Tâm lý học căn bản - Chương 03 - Phần 6
6. Nhận thức chuyển động: Khi thế giới xoay chuyển
Khi một cầu thủ bóng chày cố gắng đánh một quả bóng được ném đến. Yếu tố quan trọng nhất là đà chuyển động của quả bóng. Cầu thủ ấy làm sao có thể phán đoán được tốc độ và vị trí của mục tiêu đang di chuyển đến với tốc độ khoảng 90 dặm một giờ?
Câu trả lời trông cậy phần nào vào một số gợi ý cho chúng ta các thông tin phù hợp về nhận thức chuyển động. Một mặt, sự chuyển động của vật được nhận thức qua võng mạc vốn được cấu tạo liên hệ đến một không gian tĩnh chỉ bất động. Ngoài ra, nêu kích thích tiến đến gần chúng ta thì hình ảnh của nó trên võng mạc sẽ càng to ra, càng lúc càng lấp đầy thị trường mắt (visual field). Trong các trường hợp như thế, chúng ta giả sử rằng kích thích ấy đang tiến gần chúng ta – và không cho rằng kích thích ấy đang bành trướng ra nhưng được nhìn từ xa.
Tuy nhiên, không phải chính sự chuyển động các hình ảnh qua võng mạc làm phát sinh ra nhận thức về sự chuyến động. Nếu như thế hóa ra chúng ta sẽ thấy thế giới chung quanh chuyền động mỗi khi ta xoay chuyển bộ phận đầu của mình. Mà một trong các điều tối quan trọng mà chúng ta học được về nhận thức là tách biệt các thông tin về các chuyển động của đầu và mắt với các thông tin về thay đổi hình ảnh trên võng mạc.
Trong một số trường hợp, chuyển động xảy ra quá nhanh đến mức chúng ta không thể nhìn theo kịp. Khi ấy, chúng ta có thể đoán trước nơi dừng lại của vật nhờ kinh nghiệm cảm nhận trước đây của chúng ta. Thí dụ, máy điện toán theo dõi các lần ném bóng trong môn bóng chày cho thấy các quả bóng ném nhanh trong các trận đấu nhà nghề nổi tiếng đều bay quá nhanh khiến cho mắt chúng ta không nhìn kịp. Thực tế, nếu cầu thủ đánh bóng cố gắng theo dõi quả bóng từ lúc nó thoát đi khỏi tay người ném, anh ta sẽ không còn nhìn thấy được quả bóng khi nó còn cách sân nhà khoảng 5 bộ (tức khoảng 1,5 mét). Nghiên cứu cho thấy rằng các cầu thủ đánh bóng xuất sắc đều không đưa mắt nhìn khi quả bóng còn ở giữa hành trình, họ dời tia nhìn về gần sân nhà hơn để đợi quả bóng bay đến, hy vọng chạm vào gậy. Như vậy, thay vì trông cậy vào thông tin cảnh giác thô sơ từ quả bóng đang bay đến – tiến trình cảm nhận (the process of sensation) – họ sử dụng các tiến trình nhận thức (perceptual processes), vận dụng những điều họ đã học hỏi được để kỳ vọng về cách thức bay đến của quả bóng.
7. Chú ý có chọn lựa: Sàng lọc thông tin về thế giới chung quanh.
Khung cảnh: một buổi tiệc đông đúc và náo nhiệt. Trong khi một phụ nữ bên cạnh bạn lải nhải về chiếc ô tô của bà ta, bỗng nhiên bạn nghe được tiếng mất tiếng còn trong cuộc trò chuyện diễn ra sau lưng bạn về anh bạn Terry của bạn. Dường như anh này đã cùng một khách mời khác rời khỏi bữa tiệc. Cố lóng tai nghe thì bạn lại không theo kịp chi tiết câu chuyện chiếc xe của bà bên cạnh – cho đến khi đột nhiên bạn nhận ra bà ấy đưa ra một câu hỏi buộc bạn trả lời. Hiển nhiên, bạn sẽ nói: “Xin lỗi, ồn ào thế này, tôi không nghe rõ.”
