Tâm lý học căn bản - Chương 04 - Phần 6

* Chúng ta mơ mộng nhiều đến mức nào?

6. Chiếm khoảng 10% thời gian nhàn rỗi, mơ mộng là một bộ phận quan trọng thuộc trạng thái ý thức lúc tỉnh thức, dù rằng thời lượng dành để mơ mộng rất khác biệt nhau đối với từng cá nhân. Giữa các rối loạn tâm lý mắc phải với tình trạng mơ mộng quá nhiều dường như không có mối tương quan gì đáng kể.

* Trạng thái ngủ có những rối loạn nào và làm cách nào để chữa trị chúng?

7. Mất ngủ (insomia) là một chứng rối loạn về giấc ngủ đặc trưng bởi trình trạng khó dỗ giấc ngủ. Chứng ngừng thở trong lúc ngủ (sleep apnea) là một chứng bệnh trong đó bệnh nhân vừa khó ngủ vừa khó thở. Người bị chứng ngủ kịch phát (narcolepsy) có những cơn thèm ngủ không thể cưỡng lại được. Mộng du (sleepwalking) và nói mê (sleeptalking) là các rối loạn tương đối vô hại.

8. Các nhà tâm lý và các nhà nghiên cứu về trạng thái ngủ khuyên người bị chứng mất ngủ quan tâm đến các biện pháp sau đây: siêng tập thể dục mỗi ngày, tránh dùng caffeine và thuốc ngủ, uống một ly sữa ấm trước khi đi ngủ, và tránh cố gắng vỗ giấc ngủ.

* Phải chăng những người bị thôi miên đang ở trong trạng thái ý thức bị cải biến và họ có thể bị thôi miên sai khiến hành đóng ngược lại ý chí của họ không?

9. Thôi miên đặt người ta vào trạng thái rất dễ tuân theo các ám thị của người thôi miên. Mặc dù không có dấu hiệu sinh lý giúp phân biệt trạng thái bị thôi miên với trạng thái ý thức bình thường lúc tỉnh thức, nhưng trong trạng thái bị thôi miên hành vi của người ta bị thay đổi rất nhiều, bao gồm: mức tập trung tăng lên và dễ tuân theo các ám thị, khả năng hồi tưởng và xây dựng hình ảnh tăng thêm, không có sáng kiến, và sẵn sàng tuân theo các ám thị hiển nhiên trái với sự thực. Nhưng, người ta không thể bị thôi miên sai khiến hành động ngược lại ý chí của mình.

10. Quán tưởng hay tập trung tinh thần (meditation) là một kỹ thuật tập luyện được nhằm tập trung chú ý để làm nẩy sinh một dạng ý thức cải biên. Theo phương pháp quán tưởng để đạt cảnh giới xuất thần siêu nhiên (trascendental meditation), một hình thức tập luyện phổ biến nhất ở Hoa Kỳ hiện nay, hành giả lặp đi lặp lại một câu thần chú (manta – một âm, từ, hay vần) nhiều lần để tập trung tinh thần cho đến khi không còn cảm nhận bất cứ kích thích ngoại giới nào nữa mới đạt đến trạng thái ý thức khác với bình thường.

* Ma tuý gồm các loại chủ yếu nào và chúng có tác dụng gì?

11. Ma túy có thể gây ra trạng thái cải biến ý thức. Nhưng, chúng khác biệt nhau tùy theo mức độ nguy hiểm và mức độ gây nghiện, tức là gây ra tình trạng lệ thuộc về thể xác hay tâm lý. Người ta dùng ma túy vì một số nguyên nhân: để hưởng thụ cảm giác khoái lạc, để trốn tránh các áp lực trong cuộc sống thường ngày, để đạt đến một trạng thái tâm linh có tính tôn giáo, để rập khuôn theo tác phong của những người dùng hoặc đẳng cấp có uy tín. hoặc để nếm qua khoái cảm dám thử qua một việc gì mới lạ và có lẽ bất hợp pháp. Dù vì bất cứ nguyên do gì, tình trạng nghiện ngập ma túy cũng là một hành vi khó lòng cải sửa nhất.

