Tâm lý học căn bản - Chương 12 - Phần 3
7. Ứng dụng các quan điểm nêu trên vào trường hợp Judy Smith
Chúng ta đã khởi đầu chương này bằng thảo luận về trường hợp Judy Smith. Có lẽ bạn sẽ thắc mắc không hiểu quan điểm nào trong số các quan điểm vừa nêu giúp chúng ta hiểu rõ nhất hành vi ứng xử của bà. Thực ra, có lẽ bạn đang tìm kiếm lời giải đáp cho một nghi vấn bao quát hơn: Lý thuyết nào trong số các khảo hướng này cống hiến một quan điểm giải thích sáng tỏ nhất đối với hành vi ứng xử bất bình thường nói chung?
Giải đáp thích hợp nhất cho cả hai câu hỏi này thực ra là tất cả các quan điểm ấy đều hợp lý và đều vận dụng có lợi cả. Giống như các chuyên ngành khác trong bộ môn tâm lý học, các nhà tâm lý đã khám phá rằng có nhiều biện pháp giải quyết hiệu quả các khó khăn gây ra bởi các hành vi bất bình thường. Như chúng ta sẽ thấy, các quan điểm khác nhau đã sử dụng những biện pháp hiệu quả và thích hợp nhằm giải quyết các rối loạn tâm lý. Thực ra, người ta có thể sử dụng các quan điểm nói trên đồng thời để giải quyết nhiều phương diện khác nhau thuộc một rối loạn tâm lý nhất định.
Hãy xem xét trường hợp Judy Smith. Người đề xướng quan điểm y học có thể khuyên nên kiểm tra sức khỏe của Smith để xác định xem bà có bị rối loạn gì trong cơ thể – như nghiện cocaine hay heroin, bị khối u trong não bộ, mất cân bằng hóa chất trong não bộ, hoặc một loại bệnh nào khác chẳng hạn – có thể giải thích hành vi ứng xử bất bình thường của bà không.
Lý thuyết gia phân tâm sẽ chọn một biện pháp khác hẳn, tìm hiểu các thông tin về quá khứ của Smith, chú trọng đến thời thơ ấu của bà và thăm dò ký ức của bà để xác định bản chất các xung đột đang ẩn náu trong vô thức của bà. Còn lý thuyết gia hành vi sẽ dùng một biện pháp khác nữa, chú trọng đến bản chất các phần thưởng và hình phạt mà Smith đã nhận được do cách ứng xử của bà, và cũng tìm hiểu các kích thích trong hoàn cảnh sống đã duy trì hoặc khích lệ lối ứng xử của bà. Thí dụ, cuộc sống ngoài đường phố của Smith đã khiến cho bà thành trọng tâm chú ý của cư dân vùng ngoại ô nơi bà đang sống.
Ngược lại, những người bênh vực quan điểm tiến trình trí tuệ sẽ chú trọng đến cách tư duy về ngoại giới của Smith. Họ sẽ đánh giá các nhận thức về ngoại giới của bà để tìm hiểu xem bà làm sao có được những ý nghĩ sai lạc như thế. Cuối cùng, các khảo hướng nhân bản và văn hóa xã hội sẽ chú trọng đến quan điểm về bản thân của Smith, trong mối quan hệ với tha nhân và thế giới chung quanh nói chung.
Các lý thuyết gia nhân bản có lẽ sẽ cho rằng, qua lối sống lang thang ngoài đường phố và thái độ khước từ việc chữa trị trong bệnh viện, Smith đã thực hiện một loạt các chọn lựa – dù các chọn lựa ấy không theo quy ước xã hội – về lối sống ưa chuộng của mình. Ngược lại, các lý thuyết văn hóa xã hội sẽ chú trọng đến những cách thức mà xã hội đã góp phần gây ra các khó khăn cho Smith, tìm hiểu xem các mối quan hệ của bà với tha nhân diễn ra thế nào, các khó khăn kinh tế nào có thể đã xảy ra cho cuộc sống của bà, cơ cấu gia đình, và bối cảnh văn hóa ảnh hưởng ra sao đến lối ứng xử của bà. Lý thuyết gia văn hóa xã hội tán thành quan điểm cực đoan có thể chủ trương rằng tình trạng không nhà là một lối sống hợp pháp như mọi lối sống khác và xã hội không nên can thiệp vào sở thích của Smith.
