Hậu cung Chân Hoàn truyện (Tập 2) - Chương 08 - Phần 2

Chiếc thuyền bé nhỏ, lúc tôi bước lên thì hơi chòng chành, sóng gợn lăn tăn. Tôi thấy thân thuyền hơi nặng nhưng nhất thời không để ý, chỉ tập trung tháo dây buộc thuyền. Đang định khua mái chèo rời đi, tôi chợt nghe thấy tiếng chân loạt xoạt của đám thị vệ đang tiến lại gần. Nhất thời hoảng loạn, tôi vội vã giấu mình trong khoang thuyền nhỏ hẹp.

Đột nhiên chân tôi đạp vào thứ gì đó mềm nhũn rồi trượt ngang, dường như va vào vật gì đó nóng ấm, tôi kinh hãi đến mức không kêu được thành tiếng, nhưng vật đó lại gào lên một tiếng “ui chao”.

Là giọng của một nam nhân! Mà còn nghe quen tai lắm. Tôi chưa kịp mở miệng thì đã nghe thấy có tiếng người quát lớn từ trên bờ: “Ai đang ở trong thuyền?”

Tim tôi đập thình thịch, tựa hồ muốn nhảy cả ra ngoài. Tôi nhắm mắt rên rỉ, lòng thầm than khổ: nếu bị người ta phát hiện, bao nhiêu công sức bỏ ra hôm nay đều coi như đổ sông đổ biển hết cả, đến My Trang cũng khó tránh khỏi bị liên lụy.

Trong khoang thuyền chật hẹp, tối đen, chợt có ánh mắt sáng rực lóe lên, vừa như kinh ngạc, vừa như bất ngờ, một bàn tay giơ ra bịt kín miệng tôi. Y ló nửa người ra ngoài khoang thuyền, uể oải hỏi: “Ai đánh thức bản vương khỏi giấc mộng đẹp vậy?”

Giọng nói không lớn nhưng cũng khiến mấy tay thị vệ trên bờ khi nãy còn hùng hổ là thế giờ đã lạnh run không dám mở miệng. Có người cười bồi, thưa: “Ti chức không biết lục vương gia ở đây nên đã làm phiền, xin vương gia thứ tội!”

Huyền Thanh chẳng buồn nghe, ngáp một cái rồi vẫy tay. “Đi đi, đừng làm mất hứng của bản vương.”

Huyền Thanh trước giờ vẫn hành động phóng khoáng, chẳng ai để ý đến lý do y có mặt nơi đây vào lúc đêm hôm thế này. Đám người trên bờ nghe xong thì vội vàng bỏ đi hết, nghe ngóng một hồi không thấy có động tĩnh gì, y mới lên tiếng: “Đi ra được rồi!”

Tôi ú ớ mấy tiếng, y mới nhớ ra tay mình vẫn đang bịt miệng tôi bèn vội vã buông ra. Tôi vén rèm che trước khoang, nhìn ra bên ngoài, mặt nóng bừng như phát sốt.

Y hình như cũng không được tự nhiên cho lắm, có chút ngượng ngập, nhìn thấy cách ăn mặc khác thường của tôi nhưng cũng không hỏi gì thêm, chỉ nói: “Để ta đưa cô nương về.”

Tôi không dám mở miệng, vội vã gật đầu, tựa hồ muốn mượn cử chỉ này để che giấu vẻ căng thẳng và bối rối của mình.

Y dùng sức đẩy mạnh một cái, thuyền đã từ từ rời xa bờ hơn một trượng, dần tiến thẳng ra giữa hồ Thái Dịch. Đi được một khoảng xa, trái tim hoảng loạn của tôi mới dần yên ổn trở lại.

