông ta mới thấy là bọn cớm chết tiệt ấy nhầm: chúng nó suýt chặt đầu anh thợ đồng hồ trong khi anh ta chẳng dính dáng gì với cuộc hành quyết sáng hôm ấy.

- Dừng lại Dừng lại! - Barrot quát lớn.

Ông ta xúc động đến mức dường như không nói được nữa. Ông ta buông cây đèn bão rơi xuống đất, xô lấn mọi người, cảnh sát cũng như phạm nhân, tự tay đến cởi trói cho anh sửa đồng hồ Savoiẹ Mãi sau đó ông ta mới ra lệnh được:

- Y xá, đưa anh ta về buồng giam. Săn sóc kỹ, cho uống rượu rhum. Còn các anh, cái lũ ăn hại kia, vào bắt ngay tên Rencassen đưa ra đây. Hắn mới là kẻ phải xử tử hôm nay, chứ không phải ai khác!

Hôm sau, anh thợ đồng hồ đã bạc trắng cả đầu ra như anh thấy đấy. Trạng sư của hắn là một cảnh binh ở Calvi, bèn viết thêm một lá đơn xin ân xá nữa gửi ông Bộ trưởng Tư pháp, trong đơn có kể lại việc này. Anh thợ đồng hồ được ân xá, chuyển án tứ hình thành án chung thân. Từ đấy, anh ta suốt ngày sửa đồng hồ cho nhân viện trong trại. Anh ta say mê công việc quên hết mọi sự trên đời. Sửa xong anh ta giữ lại rất lâu để kiểm tra, điều chỉnh, cho nên trên ván mới treo ngần ấy đồng hồ. Bây giờ thì anh đã hiểu ra rằng hắn có quyền hơi điên một chút chứ?

- Hiểu, Tita ạ, sau một cái sốc như thế, hắn có quyền không hồ hởi với mọi người cho lắm. Tôi thành thật thương hại hắn.

Mỗi ngày tôi lại học thêm được chút ít về cuộc sống mới này Khối A quả là một nơi tập trung những con người đáng sợ, xét về những thành tíchh dĩ vãng cũng như về cách phản ứng của họ trong sinh hoạt hàng ngày. Tôi vẫn chưa làm việc: tôi còn đợi một chân đổ thùng. Kiếm được chân này; tôi chỉ phải làm mỗi ngày bốn mười lăm phút, rồi sau đó được đi lại tự do trên đảo và được phép xuống biển đánh cá. Sáng hôm ấy, đến buổi điểm danh lấy người đi làm cỏ vê ở đồn điền trồng dừa, họ chỉ định Jean Castelli. Ông ta bước ra khỏi hàng hỏi:

- Cái gì? Tôi mà cắt di làm cỏ-vê à? Tôi ấy à?

- Phải, anh đấy! - Tên gác đội cỏ-vê nói. - Đây, cầm lấy cái cuốc chim này.

Castelli lạnh lùng nhìn hắn;

- Anh kia. Anh không hiểu ràng phải là dân cái xứ Auvergne nhà anh mới biết cánh dùng cái thứ cuốc quỉ quái ấy à? Tôi là người Corse ở Marseille. Ở Corse người ta ném các dụng cụ đi cho thật xa, còn ở Marseille người ta còn không biết nó là cái gì nữa. Anh cứ giữ lấy cái cuốc và để cho tôi yên.

Tên cớm trẻ, chưa am hiểu công chuyện ở đây lắm (như về sau tôi được biết), giơ cao cái cán cuốc lên dọa Castelli. Lập tức một trăm hai mươi người quát lên cùng một lúc:

- Buông cuốc xuống, không thì chết ngay bây giờ!

Grandet hô:

- Giải tán!

Thế là không bận tâm đến tư thế sẵn sàng tấn công của tất cả những tên cảnh binh có mặt lúc bấy giờ, chúng tôi kéo nhau trở về khối.

