Tâm lý học căn bản - Chương 08 - Phần 2
4. Những cách hình dung khác nhau về trí thông minh
Mặc dù phương pháp đo lường trí thông minh của Binet, tiêu biểu bởi các trắc nghiệm Stanford – Binet và WAIS–R, vẫn là loại trắc nghiệm thông dụng nhất hiện nay, nhưng một số lý thuyết gia lại cho rằng nó không phản ảnh được khái niệm căn bản về trí thông minh. Đối với Binet và những người theo trường phái của ông, trí thông minh nói chung được quan niệm như là phản ảnh trực tiếp của điểm số mà một cá nhân đạt được khi làm trắc nghiệm. Đó là một phương pháp vô cùng thực tiễn, nhưng nó không nhằm tìm hiểu bản chất trí thông minh mà chủ yếu nhằm so sánh thành tích của một cá nhân với những người khác. Vì lý do này các trắc nghiệm thông minh của Binet và những người thừa kế không giúp chúng ta được bao nhiêu trong việc tìm hiểu về bản chất trí thông minh; chúng chỉ đơn thuần đánh giá hành vi được cho là hiện thân của trí thông minh mà thôi.
Tuy nhiên, đều này không nhằm nói rằng các nhà khảo cứu và các lý thuyết gia không để tâm đến nghi vấn trí thông minh thực ra là gì. Một vấn đề quan trọng đối với họ là liệu trí thông minh có phải là một yếu tố thống nhất độc đáo hay là được cấu thành bởi các thành tố đặc biệt. Các nhà tâm lý đầu tiên quan tâm đến trí thông minh đã đưa ra giả thuyết có một yếu tố tổng quát hậu thuẫn cho khả năng trí tuệ, gọi là G hay yếu tố G (G or g–factor). Yếu tố này đã được xem là nền tảng cho sự thể hiện mọi khía cạnh của trí thông minh, và người ta khẳng định rằng chính yếu tố này được đánh giá qua các trắc nghiệm thông minh.
Ngày càng có nhiều lý thuyết gia đương đại chủ trương rằng thực tế có hai dạng trí thông minh khác nhau: trí thông minh hoạt tính và trí thông minh tinh luyện. Trí thông minh hoạt tính (fluid intelligence) là khả năng đối phó với các vấn đề và tình huống mới mẻ. Nếu được yêu cầu sắp xếp một loạt các mẫu tự theo một tiêu chuẩn nào đó hoặc ghi nhớ nhiều con số, bạn sẽ vận dụng trí thông minh hoạt tính. Còn trí thông minh tinh luyện (clystallized intelligence) là kho chứa thông tin, kỹ năng, và phương pháp hành động mà người ta đã sở đắc nhờ kinh nghiệm và vận dụng trí thông minh hoạt tính. Chẳng hạn, bạn nhất định sẽ nhờ đến trí thông minh tinh luyện nếu như bạn được yêu cầu tìm ra nguyên nhân của một vấn đề xã hội hay tìm ra giải pháp cho một điều bí ẩn, căn cứ vào kinh nghiệm quá khứ độc đáo của bạn. Các dị biệt giữa hai dạng thông minh này trở nên đặc biệt rõ rệt ở người lớn tuổi như chúng ta sẽ thảo luận sâu rộng hơn ở Chương 10 – trí thông minh hoạt tính của những người này giảm sút đi đồng thời lại không có hiện tượng suy thoái trí thống minh tinh luyện.
Các lý thuyết gia khác cho rằng trí thông minh còn bao gồm nhiều thành tố hơn thế nữa. Chẳng hạn, qua khảo xét thiên tài đặc biệt của những người biểu lộ khả năng phi thường trong một số lãnh vực (như trường hợp Leslie Lemke đề cập ở phần mở đầu chương này) nhà tâm lý Howard Gardner cho rằng chúng ta có đến 7 loại trí thông minh tương đối độc lập với nhau. Đặc biệt, ông xem trí thông minh bao quát bảy phạm vi như minh họa trong Bảng 8 – 1
Bảng 8–1.
Bảy dạng thông minh theo Gardner
1. Thiên tài trong lĩnh vực âm nhạc
Thí dụ điển hình:
Khi lên ba, Yehudi Menuhin đã được cha mẹ đưa đi dự các buổi hòa nhạc của dàn nhạc San Francisco. Tiếng vĩ cầm của Persinger đã mê hoặc cậu bé đến mức cậu một mực đòi cho được chiếc vĩ cầm làm quà sinh nhật và theo học nhạc sĩ Louls Persinger. Cậu bé đã được cả hai. Đến năm lên 10, Menuhin đã là một nhạc sĩ nổi tiếng thế giới.
2). Thiên tài trong lãnh vực vận động cơ thể (năng khiếu vận động toàn thân hay nhiều bộ phận cơ thể để giải đáp các vấn đề hoặc để sáng tạo các tác phẩm hoặc thực hiện các động tác biểu diễn, thể hiện bởi các vũ công, vận động viên, diễn viên, và các nhà phẫu thuật)
Thí dụ điển hình:
Chàng thiếu niên 15 tuổi Babe Ruth là cầu thủ đứng ở góc thứ ba trong các trận đấu bóng chày. Trong một trận đấu, cầu thủ giao bóng trong đội chơi rất kém, và từ góc ba Babe đã lớn tiếng chỉ trích cậu ta. Anh huấn luyện viên Mathlas la to: “Ruth, nếu giỏi thì chính em hãy giao bóng đi!” Babe rất ngạc nhiên và lúng túng bởi vì trước đó em chưa từng đứng giao bóng bao giờ, nhưng anh Mathias cứ một mực ra lệnh. Sau này Ruth kể lại rằng đúng vào lúc chấp nhận vị trí giao bóng, cậu chợt biết rằng mình phải là cầu thủ giao bóng mới đúng.
3). Thiên tài trong lãnh vực lý luận và toán học (năng khiếu giải toán và tư duy khoa học)
Trường hợp điển hình:
Barbara McClintock nhận giải Nghét về y học nhờ công trình khảo cứu vi sinh. Bà miêu tả một trong các khám phá của bà, xảy ra sau khi suy nghĩ về một vấn đề trong nửa giờ đồng hồ... Bỗng nhiên tôi nhảy vọt lên rồi chạy vội trở lại cánh đồng [trồng ngô]. Đến đầu cách đồng (những người khác vốn còn ở cuối cách đồng) tôi la to lên: “Thành công, tôi đã nghĩ ra rồi!”.
4). Thiên tài trong lĩnh vực ngôn ngữ (năng khiếu sáng tác và sử dụng ngôn ngữ)
Trường hợp điển hình:
Hồi lên 10 T.S. Eliot đã làm ra được một tạp chí lấy nhan đề là Fireslde, mà chính cậu là cộng tác viên duy nhất. Trong vòng 3 ngày vào kỳ nghỉ mùa đồng năm ấy, cậu đã thực hiện được 8 số báo hoàn chỉnh.
5). Thiên tài trong lĩnh vực không gian (năng khiếu về các hình dạng lập thể, như các dạng được sử dụng bởi các nghệ sĩ và kiến trúc sư)
Trường hợp điển hình:
Việc đi lại quanh các hòn đảo Caroline... được thực hiện không cần đến công cụ nào cả... Trong suốt hành trình thực tế, nhà hàng hải phải hình dung trong tâm trí một hòn đảo chuẩn so với một tinh tú đặc biệt trên bầu trời, để từ đó tính toán được các đoạn hành trình đã đi qua, phần hành trình còn lại, và bất kỳ sự thay đổi hướng đi sắp tới nào.
6). Thiên tài trong lãnh vực cảm thông và tương tác với tha nhân (năng khiếu tương tác với tha nhân, như nhạy cảm đối với tâm trạng, tính khí, động cơ, và dự tích của người khác chẳng hạn)
Trường hợp điển hình:
Khi Anne Sullivan bắt đầu dạy cô bé mù và điếc Helen Keller học, công tác của bà là việc làm đi trước hiểu biết của mọi người rất nhiều năm. Vậy mà, chỉ hai tuần lễ sau khi làm việc với Keller, Sullivan đã gặt hái được thành công lớn lao. Theo lời bà kể. “Sáng nay tâm hồn tôi rộn rã niềm vui. Phép lạ đã xảy ra! Tạo vật nhỏ bé hoang dã của hai tuần lễ trước đã biến thành một đứa trẻ dễ yêu”.
7). Thiên tài trong lĩnh vực nội tâm(am hiểu các khía cạnh nội tâm của chính mình; khả năng tiếp cận các tình tự và xúc cảm của bản thân)
Trường hợp điển hình:
Trong tập tiểu luận “A Sketch of the Past”, Virginia Woolf trình bày nhận thức sâu sắc qua các dòng chữ dưới đây về cuộc sống nội tâm của chính bà, miêu tả phản ứng của bà đối với một vài kỷ niệm đặc biệt hồi thời thơ ấu đến lúc trưởng thành vẫn còn gây tổn thương cho bà: “Mặc dù tôi vẫn còn hoang mang trước những cú sốc đột ngột này, nhưng giờ đây chúng luôn luôn được đón nhận; sau phút giây ngạc nhiên ban đầu, tôi luôn luôn cảm thấy ngay tức thì rằng chúng có giá trị đặc biệt. Và do đó, tôi vẫn cho rằng chính khả năng tiếp nhận các cú sốc ấy là nguyên nhân khiến tôi trở thành văn sĩ.”
Xuất xứ: Phỏng theo Walters & Gardner (1986)
Mặc dù Gardner minh chứng các dạng thông minh cá biệt này bằng thí dụ những nhân vật nổi tiếng, nhưng điều quan trọng phải ghi nhớ là trên lý thuyết mỗi người chúng ta đều có trí thông minh giống nhau. Ngoài ra, dù bảy dạng thông minh có được trình bày riêng biệt, nhưng Gardner cũng cho rằng các dạng thông minh cá biệt này không tác động cô lập. Bình thường, bất kỳ hoạt động nào của con người cũng đòi hỏi một vài dạng thông minh tác động phối hợp với nhau.
Quan điểm của Gardner đã giúp chúng ta gặt hái được nhiều tiến bộ trong việc tìm hiểu bản chất của trí thông minh. Chẳng hạn, một thành quả nhờ quan điểm này là việc sáng tạo các đề mục trắc nghiệm trong đó nhiều câu trả lời tuy khác biệt nhau nhưng đều có thể được xem là chính xác, tạo điều kiện để phát huy lối tư duy sáng tạo. Như vậy, theo khảo hướng này nhờ các dạng thông minh khác nhau người ta có thể đưa ra các giải đáp khác biệt nhau – nhưng có giá trị ngang nhau – cho cùng một câu hỏi (Muốn tìm hiểu thêm về các dạng thông minh khác nhau, hãy xem đoạn Trích dẫn thời sự dưới đây về khái niệm sáng suốt tình cảm).
TRÍCH DẪN THỜI SỰ
SÁNG SUỐT ĐỂ CƯ XỬ KHÔN KHÉO VỀ MẶT TÌNH CẢM
Sau khi bi cuốn hút vào mối liên hệ lãng mạn sâu sắc với người tình của họ, hai người đàn ông cũng nhận thấy rằng nối quan hệ của họ đột nhiên là kết thúc. Một người tâm sự như sau:
Tôi cảm thấy trống trải, buồn rầu, rối rắm, chừng như cuộc đời mình không còn chút ý nghĩa gì cả. Dường như một phần thân thể tôi đã mất đi vậy. Nhưng sau một thời gian, tôi cố gắng tìm hiểu biến cố này. Tôi đã lợi dựng nó làm cơ hội để tìm hiểu chính mình. Nơi tận cùng của nỗi thất vọng, tôi cảm thấy cực kỳ khổ đau nhưng lại dần dần hiểu ra được nhiều điều. Cả những điều tốt đẹp mình đã làm cũng như những sai lầm đã phạm phải. Tất cả như một hồi chuông nóng lên làm tôi bừng tỉnh (Salovey & Mayer, 1991, trang 3).
Còn người kia lại có phản ứng thật khác hẳn trước sự kết liễu mối quan hệ của anh ta:
Thế là chúng tôi đã chia tay sau sáu năm trời gắn bó. Tôi không hiểu điều gì đã xâm chiếm tâm hồn nàng. Ôi những lời cô ta thốt ra! Thật là khủng khiếp, mọi thứ đều gây tổn thương – những cơn nhức đầu, những cơn đau buốt dạ dày, nhưng dù sao ai lại để tâm chứ? Đến nay thậm chí tôi không còn nghĩ đến biến cố ấy nữa. Đời là thế, tôi cho là vậy. Giờ đây tôi cảm thấy thoải mái, thực sự thoải mái (Salovey & Mayer, 1991, trang 3).
Hiển nhiên hai cá nhân này nhìn sự kết thúc quan hệ tình cảm của họ theo các góc độ khác hẳn nhau. Người thứ nhất có thể phân tích cảm tưởng của anh ta, và dường như anh ta khám phá được nhiều điều về bản thân nhờ kinh nghiệm ấy. Ngược lại, người thứ hai có vẻ như không học hỏi được gì nhiều. Anh ta giải thích cảm xúc của mình bằng các cảm giác vật chất mơ hồ, và anh ta không hiểu rõ lắm về các cảm xúc đã ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống của anh ta.
Đối với các nhà tâm lý Peter Salovey và John Mayer, hai cá nhân này khác biệt nhau về phương diện mà họ gọi là “sáng suốt về tình cảm” (emotional intelligence). Sáng suốt về tình cảm là khả năng tự chủ nội tâm để cân nhắc, đánh giá, biểu lộ, và chi phối đúng mức tình cảm bản thân.
Sáng suốt về tình cảm cho phép chúng ta chủ động vận dụng tình cảm của bản thân để đạt được các mục tiêu mong muốn. Chẳng hạn, thay vì hâm nóng vô bổ các biến cố thương tâm, làm sống lại vô ích những tình cảm u ám, và mất công suy đoán nguyên nhân để tiếc nuối việc làm đã qua, những người thực sáng suốt về tình cảm sẽ có phản ứng khác hẳn. Họ có khả năng tự chủ để làm vơi đi mọi nỗi niềm nhằm giúp cho bản thân ít chịu hậu quả tai hại do căng thẳng tâm lý.
Khái niệm sáng suốt về tình cảm rất phù hợp với các công trình khảo cứu cho thấy mối tương quan giữa năng lực thu phục nhân tâm nói chung của của con người với năng khiếu “đọc được” ý nghĩa của các biểu lộ tình cảm vô ngôn của tha nhân. Đặc biệt, những người dễ dàng cảm thông người khác qua các biểu lộ trên nét mặt của họ thường có năng lực thu phục nhân tâm qua lối sống hòa thuận và được mọi người yêu mến.
Đến nay vấn đề liệu sáng suốt về tình cảm khác biệt đến mức nào với trí thông minh theo các quan điểm truyền thống vẫn chưa được sáng tỏ. Tuy nhiên, rất có thể hai quan điểm này đề cập đến các loại năng lực hoàn toàn khác biệt nhau. Chẳng hạn, khó có thể cho rằng người có trí tuệ phi thường lại là người thiếu nhạy cảm và khéo léo trong lãnh vực tình cảm. Ngược lại, người ta có thể hình dung những người rất nhạy cảm đối với những tình tự riêng tư của bản thân, nhưng lại không có gì xuất chúng theo quan điểm trí thông minh truyền thống.
Còn lâu mới đến lúc các trắc nghiệm sáng suốt về tình cảm được sử dụng thường xuyên. Thực tế, đến nay người ta cũng chưa sáng tạo được các trắc nghiệm như thế. Tuy vậy, thật hợp lý khi cho rằng sáng suốt về tình cảm có thể được xem là điều kiện cần thiết cho một số công việc đòi hỏi khả năng sống hòa thuận và được mọi người yêu mến.
5. Phải chăng trí thông minh là khả năng xử lý thông tin? Các khảo hướng hiện đại
Đóng góp mới đây nhất cho việc tìm hiểu trí thông minh xuất phát từ công trình nghiên cứu của các nhà tâm lý chuyên về hoạt động trí tuệ. Căn cứ vào các khảo cứu và lý thuyết chúng ta đã bàn đến ở Chương 7, các nhà tâm lý này sử dụng khảo hướng xử lý thông tin để tiến hành tìm hiểu trí thông minh. Họ khẳng định rằng cách thức ghi nhớ thông tin và sử dụng các thông tin ấy để giả thuyết các công việc thuộc lãnh vực trí tuệ của con người cống hiến phương pháp đo lường trí thông minh chính xác nhất. Thay vì chú trọng đến cấu trúc của trí thông minh dưới dạng nội dung hay các chiều kích của nó, các khảo hướng trí tuệ này chú trọng tìm hiểu các tiến trình (processes) làm nền tảng cho hành vi thông minh.
Nhờ phân chia các công tác cũng như các vấn đề phải giải quyết ra nhiều thành phần để nhận diện bản chất cũng như xác định được tốc độ của các tiến trình giải quyết từng thành phần ấy, các nhà khảo cứu đã thấy được các dị biệt nổi bật giữa những người có điểm số cao và những người có điểm số thấp trong trắc nghiệm là truyền thống. Chẳng hạn, lấy thí dụ một sinh viên được yêu cầu giải đáp câu hỏi loại suy sau đây:
Luật sư đối với khách hàng cũng giống như bác sĩ đối với (a) bệnh nhân hay (b) y học
Theo lý thuyết của Stemberg, người sinh viên tiếp nhận câu hỏi loại suy này thường phải trải qua một loạt các giai đoạn nỗ lực vươn đến giải pháp sau cùng (xem Hình 8 –3). Trước tiên, cô ta lập mã các thông tin thích hợp đã chôn vùi trong ký ức lâu dài. Thí dụ, cô có thể suy nghĩ đến người luật sư theo các khái niệm như trường luật. Tối cao Pháp viện, “các đạo luật do cơ quan lập pháp ban hành”, và pháp đình chẳng hạn. Những mục khác trong câu hỏi loại suy cũng sẽ được lập mã tương tự như vậy. Kế đó, cô sẽ suy luận ra được bất kỳ một tương quan khả dĩ nào giữa người luật sư với khách hàng. Cô có thể suy luận ra được một tương quan thích hợp là khách hàng thuê luật sư hay là luật sư cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Khi đã suy luận ra được một tương quan thích hợp, cô phải vạch ra được một tương quan cao cấp giữa phân nửa đầu với phân nửa sau của câu hỏi loại suy – cả hai phần này đều định líu đến những người cung cấp dịch vụ chuyên môn để kiếm thù lao. Giai đoạn có tầm quan trọng quyết định tiếp theo sau đó là giai đoạn kiểm chứng, trong đó cô kiểm chứng từng giải pháp khả dĩ bằng mối tương quan mà cô vừa suy luận ra được. Nhất định cô sẽ chọn quyết định cho rằng bác sĩ cống hiến dịch vụ chuyên môn cho khách hàng, chứ không phải cho nền y học. Và việc làm sau cùng trong công tác giải bài toán là đưa ra giải đáp tối hậu.
Nhờ phân chia các bài toán ra các thành phần theo cách này, người ta có thể nhận diện ra các điểm khác biệt tuần tự về cả hai khía cạnh định lượng và định tính của tiến trình giải bài toán, và nhờ đó mà chứng minh được rằng những người thông minh khác biệt với người kém thông minh không chỉ ở việc đưa ra được nhiều giải pháp chính xác, mà còn trong phương pháp giải bài toán nữa. Chẳng hạn, những người có điểm số cao trong trắc nghiệm thông minh thường mất nhiều thời gian trong giai đoạn lập mã ban đầu, nhận diện các bộ phận của bài toán, và truy xuất các thông tin thích hợp từ ký ức lâu dài. Công sức dành cho việc nhớ lại các thông tin thích hợp như thế cuối cùng sẽ được đền đáp, còn những người ít tốn thời gian cho giai đoạn ban đầu thường ít khi tìm được giải đáp. Do đó, việc sử dụng các phương pháp xử lý thông tin sẽ phản ảnh sự khác biệt về trí thông minh của mỗi người.
Áp dụng khảo hướng này, nhà tâm lý Robert J. Sternberg (1985a; 1991) đã xây dựng được một lý thuyết mà ông mệnh danh là lý thuyết ba phương diện trí thông minh. Lý thuyết ba phương diện trí thông minh (triarchic theory of intelligence) chủ trương có ba phương diện để tìm hiểu trí thông minh: phương diện thành phần, phương diện kinh nghiệm, và phương diện bối cảnh. Đứng về phương diện thành phần, trí thông minh được thể hiện qua các tiến trình tâm trí tham dự vào các giai đoạn phân tích và xử lý thông tin để giải quyết các vấn đề gặp phải, đặc biệt là các tiến trình được con người vận dụng để lý luận. Ngược lại, phương diện kinh nghiệm chú trọng đến mức độ ảnh hưởng của các kinh nghiệm từng trải đối với trí thông minh, và đến cách thức vận dụng các kinh nghiệm ấy để giải quyết các vấn đề gặp phải. Sau cùng, phương diện bối cảnh đề cập đến mức độ thành công của con người trong việc đối phó với các yêu cầu của hoàn cảnh mưu sinh thường ngày.
Các khảo hướng hiện đại đều đặt trọng tâm nghiên cứu vào khía cạnh thứ ba của trí thông minh theo quan điểm của Sternberg. Một số lý thuyết mới nhấn mạnh đến trí thông minh thực dụng (practical intelllgence) – trí thông minh liên hệ đến sự thành công toàn diện trong cuộc mưu sinh, chứ không phải đến thành tích trí tuệ và học vấn, như chúng ta sẽ thảo luận trong đoạn Ứng Dụng Tâm Lý Học dưới đây:
ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC
PHẢI CHĂNG TRÍ THÔNG MINH THỰC DỤNG KHÁC HẲN TRÍ THÔNG MINH Ở HỌC ĐƯỜNG?
Năm công tác của bạn nói chung cũng thuận lợi. Đánh giá thành tích của bộ phận bạn ít nhất cũng khả quan như hồi bạn chưa phụ trách, và có lẽ còn khá hơn trước chút đỉnh. Bạn có hai nhân viên phụ tá. Một người có năng lực rất khá. Còn người kia dường như chỉ làm việc chiếu lệ, và thực tế không giúp ích gì nhiều cho bạn. Mặc dù bạn được rất nhiều người yêu mến, nhưng bạn lại tin rằng theo nhận xét của các thượng cấp bạn cũng không khác gì mấy so với 9 quản trị viên ngang cấp với bạn trong công ty. Mục tiêu của bạn là nhanh chóng được đề bạt lên một chức vụ chỉ huy cao cấp. Dưới đây là bảng liệt kê các việc mà bạn đang cân nhắc dự tính làm. Hãy đánh giá tầm quan trọng của mỗi hành động theo thứ tự ưu tiên để bạn đạt cho được mục tiêu của mình:
1. Tìm cách tống khứ các nhân vật “gỗ mục” – tức là, người phụ tá và ba hay bốn nhân viên kém đắc lực trong bộ phận của bạn.
2. Tham dự vào nhiều buổi hội thảo sẽ được phát hình trên đài truyền hình công cộng của địa phương.
3. Tìm mọi cách để chắc rằng thượng cấp của bạn hiểu rõ về các thành tích quan trọng của bạn.
4. Nhận lời mời của một người bạn gia nhập vào một câu lạc bộ toàn quốc dành riêng cho giới quản trị cấp cao.
5. Khi đề ra các quyết định kinh doanh, hãy chú trọng đến cách thực hiện công việc đúng theo ý muốn của các thượng cấp của bạn.
Cách trả lời câu hỏi này có thể ảnh hưởng rất nhiều đến thành công tương lai trong nghề kinh doanh của bạn, ít ra theo quan điểm của tác giả sáng tạo câu hỏi này là nhà tâm lý Robert J. Sternberg (Thứ tự chọn lựa tối ưu nêu ra ở cuối đoạn này). Thực ra, câu hỏi này là một trong loạt câu hỏi được phác họa nhằm giúp bạn phát hiện mức độ thông minh của mình. Đây không phải là dạng thông minh theo quan điểm truyền thống, câu hỏi muốn để cập đến một dạng thông minh đặc biệt: trí thông minh thực dụng trong nghề kinh doanh.
Trắc nghiệm do Sternberg sáng tạo là một trong vài phương pháp đo lường trí thông minh mới được đề nghị hiện nay. Mỗi phương pháp đều nhằm khắc phục một số hạn chế hiển nhiên nhất trong các trắc nghiệm IQ truyền thống. Mặc dù có đến hàng trăm khảo cứu đã chứng minh rằng điểm số IQ liên hệ trực tiếp với thành tích ở học đường, nhưng sự thực vẫn là điểm số IQ không có liên quan gì đến sự thành công trong nghề nghiệp mưu sinh. Thí dụ, trong khi hiển nhiên rằng các vi lãnh đạo kinh doanh thành đạt ít ra cũng đạt được điểm số IQ khá cao, nhưng mức độ thăng tiến và thành tích tối hậu của họ trong lãnh vực kinh doanh chỉ liên hệ tối thiểu đến điểm số họ đã đạt được trong các trắc nghiệm IQ này.
Theo nhà tâm lý Siegfried Streufert (1984), một yếu tố còn quan trọng hơn nữa là cách thức tiếp cận vấn đề và kiểu tư duy của con người. Dạng thông minh này được minh chứng bởi các nhà lãnh đạo kinh doanh thành đạt nhờ năng lực suy tư phong phú trong khi thực hiện các quyết định kinh doanh. Thay vì bị trói chặt vào một kiểu tư duy đơn giản, các quản tri gia thành đạt này có khả năng tiếp nhận và hợp nhất nhiều loại thông tin phức tạp cũng như có khả năng thấy rõ các mối quan hệ tương tác giữa các sự kiện. Thay vì xem xét các vấn đề chỉ theo một mục tiêu hay yếu tố duy nhất – như mục tiêu kiếm lãi chẳng hạn – các vị lãnh đạo có trí thông minh thực dựng cao có khả năng phối hợp đồng thời nhiều mục tiêu khác nhau trong nỗ lực giải quyết các vấn đề gặp phải.
Không thể nói rằng kinh doanh là lĩnh vực duy nhất trong đó dạng thông minh thực dụng này có tầm quan trọng quyết định, và một số nhà tâm lý đang ra sức sáng tạo các trắc nghiệm nhằm nhận diện ra nó ở nhiều lãnh vực khác nhau trong cuộc sống thường ngày. Thí dụ, Seymour Epstein đã sáng tạo được một trắc nghiệm về dạng thông minh mà ông gọi là “tư duy xây dựng” (constructive thinking) để dự đoán sự thành công trong cuộc sống. Dưới đây là một số câu hỏi trong trắc nghiệm của ông (Epstein & Meier, 1989, trang 350).
1. Tôi là mẫu người thiên về hành động hơn là chỉ suy nghĩ hoặc phàn nàn trước tình huống gặp phải. Tán thành hay không?
2. Tôi không để cho những sự việc nhỏ nhặt quấy nhiễu. Tán thành hay không?
3. Tôi có khuynh hướng đảm nhận mọi việc với tư cách cá nhân. Tán thành hay không?
4. Tôi hay lo âu khi thấy rằng tôi đang làm việc gì đó tồi tệ khiến mình trở nên tồi tệ hơn. Tán thành hay không?
Theo Epstein, trắc nghiệm của ông còn đánh giá được các đặc điểm như hạnh phúc trong các tương quan xã hội, thành công trong nghề nghiệp cà cả đến sức khỏe thể chất cũng như tình trạng tâm lý nữa. Các dữ kiện cho thấy trắc nghiệm của ông có thể dự đoán được rất nhiều điều ngoài thành công thực tế trong cuộc sống, hơn hẳn các trắc nghiệm IQ truyền thống.
Tóm lại, rõ ràng có nhiều cách minh chứng – và đo lường – trí thông minh. Điểm số IQ cao không bảo đảm sẽ thành công trong cuộc sống, đặc biệt trường hợp điểm số IQ cao đi kèm với mức thông minh thực dụng thấp.
(Nhân đây, trình tự chọn lựa tối ưu đối với trắc nghiệm của Sternberg về trí thông minh thực dựng trong lãnh vực kinh doanh là 5, 1, 3, 2, 4. Trong trắc nghiệm của Epstein về tư duy xây dựng, chọn lựa lý tưởng là (1) tán thành, (2) tán thành, (3) không, và (4) không. Hãy nhớ rằng bởi vì các câu hỏi nêu ra ở đây chỉ là một trích đoạn điển hình cho các biện pháp đo lường của Sternberg và Epstein, nên không thể qua đó mà suy đoán bạn sẽ đạt được điểm số bao nhiêu khi làm trắc nghiệm trọn vẹn được).