Papillon - Người tù khổ sai - Chương 26 phần 4

Đêm ấy có kẻ đã giết chết một người Ý lên là Carlino. Anh này sống chung nói một cậu thiếu niên được anh ta coi là vợ. Cả hai cùng làm việc ở một khu vườn. Anh người Ý chắc cũng biết là tính mạng của mình đang bị đe dọa, vì khi nào anh ta nghỉ thì cậu bé thức, khi nào câu bé ngủ thì anh ta lại thức. Phía dưới hai tấm vải căng làm giường ngủ (“võng”) họ bày lổn ngổn những cái hộp sắt tây rỗng để không ai có thể lần mò đến chỗ họ mà không gây thành tiếng động.

Thế mà có kẻ đã đâm anh ta từ phía dưới lên. Tiếng kêu của người bị đâm lập tức được kế tiếp bằng những tiếng loảng xoảng của đống hộp sắt tây bị sát nhân xô đấy trong khi rút lui vội vàng.

Lúc bấy giờ Grandet đang điều khiển một ván bài “Marseillaise”, xung quanh có đến ba mươi con bạc. Tôi thì đang đứng nói chuyện gần đấy. Tiếng kêu của Carlino và tiếng hộp sát tây xủng xoảng đã làm cho ván bài phải ngừng lại. Ai nấy đều đứng dậy hoi xem việc gì xảy ra thế. Cậu bạn trai của Carlino chẳng trông thấy gì, còn Carlino thì đã tắt thở. Ông trưởng khối hỏi mọi người xem có nên gọi giám thị đến không. Không? Không nên. Để đến mai, khi điểm danh, báo cho họ biết cũng vừa, anh kia đã chết rồi thì còn cứu giúp được gì nữa mà vội?

Grandet lên tiếng:

- Không có ai nghe thấy gì hết. Cả cậu nữa, cậu nhé - Grandet dặn cậu bé của Carlino - Mai, khi cậu thức dậy, cậu mới nhận là anh ấy chết rồi. Xong. A-lê, lại đánh tiếp.

Thế là đám bạc lại nhốn nháo lên như không hề có việc gì xảy ra cả: “Nhà cúp. Không phải, nhà cái chứ!” vân vân. Tôi sốt ruột chờ xem những gì sẽ diễn ra khi bọn gác phát hiện ra vụ án mạng. Năm giờ rưỡi, tiếng chuông thứ nhất. Sáu giờ, tiếng chuông thứ hai sau đó là cà- phệ Sáu giờ rười, tiếng chuông thứ ba, mọi người ra điểm danh, thường ngày vẫn thế. Nhưng hôm nay thì khác. Đến tiếng chuông thứ hai, khối trưởng nói với tên cảnh binh đi kèm người đưa cà-phê:

- Thưa sếp, có một người vừa bị giết.

- Ai thế?

- Carlino.

- Được.

Mười phút sau, sáu tên cảnh binh đến:

- Người chết đâu?

Họ nhìn thấy con dao găm cắm vào lưng Carlino từ phía dưới, qua lần vải. Họ rút nó ra.

- Cáng đi!

Hai người khiêng cáng đưa cái xác chết ra ngoài. Trời dã sáng hẳn. Tiếng chuông thứ ba đã điểm. Tay vẫn cầm con dao vấy máu, viên giám thị trương ra lệnh:

- Tất cả ra ngoài, xếp hàng điểm danh. Hôm nay không ai được khai ốm nằm lại.

Mọi người đều ra sân. Những buổi điểm danh ban sáng, bọn chỉ huy và giám thị trưởng bao giờ cũng có mặt. Cuộc điểm danh bắt đầu. Nghe đọc đến tên Carlino, khối trưởng đáp:

- Chết đêm qua, đã đưa ra nhà xác.

- Được - tên cảnh binh điểm danh đáp. Khi ai nấy đều đã trả lời: “có”, viên chỉ huy trại giơ con dao lên hỏi:

- Có ai biết con dao này không?

Không ai trả lời

- Có ai trông thấy kẻ giết người không?

Im lặng tuyệt đối

- Vậy là không ai có hay biết gì hết, như thường lệ. Các người hãy lần lượt dang tay đi qua trước mặt tôi, rồi sau đó người nào đi làm việc người nấy.

- Thưa thiếu tá, bao giờ cũng chỉ có thế. Không có cách gì biết được kẻ nào là hung thủ.

- Xếp việc này lại, - viên chi huy trại nói. Giữ con dao lại, găm một tám phiếu ghi là con dao này đã được dùng đem giết Carlino.

Thế là xong. Tôi trở về khối nằm ngủ, vì suốt đêm qua tôi không chợp mắt. Trong khi dần dần thiếp đi, tôi nghĩ cái thân một thằng tù khổ sai thật chẳng ra gì. Dù có bị ám sát một cách hèn hạ, người ta cũng chẳng buồn bỏ công tìm cho ra thủ phạm. Đối với ban Quản trị, mạng một thằng tù chẳng là cái gì hết. Chẳng bằng mạng một con chó.

Tôi đã quyết định bắt đầu làm công việc đổ thùng thứ hai. Đến bốn rưỡi sáng tôi và một người nữa sẽ đi đổ các bô phóng uế của khối A tức khối của chúng tôi. Theo nội quy của trại thì phải đưa ra tận bờ biển mà đổ. Nhưng chúng tôi trả tiền cho người đánh xe trâu: hắn đợi chúng tôi ở một nơi có khe xây xi-măng dẫn xuống biển. Chúng tôi đổ bô xuống đấy, rồi anh đánh xe trâu trút xuống ba ngàn lít nước biển đựng trong một cái phùng ton-nô khổng lồ mà anh ta vừa xe từ biển lên cuốn hết các thứ xuống biển. Để thật sạch, chúng tôi dùng thêm một cái chổi cứng để lùa các thứ bẩn. Công việc chỉ trong vòng không đầy hai mươi phút là xong. Mỗi ngày chúng tôi phải trả hai mươi francs cho anh kia - một anh da đen đảo Martinique rất dễ thương. Vì đây là lần đầu, tôi phải xách một dãy bô xỏ quai vào hai thanh gỗ, cho nên mỏi cô tay lắm. Nhưng tôi sẽ chóng quen.

Người bạn mới của tôi rất sốt sắng niềm nở, thế mà Galgani nói đó là một con người cực kỳ nguy hiểm. Đâu như hắn đã phạm đến bẩy vụ giết người ở Quần đảo. Nghề làm ăn của hắn ở dây là bán cứt. Số là mấy người làm vườn đều cân phân. Anh làm vườn đào một cái hố, lót vào đấy một ít lá khô và có thể là anh da đen Martinique bí mật đưa vài xô cứt đến đổ vào đấy. Dĩ nhiên việc này không thề làm một mình, cho nên tôi buộc lòng phải giúp anh ta. Nhưng tôi biết đây là một lỗi rất nặng, vì qua rau quá bị ô nhiễm, có thể lan truyền bệnh kiết lỵ trong các gia đình nhân viên giám thị cùng như trong các khối phạm nhân. Tôi quyết định h là một ngày nào đó, khi đã quen nhau hơn, tôi sẽ bảo anh ta đừng làm việc này nữa. Dĩ nhiên tôi sẽ đền bù cho anh ta số tiền mà anh ta sẽ mất vì thôi nghề bán phân.

Ngoài công việc này ra, anh ta còn biết khắc chạm sừng bò. Về phần đánh cá, anh ta nói với tôi là chẳng biết gì để bày vẽ cho tôi, nhưng nếu ở bến tàu, Charpar hay một người nào khác sẽ có thể giúp ích cho tôi.

Thế là tôi làm nghề đổ thùng. Xong việc, tôi tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ sọc và ngày ngày ra bờ biền câu cá, muốn câu bao nhiêu thì câu. Tôi chỉ có một bổn phận: đúng giữa trưa phải có mặt ở trại. Nhờ Chapar, tôi không thiếu cần câu và lưỡi câu. Nhưng hôm tôi từ dưới bờ biển đi lên, tay cầm sợi dây thép xâu cá một chuỗi cá hồng, chẳng mấy khi không có những cô vợ giám thị đứng trong nhà gọi ra rối rít. Họ đều biết tên tôi:

- Bươm bướm ơi! Bán tôi hai cân cá hồng nào!

- Bà ốm à?

- Không.

- Thằng bé con bị ốm à?

- Không.

- Thế thì tôi không bán cá cho bà đâu.