Khối “B” đang lũ lượt kéo nhau đi làm cả khối “C” cũng vậy. Ở khối chúng tôi thấy có chừng mười hai tên cảnh binh đến, và một việc không bình thường xảy ra: họ đóng cánh cửa sắt lại. Một giờ sau, bốn chục tên cảnh binh đứng thành hai hàng hai bên khung cửa, tiểu liên cầm lăm lăm trong tay. Viên phó chỉ huy trại, viên chỉ huy đội gác, viên giám thị trưởng và cả bọn giám thị đều có mặt đông đủ chỉ trừ viên chỉ huy trại đã đi thanh tra đảo Quỷ từ lúc sáu giờ sáng, trước khi xảy ra biến cố vừa qua. Viên phó chỉ huy trại nói:

- Dacelli, gọi từng người một ra.

- Grandet? Bước ra!

Grandet bước ra đứng giữa hai hàng cảnh binh xếp hai bên cửa sắt. Dacelli nói:

- Đi làm đi!

- Tôi không đi được.

- Anh từ chối phải không?

- Tôi không từ chối. Tôi ốm.

- Từ bao giờ? Lúc điểm danh lần đầu anh có cáo ốm đâu?

- Hồi sáng tôi không ốm. Bây giờ tôi mới ốm.

Sáu mươi người được gọi ra khỏi hàng sau Grandet đều lần lượt trả lời đúng như vậy. Chỉ có một người nói thẳng ra là mình không tuân lệnh. Chắc anh ta có ý định làm cho họ phải đưa anh ta về Saint-Laurent để ra tòa án binh. Khi họ hỏi: “Anh từ chối à?” anh ta trả lời:

- Đúng, tôi từ chối, mà từ chối đến ba lần.

- Ba lần? Tại sao?

- Vì các người làm tôi buồn mửa. Tôi dứt khoát không làm việc cho những hạng người đểu cáng như các anh.

Không khí càng thẳng đên tột độ. Bọn cánh binh nhất là những tay hãy còn trẻ, khó chịu đựng nối khi bị phạm nhân sỉ nhục đến mức ấy. Họ chỉ chờ có một dịp: một cử chỉ đe dọa của đám phạm nhân, sẽ cho phép họ ra tay trấn áp. Nhưng trong khi chờ đợi súng họ vẫn phải chĩa mũi xuống đất.

- Tất cả những phạm nhân đã gọi tên, cởi hết ra. Đi về xà lim!

Trong khi áo quần được cởi bỏ tụt xuống đất chốc chốc lại nghe tiếng ruột con dao rơi xuống khoảng sân tráng nhựa đánh cách một cái. Vừa lúc ấy bác sĩ đến.

- Thôi, đứng lên đã! Bác sĩ đây rồi. Xin bác sĩ khám cho mấy người này. Những ai không được công nhận là ốm sẽ vào xà lim. Những người ốm thật sẽ được trả về khối.

- Có sáu mươi người ốm sao?

- Thưa bác sĩ vâng, trừ người kia không chịu đi làm.

- Nào, tôi bắt đầu khám người thứ nhất? - bác sĩ nói. – Grandet, anh ốm thế nào?

- Tôi mắc bệnh rối loạn tiêu hóa của cai ngục bác sĩ ạ. Chúng tôi dầu là phạm nhân bị xử tội nặng, phần lớn đều là án chung thân. Ở quần đảo này không có hy vọng gì vượt ngục. Cho nên chúng tôi chỉ có thể chịu đựng nổi cuộc sống này nếu quy chế nhà tù được áp dụng một cách co giãn chút ít và có hiểu biết, thông cảm với chúng tôi. Thế nhưng sáng nay, trước mặt tất cả chúng tôi, một viên giám thị đã tự cho phép mình giơ cán cuốc định đánh một bạn tù được mọi người kính trọng. Đó không phái là một động tác phòng ngự, vì người tù không hề đe dọa ai cả. Bác ta chỉ nói là bác ta không muốn dùng cuốc. Nguyên nhân của bệnh dịch tập thể của chúng tôi là như thế. Xin bác sĩ cứ suy xét.

