Tâm lý học căn bản - Chương 05 - Phần 7

B. HỌC ÔN

1/ Một nhà khoa học lỗi lạc bảo bạn: “Việc học hỏi có thể thực hiện có hiệu quả nhất nhờ các tiến trình tư duy làm nền tảng. ”Câu nói này miêu tả lý thuyết nào?

2/ Theo lý thuyết học hỏi do hoạt động trí tuệ, người ta giả sử rằng con người xây đắp một... nhận được phần thưởng khích lệ thay vì đặt cơ sở hành vi vào các khích lệ nhận được trong quá khứ.

3/ Học hỏi... là dạng học hỏi tuy đã xảy ra nhưng chỉ hiển lộ khi đối tượng học hỏi được khích lệ đúng mức.

4/ Thuyết học hỏi... của Bandura cho rằng con người học hỏi được nhờ quan sát một..., là người có hành vi đáng cho người học hỏi quan tâm đến.

5/... liên hệ đến thuyết cho rằng con người có thể lâm vào tình trạng cảm thấy dường như mình không còn khống chế hay kiểm soát được hoàn cảnh gặp phải.

6/ Các lý thuyết gia chủ trương học hỏi trên bình diện trí tuệ (cognitive lerning theorists) chỉ quan tâm đến hành vi công khai (overt behavior), chứ không lưu ý gì đến các nguyên nhân bên trong của nó. Đúng hay Sai?...

7/ Một người muốn bỏ thuốc lá. Theo lời khuyên của một nhà tâm lý, ông ta khởi sự thực hiện một kế hoạch trong đó ấn định các mục tiêu giảm bớt hút thuốc, cẩn thận ghi lại mức độ tiến bộ, và tự khen thưởng cho mình vì đã không hút thuốc trong một khoảng thời gian nhất định. Ông ta đang theo đuổi loại kế hoạch nào?

8/ Điền các bước còn thiếu sót vào mô hình phân tích hành vi dưới đây:

a. Nhận diện mục đích và hành vi nhắm đến.

b.

c. Chọn chiến lược cải biến hành vi ứng xử.

d. Thực thi kế hoạch.

e. Cẩn thận ghi chép lại thành tích đạt được.

f.

C. CÂU HỎi TỰ VẤN

Đối với nội dung các chương trình TV và phim ảnh ngày nay, cách học hỏi theo quan sát của con người tiềm phục loại nguy cơ nào? Các kỹ thuật cải biến hành vi ứng xử được vận dụng ra sao để đấu tranh với các vấn đề này?

IV. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ

* Học hỏi là gì?

1. Học hỏi (learning), một dạng biến đổi hành vi ứng xử tương đối lâu dài, do kinh nghiệm, là một chủ đề căn bản của môn tâm lý học. Thế nhưng, nó là một tiến trình phải được đánh giá một cách gián tiếp – chúng ta chỉ có thể giả định rằng việc học hỏi xảy ra nhờ quan sát thành tích đã đạt được mà thôi, và thành tích lại dễ bị ảnh hưởng bởi các nhân tố như tình trạng mệt nhọc và sự thiếu nỗ lực.

* Làm thế nào chúng ta học được cách hình thành các liên kết giữa các kích thích và phản ứng

2. Một hình thức học hỏi mệnh danh là tiến trình tạo điều kiện hạn chế (classical conditioning). Được nghiên cứu đầu tiên bởi Ivan Pavlov, tiến trình này xảy ra khi một kích thích trung tính (a neutral stimulus) – một loại kích thích không gây ra một phản ứng đáng lưu ý nào – được lặp đi lặp lại cặp đôi nhiều lần với một kích thích (được gọi là kích thích không điều kiện gây ra một phản ứng tự nhiên, không do học hỏi hay rèn luyện mà có. Chẳng hạn, kích thích trung tính có thể là một hồi còi; còn kích thích không điều kiện (unconditioned stimulus) có thể là một ly kem lạnh. Loại phản ứng mà kem lạnh có thể phát sinh ở một người đói bụng – chảy nước bọt – được gọi là phản ứng không điều kiện (unconditioned response); phản ứng này xảy ra tự nhiên do cấu tạo thể chất của con người.