Tôi câu được khá nhiều, thường đem cho các bạn ở trại. Tôi đổi tôm cá lấy bánh mì sáo, lấy rau quả hay trái cây. Ở tổ tôi mỗi ngày ít ra cũng có một bữa cá. Một hôm, tôi đang đi từ biển lên, tay xách một tá tôm he lớn và bảy tám ki-lô cá hồng. Đi ngang nhà thiếu tá Barrot thì thấy một bà, người hơi đẫy, nói với tôi:

- Anh câu được nhiều quá, Papillon nhỉ. Biển động thế này có ai câu được gì đâu? ít ra đã mười lăm hôm nay tôi không được ăn cá. Thật đáng tiếc là anh không bán cá. Nhà tôi có cho tôi biết anh không chịu bán cá cho vợ các nhân viên giám thị.

- Thưa bà đúng thế. Nhưng đối với bà thì có thể khác?

- Tại sao?

- Tại bà hơi mập, ăn thịt không được tốt.

- Đúng đấy, họ nói là tôi chỉ nên ăn rau và cá luộc. Nhưng ở đây làm gì có đủ mà ăn?

- Đây, xin bà cầm lấy mớ tôm he và mấy con cá hồng này.

Đoạn tôi đưa cho bà ta cả xâu tôm he và khoảng hai cân cá hồng.

Kế từ hôm ấy, cứ lần nào câu được kha khá, tôi lại đem biếu bà ta một ít, đủ để có được một chế độ ăn thích hợp với tạng người bà. Bà thừa biết rằng ở Quần đảo này thứ gì cũng phải mua bán sòng phẳng, nhưng lần nào bà cũng chỉ đáp lại món quà của tôi bằng hai tiếng “cám ơn” mà thôi. Bà làm như thế là phải, vì bà đã cám thấy rằng nếu đưa tiền, tôi sẽ phật lòng. Nhưng có nhiều lần bà lại mời tôi vào nhà. Bà tự tay róc cho tôi một ly rượu hồi hay một cốc vang trắng. Nếu bên Corse có gửi figatelli cho bà, bà cũng cho tôi một ít. Không bao giờ bà Barrot hỏi tôi về dĩ vãng. Chỉ có một lần, nhân nói đến trại khổ sai, bà lỡ lời nói:

- Quả tình, ở Quần đảo thì không vượt ngục được, nhưng ở đây khí hậu hành, còn hơn phải thối rữa ra như một con vật ở Đất liền.

Chính bà đã giảng giải cho tôi biết sự tích tên gọi Quần đảo: dạo có dịch sốt vàng ở Cayenne, các tu sĩ dòng áo trắng và các bà xơ trong một tu viện nọ đã đến đây lánh nạn, và đều đã thoát nạn. Vì thế mà Quần đảo được gọi là Quần đảo Salut (Quần đảo Cứu nạn). Nhờ cái nghề câu cá, tôi được đi khắp đảo. Tôi làm công việc đổ thùng đã được ba tháng nay, và tôi biết rõ địa thế của đảo hơn ai hết. Tôi đi quan sát các khu vườn lấy cớ là đến đổi cá lấy rau quả. Người trông khu vườn ở cạnh nghĩa địa giám thị là Matthieu Carbonieri, bạn cùng tổ với tôi. Anh ta làm việc ở đấy một mình, cho nên tôi tự nhủ là sau này chúng tôi có thể đóng bè và giấu bè trong khu vườn của anh. Còn hai tháng nửa thì ông chỉ huy trại sẽ đổi đi nơi khác. Tôi sẽ được tự do hành động.

Tôi dã tổ chức được nếp sinh hoạt của tôi: về danh nghĩa tôi là phu đổ thùng, nhưng công việc lại do anh chàng người Martinique làm thay, dĩ nhiên là có trả tiền. Tôi đã có những thao tác làm thân với hai anh em su gia Narric và Quenier, bị khổ sai chung thân. Người ta thường gọi họ là hai anh em rể Đẩy Xe. Họ kể lại rằng hai anh em bị tố cáo là đã biến cái xác của một người đi thu tiền mà họ vừa giết chết thành một khối xi-măng rồi đem đổ cái khối ấy xuống sông. Có những nhân chứng khai là nhìn thấy hai anh em chở khối xi-măng trên một chiếc xe đẩy, đem trút xuống sông Marne hay sông Seine gì đấy. Cuộc điều tra xác định rằng người thu tiền có ghé nhà họ thu một món gì đấy rồi từ đấy không còn thấy tăm hơi đâu nửa. Hai anh em đã phủ nhận tội này từ đầu cho đến naỵ Ngay ở trại tù họ cũng nói là mình vô tội. Thế nhưng, nếu người ta không bao giờ tìm được cái xác, thì người ta lại tìm thấy cái đầu của nạn nhân bọc trong một chiếc khăn mùi soa. Thế mà ở nhà hai anh em lại có những chiếc khăn mù soa dệt cùng một kiểu chính thứ sợi ấy, theo lời “các chuyên gia thẩm định”. Nhưng các trạng sư và bản thân các chuyên gia ấy lại chứng minh được rằng có đến mấy ngàn thước vải như thế đã được khâu thành mùi soa. Ai cũng có thể có những chiếc mùi soa như thế. Tuy vậy, cuối cùng hai anh em vẫn bị khổ sai chung thân, và vợ của một trong hai người, em gái của người kia, bị hai mươi năm tù cấm cố.

Tôi đã làm thân được với họ. Vì làm thợ nề cho nên họ có thể ra vào công xưởng của trại. Có lẽ họ có thể tuồn dần ra cho tôi, từng ít một, những vật liệu cần thiết để đóng một cái bè. Nhưng còn phải thuyết phục họ.

Hôm qua tôi đã gặp ông bác sĩ. Lúc ấy tôi đang vác một con cá nặng ít ra là hai mươi ki-lô, thịt rất bùi, gọi là cá mérou. Bác sĩ cùng đi với tôi lên đỉnh đồi.

Lưng chừng dốc, chúng tôi ngồi xuống nghỉ trên một bức tường thấp. Bác sĩ nói với tôi là đầu con cá này nấu canh ngon tuyệt. Tôi bèn biếu bác sĩ cái đầu cá, dính theo một mảng thịt lớn. Bác sĩ ngạc nhiên và cái cử chỉ ấy của tôi, ông nói:

- Anh chẳng thù dai, Papillon nhỉ.

- Thưa bác sĩ, tôi làm như vậy không phải và bản thân tôi. Chẳng qua tôi thấy có bổn phận phải trả ơn bác sĩ và bác sĩ đã hết lòng cứu chữa Clousiot bạn tôi.

Chúng tôi nói chuyện qua lại một lát, rồi bác sĩ nói:

- Anh muốn vượt ngục lắm phải không? Anh chẳng phải là tù khổ sai đâu. Tôi có cảm giác anh là một hạng người khác.

- Bác sĩ nói đúng đấy. Tôi không thuộc trại khổ sai, tôi chỉ ghé vào tham quan thôi.

Bác sĩ cười. Tôi tấn công luôn:

- Bác sĩ không tin rằng một con người có thể cải hóa được sao?

- Tôi tin chứ.

- Bác sĩ có thể nghĩ rằng tôi có thể làm việc hữu ích ở ngoài đời mà không gây hiểm họa gì cho xã hội và có thể trở thành một công dân lương thiện được không?

- Tôi thành thật tin như thế:

- Thế thì tại sao bác sĩ không giúp tôi đạt được điều đó?

- Bằng cách nào?

- Bằng cách cho tôi miễn giam vì bệnh ho lao. Đến đây bác sĩ đã xác nhận một điều mà tôi đã từng nghe nói.

- Làm như thế không được, và tôi khuyên anh đừng nghĩ đến cách đó. Nó quá nguy hiểm, Ban Quản trị chỉ miễn giam một phạm nhân vì bệnh sau khi hắn đã nằm ở khu điều trị dành riêng cho bệnh ấy ít nhất là một năm.

- Để làm gì?

- Cái này nói ra cũng xấu hổ, nhưng tôi nghĩ rằng họ làm như thế là để phạm nhân biết, nếu hắn giả vờ bệnh, rằng hắn rất có khả năng bị nhiễm vì sống chung với các bệnh nhân thật, và để hắn nhiễm bệnh thật sự. Cho nên tôi không thể giúp anh được.

Kể từ ngày ấy, chúng tôi trở thành đôi bạn... Cho đến ngày ông ta suýt làm cho Carbonieri bạn tôi mất mạng.