Bác sĩ cúi đầu nghĩ ngợi dễ đến một phút, rồi nói:

- Y tá, hãy ghi vào: “Do ngộ độc tập thể vì thức ăn, y tá giám thị Mỗ sẽ thi hành nhưng biện pháp cần thiết để phát cho tất cả các phạm nhân khi ốm hôm nay mỗi người một liều hai mươi gam sulfat natri để tẩy ruột. Còn phạm nhân X thì hãy đưa vào bệnh viện để chúng tôi kiểm tra xem khi tuyên bố từ chối lao công anh ta có đang ở trong trạng thái tâm thần bình thường hay không.”

Nói đoạn, bác sĩ quay lưng lại, bỏ đi thẳng.

- Tất cả về khối - Viên phó chỉ huy trại hô - Nhặt quần áo lên, và chớ quên mấy con dao.

Hôm ấy ai nấy đều ở lại phòng giam. Không ai ra ngoài được, kể cả người đưa bánh mì. Đến trưa không thấy đưa xúp vào, mà chỉ thấy viên giám thị y tá, có hai phạm nhân y tá đi theo, xuất hiện với một cái xô bằng gỗ đựng thuốc tẩy sulfat natri. Chỉ có ba người phải uống thuốc. Người thứ tư tự nhiên lên cơn động kinh ngã đúng vào xô thuốc, làm cả cái xô, cả cái gáo và cả cả chỗ thuốc mỗi thứ văng ra một nơi: anh ta bắt chước cơn động kinh giống như hệt! Thế là cái biến cố kia chấm dứt, nếu không kể cai lệnh loan cho trưởng khối là phải lau cho khô chỗ thuốc đổ lênh láng ra sàn nhà.

Suốt buổi trưa hôm ấy tôi ngồi nói chuyện với Castelli. Bác ta đến ăn với chúng tôi. Tổ của bác ta thì có một người Toulon tên là Louis Gravon, bị đày vì tội ăn trộm lông thú. Khi tôi nói chuyện vượt ngục, mắt anh ta sáng quắc lên. Anh nói:

- Năm ngoái tôi đã suýt vượt ngục được, nhưng rốt cuộc cũng bị thất bại. Tôi cũng đã cảm thấy anh chẳng phải là người cam phận, đành chịu bó gối ở đây. Chỉ có điều là đã ở Quần đảo này mà nói chuyện vượt ngục thì chẳng khác nào nói chuyện lên cung trăng. Mặt khác, tôi nhận thấy anh chưa hiểu được dân tù khổ sai ở Quần đảo. Trông thế chứ tám mươi phần trăm tự cảm thấy mình ở đây cũng tương đối sung sướng. Sẽ không có ai tố giác anh bao giờ, dù anh có làm gì chăng nữa. Anh giết người nào. Sẽ không có ai ra làm chứng. Anh lấy trộm ư. Cũng thế thôi. Dù một bạn tù có làm gì thì mọi người đều kết lại bênh vực bạn ấy. Dân tù quần đảo chỉ sợ có mỗi một điều: đó là một cuộc vượt ngục thành công. Vì trong trường hợp đó, cảnh sống tương đối yên ổn của họ bị đảo lộn hoàn toàn: khám xét liên tục, không còn được đánh bài, không còn chơi nhạc được nữa- các nhạc cụ đều bị phá huỷ trong những cuộc khám xét. không còn được đánh cờ vua, cờ đam nữa. Cũng không được làm đồ mỹ nghệ nữa. Mọi thứ không trừ một thứ gì đều bị xúp hết. Họ lục xoát liên hồi. Đường, dầu ăn, bít tết, bơ đều biến sạch. Xưa nay tất cả những người trốn được khỏi Quần đảo với Quần đảo thì đó vẫn là những cuộc vượt ngục thành công: dù sao họ cũng đã trốn được ra khỏi Quần đảo. Do đó bọn gác bị phạt, và lẽ tự nhiên là họ phải trả thù cả đám phạm nhân.

Tôi vểnh hết tai lên mà nghe. Tôi nghe mà không sao khỏi bàng hoàng. Tôi chưa bao giờ xem xét vấn đề dưới góc độ này.

