Tâm lý học căn bản - Chương 12 - Phần 2
3. Tóm tắt và học ôn I
A. TÓM TẮT
– Các điểm phân biệt giữa hành vi ứng xử bình thường và bất bình thường không phải lúc nào cũng minh bạch dễ thấy.
– Các định nghĩa về tình trạng bất bình thường bao gồm định nghĩa căn cứ vào tình trạng lệch khỏi mức trung bình, tình trạng lệch khỏi mức lý tưởng, các hậu quả tâm lý của hành vi lý đối với cá nhân, và khả năng hành xử hữu hiệu lẫn thích nghi của cá nhân với tư cách là một thành viên của xã hội.
– Người ta có thể thấy rõ nhất hành vi ứng xử bình thường khác với bất bình thường khi xếp chúng ở hai đối cực của một thang đánh giá.
B. HỌC ÔN
1/ Khó khăn trong việc định nghĩa hành vi bất bình thường là:
a. Hành vi hiếm thấy về mặt thông kê có thể không phải là bất bình thường.
b. Không phải tất cả các tình trạng bất bình thường đều đi kèm với cảm giác khó chịu.
c. Các tiêu chuẩn văn hóa thì lại quá tổng quát không thể dùng làm công cụ đánh giá được.
d. Tất cả các câu trên.
2/ Theo các cuộc điều tra tổ chức ở các cộng đồng, trong khi khá nhiều người Mỹ bị ít nhất một dạng bất bình thường tâm lý thì ít người chịu tìm cách chữa trị. Đúng hay sai?...
3/ Theo định nghĩa về tình trạng bất bình thường như là kinh nghiệm khó chịu chủ quan hoặc có hành vi gây tổn thương cho người khác, những người nào sau đây cần được chữa trị nhiều nhất?
a. Một quản trị viên sợ được đề bạt bởi vì việc đó sẽ buộc ông ta phải rời khỏi văn phòng ở tầng trệt để dọn lên đến tăng cao nhất của tòa cao ốc.
b. Một phụ nữ bỏ việc đang làm để chọn cuộc sống lang thang ngoài đường phố
c. Một người đàn ông tin rằng những người đến ngoài vũ trụ thường thân mật thăm viếng nhà mình vào mỗi thứ năm.
d. Một triết gia sống chung với 19 con mèo trong một căn chung cư nhỏ hẹp.
4/ Gia đình lo buồn vì Karl quyết định sống trong một ngôi nhà lắp trên cây – hành vi này chưa từng thấy ở khu ngoại ô giàu có. Gia đinh Karl dùng lối định nghĩa nào để xác định hành vi bất bình thường của Karl?...
5/ Một thang đánh gì hành vi từ “bất bình thường nhất cho đến bình thường nhất” là ví dụ về một...
6/ Thân mẫu của Virginia cho rằng hành vi của cô là bất bình thường bởi vì dù được tiếp nhận vào trường đại học Y khoa, cô lại quyết định đi làm hầu bàn. Thân mẫu cô dùng lối định nghĩa nào để nhận định hành vi bất bình thường?
C. CÂU HỎI TỰ VẤN
Nếu được yêu cầu xây dựng một định nghĩa một về một pháp lý cho bệnh tâm thần, định nghĩa ấy của bạn sẽ là gì? Nó sẽ khác biệt ra sao đối với các định nghĩa nêu ra trong chương này? Bạn có thể dự đoán được định nghĩa của bạn sẽ gặp những trở ngại gì không?
(Giải đáp câu hỏi học ôn ở cuối chương)
II. CÁC QUAN ĐIỂM VỀ TRẠNG THÁI BẤT BÌNH THƯỜNG: TỪ MÊ TÍN ĐẾN KHOA HỌC
Cơn bệnh bộc phát do cái nóng bức cực độ trong mùa hè. Dù đang ngủ hay thức, mọi người đều đột nhiên nhảy nhỏm lên, cảm thấy đau nhói như ong đốt. Một số người thấy loài nhện, những người khác thì không. Nhưng mọi người đều tin chắc ràng do loài nhện cái gây ra thứ bệnh Tarantism*. Họ chạy ra khỏi nhà, đổ xô ra các đường phố, đến nơi họp chợ, cùng nhau luân vũ trong cơn kích động phi thường. Chẳng bao lâu những người khác họp mặt với họ, đó là những người mới bị nhện đốt như họ hoặc đã từng bị đốt trong nhiều năm về trước...
Như vậy các nhóm bệnh nhân tụ họp lại, cùng nhau nhảy nhót cuồng nhiệt trong các trang phục kỳ hình quát trạng... Những người khác xé toạc quần áo ra, bày thân thể trần truồng, mất hết cảm nghĩ như lúc bình thường... một số người đeo kiếm như các kiếm thủ, những người khác cầm roi quật vào nhau... Một số người trong bọn họ lại còn có các ý nghĩ kỳ quái, như thích được tung người lên cao, đào lỗ dưới đất, và lăn người vào chỗ bẩn thỉu giống như loài lợn vậy. Tất cả bọn họ đều uống rượu vang no nê rồi ca hát và chuyện trò giống như những tên say rượu...
Đoạn văn này miêu tả một dạng hành vi bất bình thường đặc biệt xuất hiện ở thế kỷ 13 – loại hành vi mà thời bấy giờ người ta tin là do một loài nhện cái đốt cho thấy vấn đề rối loạn tâm tư và các lý thuyết giải thích nguyên nhân gây bệnh mà chúng ta quan niệm hiện nay không có gì mới lạ cả. Tuy vậy, kiến thức của chúng ta về các nguyên nhân gây ra các hành vi bất bình thường đã tinh vi hơn rất nhiều.
Đối với đa số người thời xưa, hành vi bất bình thường gắn liền với óc mê tín và ma thuật. Những người có hành vi ứng xứ bất bình thường đều bị cho là do ma quỉ hay các vị ác thần nào đó bắt hồn. Các nhà cầm quyền đều tin tưởng vào “lối chữa trị” các hành vi bất bình thường bằng biện pháp nỗ lực dẹp bỏ nguồn gốc gây bệnh. Biện pháp này thường là đánh bằng roi, ngâm mình vào nước thật nóng, bỏ đói, hay các hình thức tra tấn khác, khiến cho việc chữa trị còn tồi tệ hơn là mắc bệnh.
Các khảo hướng hiện đại về hành vi ứng xứ bất bình thường đã có quan niệm sáng tỏ hơn, và sáu khảo hướng chủ yếu hiện đang chiếm địa vị ưu thế là: Khảo hướng y học, khảo hướng phân tâm, khảo hướng tác phong, khảo hướng tiến trình trí tuệ, khảo hướng nhân bản, và khảo hướng văn hóa xã hội. Các khảo hướng này không những chủ trương nguyên nhân gây bệnh khác nhau mà – như chúng ta sẽ thấy đề ra biện pháp chữa trị cũng khác biệt nhau.
Chiếc “ghế xoay” này do báo sĩ Beniamin Rush phát minh. Nó là một trong những chữa trị có hình thức tra tấn đối với các rối loạn tâm lý thông dụng trong thế kỷ 18 ở Âu Châu.
1. Quan điểm Y học
Khi một người có triệu chứng mắc bệnh lao, chúng ta thường tìm vi trùng lao trong cơ thể người ấy. Tương tự, quan điểm y học về tình trạng bất bình thường (medical model of abnormality) cho rằng khi một cá nhân có các triệu chứng rối loạn tâm lý, thì nguyên nhân sâu xa sẽ được tìm thấy nhờ cuộc khám nghiệm cơ thể của người ấy, như tình trạng mất cân bằng hormone, tình trạng thiếu hóa chất, hoặc tổn thương ở bộ phận nào đó trong cơ thể chẳng hạn. Thực ra, khi nói “bệnh” tâm trí, “các triệu chứng” của hành vi ứng xử bất bình thường và “bệnh viện tâm thần” chẳng hạn, chúng ta sử dụng thuật ngữ có liên hệ đến quan điểm y học.