Tử Áo thành ở kinh đô nằm chếch về phía nam so với Thái Bình hành cung, nên khi trời chớm thu, hơi nóng mùa hè vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Đến hoa sen trên hồ Thái Dịch cũng nở rộ lâu hơn ở hồ Phiên Nguyệt. Nhưng dù gì cũng sắp đến tháng Chín, mười dặm sen ấu trên hồ Thái Dịch phảng phất mùi hương lả lướt, ngọt ngào đến cực điểm trước độ phai tàn. Nhờ vậy, mùi hương man mát của lá sen, lá ấu và cỏ lau càng thêm phần thanh tân, mới mẻ. Gió thổi qua mười dặm hoa sen, nhẹ nhàng lướt qua khói sóng, điện đài lầu gác ẩn khuất trong sương mờ, những ngọn cung đăng chụp lụa đỏ rực đằng xa rọi bóng xuống khiến mặt nước lung linh diễm lệ, xoáy nước sóng gợn ung dung lay chuyển, lộng lẫy bốn bề. Cứ như thể tôi đang ngồi thuyền rong chơi giữa dòng sao sáng, mơ màng bồng bềnh nơi biển mộng, bất giác say mê đắm chìm, không muốn rời xa.

Thấy đuôi thuyền chất đầy hoa sen, tôi cảm thấy kỳ lạ, bèn lên tiếng hỏi: “Giờ tiết trời đã vào cuối tháng Tám, đến đài sen cũng chẳng còn sót lại là bao, vì sao vương gia có thể hái được nhiều hoa sen vừa chớm nở như thế?”

Y chậm rãi khua mái chèo, thân hình cao gầy rọi bóng xuống mặt nước hồ trong vắt, tiêu diêu phóng khoáng như gió lướt qua rặng tùng, thờ ơ đáp: “Hẳn là bó hoa sen cuối cùng của mùa này rồi. Tiểu vương giữa đêm lần sâu vào đầm sen, kinh động bao cò vạc mới tìm được bấy nhiêu hoa sen để đem về cắm bình chơi.”

Tôi ngẩng đầu, ngắm ánh trăng sáng rỡ, trong trẻo: “Vương gia thích hoa sen lắm ư?”

Ta riêng yêu nó vì mọc từ bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, tắm nước trong mà chẳng lẳng lơ[20].” Y ôn hòa cười, đáp.

[20] Trích từ Ái Liên thuyết của Châu Đôn Di.

Nước hồ lững lờ, róc rách xen vào giữa những lời trò chuyện ngắt quãng của tôi và y. Thuyền vừa lướt qua, đám lục bình bị thân thuyền chia cắt lập tức nhập lại làm một, tựa như chưa hề có phút chia ly.

Tôi thấy không còn ai để ý tới bèn chui ra khỏi khoang, ngồi xuống nơi mũi thuyền. Mũi tôi rất thính, ngửi thấy có mùi thơm thoang thoảng kín đáo, không phải là hương sen, bèn hỏi: “Hình như là có mùi hương hoa đỗ nhược thì phải? Nhưng mùa này làm gì có đỗ nhược cơ chứ?”

Huyền Thanh đáp: “Mũi của Tiệp dư thính thật, là hương do tiểu vương mang theo bên người.” Y ngẩng lên ngắm vầng trăng cong cong hình lưỡi liềm, nụ cười nhàn nhạt trong sáng tựa gió mát lướt trên mặt hồ, kéo theo ánh sáng bạc của bóng trăng lưu lại trên sóng nước. “Người trong núi chừ, như đỗ nhược thơm[21], bài Sơn quỷ của Khuất Nguyên đại phu hay thật!”

[21] Nguyên tác: “Sơn trung nhân hề phương đỗ nhược”, xuất phát từ bài Sơn quỷ của Khuất Nguyên, có ý là người ta thầm thương cũng trong sáng như hoa đỗ nhược vậy, là một câu thơ biểu đạt tình ý.

Tôi lấy tay áo che nụ cười, cũng là muốn giấu vẻ ngạc nhiên tận đáy lòng. “Hình như Vương gia đã có người thương rồi thì phải?” Y cười không đáp, tay chèo càng khua mạnh, chiếc thuyền con đi mỗi lúc một nhanh.