Như bạn thấy, tìm cách minh chứng cho một lý thuyết không hàm ý khắng định rằng các lý thuyết khác là sai lầm. Mỗi lý thuyết chú trọng đến những khía cạnh hơi khác biệt nhau trong cách ứng xử và lối sống của Smith. Dĩ nhiên, nếu như bối cảnh cuộc sống của bà được phân tích thật sâu sắc, thì có lẽ sau cùng một lý thuyết nào đó sẽ cống hiến một lời giải thích khả quan hơn các lý thuyết khác. Thế nhưng, bởi vì các lý thuyết nói trên tìm hiểu hành vi ứng xứ bất bình thường ở các mức độ khác nhau, và bởi vì cuộc sống của con người có rất nhiều mặt khác nhau, nên một khảo hướng duy nhất sẽ không đủ sức cống hiến một lối lý giải hoàn bị đối với hành vi ứng xử bất bình thường của con người vậy.
THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ CỦA TLH: PHẢI CHĂNG BẠN CẢM THẤY MÌNH CÓ HÀNH VI ỨNG XỬ BẤT BÌNH THƯỜNG?
Khi chúng ta kết thúc phần giới thiệu này về hành vi ứng xử bất bình thường và khởi đầu tìm hiểu cách phân loại cùng biện pháp chữa trị đặc biệt của nó, điều quan trọng là nên lưu ý đến một hiện tượng phổ biến từ lâu trong giới sinh viên y khoa, và có lẽ bạn cũng dễ mắc phải – đó là bệnh nghề nghiệp của giới sinh viên y khoa (medical student's disease). Mặc dù trong trường hợp ở đây có lẽ nên gọi là “bệnh nghề nghiệp của giới sinh viên tâm lý”, nhưng các triệu chứng căn bản trong trường hợp này cũng không khác gì: Tức là các triệu chứng khiến bạn khắng định bản thân mắc phải các rối loạn mà bạn đang ra sức học tập.
Dĩ nhiên, các ưu tư của bạn nói chung thường sẽ không có gì xác thực cả. Như chúng ta đã thảo luận, các điểm dị biệt giữa hành vi ứng xử bình thường và bất bình thường luôn luôn quá mờ nhạt đến mức rất dễ khiến người ta vội vàng kết luận rằng một lối ứng xứ nào đó có các triệu chứng tương tự với các dạng rối loạn tâm trí nghiêm trọng.
Dù vậy, trước khi đi đến một kết luận như thế, điều quan trọng là phải ghi nhớ rằng đôi khi trong đời tất cả chúng ta đều đã từng nếm qua rất nhiều trạng thái tình cảm cũng như kinh nghiệm chủ quan, và thực không lạ lùng gì khi chúng ta cảm thấy mình gặp bất hạnh sâu sắc, đã tưởng tượng các tình huống kỳ quặc, hoặc cảm thấy lo âu trước các hoàn cảnh gặp phải trong cuộc sống. Chính tình trạng kéo dài, tác động sâu sắc và tính nhất quán của các lối ứng xử ấy đã khiến cho các phản ứng bình thường thành ra khác biệt với các phản ứng bất bình thường. Nếu trước đây bạn chưa từng nghi ngờ nghiêm trọng về tính chất bình thường trong lối ứng xử của bản thân bạn, thì không chắc rằng việc tìm hiểu và nhận định tình trạng bất bình thường trong hành vi ứng xử của người khác sẽ thúc đẩy bạn nhanh chóng đánh giá lại các kết luận trước đây của mình.