* Tarantism: Một chứng bệnh đặc trưng bởi động lực thúc giục nhảy nhót cuồng loạn và không kiềm chế được, phổ biến trong nạn dịch ở miền Nam Italia từ thế kỷ 15 đến 17, và người thời bấy giờ tin rằng là hậu quả nốt đốt của một loài nhện cái (chú của người dịch).
Như sẽ thảo luận sau, bởi vì nhiều loại hành vi ứng xử bất bình thường có liên quan đến các nguyên nhân sinh lý, cho nên quan điểm y học dường như là một khảo hướng hợp lý. Thực tế, quan điểm y học quả là một tiến bộ quan trọng so với lối giải thích hành vi ứng xử bất bình thường theo óc mê tín dị đoan. Tuy vậy, quan điểm này cũng bị nhiều phê phán nghiêm trọng. Một mặt, có nhiều trường hợp trong đó người ta không tìm ra được nguyên nhân sinh lý nào gây ra tình trạng bất bình thường cả, và như vậy là trái với giả định căn bản của quan điểm y học. Các phê phán khác cũng quan trọng ngang như thế, dù kém hiển nhiên hơn nhưng lại hàm súc nhiều ý nghĩa. Thí dụ, một số nhà phê bình đã phản đối cách dùng thuật ngữ “bệnh” (illness), cho rằng nó hàm ý rằng ở một cá nhân xuất hiện một tình trạng gì đó “bất ổn”, một tình trạng đang cần được chữa trị. Lối sử dụng thuật ngữ như thế khẳng định rằng những người có hành vi ứng xử bất bình thường thiếu khả năng kiểm soát được hành động của mình, và như vậy họ không chịu trách nhiệm đối với các hành động ấy – và rằng bất kỳ lối chữa trị nào cũng đều hoàn toàn thuộc quyền quyết định của người khác (theo giả thuyết của quan điểm y học, những “người khác” có quyền sinh sát ấy chính là các bác sĩ).
2. Quan điểm phân tâm
Xét bề ngoài, cuộc đời của Judy không khác bao nhiêu so với mọi người. Tuy vậy phải chăng một số phương diện trong cuộc sống quá khứ trước đây của bà, đến chính bản thân bà cũng không biết rõ, đã khiến cho bà có hành vi ứng xử kỳ lạ như vậy? Quan điểm phân tâm về hành vi ứng xử bất bình thường cho rằng nguyên nhân đó có thể xảy ra.
Trong khi quan điểm y học cho rằng các nguyên nhân sinh lý là nguồn gốc gây ra hành vi bất bình thường, thì quan điểm phân tâm (psycho analytic model) chủ trương rằng hành vi ứng xứ bất bình thường phát sinh từ các xung đột trong thời thơ ấu do những khao khát chóng đối liên quan đến tình dục và tính gây hấn. Như chúng ta đã thảo luận ở chương 11, Freud tin rằng trẻ trải qua một số giai đoạn trong đó các xung động tình dục và gây hấn xuất hiện dưới các hình thức khác nhau và cần phải được giải quyết dứt khoát. Nên các xung đột trong thời thơ ấu ấy không được giải quyết thỏa đáng, chúng sẽ ẩn nấp trong vô thức, đế rồi có dịp chúng sẽ xuất hiện dưới dạng hành vi ứng xử bất bình thường lúc trưởng thành.