3. Tiến trình tạo điều kiện thực tế diễn ra khi kích thích trung tính xuất hiện lặp đi lặp lại nhiều lần ngay trước khi kích thích KĐK xảy ra. Sau khi cặp đôi kích thích ấy tái diễn nhiều lần, kích thích trung tính bắt đầu gây ra phản ứng giống hệt như kích thích KĐK. Khi sự kiện này xảy ra, chúng ta có thể nói rằng kích thích trung tính hiện nay đã trở thành kích thích có điều kiện (conditioned stimulus). Thí dụ, sau khi một cá nhân đã quen chảy nước bọt khi nghe được hồi còi, chúng ta nói tiếng còi là một kích thích CĐK, và hiện tượng chảy nước bọt là phản ứng có điều kiện (conditioned response).

4. Nhưng thành quả học hỏi không luôn luôn lưu lại vĩnh viễn. Hiện tượng giải trừ (extinction) xảy ra khi một phản ứng học tập được lúc trước đã bớt tái diễn và sau cùng biến mất đi. Hiện tượng này là cơ sở cho kỹ thuật giải trừ cảm thụ có hệ thống (systematic desensitization), một biện pháp chữa trị nhằm giảm bớt các cơn sợ hãi tuy vô cớ nhưng rất mãnh liệt của con người.

5. Hiện tượng tổng quát hóa kích thích (stimulus generalization) xảy ra khi một phản ứng CĐK xuất hiện tiếp theo sau một kích thích tương tự với kích thích CĐK ban đầu. Sự tương đồng giữa hai kích thích ấy càng nhiều thì hiện tượng tổng quát hóa kích thích càng dễ xảy ra: kích thích mới càng giống với kích thích cũ thì phản ứng mới càng giống phản ứng cũ. Hiện tượng ngược lại là phân biệt kích thích (stimulus disrimination) xảy ra khi sinh vật học cách phản ứng đối với một kích thích này chứ không phản ứng đối với một kích thích khác.

6. Tiến trình tạo ĐK cao cấp (higher – order conditioning) xảy ra khi một kích thích CĐK đã được hình thành nay tái diễn cặp đôi với một kích thích trung tính, và kích thích trung tính này quen thuộc đến mức gây ra phản ứng CĐK tương tự như kích thích có điều kiện ban đầu. Khi đó, kích thích trung tính mới này biến thành một kích thích CĐK khác.

* Phần thưởng và trừng phạt đóng vai trò gì trong tiến trình học hỏi?

7. Một hình thức học hỏi quan trọng thứ hai là tiến trình tạo điều kiện tác động (operant conditioning). Vượt khỏi phạm vi công trình nghiên cứu mở đầu của Edward Thordike về quy luật hiệu quả (law of effect) cho rằng các phản ứng gây hậu quả thỏa mãn đối tượng học hỏi sẽ dễ tái diễn hơn so với phản ứng không đem lại hậu quả mong muốn, B.F. Skinner thực hiện công trình nghiên cứu tiên phong về tiến trình tạo ĐKTĐ.

8. Theo Skinner, yếu tố quan trọng làm nền tảng cho việc học hỏi là tác nhân khích lệ (reinforcer) – tức là bất kỳ kích thích nào làm tăng xác suất tái diễn phản ứng diễn ra trước đây. Chúng ta chỉ có thể xác định được liệu một kích thích có phải là một tác nhân khích lệ hay không bằng cách quan sát ảnh hưởng của nó đối với hành vi ấy. Theo định nghĩa, nếu hành vi tăng lên thì kích thích ấy là tác nhân khích lệ. Tác nhân khích lệ chủ yếu (primary reinforcer) là các phần thưởng có hiệu quả tự nhiên không cần kinh qua trước đây bởi vì chúng thỏa mãn một nhu cầu tự nhiên của sinh vật học hỏi. Ngược lại, tác nhân khích lệ thứ yếu (secondaly reinforcer) bắt đầu tác động giống như vai trò của tác nhân khích lệ chủ yếu sau khi thường xuyên cặp đôi với tác nhân chủ yếu.

9. Tác nhân khích lệ tích cực (positive reinforcer) là kích thích thêm vào môi trường sinh hoạt nhằm làm tăng thêm khả năng tái diễn một phản ứng đã xảy ra trước đây. Tác nhân khích lệ tiêu cực (negative reinforcer) là kích thích bị rút ra khỏi môi trường sinh hoạt nhằm làm tăng thêm khả năng tái diễn một phản ứng đã xảy ra trước đây. Sự khích lệ tiêu cực (negative reinforcement) xuất hiện dưới hai hình thức.

Trong tiến trình tạo điều kiện đào thoát (escape conditioning) sinh vật học cách phản ứng nhằm kết thúc tình huống khó chịu và bất lợi (aversive situation). Còn trong tiến trình tạo ĐK tránh né (avoidance conditioning), sinh vật học cách phản ứng đối với một dấu hiệu về một biến cố sắp xảy đến theo phương cách giúp nó tránh né tổn thương.

10. Trừng phạt (punishment) là việc thực thi một kích thích khó chịu tiếp sau một phản ứng nhằm làm giảm bớt khả năng tái diễn phản ứng ấy. Trừng phạt cũng có thể được tượng trưng bởi sự lấy đi một tác nhân khích lệ tích cực.

Ngược lại với khích lệ có mục đích nhằm gia tăng khả năng tái diễn một hành vi, trừng phạt nhằm giảm bớt hoặc trấn áp một hành vi. Mặc dù sử dụng biện pháp trừng phạt có một số lợi ích, nhưng nhược điểm của nó thường vượt quá hậu quả tốt đẹp.

11. Lịch khen thưởng và cung cách khích lệ ảnh hưởng đến hiệu quả và thời hiệu của thành tích học hỏi. Thông thường, lịch khen thưởng từng phần (partial reinforcement schedules) – trong đó người ta không luôn luôn khích lệ cho mỗi lần xuất hiện hành vi mong muốn – giúp cho việc học hỏi có hiệu quả hơn và thời gian tái diễn kéo dài hơn so với lịch khen thưởng liên tục (continuous reinforcement schedules).

12. Các loại lịch khen thưởng chủ yếu là lịch khen thưởng theo tỷ lệ cố tình và theo tỷ lệ biến động (fixed – and variable – ratio schedules), căn cứ vào tần số tái diễn phản ứng; và lịch khen thưởng cách quãng cố định và cách quãng biến động (fixed – and variable interval schedules) căm cứ vào quãng cách thời gian giữa hai lần khích lệ. Lịch khen thưởng theo tỷ lệ cố định chỉ khích lệ sau khi một số phản ứng nhất định đã tái diễn; còn lịch khen thưởng theo tỷ lệ biến động khích lệ sau một số phản ứng không nhất định đã tái diễn – nhưng số lần tái diễn phản ứng biến động quanh một tần số trung bình. Ngược lại, lịch khen thưởng cách quãng cố định chỉ khích lệ sau khi một quãng thời gian cố định đã trôi qua tính từ lần khích lệ sau cùng trước đây; còn lịch khen thưởng cách quãng biến động căn cứ vào các khoảng thời gian không nhất định, nhưng các quãng cách thời gian khích lệ biến đổi quanh một thời lượng trung binh.

13. Tổng quát hóa và phân biệt là các hiện tượng tác động trong tiến trình tạo ĐKHC cũng như trong tiến trình tạo ĐKTĐ. Hiện tượng tổng quát hóa xảy ra khi đối với một kích thích sinh vật có phản ứng giống hệt hoặc tương tự so với phản ứng mà nó đã từng học cách thực hiện đối với một kích thích tương tự trong quá khứ. Còn hiện tượng phân biệt xảy ra khi sinh vật có phản ứng với một kích thích, nhưng lại không phản ứng đối với một kích thích trong tương đồng vốn khác biệt với kích thích kia.

14. Hành vi mê tín (superstitious behavior) là hậu quả của niềm tin lầm lạc cho rằng những ý tưởng, sự vật, hoặc hành vi đặc biệt nào đó sẽ xui khiến cho các biến cố nhất định xảy ra. Hành vi này là kết quả của tiến trình học hỏi căn cứ vào sự liên kết tình cờ giữa một kích thích với khích lệ nhận được sau đó.

15. Uốn nắn (shaping) là một tiến trình nhằm huấn luyện các hành vi phức tạp nhờ khen thưởng các hành vi ngày càng giống cho đến khi đạt được hành vi mong muốn tối hậu. Hình thức uốn nắn làm cơ sở để học tập nhiều kỹ năng thường ngày và là trọng điểm trong việc trình bày các thông tin phức tạp cũng như trong phương pháp giảng dạy lập trình điện toán hóa.

16. Có các hạn chế về mặt sinh học (biological constraints), hay các giới hạn bẩm sinh, đối với khả năng học hỏi của sinh vật. Do các hạn chế này, một số hành vi sẽ tương đối dễ học trong khi các hành vi khác sẽ khó hoặc không thể học hỏi được.

– Hoạt động trí tuệ (cognition) và tư tưởng đóng vai trò gì trong tiến trình học hỏi?

17. Các khảo hướng trí tuệ (cognitive approaches) tìm hiểu vấn đề học hỏi theo các tiến trình tư duy hoặc các hoạt động trí tuệ. các hiện tượng như học hỏi âm thầm (latent learning) – trong đó sinh vật học tập được một hành vi mới nhưng chỉ biểu lộ thành quả học hỏi khi nhận được khích lệ – và sự thiết lập hiển nhiên các bản đồ trong tâm tư củng cố các khảo hướng trí tuệ. Tiến trình học hỏi cũng diễn ra thông qua sự quan sát hành vi của người khác, được gọi là mẫu hình học tập (model). Yếu tố quan trọng quyết định xem liệu hành vi được quan sát có được bắt chước thực hiện hay không chính là bản chất của khích lệ hay trừng phạt mà mẫu hình ấy nhận được. Còn hiện tượng ý thức tình trạng bất lực (learned helplessness), tức là nhờ học hỏi mà một sinh vật tin rằng nó không thể kiểm soát hay khống chế được hoàn cảnh gặp phải, cũng minh chứng tầm quan trọng của các tiến trình trí tuệ trong việc học tập.

– Một số phương pháp thực tiễn nào được vận dụng để cải biến hành vi ứng xử của bản thân và của người khác?

18. Cải biến hành vi (behavior modification) là một phương pháp chính thức sử dụng các nguyên tắc thuộc lý thuyết học hỏi để khích lệ nhằm tăng thêm khả năng tái diễn các hành vi mong muốn và để giảm bớt hay loại trừ các hành vi bất lợi. Các bước căn bản trong chương trình cải biến hành vi là nhận diện mục đích và các hành vi nhắm đến, phác họa một kế hoạch ghi nhận dữ kiện, ghi lại các dữ kiện chuẩn bị, chọn một chiến lược cải biến hành vi, thực thi chiến lược ấy và đánh giá cùng sửa đổi chương trình đang tiến hành.

V. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI ÔN TẬP

I.

1/ Học tập; trưởng thành.

2/ Pavlov; Hạn chế

3/ Kích thích KĐK: phản ứng KĐK.

4/ Kích thích KĐK.

5/ Phản ứng CĐK

6/ Hiện tượng giải trừ.

7/ Giảm trừ cảm thụ có hệ thống.

8/ Tổng quát hóa kích thích; phân biệt kích thích.

II.

1/ Tác động

2/ Quy luật hiệu quả

3/ Tác nhân khích lệ

4/ Chủ yếu; thứ yếu

5/ Sai; các tác nhân khích lệ tùy thuộc rất nhiều vào mỗi cá nhân 6/ a–3; b–2; c–1

7/ Sai; biện pháp trừng phạt phải được thực thi ngay sau khi hành vi diễn ra8/ d

9/ b.

II/6–13.

1/ Từng phần; liên tục

2/ Đúng.

3/ a–2; b–3; c–1; d–4;

4/ Sai; lịch khen thưởng theo tỷ lệ biến động gây ra sức đề kháng mạnh mẽ hơn đối với hiện tượng giải trừ.

5/ Uốn nắn.

6/ Sai; dường như có các hạn chế sinh vật đối với các hành vi có thể học hỏi được.

7/ Tiến trình tạo ĐKHC: kích thích KĐK xuất hiện trước phản ứng; nên phản ứng không chủ ý. Còn trong tiến trình tạo ĐKHC: phản ứng được thực hiện trước khi được khen thưởng; nên phản ứng có chủ ý.

III.

1/ Thuyết học hỏi do hoạt động trí tuệ

2/ Kỳ vọng

3/ Ngẫu nhiên

4/ Do quan sát; gương mẫu

5/ Ý thức tình trạng bất lực 6/ Sai; các lý thuyết gia thuộc khảo hướng học hỏi do hoạt động trí tuệ chủ yếu chỉ quan tâm đến các tiến trình tâm trí 7/ Sự cải biến tác phong cư xử

8/ b – Phác họa kế hoạch ghi nhận và ghi chép các dữ kiện chuẩn bị; f. Đánh giá và cải biến kế hoạch đang tiến hành.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay