Papillon - Người tù khổ sai - Chương 30 phần 3

- Không được chơi thứ nhạc ấy nữa, lính chúng tôi đang có tang.

Một không khí căng thẳng khác thường đè nặng không phải chỉ trên trại giam mà trên toàn trại. Không có cà phê, không có xúp. Buổi chiều chỉ có một mẩu bánh mì, trưa thịt hộp, chiều thịt hộp, bốn người một hộp. Vì các thứ đồ lề của chúng tôi không bị phá hủy, nên chúng tôi có cà phê và thực phẩm: bơ, dầu, bột mì, v.v... Các nhà khác không còn gì. Khi chúng tôi đun nước pha cà phê và khói ở trong nhà xí bay ra, một tên cảnh binh bắt tắt lửa đi. Người đun nước là một tù nhân thuộc giới giang hồ trở về già, người Marseille, tên là Niston, thường pha cà phê để bán.

Lão đã trả lời lính gác một cách xấc xược:

- Anh có muốn tắt lửa thì vào mà tắt lấy đi.

Thế là tên lính bắn qua cửa sổ mấy phát súng. Cà phê và lửa đành biến vội. Niston bị trúng đạn vào chân. Mọi người đều cảm thấy quá căng và tưởng lính bắt đầu bắn chúng tôi nên ai nấy liền nằm sấp xuống đất.

Chỉ huy phiên gác vào giờ đó lại vẫn là Filissari. Y chạy như điên đến, theo sau có bốn lính. Người lính vừa bắn xong, gốc vùng Auvergne, đang trình bày sự việc xảy ra. Filissari chửi anh ta bằng tiếng Corse, còn anh nọ không nghe được gì, chỉ biết nói:

- Tôi không hiểu gì cả.

Chúng tôi lại lên võng ngồi. Chân Niston bị chảy máu.

- Đừng nói là tôi bị thương. Chúng nó sẽ khử tôi luôn ở ngoài đó mất.

Filissari đến gần cửa sắt. Marquetti nói gì với y bằng tiếng Corse.

- Cứ làm cà phê, chuyện này sẽ không xảy ra nữa. - Nói xong y bỏ đi.

May cho Niston là viên đạn không nằm trong chân: gặp đoạn cơ bắp, nó ra ở phía nửa chân bên kia. Bọn tôi buộc ga rô cho lão, máu ngưng chảy và sau đó lão được băng bó với nước giấm.

- Papillon, ra đây - Lúc bấy giờ đã tám giờ rồi: bên ngoài trời tối đen..

Tôi không biết mặt người lính đã gọi tôi, có thế đấy là một người gốc Bretagne.

- Tại sao tôi lại phải ra ngoài vào giờ này? Tôi chẳng có việc gì ở ngoài ấy cả.

- Thiếu tá muốn gặp anh.

- Bảo ông ta đến đây. Tôi không ra đâu.

- Anh từ chối không đi hả?

- Phải, tôi từ chối không đi đấy.

Các bạn tôi vây thành một vòng quanh tôi. Người gác nói qua cánh cửa vẫn đóng kín. Marquetti ra cửa nói:

- Chúng tôi không để Papillon ra khỏi đây nếu không có thiếu tá.

- Thì chính ông ta cho kiếm Papillon đấy mà.

- Vậy thì bảo ông ấy cứ lại đây.

Mót giờ sau hai tên lính trẻ đến trước cứa phòng có tên A-rập giúp việc ở nhà thiếu tá đi theo. Tên này đã cứu ông và ngăn chặn được cuộc nổi loạn.

- Papillon ơi, tôi là Mohammed đây. Tôi đến tìm anh, thiếu tá muốn gặp anh, ông ấy không thể đến đây được.

Marquetti nói với tôi:

- Papi này, thằng cha ấy mang súng mút-cơ-tông đấy.

Tôi ra khỏi vòng người do các bạn tôi quây thành và lại gần cửa. Quả thật Mohammed đang cầm trong tay một khẩu súng trường. Một tên tù khổ sai lại được chính thức mang súng trường? Chuyện khó tin lại có thật.

- Đi thôi, - tên A-rập nói. - Tôi đến đây để cùng đi theo anh và để bảo vệ anh, nếu cần.

