Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 1 - Chương 01 - 02

MẤY LỜI NÓI ĐẦU

Kể lại chuyện mình xảy ra từ sáu, bảy mươi năm về trước là một việc làm không dễ. Tuy nghề nghiệp bắt buộc người nhạc sĩ phải có trí nhớ tốt để thuộc lầu hàng trăm, hàng ngàn bản nhạc, nhưng khi ngồi đào sâu kí ức để tìm về quá khứ thì tôi thấy những dữ kiện quá ư phức tạp, quá ư hỗn độn. Tôi lại không còn ở trong nước để kiểm chứng hàng chục, hàng trăm những nghi vấn về địa chí, về danh xưng và cũng không có trong tay những bản đồ với tên tỉnh, tên huyện, tên phố đã được thay đổi tới bốn, năm lần dưới nhiều chỉnh thể... Do đó HỒI KÍ THỜI THƠ ẤU-VÀO ĐỜI này có những khuyết điểm tuy không quan trọng nhưng tác giả cũng xin một sự độ lượng nào đó của người đọc.

Là con mồ côi cha quá sớm, tôi muốn dâng cuốn HỒI KÍ này lên người bố mà tôi không được gần gũi, vì tôi tin ở huyết thống. Tôi mường tượng bố tôi sinh ra đã có người Pháp cai trị dân Việt Nam rồi. Bên cạnh những hành động của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh cùng với các bạn “đồng chí hướng” như Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim... bố tôi đem uẩn ức của dân nô lệ vào đời và hoạt động trong nhiều địa hạt, khi làm công tác trong một Nghĩa Thục, khi dùng ngòi bút tả chân trong văn chương và báo chí, khi tranh thương với Hoa Kiều v.v... Tất cả cho mục đích thay đổi xã hội, thay đổi cuộc đời.

Nói như vậy vì tôi thèm được thấy bạn đọc nhìn nhận HỒI KÍ này không khởi sự từ những năm 20 khi tôi vừa ra đời mà còn ôm đồm thêm những dữ kiện về thế hệ cha ông trong những năm đầu của thế kỉ. Nếu được như vậy, toàn bộ HỒI KÍ của tôi sẽ bao trùm được đủ một trăm năm của thế kỉ mà năm mươi năm đầu là sự đoàn kết của tất cả “người Việt nô lệ” - trong đó có bố con tôi - trong việc giành Độc Lập và Tự Do. Muốn biết rõ hơn cuộc đời của một “người Việt tự do” - là tôi - trong năm mươi năm sau của thế kỉ thứ hai mươi, xin mời bạn đọc tiếp những cuốn HỒI KÍ tiếp theo.

Thế hệ ông cha ta, với các phong trào Văn Thân, Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục, thành công hay thất bại, ai cũng đều biết. Riêng tôi biết rõ bố tôi chết đi mà chưa thực hiện được những giấc mơ của mình. Những đứa con là nơi để bố trút bầu tâm sự. Bốn người con lớn không thừa hưởng vẹn toàn thông điệp của bố, có lẽ tại vì các anh các chị chưa phải là thứ “tinh trùng bất mãn” được bố cấy vào trong mẹ. Thằng con út, khởi sự là bào thai đã được bố gửi gắm những hoài bão vào lúc bố biết mình đã thất bại và sắp chết. Nó lớn lên, vì sự linh thiêng của huyết thống, nó thực hiện giấc mộng không thành của người cha?!

Hình như Goethe và Maxime Gorki đã coi những ngày thơ ấu của hai ngài là những ngày Đại Học. Vốn chẳng được theo đuổi việc học hành trong sách vở tại nhà trường, tôi cũng bắt chước hai vị để nói rằng trường Đại Học Âm Nhạc của tôi là kho tàng âm nhạc bình dân mà tôi hấp thụ trong quãng đời sớm lang bạt của tôi. Thuật sống của tôi học được ở mọi tầng lớp nhân dân mà tôi sớm được tiếp xúc. Lẽ dĩ nhiên sự giáo dục về cuộc đời cũng đến với tôi từ mẹ ruột, từ vú nuôi, từ mẹ nuôi, từ thầy giáo, từ bạn bè... đến cả từ những khắc nghiệt của người anh cũng như từ những ân sủng của người tình. Xin được tri ân tất cả.