Để tìm hiểu nguồn gốc gây ra rối loạn tâm lý của một cá nhân, quan điểm phân tâm chủ trương tìm hiểu cặn kẽ diễn biến cuộc đời của người ấy hồi nhỏ tuổi. Thí dụ, nếu chúng ta biết thêm nhiều chi tiết hơn nữa về thời thơ ấu của Judy Smith, chúng ta có thể khám phá được những kinh nghiệm nào đã gây ra những mối bất an và xung đột khó giải quyết ở tuổi trưởng thành của bà. Dĩ nhiên, rất khó minh chứng một quan hệ trực tiếp giữa các kinh nghiệm thơ ấu với các hành vi bất bình thường sau này – và đây chính là một trong những lý lẽ phê phán chủ yếu đối với lý thuyết phân tâm. Bởi vì không có một phương thức dứt khoát nào nối kết các kinh nghiệm thơ ấu của con người với các hành vi bất bình thường của họ lúc trưởng thành, nên chúng ta sẽ không bao giờ dám chắc rằng các cơ chế đối phó do lý thuyết phân tâm đề nghị là chính xác. Ngoài ra, giống như quan điểm y học lý thuyết phân tâm cũng cho rằng con người không đủ khả năng chi phối hành vi của bản thân và rằng các hành vi ấy được hướng dẫn bởi các xung động vô thức. Và do đó, hàm ý rằng việc chữa trị lệ thuộc vào con người chứ không lệ thuộc vào các sự kiện phô bày qua hành vi của họ.
Ngược lại các đóng góp của lý thuyết phân tâm thật là lớn lao. Hơn bất kỳ quan điểm nào về hành vi ứng xử bất bình thường, quan điểm này nêu bật sự kiện con người có cuộc sống nội tâm hàm súc và phong phú, và rằng các kinh nghiệm trước đây trong cuộc sống có thể ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động tâm lý hiện thời của con người.
3. Quan điểm hành vi ứng xử
Quan điểm y học và quan điểm phân tâm có chung cách nhìn đối với các rối loạn tâm lý biểu hiện qua hành vi ứng xử. Cả hai quan điểm đều xem các hành vi bất bình thường là các triệu chứng (symptoms) của một rối loạn căn bản nào đó. Ngược lại, quan điểm hành vi ứng xứ về tình trạng bất bình thường (behavioral model of abnormality) cho rằng bản thân hành vì mới chính là rối loạn cần phải giải quyết. Theo các lý thuyết gia này, người ta không cần phải tìm hiểu vượt ra ngoài phạm vi biểu lộ các hành vi bất bình thường của con người, hoặc không cần phải tìm hiểu vượt ra ngoài phạm vi hoàn cảnh có thể tìm hiểu được này, và chính cái hoàn cảnh này thực ra đã làm biến đổi hành vi của con người.
Vận dụng các nguyên tắc tiến trình học hỏi mà chúng ta đã thảo luận ở Chương 5. Các lý thuyết gia hành vi có thể giải thích được nguyên nhân khiến cho con người có hành vi ứng xử bất bình thường – hoặc bình thường. Cả hai loại hành vi bình thường cũng như bất bình thường đều được xem là các phản ứng tiêm nhiễm qua kinh nghiệm quá khứ và được định hướng phát sinh trong hiện tại bởi những kích thích xuất hiện trong hoàn cảnh sống của con người Thật ra, trong hình thức cực đoan của nó, lý thuyết hành vi bác bỏ quan niệm cho rằng điều quan trọng là phải tìm hiểu xem con người đang suy nghĩ điều gì. Mà điều tối hệ trọng theo các lý thuyết gia hành vi là phải tìm hiểu xem người ta đã tập nhiễm hành vi bất bình thường ra sao để giải thích cho được nguyên nhân gây ra hành vi ấy. Thí dụ, quan điểm hành vi sẽ giải thích trường hợp tránh né tiếp xúc với người lạ gây ra bởi tình trạng vụng về trong khả năng giao tế xã hội. Trường hợp này có thể chữa trị bằng cách dạy cho cá nhân ấy các kỹ thuật mào đầu cuộc đối thoại, vận dụng các biểu lộ nét mặt thích hợp, và hành xử như là một người biết lắng nghe. Ngược lại, các khảo hướng khác sẽ nỗ lực xác định các nguyên nhân căn bản khiến cho một người có hành vi tránh né tiếp xúc với người khác.