Bất cứ ai đã từng nghe câu chuyện chán phèo lải nhải về một sự việc tầm thường nào đó có lẽ đều quen thuộc với tình huống vừa kể. Các nhà tâm lý quan tâm đến vấn đề nhận thức cũng đều quen thuộc với các hoàn cảnh tương tự, trong đó có rất nhiều kích thích mà người ta phải đồng thời chú ý đến. Điều quan tâm của các nhà tâm lý này chủ yếu nằm trong câu hỏi: chúng ta làm thế nào có thể chọn lọc để nhận thức được các thông tin hỗn tạp đó.
Chú ý có chọn lựa (selective attention) là tiến trình nhận thức có chọn lựa loại kích thích nào phải chú ý đến. Chúng ta đặc biệt chú ý đến các loại kích thích tỏ ra đặc biệt tương phản nhau về mức độ sáng, bề rộng, mức độ ồn ào, mức độ mới lạ, hoặc mức độ cao thấp. Chúng ta cũng chú ý nhiều đến các kích thích có ý nghĩa đặc biệt phù hợp với các kỳ vọng riêng tư của chúng ta. Thí dụ, khi đói chúng ta sẽ dễ cảm nhận các kích thích do thức ăn và các sự vật liên hệ đến thức ăn gây ra.
Các nhà quảng cáo khá am tường về hiện tượng chú ý có chọn lọc này. Chẳng hạn các bảng quảng cáo thưởng có các hình vẽ tương phản về độ sáng tối, và các chương trình quảng cáo trên TV và đài phát thanh thường phát ra âm thanh to hơn các phim chiếu do chương trình tài trợ. Các xướng ngôn viên trong các chương trình quảng cáo thường nói nhanh hơn bình thường rất nhiều. Ngoài ra, các chương trinh ấy thường được phát ở các thời điểm trong ngày vào lúc mà người ta đặc biệt nhạy cảm với nội dung của chúng (như các chương trình quảng cáo về thực phẩm thường được trình chiếu vào giờ ăn tối).
Trong một số trường hợp, chú ý của chúng ta buộc phải phân chia theo hai kích thích. Thí dụ, hãy thử làm bài trắc nghiệm ở Hình 3–17, trong đó bạn được yêu cầu nói to lên màu mực dùng để in mỗi từ – không phải là loại màu theo ý nghĩa của mỗi từ. Được mệnh danh là Stroop task, bài tập này là một bài tập cực kỳ khó khăn bởi vì nó đòi hỏi phải nhận thức về hai loại kích thích mạnh mẽ, và bạn bị buộc phải phân chia chú ý giữa màu sắc và ý nghĩa của các từ. Bởi vì cả hai đều là các kích thích mạnh mẽ và bởi vì giống như hầu hết mọi người, bạn có kinh nghiệm đọc tên màu sắc nhiều hơn, nên chú ý của bạn bị kéo ra khỏi màu sắc của mực in để thiên về ý nghĩa của các từ.
Hình 3–17: Muốn làm thử bài tập Stroop, bạn hãy gọi tên các màu mực in càng nhanh càng tốt, và lờ đi ý nghĩa cửa từng từ một. Đối với đa số người, bài tập này cực kỳ khó khăn.
Muốn tìm hiểu tình trạng chú ý có chọn lọc trong lãnh vực thính giác, các nhà tâm lý đã xây dựng một phương pháp gọi là nghe rẽ đôi (dichotic listening) trong đó một người mang một ống nghe mà mỗi bên tai cùng một lúc được nghe một thông điệp khác biệt với bên tai kia. Người đó được yêu cầu lặp to lại một trong các thông điệp khi nó vào đến một bên tai – tiến trình này gọi là bắt bóng (shadowing), bởi vì giọng nói của người nghe ấy tác động như một cái “bóng” âm thanh của thông tin đang được tiếp nhận.
