Loạn Thế Anh Hùng - Tập 1 - Chương 01 - Phần 2
Lão nhân ban nãy mở lời giờ cũng thiện ý khuyên nhủ: “Chẳng phải người trên lầu phải nói năng cẩn thận một chút sao? Hai tháng trước, Phùng Tiểu Phì Tử nọ cũng ở lầu này uống rượu, tuổi trẻ thích ồn ào, mang theo hai mươi mấy kỹ nữ với nhạc sư, xum xoe tíu tít, đàn ca hát xướng, nói bừa nói ẩu, mắng chửi chẳng chút kiêng kỵ, quậy tới chướng khí tối mù. Lúc ấy cũng có người khuyên bảo, nói ở lầu này từng thờ bút tích của Hồ học sĩ và Nhạc Tướng quân, thời buổi bây giờ nói năng nên cẩn thận một chút, có kiêng có kỵ, không nên làm bừa, tránh điều đụng chạm. Phùng Tiểu Phì Tử nọ cười nói: “Kiêng kỵ? Người thường không kiêng kỵ ta thì xem như hắn đen đủi rồi, từng thờ mấy chữ thì làm sao? Cho dù ta có sợ hắn là sợ tướng quân sống, giờ còn sợ tướng quân chết như hắn sao? Đương thế khiến ta sợ chẳng qua cũng chỉ có “ba sợ” mà thôi!
... Mấy đứa thích nịnh bợ hắn thừa cơ vỗ mông ngựa, thuận đà mà nịnh, hỏi: “Thì ra thiếu gia cũng có ba sợ, thiếu gia còn sợ ba cái gì? Khiến thiếu gia phải sợ, chẳng phải là thiên vương lão tử à?” Phùng Tiểu Phì Tử cười lớn, nói: “Ba sợ này ấy à, chỉ e chẳng phải mình ta mà ai ai cũng phải sợ. Thứ nhất là người Kim, một ngày nào đó, bọn họ trở mặt vượt sông, nhà cửa, tính mạng ai nấy đều khó giữ, ai dám không sợ? Đến đương kim Thánh thượng cũng sợ nữa là. Thứ hai, phải tính tới Tần Thừa tướng rồi, ngài quyền cao chức trọng, trên đời này còn ai dám không sợ ngài! Hoàng thượng cũng phải kính ngài ba phần đấy thôi. Thứ ba ắt là Viên lão đại của bọn ta, hà hà... Cái thứ ba này, thật ra ta cũng chỉ sợ hắn nửa phần nhưng một thân võ công, một gan đảm lược ấy của Viên lão đại, thật xứng là thiên hạ đệ nhất, đây là được Thánh thượng đích thân khen, khiến người ta không khâm phục không được. Trừ ba người này thì là cha mẹ lão tử, còn lại trên dưới một đám tạp nham, ta sợ thế nào đây?” Nói đến độ đắc ý, hắn bèn nhấc chiếc chén ngọc bích mà cao giọng lớn tiếng: “Ở cái đất Dư Hàng này, lão tử sợ ai? Ai dám giết ta?”
Người trên lầu nhớ lại, cũng từng phong thanh nghe tới việc này nhưng không ngờ lão nhân biết tường tận tới mức này, không khỏi vểnh tai lắng nghe. Lão nhân kia uống một ngụm rượu rồi nói tiếp: “Hắn lớn tiếng lắm, hôm ấy lão hủ tôi ngồi ở quán trà Hằng Ký đối diện, đang thưởng thức loại trà Vũ Tiền mới, nên nghe được hết.”
Nói rồi chỉ ra ngoài, quán trà Hằng Ký nọ nằm chênh chếch đối diện bên kia phố, cách tương đối xa, có thể tưởng tượng được phong thái rất mực đắc ý của Phùng Tiểu Phì Tử. Lão nhân nọ tiếp lời: “Lúc bấy giờ, Phùng Tiểu Phì Tử đắc ý lắm rồi, còn lặp đi lặp lại câu ấy ba lần, nói xong lần cuối, hắn nhấc chén, còn chưa kịp uống, lúc mới nhấc ngang cổ họng thì nghe thấy có tiếng nói: “Ta dám giết ngươi!”
