Tâm lý học căn bản - Chương 11 - Phần 5

* Trầm cảm (depression – xem chú thích ở chương 4), tâm thần phân liệt (sohizophrenia, xem chú thích ở chương 12).

Khi trắc nghiệm MMPI được dùng vào các mục đích mà nhờ đó nó được sáng chế – nhận diện các dạng rối loạn nhân cách – thì nó tỏ ra rất hiệu nghiệm. Tuy nhiên, giống như các trắc nghiệm cá tính khác, nó tạo nhiều cơ hội để người ta lạm dụng. Thí dụ, các chủ nhân dùng loại trắc nghiệm này để sàng lọc các ứng viên xin việc làm có thể lý giải kết quả trắc nghiệm thiếu chính xác, quá tin vào kết quả của các thang điểm cá biệt thay vì quan tâm đến khuôn mẫu kết quả toàn diện, bởi vì việc làm này đòi hỏi năng lực giải thích và đánh giá trắc nghiệm. Các loại trắc nghlệm khác, như kiểm điểm tâm lý của Viện đại học California (California Psychological inventoly) và Biểu Sở thích cá nhân Edwards (Edwards Personal Prererence Schedule) chẳng hạn, là các trắc nghiệm thích hợp hơn cho việc sàng lọc các ứng viên xin việc làm, cũng như cho việc cung cấp các thông tin về nhân cách hay cá tính của cá nhân nhằm giúp họ chọn nghề hợp lý đồng thời giúp họ nhận ra được các ưu khuyết điểm của bản thân.

Hình 11–5: Một sơ đồ mẫu về trắc nghiệm MMPI–2 của một bệnh nhân bị chứng trầm cảm nghiêm trọng.

3. Các phương pháp phóng ngoại nội tâm

Nếu được xem một dạng vệt mực như trình bày ở Hình 11–6 và được hỏi vệt mực ấy tượng trưng điều gì đối với bạn, thì có lẽ bạn cho rằng các ấn tượng của bạn không có ý nghĩa gì lắm. Nhưng đối với một lý thuyết gia phân tâm, các phản ứng của bạn đối với một hình ảnh mơ hồ như thế lại là những manh mối có giá trị về trạng thái vô thức của bạn, và sau cùng về các đặc điểm nhân cách hay cá tính của bạn.

* Người bệnh nhân cách(psychopath): Bệnh nhân có hành vi chống lại xã hội, nhưng lại ít hay không có hành động thực tế chống xã hội; ngoài ra, người này kém năng lực thiết lập các quan hệ tình cảm với tha nhân. Có một số chứng cứ cho thấy điện não đồ của người bệnh nhân cách không được bình thường. Người bệnh thường kém đáp ứng với việc chữa trị, nhưng nhiều người sẽ trưởng thành khi lớn tuổi.

** Hysteria: Một tấm bệnh nhẹ phần ảnh dưới dạng kỳ lạ về mặt thể xác của người bệnh các xung đột vô thức ấy. Chằng hạn, bệnh nhân không chịu đứng dậy hay bước đi mặc dù y không bị một tổn thương nào ở cơ thể; nếu tình trạng này kéo dài, y có thể bị bại xuội hẳn. Breuer và Freud đã chứng minh rằng bệnh hysteria là loại ngôn ngữ vô thức phản ảnh những xung đột tình cảm, những xung đột này vì không thể biểu lộ được nên biến thành các hiện tượng có thể để dễ thể hiện.

*** Chứng hoang tưởng (paranoia): dạng rối loạn tâm trí đặc trưng bởi ảo tưởng (delusions) được tổ chức thành hệ thống. Bệnh nhân không có ảo giác hay các triệu chứng rõ rệt nào khác về bệnh tâm trí. Đây là 1 tình trạng mạn tính hiếm thấy; hầu hết những người có các ảo tưởng như vậy với thời gian sẽ phát triển các dấu hiệu của những bệnh tâm trí khác. Thuật ngữ này đôi khi cũng được dùng rộng rãi hơn để chỉ một trạng thái tâm hồn trong đó một cá nhân tin tưởng mãnh liệt rằng mình đang bị người khác hành hạ, ngược đãi. Vi vậy, bệnh nhân có thái độ nghi ngờ vả cô lập, tình trạng này có thể là hậu quả của chứng rối loạn nhân cách (personality disorder) cũng như của các bệnh tâm trí gây ra các trạng thái hoang tưởng (paranoid states).

