Tâm lý học căn bản - Chương 06 - Phần 1
Chương 6. KÝ ỨC
DÀN BÀI
Mở đầu
Triển khai chủ đề
I. LẬP MÃ, LƯU TRỮ VÀ TRUY XUẤT KÝ ỨC
1. Ba giai đoạn ghi nhớ: các kho ký ức TRÍCH DẪN THỜI SỰ: Ký ức mặc nhiên: lưu giữ mà không chủ ý ghi nhớ.
2. Các mức xử lý thông tin nông sâu khác.
3. Tóm tắt và Học ôn I
II. GỢI NHỚ KÝ ỨC LÂU DÀI
1. Kỷ niệm khó quên.
2. Các tiến trình xây dựng trong ký ức: Tái lập quá khứ
ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC: Vấn đề ký ức trong các phiên tòa. Sự sai lầm của nhân chứng
3. Ký ức tự truyện: Khi quá khứ trùng phùng hiện tại
4. Ký ức thường ngày: Phải chăng có khác biệt trong bối cảnh phòng thí nghiệm?
5. Tóm tắt và Học ôn II
III. HIỆN TƯỢNG QUÊN: KHI KÝ ỨC BỊ BÓ TAY
1. Hiện tượng can thiệp tác động về trước và về sau: quên về trước và quên về sau.
2. Nền tảng sinh học của ký ức: Truy tìm dấu vết ký ức
3. Các rối loạn ký ức: bệnh quên
THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ CỦA TÂM LÝ HỌC: Tăng cường trí nhớ
4. Tóm tắt và Học ôn III
IV. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ
V. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI
MỞ ĐẦU
TRƯỜNG HỢP PAMILLA SMITH
Giá như Pamilla Smith có đọc đoạn mở đầu này về bản thân cô, thì một giờ sau đó cô không tài nào nhớ được mình đã từng làm qua việc ấy. Pamilla mắc phải một chứng bệnh hiếm thấy về ký ức khiến cô không thể nhớ được bất kỳ sự việc nào vừa xảy ra trong cuộc sống của cô.
Rối loạn ký ức của Pamilla đã khởi đầu hồi 9 năm trước đây khi cô bị hôn mê tiếp sau một cơn hen suyễn trầm trọng. Một bộ phận thuộc não bộ liên hệ đến ta nhớ của cô bị thiếu oxygen, nên hai ngày sau đó cô tỉnh lại với một loạt rắc rối kỳ lạ. Cô thuật lại: “Tâm tư tôi giống như một chiếc máy ghi hình tự xóa. Tôi luôn mang theo bên mình một cuốn sổ tay ghi chép đầy đủ thông tin để giúp tôi giao tiếp được với mọi người, nhưng tôi lại cố quên mở ra xem!... Tôi tự học cách ghi nhớ các chi tiết tối quan trọng – như địa chỉ nhà tôi và địa chỉ nhà cha mẹ tôi, và những đường phố gần nhà tôi chẳng hạn. Nhờ đó tôi có thể hỏi thăm đường về khi lái xe đi lạc đường.”
“Hiếm khi tôi hẹn gặp ai, bởi vì tôi cứ luôn quên cả đến tên người hẹn gặp... Còn đọc sách là một việc làm uổng phí thời giờ, bởi vì cứ mỗi khi đọc được vài trang là tôi quên béng cả nhan đề cuốn sách là gì”. Thậm chí Pamilla không thể đi xem phim, bởi vì đến khi phim kết thúc thì cô không tài nào nhớ được cuốn phim khởi đầu ra sao.
Điều đặc biệt khôi hài về trường hợp của Pamilla là trong khi không tài nào nhớ lại được các sự việc vừa mới xảy ra thì trí nhớ của cô về các sự kiện đã xảy ra cả chục năm trước đây hầu như không suy suyển gì cả. Do đó, trí thông minh căn bản của cô vẫn còn nguyên vẹn – dù có lẽ cô sẽ vĩnh viễn không còn ghi nhớ được bất kỳ sự việc gì mới xảy ra.