Người trên lầu đều cả kinh, tiếng nói đó không to, chỉ nhàn nhạt bình bình, nhưng phảng phất như khua vàng gõ ngọc, lạnh tựa băng giá, đâm thẳng vào lỗ tai. Toàn bộ mọi người trên dưới lầu đều nghe rõ mồn một, kể cả người đi ngoài phố cũng có kẻ nghe ra, bấy giờ trên dưới trong ngoài lầu có không dưới hai trăm người. Khách trên lầu chỉ thấy loáng thoáng bóng người, tựa hồ có dáng thiếu niên eo gầy, lưng thon trong bộ y phục màu đen chợt hiện rồi chớp mắt lại không thấy đâu nữa, không ai nhìn rõ. Về sau, nghe tiểu nhị bảo người đó vốn là một vị khách ngà ngà say gục trên bàn, nhưng không nhớ rõ được dung mạo người đó, hình như là một nam tử tuấn tú lắm. Mấy đứa tùy tùng của gã Phùng Tiểu Phì Tử kia đều ngoác miệng chửi, nhoài ra phía cửa sổ tìm người kia, người xung quanh chỉ cảm thấy lạ, sao bỗng nhiên Phùng Tiểu Phì Tử lại trở nên khách khí thế... không hề đập chén chửi thề, đòi đánh cái thằng quỷ sứ hung hăng kia một trận, mà còn híp mắt cười, uống rượu tiếp? Được một lúc, chúng nhân mới phát hiện có điều không ổn, chỉ thấy đầu gã từ từ gục xuống, sau đó rượu trong ly bắt đầu nghiêng đổ, cuối cùng mới nhận ra một đường máu tí tách nhỏ xuống từ cổ họng gã, nhìn kĩ lại, thì ra cổ họng gã đã bị kiếm sắc xuyên thủng, đường kiếm đó xuyên qua chén phỉ thúy trong tay gã, đâm thủng cổ họng, trên chiếc chén chỉ lưu lại một lỗ mà không hề nứt vỡ. Mọi người trên dưới lầu chỉ thấy loáng thoáng bóng người, không ai trông rõ hình hài. Nếu đúng nhát kiếm đó là do người đâm thì quả thật đúng là quỷ thần, làm gì có người nào bản lĩnh lớn bằng ấy? Mà ngài nói xem, đã từng thấy ai một kiếm đã có thể xuyên thủng chén phỉ thúy chưa? Sau đó, Trịnh sư phụ của Tam Nghĩa tiêu cục mà bổ khoái phố này mời tới cũng nói, đấy tuyệt không phải là võ công... đó chẳng phải là âm linh của Nhạc Tướng quân thì còn là gì nữa?
Sau cùng, bổ khoái cũng từng đem những kẻ chứng kiến từ đầu đến cuối giữ lại thẩm vấn, chỉ nghe người dưới lầu nói, lúc bấy giờ loáng thoáng nghe được có tiếng cười lạnh, chẳng thấy người đâu, về sau, có vị quan binh trấn thủ cổng thành nói thấy thấp thoáng có một con vật kỳ hình dị dạng chẳng biết là ngựa hay la, chở một người nọ dần đi xa, mơ hồ có chút quái dị.”
Mọi người đều nghe hết cả. Lão nhân kia lại nhấp ngụm trà rồi hướng tới gã tham tướng nọ, nói: “Cho nên lão già này mới khuyên quân gia người nói năng nên cẩn thận một chút. Việc trên lầu này phân nửa không phải là giả, không tin, ngài ra ngoài hỏi thăm, nghe ngóng xem, người trong cái huyện Dư Hàng này đều biết cả, Phùng Thị lang hiện vẫn đang lo việc tang đấy!”
