Papillon - Người tù khổ sai - Chương 38 phần 2

Hai cô gái Ấn Độ này đẹp tuyệt trần. Vết xăm giữa trán làm cho cả hai có một vẻ gì kỳ ảo. Hai cô nói chuyện tử tế với tôi, và với vốn liếng tiếng Anh ít ỏi của mình, tôi cũng hiểu rằng hai cô hoan nghênh việc tôi đến thành phố George này.

Đêm nay, Guittou và tôi đã đi vào trung tâm thành phố. Đến đấy tưởng như đi vào một nền văn minh khác, hoàn toàn xa lạ với nơi chúng tôi sống. Thành phố đông nghẹt người. Da trắng, da đen, người Ấn Độ, Trung Hoa, quân nhân và lính thuỷ mặc quân phục cùng một số thủy thủ các thương thuyền. Rất nhiều quán rượu, tiệm ăn, tiệm giải khát và hộp đêm với ánh đèn gay gắt làm đường phố sáng như ban ngày.

Sau buổi xem phim (lần đầu tiên trên đời tôi được biết phim màu, loại có cả tiếng nói nữa), còn đang ngây ngất với cái mùi đời mới được hường đó, tôi đi theo Guittou vào một quán rượu rất lớn. Hơn hai mươi người pháp chiếm một góc phòng. Họ uống “Cu ba tự do” (rượu cồn pha Coca cola).

Tất cả những người này đều là tù vượt ngục, dân anh chị cả. Có người đã mãn hạn, được thả rồi nhưng còn bị “quản thúc” tại chỗ. Đói khổ không có việc làm; lại bị dân chính quốc và cả dân địa phương Guyane khinh rẻ, họ đã tìm đến một xứ sở mà họ cho là sẽ sống khá hơn. Nhưng ở đây họ vẫn rất cực, họ kể lại vậy.

- Tôi vào rừng chặt củi cho John Fernandaz lấy hai đô la rưỡi một ngày - Tháng nào tôi cũng về thành phố George chơi tám ngày. Tôi tuyệt vọng rồi.

- Còn anh?

- Tôi sưu tầm bướm. Tôi vào rừng săn bướm và khi có được một lô kha khá những con bướm các loại, tôi xếp chúng vào một cái hộp kính tồi đem bán cả bộ sưu tập.

Có người đi bốc dỡ hàng ở bến cảng. Ai cũng làm việc không chỉ vừa đủ ăn.

- Cực đấy nhưng được tự do, họ nói thế. Tự do quý lắm.

Tối nay, có một người tù biệt xứ tên là Faussard đến thăm chúng tôi. Anh mời tất cả cùng uống. Anh làm trên một chiếc tàu Canađa chở bốc-xít (bị trúng ngư lôi ở cửa sông Demerara). Anh sống sót và được trợ cấp đắm tàu. Thủy thủ đoàn chết gần hết. Anh may mắn lên được xuồng cấp cứu. Anh kể lại rằng chiếc tàu ngầm Đức đã nổi lên mặt nước và nói chuyện với những người còn sống sót sau khi tàu đắm. Chúng hỏi có bao nhiêu tâu còn đậu ở bến chờ được xếp bốc-xít và sắp rời cảng. Tất cả đều trả lời là không biết, thằng cha hỏi họ liền cười và nói:

- Hôm qua, tôi còn xem chiếu bóng ở rạp nây rạp nọ trong thành phố George. Các anh coi đây tôi còn giữ được nửa tám vé vào cửa đây này.

Rồi chỉ vào áo vét ngoài, hắn lại nói:

- Bộ quần áo này cũng mua ở thành phố George đấy.

Có những người hoài nghi kêu là chuyện bịa nhưng Faussard nhất định bảo là đúng như vậy thật. Chiếc tàu ngầm còn báo trước cho những người đắm tàu biết là tàu nào sẽ đến vớt họ. Về sau đúng chiếc tàu ấy đã đến đón họ thật. Ai cũng nói chuyện mình.Tôi và Guittou ngồi cạnh một ông già dân Pari, ở Khu Chợ. Ông ta nói tên ông là Louis Nhỏ ở đường Lombards.

- Anh bạn Papillon ơi, tôi nghĩ ra một mẹo để chẳng làm gì mà vẫn sống được. Hễ trên báo ở mục “hy sinh vì vua” hay “vì nữ hoàng” (tôi cũng chẳng rõ nữa), có tên một người Pháp, là tôi tìm đến một cửa hàng bán mộ chí bằng đá, thuê chụp một tấm hình có tôi đứng bên một tấm bia có sơn tên tàu, ngày tàu đắm và tên người Pháp nọ. Sau đó tôi đến các biệt tự sang trọng của người Anh, tôi nói là họ phải góp tiền xây mộ cho người Pháp kia đã hy sinh cho nước Anh để lưu lại làm kỷ niệm tại nghĩa trang. Cho đến tuần vừa qua, có một thằng ngốc người Bretagne được đăng là chết trong một vụ đắm tàu vì trúng ngư lôi, lại sống nhăn răn ra mà trở về. Thằng cha ấy đi thăm mấy bà, đúng là những người tôi đã quyên năm đô-la để xây mộ cho hắn. Thằng cha đi đâu cũng réo lên là nó còn sống sờ sờ ra đấy, còn tôi thì chẳng làm tấm bia nào cả. Phải kiếm cách khác để sống thôi, vì với tuổi tôi tôi không làm gì nổi rồi.

Rượu vào ai cũng lớn tiếng kể đủ các chuyện bất ngờ nhất, tưởng ở đây chỉ có chúng tôi biết tiếng Pháp. Một người kể:

- Tôi làm búp bê và tay ghi-đông xe đạp bằng balata. Chẳng may mấy con bé để quên búp bê ở ngoài vườn dưới nắng, thế là búp bê chảy ra, hay rúm ró lại. Anh tưởng tượng khi tôi quên khuấy là mình đã bán ở đường phố nào, thì chuyện rùm beng đến đâu không. Đã một tháng nay, ban ngày tôi không dám đi đâu đến nửa cái thành phố George này. Xe đạp cũng vậy, thằng nào đi xe ngoài nắng, khi lấy xe là tay bị dính chặt vào tay lái làm bằng balata mua của tôi.

Một người khác kể:

- Còn tôi, tôi làm roi ngựa, có gắn đầu đàn bà da đen, cũng bằng balata. Với thủy thủ Anh, tôi nói tôi đã thoát chết ở trận Mers-el-Kebir*(*Mers-el-Kebir là một thành phố cảng của Algérie còn là thuộc địa Pháp hồi đại chiến thế giới lần thứ hai. Lúc Pétan đầu hàng Đức, có một hạm đội Pháp bỏ neo ở quân cảng Mers-el-Kebir đã không chấp nhận cả hai đề nghị của hạm cuội Anh ở Địa. Trung Hải: hoặc chiến đấu chống phát xít Đức, hoặc phải để hải quân Anh tước khí giới để khỏi rơi vào tay bọn Đức. Các tàu Pháp không chịu, hải quân Anh đã nổ súng ngày 3.7.1940 đánh chìm các tàu Pháp ở đó làm chết 1297 thủy thủ Pháp - ND) nên họ phải mua cho tôi vì nếu tôi sống sót được, điều ấy không phải là lỗi của họ. Mười người thi có đến tám người đã mua.

Tôi khoái những kẻ đầu trộm đuôi cướp hiện đại, nhưng đồng thời cũng thấy rằng kiếm được miếng ăn quả là gian nan.Có người mở máy thu thanh ở quầy rượu: De Gaulle đang đọc lời kêu gọi. Tất cả đều nghe tiếng nói của Pháp đang từ London hiệu triệu người Pháp sống tại các thuộc địa và đất hải ngoại. Lời kêu gọi của De Gaulle thống thiết làm mọi người im phăng phắc lắng nghe.

Bỗng, một tay anh chị đã quá chén đứng phắt dậy nói:

- Mẹ kiếp. Nói nghe được lắm, các bạn ơi. Thế là tự nhiên, tớ học được tiếng Anh, tớ hiểu hết tất cả những gì cái lão Churchill đó nói.

Mọi người cười phá lên, chẳng ai thiết vạch ra cho tay ấy biết hắn lầm cả.

Đúng là trước tiên tôi phải tìm cách kiếm sống, và qua những người khác, tôi thấy việc đó không dễ chút nào. Tôi không lo mấy. Từ năm 1930 đến 1940, tôi đã hoàn toàn không còn trách nhiệm với mình và cũng không phải cho lấy lòng ai. Một con người bị giam cầm lâu như vậy, không phải lo việc ăn uống, lo chỗ ở, lo chuyện may mặc, một con người đã bị kẻ khác điều khiển, xoay tới xoay lui, không được tự ý làm bất cứ việc gì phải tuân theo như máy đủ các mệnh lệnh linh tinh nhất mà không được suy nghĩ gì. Con người như vậy chỉ trong vài tuần bỗng rơi tõm vào một thành phố lớn, rồi phải tập lại cách đi trên hè phố mà không xô đẩy ai, qua đường mà không bị xe cán, thấy người khác hầu hạ việc ăn uống của mình, nghe theo lệnh của mình, con người ấy phải tập lại cách sống. Chẳng hạn, người ấy có những phản ứng bất ngờ. Giữa những dân anh chị này, người thì được phóng thích, kẻ bị đi đày đã vượt ngục, nói tiếng Pháp thỉnh thoảng lại pha vài tiếng Anh hay tiếng Bây Ban Nha, tôi dỏng tai nghe chuyện họ kể. Bỗng nhiên, trong cái quán rượu Anh này tôi muốn đi tiểu. Vậy mà, thật không sao tưởng tượng nổi, chỉ thoáng qua thôi, tôi định tìm giám thị để xin phép đi. Chỉ thoáng qua rất nhanh, nhưng nhận ra điều đó, tôi thấy nực cười, Papillon ơi, bây giờ mi không phải xin phép ai khi muốn đi tiểu hay làm bất cứ việc gì.

Ở rạp chiếu bóng cũng vậy, khi cô nhân viên tìm chỗ cho chúng tôi ngồi, tôi thoáng có ý muốn nói với cô ta: “Xin cô cứ để mặc tôi, tôi chỉ là một tên tù không đáng phải bận tâm đâu”, đi ngoài đường, từ rạp chiếu bống đến quán rượu, tôi cứ ngoái nhìn phía sau. Guittou vốn biết thói quen đó đã bảo tôi

- Sao cao cậu cứ quay nhìn lại phía sau luôn thế? Cậu xem lính có đi theo cậu không chứ gì? Ở đây không có lính đi theo cậu đâu, Papi. Cậu đã để chúng ở lại trại giam rồi.

Theo lối nói hình tượng của dân tù, thì phải trút bỏ bộ cánh của dân tù đi. Còn hơn thế nữa, vì quần áo tù khổ sai chỉ mới là một vật tượng trưng. Không phải chỉ lột bộ cánh là xong, phải rứt ra khỏi tâm hồn và trí óc cái dấu tù được khắc bằng lửa ô nhục.

Một đội tuần tra Anh toàn lính da đen, ăn mặc chừng chạc vào quán rượu. Họ đi từng bàn, hỏi thẻ căn cước. Đến góc chúng tôi ngồi, đội trưởng nhìn kỹ mặt mọi người. Có một khuôn mặt người đó chưa biết, đấy là tôi.

- Xin ông cho xem căn cước.

Tôi đưa giấy cho anh ta. Anh liếc nhìn qua rồi đưa trả tôi ngay, và nói:

- Xin lỗi, tôi chưa được biết ông, thành phố George rất vui mừng được đón tiếp ông.

Rồi anh đi ra.

Khi anh ta đã ra hẳn, Paul Savoie nói:

- Bọn cảnh sát ở đây hay tuyệt, những người nước ngoài được họ tin cậy dù là tù vượt ngục trăm phần trăm. Làm sao chứng minh cho nhà cầm quyền Anh biết được cậu là tù vượt ngục, thế là cậu được tự do ngay tức khắc đấy.

Mãi khuya mới trở về nhà. Mới bảy giờ sáng, tôi đã có mặt ở cổng cảng. Nửa giờ sau Quých và anh cụt đã chở đến một xe ba gác đầy rau tươi vừa hái lúc sáng sớm, lại có cả trứng và vài con gà. Chỉ có hai người thôi. Tôi hỏi người đồng hương đã chỉ dẫn họ cách làm ăn đâu rồi. Quých đáp:

- Hôm qua, anh ta đã chỉ cho tôi, thế là đủ. Bây giờ chẳng cần ai dạy bảo nữa.

- Anh đi kiếm những thứ này ở xa lắm hả?

- Phải đi mắt hơn hai tiếng rưỡi. Bọn tôi đi từ ba giờ sáng, bây giờ mới tới đây.

Quých kiếm ngay được trà nóng và bánh tráng, anh như người đã ở đây hai mươi năm rồi. Chúng tôi ngồi bên lề đường, cạnh xe ba gác, ăn uống và chờ khách tới mua.

- Bọn Mỹ hôm qua đã mua, liệu hôm nay có đến không?

- Tôi hy vọng họ sẽ tới, nếu họ không tới, ta bán cho người khác.

- Còn giá cả thì sao? Anh tính thế nào?

- Tôi không nói với họ: Cái này giá bây nhiêu. Tôi hỏi họ: anh trả bao nhiêu?

- Nhưng anh có biết tiếng Anh đâu?

- Đúng, nhưng tôi biết dùng tay chỉ trỏ, dễ lắm. Anh nói được tiếng Anh đủ để mua bán, anh làm trước đi, - Quých nói với tôi.

- Được, nhưng tôi muốn xem anh làm một mình đã.

Không bao lâu, một chiếc xe jeep lớn được gọi là com-măng-ca tới. Một lái xe, một hạ sĩ quan và hai lính thủy ở trên xe đi xuống, viên hạ sĩ leo lên xe ba gác, xem tất cả các thứ hàng hóa, rau xà lách, cà tím, v.v... sau khi kiểm tra kỹ các món kia, y nắn mấy con gà.

- Tất cả bao nhiêt?

Thế là hai bên bắt đấu mà cả:

Tên lính thấy nói giọng mũi. Tôi chẳng hiểu y nói gì. Quých búng búng nói nửa tiếng Tàu nữa tiếng Tây.

Thấy hai bên không ai hiểu được ai, tôi kéo Quých ra một bên.

- Anh mua tất cả hết bao nhiêu?

Anh ta móc túi thấy còn mười bảy đô la.

- Một trăm tám mươi ba đô-la, - Quých nói với tôi

- Họ trả bao nhiêu?

- Hình như là hai trăm mười đô-la, tôi thấy chưa đủ?

Tôi tiến vê phía viên hạ sĩ, y hỏi tôi có nói được tiếng Anh không. Tôi nói là được chút ít.

- Ông nói chấm chậm nhé, - tôi nói với y.

- Được.

- Các ông trả báo nhiều? Hai trăm mười đô la không được đâu. Phải hai trăm bốn mươi.

Y không chịu.

Y giả bộ bỏ đi, quay lại, rồi lại bỏ đi rồi ngồi lên xe jeep, nhưng tôi cảm thấy y đang đóng kịch. Đúng lúc y xuống xe lần nữa thì hai cô bạn Ấn hàng xóm với tôi, vẫn che nửa mặt, đi tới. Chắc các cô đã quan sát cảnh buôn bán của chúng tôi, vì các cô làm như không biết chúng tôi. Một cô leo lên xe ba gác, xem xét số hàng rồi hỏi chúng tôi.

- Tất cả bao nhiêu?

- Tất cả hai trăm bốn mươi đô la, tôi đáp.

Cô ta nói:

- Được rồi.

Nhưng tên lính Mỹ đã lấy hai trăm bốn mươi đô-la ra đưa cho Quých và nói với các cô gái ấn rằng y đã mua những thứ đó rồi. Các cô bạn láng giềng của tôi cũng không chịu đi mà đứng xem bọn Mỹ bốc hàng trên xe ba gác chất lên com-măng-ca. Phút cuối cùng, một tên lính thủy vớ luôn cả con heo, tưởng nó cũng thuộc mớ hàng đã được thỏa thuận bán. Tất nhiên, Quých không chịu để họ bắt heo đi. Thế là bắt đầu một cuộc cãi cọ trong đó chúng tôi không làm sao giải thích nổi cho họ hiểu rằng con heo không ở trong lô hàng đem bán.

Tôi cố làm cho các cô gái Ấn hiểu như vậy, nhưng khó quá. Chính các cô cũng không hiểu gì. Bọn lính thủy Mỹ thì không chịu rời heo ra, Quých không chịu trả lại tiền, có lẽ xảy ra đánh lộn mất. Anh cụt đã rút một thanh gỗ xe ba gác ra, thì một xe jeep quân sự đi ngang. Viên hạ sĩ thổi còi. Bọn Quân cảnh đến gần. Tôi bảo Quých hãy trả lại tiền nhưng anh nhất định không chịu. Bọn lính thủy đã giữ con heo cũng nhất định không trả heo. Quých đứng chắn trước xe díp, không để cho xe đi. Một nhóm khá đông những người hiếu kỳ vây quanh cái cảnh huyên náo này. Bọn quân cảnh Mỹ bênh bọn lính thủy, vả lại, họ cũng chẳng hiểu chúng tôi nói gì. Họ tưởng là chúng tôi định đánh lừa các thủy thủ.

Tôi chưa biết xoay xở ra sao thì sực nhớ có ghi số điện thoại Câu lạc bộ Thủy thủ cùng tên anh chàng người Martinique. Tôi đưa cho viên sĩ quan quân cảnh và nói:

- Gọi phiên dịch.

Y đưa tôi đến một cái máy điện thoại. Tôi gọi mà may làm sao, tóm được anh bạn theo phái De Gaulle của tôi. Tôi nhờ anh giải thích cho viên sĩ quan quân cảnh hiểu rằng đấy là con heo đã được thuần hóa, nó như con chó của Quých, rằng chúng tôi đã quên không nói trước với các thủy thủ là nó không thuộc vào lô hàng đem bán. Sau tôi đưa ống nghe cho viên sĩ quan quân cảnh. Chỉ ba phút sau là y hiểu cả. Tự tay y cầm con heo đưa trả Quých, làm anh ta sung sướng quá, ôm nó vào lòng và vội đưa nó lên xe ba gác ngay. Sự việc đã chấm dứt vui vẻ, và tốp lính Mỹ cười như nắc nẻ. Ai đi đường người nấy, và thế là xong.

Buổi tối ở nhà, chúng tôi cảm ơn các cô bạn Ấn Độ. Mấy cô cũng cười rất dữ về chuyện này.

Chúng tôi ở Georgetown đã được ba tháng. Hôm nay, chúng tôi về ở phần nhà của các bạn Ấn Độ nhượng cho chúng tôi. Hai phòng sáng sủa rộng rãi, một phòng ăn, một bếp nấu ăn nhỏ đun than và một cái sân rộng mênh mông, trong góc có mái tôn để gia súc trú. Chiếc xe ba gác và con lừa cũng có chỗ chu đáo. Tôi được ngủ một mình một giường to có nệm ấm. Hai anh bạn Tàu ở phòng bên, mỗi người một giường riêng. Chúng tôi còn một cái bàn và sáu ghế tựa cùng bốn ghế đẩu. Trong bếp có đủ dụng cụ nấu nướng. Sau khi cám ơn Guittou và các bạn về nhà chúng tôi, như lời Quých nói. Trước cửa sổ phòng ăn nhìn ra đường chễm chệ chiếc ghế phô-tơi quà tặng của các cô bạn ấn.Trên bàn ăn, trong bình thủy tinh, có cắm hoa tươi do Quých mang về.

Cảm giác có căn nhà riêng đầu tiên của mình, xoàng xĩnh nhưng sạch sẽ căn nhà sáng sủa tinh tươm, kết quả đầu tiên của ba thằng cùng kiến ăn chung, làm tôi tin tưởng vào bán thân và vào tương lai.

Mai là chủ nhật, không có chợ, vậy là chúng tôi được tự do cả ngày. Ba chúng tôi quyết định nấu một bữa mời Guittou và các bạn anh, mời cả các cô bạn Ấn Độ với mấy người anh, em của họ. Khách danh dự là bác ba Tàu đã giúp Quých và anh cụt, đã tặng hai người chiếc xe ba gác với con lừa, lại còn cho chúng tôi mượn hai trăm đô-la để khởi đầu chuyện buôn bán của chúng tôi. Bác ta sẽ thấy trên đĩa đặt trước mặt bác, một cái phong bì trong có hai trăm đô la, và một tấm giấy của cả ba chúng tôi cảm ơn bác, viết bằng chữ Hán.

Sau con heo mà anh yêu dấu, Quých dành tất cả tình bạn của anh cho tôi. Anh luôn luôn chăm chút tôi từng ly từng tí. Trong ba người chúng tôi, tôi là người ăn mặc tươm tất nhất, và đi đâu anh cũng thường mang về cho tôi một cái áo sơ mi, một chiếc cà vạt hay một cái quần dài. Anh mua những thứ dó bằng tiền riêng của anh. Mỗi ngày cả ba chúng tôi kiếm được từ hai mươi lăm đến ba mươi đô la cũng chẳng là bao, nhưng chúng tôi hài lòng vì thấy đã mau chóng tự kiếm sống được. Không phải lúc nào tôi cũng đi mua hàng với hai anh, tuy tôi đi thì mua được rẻ hơn. Bây giờ tôi chuyên bán hàng, nhiều lính thủy Mỹ và Anh được cử lên bờ để mua hàng cho tàu của mình, đã quen biết tôi. Chúng tôi nói chuyện giá cả với nhau rất tử tế, không nóng nẩy. Có một gã cao lớn phụ trách bếp ăn của sĩ quan Mỹ, một thằng Mỹ gốc ý, chỉ nói với tôi bằng tiếng Ý. Nó sung sướng ra mặt khi thấy tôi trả lời bằng tiếng mẹ đẻ của nó và chỉ mặc cả cho vui. Cuối cùng, nó mua với giá tôi đòi từ khi bắt đầu gặp nhau.

Chừng tám giờ rưỡi đến chín giờ sáng, chúng tôi đã về nhà. Cả ba chúng tôi ăn một bữa nhẹ rồi anh cụt và Quých đi nằm, còn tôi sang tìm Guttou, hay các cô láng giềng sang chơi bên tôi. Việc nhà chẳng có mấy, chỉ quét nhà, giặt đồ, làm giường, dọn dẹp nhà cho sạch sẽ, hai chị em hàng ngày làm việc đó cho chúng tôi rất chu đáo mà chẳng lấy bao nhiêu, có hai đô la mỗi ngày. Tôi đã biết đầy dủ thế nào là tự đo, không còn phải kinh hoàng lo nghĩ đến tương lai nữa.