Tôi cũng cần phải cám ơn những người giúp tôi rất nhiều trong việc hoàn tất HỒI KÍ này: Bạn cùng học tại những ngôi trường cũ như Bác Sĩ Nguyễn Đình Thi (Trường Hàng Vôi), Cao Trung (Trường Bách Nghệ), Tạ Tỵ, Võ Lăng (Trường Mĩ thuật). Bạn tâm giao cũ hay bạn mới làm quen là những người ở từng địa phương như Phạm Thanh Liêm, Lê Ninh (Hưng Yên), chị Lê Tôn Hy (YênThế-Bắc Giang), Nguyễn Sĩ Hưng (Thanh Hoá), Cao Xuân Vỹ, Nguyễn Đình Khuê (Nghệ An), Nguyễn Cúc (Huế), Hàn Vĩ, Lê Trọng Nguyễn (Hội An), Nguyễn Văn Sang (Quảng Ngãi), Lữ Liên (Dalat), Trần Văn Khê (Vĩnh Long). Bạn văn nghệ như Lê Văn-Vũ Bắc Tiến, Nguyễn Hiền. Tất cả đã nhắc lại tên các rạp hát và các địa danh của tỉnh mình, hoặc kể lại vài mẩu chuyện cũ để cho cuốn HỒI KÍ của tôi thêm màu sắc và thêm xác thực.

Lẽ ra có hai tập: HỒI KÍ THỜI THƠ ẤU và HỒI KÍ THỜI VÀO ĐỜI. Nhưng để tiết kiệm thời giờ và tiền mua sách của bạn đọc, tôi thu gọn hai tập vào một cuốn sách. Do đó toàn bộ HỒI KÍ chỉ còn 4 tập thay vì 5 tập như tôi đã rao. Vậy tôi xin rao lại, và xin trân trọng mời bạn đọc cùng tôi đi về dĩ vãng.

Thị Trấn Giữa Đàng,

Mùa Đông 1989

Chương Một

Lên một, trong lòng mẹ

Tôi ra đời tại nhà hộ sinh ở số 40 Rue Takou (phố Hàng Cót) Hà Nội vào lúc 1 giờ 15 sáng ngày 05 tháng 10 năm 1921, theo âm lịch là ngày mùng 5 tháng 9 (nhuận) năm Tân Dậu. Trước đó vài giờ, mẹ tôi còn đang ôm bụng ngồi đánh tổ tôm với mấy bà bạn và với Bác Hàn Làng Vẽ(1).

(1) Bác Hàn là họ bên nội.

Mẹ tôi vừa ù xong ván bài tổ tôm thì dở dạ và người nhà vội vàng đưa vào nhà đẻ. Do đó, khi tôi lớn lên, mỗi lần gặp Bác Hàn là bác nhắc tới chuyện ván bài tổ tôm và gọi tôi là thằng Tôm. Ai ngờ bây giờ về già, tôi cũng trở thành một thứ Uncle Tom.

Tuy luôn luôn đắc ý cho rằng mình ra đời trong một canh bạc thắng của mẹ, nhưng khi lớn lên thằng Tôm này lại khoái với cái tên tự do chính mình đặt ra là Mộng Vân. Vì sao? Vì trong một lúc quá yêu Tôm, mẹ buột miệng nói rằng đã nằm mơ thấy những đám mây trong thời kì có mang... Lại cũng là một cái tên tiền định. Thằng Tôm sẽ như mây, lang thang suốt đời. Và khi du nhập vào nghề hát rong thì đụng ngay một đoàn hát Cải Lương mang tên Gánh Mộng Vân.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Ngoài hai tên hiệu đó, cái tên thật - rất quan trọng vì là tên cúng cơm - cha mẹ đặt cho khi tôi vừa chào đời, tuy nó chẳng ngộ nghĩnh hay thơ mộng gì cho lắm, nhưng khi tôi trở thành ca sĩ của một gánh hát rong và chỉ dùng chữ họ và chữ đệm để cho khán giả dễ nhớ tên thì... cái tên cúng cơm đó biến mất. Ngay chị ruột tôi, về sau, cũng chỉ gọi tôi bằng tên đệm mà thôi. Giống như là có một sự quên tên hay kiêng tên vậy. Có điều chắc chắn là tôi đã ra thoát được tục lệ từ xưa của người Việt là thường đặt những cái tên rất xấu xí cho con cái để ma quỷ không thèm bắt đi như: (xin lỗi) thằng Buồi, thằng Đít vân vân...