Vết mực trong hình vẽ tiêu biểu cho các trắc nghiệm phóng ngoại tâm* (proiection test), trong đó đối tượng tiếp nhận một kích thích mơ hồ và được yêu cầu miêu tả kích thích ấy hoặc sáng tác một câu chuyện về nó. Sau đó, các câu trả lời được xem là các “phóng ảnh nội tâm” của các đối tượng ấy.

Trắc nghiệm phóng ngoại nội tâm nổi tiếng nhất là trắc nghiệm Rorschach (Rorschach test). Được sáng chế bởi vị bác sĩ tâm thần Thụy Sĩ Hermann Rorschach, trắc nghiệm bao gồm việc xuất trình một loạt các kích thích đối xứng, tương tự như vết mực ở Hình 11 –6, cho đối tượng trắc nghiệm rồi yêu cầu họ trả lời xem các hình ảnh ấy có ý nghĩa gì đối với họ. Các câu trả lời ấy được ghi nhận và thông qua một loạt các phán đoán lâm sàng, các đối tượng trắc nghiệm được xếp vào các loại nhân cách khác nhau. Thí dụ, các đối tượng nhìn vết mực ấy thấy ra hình con gấu được xem là người có nhiều khả năng kiềm chế xúc cảm theo các quy tắc do Rorshach thiết lập.

Trắc Nghiệm Năng Lực Nhận Thức Chủ Đề Tổng Quát (The matic Apperception Test, viết tắt là TAT) là một loại trắc nghiệm phóng ngoại nội tâm nổi tiếng khác. Như đã đề cập khi bàn về động lực thành đạt ở chương 9, trắc nghiệm TAT xuất trình một loại hình ảnh để cho đối tượng xem và yêu cầu họ sáng tác một câu chuyện. Sau đó, câu chuyện được xem xét để rút ra kết luận về các đặc điểm nhân cách hay cá tính của tác giả.

Theo định nghĩa, trắc nghiệm dùng những dạng kích thích mơ hồ như trắc nghiệm Rorschach và TAT đòi hỏi năng lực và tính thận trọng đặc biệt trong việc lý giải các câu trả lời. Các trắc nghiệm này thường bị phê phán là đòi hỏi quá mức khả năng suy luận ở người phụ trách kiểm tra. Tuy nhiên, chúng vẫn được sử dụng rộng rãi, đặc biệt ở các trường hợp lâm sàng; và những người đề xướng cho rằng chúng rất đáng tin cậy lẫn cho hiệu quả cao.

ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC

ĐỊNH CHUẨN VỀ MẶT CHỦNG TỘC:

LÃNH VỰC MÀ TÂM LÝ VÀ CHÍNH TRỊ GẶP GỠ NHAU

Trường hợp các đam mê chính trị hội ngộ tính khách quan của khoa học xảy ra khi người ta phải thiết lập các chuẩn mực cho các loại trắc nghiệm, ít ra trong lãnh vực các loại trắc nghiệm nhằm dự đoán mức hoàn thành công tác hoặc tương lai. Trên thực tế, một cuộc tranh luận đã nổ ra trên phạm vi toàn quốc liên quan đến vấn đề liệu có nên thiết lập các chuẩn mực riêng biệt áp dụng cho các thành viên thuộc các nhóm chủng tộc và sắc tộc thiểu số không.

Trường hợp đang bị tranh cãi chính là Tập Trắc Nghiệm Năng Lực Tổng Quát đã được 50 tuổi đời của chính phủ Hoa Kỳ. Loại trắc nghiệm này nhằm đánh giá rất nhiều dạng năng lực, từ khả năng phối hợp tay và mắt đến năng lực đọc tài liệu. Vấn đề đã dấy lên cuộc tranh luận là các công dân Mỹ gốc Phi Châu và gốc Hyspanic trung bình thường đạt được điểm số thấp hơn đối với loại trắc nghiệm này so với các công dân thuộc các nhóm chủng tộc khác, thường là do tình trạng thiếu kinh nghiệm thích hợp và tình trạng không có cơ hội làm việc trước đó. Và tình trạng không có cơ hội làm việc này do thành kiến và tệ nạn kỳ thị chủng tộc gây ra.

Nhằm mục đích khích lệ tuyển dụng các nhóm chủng tộc thiểu số, chính phủ đã xây dựng một nhóm chuẩn mực riêng biệt để áp dụng cho các công dân Mỹ gốc Phi và gốc Hyspanic. Thay vì dùng tất cả những người dự thi trắc nghiệm để xây dựng các chuẩn mực, thì người ta chỉ so sánh điểm số của các ứng viên Mỹ gốc Phi và gốc Hyspanic với các công dân Mỹ khác cùng chủng tộc với họ và đang tham dự cùng cuộc thi trắc nghiệm ấy mà thôi. Hậu quả là, một công dân gốc Hyspanic có điểm số thuộc nhóm 20% ứng viên Hyspanic đạt điểm số cao nhất được xem là có điểm số ngang bằng với một ứng viên da trắng có điểm số thuộc nhóm 20% ứng viên da trắng dạt điểm số cao nhất, dù điểm số tuyệt đối của ứng viên Hyspanic ấy thấp hơn nhiều so với ứng viên da trắng.

Những người phê phán hệ thống định chuẩn tu chính cho rằng thủ tục định chuẩn như vậy phạm nhiều sơ hở. Theo họ, hệ thống ấy không những chỉ bất công với các ứng viên da trắng, mà nó còn thổi bùng ngọn lửa kỳ thị chủng tộc. Ngược lại, những người đề xướng hệ thống lại cho rằng thủ tục định chuẩn ấy là một công cụ hành động dứt khoát, nhằm tạo thuận lợi cho các công dân sắc tộc thiểu số tìm việc làm được xếp bình đẳng với những người da trắng tìm việc làm. Một hội thảo của Viện Khoa học Quốc gia đã tán đồng tiến hành việc tu chính các chuẩn mực trắc nghiệm, cho rằng các chuẩn mực chưa được điều chỉnh không hữu ích lắm trong việc dự đoán khả năng thực hiện công tác, và rằng chúng có khuynh hướng loại trừ những công dân thuộc các nhóm chủng tộc thiểu số nếu những người này không cực kỳ xuất sắc.

Trắc nghiệm tuyển dụng không phải là lĩnh vực duy nhất phát sinh các vấn đề liên hệ đến các chuẩn mực và ý nghĩa của điểm số trắc nghiệm. Như chúng ta đã thấy ở chương 8, khi thảo luận các khác biệt về điểm số IQ giữa các nhóm chủng tộc, cách giải quyết các khác biệt về điểm số trắc nghiệm giữa các nhóm chủng tộc là một vấn để vừa dễ gây tranh luận vừa dễ gây chia rẽ trong một quốc gia. Rõ ràng, các vấn đề chính trị sâu sắc và căng thẳng đôi khi tròng tréo với tính vô tư là một điều kiện bắt buộc của một bộ môn khoa học vậy.

4. Đánh giá hành vi ứng xử

Nếu bạn là một nhà tâm lý tán thành khảo hướng dùng tiến trình học tập để giải thích nhân cách hay cá tính, ắt bạn sẽ phản đối tính chất gián tiếp của các trắc nghiệm phóng ngoại nội tâm. Ngược lại, bạn thường sử dụng cách đánh giá hành vi ứng xử (behavioral assessment) – đánh giá trực tiếp hành vi của đối tượng để miêu tả các đặc điểm phản ảnh nhân cách hay cá tính. Như trong phương pháp nghiên cứu theo hoàn cảnh quan sát (observational research, đã thảo luận ở chương 1), đánh giá hành vi ứng xứ có thể được thực hiện một cách tự nhiên bằng cách quan sát đối tượng đang sinh hoạt trong bối cảnh sống riêng tư của họ: ở sở làm, tại nhà riêng, hoặc ở trường học chẳng hạn. Trong các trường hợp khác, đánh giá hành vi ứng xứ diễn ra ở phòng thí nghiệm, theo các điều kiện kiểm soát trong đó nhà tâm lý thiết lập một tình huống và quan sát hành vi của đối tượng.

Hình 11–6. Vết mực này tương tự với dạng được sử dụng trong trắc nghiệm nhân cách Rorschacb. Bạn nhìn thấy điều gì ở vết mực này?

Bất kể bối cảnh nào trong đó hành vi được quan sát, người ta đều phải nỗ lực bảo đảm cho việc thẩm định hành vi ứng xử được tiến hành khách quan, quan sát hành vi diễn ra càng nhiều càng tốt. Thí dụ, quan sát viên có thể ghi nhận số lần tiếp xúc xã hội do đối tượng đề xướng, số lần trả lời câu hỏi, hoặc số hành vi gây hấn chẳng hạn. Một kỹ thuật khác là đo khoảng thời gian kéo dài của các sự việc xảy ra: cơn giận dữ kéo dài bao lâu ở một đứa trẻ, hoặc nó dành thời gian bao nhiêu lâu cho hành vi cộng tác với người khác.