Sự nhấn mạnh vào hành vi công khai quan sát được chính là ưu điểm lớn nhất cũng là nhược điểm lớn nhất của quan điểm tác phong. Do chú trọng đến hiện tại, nên quan điểm này là một quan điểm chính xác và khách quan nhất trong việc chẩn đoán các biểu hiện của hành vi ứng xử bất bình thường, thay vì xây dựng giả thuyết về một cơ chế vô hình, căn bản, và tinh vi để giải thích hành vi ứng xử bất bình thường, các lý thuyết gia tác phong chỉ chú trọng đến các hành vi mới vừa diễn ra tức thời. Họ đã xây dựng được nhiều kỹ thuật (đề cập ở chương kế tiếp) chữa trị thành công các hành vi bất bình thường.
4. Quan điểm tiến trình trí tuệ
Giống như lối giải thích của quan điểm y học và quan điểm phân tâm, các lý thuyết tác phong xem hành vi của con người gây ra bởi các nhân tố phần lớn vượt khỏi phạm vi kiểm soát của họ. Nhưng đối với nhiều nhà phê bình thì một sự kiện mà chúng ta không thể bỏ qua được là trên thực tế con người có những ý nghĩ vừa phức tạp vừa không quan sát được ảnh hưởng đến hành vi cư xử của mình.
Để hưởng ứng các ưu tư đó, hiện nay một số lý thuyết gia vận dụng quan điểm tiến trình trí tuệ để giải thích tình trạng bất bình thường (cognitive model of abnormality). Thay vì chỉ xét đến hành vi bề ngoài như quan điểm tác phong truyền thống, quan điểm này giả định rằng các tiến trình trí tuệ (cognitions, tức là các ý nghĩ và niềm tin của con người) là nguồn gốc phát sinh hành vi của con người. Mục tiêu căn bản của việc chữa trị hành vi ứng xử bất bình thường theo quan điểm tiến trình trí tuệ là công khai dạy người ta lối tư duy và niềm tin mới. Bởi vì quan điểm này xem tiến trình học tập là một thành phần trọng yếu, nên nó được xem là khảo hướng trí tuệ – tác phong (cognitive – behavioral approach).
Chẳng hạn, hãy tìm hiểu trường hợp một sinh viên có ý nghĩ sai lầm rằng “kỳ thi này quyết định tương lai của tôi” vào bất cứ kỳ thi nào, và do hậu quả lo âu quá mức cô không thế nào thi triển hết sở năng của mình được. Theo khảo hướng tiến trình trí tuệ, người sinh viên này nên được truyền thụ một lối suy nghĩ khác (và thực tiễn hơn) là: “toàn bộ tương lai tôi không lệ thuộc vào kỳ thi duy nhất này”. Mặc dù các nguyên tắc căn bản của lý thuyết tiến trình học tập được vận dụng, nhưng mục tiêu cải biến hành vi ở đây chính là thay đổi cách tư duy, cải biến ý nghĩ. Sự dung hòa hai khảo hướng tác phong và tiến trình trí tuệ đã dẫn đến những tiến bộ quan trọng trong việc chữa trị các rối loạn tâm lý, như chúng ta sẽ thấy ở chương 13.
5. Quan điểm nhân bản
Bạn có thể thắc mắc tự hỏi liệu có một quan điểm nào xem con người có đầy đủ khả năng kiểm soát hành vi của mình không. Đó là một nghi vấn hợp lý sau khi đã tìm hiểu qua 4 quan điểm mà chúng ta vừa thảo luận. Theo các khảo hướng ấy, cá nhân dù nhiều hay ít đều bị xem là quân tốt đen, bị vây hãm bởi các rối loạn sinh lý, các xung đột vô thức, các kích thích trong hoàn cảnh sống, hoặc các lối suy nghĩ sai lạc chúng chi phối và thúc đẩy hành vi phát sinh.
Ngược lại, các nhà tâm lý tán thành quan điểm nhân bản về tình trạng bất bình thường (humanistic model of abnormnality). Chú trọng đến khả năng kiểm soát và trách nhiệm mà con người phải đảm nhận đối với hành vi của bản thân họ, cho dù hành vi ấy là bất bình thường đi nữa. Quan điểm nhân bản chú trọng đến thứ nhân cách độc đáo chỉ con người mới có, tức là trên căn bản xem con người tư duy hợp lý, được định hướng nhắm đến một ngoại giới gồm các tương tác xã hội, và được thúc đẩy phải sống hòa thuận với tha nhân.
Mặc dù có rất nhiều lý thuyết nhân bản khác biệt nhau, nhưng nói chung các lý thuyết này đều chú trọng vào mối quan hệ của con người với thế giới chung quanh, vào những cách thức mà con người nhận định bản thân trong mối quan hệ với tha nhân và nhận định chỗ đứng của bản thân họ trong cái thế giới ấy theo ý nghĩa triết học. Mọi người đều hiểu rõ cuộc sống và bản thân mình, chính điều này khiến con người ra sức tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống và giá trị bản thân. Hành vi ứng xử gọi là bất bình thường chỉ là một dấu hiệu cho thấy tình trạng không đủ khả năng thỏa mãn những thứ nhu cầu và năng lực nhân bản ấy của con người. Ngoài ra, khảo hướng nhân bản có một quan điểm ít hợp lý hơn nhiều đối với hành vi bất bình thường so với các khảo hướng khác. Thay vì chủ trương rằng việc “chữa trị là cần thiết, quan điểm nhân bản cho rằng nói chung con người có khả năng đặt giới hàm cho hành vi chấp nhận được đối với bản thân. Bao lâu họ không làm điều gì tổn thương cho người khác và gây khốn khổ cho bản thân, thì bấy lâu người ta phải được tự do chọn lựa thái độ sống. Chỉ khi nào con người cảm thấy hành vi ứng xứ của mình cần được cải sửa thì họ mới phải quan tâm đến việc đảm nhận trách nhiệm cải sửa ấy. Phương pháp thực hiện việc cải sửa ấy là thăm dò để tìm cho được phương thức nào giúp con người đạt được mức tự thỏa mãn cao hơn.
Như vậy, quan điểm nhân bản tìm hiểu hành vi ứng xử bất bình thường dưới một nhãn quan tích cực hơn các quan điểm mà chúng ta đã thảo luận trên đây. Thay vì giả định rằng có điều gì bất ổn đới với một cá nhân, các lý thuyết gia nhân bản xem hành vi ứng xử bất bình thường như là một phản ứng có thể hiểu được đối với các định hướng phát sinh trong đời sống hàng ngày của con người. Ngoài ra, quan điểm nhân bản cho rằng con người có khá nhiều khả năng kiểm soát cuộc sống của mình và có khả năng tìm hiểu để có thể quyết định chọn lựa hợp lý nhằm khắc phục các tình huống khó khăn gặp phải.
Quan điểm nhân bản cũng không tránh khỏi bị phê phán. Quan điểm này đã bị chỉ trích vì thái độ tin cậy vào các thông tin thiếu khoa học và không thể chứng minh được, cũng như cách trình bày mơ hồ gần như có tính triết lý về các khái niệm như niềm khao khát của con người và “sự thỏa mãn các nhu cầu của nhân loại”. Dù bị phê phán như thế, lý thuyết nhân bản cống hiến một quan điểm nhấn mạnh đến những khía cạnh độc đáo của nhân loại cũng như đề nghị nhiều biện pháp quan trọng nhằm giúp đỡ cho những người bị các rối loạn tâm lý.
6. Quan điểm văn hóa xã hội
Quan điểm văn hóa xã hội về tình trạng bất bình thường (socio–cultural model of abnormality) giả định rằng hành vi ứng xử của con người – cả bình thường lẫn bất bình thường – đều được định hình bởi tầng lớp xuất thân của gia đình, xã hội, và nền văn hóa mà con người đang sống. Tất cả chúng ta đều là một phần tử trong một hệ thống xã hội bao gồm gia đình, bạn bè, người quen biết, và thậm chí những người xa lạ; và các loại quan hệ nảy sinh với tha nhân như thế có thể tạo điều kiện cho các hành vi bất bình thường và thậm chí còn khiến cho các hành vị này phát sinh nữa. Như vậy, theo quan điểm văn hóa xã hội thì các loại căng thẳng và xung đột mà con người trải qua – không liên hệ đến các tiến trình vô thức, mà là một bộ phận trong các tương tác thường ngày với hoàn cảnh sống của con người – có thể kích thích và duy trì các hành vi bất bình thường.
Một số người đề xướng quan điểm này còn chủ trương cực đoan rằng trên thực tế không có loại hành vi nào là bất bình thường cả. Mặc dù những người vi phạm các nguyên tắc xã hội có thể bị xã hội gọi là có hành vi bất bình thường, nhưng thực ra những cá nhân ấy không có gì bất ổn cả. Đúng ra, chính xã hội mới có điều bất ổn bởi vì nó không sẵn lòng khoan dung đối với các hành vi lệch lạc.
Để bênh vực lập trường cho rằng các nhân tố văn hóa xã hội định hình hành vi ứng xứ bất bình thường, các lý thuyết gia viện dẫn các số liệu thống kê cho thấy một số hành vi bất bình thường thịnh hành ở một số xã hội hơn so với các xã hội khác và thời kỳ kinh tế suy sụp thường đi đối với tình trạng xuống dốc trong đời sống tâm lý mọi người nói chung.
Thí dụ, các phần tử thuộc các tầng lớp có tình trạng kinh tế xã hội thấp kém thường dễ mắc phải chứng tâm thần phân liệt hơn so với tầng lớp giàu sang, và tỷ lệ người da đen bị cưỡng bách nhập viện vì các rối loạn tâm lý cao hơn người da trắng. Lý do có lẽ liên hệ đến cách nhận định của những người chẩn đoán đối với hành vi bất bình thường. Những người chẩn đoán này thường là các bác sĩ tâm thần và các nhà tâm lý vốn là người da trắng và xuất thân từ các tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Mặt khác, có lẽ các phần tử thuộc tầng lớp thấp kém về kinh tế xã hội chịu đựng nhiều stress hơn so với những người thuộc tâng lớp thượng lưu. Dù nguyên nhân có là gì đi nữa, thường vẫn có một mối quan hệ giữa các nhân tố văn hóa xã hội với các hành vi bất bình thường, và mối quan hệ ấy có lẽ là mối quan hệ nhân quả.
Giống như các lý thuyết khác, quan điểm văn hóa xã hội không hoàn toàn hợp lý. Có rất nhiều cách giải thích khác đối với mối quan hệ giữa hành vi bất bình thường với các nhân tố xã hội. Thí dụ, so với tầng lớp thượng lưu những người thuộc các tầng lớp thấp kém thường không chịu chữa trị, mãi đến khi các triệu chứng trở nên khá nghiêm trọng họ mới chịu chữa trị, và đến lúc ấy thực chất họ đã bị bệnh nặng rồi. Ngoài ra, các lý giải theo quan điểm vãn hóa xã hội tương đối ít cống hiến một hướng dẫn trực tiếp cho việc chữa trị những cá nhân có triệu chứng bị rối loạn tâm trí, bởi vì trọng tâm của các lý giải này hướng vào các nhân tố xã hội có tính bao quát hơn.