Số là Carbonieri, với sự thỏa thuận của tôi, đã nhận làm đầu bếp kiêm giữ kho cho nhà ăn các giám thị trưởng. Nhận việc này là để nghiên cứu xem có thể lấy trộm ba cái thùng ton-nô trước đó đựng rượu vang, đựng dầu và đựng dấm, tìm cách buộc nó lại với nhau làm thành một thứ bè để ra biển không. Dĩ nhiên là khi nào thiếu tá Barrot đã đi khỏi. Việc này rất khó, vì cùng một đêm phải lấy trộm cả ba cái thùng, đưa ra bờ biển đừng để ai trông thấy hoặc nghe thấy, rồi dùng dây cáp buộc lại. Phải vào một đêm giông bão, mưa to gió lớn may ra mới có thể làm được. Nhưng nếu mưa to gió lớn thì việc khó nhất sẽ là đưa cái bè này xuống nước, vì tất nhiên sóng sẽ đánh vào bờ đá hết sức dữ dội.

Vậy Carbonieri là đầu bếp. Viên quản lý bếp đã đưa cho anh ta ba con thỏ để chuẩn bị cho bữa ăn hôm sau, vào ngày chủ nhật. Carbonieri lột da thỏ ra (điều này thật là may), đem một con gửi cho thằng em ở bến tàu còn hai con gửi cho chúng tôi. Rồi anh ta thịt ba con mèo to nấu một nồi xi-vê ngon không thể tả.

Chẳng may cho Carbonieri, hôm sau bác sĩ được mời dự bữa ăn. Trong khi nhấm nháp món xi-vê thỏ, ông ta nói với viên quản lý:

- Ông Filidori ạ, xin có lời khen ngợi thực đơn của ông: món thịt mèo này ngon tuyệt.

- Xin bác sĩ đừng xỏ tôi, chúng ta đang ăn ba chú thỏ tuyệt vời.

- Không đâu, - Ông bác sĩ khăng khăng nói quả quyết - Đây là thịt mèo. Ông có nhìn thấy mấy miếng xương sườn tôi đang ăn đây không? Xương sườn này dẹp, mà sườn thỏ thì tròn. Vậy không thể có sự nhầm lẫn gì được: chúng ta đang ăn thịt mèo.

- Lạy Chúa, Cristacho! - viên quản lý người Corse nói. - Trong bụng tôi có một con mèo rồi.

Thế là hắn chạy bổ xuống bếp dí súng lục vào mặt Matthieu nói:

- Mày có là dân sùng mộ Napoléon như tao cũng mặc, tao sẽ giết mày chết ngay bây giờ về tội đã cho tao ăn thịt mèo.

Mắt hắn trợn lên như mắt người điên. Carbonieri không hiểu nổi làm sao hắn biết được, nhưng vẫn nói:

- Nếu ông gọi mấy cái con gì mà ông đưa cho tôi là mèo, thì tôi cũng đến chịu: đó chúng phải là lỗi của tôi.

- Tao đưa cho mày ba con thỏ kia mà!

- Ông đưa gì tôi nấu nấy. Ông cứ nhìn mà xem: da với đầu còn kia kìa.

Lão cớm nhìn ba bộ da và ba cái đầu thỏ, chẳng còn biết nói sao.

- Thế ông bác sĩ chỉ nói mò à?

- Té ra ông bác sĩ nói thế sao? - Carbonieri vừa thở hắt ra vừa hỏi. - Ông ấy trêu ông đấy. Ông phải nói cho bác sĩ biết là không nên đùa cái kiểu như vậy.

Nguôi giận, yên lòng, Filidori trở vào phòng ăn, nói với bác sĩ:

- Ông cứ tha hồ nói đi, muốn nói gì thì cứ nói ông bác sĩ ạ. Men rượu bắt đầu bốc lên rồi đấy. Mấy cái xương sườn của ông nó bẹp hay nó tròn mặc nó, chứ tôi thì tôi biết chắc mười mươi đây là thịt thỏ. Tôi vừa nhìn thấy ba bộ lông và ba cái đầu của nó còn sờ sờ ra đấy.

Thật hú vía cho Matthieu, nhưng mấy hôm sau anh ta thấy nên xin từ chức đầu bếp thì tốt hơn.

Ngày tôi có thể sắp sửa hành động đã đến gần.