8. Tóm tắt và học ôn II
A. TÓM TẮT
– Về mặt sử học, hồi ban đầu người ta cho rằng hành vi ứng xử bất bình thường có liên hệ đến óc mê tín và ma thuật.
– Các lý thuyết hiện đại tìm hiểu tình trạng bất bình thường theo 6 quan điểm chủ yếu là: quan điểm y học, quan điểm phân tâm, quan điểm hành vi, quan điểm tiến trình trí tuệ, quan điểm nhân bản, và quan điểm văn hóa xã hội.
– Đối với nghi vấn liệu quan điểm nào cống hiên lối giải thích sáng tỏ nhất về hành vi ứng xứ bất binh thường, cách giải đáp hợp lý nhất là ghi nhớ rằng mỗi quan điểm nêu trên đều vận dụng có lợi cả.
B. HỌC ÔN
1/ Câu nào dưới đây là lập luận chống đối quan điểm y học mạnh mẻ nhất?
a. Các trường hợp bất bình thường sinh lý hầu như không thể xác định được.
b. Không có biện pháp dứt khoát nào liên kết kinh nghiêm quá khứ với lối ứng xử hiện tại.
c. Quan điểm y học căn cứ quá nhiều vào ảnh hưởng của yếu tố dưỡng dục.
d. Việc gán cho hành vi ứng xử có nguyên nhân rắc rối sinh lý khiến cho cá nhân không còn chịu trách nhiệm về hành động của mình nữa.
2/ Quan điểm nào cho rằng hành vi ứng xử được định hình bởi các tương tác của con người với tha nhân?
3/ Chúng ta vận dụng quan điểm nào khi nói rằng tình trạng trầm cảm kéo dài (lingering depression) của một người nào đó là do người ấy không có khả năng tìm ra được ý nghĩa cuộc sống của mình?
4/ Cheryl là một cô bé vô cùng nhút nhát Theo quan điểm hành vi, biện pháp hữu hiệu nhất để giúp cô khắc phục được lối ứng xử “bất bình thường” ấy là:
a. Chữa trị rối loạn cơ thể căn bản của cô bé.
b. Vận dụng các nguyên tắc trong lý thuyết tiến trình học tập để cải biến lối ứng xứ nhút nhát của cô.
c. Tỏ ra quan tâm đến cô rất nhiều.
d. Tìm hiểu các kinh nghiệm quá khứ u ám cửa cô bằng thôi miên.
5/ Sigmund Freud liên hệ mật thiết nhất với.
a. quan điểm y học
b. quan điểm phân tâm
c. quan điểm hành vi
d. quan điểm nhân bản
6/ Giả sử một người quen biết của bạn vữa mới bị bắt về tội trộm một chiếc cà vạt trị giá 10, 95 đôla trong cửa hàng. Hãy giải thích ngắn gọn hành vi của anh ta theo từng quan điểm dưới đây
a. quan điểm y học
b. quan điểm phân tâm
c. quan điểm hành vi
d. quan điểm tiến trình trí tuệ
e. quan điểm nhân bản
f. quan điểm văn hóa xã hội
7/ Cảm thấy mắc phải các rắc rối của một người khác do hậu quả của việc tìm hiểu và nhận định các rắc rối ấy. Tình trạng này được gọi là...
C. CÂU HỎI TỰ VẤN
Nếu không một quan điểm nào được xem là chính xác hoàn toàn, thì liệu các quan điểm ấy có ích lợi cho việc chẩn đoán không? Vấn đề sẽ ra sao nếu như các quan điểm này hợp nhất thành một lý thuyết thống nhất về hành vi ứng xứ bất bình thường?
(Giải đáp câu hỏi ôn ở cuối chương)
III. PHÂN LOẠI HÀNH VI ỨNG XỬ BẤT BÌNH THƯỜNG – CÁC ĐIỂM CĂN BẢN VỀ TÀI LIỆU DSM–IV
Điên khùng. Rồ dại. Mất trí. Thác loạn thần kinh. Kỳ quái. Mát. Cuồng. Bị ma ám.
Từ lâu xã hội đã dùng nhiều hình dung từ khác nhau để gọi những người có hành vi ứng xử bất bình thường. Không may thay, nói chung các hình dung từ này đều phản ảnh tình trạng thiếu lòng khoan dung, và các tên gọi ấy được dùng một cách khá tùy tiện.
Gọi tên rồi xếp loại chính xác và cụ thể các hành vi ứng xử bất bình thường là một thách đố lớn lao đối với các nhà tâm lý. Do các khó khăn mà chúng ta đã thảo luận trên đây khi phân biệt đơn thuần giữa hành vi ứng xử bình thường và bất bình thường, thật không khó hiểu lý do khiến cho công tác này được xem là một thách đố như thế. Tuy vậy, các hệ thống xếp loại cũng cần thiết để miêu tả và sau cùng để hiểu rõ được hành vi ứng xử bất bình thường.
Qua nhiều năm tháng người ta đã sử dụng nhiều hệ thống xếp loại khác nhau, chúng khác biệt nhau về mặt công dụng và mức độ phổ biến đối với các viên chức trong ngành y tế tâm thần. Tuy nhiên, hiện nay nổi bật nhất là một hệ thống tiêu chuẩn được soạn thảo bởi Hiệp hội Bác sĩ tâm thần Mỹ (American Psychiatric Assodation), được hầu hết các nhà chuyên môn sử dụng để xếp loại các hành vi ứng xử bất bình thường. Hệ thống xếp loại này được phản ảnh trong một tài liệu gọi là cẩm nang chẩn đoán và lập thống kê các dạng rối loạn tâm trí, phát hành lần thứ tư (Diagnostic and Stailstical Manual of Mental disorders, Fourth Edition – viết tắt là DSM – IV).
Phát hành năm 1987, tài liệu DSM – IV trình bày các định nghĩa súc tích và khá chính xác cho hơn 200 loại chẩn đoán khác nhau. Nhờ tuân thủ các tiêu chuẩn phản ảnh trong hệ thống này, các nhà chẩn đoán có thể cống hiến một miêu tả sáng tỏ đối với một rối loạn đặc biệt mà một cá nhân đang mắc phải (Bảng 12. 1. trình bày sơ lược các loại chẩn đoán chủ yếu).
Tài liệu DSM–IV đánh giá hành vi ứng xử của con người theo 5 chiều kích. Ba chiều kích đầu tiên nhằm đánh giá tình trạng hiện tại của con người tùy theo các hành vi thích nghi sai lạc đặc biệt đã biểu lộ ra; đánh giá bản chất của bất kỳ dạng rối loạn nhân cách lâu dài nào ở người trưởng thành hoặc của bất kỳ dạng rối loạn phát triển ở thiếu nhi và thanh thiếu niên có thể cần được chữa trị; và đánh giá bất kỳ rối loạn hay bệnh nào về mặt cơ thể hiện hữu ở người bị rối loạn tâm trí. Còn các chiều kích thứ 4 và thứ 5 lại quan tâm tìm hiểu bao quát hơn về con người, chú trọng đến tính nghiêm trọng của các tác nhân gây căng thẳng trong hiện tại cũng như đến mức độ hành xứ tổng quát trong năm qua về mặt các quan hệ xã hội, công việc làm, và cách sử dụng thời giờ nhàn rỗi của con người.
Một khía cạnh đáng lưu ý của tài liệu DSM–IV là nó được sáng tạo chủ yếu nhằm miêu tả và tránh đề cập đến các nguyên nhân căn bản khiến con người có lối ứng xử nào hay gặp rắc rối gì. Do đó, thuật ngữ “loạn trí” (neurotic) thường được mọi người dùng thường ngày để chỉ hành vi ứng xử bất bình thường không được xếp vào một phân loại nào trong tài liệu DSM–IV. Lý do là thuật ngữ “loạn trí” ấy phát xuất trực tiếp từ lý thuyết nhân cách của Freud (đã được thảo luận ở chương 11). Bởi vì thuật ngữ này đề cập đến các dạng rối loạn liên hệ đến một nguyên nhân đặc biệt và một khảo hướng lý thuyết đặc biệt, nên chứng loạn trí (neurosis) không còn được xếp vào một loại bệnh trong tài liệu này nữa.
BẢNG 12–1
Các loại rối loạn chủ yếu
được chẩn đoán theo tài liệu DSM – IV
Liệt kê dưới đây về các rối loạn phản ảnh các phân loại chính trong tài liệu DSM–IV, trình bày theo thứ tự các dạng rối loạn được thảo luận trong bài giảng này. Đây chỉ là một đoạn trong bảng liệt kê gồm hơn 200 loại rối loạn tìm thấy trong tài liệu DSM –IV.
* Các rối loạn dạng lo âu (anxiety disorders, các rối loạn trong đó tình trạng lo âu gây trở ngại cho sinh hoạt thường ngày).
Phân loại: Rối loạn dạng lo âu vô cớ (generalized anxiety disorder), rối loạn dạng kinh hãi (panic disorder), rối loạn ám ảnh sợ hãi (phobic disorder), rối loạn dạng ám ảnh cưỡng bách (obsessive – compseisive disorder), rối loạn dạng căng thẳng sau chấn thương (post traumatic stress disorder).
* Các rối loạn biểu hiện ở cơ thể(somatoform disorders, các rối loạn tâm lý biểu hiện dưới dạng các rối loạn cơ thể).
Phân loại: Bệnh tưởng (hypochondriasis), rối loạn chuyển dạng (conversion disorder).
* Các rối loạn dạng phân ly(dissociative disorders, tình trạng tách biệt các bộ phận chủ yếu thuộc nhân cách bình thường vốn hợp nhất với nhau).
Phân loại: Chứng đa nhân cách (dissociative identity/multiple personality disorder), chứng mất trí nhớ phân ly (dissociative amnesia), chứng loạn trí bỏ nhà ra đi (dissociative fugue).
* Các rối loạn tâm trạng (mood disorders, các tâm trạng trầm cảm hay sảng khoái mãnh liệt đến mức gây trở ngại cho sinh hoạt thường ngày).
Phan loại: Trầm cảm nặng (major depression), rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder).
* Chứng tâm thần phân liệt(schizophrenia, tình trạng sa sút hoạt động và tư duy, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn nhận thức, rối loạn tình cảm, và xa lánh mọi người).
Phân loại: Các chứng tâm thần phân liệt thể thanh xuân, hoang tưởng, tăng trương lực, bất định, dạng khác (disorganized, paranoid, catatonic, undiffesentiated, residual).
* Các rối loạn nhân cách (personality disorders, các dạng rối loạn tuy ít gây đau khổ cho bản thân nhưng lại khiến cho người ta thiếu khả năng hành xử hữu hiệu như một thành viên bình thường trong xã hội).
Phân loại: Rối loạn nhân cách chống lại xã hội (antisociavsociopathic personality disorder), rối loạn nhân cách tự mê (narcissistic personality disorder).
* Rối loạn tình dục (sexual disorders, các rối loạn liên hệ đến cơn thức tỉnh tình dục do các đối tượng và/hoặc các rắc rối kỳ lạ có liên hệ đến sinh hoạt tình dục).
Phân loại: Chứng tình dục đồi trụy (paraphilias), chứng rối loạn chức năng tình dục (sexual dysfunction).
* Các rối loạn liên hệ đến gây nghiện (substance – related disorders, các rối loạn liên hệ đến tình trạng nghiện ngập và lạm dụng ma túy).
Phân loại: Rượu, cocaine, chất gây ảo giác, cần sa.
* Chứng mê sảng (delirium), sa sút trí tuệ (dementia), mất trí nhớ (amnesia), và các dạng rối loạn trí tuệ khác.
Như vậy, tài liệu DSM–IV có ưu điểm là đã đưa ra một hệ thống miêu tả không nêu rõ nguyên nhân hoặc lý do ẩn đằng sau các rối loạn. Thay vì thế, nó phác họa một bức tranh về lối cư xử đã được biểu lộ ra. Tại sao phải xem điều này là quan trọng? Một mặt, nó cho phép thông đạt giữa các nhà chuyên môn có bối cảnh và phương pháp tiến hành khác nhau, cũng như không đề nghị tức thời rằng chỉ có một cách chữa trị thích hợp duy nhất đối với một rối loạn nào đó. Một điểm quan trọng khác là sự phân loại chính xác giúp cho các nhà nghiên cứu tiến xa hơn nữa trong việc thăm dò các nguyên nhân gây ra các rối loạn. Nếu như các biểu lộ của một lối ứng xử bất bình thường không được miêu tả một cách đáng tin cậy, thì các nhà nghiên cứu sẽ buộc lòng mất thêm công sức để tổ chức điều tra nhằm tìm hiểu rõ các dạng rối loạn, và sẽ không được rảnh tay nghiên cứu sâu xa hơn. Cuối cùng, tài liệu DSM–IV trình bày một cẩm nang khái niệm nhờ đó các nhà chuyên môn có thể miêu tả các lối cư xử có khuynh hướng xảy ra đồng thời ở cùng một cá nhân.
Một điểm cũng quan trọng cần phải lưu ý là tài liệu DSM–IV được soạn thảo theo cách thức được cập nhật định kỳ. Việc làm này phản ảnh sự kiện cho rằng những thay đổi trong xã hội ảnh hưởng đến những lối cư xử nào được xem là bất bình thường. Người ta dự kiến sẽ cập nhật định kỳ tài liệu DSM–IV trong tương lai.
Dĩ nhiên, giống như bất kỳ hệ thống phân loại nào khác tài liệu DSM cũng có các nhược điểm. Có lẽ phê phán dữ dội nhất là phê phán cho rằng hệ thống này quá căn cứ vào quan điểm y học. Do được soạn thảo bởi các bác sĩ tâm thần – vốn là các nhà chuyên môn về y học – nên nó bị chỉ trích là nhận định các lối cư xử bất bình thường chủ yếu theo các triệu chứng của một rối loạn sinh lý căn bản nào đó. Ngoài ra, một số nhà phê phán còn cho rằng tài liệu DSM đã xếp con người vào các chủng loại thiếu linh động, và rằng sẽ hợp lý hơn khi sử dụng các hệ thống xếp loại con người theo một loại thang đánh giá nào đó.
Các ưu tư khác về phương pháp của DSM thì tuy tế nhị hơn nhưng cũng không kém phần quan trọng. Chẳng hạn, Szasz (1961) cho rằng việc gọi một cá nhân là người có cư xử lệch lạc đã bôi một vết nhơ lên cuộc đời của người đó, hạ thấp nhân phẩm của con người. Ngoài ra, đối với bản thân việc chẩn đoán có một khuynh hướng sai lầm về việc giải thích một dạng rối loạn khi chẩn đoán. Thí dụ, giả sử một phụ nữ bị chứng tâm thần phân liệt nghe được tiếng nói từ hư vô khiến cho việc chẩn đoán hóa ra như chứng tâm thần phân liệt này là một lối giải thích cho lối cư xử của bà ta vậy – trong khi trên thực tế chứng tâm thần phân biệt chỉ đơn thuần là một tên gọi mà không trình bày một manh mối nào về nguyên nhân khiến cho người phụ nữ này nghe được các tiếng nói từ hư vô cả. Hơn nữa, sau khi đã thực hiện một chẩn đoán sơ khởi, thì các khả năng chẩn đoán khác có thể không còn được chú ý đến nữa. Bởi vì các nhà chuyên môn y tế tâm thần chỉ chú trọng đến loại chẩn đoán ban đầu mà thôi.
Ý kiến cho rằng các phân loại chẩn đoán gán cho bệnh nhân các danh hiệu cứng nhắc được minh họa trong một thí nghiệm hiện nay được xem là cổ điển được tổ chức vào đầu thập niên 1970. Trong cuộc khảo cứu ấy, Rosenhan và 7 đồng sự đã đến trình diện xin nhập viện ở các bệnh viện tâm thần khấp nước Mỹ. Lý do xin nhập viện nêu ra là họ nghe được các tiếng nói từ hư vô – “các tiếng nói không rõ rệt” ấy nghĩa là “trống trải”, “lỗ hổng” và “ngã phịch”. Ngoài việc thay đổi tên họ và nghề nghiệp, mọi thứ khác mà họ làm và nói đều biểu trưng cho lối cư xử chân thực của họ, bao gồm các câu trả lời đối với cuộc phỏng vấn nhập viện kéo dài và giải đáp một tập trắc nghiệm mà họ được yêu cầu phải hoàn tất. Thực tế, ngay khi được chấp nhận nhập viện đều trị thì những người này bảo rằng họ không còn nghe được tiếng nói từ hư vô nữa. Nói chung, các bệnh nhân giả mạo ấy đều đã hành động theo lối cư xử bình thường”.
Người ta cứ tưởng rằng Rosenhan và các đồng sự của ông sẽ nhanh chóng bị phát hiện là những kẻ mạo danh, thế mà sự thật không phải như thế. Ngược lại, họ đều được chẩn đoán là bị bất bình thường nghiêm trọng căn cứ vào lối cư xử quan sát được của họ. Phần lớn đều bị gán cho mắc phải chứng tâm thần phân liệt, và họ đã bị giữ lại đều trị trong bệnh viện từ 3 đến 52 ngày, trung bình mỗi người phải mất 19 ngày nằm viện. Trong hầu hết các trường hợp, họ chỉ được phép xuất viện nhờ bảo lãnh của người bên ngoài. Ngay khi được xuất viện, hầu hết các bệnh nhân này đều bị gán danh hiệu: “bệnh tâm thần phân liệt – đã giảm bớt”, nghĩa là hành vi ứng xử bất bình thường chỉ tạm thời giảm đi và có thể tái phát bất cứ lúc nào. Điều bực mình nhất là, không bệnh nhân giả mạo nào bị các viên chức bệnh viện nhận diện là giả bệnh cả. Tóm lại, việc đặt danh hiệu cho con người sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với cách nhận anh và giải thích hành động của người ấy.
Mặc dù các nhược điểm cố hữu trong cách gọi tên bệnh tình, việc sử dụng tài liệu DSM đã gây được ảnh hưởng quan trọng đối với cách thức nhận định các dạng rối loạn tâm lý của giới chuyên môn về sức khỏe tâm thần. Nó đã làm tăng thêm sự tin cậy và giá trị của việc phân loại chẩn đoán. Ngoài ra, nó cống hiến một phương pháp hợp lý nhằm giúp chúng ta tìm hiểu các loại rối loạn tâm tư chủ yếu, mà chúng ta sẽ trình bày dưới đây.
Khi thảo luận về các dạng rối loạn chủ yếu, chúng ta sẽ quan tâm đến các dạng rối loạn thường thấy, nghiêm trọng, hoặc gây nguy hại nhiều nhất. Chúng ta bắt đầu với các rối loạn trong đó tình trạng lo âu chi phối mạnh mẽ nhất, các rối loạn trong đó các rắc rối tâm lý thể hiện dưới hình thức bệnh về cơ thể, và các rốt loạn trong đó các thành phần thuộc nhân cách không còn hợp nhất với nhau nữa. Mặc dù các rối loạn này được thảo luận bằng một thái đô vô tư đến lạnh lùng, nhưng điều quan trọng phải ghi nhớ rằng mỗi dạng rối loạn đều biểu trưng một loạt khó khăn tác động đến con người, và trong một số trường hợp chúng huỷ hoại cuộc đời của con người.