Castelli nói:

- Đến cái ngày cậu quyết định chuẩn bị một cuộc vượt ngục, cậu hãy coi chừng. Trước khi điều đình với một cậu nào, phải suy nghĩ cân nhắc cho thật kỹ, trừ phi đó là một người bạn chí cốt.

Jean Castelli, chuyên gia bẻ khóa, có một nghị lực và một trí thông minh hiếm có. Bác rất ghét sự hung bạo. Anh em gọi bác ta bằng cái biệt hiệu người Cổ đại. Chẳng hạn bác ta chỉ tắm rửa bằng xà-bông giặt Marseille, và nếu tôi vừa tắm bằng xà-bông Palmolive, bác ta liền nói: “Ồ, cậu sặc mùi pê-đê, thật đấy! Cậu lại tắm bằng xà-bông đàn bà rồi!” Tiếc thay, bác ta đã năm mươi hai tuổi, nhưng những gân cốt sắt thép của bác trông thật sướng mắt. Bác nói:

- Papi ạ, trông cậu người ta có thể ngỡ cậu là con tôi. Sinh hoạt ở Quần đảo không làm cho cậu quan tâm. Cậu ăn nhiều chỉ vì muốn giữ phong độ, chứ không bao giờ cậu nghĩ đến việc tổ chức một cuộc sống lâu dài trên Quần đảo. Tôi mừng cho cậu. Trong cả đám tù khổ sai ở đây chẳng có nổi sáu người nghĩ như cậu. Nhất là nghĩ đến chuyện vượt ngục. Quả tình, cùng có khối người chi ra hàng gia tài để được miễn giảm và chuyển về đất liền, toan tính sẽ vượt ngục từ đấy. Nhưng ngay ở đây thì không một ai tin là có thể vượt ngục.

Ông già Castelli khuyên tôi: nên học tiếng Anh và hễ có dịp là phải nói chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha với một người Tây Ban Nha. Ông ta có cho tôi mượn một cuốn sách học tiếng Tây Ban Nha trong hai mươi bốn bài. Một cuốn từ điển Pháp-Anh. Ông ta có một người bạn rất thân, người Marseille, tên là Gardès, có am hiểu chuyện vượt ngục. Ông này đã vượt ngục hai lần, lần thứ nhất trốn khỏi trại khổ sai Bồ Đào Nha; lần thứ hai trốn từ Đất Liền. Ông ta có quan điểm riêng về việc vượt ngục từ Quần đảo, Jean Castelli cũng có Gravon, ông bạn người Toulon, lại có một cách nhìn khác nữa đối với sự việc. Không ai nhất trí với ai. Kể từ hôm ấy, tôi quyết định tự mình tìm hiểu lấy vấn đề, và không nói với ai về chuyện vượt ngục nữa.

Kể cũng gay, nhưng sự tình có thế. Điểm duy nhất mà cả ba người đều nhất trí là đánh bạc chỉ có mỗi cái lợi kiếm được tiền, nhưng lại rất nguy hiểm. Bất cứ lúc nào cũng có thể bị lâm vào cái thế phải đọ dao với một tay anh chị nào đấy. Cả ba đều là những con người hành động, và quả là những tay cừ khôi đáng gườm so với tuổi tác của họ: Louis Gravon bốn mươi lăm tuổi, Gardès gần năm mươi.

Tối hôm qua tôi được dịp phô bày cho mọi người trong khối thấy cách nhìn nhận sự việc và cách hành động của tôi. Một cậu quê ở Toulouse, người nhỏ bé, bị một tay người Nimes thách đấu dao. Cậu bé người Toulouse mang biệt hiệu Cá Trích, còn anh chàng người Nimes, rất to con được gọi là Con cừu. Con Cừu, đánh trần trùng trục, đúng giữa lối đi, dao lăm lăm trong tay.

- Mỗi ván poker phải nộp tao hăm nhăm francs, nếu không, tao cấm mày đánh.

Cá Trích đáp:

- Xưa nay đánh poker có ai phải nộp ai bao nhiêu tiền đâu. Tại sao anh lại nhè vào tôi mà đòi nộp tiền? Thế sao anh không đòi mấy tay chủ sòng Mareilaise nộp tiền đi?