Chỉ còn mấy tuần nữa là Barrot ra đi. Hôm qua tôi vừa ghé thăm bà vợ béo tốt của ông ta (nhân thể cũng xin nói rằng nhờ chế độ ăn cá luộc với rau tươi, bà ta đã gầy bớt đi nhiều). Ngời đàn bà tốt bụng này đã mời tôi vào nhà để tặng tôi một chai rượu canh-ki-na. Trong phòng khách tôi nhìn thấy mấy cái rương đi tày thủy đang được xếp đồ đạc vào. Họ đang chuẩn bị cho chuyến ra đi. Bà thiếu tá, như mọi người vẫn quen gọi bà ta, nói với tôi:

- Papillon ạ, tôi không biết lấy gì để cảm ơn anh đã quan tâm đến tôi mấy tháng gần đây. Tôi biết những hôm biển động cá hiếm anh đã cho tôi tất cả những gì anh câu được. Tôi cảm ơn anh nhiều lắm. Nhờ anh bây giờ tôi thấy trong người dễ chịu lắm. Tôi đã bớt được mười bốn ki-lô. Tôi có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn anh đây?

- Thưa bà, một việc rất khó đối với bà: kiếm cho tôi một cái la bàn tốt. Chính xác, nhưng đừng to quá.

- Cái này vừa không đáng là bao, lại vừa là việc lớn đấy, Papillon ạ, mà chỉ trong vòng ba tuần phải kiếm cho ra thì hơi khó cho tôi đấy.

Tám ngày trước khi ra đi, người đàn bà cao thượng này, bực mình vì mãi không kiếm đâu ra được một cái la bàn; đã dám lên tàu thủy đi Cayennẹ Bốn hôm sau, bà trở về với một cái la bàn chống nhiễm từ tuyệt hảo.

Sáng nay, hai ông bà chỉ huy trại lên đường. Hôm trước ông đã trao quyền chỉ huy cho một sĩ quan cảnh binh cùng cấp với ông, một người quê ở Tunisie tên là Prouillet. Một tin mừng: viên chỉ huy mới đã quyết định cho Dega giữ nguyên chức kế toán trưởng. Điều này rất quan trọng đối với mọi người, nhất là đối với tôi. Trong bài diễn văn đọc trước đám phạm nhân tập hợp thành đội ngũ hình vuông trong khoảng sân lớn, viên chỉ huy mới làm cho mọi người cảm thấy đây là một con người rất cương nghị, nhưng thông minh. Ngoài những chuyện khác ra, ông ta có nói với chúng tôi:

- Kể từ hôm nay, tôi đảm nhiệm quyền chỉ huy Quần đảo Salut. Nhận thấy có phương pháp cai quản của người đi trước tôi đã đem lại những kết quả tíchh cực, tôi không thấy có lý do gì để thay đổi chế độ hiện hành. Nếu các người không làm điều gì buộc tôi phải có biện pháp khác, tôi sẽ không thay đổi gì trong nếp sống của các người.

Tôi nhìn hai ông bà chỉ huy cũ ra đi mà lòng mừng khấp khởi. Điều đó cũng rất dễ hiểu, tuy thời gian chờ đợi đã trôi qua một cách nhanh chóng lạ lùng. Cuộc sống tưởng chừng như tự do mà hầu hết các phạm nhân trên đảo được hưởng, những ván bài, những buổi đi câu những cuộc chuyện trò, những người bạn mới, những cuộc cãi vã những trận đánh nhau làm thành những phương tiện giải trí rất hữu hiệu, khiến người ta không còn thì giờ để mà buồn chán nữa.

Tuy thế, tôi đã không để cho cái không khí này lôi cuốn tôi thực sự. Mỗi lần tôi kết thân với một bạn mới, bao giờ đồng thời tôi cũng tự đặt ra câu hói: “Anh này liệu có ý định vượt ngục không? Nếu không, anh ta có đủ lòng tốt để giúp người khoẻ chuẩn bị một chuyến vượt ngục không?”

Tôi chỉ vì cái mục đích ấy mà sống: vượt ngục, vượt ngục cho bằng được, dù đi một mình hay cùng đi với bạn cũng thế thôi. Đó là một ý nghĩ thường xuyên ám ánh tôi, tuy tôi theo đúng lời như Jean Castelli đã khuyên tôi, không nói hở ra với ai hết, nhưng ý nghĩ ấy không giây phút nào rời khỏi tâm trí tôi. Và tôi sẽ vững lòng thực hiện lý tưởng của tôi: vượt ngục.