12. Loại thuốc kích thích khiến cho hệ thần kinh trung ương tăng thêm tình trạng tỉnh táo. Hai thứ thuốc kích thích thông thường là cafeine (thấy trong cà phê, trà, và các loại nước giải khát) và nicotine (trong thuốc lá). Nguy hiểm hơn là cocaine và amphetamine, hay “tốc độ”. Dùng theo liều lượng ít chúng có thể giúp tăng thêm lòng tin, cảm giác sung mãn và tỉnh táo, và gây ra trạng thái “bốc”. Nhưng nếu dùng quá nhiều có thể khiến cho hệ thần kinh trung ương bị quá tải, dẫn đến các cơn co giật và tử vong.

13. Loại thuốc gây trầm cảm khiến cho hệ thần kinh trung ương giảm mức tỉnh táo, làm cho các nơron chậm khởi động. Chúng có thể gây ra tình trạng nhiễm độc cùng với cảm giác sảng khoái. Các loại thuốc gây trầm cảm phổ biến nhất là rượu và barbiturates.

14. Rượu là loại gây trầm cảm được người ta dùng nhiều nhất. Ban đầu nó có hóa giải căng thẳng và tạo cảm giác tích cực, nhưng khi lượng rượu dùng nhiều hơn thì các tác dụng gây trầm cảm mới dần dần lộ rõ ra. Sự dung nạp phát triển dần đến mức người nghiện phải uống rượu liên tục mới đủ sức sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày. Cả hai nguyên nhân di truyền và áp lực do hoàn cảnh đều có thể dẫn đến tình trạng nghiện rượu.

15. Morphine và heroin đều là thuốc gây ngủ hoặc gây mê. Loại thuốc này tạo ra cảm giác thư giãn và làm bớt đau đớn cùng nỗi lo âu. Bởi tính chất gây nghiện của chúng, morphine và heroin là các loại ma túy đặc biệt nguy hiểm.

16. Loại thuốc gây ảo giác (hallucinogen) gây ra ảo giác và các hiệu quả biến đối nhận thức khác. Loại thuốc gây ảo giác thông dụng nhất ở Hoa Kỳ là cần sa. Mặc dù dùng cần sa trong ngắn hạn đôi khi ít nguy hiểm, nhưng các hậu quả dài hạn của nó cũng chưa được minh chứng cụ thể. Phổi sẽ bị tổn thương, rất có thể mức hormone sinh dục nam tes–tosterone tiết ra ít đi, và hệ miễn dịch cũng bị ảnh hưởng. Hai loại thuốc gây ảo giác khác là LSD và PCP. Chúng ảnh hưởng đến hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, khiến cho hoạt động và cảm nhận của các tế bào não bị cải biến đi.

17. Nhiều dấu hiệu chứng tỏ việc sử dụng dược phẩm trở thành tình trạng lạm dụng. Các dấu hiệu này là tình trạng sử dụng thường xuyên, hăm hở đến trường hoặc đi làm việc, lái xe trong cơn bốc đồng, dễ vi phạm pháp luật, và cảm thấy sảng khoái khi ở một mình. Cảm thấy nghi ngờ bị lệ thuộc vào ma túy, người ta nên nhờ sự giúp đỡ của giới chuyên môn bởi vì hầu như không ai có thể tự mình giải quyết được tình trạng nghiện ngập.

V. PHỤ LỤC.

BẢN CHẤT CỦA Ý THỨC

Không một thứ ngôn ngữ nào chỉ dùng một lời mà diễn tả được trọn vẹn ý nghĩa của ý thức, nhưng mọi ngôn ngữ đều có đủ lời lẽ để diễn tả bốn hiện tượng tuy riêng biệt nhưng đều liên hệ đến ý thức, đó là: (1) hiện tượng tỉnh thức (wakefulness, ngược lại trạng thái ngủ); (2) các cảm giác về mặt cơ thể (bodily sensations), như cảm giác ngứa ngáy (itelins) và đau đớn chẳng hạn; (3) các nhận thức có được nhờ thính giác, thị giác và các giác quan khác; (4) suy nghĩ cân nhắc (dellberating), đánh giá (pondering), ước muốn (desiring) và tin tưởng (believing). Toàn bộ các điều nhận biết mà chúng ta gọi là “ý thức” (consciousness) cũng có thể có các trạng thái khác biệt nhau tùy thuộc vào các cơ chế sinh lý (physiological mechanisms) khác nhau.