- Tại sao thì chẳng việc gì đến mày. Một là mày nộp, hai là mày không được chơi nữa, hay mày không muốn đánh nhau?

- Không, tôi chả muốn đánh nhau.

- Mày rét à?

- Tôi rét đấy. Vì tôi có thể ăn một nhát dao, có thể chết vì tay một gã anh chị như anh là một kẻ chưa bao giờ vượt ngục. Tôi là dân vượt ngục. Tôi ở đây không phải để giết ai, mà cũng chẳng phải để bị ai giết.

Tất cả chúng tôi đều chăm chú chờ xem những việc sắp diễn ra. Grandet nói với tôi:

- Đúng là thằng bé can đảm thật, mà lại là dân vượt ngục. Thật đáng buồn là mình không thể nói gì vào đây.

Tôi mở con dao xếp để dưới bắp vế. Lúc bấy giờ tôi đang ngồi trên cái “võng” của Grandet. Con Cừu nói:

- Thế thì mày định nộp tiền hay thôi chơi, hở thằng chết rét kia? Nói di.

Đoạn hắn bước một bước về phía Cá Trích. Tôi liền quát:

- Câm mồm đi Con cừu, hãy để cho nó yên!

- Kìa Papillon, cậu điên rồi ư? - Grandet nói.

Vẫn ngồi yên không nhúc nhích, tay đặt sẵn vào chuôi con dao để dưới bắp vế chân trái, tôi nói:

- Không, tôi không điên. Và tôi yêu cầu tất cả các anh hãy nghe những điều tôi sắp nói. Con Cừu ạ, trước khi đánh nhau với anh (nếu anh bắt buộc tôi phải đánh nhau ngay cả sau khi tôi nói xong), anh hãy để cho tôi ngỏ lời với anh và với mọi người rằng từ khi đến ở cái khối gồm hơn một trăm người toàn là dân trong giới này, tôi đã phải xấu hổ mà nhận thấy rằng cái hành động đẹp đẽ nhất, xứng đáng nhất, cái hành động duy nhất đánh gọi là chân chính: vượt ngục, không được kính trọng ở đây. Thế mà bất kỳ ai đã chứng tỏ được rằng mình là dân vượt ngục, rằng mình có đủ gan mật để đem kính mạng mình đặt lên bàn cân trong một cuộc vượt ngục, thì kẻ ấy cũng phải được mọi người kính trọng, bất kể mọi chuyện khác. Có ai cho là tôi nói không đúng không? Ai phản đối? (Im lặng) Trong luật lệ của các anh thiếu mất một điều, một điều cơ bản nhất: mọi người đều có bổn phận không những phải kính trọng, mà còn phải giúp đỡ, ủng hộ những người vượt ngục. Không ai bị bắt buộc phải ra đi, và tôi chấp nhận rằng hầu hết các anh đều đã quyết định sống suốt đời ở đây. Thế cùng được. Nhưng nếu các anh không đủ can đảm để tìm cách sống lại, thì ít ra các anh cũng phải có được lòng kính trọng mà những người vượt ngục xứng đáng được hưởng. Và kẻ nào quên mất điều luật của đạo làm người này, kẻ ấy phải chờ đón những hậu quả nghiêm trọng. Tôi đã nói xong. Con Cừu! Bây giờ nếu anh vẫn muốn đánh nhau, thì có tôi đây

Nói đoạn, tôi cầm dao nhảy ra giữa phòng. Con Cừu ném dao đi, nói:

- Cậu nói đúng, Papillon ạ, cho nên tôi muốn đánh nhau với cậu không phải bằng dao, mà bằng quả đấm, đề cậu thấy tôi không phải là thằng hèn.

Tôi đưa dao cho Grandet giữ. Hai đứa chúng tôi đánh nhau như hai con chó dữ trong khoảng hai mươi phút. Cuối cùng, nhờ một miếng đòn húc đầu đúng lúc, tôi thắng sát nút. Chúng tôi cùng vào phòng vệ sinh rửa cho cạch máu trên mặt. Con Cừu nói:

- Quả thật sống ở Quần đảo mãi đâm u mê ra. Tớ ở đây thế là đã mười lăm năm nay, mà cũng chưa chi được đến ngàn francs để được miễn giam. Thật xấu hổ.

Khi tôi về tổ, Grandet và Galgani mắng tôi một trận.

- Cậu phát rồ rồi hay sao mà lại đi thách thức và lăng mạ mọi người như thế? Tớ không thể hiểu nổi tại sao không có đứa nào cầm dao nhảy ra “hành lang” để đánh nhau với cậu.

- Không đúng đâu các bạn ạ, chẳng có gì khó hiểu đến thế. Bất cứ ai đã ở trong giới chúng ta, hễ thấy ai nói phải thực sự là chịu ngay.

- Thôi được, - Galgani nói. - Nhưng tôi khuyên cậu đừng bày trò đùa giỡn quá nhiều với cái núi lửa này.

Suốt buổi tối hôm ấy có những gã đến gặp tôi. Họ làm như thể tình cờ ghé qua, nói bâng quơ chuyện này chuyện nọ, rồi trước khi bỏ đi, buông một câu:

- Tớ đồng ý với những điều cậu nói đấy. Papi ạ.

Cái sự cố vừa qua đã cho tôi có được một vị trí rõ rằng giữa các bạn tù.

Kể từ buổi ấy, chắc chắn là tôi được họ coi như người cùng giới với họ, nhưng lại không dễ gì chấp nhận những điều đã được mọi người coi như đương nhiên mà không phân tíchh, phê phán. Tôi dần dần nhận thấy rằng hễ tôi làm chủ sòng, đám bạc không mấy khi có chuyện cãi cọ, và nếu tôi ra một lệnh gì thì họ tuân theo rất nhanh.

Như tôi đã nói, chủ sòng được hưởng hồ năm phần trăm mỗi món tiền được bạc. Hắn ngồi trên một chiếc ghế dài, lưng quay vào tường để đề phòng bất trắc, vì bất cứ lúc nào cũng có kẻ muốn đâm hắn từ phía sau. Trên đùi hắn thường có một tấm chăn che một con dao mở sẵn. Xung quanh hắn, ngồi hay đứng thành vòng tròn, là ba mươi, bốn mươi hay có khi đến năm mươi con bạc từ khắp các miền của nước Pháp sang, lại có cả những dân ngoại quốc nữa, như dân A-rập chẳng hạn, cũng khá đông. Cách chơi rất dễ: một người làm cái (làm “chủ nhà băng”), một người cúp bài ngồi cạnh. Mỗi khi nhà cái thua thì nhường quyền làm cái cho người bên cạnh. Cỗ bài gồm năm mươi hai con. Người cúp bài chìa bài rồi giấu đi một con. Người làm cái rút một con bài rồi lật ngứa nó ra trên tấm chăn. Thế là mọi người bắt đầu đặt tiền. Có thể đặt vào cửa của nhà cái hay vào cửa của nhà cúp bài. Khi ai nấy đã đặt xong, tiền xếp thành từng chồng nho nho, nhà cái bắt đầu rút từng con bài một, lật lên. Nhà nào cùng bậc với một trong hai con đã lật trên “thảm” thì thua. Chẳng hạn: nhà cúp giấu một con Năm, còn nhà cái đã lật lên một con Đầm. Nếu rút ra được một con Đầm trước khi rút ra một con Năm, nhà cúp thua. Nếu trái lại, rút ra được một con Năm trước khi rút ra một con Đầm, thì nhà cái thua. Người chủ sòng phải biết mỗi món tiền phải chung cho ai. Việc đó chẳng phái là dễ. Lại phải bênh vực những kẻ yếu, sao cho những kẻ mạnh đừng dùng uy thế bắt nạt họ. Khi người chủ sòng quyết định cách xử lý một trường hợp nghi vấn, quyết định của chủ sòng phải được chấp nhận, không lôi thôi gì hết.