Bố tôi là Phạm Duy Tốn, được người đời biết như là một nhà báo, một nhà văn đã từng tiếp súc với văn hóa Âu Tây và đã không còn là một nhà nho thuần túy nữa, nhưng khi bố tôi đặt tên cho con cái thì đều dựa vào chữ nho cả. Tên của ông cũng như tên của các con đều là tên của những đức tính và nếu viết bằng chữ nho thì chữ nào cũng nằm trong bộ ngôn, nghĩa là bộ chữ thuộc vào những hạng người thích ăn to nói lớn.

Anh cả của tôi mang tên Khiêm, tới hai người chị là Thuận và Trinh, rồi tới người anh hơn tôi 2 tuổi là Nhượng. Hai người anh trong thực tế sẽ sống bằng nghề ăn nói, họ đều là những ông thầy dạy học. Nhưng họ đều giống tôi ở chỗ tính nết sẽ không như cái tên bố đã đặt cho. Ông Khiêm nhiều khi có vẻ thiếu khiêm cung. Ông Nhượng không hẳn lúc nào cũng nhường nhịn em nhỏ. Còn tôi, với cái tên Cẩn, nếu suốt đời đã sống nhờ chữ “ngôn” trong cái tên thì trái với điều mong muốn của bố tôi, chẳng bao giờ tôi thấy trong tôi có được một sự cẩn trọng tối thiểu! Tuy vậy, về sau tôi cũng học mót bố tôi trong việc đặt tên cho tám đứa con. Chúng đều phải mang những cái tên tốt đẹp như: Quang, Minh, Hùng, Cường, Hiền, Thảo, Đức, Hạnh. Tôi đã thừa hưởng tinh thần hướng thượng của bố tôi vậy.

Ông nội tôi là người đã từng giữ chức Thiên Hộ - chef de quartier - cai quản một khu phố trong nội thành Hà Nội. Ông bà tôi chỉ có hai người con, một trai là bố tôi và một gái (chúng tôi gọi là cô Án) lấy chồng làm Án Sát ở Bắc Ninh. Cô tôi có người con rể là họa sĩ Côn Sinh, chuyên vẽ hí họa cho báo LOA, người khuyến khích tôi vào học trường Mĩ thuật sau này.

Tôi không biết mặt ông nội nhưng bà nội thì có ảnh chụp từ ngày xưa để lại. Trông bà thật là đẹp đẽ. Lúc còn bé, không nhớ đã có ai trong họ cho tôi biết rằng bà là một ca kĩ tài danh của một thuở xa xưa, lọt vào đôi mắt hào hoa của tay chơi Thiên Hộ Phạm Duy Đạt rồi được ông cưới về làm vợ. Các con, cháu và chắt của bà có trở thành những văn nhân, tài tử cũng nhờ ở huyết thống này. Trong bức ảnh cũ, thấy bà còn có vẻ phúc hậu nữa. Nhưng theo lời mẹ tôi kể thì bà không hiền lành lắm đâu, còn có thể nói là ác nghiệt nữa:

- Không phải ác với tao mà ác với bố mày...

Đại gia đình

Bố tôi là một trong những người Việt Nam đầu tiên cắt búi tó và mặc âu phục. Không biết lúc chuẩn bị cắt tóc bố tôi có sai vợ lập ban thờ để làm lễ xin tổ tiên tha cho cái tội tày trời như những người cùng cảnh ngộ hay không? Nhưng sau khi bố tôi cắt tóc, bà tôi buồn rầu và căm giận đến độ từ đó trở đi, mỗi một buổi sáng vừa mở mắt dậy là bà tôi ngồi chửi con. Bà cứ ngồi ở đầu giường, không thèm đi xúc miệng vì muốn làm tăng ác độ của câu chửi... Kèm theo câu chửi là câu rủa... Đệm vào câu rủa là một cái bát đàn - loại bát bằng đất nung, rẻ tiền nhất - được bà tôi đập xuống đất vỡ tan. Rủa cho bố tôi chết. Lời rủa có vẻ hiệu nghiệm. Bố tôi chết trước bà tôi hai năm.