Đánh giá hành vi ứng xử đặc biệt thích hợp cho việc quan sát và cho việc chữa trị tối hậu – các rối loạn hành vi ứng xử đặc thù, như tăng thêm mức độ xã hội tính ở các thiếu nhi nhút nhát chẳng hạn. Nó cống hiến một phương tiện thẩm định bản chất và mức độ mắc phải một dạng rối loạn đặc biệt, để giúp cho các nhà tâm lý quyết định nên áp dụng các kỹ thuật can thiệp nào mới đạt được kết quả.

Các kỹ thuật căn cứ vào đánh giá hành vi ứng xử và các lý thuyết dùng tiến trình học tập để giải thích nhân cách cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho việc chữa trị một số rối loạn tâm lý. Thực ra, kiến thức về nhân cách hay cá tính của con người bình thường được cung cấp bởi các lý thuyết mà chúng ta thảo luận trong chương này đã giúp người ta gặt hái được nhiều tiến bộ quan trọng trong việc tìm hiểu của chúng ta cũng như trong việc chữa trị các rối loạn thể xác lẫn các rối loạn tâm lý.

**** Suy nhược tâm thần (psychasthenia): Một thuật ngữ cũ để chỉ một nhóm bệnh loạn tâm thần bao gồm ám ảnh sợ hãi (phobias), các trạng thải lo âu (anxiety states), và ám ảnh (obsessions). Bác sĩ tâm thần P. Janet chia các chứng loạn tâm thần (neuroses) thành hysteria và suy nhược tâm thần (psychasthenia).

***** Hưng cảm nhẹ (hypomania): Hưng cảm ở mức độ nhẹ. Tâm trạng phấn chấn (elated mood) dẫn đến phán đoán sai lầm, cư xử ngoài giới hạn bình thường của xã hội, và tăng khao khát tình dục; nói nhanh, lớn tiếng, và sôi nổi. Người bệnh có vẻ đầy nghị lực nhưng lại không bền và dễ bi kích động. Tình trạng bất bình thường không trầm trọng như trong hưng cảm (mania), bệnh nhân có vẻ bình thường và với những người không biết họ chỉ thấy có” một ít cá tính”. Chữa trị theo cùng nguyên tắc với hưng cảm, và khó mà phòng ngừa người bệnh có hành động tổn hại đến lợi ích bản thân vì cư xử ngông cuồng (extravagant behavior). Xem thêm chứng hưng cảm trong chú thích chương 12 (theo Từ điển Y học).

* Tập Trắc nghiệm Năng Lực Tổng quát (General Aptitude Test Battery) đã được sử dụng trong nhiều thập niên để sàng lọc tuyển dựng ứng viên vào rất nhiều chức vụ trong chính phủ liên bang, kể cả các công việc nhập dữ kiện ở Sở Điều tra Dân số (Cansus Bureau). Những người phê phán đã lập luận rằng thủ tục phân tích kết quả trắc nghiệm áp dụng khác biệt nhau cho các ứng viên dựa trên cơ sở chủng tộc và sắc tộc thiểu số khiến cho người ta nghi ngờ tính công bằng trong việc tuyển dụng.

* Trắc nghiệm phóng ngoại nội tâm(proíection test): Một phương pháp đánh giá các khía cạnh nhân cách, yêu cầu đối tượng trắc nghiệm tự do nói về các sự vật mơ hồ đã được xem qua, rồi phân tích câu trả lời. Thí dụ, trắc nghiệm Rorschach và trắc nghiệm nhận thức chủ đề tổng quát (Thematic Apperception Test, viết tắt là TAT, yêu cầu đối tượng trắc nghiệm sáng tác một câu chuyện về tranh ảnh họ đã được xem qua) (theo từ điển y học).

THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ CỦA TLH – THẨM ĐỊNH CÁC ĐÁNH GIÁ NHÂN CÁCH

Cần tuyển dụng: Người “năng động”, “trưởng thành về tình cảm”, và có khả năng “đối phó với nhiều người trong tình huống khá hỗn loạn.”

Mặc dù bảng mô tả công tác này dường như thích hợp nhất đối với công việc phụ giúp tổ chức trình chiếu cuốn phim Wheel of Fortune, nhưng trên thực tế nó là một đoạn trong một quảng cáo của các quản trị viên phục vụ cho hệ thống các nhà hát American Multi–cinemar – viết tắt là AMC. Để tìm được những người có năng lực như thế, AMC đã xây dựng một tập trắc nghiệm đánh giá nhân cách hay cá tính của các ứng viên xin việc. Khi tiến hành xây dựng trắc nghiệm cho mình, AMC đã kết hợp hoàn cảnh thực tế của nhiều công ty khác, từ General Motors cho đến J.C. Penney, đã sử dụng các trắc nghiệm cá tính để giúp cho họ quyết định các trường hợp tuyển dụng, đề bạt thăng thưởng, hoặc cả trong trường hợp sa thải nhân viên. (Về một khía cạnh khác trong các trắc nghiệm tuyển dụng, hãy xem đoạn Trích Dẫn Thời Sự dưới đây).

Con người rồi đây cũng sẽ lâm vào hoàn cảnh lệ thuộc vào trắc nghiệm nhân cách hay cá tính. Nhiều tổ chức sẽ – vì thù lao cao – phân phối các tập trắc nghiệm nhân cách có nội dung giúp người ta định hướng vào nghề nghiệp nào đặc biệt thích hợp với cá tính của họ.

Trước khi quá tin cậy vào kết quả của loại trắc nghiệm này, dù ở vai trò chủ nhân, công nhân, viên chức, hay khách hàng tương lai cần đến các loại dịch vụ trắc nghiệm, bạn cũng nên ghi nhớ một số điểm sau đây:

– Tìm hiểu xem trắc nghiệm muốn đánh giá thứ gì: Các trắc nghiệm nhân cách tiêu chuẩn đều có đính kèm những thông tin đề cập đến các điểm như cách thức xây dựng trắc nghiệm, ai thích hợp với loại trắc nghiệm này, và kết quả trắc nghiệm được đánh giá ra sao chẳng hạn. Nếu có, bạn nên đọc kỹ phần đính kèm ấy: nó sẽ giúp bạn am hiểu ý nghĩa của bất kỳ kết quả nào bạn đạt được đối với trắc nghiệm ấy.

– Không nên đưa ra một quyết định nào khi chỉ căn cứ vào kết quả duy nhất của bất kỳ một trắc nghiệm nào. Các kết quả trắc nghiệm nên được giải thích trong bối cảnh của các loại thông tin khác – như thành tích học vấn, các quan tâm xã hội, các sinh hoạt ở gia đình và ở cộng đồng chẳng hạn. Không có các dữ kiện này, điểm số trắc nghiệm của cá nhân ít ra cũng không thông báo được điều gì cả và thậm chí có lẽ còn có hại nữa.

– Trắc nghiệm không phải là không thể phạm sai lầm. Kết quả có thể sai lầm, và bản thân trắc nghiệm có thể không đáng tin cậy hoặc không có giá trị. Thí dụ, bạn có thể gặp phải “một ngày xui xẻo”, hoặc người phụ trách tính điểm và giải thích kết quả trắc nghiệm có thể phạm sai sót. Bạn không nên đặt niềm tin quá nhiều vào kết quả của việc tiến hành đơn độc bất kỳ một loại trắc nhiệm nào.

Tóm lại, điều quan trọng phải ghi nhớ chính là tính phức tạp của hành vi ứng xử của con người – đặc biệt của chính bạn. Không một trắc nghiệm nào có thể giúp chúng ta tìm hiểu được mớ bòng bong trong nhân cách hay cá tính của một người nào đó mà không tìm hiểu thêm thật nhiều thông tin ngoài số thông tin cung cấp bởi một đợt trắc nghiệm duy nhất.

TRÍCH DẪN THỜI SỰ

NÓI RA SỰ THẬT: TRẮC NGHIỆM LIÊM KHIẾT CÓ NHẬN DIỆN ĐƯỢC NHỮNG NGƯỜI LƯƠNG THIỆN KHÔNG?

Bạn đã từng bị cám dỗ đánh cắp một vật nào đó không? Bạn có tin rằng mọi người đôi khi vi phạm các quy luật không?

Nếu có thể trả lời cả hai câu hỏi này một cách thành thật, có lẽ bạn sẽ dễ được xem là người có tính liêm khiết. Có lẽ thế thôi. Phần đông các chủ sử dụng lao động đang nhắm đến một loại trắc nghiệm nhân cách hay cá tính mới mẻ gọi là “trắc nghiệm liêm khiết” (integrity tests). Được soạn thảo nhằm nhận diện xem ai là người lương thiện, các trắc nghiệm này nêu ra một loạt câu hỏi nhằm dự đoán mức độ lương thiện của các nhân viên giúp việc, loại trừ những cá nhân nào rất có thể sẽ có hành vi ăn cắp hàng hóa hay lừa dối thượng cấp.

Vấn đề xảy ra với các trắc nghiệm này là khoảng từ 40 đến 60% số người tham dự trắc nghiệm này bị nhận diện là rất có thể có hành vi không lương thiện trên trực tế lại chính là những viên chức lương thiện (Office of Technology Assessment, 1990). Hậu quả là, rất nhiều công nhân lương thiện không thể kiếm được việc làm, hoặc bị mất việc do các thiếu sót của trắc nghiệm.

Nhằm mục đích xác định giá trị của biện pháp trắc nghiệm liêm khiết, mới đây một đội đặc nhiệm thuộc Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ đã tiến hành đánh giá toàn diện các loại trắc nghiệm liêm khiết hiện hành. Mặc dù cuộc nghiên cứu khám phá ra rằng các trắc nghiệm liêm khiết là biện pháp chọn lựa tốt nhất cho các chủ nhân đang tìm cách sàng lọc các ứng viên xin việc làm và các nhân viên tại chức xem ai là người có tính lương thiện, nhưng vẫn còn nhiều nghi vấn về giá trị của trắc nghiệm vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.

Thí dụ, rất ít nhà phát hành các trắc nghiệm từ chối phổ biến các báo cáo nghiên cứu liên hệ đến các trắc nghiệm của họ, và do đó những người sử dụng bị buộc phải tin cậy vào các bảo đảm của những nhà phát hành rằng trắc nghiệm của họ thực sự có giá trị như đã quảng cáo. Ngoài ra, dù trắc nghiệm liêm khiết có thể hữu ích cho việc dự đoán năng lực của rất nhiều người, nhưng bất kỳ một cá nhân nào – đặc biết đối với người nào gặp khó khăn khi làm các trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa – cũng có thể không được đánh giá chính xác đức tính lương thiện của mình. Vì các lý do này, một số tiểu bang đang cứu xét việc ngăn cấm sử dụng các loại trắc nghiệm này.

Bất kể các nhược điểm ấy, tình trạng sử dụng trắc nghiệm liêm khiết đang có chiều hướng gia tăng trong các bối cảnh tuyển dụng. Trong trường hợp như vậy, có lẽ bạn không nên ngạc nhiên nếu một ngày nào đó nếu thượng cấp của bạn yêu cầu bạn dành vài phút để trả lời một số câu hỏi. Dù có lương thiện đến mức nào, bạn cũng nên trả lời thật thận trọng.

5. Tóm tắt và học ôn III

A. TÓM TẮT

– Trắc nghiệm tâm lý là biện pháp tiêu chuẩn nhằm đánh giá khách quan hành vi ứng xử của con người. Các trắc nghiệm ấy phải đáng tin cậy (rellable), tức là đánh giá một cách nhất quán những đặc điểm mà chúng có nhiệm vụ thẩm định, và có giá trị hay có hiệu quả (valid), tức là đánh giá được các đặc điểm mà chúng có nhiệm vụ thẩm định.

– Đánh giá nhân cách hay cá tính bằng bảng tự báo cáo yêu cầu các đối tượng trả lời một số câu hỏi về hành vi của họ. Sau đó các câu trả lời được dùng để suy đoán các đặc điểm nhân cách hay cá tính của đối tượng.

– Trắc nghiệm phóng ngoại nhân cách (projective personality test) xuất trình những loại kích thích mơ hồ cho đối tượng đề yêu cầu họ tự do bộc lộ cảm tưởng hoặc sáng tác một câu chuyện về các kích thích ấy. Các câu trả lời được sử dụng như một dấu hiệu thông báo về nhân cách hay cá tính của đối tượng.

– Đánh giá hành vi ứng xử vận dụng các đánh giá trực tiếp hành vi ứng xử của một cá nhân để phản ảnh các đặc điểm tiêu biểu cho nhân cách hay cá tính của cá nhân ấy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3