Tâm lý học căn bản - Chương 11 - Phần 4
b. Đánh giá các lý thuyết dùng tiến trình học tập để giải thích nhân cách hay cá tính. Qua thái độ không đếm xỉa đến các tiến trình nội tâm vốn đặc thù của con người, các lý thuyết gia tiến trình học tập truyền thống như Skinner đã bị buộc tội đơn giản hóa quá mức nhân cách khiến cho khái niệm này trở thành vô nghĩa. Theo quan điểm của những người phê phán, trên thực tế việc giản lược hành vi ứng xử thành một loạt các kích thích và phản ứng, cũng như việc loại trừ ý tưởng và tình cảm ra khỏi lãnh vực nhân cách hay cá tính, khiến cho các lý thuyết gia hành vi ứng xứ tiến hành nghiên cứu khoa học trong điều kiện thiếu cơ sở thực tế và thiếu chính xác.
Dĩ nhiên, một số quan điểm phê phán này đã bị cùn nhụt đi bởi lý thuyết tiến trình học tập xã hội tính, một lý thuyết công khai tìm hiểu vai trò của các tiến trình trí tuệ đối với nhân cách hay cá tính. Dù sao, tất cả mọi lý thuyết do trường phái tiến trình học tập đề xướng đều có chung đặc điểm đề cao quan điểm quy định đối với hành vi ứng xử của con người; một quan điểm cho rằng hành vi ứng xử được tình hình chủ yếu bởi các lực lượng vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của con người. Theo quan niệm của một số nhà phê phán, quan điểm quy định này xem nhẹ khả năng lèo lái cuộc đời mình của con người.
Ngược lại, khảo hướng tiến trình học tập đã gây được ảnh hưởng quan trọng về một số mặt. Một mặt, nó đã góp phần khiến cho công cuộc nghiên cứu nhân cách trở thành một cuộc mạo hiểm có tính khách quan và khoa học, bằng cách chú trọng đến các đặc điểm quan sát được của bản thân con người và hoàn cảnh sinh sống của họ. Mặt khác, các lý thuyết tiến trình học tập còn sáng tạo được các biện pháp quan trọng đã chữa trị thành công các dạng rối loạn nhân cách. Mức thành công của các liệu pháp này đã khiến cho người ta tin rằng khảo hướng tiến trình học tập có giá trị.
3. Các lý thuyết nhân bản về nhân cách
Trong tất cả các lý thuyết vừa nêu có lý thuyết nào giải thích được đức tính thánh thiện của Mẹ Teresa, khả năng sáng tạo của nhà danh họa Michelangelo, tài hoa và đức nhẫn nại của nhà bác học Finsteini? Việc tìm hiểu những cá nhân độc đáo như thế – cũng như một vài hạng người bình thường hơn nhưng cũng có một số đặc điểm tương tự – xuất phát từ lý thuyết nhân bản.
Theo các lý thuyết gia nhân bản, tất cả các lý thuyết nhân cách mà chúng ta vừa thảo luận trên đây đều nhận định thiếu sót về bản chất con người. Thay vì xem con người bị chi phối bởi các lực lượng vô thức, không quan sát được (theo lý thuyết phân tâm), bởi một số nét nhân cách ổn định (lý thuyết nét nhân cách), hoặc bởi các tác nhân khích lệ và trừng phạt thuộc hoàn cảnh sinh sống (lý thuyết tiến trình học tập), lý thuyết nhân bản (humanistic theory) nhấn mạnh đến tính bản thiện của con người và xu hướng phát triển đến mức hoàn thiện của nhân loại. Chính khả năng chủ ý tự thúc đẩy để biến đổi và cải thiện này, cùng với các xung lực sáng tạo độc đáo của con người, hình thành cái cốt lõi của nhân cách.
Đại biểu quan trọng của quan điểm nhân bản là Carl Rogers (1971). Rogers cho rằng con người có nhu cầu được quan tâm tích cực, và nhu cầu này phản ảnh bởi nhu cầu được yêu thương và kính trọng thường thấy ở một người. Bởi vì tha nhân cống hiến sự quan tâm tích cực này, nên chúng ta trở nên lệ thuộc vào họ. Chúng ta bắt đầu quan sát và thẩm định bản thân thông qua nhận định của tha nhân, trông cậy vào cách đánh giá của họ.
Theo Rogers, sự tiếp nhận quá mức cách đánh giá của người khác thường gây ra tình trạng không ăn khớp giữa kinh nghiệm của một người với khái niệm về bản thân (self–concept), hoặc với ấn tượng về bản thân của người ấy. Nếu mức sai biệt ấy nhỏ thì hậu quả cũng không đáng kể. Nếu mức sai biệt ấy lớn sẽ dẫn đến các rối loạn tâm lý trong hoạt động thường ngày như tình trạng lo âu thường xuyên chẳng hạn.
Rogers cho rằng một biện pháp khắc phục được sai biệt này là tiếp nhận sự quan tâm tích cực vô điều kiện từ một người khác – bạn bè, vợ chồng, hay thầy thuốc chẳng hạn. Như chúng ta sẽ bàn đến nhiều hơn ở Chương 13, sự quan tâm tích cực và vô điều kiện (unconditional positive regard) liên hệ đến thái độ chấp nhận và kính trọng về phần người quan sát, dù cho cá nhân nói hay làm điều gì đi nữa. Rogers tin rằng sự chấp nhận này tạo cơ hội cho người ta tiến hóa và trưởng thành cả về mặt tình cảm và trí tuệ bởi vì họ có khả năng xây dựng được các khái niệm về bản thân thực tế hơn.
Đối với Rogers và các lý thuyết gia nhân bản khác (như Abraham Maslow là nhân vật có lý thuyết động lực thúc đẩy mà chúng ta đã bàn đến ở chương 9), mục tiêu tối hậu của tiến trình phát triển nhân cách là hiện thực bản thân. Hiện thực bản thân (self–actualization) là tình trạng mãn nguyện khi người ta thực hiện được tiềm năng tột đỉnh của mình. Rogers cho rằng tình trạng này phát sinh khi kinh nghiệm về ngoại giới của con người với khái niệm về bản thân của họ ăn khớp với nhau. Người đạt được tính trạng hiện thực bản thân sẽ chấp nhận thực tại của chính họ; và chính điều này giúp họ đạt được hạnh phúc và thỏa nguyện trong cuộc sống.
+ Đánh giá lý thuyết nhân bản. Mặt dù các lý thuyết nhân bản đánh giá cao việc cống hiến sự quan tâm tích cực vô điều kiện đối với con người, nhưng nhiều lý thuyết gia đã ít sẵn lòng dành sự quan tâm như thế đối với lý thuyết nhân bản. Các quan điểm phê phán đều tập trung vào tình trạng khó lòng minh chứng các giả định căn bản của lý thuyết này, cũng như vào nghi vấn liệu sự quan tâm tích cực vô điều kiện trên thực tế có giúp người ta điều chỉnh nhân cách đáng kể như lý thuyết này quan niệm không.
Khảo hướng nhân bản cũng đã bị phê phán vì giả định cho rằng “nhân chi sơ tính bản thiện” – một quan điểm tuy cũng quan trọng nhưng lại không chứng thực được, một quan điểm không có giá trị khoa học cho việc xây dựng các lý thuyết khoa học. Tuy vậy, các lý thuyết nhân bản vẫn đóng vai trò quan trọng cho việc soi sáng tính độc đáo của con người và trong việc hướng dẫn xây dựng một phương pháp chữa trị nhằm xoa dịu các chứng rối loạn tâm lý.