TRIỂN KHAI CHỦ ĐỀ
Các trường hợp mất trí nhớ, như trường hợp gây đau khổ cho Pamilla Smith, là những thí dụ gây ấn tượng nhất cho thấy cuộc sống của chúng ta sẽ bị thay đổi mãnh liệt đến nhường nào nếu như chúng ta mất đi khả năng nhớ lại các thông tin về quá khứ của mình. Nhưng trong cuộc sống thường ngày đa số chúng ta không cần phải được nhắc nhở về tầm quan trọng của ký ức – cũng như của các rối loạn về năng lực ký ức của chúng ta. Thí dụ, chúng ta có khả năng nhớ lại vô số các thông tin mà chúng ta đã từng tiếp nhận, như tên của một người bạn cũ mà cả chục năm nay chúng ta chưa có dịp gặp lại hoặc bức tranh treo trong phòng ngủ hồi chúng ta còn thơ ấu. Đồng thời, cũng không phải là không xảy ra trường hợp chúng ta bỏ quên chìa khóa ôtô ở đâu đó hoặc trường hợp không trả lời nổi câu hỏi về bài học mà chúng ta vừa mới học xong một vài giờ trước đó.
Trong chương này chúng ta đề cập đến một số vấn đề về ký ức mà các nhà tâm lý đang nghiên cứu tìm hiểu. Chúng ta khảo xét các phương pháp ghi nhớ và truy xuất thông tin trong ký ức. Chúng ta thảo luận các chứng cứ xác nhận thực tế có ba loại ký ức khác biệt nhau, và giải thích xem mỗi loại ký ức ấy vận hành theo cách thức hơi khác nhau ra sao. Các trường hợp khó khăn khi truy xuất thông tin lưu trữ trong ký ức và các nguyên nhân khiến cho thông tin đôi khi bị lãng quên cũng được khảo xét; kế tiếp chúng ta tìm hiểu nền tảng sinh học của ký ức. Sau cùng, chúng ta thảo luận một số biện pháp thực hành để tăng thêm khả năng ghi nhớ.
Sau khi đọc xong chương này bạn sẽ có thể trả lời các câu hỏi sau đây:
– Ký ức là gì?
– Phải chăng có những loại ký ức khác nhau?
– Các nguyên nhân nào khiến người ta khó hoặc không thể nhớ lại được?
– Ký ức có các nền tảng sinh học nào?
– Ký ức bị những loại suy nhược nào?
I. LẬP MÃ, LƯU TRỮ, VÀ TRUY XUẤT KÝ ỨC
Ký ức là gì và tại sao chúng ta nhớ lại được một số sự kiện và hoạt động trong khi lại quên đi những sự việc khác? Để minh họa cách giải đáp các câu hỏi này của các nhà tâm lý, hãy xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu như bạn được hỏi tên vùng biển mà thành phố Bombay tọa lạc.
Nếu gặp khó khăn trong việc giải đáp câu đố ấy, thì khó khăn của bạn có thể liên quan đến giai đoạn khởi đầu nhằm lập mã thông tin tiếp nhận để đưa vào ký ức. Cồng việc lập mã (encoding) là tiến trình theo đó các thông tin ban đầu được ghi nhận dưới hình thức mà ký ức có thể vận dụng được. Thí dụ, có lẽ bạn chưa từng tiếp nhận thông tin về nơi tọa lạc của thành phố Bombay, hoặc đơn giản có lẽ thông tin ấy chưa được ghi nhận vào tâm trí theo một phương pháp có ý nghĩa khi thành phố này được giới thiệu cho bạn.
Ngược lại, nếu như bạn đã từng tiếp nhận thông tin này và hồi đầu bạn đã biết được tên vùng biển ấy, thế mà nay bạn không tài nào nhớ lại được do tiến trình lưu trữ thông tin gặp trở ngại. Các chuyên viên về ký ức bàn về cách nạp thông tin vào bộ nhớ (storage) cho rằng bộ nhớ là địa điểm lưu giữ thông tin thuộc hệ thống ký ức. Nếu như thông tin không được lưu trữ đúng mức ngay từ đầu thì sau này người ta không thể nào nhớ lại được.
Việc ghi nhớ cũng lệ thuộc vào một tiến trình sau cùng là truy xuất thông tin. Tiến trình truy xuất thông tin (retrieval) bao gồm đinh vị thông tin lưu trữ trong ký ức, đưa nó hiện lên tầng ý thức, và sử dụng thông tin ấy. Như vậy, trường hợp bạn không nhớ lại được vị trí địa lý của thành phố Bombay có thể do bạn không có khả nhớ lại thông tin đã tiếp thu trước đây.