Thấy Huyền Thanh phong thái ung dung, khua chèo rẽ nước, áo trắng rộng phất phơ, vẻ đầy phóng khoáng, tôi bất giác tủm tỉm cười. “Đêm khuya thanh vắng, Vương gia chèo chiếc thuyền con chông chênh rẽ sóng trên hồ Thái Dịch, đúng là thanh nhã, nhàn hạ thật đấy!”

Y chỉ dùng nụ cười nhàn nhạt để đáp lời tôi, sau đó mới quay đầu lại. “Trang Tử có nói: “Ăn no rồi ngao du, như một chiếc thuyền không bị cột, phiêu lưu trên mặt nước, lòng trống rỗng mà ngao du[22].” Ta cả ngày ăn no rỗi việc, là một kẻ phú quý rảnh rỗi, chỉ có thể lấy ngao du làm vui.” Rồi chợt cất giọng đùa bỡn: “Không ngờ hôm nay có thể ngồi cùng thuyền với mỹ nhân, khiến tiểu vương có cảm giác như đang ở cạnh Tây Thi rong ruổi Thái hồ.”

[22] Nguyên tác: “Bão thực nhi ngao du, phiếm nhược bất hệ chi chu, hư nhi ngao du giả dã”, trích từ Liệt Ngự Khấu của Trang Tử.

Tôi nghiêm mặt chỉnh y: “Nếu không phải đã hiểu tính tình của Vương gia thì tần thiếp đã tức giận rồi! Xin vương gia đừng ví tần thiếp với Tây Thi nữa!”

Huyền Thanh thờ ơ mỉm cười, mặt lộ vẻ không mấy quan tâm. “Chẳng lẽ Tiệp dư cũng giống đám người phàm tục kia, cho rằng Tây Thi là họa thủy làm mất nước hay sao?”

Tôi khẽ lắc đầu, chậm rãi đáp: “Nếu Tây Thi là nguyên nhân làm nước Ngô tan nát, thì nước Việt mất là vì ai đây?”

Y không hiểu, hỏi lại: “Nếu Tiệp dư đã thấu hiểu như vậy thì sao lại thốt lên những lời vừa rồi cơ chứ?”

Khẽ ôm bó hoa sen, mùi hương dìu dịu vấn vít trong lòng, tôi đáp: “Phạm Lãi là tình nhân của Tây Thi. Tây Thi thân là nữ nhi, lại phải chịu cảnh bị người mình yêu thương tự tay đưa sang nước Ngô làm phi, bạc mệnh, đau lòng đến nhường nào! Dẫu về sau gạt hết ân oán cũ, cùng nhau ngao du Thái hồ, nhưng tâm tình của nàng đã không còn giống nàng thiếu nữ giặt lụa nơi thôn Trữ La ngày xưa nữa. Thuở dung mạo như ngọc bị người trong lòng là Phạm Lãi dâng cho quân vương nước thù địch làm phi, lúc về già lại quay trở về bên cạnh y, thương thay cho tâm tình Tây Thi rối bời.”

Y hơi ngẩn người, đôi mắt trong sáng như có nét kinh ngạc, ngưỡng mộ lướt qua, giọng nói đầy vẻ vui mừng không sao che giấu được. “Sách sử hoặc thương Tây Thi, hoặc mắng vua Ngô nhưng chẳng ai trách Phạm Lãi cả. Ta chưa từng nghe qua kiến giải nào độc đáo thế này.” Y đột nhiên quăng mái chèo, vái dài một vái. “Tiệp dư có cách nhìn thật tuyệt diệu, tiểu vương tự than không bằng.”

Hành động bất ngờ của y khiến chiếc thuyền con khẽ chao động, tôi kinh hãi vội bám chặt lấy mạn thuyền, cảm thấy có phần bối rối. “Tần thiếp chỉ là suy bụng mình ra bụng người, nói lời xằng bậy, Vương gia đừng chê cười!”

Hẳn là do thuyền chao động nên chợt có thứ gì đó từ nút buộc tà áo của y rơi xuống vạt váy của tôi. Y không phát hiện ra, chỉ nghiêm túc nói theo ý mình: “Đúng như lời Tiệp dư vừa nói, Phạm Lãi không bằng Phù Sai. Ít ra Phù Sai cũng thực lòng đối đãi với Tây Thi.”

Tôi gật đầu đồng ý. “Đúng vậy, Phù Sai dốc hết sức lực để yêu một nữ nhân. Là yêu, chứ không phải là sủng. Nếu chỉ là sủng thì y đã không phải trả giá đắt đến vậy. Chỉ có điều, đối với bậc đế vương thì mối tình ấy quả thực quá đắt đỏ.”

Lời nói này dường như khêu gợi điều gì đó giấu kín trong đáy lòng y, y cảm thán thốt lên: “Sủng mà không yêu, đó là hành động miệt thị nhất với nữ nhân.”

Trong lòng tôi chợt cảm thấy chấn động. Y nói chưa từng nghe cách nói nào giống của tôi, nhưng những lời của y, tôi cũng chưa từng nghe ai nói. Trong một thoáng nắm bắt được sự thật, lồng ngực tôi chợt rộng mở, những lời của y và lời của My Trang hòa vào nhau khiến tim tôi dậy sóng, khiến tôi ngẩn người không thốt nên lời.

Nữ nhân trong cung chỉ cầu giữ được ân sủng của Hoàng đế trong thoáng chốc, có ai dám ước ao đến tình yêu đâu. Dẫu đã từng ôm ấp một tia hy vọng mỏng manh nhưng tôi vẫn hiểu rõ, nước nhược ba ngàn[23], tôi vẫn không phải là một bầu của Huyền Lăng.

[23] Trích từ Hồng lâu mộng, Bảo Ngọc nói với Đại Ngọc: “Tam thiên nhược thủy, chỉ thủ nhất biều.” - Dù cho nước nhược ba ngàn, tôi chỉ lấy một bầu mà thôi, ám chỉ dẫu có bao người con gái xinh đẹp, trong lòng Bảo Ngọc chỉ có một mình Đại Ngọc. Nước nhược: nước ở cõi trên, không chở được vật gì, thuyền bè qua lại đều đắm cả.

Y chợt quay đầu, ánh mắt tựa hào quang lưu chuyển, thoáng lướt qua gương mặt tôi. “Dường như trong lòng Tiệp dư lúc này đầy xúc cảm, là lời than thở thoát ra từ tận đáy lòng.”

Thuyền con lướt sóng, đi vào sâu trong đầm sen, gió mát thoảng lướt qua, dưới ánh trăng, cò trắng bập bềnh trên sóng nước trong vắt, thỉnh thoảng có cá chép đỏ trồi lên đớp không khí khiến bọt nước bắn tung tóe. Tôi trầm lặng không bình luận thêm, hồi lâu sau mới khôi phục nụ cười mỉm thường lệ. “Vương gia quá lo rồi, chẳng qua tần thiếp chỉ bàn luận chơi mà thôi, cũng là cảm thán cho Tây Thi hồng nhan bạc phận.”

Tôi không hiểu tại sao, những lời nói của y lại khiến tôi xúc động không thốt nên lời. Tôi cúi đầu nhìn, nước hồ tựa dải lụa sẫm màu lặng lẽ nhấp nhô, bộ y phục cung nữ vận trên người màu xanh nhạt đơn giản, dưới ánh trăng lại hơi chuyển sang màu lam. Có thứ gì đó màu sắc nhã nhặn rơi trên váy tôi, nhìn kĩ hóa ra đó là một chiếc túi nhỏ bằng lụa, lấp lánh ánh sáng dìu dịu.

Tua rua màu bạc, bên dưới đính hạt châu làm bằng đồi mồi, rõ ràng là vật đeo bên mình của nam giới, chắc hẳn là của nam nhân trước mặt tôi. Tôi vốn định trả lại cho y ngay nhưng không hiểu vì sao đột nhiên không nén nổi tò mò, thấy y nhặt mái chèo, tiếp tục khua nước, không để ý tới, tôi bèn lén mở ra xem.

Chiếc túi nhẹ bẫng như không, bên trong là mấy đóa hoa đỗ nhược phơi khô, chẳng khác gì những chiếc lá khô gần như trong suốt, nhưng vẫn giữ được phong thái cao quý, hương thơm nhè nhẹ, thoang thoảng lan tỏa. Tôi mỉm cười thông hiểu, hương hoa đỗ nhược vốn hết sức thanh khiết mà.

Đang định thắt túi lại để trả cho y, tôi chợt phát hiện có thứ gì đó màu đỏ, mềm mại nằm dưới đáy, thuận tay lấy ra, đưa lên ánh trăng xem thử, bỗng giật mình đến ngẩn người. Trong lòng bàn tay trắng muốt của tôi chính là bức hình cắt mà tôi từng treo lên cành cây trong Ỷ Mai viên đêm Giao thừa năm ngoái! Tiểu Doãn Tử khéo tay, trên bức hình cắt, dung nhan và nụ cười của tôi được thể hiện rất sinh động. Chỉ cần để ý kĩ sẽ phát hiện ra đó chính là tôi. Quá bất ngờ, tôi hoang mang đến mức chẳng biết nên làm gì. Chợt nghe thấy làn điệu Sơn quỷ vang lên trong đầu, mênh mang như từ cõi mơ vọng lại, cách trở bến sông mơ mộng đầy hư ảo, chỉ mãi ngân nga câu thơ mà y vừa đọc khi nãy: “Người trong núi chừ, như đỗ nhược thơm.

Y chỉ chú tâm chèo thuyền, thỉnh thoảng lại lên tiếng khen ngợi ánh trăng trắng như bạc, phong cảnh tuyệt mỹ. Tôi chợt cảm thấy chột dạ, trong thoáng chốc không phân biệt được, kẻ khi nãy đang bàn luận viển vông với tôi có phải cũng là người trân trọng cất giữ bức hình cắt của tôi và hoa đỗ nhược khô hay không? Cho đến khi chiếc trâm hoa hồng nạm vàng rơi xuống cánh tay đau nhói, tôi mới bừng tỉnh khỏi dòng suy nghĩ. Chiếc trâm hoa hồng nạm vàng này là một trong số trang sức châu báu hôm trước Huyền Lăng ban tặng cho tôi, tôi thấy nó được chế tạo tinh xảo, hình dáng cũng độc đáo, liền cài ngay lên tóc, đến khi đổi sang trang phục của cung nữ cũng không nỡ tháo xuống. Ai ngờ cây trâm được mài đến bóng loáng, búi tóc chỉ mới lỏng ra một chút đã không giữ được. Vừa nhìn thoáng qua cây trâm này, tôi lập tức nhớ ra chuyện mình vốn là sủng phi của Huyền Lăng, trong lúc cấp bách, lập tức quyết định vờ như chẳng biết gì là hay nhất. Tôi cố giữ vẻ trấn tĩnh, kìm nén cảm xúc, bỏ đỗ nhược và bức hình cắt vào túi thắt lại như cũ rồi mới cất giọng bình tĩnh gọi y: “Vương gia hình như vừa làm rơi túi này.”

Y đón lấy, nói lời cảm tạ rồi lập tức cẩn thận nhét vào trong người, hoàn toàn không thèm để ý xem tôi có từng mở ra hay không. Tựa hồ chuyện tôi đã thấy hay chưa không hề quan trọng, y chỉ cần trân trọng những thứ có trong chiếc túi là đủ rồi.

Uổng công tôi hồi hộp siết chặt lấy miếng ngọc bội bỉ mục đính bên dưới hà bao thêu hoa phù dung bằng chỉ vàng, đến mức hằn sâu vào tay mà cũng chẳng phát hiện ra, chỉ biết ngẩn ngơ như người mất hồn.

Y tìm được nó khi nào, bằng cách nào, tôi không biết, có cố ngẫm nghĩ thì cũng không phải là giải pháp. Tôi chỉ cảm thấy nếu để người khác phát hiện ra bức hình cắt của tôi trong túi y thì thật nguy hiểm, nhưng lại không nỡ mở miệng khuyên y.

Y vẫn ung dung, phóng khoáng, mở miệng nói như thể chuyện này chẳng liên quan đến mình: “Chiếc túi này là vật mà ta rất quý trọng, nếu khi nãy bị rơi mất thì thật đáng tiếc!”

Lúc này tôi mới nghe thấy lời nói của y, bừng tỉnh khỏi cơn mê, đáp lời: “Vương gia quá lời rồi. Chỉ là một chiếc túi thôi mà!” Tôi thở dài thật khẽ, chỉ đủ để mình nghe thấy rồi miễn cưỡng khuyên: “Nếu đã là vật quý trọng thì xin Vương gia đừng để lộ ra trước mặt người khác, rất dễ chuốc lấy thị phi.”

Y chưa kịp trả lời, chiếc thuyền con đã cập bến đằng sau Đường Lê cung. Tôi vén váy đứng dậy cáo từ, chợt nhớ ra một chuyện bèn quay đầu, mỉm cười thưa: “Có một chuyện xin nhờ Vương gia.”

“Cô nương cứ nói!”

“Ở hành cung, tần thiếp từng gặp một chuyện rắc rối, cũng may gặp được quý nhân giúp đỡ giải vây. Chỉ là dù Vương gia có nghe thấy bất cứ tin tức gì liên quan đến buổi dạ yến đêm đó ở Thái Bình hành cung, xin đừng nói với bất kỳ ai là đã từng gặp gỡ, nói chuyện với tần thiếp, cũng như đêm nay vậy. Nếu Vương gia đồng ý thì đúng là may mắn cho tần thiếp lắm!”

Y không hiểu rõ thâm ý đằng sau lời nói của tôi nhưng vẫn mỉm cười chấp thuận. “Được! Tiểu vương sẽ coi đó là một bí mật nhỏ giữa mình và Tiệp dư, không bao giờ nói cho kẻ thứ ba biết. Có thể đàm luận thoải mái với Tiệp dư là may mắn của bản vương, như gió mát thổi qua tai vậy. Ngày sau có dịp, xin mời Tiệp dư ghé qua Thanh Lương đài của tiểu vương để gặp gỡ, bàn luận chuyện cổ kim, tiểu vương nhất định sẽ tự phạt uống cạn ba chung rượu đầy.”

Tôi đáp: “Trăng có lúc tròn lúc khuyết, người phải nói đến duyên phận, số mệnh. Có một số chuyện chỉ biết tùy duyên mà thôi, dẫu Vương gia có mong mỏi cách mấy cũng vô ích. Mùa hè đã qua, Thanh Lương đài vô cùng mát mẻ, tần thiếp sẽ không đến đó quấy rầy Vương gia đâu.”

Y nghe vậy thì thoáng thất thần, tay trái bất giác đặt lên chỗ khi nãy vừa cất chiếc túi rồi đổi giọng bình tĩnh, nói: “Thanh Lương đài đông ấm hạ mát, nếu như có một ngày Tiệp dư cảm thấy trời lạnh không chịu nổi thì có thể ghé sang chơi, bếp lửa hồng nguyện vì Tiệp dư mà xua tan băng đông sương lạnh.” Y hơi cụp mắt nhìn, vạt áo bị nước hồ làm cho ướt đẫm, giọng nói một lần nữa lại hạ thấp: “Tiểu vương cũng hy vọng vĩnh viễn sẽ không có ngày đó.”

Trong lòng chợt dâng lên nỗi bi thương và cảm động khó gọi thành lời, tựa như bừng tỉnh giấc vào một sớm mùa đông, băng tuyết đầy vườn đã biến thành trăm hoa đua nở, vẻ đẹp đẽ và lộng lẫy ấy lại xảy ra không đúng dịp, còn khiến cho người ta không dám tiếp nhận, cũng không thể tiếp nhận.

Tôi không thể không tự nhắc nhở mình, phu quân của tôi là kẻ đứng đầu thiên hạ. Còn y là huynh đệ thân cận của phu quân tôi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3