Tham tướng kia tuy thô lỗ nhưng loại người này cũng cực kỳ kính thần sợ quỷ, miệng há lưỡi đơ chẳng nói nên lời. Gã thư sinh ban nãy vẫn hậm hực với hắn, “hừ” lạnh một tiếng, trả tiền rồi rời đi. Đi tới chỗ xuống cầu thang lại dừng một chút, lầm bầm một mình: “Tào ngự sử trong kinh kết giao với phiên tướng, hay! Hay lắm!”
Thẩm Phóng trước nghe lời lão nhân, thấp giọng nói với Tam Nương: “Cái con vật mà ông ta nói sao mà giống hệt thứ ta gặp chỗ Trường Kiều ở Ngô Giang vậy!” Tam Nương không đáp lời mà chỉ khẽ gật đầu, tay kéo kéo hắn, ám thị hắn đừng nói tiếp nữa. Lão nhân nọ đợi thư sinh kia đi xa rồi mới nói tiếp với tham tướng kia: “Ngài lại đắc tội với hắn làm gì, ngài có biết hắn là ai không?”
Tham tướng biết là có chuyện không hay, đang muốn hỏi lại thấy ngượng, lão nhân kia đã nói tiếp: “Hắn là Thái học sinh Trần Tả Nghị, tự xưng là Trần Đông[12] tái thế, rất giỏi tụ tập gây chuyện, là thủ lĩnh trong đám biện luận. Hiện trong triều đình cũng đã có chút thế lực, đang muốn tìm Tào Ngự sử hạ thủ, sao ngài lại nhảy đúng vào tay hắn thế?”
[12] Trần Đông (1086-1127): người thời Bắc Tống, tự Thiếu Dương, người Đan Dương, Trấn Giang. Sinh ra trong một gia đình năm đời Nho học khoa cử, từ sớm đã có thanh danh, tính tình phóng khoáng, không hiềm gia cảnh bần hàn của bản thân. Thời ấy Sái Kinh, Vương Phủ chuyên quyền, không ai dám chỉ trích, chỉ có Trần Đông không hề kiêng kỵ. (ND)
Gã tham tướng ban đầu vẫn còn làm cứng, nghe tới đoạn sau thì mặt trắng bệch, trong lòng ảo não, không dám lên tiếng nữa.
Bên cạnh có người nhỏ giọng nói: “Lại chẳng, hiện giờ đám biện luận cũng có chút thế lực, cũng làm được một số việc hay. Trần Tả Nghị mấy ngày trước chẳng phải vừa lật đổ Tả đô ngự sử Vương Hòe sao? Ai dà, gã khốn ấy cũng quá bại hoại mà!”
Lão nhân nọ nghe nhưng không nói gì, hồi lâu sau mới ngừng chén, than rằng: “Hừm hừm, lại thành ra cái dạng gì chẳng biết! Bàn cãi chẳng qua là cãi vã, giận dỗi, tranh chấp cái việc đối với người Kim thì nên xưng là cha con hay xưng chú cháu, thật đáng cười, đáng cười...” Than xong lại nói: “Gom cả sức lực trong ngoài triều đình, nông dân thôn dã cho tới đứa trẻ còn đang bú mẹ mới chỉ lật đổ được có một gã Vương Hòe, đập được con rận nhép trên đầu lão hổ, mà lão hổ chẳng phải vẫn còn nguyên xi đấy sao? Thế mà một đám cứ tự cho là nước đã yên, bang đã ổn rồi không bằng. Ngài xem, Trần Tả Nghị nọ mới đắc thế chưa được hai tháng, đã vội đem áo lụa đổi thành áo vải cũ, trăm họ trong thiên hạ còn có thể trông đợi gì vào đám ấy đây?” Nói xong lão lại thở dài một tiếng, dặn dò tiểu nhị một câu: “Tính vào sổ nợ”, rồi đứng dậy đi khỏi.
Thẩm Phóng nghe lão nhân nọ nói rất có đạo lý, không khỏi ngầm gật đầu, mới nghĩ dựa vào cái đám học trò, kẻ sĩ dạng ấy, triều đình đúng là vĩnh viễn chẳng sạch sẽ, yên ổn nổi. Lão mù kể chuyện bên kia cũng sắp kể xong Ngô Việt xuân thu, chỉ nghe lão kể: “... Lại nói, Phạm Lãi thấy nước Ngô đã phá, Phù Sai thân vong, thù lớn của Việt Vương đã báo, chàng bèn gặp Tây Thi, hai người từ đó sum vầy vui sướng chẳng phải kể nữa. Tây Thi nói: “Đại phu, không ngờ chàng với thiếp vẫn còn ngày gặp lại”, nàng phải trái lòng thờ giặc, mấy năm nay, trong lòng đắng cay vô cùng, lời buông rồi che mặt khóc ròng, liền có ý muốn nhảy xuống hồ tự vẫn. Phạm đại phu vội vàng giữ nàng lại, dịu dàng nói: “Tây Tử, sự nghiệp một đời ta đã xong, thành bại hay dở, cứ để đời sau bình giá, giờ muốn cùng nàng dong thuyền chơi Ngũ Hồ, tiêu hết một đời một kiếp, sao nàng lại muốn tự tận?” Nói rồi nắm tay Tây Thi, một người mưu sĩ tài cao, một người giai nhân tuyệt thế, tuy trong lòng ai cũng có nỗi niềm nhưng đều tỏ tường nỗi khổ của cõi nhân gian, những lời khác cũng không cần nói nhiều nữa. Ngày hôm đó, Phạm đại phu liền bỏ quan mà đi, trước khi đi, viết một phong thư, gửi cho Tể tướng Văn Chủng. Trên thư viết rằng: “Chim đà hết, cung tốt đem cất. Thỏ khôn toi, chó săn vào nồi. Việt Vương là người cay độc vong ân, cổ dài mỏ nhọn, có thể chung hoạn nạn, chẳng thể cùng phú quý. Ngài sao còn không mau đi thôi?” Ý tứ là thỏ đã bắt xong, chó săn ắt phải chết, công lớn át chủ, chẳng bằng công thành thân thoái. Văn Chủng vẫn còn ngần ngừ, đóng cửa suy tư, hốt nhiên ngày hôm sau, Việt Vương mới sai người tặng tới một thanh trường kiếm, bảo rằng: “Văn Thừa tướng tặng ta bảy kế sách diệt Ngô, ta chỉ dùng có ba đã diệt được Ngô rồi, bốn kế sách còn lại dùng vào chỗ nào đây? Lưu lại nhân gian chỉ sợ thành ra đại họa cho quốc gia, đành mời Văn tiên sinh theo tiên vương đem thi hành thử nơi cửu tuyền.” Đây rõ ràng là bức Văn Chủng tự sát rồi. Văn Chủng thở dài một tiếng, chỉ than ba chữ “thật ân hận” rồi cầm kiếm tự sát. Đáng thương thay một đời danh thần, cuối cùng hồn về với đất, sao được như Phạm Lãi tiêu dao tự tại? Các vị, anh tư hùng tài, phương lược kế sách của Phạm đại phu lớp lớp đa đoan, sao không khiến người ta xưng tụng cho được? Cho nên, tới tận đời vua Thần Tông triều ta, Thừa tướng Vương An Thạch mỗi khi nghĩ lại hành nghiệp của vị Phạm đại phu này liền không khỏi ngâm mãi câu “Ngóng khi đầu bạc về non nước, muốn chuyển đất trời mới thuyền chơi[13]”, mấy lần không thôi, cho tới lúc rơi lệ. Tới giờ, trên dòng Ngô Giang này có một tòa đình gọi là Tam Cao đình, thờ ba vị cao nhân là Phạm Lãi, Quý Ưng, Lục Quy Mông, đứng đầu chính là Phạm đại phu đấy!”