Tóm lại, các nhà tâm lý xem ký ức (memory) là tiến trình theo đó chúng ta lập mã, lưu trữ, và truy xuất thông tin (xem hình 6 – 1). Một bộ phận trong ba phần thuộc định nghĩa này về ký ức – lập mã, lưu trữ, và truy xuất – đều là một tiến trình riêng biệt. Và chỉ khi nào cả ba tiến trình này hoạt động trơn tru thì bạn có thể nhớ lại được Bombay tọa lạc trên bờ biển Ả Rập.
Hình 6–1: Ký ức được thiết lập trên ba tiến trình căn bản này:
Lập Mã (Ghi nhận thông tin ban đầu) –> Lưu Trữ (Thông tin được lưu trữ để sử dụng trong tương lai) –> Truy Xuất (Tìm lại thông tin đã được lưu trữ)
Trước khi tiếp tục thảo luận về ký ức, điều quan trọng là phải ghi nhớ một điểm cực kỳ hệ trọng: mặc dù chúng ta thường cho rằng trường hợp không thể nhớ lại là triệu chứng khiếm khuyết về ký ức, thì tình trạng quên lại cần thiết để cho ký ức vận hành bình thường. Khả năng quên đi những chi tiết vụn vặt về các kinh nghiệm và sự vật cho phép chúng ta hình thành các khái niệm trừu tượng và tổng quát nhằm đúc kết thành các hồi ức tương đồng với kinh nghiệm về sự vật ấy. Thí dụ, sẽ vô cùng bất lợi nếu chúng ta hình thành các ký ức riêng biệt nhau về dung mạo của những người bạn vào một lúc chúng ta gặp họ. Do đó, chúng ta có khuynh hướng quên cách ăn mặc, các khuyết điểm trên khuôn mặt, và các nét thay đổi nhất thời của họ. Thay vì thế, ký ức của chúng ta căn cứ vào khái niệm tổng quát hoặc trừu tượng về những đặc điểm thật sự nổi bật. Như vậy, khả năng quên đi các thông tin không cần thiết là điều kiện quyết định để vận hành ký ức bình thường khi ghi nhớ thông tin ngay từ buổi đầu tiếp nhận được.
1. Ba giai đoạn ghi nhớ: Các kho ký ức
Mặc dù các tiến trình lập mã, lưu trữ, và truy xuất thông tin là các tiến trình cần thiết để cho ký ức hoạt động hữu hiệu, nhưng chúng không phản ánh cụ thể diễn tiến theo đó thông tin được đưa vào kho tàng ký ức của chúng ta. Nhiều nhà tâm lý nghiên cứu về ký ức chủ trương có các giai đoạn khác nhau qua đó các thông tin phải trải qua nếu chúng muốn được ghi nhớ.
Theo một trong số các lý thuyết có ảnh hưởng nhất, có đến ba loại kho tàng ký ức. Các kho tàng này khác biệt nhau tùy theo chức năng cũng như theo khoảng thời gian lưu giữ thông tin.
Như trình bày ở hình 6 –2, ký ức cảm giác (sensory memory) liên hệ đến việc lưu giữ thông tin ban đầu và có tính nhất thời; thời gian lưu giữ thông tin chỉ kéo dài trong một thoáng chốc thôi. Các thông tin này được ghi nhận bởi hệ thống giác quan của con người dưới dạng các kích thích thô sơ và vô nghĩa. Còn ký ức ngắn hạn (short – term memory) lưu trữ thông tin trong những thời gian kéo dài từ 15 đến 25 giây. Trong giai đoạn này, các thông tin được lưu trữ tùy theo ý nghĩa của chúng chứ không phải như là các kích thích cảm giác đơn thuần. Loại kho tàng thứ ba là ký ức lâu dài (long–term memory). Ở đây, thông tin được lưu trữ tương đối lâu bền hơn dù có thể khó truy xuất.
Hình 6–2: Theo mô hình ký ức ba giai đoạn này, khởi đầu thông tin ghi nhận bởi hệ giác quan của con người được đưa vào ký ức cảm giác; loại kho tàng này chỉ lưu giữ thông tin trong chốc lát mà thôi. Sau đó thông tin được đưa vào ký ức ngắn hạn; loại kho tàng này lưu giữ thông tin trong khoảng thời gian kéo dài từ 15 đến 25 giây. Cuối cùng, thông tin sẽ được chuyển vào ký ức lâu dài. Ở đây việc lưu trữ tương đối kéo dài hơn. Liệu thông tin có được chuyển từ ký ức ngắn hạn vào ký ức lâu dài hay không cũng còn tùy thuộc vào dạng và số lần thực hiện diễn tập nội dung thông tin (theo Atkinson & Shiffrin, 1968).
Chúng ta sẽ thảo luận ba loại ký ức dưới dạng các kho tàng ký ức riêng biệt, nhưng hãy nhớ rằng chúng không phải là các nhà kho tí hon tọa lạc ở các bộ phận đặc biệt nào đó trong não bộ. Đúng ra, chúng là ba hệ ký ức trừu tượng với các điểm đặc trưng khác nhau. Ngoài ra, không phải mọi nhà tâm lý đều nhất trí về cách phân biệt ba lại ký ức này, mà họ xem ký ức là một hệ thống gồm các điều ghi nhớ có tính hợp nhất hơn. Thế nhưng xét ký ức dưới dạng gồm ba loại kho tàng là một cấu trúc hữu ích để tìm hiểu xem liệu thông tin được nhớ lại cũng như bị quên đi ra sao.
a) Ký ức cảm giác. Ánh sáng lóe lên của một tia chớp, tiếng kêu răng rắc của một cành cây mong manh, và cơn đau nhói do một chiếc kim đâm vào da thịt đều là biểu thi kịch thích tuy cực kỳ ngắn ngủi, nhưng cũng có thể là những thông tin quan trọng buộc cơ thể phải có phản ứng. Những kích thích như vậy được lưu trữ sơ bộ – và ngắn ngủi – trong ký ức cảm giác, là kho tàng đầu tiên lưu trữ các thông tin mà thế giới bên ngoài chuyển đến cho chúng ta. Trên thực tế, thuật ngữ “ký ức cảm giác” bao quát một số dạng ký ức cảm giác, một dạng liên quan đến một nguồn thông tin cảm giác khác biệt. Chúng ta có ký ức hình tượng (iconic memory), phản ánh các thông tin tiếp nhận qua cơ quan thị giác; ký ức tượng thanh (echoic memory) lưu trữ thông tin tiếp nhận qua cơ quan thính giác; và các dạng ký ức tương ứng với ứng loại giác quan khác.
Dù chia nhỏ ra sao, thì ký ức cảm giác nói chung cũng chỉ có thể lưu trữ thông tin trong khoảng thời gian rất ngắn ngủi; và nếu nội dung lưu trữ không được chuyển qua một dạng ký ức khác thì các thông tin ban đầu ấy sẽ bị mất đi vĩnh viễn. Thí dụ, ký ức hình tượng dường như chỉ kéo dài không đến 1 giây, và dù cho kích thích ban đầu có rực rỡ đến đâu thì hình ảnh cũng chỉ lưu lại lâu hơn chút đỉnh mà thôi. Còn ký ức tượng thanh phai mờ đi trong vòng ba đến bốn giây đồng hồ. Dù thời gian lưu lại của ký ức cảm giác tuy thật ngắn ngủi, nhưng mức độ chính xác lại rất cao: Nó có khả năng lưu trữ một bản sao hầu như chính xác của từng kích thích tiếp nhận được.
Nếu như dung lượng ghi nhớ quá hạn chế và thời gian lưu trữ thông tin trong ký ức cảm giác lại quá ngắn ngủi, thì dường như người ta hoàn toàn không thể đưa ra được chứng cứ về sự hữu hiệu của loại ký ức này; bởi vì các thông tin mới sẽ cứ liên tục thế chỗ cho các thông tin cũ khiến người ta không thể nào báo cáo kịp thời sự hiện diện của các thông tin ấy. Mãi đến khi nhà tâm lý George Sperling (1960) tổ chức một loạt nghiên cứu tài tình và nay đã thành cổ điển thì loại ký ức cảm giác này mới được am hiểu tường tận. Sperling đơn giản cho người ta xem qua một loạt gồm 12 mẫu tự xếp theo mẫu sau đây:
F T Y C
K D N L
Y W B M
Khi xuất trình loại mẫu tự này trong vòng 1/12 giây, thì hầu hết mọi người đều chỉ nhớ lại được chính xác 4 hoặc 5 mẫu tự mà thôi. Dù họ biết rằng mình đã thấy được nhiều hơn, nhưng ký ức đã phai mờ đi vào lúc họ thuật lại vài mẫu tự đầu tiên. Như vậy, có thể nói rằng lúc đầu các thông tin ấy đã được lưu trữ chính xác và ký ức cảm giác, nhưng trong khoảng thời gian cần thiết để phát biểu thành lời 4 hay 5 mẫu tự đầu tiên thi trí nhớ về các mẫu tự khác đã phai nhạt rồi tan biến đi.
Để kiểm chứng khả năng này, Sperling tổ chức một cuộc thí nghiệm trong đó ông cho phát ra các khẩu lệnh yêu cầu thuật lại các dòng mẫu tự theo các mức độ âm thanh cao, vừa, hay thấp ngay sau khi đối tượng thí nghiệm vừa được cho nhìn thấy toàn bộ loạt chữ nói trên. Đối tượng được yêu cầu thuật lại các mẫu tự thuộc dòng trên cùng theo khẩu lệnh có âm cao, các mẫu tự thuộc dòng ở giữa theo khâu lệnh có âm vừa phải, hoặc các mẫu tự thuộc dòng dưới cùng theo khẩu lệnh có âm thấp. Bởi vì mỗi khẩu lệnh được phát ra ngay sau khi nhìn thấy toàn bộ loạt mẫu tự, nên đối tượng phải căn cứ vào trí nhớ để thuật lại cho đúng dòng mẫu tự được yêu cầu.
Các kết quả nghiên cứu đều cho thấy rõ rằng các đối tượng đã ghi nhớ toàn bộ loạt mẫu tự nói trên: họ đều nhớ lại chính xác các mẫu tự trong một dòng khi được yêu cầu thuật lại theo khẩu lệnh, bất kể chúng thuộc dòng trên cùng, dòng ở giữa, hoặc dòng dưới cùng. Hiển nhiên, tất cả ba dòng mẫu tự mà họ nhìn thấy đều đã được lưu trữ vào ký ức cảm giác. Như vậy, tuy sẽ bị nhanh chóng biến mất nhưng các thông tin ghi nhận trong ký ức cảm giác là phản ánh chính xác của những gì mà người ta đã trông thấy. Nhờ kéo dài dần dần quãng thời gian cách biệt giữa việc xuất trình loạt mẫu tự và phát âm khẩu lệnh, Sperling có thể khẳng định khá chính xác về khoảng thời gian lưu lại của thông tin trong ký ức cảm giác. Khả năng nhớ lại một dòng mẫu tự nhất định theo khẩu lệnh được phát âm có khuynh hướng giảm dần khi quãng thời gian cách biệt giữa hình ảnh xuất hiện và khẩu lệnh phát ra tăng lên. Khuynh hướng giảm dần này tiếp tục cho đến khi quãng thời gian cách biệt ấy kéo dài được khoảng một giây, ở mức đó người ta không tài nào nhớ lại được chính xác một dòng mẫu tự. Từ đó Spelling rút ra được kết luận: toàn bộ hình ảnh lưu trữ trong ký ức cảm giác trong khoảng thời gian không quá một giây đồng bộ.
Tóm lại, ký ức cảm giác hoạt động giống như chiếc máy chụp hình nhanh lưu trữ các loại thông tin – dù thuộc thị giác, thính giác, hay thuộc giác quan nào khác – trong một thời gian ngắn ngủi. Nhưng lại giống như trường hợp ngay sau một lần chụp, tấm ảnh lại bị hỏng đi và được thay thế bằng tấm ảnh khác mới chụp tiếp theo đó. Nếu không được chuyển vào một dạng ký ức khác, thông tin sẽ bị mất đi vĩnh viễn.
b) Ký ức ngắn hạn: loại kí ức hữu hiệu của chúng ta. Bởi vì thông tin lưu giữ rất ngắn ngủi trong ký ức cảm giác của chúng ta biểu thị cho các kích thích cảm giác còn thô sơ, nên chúng không nhất thiết có ý nghĩa đối với chúng ta. Muốn có ý nghĩa với chúng ta và được lưu giữ lâu dài, các thông tin ấy phải được chuyển vào giai đoạn kế tiếp của tiến trình ghi nhớ gọi là ký ức ngắn hạn. Ký ức ngắn hạn, đôi khi được gọi là ký ức hữu hiệu, là loại ký ức chứa đựng các thông tin ban đầu có ý nghĩa đối với chúng ta dù thời gian lưu trữ tối đa cũng khá ngắn ngủi.
Người ta chưa biết cụ thể tiến trình đặc biệt theo đó ký ức cảm giác được chuyển hóa thành ký ức ngắn hạn. Một số lý thuyết gia cho rằng trước hết thông tin được phiên dịch thành các biểu đồ hoặc hình ảnh, còn những người khác lại giả thiết rằng sự chuyển hóa diễn ra khi các kích thích cảm giác được biến thành ngôn từ. Song lẽ, điều rõ ràng là không giống như ký ức cảm giác, loại ký ức lưu giữ biểu tượng tuy thoáng chốc nhưng khá đầy đủ chi tiết về thế giới chung quanh, ký ức ngắn hạn chứa đựng các thông tin phản ánh kém hoàn chỉnh.
Trên thực tế, người ta đã xác định dung lượng thông tin trong ký ức ngắn hạn là 7 mục, hay “mẫu” thông tin, với khoảng biến động là cộng trừ 2. Mẫu thông tin (chunk) là một nhóm kích thích có ý nghĩa có thể lưu trữ được dưới dạng một đơn vị nhớ trong ký ức ngắn hạn. Theo George Miller (1956), mẫu thông tin có thể là các mẫu tự rời rạc, như trong bảng kê dưới đây:
C N Q M W N T
Mỗi ký tự ở đây được xem là một mẫu thông tin riêng biệt, và – bởi vì có 7 mẫu chúng được lưu trữ dễ dàng trong ký ức ngắn hạn.
Nhưng mẫu thông tin cũng có thể có rất nhiều dạng, như các từ ngữ hoặc các đơn vị có ý nghĩa khác chẳng hạn. Thí dụ, hãy xem xét bảng liệt kê gồm 21 mẫu tự dưới đây:
T W A C I A A B C C B S M T V U S A A A A
Hiển nhiên, bởi vì bảng kê này vượt quá 7 mẫu thông tin nên thật khó nhớ lại các mẫu tự ấy sau một lần thấy qua. Nhưng giả sứ chúng được xuất trình cho bạn dưới dạng:
TWA CIA ABC CBS MTV USA AAA
Trong trường hợp này, dù có đến 21 mẫu tự người ta cũng có thể ghi nhớ được bởi vì chúng biểu thị chỉ 7 mẫu thông tin mà thôi.
Bạn có thể thấy được cách thức hình thành mẫu thông tin trong tiến trình ghi nhớ của riêng bạn bằng cách cố gắng ghi nhớ các hình thù trong hình 6 –3 sau khi nhìn kỹ chúng trong vài giây. Mặc dù thoạt đầu dường như đây là một việc làm khó khăn, một gợi ý duy nhất bảo đảm rằng bạn sẽ có thể dễ dàng ghi nhớ được tất cả một hình thù ấy là: mỗi hình thù biểu thị một phần của các mẫu tự trong từ “PSYCHOLOGY”.
P S Y C H O L O G Y
Hình 6–3: Hãy cố gắng nhìn kỹ các hình thù này trong vài giây và ghi nhớ chúng theo một chuỗi chính xác như sự xuất hiện của chúng. Nếu bạn xem đây là một việc làm không thể thực hiện được thì một gợi ý bảo đảm bạn có thể dễ dàng ghi nhớ được mọi hình thù ấy là: chúng là các hình dạng biểu thị cho từng phần trong các mẫu tự thuộc từ ngữ “PSYCHOLOGY”. Nguyên nhân khiến cho việc làm này đột nhiên biến thành khá đơn giản là các hình thù ấy có thể tổ hợp lại thành một mẫu thông tin – một từ ngữ mà tất cả chúng ta đều nhận biết được. Thay vì được xem là 19 hình thù riêng biệt, các biểu tượng ấy được tái mã hóa trong ký ức dưới dạng một mẩu thông tin duy nhất.