- Nhưng tôi không tin là cần.

Tôi ra ngoài, Mohammed đi cạnh tôi, có hai tên lính đi theo sau. Tôi đến sở chỉ huy. Đi ngang qua vọng gác ở ngoài cổng trại. Filissari nói với tôi:

- Papillon, tôi mong anh không có gì phải phàn nàn về tôi đấy.

- Riêng tôi thì không có gì, trong phòng giam tù nguy hiểm cũng không ai có gì phàn nàn về ông. Còn ở chỗ khác thì tôi không biết.

Chúng tôi đi xuống nhà thiếu tá. Căn nhà và bến tàu được thắp đèn đất cốt tỏa ánh sáng ra xung quanh nhưng chẳng được bao nhiêu. Trong khi đi đường. Mohammed đưa cho tôi một bao thuốc lá Gauloises.

Khi bước vào gian phòng được hai cây đèn đất chiếu sáng, tôi thấy có thiếu tá chỉ huy đảo Royale, viên chỉ huy phó của ông ta, thiếu tá chỉ huy Saint-Joseph, viên chỉ huy và viên chỉ huy phó của nhà lao cấm cố trên đảo Saint-Joseph.

Bên ngoài tôi thấy bốn tên A-rập, và có bốn cảnh binh giám sát. Tôi nhận ra hai tên thuộc toán cỏ-vê hữu quan.

- Papillon đến rồi ạ - Tên A-rập nói.

- Chào anh, Papillon, - thiếu tá trại trưởng Saint-Joseph nói.

- Chào ông.

- Anh ngồi xuống ghế này.

Tôi ngồi đối mặt với tất cả mọi người. Cửa phòng để mở, trông vào bếp, tôi thấy bà mẹ đỡ đầu Lisette giơ tay thân mật chào tôi.

- Papillon này, - thiếu tá trại trường Royale nói, - anh được thiếu tá Dutain coi là người có thể tin cậy được. Anh đã chuộc tội bằng cách cố cứu sống đứa con đỡ đầu của bà ấy. Tôi thì chỉ biết anh qua những báo cáo chính thức, coi anh là một tù nhân nguy hiểm về mọi mặt. Tôi muốn bỏ qua các báo cáo ấy và tin vào ông Dutain đồng sự của tôi. Chắc chắn rồi sẽ có một phái bộ đến đây để điều tra, và các tù nhân các loại ai cũng phải khai ra những điều gì mình biết. Chắc chắn là anh và một vài người nữa, có uy tín lớn đối với các tù nhân, và họ sẽ răm rắp nghe lời anh. Chúng tôi muốn biết ý kiến anh về cuộc nổi loạn và cả những điều mà anh đã ít nhiều thấy trước là những người trong khối anh, rồi sau đó là những người khác, có thể khai ra.

- Tôi không có gì để khai ra cả, cũng không có bổn phận gây ảnh hưởng gì đối với lời khai của những người khác. Nếu có một phải bộ đến để điều tra thật sự, thì trong tình hình hiện nay, các ông sẽ bị cách chức hết.

- Anh nói gì lạ vậy, Papillon? Tôi và các đồng sự của tôi ở Saint-Joseph đã ngăn chặn được cuộc nổi loạn kia mà!

- Có lẽ riêng ông, ông sẽ thoát được, nhưng các ông chỉ huy ở Royale thì không thoát được đâu.

- Anh hãy nói cho rõ đi nào. - Hai viên chỉ huy ở đảo Royale đứng lên rồi lại ngồi xuống.

- Nếu các ông cứ chính thức nói là có cuộc nổi loạn, các ông đều sẽ lãnh đủ. Nếu các ông chịu chấp nhận các điều kiện của tôi, tôi sẽ cứu tất cả các ông trừ Filissari.

- Điều kiện gì?

- Thứ nhất, sinh hoạt ở đây phải trở lại nếp bình thường ngay lập tức, bắt đầu từ ngày mai. Chỉ khi nào chúng tôi nói chuyện được với nhau bình thường, chúng tôi mới tác động được vào mọi người về những điều phải khai với ban thanh tra. Có đúng không nào?