1/ Nhận thức chủ quan và nhận thức khách quan

Trước đây, ý thức được xem là một thế giới riêng tư, chỉ tiếp cận được nhờ phương pháp nội quan (introspection). Vì lý do này, đã có thời nhiều nhà tâm lý không chấp nhận ý thức là một đề tài nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, những tiến bộ mới đạt được hiện nay trong lĩnh vực nghiên cứu và lý thuyết đã khiến cho các nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề nghiên cứu về ý thức. Khi đã tích lũy được kiến thức về các tiến trình như chú ý (attention), nhận thức (perception), ghi nhớ (memory), tư duy (thinking), cảm xúc (emotion), và các lãnh vực kinh nghiệm tâm trí khác, người ta có thể nghiên cứu ý thức theo các phương pháp mới mẻ. Nhờ khảo sát các hoạt động sinh lý đi kèm với các biến đổi về trạng thái nhận biết, như những biến đổi gây ra bởi giấc mơ, tập trung tinh thần (meditation), hoặc dược phẩm, các nhà tâm lý đã tìm hiểu sâu rộng hơn về cách vận hành của ý thức. Các công cụ mới mẻ cũng như các phương pháp nghiên cứu mới mẻ đã giúp gặt hái được nhiều khám phá khách quan, minh chứng được về các trạng thái khác nhau của ý thức.

Kết quả là, hiện nay ý thức được xem xét theo cả góc độ chủ quan lẫn khách quan. Ý thức chủ quan (subjective consciousness) liên hệ đến các cảm nhận cá nhân riêng tư của chúng ta về thế giới chung quanh – tức là, theo quan điểm của chúng ta về mọi sự vật. Nó bao gồm cách thức ngắm nhìn cách mặt trời lặn hay cách thức lắng nghe và cảm nhận tiếng thác đổ. Song, nhận biết của chúng ta chẳng phải là nhận biết về tự thân thế giới chung quanh mà chính là nhận biết về cảm nhận của chúng ta khi tiếp xúc với thế giới ấy. Như ta biết ở Chương 3, chúng ta cảm nhận thế giới chung quanh nhờ hợp nhất các thông tin tiếp nhận được từ thế giới ấy, chính sự hợp nhất các nhận thức của chúng ta do não bộ thực hiện tạo ra “tính duy nhất của ý thức” (unity of consciousness). Một khía cạnh khác của ý thức chủ quan là sự nhận biết về bản ngã (the self, cái tôi). Không có cái tự – nhận – thức hay tự tri (self–awareness) này, chúng ta sẽ không thế nào ứng phó được, và tìm hiếu được thế giới chung quanh. Chúng ta không sinh ra đã có ngay cái tự tri này, và trong một chương sau này chúng ta sẽ theo dõi sự xuất hiện dần dần của nó từ lúc chúng ta mới biết đi chập chững và mối liên kết của nó với sự phát triển nhận thức cũng như với kinh nghiệm về xã hội. Nhiều nhà khoa học quả quyết rằng việc nghiên cứu ý thức chủ quan nằm bên ngoài phạm vi khoa học, nhưng sự thật cho thấy con người có thể thực hiện hợp lý hơn việc thông đạt các cảm nhận chủ quan của họ. Thí dụ, dù các bệnh nhân có thể chưa từng trải qua một rối loạn đặc biệt nào đó, nhưng các câu trả lời của họ về các câu hỏi như cơn đau cơ buốt hay không có thể cung cấp cho các bác sĩ một cơ sở đáng tin cậy để chẩn đoán nhiều chứng bệnh khác nhau. Như vậy, tuy khó nghiên cứu các khía cạnh chủ quan của ý thức, nhưng nếu không có các nghiên cứu này có lẽ chúng ta không bao giờ tìm hiểu được bất kỳ mối tương quan nào giữa não bộ và hành vi ứng xử.