Nguyên nhân khiến cho việc làm này đột nhiên trở thành khá đơn giản là các hình thù ấy được tổ hợp thành một mẫu thông tin – một từ ngữ mà tất cả chúng ta đều nhận biết được. Thay vì được xem là 19 biểu tượng cá biệt chẳng có ý nghĩa gì cả, chúng đã được tái mã hóa thành một mẫu thông tin duy nhất.
Các mẫu thông tin có thể có nhiều dạng khác biệt nhau từ dạng những mẫu tự hay những con số đơn giản cho đến các chủng loại phức tạp như hơn, và đặc tính của các chi tiết cấu thành mẫu thông tin lại biến đổi tùy theo kinh nghiệm quá khứ của một người. Bạn có thể tự mình thấy được điều này bằng cách thử làm một thí nghiệm, trước tiên tiến hành so sánh giữa hai đấu thủ chơi cờ, một người chuyên nghiệp và người kia không có kinh nghiệm.
Hãy xem xét bàn cờ phía dưới trong hình 6 – 4 trong vòng 5 giây rồi che kín lại, sau đó hãy cố nhớ lại vi trí các quân cờ để sắp lại trên bàn cờ trong phía dưới. Trừ phi là một kỳ thủ đầy kinh nghiệm, việc làm này quả cực kỳ khó khăn đối với bạn. Nhưng các bậc thầy chơi cờ – những người đã từng đoạt giải đấu cờ – làm được khá dễ dàng, họ có thể sắp lại vị trí các quân cờ chính xác đến mức 90%. Còn các tay chơi cờ thiếu kinh nghiệm chỉ có thể sắp lại được khoảng 40% bàn cờ. Các bậc thầy chơi cờ này không có ký ức siêu phàm gì về những mặt khác; nói chung khi trắc nghiệm khả năng ghi nhớ họ được đánh giá bình thường ở các mặt ấy. Điều họ làm được khả quan hơn người khác là phân định bàn cờ thành các đơn vị có ý nghĩa, nhờ đó dễ dàng sắp lại vị trí các quân cờ (cũng xem Hình 6 – 5)
Hình 6–4: Nhìn kỹ bàn cờ phía trên trong khoảng 5 giây, rồi lấy tay che kín đi. Sau đó, hãy sắp lại vị trí các quân cờ trên bàn cờ trống phía dưới. Trừ phi là một kỳ thủ đầy kinh nghiệm, có lẽ bạn sẽ rất khó nhớ lại cục thế và tên gọi các quân cờ. Thế nhưng, các kỳ thủ chuyên nghiệp có thể sắp lại được bàn cờ giống như trên không khó khăn gì.
Hình 6–5: Hầu hết chúng ta sẽ rất khó ghi nhớ sơ đồ mạch điện này, nhưng các kỹ thuật viên điện tử đầy kinh nghiệm nhớ lại được dễ dàng bởi vì họ có thể xem nó như một đơn vị hay một mẫu thông tin có ý nghĩa đối với họ.
Dù người ta có khả năng ghi nhớ được khoảng 7 nhóm thông tin khá phức tạp trong ký ức ngắn hạn, nhưng các thông tin này không thể lưu lại ở đây lâu dài được. Ký ức ngắn hạn lưu giữ thông tin được bao lâu? Bất kỳ ai đã từng vừa phải tra tìm số điện thoại vừa phải tìm các đồng tiền lẻ để nhét vào máy ở một buồng đèn thoại công cộng đều biết rằng thông tin không lưu lại trong ký ức ngắn hạn này lâu như ý muốn của chúng ta. Đa số các nhà tâm lý đều tin rằng thông tin ghi nhận bởi ký ức ngắn hạn đều sẽ biến mất đi sau một khoảng thời gian kéo dài từ 15 đến 25 giây – nếu như chúng không được chuyển vào ký ức lâu dài.