- Đúng - Dutain nói. - Nhưng tại sao lại phải cứu chúng tôi?

- Bởi vì từ đảo Royale, các ông không phải chỉ huy đảo Royale mà chỉ huy cả ba đảo nữa.

- Đúng.

- Và các ông đã dược Girasolo báo cáo là có một cuộc nổi loạn đang được âm mưu chuẩn bị. Cầm đầu là Hautin và Arnau chứ gì.

- Cả Carbonieri nữa, tên lính gác nói.

- Không, điều đó là sai. Girasolo có thù riêng với Carbonieri từ khi còn ở Marseille. Nó đã tố giác thêm anh ta một cách vô căn cứ. Nhưng các ông có tin là có nổi loạn đâu. Tại sao vậy? Vì hắn nói là cuộc nổi loạn này nhằm mục đích giết đàn bà, trẻ con, bọn A-rập và các cảnh binh. Điều đó có vẻ khó tin. Mặt khác, ở Royale có tám trăm người mà chỉ có hai chiếc sà-lúp, còn ở Saint-Joseph có sáu trăm người mà chỉ có một chiếc sà-lúp. Không một người chín chắn nào lại đi chấp thuận một mưu đồ như thế.

- Làm sao anh biết được tất cả những điều đó?

- Đấy là việc của tôi. Nhưng nếu các ông cứ nói mãi về cuộc nổi loạn, dù cho các ông có thủ tiêu tôi đi, và nhất là khi các ông làm thế thật, thì tất cả những điều ấy sẽ lộ rõ và sẽ được chứng minh rành rọt. Do đó trách nhiệm sẽ thuộc về đảo Royale, đã chuyển những người kia đi Saint-Joseph, lại không tách rời họ ra. Quyết định hợp lý duy nhất - cho nên nếu cuộc điều tra thấy được thì các ông sẽ không tránh khỏi những hình thức kỷ luật nặng nề đấy - là đưa người này đến đảo Quỷ, người kia đến Saint-Joseph. Nhưng tôi vẫn thừa nhận là khó có thể tin được câu chuyện đó do lũ điên rồ ấy bày ra được. Tôi nhấn mạnh là nếu các ông nói đến nổi loạn, các ông sẽ sa lầy đấy. Vậy nếu các ông chấp nhận điều kiện của tôi, thì thứ nhất là, như tôi đã nói, mọi việc phải trở lại bình thường ngay từ ngày mai; thứ hai, tất cả những ai bị nhốt vào xà lim vì tình nghi có âm mưu nổi loạn phải được thả ngay - cũng không được tra hỏi những người đó về phần đồng lõa của họ trong cuộc nổi loạn, bởi vì không làm gì có nổi loạn; thứ ba là ngay bây giờ, Filissari phải được đưa tức khắc về đảo Royale trước hết để đảm bảo an toàn cho chính ông ta: bởi vì một khi không hề có nổi loạn thì làm thế nào biện bạch được việc giết chết ba người kia? Sau nữa vì ông ta là một kẻ giết người ti tiện, và khi sự việc xảy ra ông ta đã hành động trong một tâm trạng sợ hãi đến cùng cực: ông ta toan giết chết tất cả mọi người, kể cả chúng tôi ở trong phòng giam. Nếu các ông chấp nhận những điều kiện đó, tôi sẽ thu xếp để tất cả mọi người đều phát biểu là Arnaud, Hautin và Marcean đã hành động với mục đích làm sao gây ra thật nhiều tai họa trước khi chết. Những gì họ làm không thể lường trước được. Họ không có tòng phạm, không hề tâm sự với ai. Theo nhận xét của toàn thể phạm nhân, dó là những kẻ đã quyết định tự vẫn bằng cách ấy, giết càng nhiều người càng tốt, trước khi họ bị giết: mục đích của họ là làm sao khiêu khích cho lính bắn vào họ. Nếu các ông ai muốn, tôi xin vào trong bếp để các ông bàn luận và trả lời cho tôi sau.

Tôi đi vào bếp và đóng cửa lại. Bà Dutain bắt tay tôi và đưa cà phê với cả rượu cô nhắc chó chúng tôi uống. Tên A-rập Mohammed nói:

- Anh không nói gì cho tôi à?

- Đó là việc của ông thiếu tá. Một khi ông ấy đã giao súng cho cậu, tức là ông ấy định tha tội cho cậu đấy

Bà mẹ đỡ đầu của Lisette nhẹ nhàng nói với tôi:

- Các ông ở đảo Royale lần này thì lãnh đủ nhé. Tất nhiên rồi, thừa nhận có cuộc nổi loạn ở Saint- Joseph mà ai cũng bắt buộc phải biết rõ, trừ ông chồng bà, đối với họ dễ quá.

- Papillon này, tôi nghe được hết và tôi hiểu ngay là anh muốn làm điều tốt cho chúng tôi.

- Đúng vậy, thưa bà Dutain.

Cửa mở ra và một lính vào gọi.

- Papillon, qua đây.

- Anh ngồi xuống đi, - thiếu tá chỉ huy đảo Royale nói. - Sau khi bàn luận với nhau, chúng tôi nhất trí kết luận là anh nói đúng: không hề có nổi loạn. Ba tù nhân đó đã quyết định tự vẫn và trước khi chết, họ cố giết được càng nhiều người càng tốt. Vậy là mai mọi việc hàng ngày sẽ lại như cũ. Ngay đêm nay, ông Filissari sẽ được chuyển về đảo Royale. Giải quyết trường hợp của ông ta là việc của chúng tôi, nên chúng tôi cũng không yêu cầu anh cộng tác với chúng tôi. Chúng tôi trong vấn đề này chỉ mong anh giữ lời hứa.

- Các ông cứ tin ở tôi. Xin chào các ông.

- Mohammed và hai ông giám thị hãy đưa Papillon về phòng. Và mời ông Filissari vào đây. Ông ta sẽ đi với chúng tôi về đảo Royale ngay.

Trên đường về, tôi nói với Mohammed rằng tôi hy vọng là anh ta sẽ được thả. Anh ta cảm ơn tôi.

- Bọn chỉ huy muốn cậu làm gì thế?

Trong cảnh im lặng hoàn toàn, tôi kể lại rõ ràng và tỉ mỉ từng câu một, những gì đã xảy ra.

- Nếu có ai không đồng ý hay có gì chỉ trích những gì tôi đã nhân danh tất cả mà thỏa thuận với các cấp chỉ huy ở đây, xin cứ nói ra.

- Tất cả đều nhất trí tán thành.

- Cậu cho rằng họ tin là không còn ai liên quan đến vụ này sao?

- Không đâu, nhưng nếu họ không muốn bị cách chức thì họ bắt buộc phải tin như vậy. Cả chúng ta nữa, nếu chúng ta không muốn gặp chuyện rắc rối, chúng ta cũng phải tin như vậy.

Bảy giờ sáng hôm nay, tất cả các tù nhân bị giam ở xà lim đều được thả về chỗ cũ. Có trên một trăm hai mươi người. Chưa ai đi làm nhưng tất cả các phòng giam đều được mở cửa và ngoài sân đầy những tù nhân được tự do hút thuốc, thoải mái chuyện trò, ngồi ngoài nắng hay trong bóng râm. Niston đã được đưa đi bệnh viện. Carbonieri cho tôi biết là có những tấm bìa ghi hàng chừ: “Tình nghi tham gia vào vụ nổi loạn” được treo trước cửa ít ra từ tám mươi đến một trăm xà-lim.

Lúc này đây, được tập trung đông đủ, chúng tôi mới biết rõ sự thật. Filissari chỉ giết có một người, những người khác bị hai tên lính trẻ giết, hai tên này bị mấy phạm nhân giết, trong bước đường cùng: tưởng mình sắp bị giết, các phạm nhân này đã cầm dao lao bừa vào lính, cố giết lấy một người trước khi chết. Thế là một vụ nổi loạn thật sự may sao đã phá sản ngay từ đầu để trở thành một cuộc tự vẫn kỳ quặc của ba tù nhân khổ sai: đấy là luận đề hình thức được mọi người, cả ban Quản trị lẫn tù nhân, công nhận. Còn lại là truyền thuyết hay chuyện thật, tôi không biết nói thế nào cho chính xác.

Hình như việc mai táng ba người bị giết ở trại cùng với Hautin và Marceau được tiến hành như sau: vì chỉ có một cỗ quan tài có rãnh trượt để thả các thi hài xuống biển, nên bọn lính đặt tất cả các xác chết xuống lòng thuyền rồi cả năm cái xác được ném bằng tay xuống cho cá mập. Khi tiến hành việc liệng xác, họ tính rằng, trong lúc những thi thể ném xuống trước đang bị cá mập cắn xé thì những thi thể ném sau đã được buộc đá vào chân có đủ thời gian chìm sâu xuống nước. Tôi được nghe kể lại rằng không có cái xác nào chìm xuống nước cả, và cả năm cái xác đó, được liệm vải trắng vào lúc chập choạng tối, đã nhảy múa như những con rối thật sự, được miệng và đuôi lũ cá mập đưa đẩy trong một bữa tiệc thịnh soạn xứng với Nabuchodonozor. Cảnh tượng hãi hùng đó đã làm cho đám tù chèo thuyền và đám lính gác hốt hoảng tháo lui

Một ban thanh tra đã tới, ở lại gần năm ngày trên đảo Saint-Joseph, và hai ngày trên đảo Royale. Tôi không bị tra hỏi riêng mà cũng chỉ như mọi người. Qua thiếu tá Dutain, tôi biết là mọi việc đều êm thấm. Filissari được nghỉ phép chờ ngày về hưu, như vậy là lão ta sẽ không trở lại đảo này nữa. Mohammed được ân xá hoàn toàn, và thiếu tá Dutain được gắn thêm một lon.

Vì thế nào cũng có những kẻ không được vừa lòng nên hôm qua, một tù nhân người Bordeaux đã hỏi tôi:

- Giúp đỡ cho bọn coi tù như vậy, phỏng chúng ta có được xơ múi gì?

Tôi nhìn thẳng vào y:

- Chẳng được gì mấy: chỉ có độ năm, sáu chục tù không bị giam vào ngục cấm cố về tội tòng phạm, cậu thấy thế là không có gì hả?

May mắn là cơn giông tố đó đã dịu dần. Một sự thỏa thuận ngầm giữa cai tù và tù đã hoàn toàn vô hiệu hóa ban thanh tra trứ danh nọ, mà có lẽ chính ban thanh tra cũng chỉ mong sao mọi việc được ổn thỏa cho rồi.

Về phần tôi, tôi chẳng được gì cũng chẳng mất gì nếu không nói đến sự biết ơn của các bạn tôi đã không phải chịu đựng một kỷ luật khắt khe hơn. Trái lại, lao dịch kéo đá đã được bãi bỏ. Đó là một lao dịch kinh khủng. Bây giờ trâu kéo đá, tù nhân chỉ xếp đá vào chỗ đã định. Carbonieri được trả về lò bánh mì. Tôi tìm cách trở về đảo Royale. Ở đây thì không có công xưởng nên không thể đóng bè được.

Việc Pétain lên cầm quyền ở Pháp làm quan hệ giữa tù nhân và giám thị nặng nề thêm. Tất cả các nhân viên thuộc chính quyền đều lớn tiếng tuyên bố theo phải Pétain, và có một lính gác người Normandie đã nói với tôi:

- Cậu có muốn nghe tôi nói với cậu điều này không, Papillon? Tôi chưa bao giờ theo phải Cộng hòa cả. Ở đảo, không ai có máy thu thanh và không ai biết được tin tức gì. Ngoài ra, lại có tin đồn là chúng tôi tiếp tế cho tàu ngầm Đức ở Martinique và Guadeloupe. Thật không sao hiểu nổi. Luôn luôn nổ ra những cuộc tranh luận.

- Mẹ kiếp! Cậu có muốn tớ nói cho cậu biết không, Papi? Bây giờ mới là lúc nổi loạn, để trao các đảo cho nước Pháp của De Gaulle.

- Cậu cho là ông Charlot cao kều ấy cần nơi giam tù khổ sài à? Để làm gì?

- Thì để có được hai ba ngàn quân chứ còn sao?

- Những thằng hủi, những thằng ngớ ngẩn, lao phổi, kiết lỵ hả? Cậu không đùa đấy chứ? ông ta không ngốc đến nỗi phải ôm lấy lũ tù khổ sai đau.

- Thế hai ngàn tù còn khỏe mạnh thì sao?

- Đấy lại là chuyện khác. Đúng là người, nhưng không phải là những người có khả năng cầm súng. Cậu tưởng chiến tranh giống như đi ăn cướp đấy hả? Ăn cướp chỉ mười lăm phút là xong, chiến tranh kéo dài hàng năm. Muốn trở thành một chiến sĩ tốt, phải có lòng tin của người yêu nước. Cậu có tin hay không mặc cậu, tớ không muốn ở đây có lấy một thằng nào dám hy sinh thân mình cho nước Pháp.

- Hy sinh làm quái gì, sau khi nước Pháp đã đối xử với chúng ta như thế này?

- Cậu đã thấy tớ nói có lý chưa? May mà ông Charlot cao kều đã có những người khác các cậu để tiến hành chiến tranh. Nhưng cũng phải nhớ là bọn Đức khốn nạn đang ở trên đất nước chúng ta! Lại có những thằng Pháp đi với tụi chúng nữa. Tất cả quan và lính ở đây, không trừ ai, đều nói là chúng ủng hộ Pétain.

Bá tước Bérac nói: “Giá có thể liều thân đánh nhau với Đức thì đó cũng là một cách để chúng ta chuộc tội.”

Thế là sinh ra cái hiện tượng sau đây: trước kia chưa có tù nhân nào nói đến việc chuộc tội. Thế mà bây giờ tất cả mọi người, từ dân giang hồ đến dân trưởng giả, tất cả các phạm nhân khổ sai khốn khổ ấy đều thấy lóe lên một tia hy vọng.

- Thế để được gia nhập vào hàng ngũ của De Gaulle, chúng mình sẽ nổi loạn chứ hả Papillon?

- Đáng tiếc là tớ chẳng cần phải chuộc tội đối với bất cứ ai cả. Tớ ngồi xổm lên cái công lý của nước Pháp với cái mục “phục hồi nhân phẩm” của nó. Tớ sẽ tự tay mình chứng minh là tớ đã “phục hồi nhân phẩm” rồi. Nhiệm vụ của tớ là vượt ngục, để khi được tự do, sẽ trở thành một người bình thường, sống trong xã hội mà không gây nguy hại gì cho xã hội đó. Tớ không tin rằng một con người có thể chứng minh một cái gì khác bằng một cách gì khác được. Tớ sẵn sàng tham gia bất cứ hành động nào để đạt mục đích vượt ngục. Trao quần đảo này cho ông Charlot cao kều không phải là việc của tớ, và tớ chắc rằng ông ta cũng chẳng thiết. Vả lại nếu ta làm như vậy, cậu có biết những thằng cha ngồi trên chóp bu sẽ nói gì không? Rằng chúng mình chiếm đảo để được tự do, chứ không phải để làm một nghĩa cử vì nước Pháp tự dọ Mà cậu nào có biết ai đúng, ai sai. De Gaulle hay Pétain? Tớ thì tớ chẳng biết cái cóc khô gì cả. Đất nước bị chiếm đóng, tớ cũng đau khổ như mọi người dân thường, tớ nghĩ đến những người thân của tớ, đến bố mẹ, đến các chị em tớ, đến các cháu tớ.

- Chúng ta lo lắng như vậy cho cái xã hội chẳng thương xót gì chúng ta ấy làm quái gì nhỉ.

- Điều ấy cũng là bình thường, vì bọn cảnh sát và bộ máy luật pháp của nước Pháp, bọn hiến binh, bọn cảnh sát, chúng không phải là nước Pháp. Đấy là cả một tầng lớp riêng biệt, gồm những kẻ tâm địa hoàn toàn méo mó. Bây giờ có biết bao nhiêu kẻ như thế sẵn sàng trở thành đầy tớ cho bọn Đức? Tớ cá với cậu là cảnh sát Pháp đang bắt bớ đồng bào của chúng để giao cho bọn cầm quyền Đức. Thôi nhé. Tớ đã nói và tớ nhắc lại rằng tớ không tham gia vào một cuộc nổi loạn, với bất cứ lý do gì. Trừ phi là để vượt ngục, nhưng cũng còn phải xem vượt ngục như thế nào đã.