Vấn đề đáng chú ý ở đây không phải là liệu người nghe ấy có “bắt bóng” thông điệp chính xác đến mức nào (hầu hết mọi người đều làm được hết khá dễ dàng); mà vấn đề là quan tâm đến các ảnh hưởng do thông điệp vào đến lỗ tai kia gây ra. Hóa ra, dù nói chung không nhớ được nội dung thông điệp thứ hai, nhưng người ta vẫn ghi nhớ được một số đặc điểm của nó. Thí dụ, những người nghe báo cáo chính xác người nói là nam hay nữ, và cả đến sự thay đổi của người nói trong quá trình truyền bức thông điệp ấy. Khoảng 1/3 thời gian ấy, họ cũng báo cáo được tên của họ có được nhắc đến hay không.
Một yếu tố dường như đặc biệt quan trọng là ý nghĩa của bức thông điệp được “bắt bóng”. Nếu một thông điệp đang được theo dõi ở một bên tai này đột nhiên chuyển sang tai kia, thông thường các đối tượng thí nghiệm sẽ “đi theo” bức thông điệp sang bên tai kia và bắt đầu “bắt bóng” từ bên tai thứ hai ấy, cho dù họ được đặc biệt yêu cầu chỉ phải “bắt bóng” theo điều đang nghe ở bên tai thứ nhất (xem hình 3 – 18). Hơn thế nữa, thậm chí họ thường không biết rằng thông điệp đã chuyển đi từ bên tai thứ nhất sang bên tai kia.
Các thí nghiệm như vậy cho thấy rằng mặc dù vào một lúc nào đó người ta có thể tập trung hoàn toàn vào một thông điệp duy nhất, nhưng họ vẫn chú ý đến các thông tin khác đến một mức độ nào đó. Như vậy, sự kiện này giải thích được khả nâng nghe trộm câu chuyện của người khác nhưng cũng biết trả lời đúng lúc cho người mà chúng ta buộc phải lắng nghe.
Hình 3–18: Thử nghiệm “bắt bóng”. Các đối tượng được yêu cầu chỉ “bắt bóng” – hoặc lặp lại – theo thông điệp đang được nghe ở một bên tai nêu rõ trong hình, trong lúc hai thông điệp trong khung được nghe đồng thời. Các đối tượng thí nghiệp không ý thức được việc làm của họ bất chấp hướng dẫn của nhà thí nghiệm: Khi thông điệp phải lặp lại được chuyển sang tai bên kia, họ thường sẽ lặp lại theo thông điệp đã chuyển sang tai bên ấy.
8. Tóm tắt và học ôn III
A. TÓM TẮT
– Nhận thức (perception) là tiến trình diễn dịch, phân tích, và hợp nhất các kích thích cảm nhận được.
– Các quy tắc Gestalt về dạng cấu trúc phức hợp là tính khép kín (closure), tính tương cận (proximity), và tính đồng dạng (similanty). Nhưng quy tắc quan trọng nhất là tính giản lược (simplicity).
– Người ta không phản ứng thụ động đối với các kích thích thị giác, đúng ra, người ta cố gắng tách biệt hình ảnh (figure) ra khỏi nền (background) của nó.
– Phân tích đặc điểm nghiên cứu cách nhận thức một kích thích của chúng ta, chia nhỏ nó ra thành các thành tố cá biệt cấu thành vật gây ra kích thích ấy, rồi sử dụng các thành tố này để tìm hiểu vật chúng ta đang quan sát.
– Tiến trình nhận thức xảy ra thông qua cách xử lý từ – trên – xuống và từ – dưới – lên.
– Nhận thức chiều sâu phát sinh nhờ sự khác biệt do hai mắt (binocular disparily), thị sai chuyển động (motion parallax), và kích thước tương đối của các hình ảnh trên võng mạc.
– Sự chuyển động của các hình ảnh qua võng mạc, phối hợp với thông tin về chuyển động của đầu và mắt, nẩy sinh nhận thức về chuyển động.
– Chú ý có chọn lọc là tiến trình nhận thức có chọn lọc loại kích thích nào phải chú ý đền.
B. HỌC ÔN
1/ Khi một ô tô vượt qua bạn trên đường và thu nhỏ đi khi chạy ra xa, hiện tượng nhận thức giúp bạn biết rõ rằng chiếc ô tô ấy không bị nhỏ đi dù nó ở đằng xa. Hiện tượng này gọi là gì?
2/ Hai thuyết khác biệt nhau đã được vận dụng để miêu tả hiện tượng về sự bất biến của nhận thức (perceptual constancy). Hãy cặp đôi lý thuyết với định nghĩa của nó:
a. Kinh nghiệm trước đây và các kỳ vọng riêng tư được vận dụng để suy ra vị trí của sự vật.
b. Tương quan giữa các sự vật khác biệt nhau trong toàn bộ khung cảnh cống hiến cho chúng ta các đầu mối về kích thích của sự vật ấy.
1. Lý thuyết sinh thái (ecogical theory)
2. Lý thuyết xây dựng (constructive theory)
3/... là khả năng quan sát thế giới chung quanh theo ba chiều thay vì hai chiều, còn... là khả năng tìm ra chỗ xuất phát của một âm thanh.
4/ Mắt sử dụng một kỹ thuật gọi là..., vận dụng các hình ảnh khác biệt nhau mà mỗi bên mắt thấy được để giúp cho thị giác có khả năng cảm nhận ba chiều.
5/ Một vật càng ở gần mặt thì sự chênh lệch do hai mắt (binocular disparlty) càng nhỏ đi. Đúng hay Sai?...
6/ Cặp đôi các gợi ý độc nhãn (monocular cues) với định nghĩa của chúng:
a. Các đường thẳng song song dường như gặp nhau ở cách xa chúng ta.
b. Sự di chuyển tư thế của một vật trên võng mạc khi bộ phận đầu chuyển động.
c. Nếu hai vật có cùng kích thước, thì vật có hình ảnh nhỏ hơn trên võng mạc sẽ ở xa hơn.
1. Kích thước tương đối (Relative size)
2. Phối cảnh thẳng (linear perspective)
3. Thị sai do chuyển động (motion parallax)
7/ Cặp đôi mỗi quy tắc tổ hợp sau đây với ý nghĩa của chúng.
a. Tnh khép kín (closure)
b. Tính tương cận (proximity)
c. Tính đồng dạng (similarity)
d. Tính giản lược (simplicity)
1– Các yếu tố ở cạnh nhau được tổ hợp với nhau.
2– Các mô hình được nhận thức theo phương thức khả dĩ trực tiếp và căn bản nhất.
3– Các tổ hợp được thực hiện theo các dạng hoàn chỉnh.
4– Các yếu tố có hình dáng tương đồng được tổ hợp với nhau.
8/ Phân tích... bàn về cách thức theo đó chúng ta phân tách sự vật thành các thành tố cá biệt để tìm hiểu sự vật ấy.
9/ Cách xử lý chú trọng đến các chức năng cao cấp như kỳ vọng (expectations) và động cơ (motivation) được gọi là cách xử lý...; còn cách xử lý liên hệ đến sự nhận biết các thành tố cá biệt của một kích thích được gọi là cách xử lý...
C. CÂU HỎI TỰ VẤN
Trong khi vị giáo sư sinh học của bạn tiếp tục bài giảng về sự tiến hóa của ruồi giấm, bạn chợt thấy mình đang lắng tai nghe hai người ngồi phía sau đang kháo chuyện nhau về một người bạn của bạn. Hiện tượng nhận thức nào cho phép có hành vi này? Bạn sẻ nhớ đến mức nào các điều mà vị giáo sư đã giảng dạy?
(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)
IV. SAI LẠC TRONG NHẬN THỰC
Hãy xét trường hợp ngôi đền Parthenon, một trong các kiến trúc nổi danh của nước Hy Lạp cổ đại. Dù đối với mắt thường có vẻ cân đối và vững chắc, nhưng thực ra nó đã được cố ý xây cất phình ở một bên. Chính chỗ phình này khiến cho người xem thấy nó có vẻ cân đối. Nếu không có chỗ phình ấy – và một số “mẹo” khác, như cột nghiêng về phía trong chẳng hạn, có lẽ trông nó mất cân đối và như sắp đổ vậy.
Sự kiện cho thấy bể ngoài của ngôi đền Parthenon hoàn toàn cân đối, với các đường nét thẳng thớm và các góc vuông ở mọi góc cạnh, là hậu quả gây ra bởi một số mẹo đánh lừa thị giác. Ảo tưởng thị giác (visual illusion) là ấn tượng lưu lại trong nhận thức do các kích thích vật lý thường xuyên gây sai lạc, cho cảm nhận thị giác. Trong trường hợp ngôi đền Parthenon, đối với mắt thường kiến trúc trông có vẻ hoàn toàn cân đối như ảnh chụp ở Hình 3 – 19 (a). Nhưng nếu thiết kế đúng theo sự cân đối thực tế thì ảo giác sẽ khiến người ta nhìn thấy ngôi đền có hình dáng minh họa như ở Hình 3 – 19 (b), các góc vuông trên đường thẳng sẽ dường như vênh lên như ở Hình 3 – 19 (c). Để bù đắp ảo giác này, ngôi đền Parthenon thực tế đã được xây dựng như ở Hình 3 – 19 (d) được thiết kế hơi úp xuống.
Các kiến thức sâu sắc về nhận thức như vậy không dừng lại ở người Hy Lạp; các kiến trúc sư và các nhà thiết kế hiện nay cũng quan tâm đến tính sai lạc thị giác. Thí dụ, nhà hát New Orleans Superdome đã lợi dụng một số mẹo đánh lừa thị giác. Ghế ngồi nhiều màu sắc để tạo cảm giác từ xa rằng nhà hát luôn luôn đông khách. Thảm trải ở một số tiền sảnh dốc xuống có nhiều sọc vuông góc với đường dốc xuống khiến người ta có cảm tưởng đi nhanh hơn bình thưởng nên phải đi chậm bước lại – Người ta cũng lợi dụng loại ảo giác này ở các buồng thu thuế cầu đường ở các xa lộ: Các vạch sơn trên lề đường trước các buồng thu thuế khiến cho các tài xế có cảm tưởng đang chạy nhanh hơn thực tế nên họ phải nhanh chóng giảm bớt tốc độ.
Hình 3–19: Với ngôi đền Parthenon, người Hy Lạp xây dựng một kỳ công kiến trúc trông hoàn toàn cân đối, mọi góc đều vuông vức như ở hình (a). Tuy nhiên, nếu mọi góc đều xây dựng hoàn toàn vuông góc thực sự thì ngôi đền sẽ không giống như ở hình (b), do ảo tướng thị giác minh họa như ở hình (c). Để bù dắp ảo giác này đền Parthenon đã được thiết kế hơi úp xuống, như trình bày ở hình (d), (Coren & Ward, 1984, trang 5)
1. Ảo tưởng thị giác: Nhận thức sai lạc của mắt
Một trong các loại ảo thị giác nghiêm trọng nhất là ảo thị Muller Lyer (Muller Lyer's illusion) minh họa ở Hình 3 – 20. Mặc dù hai đoạn thẳng có độ dài bằng nhau, nhưng đoạn thẳng có hai đầu mũi tên hướng vào trong dường như là dài hơn đoạn thẳng có Z đầu mũi tên hướng ra ngoài [ xem Hình 3 – 20 (a)]
Hình 3–20 (a): Ảo thị Muller – Lyer, trong đó đoạn thẳng nằm ngang ở phía trên dường như dài hơn đoạn thẳng bên dưới.
HÌnh 3–20 (b): Một cách giải thích ảo thị Muller – Lyer cho rằng đoạn thẳng có các đầu mũi tên hướng ra ngoài được xem như cạnh lồi của một vật lập thể hướng về chúng ta (như góc ngoài của một tòa nhà), còn đoạn thẳng có các đầu mũi tên hướng vào trong được xem góc lõm của một hình lập thể mở ra xa chúng ta (như ở góc phòng). Kinh nghiệm trước đây của chúng ta về các gợi ý khoảng cách giúp chúng ta rằng góc lồi gần hơn góc lõm và do đó góc lõm phải dài hơn.
Mặc dù người ta đề nghị nhiều lối giải thích các hiện tượng ảo thị, nhưng hầu hết đều tập trung hoặc vào bản thân cơ quan thị giác hoặc vào cách diễn dịch của bộ óc đối với một hình ảnh nhận thức. Chẳng hạn, cách lý giải đầu cho rằng khi nhìn đoạn thẳng có các mũi tên hướng vào trong thì mắt phải chuyển động nhiều hơn. Sự kiện này khiến chúng ta cho rằng đoạn thẳng ấy dài hơn đoạn thẳng có các đầu mũi tên hướng ra ngoài.
Cách lý giải kia nêu ra chứng cứ cho rằng nguyên nhân của ảo thị là do bộ óc diễn dịch sai lầm. Chẳng hạn, một giả thuyết cho rằng ảo thị Muller – Lyer là hậu quả của việc chúng ta gán cho mỗi đoạn thẳng nêu trên một ý nghĩa khác nhau. Khi nhìn đoạn thẳng phía trên ở Hình 3–20 (a), chúng ta có khuynh hướng xem nó là góc lồi tương đối hẹp của một vật có hình lập thể như tòa nhà ở bên trái ở Hình 3–20 (b). Bởi vì kinh nghiệm trước đây khiến chúng ta giả thiết rằng góc lồi hẹp hơn góc lõm, nên chúng ta suy diễn xa hơn nữa rằng góc lõm phải rộng hơn.
Dù đưa ra mọi giả thiết căn bản như thế, dường như cách giải thích này có vẻ không được ổn, nhưng lại có chứng cứ khá thuyết phục bênh vực cho quan điểm này. Một trong các chứng cứ bênh vực có giá trị nhất rút ra từ các công trình nghiên cứu về giao lưu văn hóa cho thấy rằng những người sinh ra ở các vùng ít có kiến trúc theo góc vuông – như dân Zulu ở Châu Phi chẳng hạn – ít bị ảo giác hơn những người trưởng thành ở các vùng mà hầu hết các kiến trúc đều được xây đựng có dạng vuông góc và hình lập thể.
Như vậy, cách diễn dịch sai lạc do các hiện tượng ảo thị gây ra nói chung từ các sai lầm ở cả giai đoạn phản ứng kích thích thị giác căn bản lẫn ở cách thức bộ óc diễn dịch các thông tin mà nó tiếp nhận được. Nhưng các hiện tượng ảo thị cũng minh chứng một điều căn bản về mặt nhận thức có tầm quan trọng hơn chứ không chỉ là sự hiếu kỳ về mặt tâm lý mà thôi: có một mối liên hệ căn bản giữa kinh nghiệm cũng như các nhu cầu, các động cơ, và các kỳ vọng của chúng ta về cách thức hình thành thế giới chung quanh chúng ta với cách nhận thức của chúng ta về thế giới ấy. Như vậy cách nhìn của chúng ta về thế giới đúng ra là một hàm số của các yếu tố tâm lý căn bản. Ngoài ra, mỗi người chúng ta nhận thức môi trường chung quanh theo một cách thức độc đáo và cá biệt – một sự kiện cho phép mỗi người chúng ta góp phần cá biệt của mình vào thế giới ấy.
* Chứng khó đọc 1 viết (Dyslexia):một rối loạn phát triển ảnh hưởng đặc biệt đến khả năng của trẻ về đọc và viết. Tình trạng này tuy ít xảy ra, nhưng nó có ảnh hưởng đến các bé trai nhiều hơn các bé gái, và gây ra các vấn để nghiêm trọng về mặt giáo dục. Chứng này đôi khi còn gọi là chứng khó đọc – viết đặc biệt (specific dyslexia) hoặc chứng khó đọc – vết phát triển (de–velopmental dyslexia) để phân biệt với các khó khăn mắc phải khi học đọc và viết (theo Từ điển Y học).