Ý thức khách quan (Objective consciousness) liên hệ đến những khía cạnh của ý thức có thể được minh chứng bởi người khác. Chúng ta có thể nghiên cứu nhiều tiến trình ý thức khác nhau như chú ý, nhận thức và ghi nhớ. Chúng ta có thể suy đoán được tiến trình nhận thức căn cứ vào khả năng đo con người vận dụng để giải quyết các vấn đề phải đối phó. Chúng ta có thể thu thập được các chứng cứ khách quan về ý thức nhờ đo lường được các biến động sinh lý đi kèm với các biến đổi trạng thái nhận thức. Như sóng điện não và chuyển động của mắt chẳng hạn. Các lời giải đáp đối với các câu hỏi trong bài trắc nghiệm nhận thức dấu hiệu (signal–detection test, xem Chương 3) phản ảnh sự cảm nhận các kích thích từ bên ngoài, cũng được dùng để nghiên cứu về ý thức.

Một đặc điểm quan trọng của ý thức là chúng ta có thể chỉ huy được phần nào vận hành của nó. Chúng ta có thể chủ ý tập trung vào bất cứ sự vật gì tùy ý – màu sắc hình dáng, đặc điểm nhận diện, hoặc chức năng của một sự vật. Ngoài ra, sự kiện chúng ta xếp loại sự vật theo một cách thức nào đó, âm thanh phát ra do một nhạc cụ nào đó mà chúng ta nhận ra được từ dàn nhạc đang hòa tấu; ngay cả những lý thuyết được xây dựng để cố gắng giải thích ý thức là gì, đều minh chứng khả năng chỉ huy ý thức của chúng ta.

Như chúng ta đã thấy ở Chương 4 khả năng chọn lựa ấy có tính quyết định đối với sinh hoạt thường ngày của chúng ta. Cứ phải đối phó cùng một lúc quá nhiều cảm nhận, tình cảm, ý tưởng, và ký ức luôn luôn có sẵn vào một thời điểm nhất định nào đó, có lẽ chúng ta bị nhận chìm mất. Nhờ gạn lọc hầu hết các thông tin sẵn có đó, chúng ta chỉ có thể vận dụng ý thức để nhận biết những sự vật nào mà chúng ta muốn tìm hiểu. Khía cạnh này của ý thức là một lãnh vực quan trọng của công trình nghiên cứu về tiến trình vận dụng ý thức để giải quyết các vấn đề gặp phải (cognitive research). Trong các chương còn lại trong phần này của cuốn sách, chúng ta sẽ khảo sát vai trò của chú ý (attention) trong việc quyết định xem chúng ta tìm hiểu và học hỏi điều gì và quyết định xem chúng ta nên ghi nhớ bao nhiêu về điều đó.

2. Não bộ và ý thức

Trong nhiều thế kỷ qua, người ta cho rằng ý thức và hoạt động của não bộ liên kết chặt chẽ với nhau. Các chứng cứ do khoa thần kinh học không ngớt được nêu ra trong gần nửa thế kỷ nhằm bênh vực quan điểm này. Thí dụ, các khu vực thuộc vỏ não của các bệnh nhân trong các cuộc giải phẫu não bị kích thích khiến cho bệnh nhân nhận biết được các cảm nhận về thị giác và thính giác, mặc dù sự nhận biết ấy giống như đang nằm mơ. Thế nhưng, bất kể các chứng cứ cho thấy một liên kết chặt chẽ giữa ý thức và hoạt động sinh lý của não bộ, bản chất đích thực của mối liên kết đó vẫn chưa được xác định. Nhiều nhà thần kinh học (như Rose, 1973) còn lập luận rằng sự phân biệt giữa ý thức (consciousness) và hoạt động của não bộ (brain activity) chỉ là sự phân biệt thuần tuý về mặt ý nghĩa của thuật ngữ sử dụng mà thôi. Họ cho rằng ý thức chẳng qua chỉ là tổng cộng toàn bộ các hoạt động của não bộ. Lời giải thích này khiến cho ý thức và hoạt động của não bộ hóa ra là hai mức độ khác nhau của cùng một hiện tượng. Nếu quả như thế, khi chúng ta “nghiên cứu tìm hiểu” ý thức, chẳng qua là chúng ta chỉ khảo sát chính sự kiện tâm lý ấy nhưng lại ở một mức độ khác, tức giống như đẩy việc phân tích của chúng ta từ hoạt động sinh lý thần kinh (neurophysiological activity) lên mức độ ý thức chủ quan của chúng ta về chính hoạt động sinh lý ấy.