Thẩm Phóng nghe người nọ tuy nói năng vụng về nhưng rốt cuộc lại chẳng mất đại lược của chuyện, với lại Phạm Lãi cũng vốn là người hắn trước nay hâm mộ - bấy giờ không khỏi thở dài, mới nghĩ Việt Vương Câu Tiễn tuy độc nhưng vẫn có thể dung được người tài cho tới lúc thành công, còn như nay, đám hôn quân gian tướng rốt cuộc lại chẳng dung nổi Nhạc Tướng quân cho tới lúc thống khoái uống rượu ở Hoàng Long[14], bảo sao người ta không siết tay thống hận đây!
[13] Hai câu trong bài An Định thành lâu của Lý Thương Ẩn (813-858), đại thi nhân thời Đường. Nguyên văn: Vĩnh ức giang hồ quy bạch phát, dục hồi thiên địa nhập thiên chu.
[14] Phủ Hoàng Long, nơi đặt kinh đô nhà Kim. Sách Tống Sử - Nhạc Phi truyện, Nhạc Phi từng nói với tướng lĩnh bộ hạ rằng: “Trực để Hoàng Long phủ, dữ chư quân thống ẩm nhĩ.” (Tới thẳng phủ Hoàng Long, cùng mọi người uống cho đã vậy.)
Lão mù tiếp tục kể tới đoạn kết: “Chư vị, sao ngờ được Phạm đại phu hồn phách oanh liệt, tới giờ đã qua trăm, nghìn năm sau, lại thành ra không chốn dung thân rồi!”
Thẩm Phóng nghe rồi kinh hãi, không biết lại có câu chuyện động trời nào nữa đây? Chỉ nghe lão mù kia nói: “Tòa đình Tam Cao ở Ngô Giang kia nằm trên đất Ngô, xem ra trước thuộc về nước Ngô, không ngờ ngày nay lại biến thành đình “Nhị Cao”, mà chẳng phải “Tam Cao” nữa rồi. Chỉ vì ngày trước có vị học trò đất Ngô là Khúc Ngộ Hồng làm một bài thơ, bảo “Người Ngô chẳng cởi hận mất nước, lại thờ Phạm Lãi cúng thù to”, bảo rằng Phạm đại phu vốn là kẻ thù lớn của nước Ngô, người đất Ngô sao lại đi cúng ông ấy? Mấy vị thư sinh đất Ngô mới nghị bàn rồi đem bỏ thần vị của Phạm Lãi đi mất.”
Thẩm Phóng nghe mà trong lòng nguội lạnh, đám tú tài ấy chỉ biết lật lại món nợ hơn nghìn năm trước để tỏ ra mình uyên bác, đáng tiếc, tuy nhớ được mối thù của Phù Sai mà lại quên béng cái họa Kim binh áp cảnh trước mắt.
Lại nghe lão mù nọ tiếp tục kéo vài tiếng hồ cầm, khàn giọng nói: “Đáng cười thay cho Phạm đại phu này, hồn đã chẳng được nước Ngô dung lại càng không có chốn dung thân ở đất Việt! Tần Thừa tướng tu sửa miếu Tiên Hiền ở Cối Kê, lúc nêu tên các hiền nhân, cũng bỏ tên ngài đi. Tại sao vậy? Tần Thừa tướng nói: Chỉ bởi ngài ấy trước khi đi lưu thư, oán giận mắng quân vương, còn dám nói với Văn Chủng cái gì mà Việt Vương là giống cổ dài mỏ nhọn, thế chẳng phải đem quân vương ví với cầm thú sao? Tần Thừa tướng nói: Vua bảo bề tôi chết, bề tôi không thể không chết, đấy là đại nghĩa vua tôi, uổng cho Phạm Lãi là kẻ bề tôi mà chỉ khư khư giữ cái mạng nhỏ, chạy vào giang hồ, còn đẩy quân vương vào chỗ bất nhân, đã bất trung bất nghĩa như thế, phối thờ vào hàng tiên hiền thế nào được? Cho nên, ngài ấy không được hưởng thờ vào miếu Tiên Hiền ở Cối Kê. Phen khổ tâm này của Tần Thừa tướng là muốn kẻ làm thần tử về sau không thể không cẩn thận mà răn giới bản thân.”
Lão mù lạnh giọng mỉa mai, bắt chước điệu bộ mua danh của Tần Cối cũng thật tài tình. Thẩm Phóng chưa từng nghe câu này, nghe rồi không kìm được thầm chửi lớn: “Đây là cái thứ lý lẽ điêu toa gì vậy? Không coi lũ hôn quân gian tướng ấy như cá thịt mà ăn tươi nuốt sống thì tự nhiên sẽ trở thành bất trung bất nghĩa!” Rồi nhíu chặt hàng mày, mắng một tiếng: “Rắm thối!”
Tiếng chửi vang lớn, vốn chẳng ai chú ý tới bên này, giờ mọi người ngồi đây đều không làm được quay đầu lại, nghĩ ai mà to gan thế, dám ngang nhiên mắng Tần Thừa tướng là rắm thối? Tam Nương Tử biết ngay có chuyện không ổn, vội cẩn trọng cười cười với Thẩm Phóng mà rằng: “Tướng công không muốn thì bỏ qua đi, chẳng qua cũng chỉ uổng công thiếp phí lời thôi.” Chúng nhân mới vỡ lẽ thì ra hai người đang cãi cọ, cô gái này nói gì đó không vừa lòng, chọc tay kia mắng cho một câu. Chỉ quái lạ là người này trông cũng nho nhã, ôn hòa, sao lại thô lỗ nhường này? Tam Nương lại quay sang bốn phương, bày bộ dạng đáng thương mà cười xấu hổ, xem như thay trượng phu tạ lỗi vì đã làm kinh động đến mọi người. Mọi người mới quay đầu đi, nghĩ: “Uổng cho gã lấy được một cô vợ dịu dàng như thế!”
Thẩm Phóng chợt tỉnh táo lại, nghĩ nơi đây ven kinh đô, Tần Cối hẳn phải có tai mắt khắp nơi, huống chi hai người họ lại đương lúc tránh họa, bản thân vừa rồi thật lỗ mãng quá! Hắn cảm kích liếc Tam Nương một cái, thấp giọng cười nói: “Vừa rồi cũng xem như nàng hãm ta vào chỗ bất nghĩa rồi nhé!”
Đang nói, bỗng nhe thấy trên cầu thang vang lên từng tiếng “đang, đang, đang” nặng nề. Người ngồi trên lầu ngạc nhiên quay đầu nhìn về phía cầu thang, thắc mắc không biết nhân vật nào đang lên lầu mà lại có khí thế dời núi lấp bể đến thế? Sắc mặt Tam Nương chợt ngưng trọng, nhíu mày nói: “Người này đã thụ thương.”
Thẩm Phóng ngạc nhiên. “Sao nàng biết?”
Tam Nương khẽ nói: “Thiếp biết mà!” rồi nghiêng tai lắng nghe.
Chỉ thấy thần sắc nàng càng lúc càng kinh ngạc, lẩm nhẩm tự nhủ: “Phải nặng trái nhẹ, là bước Vong Ưu bộ trong Côn Luân liệu thương thập bát thức, đó là còn đang bị thương ở ngực, đã động tới gan tì. Khí tức không nhịp nhàng, dài ngắn đan nhau, trong ngực hẳn có chỗ tắc, hẳn đã trúng phải chưởng lực của nội gia. Một bước lại nghỉ, một bước đề khí, xem ra vẫn còn bị ngoại thương rất nghiêm trọng... Thật kỳ quái, bị thương nặng như thế, sao người này vẫn có thể bước đi thoải mái đến vậy?”