Những cuộc tranh cãi rất gay gắt đã nổ ra giữa các phe phái trong trại. Kẻ ủng hộ De Gaulle, kẻ ủng hộ Pétain. Thật ra chẳng ai hiểu gì cả, vì như tôi đã nói, cả giám thị lẫn tù nhân, không ai có cái máy thu thanh nào. Tin tức có được đều do các tàu đi ngang qua đem đến cho chúng tôi một ít bột mì, rau khô và gạo. Đối với chúng tôi, chiến tranh đứng từ xa như vậy mà nhìn, thật khó hiểu.

Nghe đâu như có một người đến Saint-Laurent du-Maroni để tuyển mộ lính cho lực lượng tự do. Tù nhân chẳng biết gì hết, chỉ biết một điều là bọn Đức đóng khắp nước Pháp.

Có một sự kiện vui vui: một linh mục đến đảo Royale có thuyết giảng sau khi làm lễ. Ông ta nói:

- Nếu các đảo bị tấn công, các anh sẽ được phát súng để giúp các giám thị báo vệ đất đai của nước Pháp.

Chuyện thật mười mươi đấy. Ông cha ấy ngộ nghĩnh thật, và không biết ông ta hiểu về chúng tôi ra thế nào mà lại đi thuyết giảng như vậy được. Chắc ông ta đánh giá trí khôn của chúng tôi chẳng cao chút nào. Kêu gọi tù nhân đi bảo vệ nhà giam của họ. Thật là chuyện kỳ quặc khó nghe nổi.

Đối với chúng tôi, chiến tranh có nghĩa là: người gác tăng gấp đôi từ lính quèn đến chỉ huy trưởng và chánh giám thị; rất nhiều thanh tra, một số thanh tra nói giọng Đức hay giọng Alsace rất rõ; rất ít bánh mì: chỉ còn bốn trăm gam; rất ít thịt.

Chỉ có một thứ được tăng là giá biểu phải trả cho một cuộc vượt ngục thất bại: tử hình. Vì thêm vào bản án về tội vượt ngục là: “mưu toan chạy sang hàng ngũ những kẻ thù của nước Pháp.”

Tôi ở đảo Royale đã được bốn tháng nay. Tôi đã có một người bạn lớn là bác sĩ Germain Guibert. Vợ bác sĩ, một người đàn bà khác thường, đã nhờ tôi trồng cho bà một vườn rau để giúp bà sống được trong cái chế độ ăn uống hạn chế này. Tôi đã trồng trong vườn của bà nào rau xà lách, nào cải củ, đậu đũa, nào cà chua, và cà tím. Bà rất khoái và coi tôi như một người bạn tốt.

Ông bác sĩ này không bao giờ bắt tay một viên giám thị, bất kể ở cấp bực nào, nhưng lại thường bắt tay tôi và một vài tù nhân khác mà ông đã biết rõ và đem lòng quý trọng.

Sau này, khi được tự do, tôi đã liên hệ lại với bác sĩ Germain Guibert qua bác sĩ Rosenberg. Ông đã gởi cho tôi một tấm hình ông chụp cùng với vợ trên bến Canebière ở Marseille. Ông đã chết ở Đông Dương vì cố cứu một thương binh rơi lại phía sau. Ông là một con người phi thường và vợ ông cũng tương xứng với ông. Năm 1976, khi về Pháp, tôi định đến thăm bà. Sau tôi lại thôi vì bà đã không viết thư cho tôi sau khi bà cho tôi một giấy chứng nhận mà tôi cần xin bà. Từ đó,tôi không được tin tức gì của bà nữa. Tôi không biết lý do của sự im lặng này, nhưng trong đáy lòng tôi vẫn giữ mãi một mềm tri ân sâu sắc đối với cả hai ông bà về cách họ đối xử với tôi trong gia đình họ ở Royale.

Vài tháng sau, tôi đã có thể trở về đảo Royale rồi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3