4. So sánh các khảo hướng giải thích nhân cách hay cá tính
Sau khi tìm hiểu sơ qua nhiều lý thuyết nhân cách mà chúng ta vừa đề cập, bạn có thể thắc mắc không hiểu lý thuyết nào trong số đó cống hiến một giải thích chính xác nhất về nhân cách hay cá tính của con người. Không may, đây lại là một câu hỏi không thể giải đáp thỏa đáng. Mỗi lý thuyết đều chú trọng đến những khía cạnh hơi khác biệt nhau và đưa ra các tiền đề khác biệt nhau về nhân cách hay cá tính của con người. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp nhân cách hay cá tính được tìm hiểu một cách hợp lý đồng thời từ nhiều khảo hướng. Dĩ nhiên, có lẽ một ngày kia sẽ có một lý thuyết thống nhất về nhân cách, nhưng hiện nay lãnh vực này vẫn chưa đạt được thành tựu ấy, và rất có thể sự việc này sẽ diễn ra trong một tương lai gần.
Trong khi ấy, chúng ta có thể nêu bật và so sánh các điểm khác biệt chủ yếu giữa từng lý thuyết với nhau. Liệt kê dưới đây là các chiều kích quan trọng nhất phản ảnh sự khác biệt giữa các lý thuyết:
– Vô thức ngược lại ý thức: Lý thuyết phân tâm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vô thức, lý thuyết nhân bản chú trọng đến ý thức, còn các lý thuyết nét nhân cách và tiến trình học tập nói chung đều không để ý gì đến hai khai niệm vô thức và ý thức.
– Bẩm sinh (các yếu tố di truyền) ngược lại dưỡng dục (các yếu tố hoàn cảnh). Lý thuyết phân tâm nhấn mạnh đến cấu trúc nhân cách thuộc nội tại, hình thành bởi di truyền; lý thuyết tiến trình học tập chú trọng đến hoàn cảnh sống; các lý thuyết nét nhân cách thì bất đồng quan điểm với nhau; còn lý thuyết nhân bản lại nhấn mạnh đến sự tương tác giữa hai loại yếu tố này trong tiến trình phát triển nhân cách.
– Tự do ngược lại quy định. Các lý thuyết nhân bản nhấn mạnh đến quyền tự do chọn lựa của cá nhân trong cuộc sống của mình; còn các lý thuyết khác lại nhấn mạnh đến tình trạng quy định, tức là quan điểm cho rằng hành vi ứng xử bị chi phối và thúc đẩy bởi các yếu tố vượt ra khỏi khả năng kiểm soát theo ý chí của con người. Tình trạng quy định đặc biệt hiển nhiên trong các lý thuyết phân tâm và tiến trình học tập, cũng như trong hầu hết các lý thuyết nét nhân cách.
– Tính bền vững và tính dễ cải biến của các đặc điểm nhân cách hay cá tính. Các lý thuyết phân tâm và nét nhân cách đều nhấn mạnh đến tính bền vững của các đặc điểm này trong cuộc đời con người. Còn các lý thuyết tiến trình học tập và nhân bản lại nhấn mạnh rằng nhân cách hay cá tính luôn luôn linh động và dễ thích nghi với hoàn cảnh trong cuộc đời con người.
– Khảo hướng đặc điểm phổ biến ngược lại/ khảo hướng đặc điểm cá biệt. Khảo hướng giải thích nhân cách theo đặc điểm phổ biến (nomothetic approaches to personality) nhấn mạnh đến các đặc đếm đồng nhất phổ biến qua các hành vi ứng xử, còn khảo hướng giải thích nhân cách theo các đặc điểm cá biệt (idiographic approaches to personality) chú trọng đến các đặc điểm khiến cho một người thành độc đáo khác hẳn mọi người. Mặc dù mọi lý thuyết đều có các sắc thái phổ biến và cá biệt, nhưng lý thuyết phân tâm nhắm vào các giai đoạn phát triển phổ biến, còn lý thuyết nét nhân cách thì tìm kiếm các đặc điểm phổ biến; và cả hai lý thuyết này đều liên hệ mật thiết hơn với khảo hướng đặc điểm phổ biến hơn so với các lý thuyết khác. Trong khi đó lý thuyết tiến trình học tập và lý thuyết nhân bản đều nghiêng về khảo hướng đặc điểm cá biệt, nhấn mạnh đến hậu quả của các yếu tố di truyền và hoàn cảnh đặc biệt đối với nhân cách hay cá tính của họ.
5. Tóm tắt và học ôn II
A. TÓM TẮT
– Nét nhân cách (traits) là các chiều kích tương đối bền vững nhờ đó người ta phân biệt được nhân cách hay cá tính của người này với người khác. Các lý thuyết gia nét nhân cách đã nỗ lực nhận diện các nét chủ yếu đặc trưng cho nhân cách hay cá tính của con người.
– Allport đã phân chia các nét nhân cách thành 3 loại, nét chủ yếu (cardinal traits) nét trung tâm (central traits) và nét thứ yếu (secondaly traits). Vận dụng một kỹ thuật thống kê gọi là phân tích thừa số. Cattell nhận ra được 46 nét nhân cách bề ngoài (surface traits) và 16 nét nhân cách nguồn gốc (source traits). Còn Eysenck khám phá được hai chiều kích chính của nhân cách hay cá tính là: chiều kích hướng nội – hướng ngoại (introversion – extroversion dimension) và chiều kích dao động – ổn định (neuroticism – stability dimension).
– Các lý thuyết dùng tiến trình học tập để giải thích nhân cách hay cá tính chú trọng đến vấn đề liệu các yếu tố hoàn cảnh định hình nhân cách hay cá tính con người như thế nào. Các lý thuyết quan trọng nhất theo khảo hướng này là lý thuyết khích lệ của Skinner và lý thuyết tiến trình học tập xã hội tính (social learning theory).
– Các lý thuyết nhân bản xem cốt lõi của nhân cách hay cá tính như là khả năng biến đôi cải thiện, và có tính sáng tạo theo cung cách độc đáo chỉ con người mới có.
– Các đặc điểm chủ yếu để phân biệt giữa nhân cách hay cá tính của người này với người khác bao gồm vai trò của vô thức ngược lại ý thức, bẩm sinh (các yếu tố di truyền) ngược lại dưỡng dục (các yếu tố hoàn cảnh); tự do ngược lại quy định; tính bền vững ngược lại tính dễ cải biên trong các đặc điểm của nhân cách hay cá tính; và khảo hướng đặc điểm phổ biền ngược lại khảo hướng các điểm cá biệt.
B. HỌC ÔN
1/ a. Quyết tâm thành công của Carl là lực lượng áp đảo trong mọi hành động và quan hệ của anh ta. Theo lý thuyết của Gordon Allport, đây là thí dụ về một nét nhân cách...
b. Ngược lại, đam mê xem các phim cổ của phương Tây là thí dụ về một nét nhân cách...
2/ Lý thuyết gia nét nhân cách nào dùng các nét nhân cách bên ngoài và các nét nhân cách nguồn gốc đề giải thích hành vi ứng xứ theo 16 chiều kích nhân cách?
a. Hans Eysenck.
b. Walter Mischel
c. Gordon Allport
d. Raymond Cattell
3/ Eysenck đã đề nghị các yếu tố phổ biến nào để miêu tả nhân cách hay cá tính của con người?
4/ Phương pháp thông kê có tên là... được sử dụng để đúc kết rất nhiều thông tin thành một vài nhóm đống nhất.
5/ Người ưa thích các hạt động như tham dự tiệc tùng và bay bằng diều (hanggliding) được Eysenck xếp vào loại người có nét nhân cách mạnh mẽ nào?
6/ Theo Walter Mischel, các lý thuyết nét nhân cách gặp khó khăn quan trọng nào?
a. Sử dụng quá nhiều nét nhân cách.
b. Con người không tỏ ra nhất quán trong các nét nhân cách.
c. Không ai biết cách đánh giá chính xác một số nét nhân cách.
d. Mỗi người đều có một số nét nhân cách chủ yếu hoàn toàn khác biệt nhau.
7/ Lý thuyết gia nào sẽ tán thành câu phát biểu: “Nhân cách hay cá tính là tổng cộng các khuôn mẫu cư xử của con người.”?
a. Seymour Epstein
b. Carl Jung
c. B.F. Skinner
d. Hans Eysenck
8/ Tiến trình học tập... xảy ra khi người ta theo dõi người khác thực hiện một hành vi rồi quan sát hậu quả của hành vi ấy.
9/ Một người thốt ra câu nói. “Tôi biết tôi không làm nổi việc ấy!” sẽ bị Bandura xếp vào loại người thiếu...
10/ Lý thuyết nhân cách nào nhấn mạnh đến tính bản thiện của con người và ước muốn trưởng thành của họ?
a. Nhân bản
b. Phân tâm
c. Tiến trình học tập
d. Phát triển
C. CÂU HỎI TỰ VẤN
Lý thuyết nhân cách nào hấp dẫn đối với bạn nhất? Nếu được yêu cầu viết một tiểu luận trình bày giải thích cho vấn đề “định nghĩa dứt khoát về nhân cách hay cá tính” bạn sẽ vận dụng ra sao các thông tin về nhân cách hay cá tính mà chúng ta đang thảo luận để làm việc ấy?
(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)
III. ĐÁNH GIÁ NHÂN CÁCH – XÁC ĐỊNH ĐIỀU GÌ KHIẾN CHÚNG TA THÀNH ĐẶC THÙ
Bạn muốn được người khác ưa thích và ngưỡng mộ.
Bạn có khuynh hướng tự phê phán.
Bạn có rất nhiều tiềm năng đến mức chưa tận dụng được ưu thế của mình.
Mặc dù có một số nhược điểm cá tính, nhưng bạn thường bù đắp được các yếu kém ấy.
Vấn đề thích nghi với người khác giới tính gây khó khăn cho bạn.
Bên ngoài càng tỏ ra khuôn phép và tự kiềm thề, bên trong bạn càng thấy lo âu và bất an.
Đôi khi bạn vô cùng thắc mắc không biết bạn đã quyết định đúng hay đã làm điều đúng không.
Bạn thích đổi thay con người bạn và hoàn cảnh sống phần nào và cảm thấy bất mãn vi bị ràng buộc và hạn chế.
Bạn không chấp nhận phát biểu của người khác khi phát biểu ấy thiếu minh chứng thỏa đáng.
Bạn cảm thấy thiếu khôn ngoan nếu quá bộc trực tiết lộ nội tâm cho người khác biết.
Nếu bạn cho rằng các câu phát biểu này phản ảnh khá chính xác nhân cách hay cá tính của bạn, bạn hãy an tâm bởi vì đa số sinh viên đều cho rằng các miêu tả này rất phù hợp với họ. Dù trên thực tế các câu này được cố ý soạn thảo rất mơ hồ nhằm ứng dụng cho hầu hết mọi người.
Tình trạng dễ dàng tán thành các câu nói thiếu cụ thể như thế của chúng ta phản ảnh tình hình khó khăn trong việc đạt được các thẩm định chính xác và hợp lý về nhân cách hay cá tính của con người. Cũng giống như trường hợp các lý thuyết gia nét nhân cách gặp phải rắc rối trong việc xác định nét nhân cách nào chủ yếu và quan trọng nhất, các nhà tâm ly quan tâm đánh giá nhân cách phải xác định được cách phân biệt hợp lý nhất giữa nhân cách hay cá tính của người này với người khác. Đế làm được việc này, họ sử dụng các trắc nghiệm tâm lý (psychological test), tức là các thẩm định tiêu chuẩn được soạn thảo nhằm đánh giá khách quan hành vi ứng xử của con người. Các nhà tâm lý sử dụng các trắc nghiệm ấy để giúp cho người ta quyết định về cuộc sống và tìm hiểu nhiều hơn về bản thân họ. Chúng cũng được sử dụng bởi các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu nguyên nhân và hậu quả của nhân cách hay cá tính của con người.
1. Tính tin cậy và giá trị của các trắc nghiệm tâm lý
Khi sử dụng một thước đo, chúng ta mong nó đo đạc được chiều dài giống như trường hợp đo lường trước đây chúng ta từng thực hiện. Khi cân thể trọng bằng một chiếc cân trong phòng tắm, chúng ta mong các biến động thể hiện trên chiếc cân do biến đổi thể trọng của chúng ta chứ không do sai lầm của chiếc cân (trừ phi sự thay đổi trọng lượng theo chiều hướng không mong muốn của chúng ta).
Cũng vậy, chúng ta mong muốn các trắc nghiệm tâm lý có được tính đáng tin cậy (reliability) – rằng chúng đánh giá một cách nhất quán những điểm mà chúng nỗ lực thẩm định. Chúng ta cần biết chắc rằng mỗi lần tổ chức trắc nghiệm, đối tượng làm trắc nghiệm đều sẽ đạt được kết quả tương tự – giả sử những điểm cần được đánh giá của người ấy không thay đổi.
Thí dụ, giả sử lần đầu tiên dự cuộc thi tuyển sinh đại học bạn đạt được 400 điểm ở phần thi viết trong bài trắc nghiệm. Rồi sau đó vài tháng, làm lại bài trắc nghiệm ấy bạn đạt được 700 điểm. Khi nhận được kết quả mới, bạn chớ lên vội tổ chức ăn mừng mà để dành đôi chút thời gian để thắc mắc về mức tin cậy của bài trắc nghiệm ấy. Bởi vì năng lực của bạn không chắc đã cải thiện đến mức xứng đáng được hưởng thành tích tăng thêm 300 điểm ấy.
Nhưng giả sử điểm số của bạn không thay đổi chút nào, và cả hai lần thì bạn đều nhận được 400 điểm. Dù bạn không phàn nàn gì về bài trắc nghiệm thiếu tin cậy, nhưng nếu biết rằng khả năng ngôn ngữ của bạn đã cao hơn mức trung bình rồi thì chắc bạn sẽ cho rằng bài trắc nghiệm ấy không đánh giá đúng mức những gì mà nó có nhiệm vụ thẩm định. Bây giờ, vấn đề bạn quan tâm là giá trị chứ không còn là tính tin cậy nữa. Một trắc nghiệm có giá trị hay hiệu quả (validity) khi nào nó thực sự đánh giá được các điểm mà nó có nhiệm vụ thẩm định.
Một trắc nghiệm đáng tin cậy sẽ không nhất thiết được cho là hiệu quả hay có giá trị. Thí dụ, chúng ta có thể phát minh được một phương tiện rất đáng tin cậy để đánh giá mức độ tín nhiệm, nếu chúng ta quyết định rằng mức tín nhiệm liên hệ đến kích thước xương sọ. Nhưng không có gì bảo đảm rằng trắc nghiệm ấy có giá trị, bởi vì người ta dám tin chắc mà không gặp chút phản đối nào rằng kích thước xương sọ không dính líu gì đến mức tín nhiệm cả. Như vậy, trong trường hợp này chúng ta có trắc nghiệm đáng tin cậy nhưng lại không có giá trị.
Ngược lại, nếu trắc nghiệm không đáng tin cậy thi không thể nào có giá trị hay hiệu quả được. Giả sử tất cả các yếu tố khác – như động lực thúc đẩy, kiến thức, sức khỏe và vân vân của một cá nhân – đều tương đồng, tức là không biến đổi qua thời gian, nếu một đối tượng đạt được điểm số cao ngay trong lần đầu dự thi và cô ấy lại đạt được điểm số thấp trong lần trắc nghiệm sau đó, thì bài trắc nghiệm ấy không đánh giá được những điểm mà nó có nhiệm vụ thẩm định, và do đó nó vừa không đáng tin cậy vừa không có hiệu quả.
Giá trị và tính tin cậy của trắc nghiệm là điều kiện tiên quyết để đánh giá chính xác nhân cách hay cá tính của con người – cũng như để thực hiện bất kỳ công tác đánh giá nào của các nhà tâm lý. Do đó, các trắc nghiệm trí thông minh mà chúng ta đã đề cập ở chương 8; các chẩn đoán rối loạn tâm lý của các nhà tâm lý lâm sàng mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở chương 12 và 13; và các thẩm định thái độ sống của các nhà tâm lý xã hội đều phải đáp ứng yếu tố đáng tin cậy và giá trị trắc nghiệm mới có thể rút ra được các kết luận có ý nghĩa.
Giả sử trắc nghiệm đã hội đủ hai điều kiện tin cậy và giá trị, người ta cần phải tiến hành thêm một bước nữa mới giải thích được ý nghĩa của điểm số trắc nghiệm đạt được: đó là việc thiết lập các chuẩn mực. Chuẩn mực (norms) là các tiêu chuẩn thành tích trắc nghiệm cho phép người ta so sánh được điểm số trắc nghiệm của người này với người khác. Thí dụ, một chuẩn mực giúp cho đối tượng thì trắc nghiệm biết được họ đã đạt được điểm số trong số 15% người thì trắc nghiệm đạt điểm số cao nhất.
Kế hoạch căn bản để thiết lập chuẩn mực là người soạn thảo trắc nghiệm phải tính được điểm số trung bình của một nhóm người đặc biệt mà trắc nghiệm ấy được soạn thảo nhằm đánh giá. Sau đó, họ sẽ ấn định mức độ chênh lệch điểm số của mỗi người với điểm số trung bình ấy và điểm số của những người khác đã từng làm trắc nghiệm ấy trước đây. Như vậy, người thi trắc nghiệm mới có thể hiểu được ý nghĩa điểm số đạt được của họ so với thành tích trắc nghiệm của người khác. Việc làm này cống hiến cho họ một khái niệm định tính về thành tích của mình.
Dĩ nhiên, các đối tượng được yêu cầu tham gia vào công tác thiết lập các chuẩn mực đóng vai trò quyết định trong tiến trình định chuẩn. Những đối tượng này phải đại biểu được cho những cá nhân mà trắc nghiệm nhắm đến – yêu cầu này có thể vượt khỏi lãnh vực tâm lý để rơi vào lãnh vực chính trị, như chúng ta sẽ đề cập trong đoạn Ứng Dụng Tâm Lý Học dưới đây.
Bây giờ, chúng ta tìm hiểu một số hình thức đánh giá đặc biệt được các nhà tâm lý sử dụng để nghiên cứu nhân cách hay cá tính của con người.
2. Đánh giá nhân cách hay cá tính bằng biện pháp tự báo cáo
Nếu muốn đánh giá nhân cách hay cá tính của bạn, thì một phương thức hữu ích là thực hiện một cuộc phỏng vấn sâu rộng đối với bạn nhằm xác định các biến cố quan trọng nhất đã xảy ra trong thời thơ ấu của bạn, các mối quan hệ xã hội của bạn, và các thành công cũng như thất bại của bạn. Dù sao, một kỹ thuật như thế hiển nhiên sẽ cực kỳ tốn kém thời giờ và công sức.
Việc làm này cũng không cần thiết. Giống như trường hợp các bác sĩ không cần phải trích ra toàn bộ số máu đang tuần hoàn trong cơ thể bệnh nhân để xét nghiệm mới chẩn đoán được bệnh tình, các nhà tâm lý có thể vận dụng biện pháp tự báo cáo (self–report measures) để phỏng vấn bằng cách yêu cầu trả lời một mẫu gồm tương đối ít hành vi của người được trắc nghiệm. Mẫu tự báo cáo này sau đó được dùng để suy luận ra sự hiện diện của các đặc điểm nhân cách hay cá tính nhất định.
Một trong các thí dụ hoàn hảo nhất về biện pháp tự báo cáo, và là một trắc nghiệm cá tính thường dùng nhất, chính là kiểm điểm nhân cách qua nhiều giai đoạn của viện đại lọc Minnesota (Minnesota Multiphasic Personality Inventory, viết tắt MMPI–2) được xây dựng bởi một nhóm nhà nghiên cứu vào thập niên 1940 và đã được hiệu chỉnh nhiều lần. Mặc dù mục đích ban đầu của biện pháp này là để phân biệt những người bị các dạng rối loạn tâm lý đặc biệt với những người bình thường, nhưng nó đã được khám phá có khả năng dự đoán được nhiều loại hành vi khác. Thí dụ, các điểm số MMPI tỏ ra là một cơ sở giúp người ta dự đoán khá đúng về trường hợp liệu các sinh viên sẽ lập gia đình trong 10 năm sắp tới không cũng như về trường hợp liệu họ sẽ đạt được học vị sau đại học trong thời gian ấy không. Các sở cảnh sát cũng dùng trắc nghiệm này để đánh giá xem các sĩ quan cảnh sát có dễ dàng nổ súng hay không. Thậm chí các nhà tâm lý trong thời Liên Xô cũ cũng đã áp dụng một loại trắc nghiệm cải biến từ trắc nghiệm MMPI cho các nhà du hành vũ trụ và các vận động viên tham dự các cuộc tranh tài điền kinh Olympic.
Bản thân trắc nghiệm MMPI bao gồm một loạt 567 câu hỏi mà người dự thi phải trả lời là “đúng”, “sai”, hoặc “không nói được”. Các câu hỏi này nhằm vào nhiều vấn đề khác nhau, từ tâm trạng (như “Đôi khi tôi cảm thấy mình vô dụng!” chẳng hạn) đến quan điểm (như “Người ta nên cố gắng tìm hiểu các mơ ước của mình chẳng hạn) cho đến sức khỏe thể xác và tâm lý (như “Mỗi tuần tôi bị lên cơn đau dạ dày vài lần!” và “Tôi thường có những ý tưởng lạ lùng và kỳ quái!” chẳng hạn). Dĩ nhiên, các câu hỏi như thế không có lời giải đáp đúng hoặc sai. Thực ra, lý giải kết quả trắc nghiệm căn cứ vào khuôn mẫu của phản ứng. Bài trắc nghiệm phản ảnh điểm số trên 10 thang điểm riêng biệt, cộng thêm 3 thang điểm nhằm thẩm định giá trị các câu trả lời của người được phỏng vấn. Thí dụ, có một “thang điểm nói dối” nhằm cho thấy (đối với câu trả lời như “Tôi không thể nhớ đã từng bị một đêm khó ngủ!” chẳng hạn) khi nào người ta cố tình bóp méo câu trả lời của mình để tỏ ra sáng giá hơn hay để hòng được thuận lợi hơn.
Các tác giả trắc nghiệm MMPI làm cách nào biết được các câu trả lời ấy phản ảnh loại khuôn mẫu phản ứng đặc biệt nào? Thủ tục mà họ sứ dụng tiêu biểu cho cách xây dựng trắc nghiệm nhân cách hay cá tính – một tiến trình gọi là “tiêu chuẩn hóa trắc nghiệm (test standardization). Để phác họa trắc nghiệm, các nhóm bệnh nhân tâm thần đặc biệt, như trầm cảm* (depression) học tâm thần phân liệt (schizophrenia) chẳng hạn, được yêu cầu trả lời rất nhiều câu hỏi. Sau đó, các tác giả trắc nghiệm quyết định xem mục nào phân biệt rõ rệt nhất các thành viên thuộc các nhóm bệnh nhân này với một nhóm so sánh gồm các đối tượng bình thường, và rồi các mục ấy sẽ được liệt kê vào nội dung sau cùng của trắc nghiệm cần xây dựng. Bằng cách thực hiện có hệ thống phương pháp này đối với các nhóm bệnh nhân mặc nhiều loại bệnh khác nhau, các tác giả trắc nghiệm có thể sáng chế được một số thang điểm từng phần ăn khớp với các dạng tác phong bất bình thường khác nhau (xem hình 11 –5).