Nhà tâm lý được trao giải thưởng Nobel năm 1977, ông Roger Sperry nêu ra thách đố đối với quan điểm này. Trong các cuộc nghiên cứu về các bệnh nhân bị giải phẫu tách đôi não bộ như đã đề cập ở Chương 2, Sperry chủ trương rằng ý thức có vai trò chỉ huy hoạt động não bộ, nhưng hoạt động não bộ cũng cần thiết để cho ý thức xuất hiện. Chúng ta có thể cho rằng ý thức là một đặc điểm xuất hiện từ hoạt động não bộ giống như băng giá là một đặc điểm xuất hiện từ nước vậy. Quan điểm cho rằng ý thức xuất phát từ hoạt động não bộ có phần nào lôi cuốn bởi vì nó phản ảnh cảm nhận theo bản năng của chúng ta rằng ý thức có tính độc đáo, tức thời và thuộc ý chí. Nhưng dù có chấp nhận quan điểm của Sperry, chúng ta vẫn chưa biết đích xác loại hoạt động nào của não bộ cần thiết cho ý thức hoặc đích xác não bộ phải phát triển đến mức độ phức tạp nào thì ý thức mới xuất hiện được. Như chúng ta đã thấy ở Chương 2, các nơron đều vận hành giống nhau ở mọi tạo vật có hệ thần kinh; và như sẽ thấy ở Chương 5, loài vật và con người đều học hỏi về thế giới chung quanh theo cách thức giống nhau. Phải chăng loài vật cũng có các kinh nghiệm tâm trí?

Chúng có nhận biết về dòng ý thức không đứt đoạn của mình không? Trên đây, chúng ta đã biết có đến bốn loại hiện tượng ý thức. Vậy loài tinh tinh, loài chó, loài cá có loại ý thức nào? Bàn về bản chất gạn lọc của ý thức, William James (1890) đã từng viết rằng: “Từ tình trạng hỗn mang đơn điệu và bí ẩn duy nhất này, trí tuệ khác nhau sẽ cảm nhận một thế giới khác nhau! Thế giới của tôi chỉ là một trong hàng triệu thế giới. được ghi nhận tương đồng, và hiện thực tương đồng đối với những ai có thể cảm nhận được chúng. Thế giới này thực khác biệt biết bao trong “ý thức” của loài kiến, loài mực, hoặc loài cua!”.

Các nỗ lực thăm dò mối tương quan giữa hoạt động của não bộ với ý thức đều vượt xa ngoài phạm vi các kích thích đối với não bộ miêu tả ở Chương 2 cho thấy hoạt động tâm trí nhằm giải quyết các vấn đề gặp phải (cognitive activity) có thể diễn ra bên ngoài sự nhận biết hữu thức. Nhắc lại trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã chiếu hình khỏa thân vào bán cầu não của một bệnh nhân nữ, bà ấy nói rằng mình chẳng thấy điều gì, nhưng lại đỏ mặt, cười khúc khích và lấy tay che miệng. Khi được hỏi tại sao lại cười, dường như bà ấy ngượng ngùng và không thể giải thích được lý do. Bán cầu não bên phải của bà thấy bức hình khỏa thân và phản ứng với nó, nhưng bán cầu não bên trái có chức năng ngôn ngữ của bà lại chẳng thấy gì cả. Với một bệnh nhân bị phẫu thuật tách đôi vỏ não khác, Michael Gazzaniga (1985) chiếu hình một vuốt chân gà vào bán cầu não trái và hình ảnh về cảnh tượng tuyết rơi vào bán cầu não phải. Được yêu cầu chỉ các bức hình bày trước mặt để cho biết đã thấy được đều gì, bệnh nhân nam ấy dùng tay phải (thuộc bán cầu não trái) chỉ vào bức hình và con gà và dùng tay trái (thuộc bán cầu não phải) chỉ vào bức hình chiếc xẻng xúc tuyết. Gặp phải chứng cứ về hành động tâm trí ngoài phạm vi hữu thức như thế, chúng ta nỗ lực giải thích tình huống gặp phải cho chính mình. Được hỏi tại sao chỉ vào hai bức hình đặc biệt ấy, người bệnh biện minh phản ứng của ông ta bằng những gì mà bán cầu não trái có chức năng ngôn ngữ đã thấy được: “Ồ! điều ấy dễ mà, chân gà đi chung với gà và bạn cần một cái xẻng để xúc tuyết chứ.” Gazzaniga giải thích các khám phá của ông bằng cách nêu ra giả thuyết rằng nhiều hệ thống tâm trí đồng hiện hữu bên trong não bộ dưới dạng liên minh hoạt động. Ý thức xuất hiện từ các nỗ lực của bán cầu não bên trái có chức năng ngôn ngữ nhằm giải thích các hoạt động của liên minh các hệ thống tâm trí của chúng ta và chính các khả năng thực hiện suy luận này mới là khía cạnh độc đáo thuộc ý thức của con người.

3. Các tầng ý thức khác

Ý thức dường như hoạt động ở nhiều tầng bậc khác nhau, trong đó nhiều tầng bậc hoạt động ngoài phạm vi nhận biết chủ quan của chúng ta. Trong một số trường hợp, như khi bước đi trong lúc đang ngủ chúng ta có thể thực hiện được các hoạt động phức tạp mà chúng ta chẳng ghi nhớ được ai hoặc chẳng hay biết gì về các hoạt động ấy cả. Trong một số trường hợp khác như khi chúng ta thực hiện các động tác mà chúng ta nhận biệt rõ ràng, thế mà các hoạt động ấy hầu như hoàn toàn tự động. Thí dụ, hồi mới học lái xe chúng ta tập trung chú ý cao độ để thực hiện từng thao tác. Đến khi lái xe vững vàng rồi, nhiều tiến trình thao tác – như theo dõi tình hình giao thông, đều chỉnh tốc độ, rẽ trái, rẽ phải – thành tự động. Sự biến đổi từ tập trung vào mỗi thao tác thành tự động bất thức như vậy là điển hình cho hầu hết các loại kỹ năng mà chúng ta học hỏi được qua nhiều thực hành, như kỹ năng đánh máy, cưỡi xe đạp chẳng hạn. Vận hành ở tầng tự động cho phép ý thức của chúng ta chú ý đến các sự việc đòi hỏi quan tâm tức thời hơn so với việc đang làm. Khi động tác lái xe đã thành tự động chúng ta có thể vừa lái xe vừa trò chuyện. Khi khả năng đánh máy đã thành tự động rồi, chúng ta có thể để ý tìm hiểu nội dung mà chúng ta đang đánh máy thay vì chỉ chú ý đến các thao tác máy móc của người đánh máy.

Khi một chức năng đã thành tự động, sự thay đổi sẽ lớn lao đến mức nếu chúng ta cố gắng tập trung nhận thức vào một khía cạnh nào đó thuộc kỹ năng đã trau dồi hoàn mỹ, chúng ta có thể phạm sai lầm một cách vụng về – đánh máy sai hoặc ngã xe. Khía cạnh tự động này của ý thức cũng giải thích được lý do tại sao khó dạy người khác luyện tập một kỹ năng: thật khó mà biết rõ lúc nào học viên cần sự nhắc nhở.

Mặc dù các nhà tâm lý chưa đồng ý với nhau về vấn đề các tầng ý thức này được phân loại ra sao cho đúng, chúng ta có thể sử dụng thuật ngữ do Sigmund Freud đề nghị để xếp loại các tầng ý thức ấy thành tiềm thức (subconscious), tiền ý thức (preconscious), và vô thức (unconscious). Các hoạt động thực hiện ở tầng tiềm thức diễn ra hoàn toàn bên ngoài phạm vi của ý thức chủ quan. Các thông tin (các ký ức và ý tưởng) mà chúng ta hiện thời không nghĩ đến nhưng lại tự nguyện hiện ra trong ý thức, các thông tin này thuộc tầng tiền ý thức. Còn các ý tưởng và hình ảnh chưa xuất đầu lộ diện có lẽ do sự biểu lộ của chúng làm cho chúng ta đau khổ hoặc gây ra tình trạng mâu thuẫn tâm lý, các thông tin này ẩn náu trong tầng vô thức.

A/ CÁC TIẾN TRÌNH THUỘC TIỀM THỨC

Một số tiến trình tâm lý diễn ra ở tầng tiềm thức: Các kích thích tuy được theo dõi nhưng lại không biểu lộ ở tầng ý thức chủ quan. Mặc dù không thể chủ động cảm nhận mọi kích thích chung quanh chúng ta, nhưng có chứng cứ cho thấy ở mức độ nào đó chúng ta tiếp nhận và ghi nhớ nhiều thông tin mà bề ngoài dường như chúng ta bỏ qua. Trong chương 3 chúng ta có đề cập đến cuộc nói chuyện ở một buổi tiệc đông người, không để ý đến những âm thanh chạm cóc leng keng, tiếng nhạc nền, và những tiếng cười nói quanh chúng ta; hiện tượng buổi tiệc cocktail này là một hành vi chú ý có chọn lựa. Tuy nhiên, trong suốt thời gian nói chuyện não bộ của chúng ta không ngừng tiếp nhận và ghi lại tất cả mọi âm thanh nền trong khung cảnh buổi tiệc ấy.

Chứng minh cho quan điểm chủ trương não bộ sàng lọc các thông tin khóng cần thiết xuất phát từ các thí nghiệm về lối nghe rẽ đôi (dicholic listening). Đối tượng mang một cặp loa tai, qua đó được nghe đồng thời hai thông điệp khác nhau cho một bên tai. Khi được yêu cầu lặp to thông điệp được tiếp nhận ở một bên tai, hầu hết mọi người đều có thể làm được giống như khi không được nghe đồng thời thông điệp khác ở bên tai kia. Sau đó, họ không còn nhớ gì về thông điệp thứ hai không cần thiết ấy; họ cũng không thể khẳng định thông điệp ấy có ý nghĩa hay vô nghĩa. Thế nhưng, nghiên cứu cho thấy họ nghe được thông điệp thứ hai ấy ở tầng tiềm thức. Thí dụ, họ có thể nói được thông điệp “không nghe” ấy do người nam hay người nữ nói. Ngoài ra, nếu tên của đối tượng được lồng vào thông điệp “không nghe” ấy họ lập tức nhận ra được ngay.

Thông điệp không được chú ý lắng nghe ấy để lại dấu ấn khá rõ vào tiềm thức đến mức ảnh hưởng đến hành vi sau đó của đối tượng, dù cho đối tượng không hay biết rằng mình đã có nghe nó. Thí dụ, nếu thông điệp không được chú ý lắng nghe ấy bao gồm những từ chỉ tên các loài vật khác nhau [“chim giáo chủ” (cardinal), “hoa cúc”, “chó lóng xù”], và sau đó đối tượng được yêu cầu gọi tên một con vật thuộc loại “chim”, thì rất có thể người đó sẽ nói ra từ “chim giáo chủ”– dù người đó không nhớ rằng đã từng nghe qua từ ngữ đó. Một ký ức như thế, ảnh hưởng đến hành vi thực hiện sau đó mặc dù không được gợi nhớ trên bình diện hữu thức, được gọi là ký ức ẩn tàng (lmplicit memory). Ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy rằng trong một vài chứng mất trí nhớ (amnesia), ký ức ẩn tàng này vẫn còn tiếp tục hoạt động mặc dù người bệnh đã mất đi khả năng hồi tưởng lại bất kỳ sự kiện nào vừa mới xảy ra. Hiển nhiên, một khối lượng đáng kể các tiến trình hoạt động tâm trí phức tạp xảy ra ở tầng tiềm thức.

Một thí dụ khác về hoạt động tâm trí ở tầng tiềm thức là hiện tượng nhìn mù (blind sight). Hiện tượng này xuất hiện ở những người có đôi mắt vẫn còn nguyên vẹn, nhưng bị tổn thương ở vùng thị giác thuộc vỏ não. Những người này chẳng thể thấy được gì cả, nhưng họ vẫn có thể “đoán ra” phương hướng của ánh đèn pha. Thậm chí họ còn có thể chỉ ra chính xác đồ vật nữa. Dù những người này bị mù, họ vẫn xử lý các kích thích vào võng mạc mặc dù không còn nhận thức trực tiếp về các kích thích ấy. Hiện tượng nhìn mù cho thấy rằng vùng vỏ não phụ trách thị giác tuy chỉ huy cảm nhận thị giác của chúng ta nhưng nó lại không chỉ huy hết toàn bộ các chức năng thuộc thị giác. Một chứng cứ khác về hoạt động tâm trí ở tầng tiềm thức xuất phát từ các nghiên cứu về nhận thức dưới ngưỡng cảm nhận [subliminal perception].

B/ CÁC TIẾN TRÌNH TIỀN Ý THỨC

Một vài loại nhận biết không thuộc tầng ý thức (nonconsclious awareness) liên hệ đến các thông tin mà hiện thời chúng ta không hề nghĩ đến, nhưng chúng sẵn sàng hiện ra nếu chúng ta cần đến. Những ký ức đó nằm trong tầng tiền ý thức (preconscious). Trong lúc bạn đang đọc bài viết này và đang suy nghĩ về các vấn đề tâm lý học, nhưng nếu có ai đó hỏi bạn đang làm gì hồi mùa hè vừa qua, hoặc hỏi bạn đang học môn gì khác, hoặc số điện thoại của bạn là số nào, thì các thông tin ấy nhanh chóng hiện lên tầng ý thức (conscious) nên bạn có thể trả lời được ngay. Các ký ức thuộc tầng tiền ý thức này bao quát toàn bộ kho tàng kiến thức nói chung của bạn, từ bảng cửu chương, các từ vựng đã học, điện toán, tài chánh, và văn học chẳng hạn. Ký ức tiền ý thức cũng bao gồm tất cả những điều thuộc phạm vi hiểu biết riêng tư của bạn: Ký ức về các sự việc tình cờ xảy ra đến cho bạn hoặc về các sự việc mà bạn đã từng chứng kiến.

C/ CÁC TIẾN TRÌNH THUỘC TẦNG VÔ THỨC

Các ký ức tiền ý thức luôn luôn sẵn sàng khi chúng ta cần đến. Tình trạng dễ tiếp cận này phân biệt chúng với một loại thông tin khác thuộc sở hữu của chúng ta nhưng lại không dễ dàng truy xuất: các chất liệu thuộc tầng vô thức (unconscious). Như chúng ta sẽ thấy ở các chương sau, không phải mọi nhà tâm lý đều chấp nhận khái niệm vô thức này. Nhưng đây là một khái niệm quan trọng. đáng để tìm hiểu. Freud không phải là người đầu tiên đưa ra ý kiến về vô thức, nhưng khái niệm này là nền tảng cho lý thuyết về cá tính (theory of personallty) của ông, và nó vẫn còn được là xem căn bản cho lý thuyết phân tâm ngày nay. Theo quan điểm của Freud, động cơ hậu thuẫn cho một số tình cảm, ý nghĩa, và hành động của chúng ta được chôn sâu dưới tầng vô thức. Dù cố gắng cách nào chúng ta cũng khó lòng đưa các chất liệu này nổi lên tầng ý thức, thế nhưng đôi khi một số thông tin này thoát ra được và xuất hiện dưới dạng ngụy trang – trong các giấc mơ, trong những lời nói nhỡ lời (slips of the tongue) và ở các triệu chứng bệnh tâm lý cũng như bệnh về cơ thể.

VI. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI ÔN TẬP

I.

1/ Ý thức

2/ Đúng

3/ REM

4/ Nhịp sinh học cơ thể 24 giờ

5/ Thỏa mãn ước muốn

6/ 1 –b; 2–c; 3–a

7/ 1 –a; 2–c; 3–b.

II.

1/ Thôi miên

2/ Sai; những người bị thôi miên không thể bị sai khiến thực hiện các hành vi tự hủy hoại.

3/ Quán tưởng hay tập trung tinh thần.

4/ Thần chú (mantra) 5/ Sai; một số kỹ thuật tập trung tinh thần không có yếu tố thần bí tôn giáo.

III.

1/ Tác động tâm lý

2/ 1 –b; 2–c; 3–a.

3/ 1 –c; 2–a; 3–a: 4–b; 5–d; 6–c 4/ Đúng

5/ Methadone

6/ Người ta lại bị nghiện methadone.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3