Mẹ tôi là con dâu nên coi thái độ đó của mẹ chồng là nghiệt ngã nhưng tôi không nghĩ rằng bà tôi là người ác tâm. Bà là đại diện của một nền văn minh cũ, mang trong lòng tất cả những tín ngưỡng rất lâu đời và khó bỏ. Việc cắt tóc của bố tôi không chỉ là một hành động chống lại mẹ, nó còn là sự đả phá một kỉ luật đã có hằng mấy trăm năm, nếu không dám nói là cả nghìn năm. Có cái gap generation nào mà không làm đau lòng những người trong cả hai thế hệ?

Ông ngoại tôi lúc sinh thời - được gọi là cụ Tú Hàng Gai - có nhiều học trò lắm, mỗi lần tới ngày kị của ông thì có rất đông học trò cũ từ miền quê lên Hà Nội và tới phố Hàng Gai để cúng giỗ. Ông ngoại tôi có hai vợ, do đó họ ngoại của tôi đông hơn bên họ nội. Không biết mặt ông bà ngoại nhưng bà trẻ - nàng hầu của ông ngoại - thì tôi biết. Bà trẻ hiền lành lắm. Không đẹp đẽ và oai phong như bà nội ở trong bức ảnh cũ, bà trẻ là hình ảnh của sự chịu đựng nơi những người sinh ra để làm vợ thứ. Dù con cái của bà - cậu Khuê và dì bé lấy chồng làm Tham Tá tên là Nhữ - đều là những người có địa vị trong xã hội nhưng lúc nào bà cũng sống như một chiếc bóng nhạt màu.

Mẹ tôi là con gái của một ông thầy đồ và trước khi lấy chồng, mẹ tôi là cô hàng bán sách ở phố hàng Gai. Tôi không biết tên họ của ông bà ngoại nhưng một hôm gặp bà dì ruột ở Saigon vào khoảng 1970 thì dì nói:

- Mày có biết bà họ gì không? Họ Lưu, dòng dõi Lưu Vĩnh Phúc đó!

Thế ra trong tôi có dòng máu nổi loạn à? Người Pháp gọi Lưu Vĩnh Phúc là giặc - Giặc Cờ Đen - nhưng đối với tôi, ông là người làm Cách Mạng.

Ba chị em: Bác Hai, Mẹ và Gì Năm...

Tôi có khá nhiều các bác, các dì, các cậu và có rất đông các anh em, chị em họ cùng với một rừng các cháu gọi tôi bằng chú và bằng cậu. Một trong những người anh họ của tôi là Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, con của Bác Hai Hàng Đường. Tôi thường được ngồi ngắm tác giả Cổ HỌC TINH HOA, TỤC NGỮ PHONG DAO... nằm hút thuốc phiện.

(Ảnh bên: Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, tác giả Tục Ngữ Phong Dao)

Trong đại gia đình tôi, không phải chỉ có anh Ngọc mới là bạn của Nàng Tiên Nâu. Tôi có bao nhiêu ông chú, ông cậu, có bao nhiêu ông anh hay em họ là có bấy nhiêu ông tiên. Thậm chí sau này, con của cậu tôi, tên là Bá, còn mở hẳn một tiệm hút ở phố Hàng Dầu, không có một nhà văn Hà Nội nào hằng đêm là không tới đó để gặp nhau. - đây, tôi hay gập Đồ Phồn, Lan Sơn, Đàm Quang Thiện...

Nói tới đại gia đình là nhớ tới nhưng ngày đại giỗ. Gia đình càng lớn thì hằng năm càng có nhiều ngày giỗ. Vào những ngày này, tôi mới được gặp gỡ tất cả mọi người và tôi có nhận xét là các bác, các cậu và các anh họ tôi ai cũng có giọng nói rất lớn. Nói chuyện trong nhà mà như người ta cãi nhau khi mổ bò. Ngược lại, các mợ, các dì, các cháu gái lại nói năng rất khẽ như bị đàn ông ăn hiếp vậy. Ít khi tôi được ăn cơm với người lớn. Tôi và lũ cháu trai - gần bằng tuổi nhau nên toàn xưng hô mày, tao - tranh nhau từng miếng gan gà hay mảnh trứng muối. Mấy thằng cháu này hơn tôi ở chỗ chúng nó uống rượu như uống nước lã. Trong ngày giỗ, chỉ có con trai được cho vào ăn chung một mâm và ăn trước. Con gái đều phải chui xuống bếp để giúp việc rồi ăn sau. Tinh thần trọng nam giới của gia đình tôi vào đoạn đầu của thế kỉ 20 này dường như vẫn còn đeo đẳng tôi cho tới tận bây giờ.

_________________

Chương Hai

Phố Mã Mây - Rue Des Pavillons Noirs - circa 1920

Lên một, trong lòng mẹ

Ít lâu sau khi tôi ra đời, gia đình họ Phạm dọn từ phố Mã Mây (Rue Des Pavillons Noirs - phố Cờ Đen, lại một cái tên có liên hệ tới gia đình tôi) xuống phố Hàng Dầu (rue Fellonneau), một con phố có chưa tới ba mươi căn nhà thấp bé nằm ôm lấy nhau.

Bên phải phố Hàng Dầu là phố Bờ Hồ nằm đối diện với một khu đất trên đó có Đền Bà Kiệu và rạp chiếu bóng Pathé. Hồ Gươm không xa nhà tôi mấy. Đứng trước cửa nhà, tôi có thể nhìn thấy mặt hồ lúc nào cũng lặng lẽ và xanh đục. Và thấy xe điện leng keng lọc cọc đi ngang. Trong 17 năm sống với thủ đô, tôi có tới 14 năm sống chung quanh hồ Gươm cho nên Hà Nội đối với tôi chỉ là Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Tháp Rùa, đền Bà Kiệu và khu vườn nhỏ bên bờ hồ là nơi tôi hay ra leo lên cây đa hoặc lúi húi hái hoa bắt dế. Trong 3 năm còn lại, tôi theo gia đình lên ở bên cạnh Hồ Trúc Bạch trước khi rời xa Hà Nội đi sinh sống ở Moncay, Hưng Yên, Kiến An, Bắc Giang. Thỉnh thoảng ghé về thăm mẹ, tôi không có đủ thời gian để yêu được tất cả Hà Nội 36 phố phường.

Các nhạc sĩ như Trần Văn Nhơn, Hoàng Dương (em họ của Thái Hằng, vợ tôi), Nguyễn Đình Thi... khi thương hay khi nhớ Hà Nội, họ đều có những bài hát nói tới đầy đủ các khu các phố. Văn Cao có bài Thăng Long Hành Khúc xưng tụng đủ cả Nhị Hà, Tháp Gươm, Văn Miếu, Cột Cờ, Tràng Thi... Tôi chỉ có một mối tình dành riêng cho hồ Hoàn Kiếm mà thôi. Qua bài Gươm Tráng Sĩ...

Đã có nhiều nhà văn cho chúng ta thấy cái thơ mộng của hồ Gươm. Anh bạn Nguyễn Đình Toàn nhìn nó như trái tim của Hà Nội rồi còn nghe được tiếng guốc thiếu nữ reo vang trên những lối đi quanh hồ... Ông còn ví hồ này, vào mùa thu, giống như con mắt buồn bã của người tình. Tôi cũng thấy như vậy. Nhưng vì quanh năm sống với hồ Gươm nên tôi còn thấy nó trong những hoàn cảnh ít nên thơ hơn, như ra coi những xác người treo cổ trên cây đa bên bờ hay trầm mình xuống hồ nước, vì thất tình hay vì lí do buồn bã hơn là sự túng quẫn.

Nói tới Hồ Gươm, người ta còn nói tới mùi nhang thơm trong đền Ngọc Sơn hay nói tới môi hôn ngọt của cặp tình nhân trên cầu Thê Húc. Tôi được sống lâu với chiếc cầu và ngôi đền nên còn nhìn thấy cả đám ăn mày ngồi la liệt trên lối ra vào với lũ ruồi bu đầy trên những đôi mắt toét đỏ lòm. Và cảnh nhà nho cuối cùng mặc áo bông rách, ngồi viết những chữ Phúc Lộc Thọ hay những câu đối trên giấy đỏ... chỉ làm tôi bùi ngùi hơn là bồi hồi. Hồ Gươm với tôi là giọt lệ, không phải lệ ngọc ngà mà là lệ buồn thương.

Hồ Gươm, thời tôi còn nhỏ

Hồ Gươm còn có những buổi chiều mùa lạnh với sương mù tỏa xuống mặt hồ, cảnh vật mờ ảo làm tôi tưởng tượng như đang sống trong một truyện Liêu Trai. Tôi vừa sợ, vừa thèm gặp con ma hồ Gươm mà người trong khu phố cho rằng nó thường hay ra đây dụ dỗ người ta tự tử. Hình như con ma này đẹp lắm!

Đối diện với Hồ Gươm là rạp chiếu bóng Pathé. Phía sau rạp có bãi đất rộng, thỉnh thoảng người Tàu tới dựng lều làm trò múa rối. Những màn múa rối này tinh vi hơn múa rối Việt Nam tôi được coi ở Hội Chùa Thầy. Chỉ mất có mấy đồng trinh mà tôi được biết nhiều màn ca kịch rất linh động của truyện Tàu trước khi biết chữ để đọc tiểu thuyết. Tại đây còn có ông Hai Tây hay tới làm trò đóng đinh lỗ mũi và trò quỷ thuật. Ông Hai Tây còn thổi kèn bằng mu bàn tay và bằng ống đu đủ. Có thêm những người Tàu bán thuốc Sơn Đông và đánh võ. Họ dán thuốc cao vào những vết dao mà họ chém trên ngực để cho chúng tôi thấy công hiệu của thuốc cao. Nếu là ngày hội 14 Juillet (lễ Quốc Khánh của Pháp) thì tại đây có các cuộc vui như leo cột mỡ, đập nồi, bịt mắt bắt vịt. Nhất là có những đám hát xẩm...

Tất cả những biến cố nghệ thuật và những trò chơi bình dân này đã gây nên giấc mộng giang hồ và cái thú biểu diễn nơi cậu bé họ Phạm. Rồi đã có lần tôi bỏ nhà đi theo một anh làm trò quỷ thuật sau khi bị mê hoặc thêm bởi cuốn tiểu thuyết Vô Gia Đình (Sans Famille) của nhà văn Pháp Hector Malot. Nhà văn này đưa ra nhân vật tiểu thuyết là một ca sĩ nổi danh một thời rồi chẳng may bị mất giọng. Muốn giữ mãi hình ảnh tuyệt vời của mình trong lòng người, anh thay tên đổi họ và sống cuộc đời lang thang trong một gánh xiếc nhỏ. Cuối cùng anh chết vì đói rét trong khi tên tuổi anh vẫn còn vang lừng khắp Âu Châu.

Bên trái phố Hàng Dầu là phố Hàng Tre thông ra bờ đê sông Hồng. Vào mùa nước cạn, tuy cho chuồn chuồn cắn rốn nhiều lần mà vẫn chưa biết bơi nên tôi hay chạy chơi trên bãi cát rộng. Nhưng vào mùa nước lớn, dù trong đêm tối, tôi cũng ra bờ đê để coi mọi người trong khu phố phấp phỏng ngồi canh mực nước, chuẩn bị đề phòng nạn lụt. Dòng sông Cái (nghĩa là sông Mẹ?) bình thường êm ả nay bỗng trở thành bà mẹ hung dữ khiến tôi sợ lắm! Đứng nhìn dòng nước phóng đi như điên cuồng, tôi thấy con sông lúc thường đỏ thắm vui tươi, trong mùa lụt, sông Hồng giận dữ và đỏ ngầu như máu đục.

Phía sau phố tôi là phố Hàng Bè, nơi vú già hay dắt tôi đi chợ và phố Hàng Thùng, nơi có lớp mẫu giáo để tôi đi vào chữ nghĩa khi tôi lên sáu. Phố nào cũng ngắn với dãy nhà tí hon. Riêng phố Hàng Bè có thêm ngôi nhà ba tầng - gọi là nhà Tây - của bác sĩ Lê Văn Chỉnh, người gốc miền Nam, có người con trai không hiểu vì sao mà tự tử (bằng súng lục). Cái chết của con Bác Sĩ Chỉnh và của những người tự vẫn ở Hồ Gươm ám ảnh tôi rất lâu.

Người mở lòng cho tôi trong lớp mẫu giáo ở phố Hàng Thùng là một thầy giáo mặc áo the thâm, đầu đội khăn xếp, với bộ râu nằm ngang trên cái miệng răng đen, trông thầy giống như một bức tranh hí họa. Lớp học trong cái phố chuyên môn làm thùng gánh nước bằng sắt tây, cậu bé hỉ mũi chưa sạch là tôi thường ê a đọc bài với nhịp điệu văng vẳng của tiếng đập thùng nghe giống như tiếng trống nhạc jazz vậy.

Đầu phố Hàng Dầu và xế nhà tôi là một cửa hàng tạp hóa với những món hàng rất sơ sài. Bà chủ cũng góa chồng như mẹ tôi nhưng không có con nên bà yêu tôi lắm, thường cho ăn ô mai không lấy tiền. Bên cạnh cửa hàng của bà là nhà làm nước đá, có nước nóng để tôi được tắm táp trong những ngày đông giá. Khu phố tôi chưa có ống dẫn nước, vú già phải đi gánh nước về, ít khi có chuyện đun nước để tôi tắm.

Gọi là phố Hàng Dầu nhưng tôi chỉ thấy có một cửa hàng bán dầu ở xế cửa. Vào thời tôi mới sinh ra, Hà Nội không còn dùng dầu lạc để đốt đèn nữa vì đã có đèn điện và có loại đèn Hoa Kỳ dùng dầu lửa (pétrole) tiện lợi và sạch sẽ hơn dầu lạc. Hoa Kỳ láu cá lắm, biếu không cho người Việt Nam hàng vạn cái đèn để khi có đèn rồi thì phải mua dầu của họ. Cạnh nhà tôi là nhà ông Ký Hải, ông lang nổi tiếng. Các cháu bé của ông là những bạn thân thiết nhất của tôi thời thơ ấu. Trong thời gian ở phố Hàng Dầu, tôi không thấy hàng xóm cũ dọn đi hay láng giềng mới dọn tới. Chỉ gia đình tôi là sẽ rời bỏ con phố này khi anh Khiêm từ Pháp về sau 7 năm du học.

Nhà của chúng tôi ở giữa phố và cũng thấp bé như những nhà trong phố nhưng lại rộng hơn nhà Bác Hai phố Hàng Đường hay nhà cậu Trưởng phố Hàng Gai. Trong nhà có xây sáu cái giường quây chung quanh một cái sân nhỏ lộ thiên nằm giữa nhà. Tôi thường nằm trên giường để nhìn nước mưa buồn buồn chảy xuống những chậu hoa trên sân. Hoặc ra sân để tắm mưa.

Dưới gầm của những giường ngủ có chôn những cái vại bằng sành rất lớn để đựng dầu. Mua lại căn nhà là một cửa hàng bán dầu nhưng bố mẹ tôi không sinh sống bằng nghề bán dầu, những vại dầu trống không này chỉ là một thứ đồ chơi của tôi khi còn bé. Chơi đi trốn với anh chị hay với bạn bè, tôi thường hay nhẩy vào một trong những vại dầu cao hơn đầu tôi này. Vì trong nhà có tới 12 cái vại cho nên bắt được tôi rất khó, tôi đã phải nằm trong đó rất lâu để tưởng tượng mình là Ali Baba của truyện thần thoại Ả Rập.

Nơi quan trọng thứ nhất của nhà tôi là bàn thờ tổ tiên, chiếm hết một phần sáu của diện tích căn nhà. Trước bàn thờ là hai bức tường có gắn những tượng người bằng sành rất đẹp. Vào ngày Tết Nguyên Đán, bàn thờ được mẹ tôi làm cho lộng lẫy từ ngày ông Táo về trời và được duy trì cho tới sau ngày hai mươi mốt tháng giêng, nghĩa là sau hai cái giỗ của bà nội tôi và của bố tôi, rồi mới được buông mành che đi. Tôi được ăn Tết lâu hơn các trẻ con khác trong phố.

Nơi quan trọng thứ hai là cái giường gỗ lim nơi mẹ con tôi nằm ngủ, kê sát tủ chè có tranh ảnh nạm bằng sà cừ rất tinh vi. Ở chân giường, trước mặt cái sân nhỏ, là hai chiếc ghế gụ để khách tới ngồi chơi trong khi chủ nhân ngồi xếp chân bằng tròn trên giường tiếp chuyện. Nếu có đánh chắn hay tổ tôm thì canh bạc cũng xảy ra ở chỗ này. Cuộc chơi bao giờ cũng kéo dài tới đêm khuya, tôi đi ngủ sớm thì phải nằm cạnh những canh bài đỏ đen, tai nghe thoang thoảng những tiếng reo được thua trong cơn mộng mị.

Nơi không được coi là quan trọng trong căn nhà là cái chồ. Địa điểm phải được gọi là phòng vệ sinh này bé bằng cái hộp, to béo như tôi bây giờ thì không thể nào chui vào ngồi xổm trong đó một cách dễ dàng được. Không có hầm phân mà chỉ có thùng phân. Vài ba ngày, có người của ông nhà thầu Năm Diệm đem thùng khác tới đổi thùng đựng đầy phân. Đổi thùng thường làm vào nửa đêm về sáng. Lúc đó, tiếng phu đổi thùng gõ cửa ầm ầm trong đêm thanh vắng thường làm thằng bé này giật mình thon thót. Chắc tiếng gõ cửa bắt người ban đêm cũng chỉ hãi hùng đến thế mà thôi.

Hoài niệm thời thơ ấu, ai cũng có kỉ vật, nhân vật hay một chuyện nào đó để bâng khuâng nhớ. Tôi nhớ nhất cái đồng hồ cũ kĩ đặt trên mặt tủ chè. Nó là chứng tích rõ ràng nhất của thời gian. Mỗi một tích tắc hay một hồi chuông của nó ghi lại một li ti hay một khoảng ngắn của thời tôi còn thơ. So với những đồ vật khác trong nhà, chỉ có nó có sự sống.

Bà con hàng xóm trong khu phố tôi là những người dân hiền lành sống cuộc đời âm thầm nhưng cũng có một nhân vật dị thường khiến tôi để ý. Tên anh là Hùng, nhưng ai cũng gọi là Khùng. Hằng ngày, anh bắc ghế đẩu ra ngồi ở ngã tư, thấy ai đi qua cũng chào. Chào bằng đủ mọi thứ tiếng. Mọi người đều cho anh là thằng hóa dại. Trẻ con thường quây chung quanh anh để chọc ghẹo. Riêng tôi, lúc nào cũng ngẩn ngơ đứng nhìn con người kính chào không mỏi mệt này. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ gương mặt hiền hòa của một người lịch sự nhất phố Hàng Dầu.

Hà Nội có những buổi trời mưa thật to, mưa nặng nề như mưa đá vậy. Có thêm những tia chớp lớn. Những hạt mưa cục đập xuống mặt đường chưa trải nhựa, làm thành những bong bóng to. Ngồi trên bậc cửa nhìn qua nhà trước mặt, thằng bé này biết nhớ nhung da diết một con bé tên là Nguyệt. Nó thấy được nỗi buồn của một câu ca dao để rồi sẽ đưa vào một bản trường ca:

Đêm qua chớp bể mưa nguồn

Hỏi người bên đó có buồn hay không?

... Năm mươi năm sau, tôi trở về ngôi nhà cũ ở 54 Phố Hàng Dầu (bây giờ đổi tên là Phố Lò Sũ) với con trai thứ...

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay