Tâm lý học căn bản - Chương 12 - Phần 6
Tâm thần phân liệt (schizophrenia) là tên gọi của một nhóm rối loạn, trong đó thực tại bị nhận thức lệch lạc đi rất nhiều. Khả năng suy nghĩ, nhận thức, và xúc cảm bị sút giảm đi, người bệnh tự cô lập bằng cách xa lánh khỏi mọi tương tác xã hội; và họ có thể có hành vi quái lạ. Mặc dù người ta đã quan sát được một vài loại tâm thần phân liệt (xem Bảng 12–4), nhưng sự phân biệt giữa các loại ấy không luôn luôn rõ rệt. Ngoài ra, các triệu chứng biểu hiện ở người bệnh tâm thần phân liệt có thể thay đổi rất nhiều qua thời gian, và những bệnh nhân tuy cùng được chẩn đoán liệt vào một loại bệnh nhưng lại biểu hiện các kiểu triệu chứng rất khác biệt nhau. Tuy vậy, chứng tâm thần phân liệt có một số đặc điểm phân biệt hẳn với các dạng rối loạn tâm tư khác như sau:
– Mức độ sinh hoạt sụt giảm hẳn so với trước đây. Người bệnh không còn khả năng thực hiện nổi các hoạt động trước đây của họ nữa.
– Rối loạn tư duy và ngôn ngữ. Người bệnh tâm thần phân liệt vận dụng logic và ngôn ngữ theo cung cách kỳ lạ; suy nghĩ của họ chẳng còn ý nghĩa gì cả và cũng không tuân thủ các nguyên tắc ước lệ trong ngôn ngữ. Chẳng hạn, hãy tìm hiểu câu trả lời sau đây cho câu hỏi: “Tại sao bạn cho rằng người ta tin tưởng vào thượng đế?”:
A. Tôi không hiểu tại sao. Hãy xem, quả bóng đang bay.
Thượng đế giữ nó lại cho bạn, quả bóng ấy đấy. Ông không để bạn ngã xuống đâu, những cái chân nhỏ bé của bạn thòng xuống qua các đám mây. Ông đi xuống theo đường ống khói, nhìn xuyên qua khói đế cố gắng lấy quả bóng đã xì hết hơi, bạn biết không. Con đường họ đang bay ở phía trên con đường ấy, những cái chân chìa ra ngoài. Tôi không biết nữa, nhìn xuống mặt đất, địa ngục, điều đó làm bạn thật choáng váng đến mức bạn chỉ cần ở lại ngủ, bạn biết không, hãy cứ ngủ ở đó. Tôi đã quen ngủ ngoài trời, bạn biết đó, ngủ ngoài trời thay vì đi về nhà (Chapman & Chapman, 1973, trang 3).
Như đoạn văn tuyển này chứng minh, mặc dù cấu trúc ngữ pháp căn bản còn nguyên vẹn, nhưng nội dung suy nghĩ của người bệnh tâm thần phân liệt thường là thiếu logic, lệch lạc và chẳng có ý nghĩa gì cả (xem hình 12–3).
Hình 12–3: Đây là một trang nhật ký của Sirhan Sirhan, thủ phạm ám sát thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy. Nó cho thấy các rối loạn suy nghĩ và ngôn ngữ đặc trưng cho chứng tâm thần phân liệt
** Ảo giác (hallucination): Một nhận thức sai lạc về một điều gì đó không hiện hữu trên thực tế. Ảo giác có thể thuộc về thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, hay khứu giác. Ảo giác có thể phát sinh ở bệnh tâm lý (như bệnh tâm thần phân liệt) hay ở một rối loạn vật chất trong não bộ (như chứng động kinh ở thùy thái dương). Ảo giác có thể phát sinh do dược phẩm hay do tình trạng mất cảm giác. Cần phân biệt ảo giác với các giấc mộng (dreams) và ảo tưởng (illusions), bởi vì ảo giác diễn ra giống như các nhận thức có thực vậy (theo Từ điển Y học).
– Ảo tưởng. Những người bị chứng tâm thần phân liệt thường có các ảo tưởng* (delusion), là các niềm tin vững chắc và không gì lay chuyển được, nhưng lại không có cơ sở thực tại. Những bệnh nhân này thường tin rằng bản thân họ bị kẻ khác chi phối, bị kẻ khác ngược đãi, và rằng các ý nghĩ của họ đang lan truyền cho mọi người để ai cũng biết họ đang suy nghĩ điều gì.
– Các rối loạn về nhận thức. Các bệnh nhân tâm thần phân liệt không nhận thức ngoại giới giống như hầu hết mọi người khác. Họ nhìn, nghe, hoặc ngửi mọi thứ khác hẳn mọi người khác (xem hình 12–4) và thậm chí không cảm nhận cơ thể mình theo cách thức của những người khác. Một số báo cáo lại cho rằng những bệnh nhân tâm thần phân liệt còn gặp khó khăn trong việc xác định bộ phận nào thuộc cơ thể của họ và thứ gì không thuộc cơ thể họ. Họ cũng có các ảo giác (hallucination), tức là kinh nghiệm nhận thức về những sự vật không hiện hữu trên thực tế.
Hình 12–4: Bức họa nghệ thuật ma quái này là tác phẩm sáng tạo bởi một người bị rối loạn tâm trí nghiêm trọng.
* Ảo tưởng (delusion): Một tin tưởng vô lý không thể cải sửa được bằng lý luận hợp lý. Trong bệnh tâm thần, hiện tượng này thường là một niềm tin giả tạo rằng bệnh nhân đang bị kẻ khác hành hạ, đang bị kẻ khác chi phối, và niềm tin này rất mãnh liệt hoặc niềm tin cho rằng bệnh nhân là nạn nhân của một bệnh cơ thể, tình trạng này có thể là một triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt loạn tâm thần hưng cảm – trầm cảm, hay loạn tâm thần hữu cơ (Organic psycbosis) (theo Từ điển Y học).
– Các rối loạn xúc cảm. Những người bị chứng tâm thần phân liệt đôi khi mất hẳn khả năng xúc cảm đến mức ngay cả những biến cố bi thảm nhất cũng ít ra hoặc không gợi ra chút phản ứng xúc cảm nào. Ngược lại, họ có thể bộc lộ tình cảm không phù hợp với tình huống đang gặp phải. Thí dụ, người bị chứng tâm thần phân liệt có thể phá ra cười rũ rượi ở một tang lễ hay nổi giận vô cớ với người có hành vi giúp đỡ họ.
– Thái độ xa lánh mọi người. Những người bị chứng tâm thần phân liệt thường ít quan tâm đến người khác. Họ có khuynh hướng tự cô lập với xã hội và không muốn đối thoại thực sự với người khác, mặc dù họ có thể nói chuyện cho người khác nghe. Trong những trường hợp cực đoan thậm chí họ còn không thèm để ý đến sự hiện diện của những người tình cờ bước vào thế giới cô lập riêng tư của họ.
Các triệu chứng bệnh tâm thần phân liệt diễn biến theo hai cách chính yếu. Trong chứng tâm thần phân liệt tiệm tiến (process schizophrenia), các triệu chứng xuất hiện tương đối sớm trong đời, sau đó phát triển chậm chạp và khó thấy rõ. Có thể có tình trạng cô lập dần dần đối với ngoại giới, mơ mộng thái quá, và xúc cảm không còn nhạy bén nữa, cho đến sau cùng tình trạng rối loạn tiến đến mức người khác ai ai cũng có thể thấy được. Trong các trường hợp khác, gọi là tâm thần phân liệt đột biến (reactive schizophrenia), sự khởi đầu xuất hiện các triệu chứng bệnh rất đột ngột và rất dễ thấy. Triển vọng chữa trị đối với chứng tâm thần phân liệt đột biến tương đối thuận lợi còn chứng tâm thần phân liệt tiệm tiến lại tỏ ra khó chữa trị hơn nhiều.
Một bổ sung mới đây cho các phân loại áp dụng trong chứng tâm thần phân liệt phân biệt giữa tâm thần phân liệt triệu chứng tích cực với tâm thần phân liệt triệu chứng tiêu cực. Tâm thần phân liệt triệu chứng – tiêu cực (negative sympton schizophrenia) phản ảnh tình trạng thiếu vắng hoặc bị mất chức năng hoạt động bình thường, như trường hợp xa lánh xã hội hoặc khả năng xúc cảm bị cùn nhụt đi chẳng hạn. Ngược lại, tâm thần phân liệt triệu chứng tích cực (positive – symptom schizophrenia) đặc trưng bởi sự hiện hữu tác phong cư xử rối loạn, như các ảo giác, ảo tưởng, và các thứ tinh cảm thái cực. Mặc dù đang trong vòng tranh luận, nhưng cách phân biệt này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn, bởi vì nó đề nghị hai tiến trình căn bản khác biệt nhau có thể giải thích được các nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt – một vấn đề vốn là một bí ẩn lớn nhất đối với các nhà tâm lý chuyên về hành vi ứng xử bất bình thường.
a. Giải đáp câu đố tâm thần phân liệt. Mặc dù trên căn bản lối cư xử của người bệnh tâm thần phân liệt hiển nhiên khác biệt hơn lối cư xử bình thường, nhưng các nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa sáng tỏ. Tuy nhiên, dường như bệnh tâm thần phân liệt có các nguồn gốc sinh học cũng như tâm lý.
+ Các nhân tố sinh học. Bởi vì bệnh tâm thần phân liệt thường thấy ở một số gia đình hơn so với các gia đình khác, nên các nhân tố di truyền dường như ít mà cũng có dính líu đến nguyên nhân dễ mắc bệnh hay dễ phát triển bệnh tình. Thí dụ, các nhà nghiên cứu đã khám phá được chứng cứ về mối liên hệ giữa tâm thần phân liệt và một loại gene hoạt động bất bình thường. Ngoài ra, một số khảo cứu chứng minh rằng những người bi bệnh tâm thần phân liệt có khoảng 25% cơ hội sinh con bị bệnh tâm thần phân liệt nghiêm trọng. Hơn nữa, nếu một người trong một cặp song sinh đơn hợp tử bị bệnh tâm thần phân liệt, thì người kia có xác suất đến 42% cơ hội phát bệnh. Tuy nhiên, nếu nói rằng chỉ một mình yếu tố di truyền chịu hoàn toàn trách nhiệm, thì hóa ra xác suất mắc bệnh của người kia ắt phải đến 100% bởi vì cặp song sinh đơn hợp tử có cùng cấu tạo di truyền. Như vậy bệnh tâm thần phân liệt phát sinh do nhiều nguyên nhân chứ không riêng gì các nhân tố di truyền.
Một trong các giả thuyết hấp dẫn nhất nhằm giải thích bệnh tâm thần phân liệt là giả thuyết cho rằng não bộ của nạn nhân hoặc mắc phải tình trạng mất cân bằng sinh hóa hoặc mắc phải tình trạng cấu trúc bất bình thường. Thí dụ, một giả thuyết cho rằng bệnh tâm thần phân liệt phát sinh khi người bệnh lâm vào điều kiện đầy căng thẳng đã sản sinh các loại hóa chất gây ra ảo giác hoặc các ý tưởng xáo trộn – tương tự với tác dụng của một loại dược phẩm hay ma túy, như LSD chẳng hạn – dưới dạng số lượng hóa chất tự sản sinh quá mức cần thiết. Tương tự, giải thuyết dopamine (dopamine hypothesis) cho rằng chứng tâm thần phân liệt xảy ra khi có một hoạt động thái quá ở những vùng thuộc não bộ dùng chất dopamine để dẫn truyền các xung lực qua các tế bào thần kinh. Giả thuyết đã được nêu ra sau khám phá cho rằng các loại dược phẩm có tác dụng phong tỏa hoạt động của dopamine trong các đường thần kinh thuộc não bộ có thể phát sinh hiệu quả cao trong việc làm giảm bớt các triệu chứng bệnh tâm thần phân liệt.
* Giả thuyết dopamine (dopamine hypothesis) giả thuyết cho rằng chứng tâm thần phân liệt phát sinh phần nào do các trường hợp bất bình thường trong hơn trung chuyển hóa dopamine, và có thể chữa trị được phần nào nhờ các loại thuốc (như chorpromazine) tác động đối kháng với dopamine như một chất dẫn truyền thần kinh (theo Từ điển Y học).
Không may, giả thuyết dopamine không lý giải được toàn bộ sự việc xảy ra. Các loại dược phẩm phong tỏa hoạt động của dopamine phát sinh phản ứng sinh hóa chỉ sau một vài giờ thuốc được đưa vào cơ thể – thế nhưng các triệu chứng tâm thần phân liệt chỉ giảm đi nhiều tuần lễ sau khi dùng thuốc. Nếu như giả thuyết chính xác hoàn toàn, chúng ta ắt sẽ thấy tình trạng cải thiện tức thời các triệu chứng tâm thần phân liệt. Ngoài ra, các loại dược phẩm này có hiệu quả giảm bớt các triệu chứng bệnh không chỉ ở những bệnh nhân tâm thần phân liệt mà còn ở các bệnh nhân bị các chứng rối loạn tâm lý rất khác biệt nhau như hưng cảm và trầm cảm nữa. Tuy vậy, giả thuyết dopamine cống hiến một khởi điểm cho việc tìm hiểu các nhân tố sinh hóa trong chứng tâm thần phân liệt.
Các lối giải thích sinh học khác về chứng tâm thần phân liệt cho rằng não bộ của những người bị rối loạn tâm trí có các đặc điểm bất bình thường về mặt cấu trúc. Thí dụ, cấu tạo dưới đồi và các thùy não của các bệnh nhân tâm thần phân liệt có kích thước khác hẳn những người không bị dạng rối loạn này. Phù hợp với nghiên cứu ấy, hoạt động đến não dường như cũng bị rối loạn ở những người bệnh tâm thần phân liệt, như minh họa ở hình 12–5 dưới đây.
Hình 12–5: So sánh hoạt động điện não giữa những người bình thường với những người bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt và một số rối loạn khác. Các mã hiệu màu sắc tương ứng với mức độ lệch khỏi mức hoạt động bình thường khi phát động các dạng sóng điện khác nhau (sóng delta, theta, alpha và beta)
BẢNG 12–4
Các loại bệnh tâm thần phân liệt chủ yếu
Loại bệnh | Triệu chứng |
Tâm thần phân liệt thể thanh xuân (Disorganized/hebephreic schizophrenia). | Cười phá ra không hợp lúc, cử chỉ ngờ nghệch, nói năng rời rạc, hành vi ấu trĩ, cư xử kỳ lạ và đôi khi tục tĩu nữa. |
Tâm thần phân liệt hoang tưởng (Paranoid schizophrenia) | Ảo tưởng và ảo giác bị hành hạ, ngược đãi hoặc về tính vĩ đại của bản thân, mất khả năng phán đoán, cư xử thất thường và không thể đoán biết trước được. |
Tâm thần phân liệt tăng trương lực (Catatonic schizophrenia) | Rối loạn rõ rệt trong vận động. Trong một số thời kỳ bệnh nhân mất hẳn khả năng vận động, đông cứng trong một tư thế đơn giản trong nhiều giờ và đôi khi cả đến nhiều ngày. Trong các thời kỳ khác, bệnh nhân hoạt động quá mức cuồng nhiệt, đôi khi còn có hành động hung bạo nữa. |
Tâm thần phân liệt bất định (undifferentiated schizophrenia) | Pha trộn không nhất định các triệu chứng tâm thần phân liệt chủ yếu; cách xếp loại này áp dụng cho những bệnh nhân không thể xếp loại vào bất kỳ dạng đặc biệt nào. |
Tâm thần phân liệt khác (Residual schizophrenia) | Các dấu hiệu tâm thần phân liệt thứ yếu xảy ra sau một biến cố quan trọng hơn. |
+ Các nhân tố tâm lý. Mặc dù các nhân tố sinh học cống hiến một số khía cạnh về câu đố tâm thần phân liệt, nhưng chúng ta cũng cần phải tìm hiểu các kinh nghiệm quá khứ và hiện tại đã xảy ra trong hoàn cảnh sống của người bị chứng bệnh này. Thí dụ, các lý thuyết phân tâm cho rằng hiện tượng tâm thần phân liệt là một dạng hồi quy về các kinh nghiệm và giai đoạn phát triển nhân cách trước đây trong cuộc đời. Chẳng hạn, Freud tin rằng người bệnh tâm thần phân liệt thiếu bản ngã vững vàng để đối phó hữu hiệu với các xung đột không chấp nhận được, họ bèn rút lui về giai đoạn miệng – một thời kỳ mà bản năng nguyên thủy và bản ngã chưa tách riêng ra. Do đó, những cá nhân bị tâm thần phân liệt nói chung có bản ngã khiếm khuyết và cứ một mực lo đối phó với các xung động mà không cần để ý gì đến thực tại cả.
Mặc dù lối lý luận này xem ra có vẻ hợp lý về mặt lý thuyết, nhưng nói chung các lý giải do thuyết phân tâm đề ra còn thiếu chứng cứ biện minh. Chỉ hơi thuyết phục hơn một chút là trường hợp các lý thuyết này quan tâm đến các gia đình có người bệnh tâm thần phân liệt. Chẳng hạn, các gia đình này thường biểu hiện các kiểu mẫu thông đạt bất bình thường. Các gia đình này cũng khác biệt nhau về nhiều chiều kích khác, bao gồm tình trạng kinh tế xã hội, thái độ lo âu, và mức độ hiện hữu các stress nói chung.
Dĩ nhiên, các khuôn mẫu thông đạt sai lạc tìm thấy ở các gia đình người bệnh tâm thân phân liệt có thể cũng là hậu quả do bệnh này gây ra. Hơn nữa, các lý thuyết gia theo quan điểm tác phong lại tin rằng các rắc rối thông đạt ấy hậu thuẫn cho lý thuyết vô tình tiêm nhiễm về chứng tâm thần phân liệt (learned–inattention theory of schizophrenia). Theo quan điểm của lý thuyết này, tâm thần phân liệt là một lối cư xử do tiêm nhiễm mà có, bao gồm một loạt các phản ứng không phù hợp đối với các kích thích xã hội. Thay vì ứng đáp với người khác, những người bệnh tâm thần phân liệt đã tiêm nhiễm lối phớt lờ các kích thích phù hợp. Ngược lại, họ chú ý đến các kích thích không liên hệ gì đến sự tương tác xã hội bình thường. Bởi vì tình trạng này đưa đến hậu quả có lối cư xử quái lạ, nên tha nhân ứng đáp họ theo lối tiêu cực, đưa đến tình trạng hất hủi về mặt xã hội và các tương tác kém vui và sau cùng sẽ khiến cho người bệnh có phản ứng còn kém phù hợp hơn nữa. Cuối cùng, người bệnh bắt đầu “loại trừ” các kích thích phù hợp và phát triển các đặc điểm tâm thần phân liệt.
* Sa sút trí tuệ (dementia). Một dạng rối loạn tiến trình trí tuệ mạn tính hay dai dẳng do bệnh não hữu cơ (organic brain disease). Bệnh có đặc điểm rối loạn trí nhớ, thay đổi nhân cách, sa sút trong việc chăm sóc bản thân, khả năng lý luận bị tổn thương, và mất định hướng. Sa sút trí tuệ trước tuổi già (presenile dementia) xảy ra ở người trẻ tuổi và trung niên. Thuật ngữ này đôi khi dùng cho bệnh Alzheimer và bệnh Pick, nhưng điều quan trọng là phải phân biệt tình trạng này với các bệnh não (brain desease), bởi vì có thể có các biện pháp hữu hiệu đối với các bệnh não ấy (theo Từ điển Y học)
b. Nhiều nguyên nhân gây ra chứng tâm thần phân liệt. Như chúng ta đã thấy, người ta đã tiến hành nghiên cứu để minh chứng một số nguyên nhân sinh học và tâm lý khác nhau gây ra bệnh tâm thần phân liệt. Như vậy, không phải một nguyên nhân duy nhất mà một số nguyên nhân cùng góp phần làm phát sinh chứng bệnh này. Khảo hướng chiếm vai trò ưu thắng ngày nay là quan điểm tiền định di truyền về tâm thần phân liệt (predisposition model of schizophrenia) tìm hiểu đồng thời nhiều nhân tố khác nhau. Quan điểm này cho rằng con người có thể thừa hưởng một cấu tạo di truyền hoặc một đặc điểm bẩm sinh nhạy cảm đối với chứng tâm thần phân liệt, khiến cho họ đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các nhân tố căng thẳng trong hoàn cảnh sống. Các nhân tố gây căng thẳng ấy có thể khác biệt nhau – sự hắt hủi trong tương tác xã hội hoặc các khuôn mẫu thông đạt hoạt động lệch lạc trong gia đình – nhưng nếu chúng đủ mạnh và cặp đôi với cấu tạo di truyền tiền định, thì hậu quả có thể gây ra bệnh tâm thần phân liệt (xem hình 12–6). Tương tự, nếu cấu tạo di truyền tiền định đủ mạnh, thì chứng tâm thần phân liệt có thể xảy ra ngay trong trường hợp các nhân tố gây căng thẳng trong hoàn cảnh sống tương đối yếu.
Tóm lại, chứng tâm thần phân liệt đến một số nhân tố sinh học và tâm lý. Do đó, ngày càng hiển nhiên rằng chứng tâm thần phân liệt không do bất kỳ một nhân tố duy nhất nào mà do một phối hợp gồm nhiều nhân tố tương quan gây ra.
Hình 12–6: Theo quan điểm tiền định di truyền về tâm thần phân liệt, lối cư xử tâm thần phân liệt xảy ra khi các nhân tố gây căng thẳng trong hoàn cảnh sống đặc biệt cao, ngay cả trong trường hợp nhân tố tiền định di truyền tương đối thấp (cá nhân A). Tương tự, lối cư xử tâm thần phân liệt có thể xảy ra nếu nhân tố tiền định di truyền tương đối cao ngay cả trong trường hợp các nhân tố gây căng thẳng tương đối thấp (cá nhân B). Ngược lại, cho dù mức độ căng thẳng cao, nhưng cá nhân X sẽ không biểu hiện cư xử tâm thần phân liệt, bởi vì nhân tố tiền định di truyền khá thấp. Tương tự, cá nhân Y sẽ cư xử bình thường mặc dù nhân tố tiền định di truyền mạnh mẽ, bởi vì mức độ stress thấp (Phỏng theo Zubin & Spring, 1977).
7. Các dạng rối loạn nhân cách: người bệnh không cảm thấy đau khổ
Tôi luôn luôn muốn sở hữu nhiều thứ. Hồi còn nhỏ tôi nhớ đã muốn sở hữu một viên đạn mà một người bạn đem vào cho cả lớp xem. Tới lấy nó và giấu trong cặp của mình. Rồi khi bạn tôi thấy mất viên đạn thì tôi sẽ là người cùng với bạn ấy ở lại lớp sau giờ học đề tìm kiếm, và tôi chính là người ngồi cùng với người bạn ấy để than phiền với các đứa bạn khác hỏi xem ai trong bọn chúng đã lấy viên đạn. Thậm chí tôi còn cùng về nhà với bạn ấy đế giúp báo tin cho ông chú của anh ta, người đã đem viên đạn ấy từ cuộc chiến về cho anh bạn ấy.
Nhưng đó là chuyện nhỏ nhặt so với việc tôi làm sau đó. Tôi rất muốn lấy bằng tiến sĩ, nhưng lại không muốn nỗ lực chuyên cần học tập – chỉ cần ra sức vừa đủ thời. Tôi chưa từng làm các thí nghiệm mà tôi đã báo cáo; khỉ thật, tôi khá thông minh để tưởng tượng ra được các kết quả thí nghiệm ấy. Tôi biết cách tìm ra đủ số liệu thống kê để chứng minh bất kỳ quan điểm gì cho có vẻ hợp lý. Tôi lấy được bằng cao học mà chẳng cần phải mất đến một giờ cực nhọc trong phòng thí nghiệm. Tôi muốn nói rằng các vị giáo sư cả tin vào mọi thứ. Tôi ra phố uống rượu suốt đêm với bạn bè, và sáng hôm sau vào lớp trước họ một chút và bảo với các thầy rằng tôi đã ở trong phòng thí nghiệm suốt đêm. Họ thực sự tỏ ra đồng cảm với tôi. Tôi thực hiện công trình nghiên cứu để lấy bằng tiến sĩ theo cách tương tự như thế, trừ một điều là công trình nghiên cứu ấy được ấn hành và các khám phá của tôi có một số điểm thú vị. Cuộc nghiên cứu ấy đã giúp tôi kiếm được chân giảng huấn đầu tiên ở trường đại học. Thế là mục tiêu của tôi đã thành hiện thực.
Các quy định ở viện đại học của tôi cũng giống như bất kỳ nơi nào khác. Bạn phải công bố công trình nghiên cứu đồng thời phải là một thầy dạy hiệu quả. Công việc “tập trung” dữ kiện để công bố chưa bao giờ gây khó khăn cho tôi cả, nên việc đó diễn ra trơn tru. Thế nhưng công tác giảng huấn được xác định trên cơ sở các mẫu đánh giá của sinh viên vào cuối mỗi học kỳ. Tôi là một giảng viên có khả năng từ bình thường đến khá, nhưng tôi lại muốn thành tích của tôi chứng tỏ tôi là một Giáo sư tuyệt vời kia. Việc làm này cũng đơn giản. Mỗi học kỳ tới đều tập trung để mẫu đánh giá lại, rồi lọc ra các mẫu cho điểm từ bình thường đến tệ để thay thế bằng các mẫu giả mạo. Việc làm này khiến tôi mất cả một buổi tối, những tôi đã chịu khó dùng một bó bút mực và bút chì màu để điền vào đến 300 mẫu. Không cần phải nói, tôi được tưởng thưởng bằng chức vụ hiện có.
Trước khi bạn vội vàng kết luận rằng tất cả mọi giáo sư đại học đều giống như người tự thuật cuộc đời mình trên đây cần phải khẳng định rằng người này là một thí dụ rõ rệt về một bệnh nhân rối loạn nhân cách. Rối loạn nhân cách (personality disorders) khác biệt với các dạng rối loạn khác mà chúng ta đã thảo luận trong chương này, bởi vì bệnh nhân thường ít ý thức được tình trạng đau khổ của bản thân do việc thích nghi sai lạc gây ra về mặt tâm lý. Thực ra, những người bị rối loạn nhân cách thường co đời sống có vẻ như bình thường – cho đến khi người ta để ý đến phía dưới vẻ bề ngoài ấy. Ở đó người ta sẽ thấy được một số nét nhân cách thiếu linh hoạt, thích nghi sai lạc không cho phép người bệnh hành xử phù hợp với tư chất là một phần tử trong xã hội.
* Rối loạn nhân cách (personality disorder). Một kiểu mẫu cư xử in sâu và thích nghi sai lạc, kéo dài qua nhiều năm. Tình trạng này thường biểu hiện khi bệnh nhân đến tuổi thanh xuân. Tình trạng bất bình thường về mặt tác phong cư xử phải đủ nghiêm trọng để gây đau khổ hoặc cho bệnh nhân hoặc cho những người khác (hoặc cho cả hai). Một số bệnh nhân khi trưởng thành lại được hạnh phúc hơn. Hầu hết các loại liệu pháp tâm lý (psychotherapy) đều tự nhận có giá trị về mặt chữa trị, nhưng hiệu quả của bất kỳ cách chữa trị nào cũng vẫn còn trong vòng tranh cãi (theo Từ điển Y bọc).
Dạng rối loạn nhân cách nổi tiếng nhất là rối loạn nhân cách chống lại xã hội (antisocial/sociapathic personality disorder). Những cá nhân bị loại rối loạn này có khuynh hướng tỏ ra không hề quan tâm gì đến nguyên tắc luân lý và đạo đức của xã hội hay đến quyền lợi của người khác. Mặc dù họ có vẻ khôn ngoan và thoạt như thường dễ thương. Nhưng nếu kiểm tra kỹ hơn người ta sẽ thấy họ ranh ma và dối trá. Ngoài ra, họ thường có chung một số đặc điểm sau đây.
– Thiếu lương tâm, tội lỗi, hoặc khao khát phạm pháp. Khi những người có nhân cách chống lại xã hội cư xử theo cách gây tổn thương cho người khác họ thừa hiểu rằng chính họ đã gây ra thiệt hại đó thế mà họ không cảm thấy ăn năn hay hối tiếc chút nào.
– Cư xử bốc đồng và thiếu khả năng chịu đựng tình trạng thất vọng. Những người có nhân cách chống lại xã hội vì không đủ sức chịu đựng tâm trạng thất vọng nên sẽ phản ứng theo một cách thức nào đó – có thể kể cả việc xâm phạm đến quyền lợi của người khác, nếu làm như vậy giúp họ dẹp bỏ được tâm trạng thất vọng ấy.
– Lợi dụng người khác. Những người có nhân cách chống xã hội thường rất khôn khéo trong giao tế. Họ lôi cuốn, thu hút và có năng lực thuyết phục người khác thực hiện những điều họ muốn. Một số người bị tội lường gạt nổi tiếng nhất đều có nhân cách chống lại xã hội. Không cần phải mất một giây suy nghĩ, những người này đã có thể lừa người ta để lấy đi số tiền dành đụn suốt đời của họ. Cảnh khốn quẫn sau khi người bị lừa thức tỉnh trước hành vi ấy không gây cho những người có nhân cách chống lại xã hội chút lòng xót thương nào cả.
Điều gì gây ra nhiều rắc rối kỳ lạ như thế? Người ta cho rằng do rất nhiều nhân tố khác nhau, từ tình trạng mất khả năng xúc cảm do nhân tố sinh học cho đến các rắc rối trong các quan hệ gia đình. Thí dụ, trong nhiều trường hợp hành vi ứng xử chống lại xã hội, người bệnh xuất thân từ gia đình có cha hay mẹ chết sớm hoặc bỏ bê gia đình, hoặc công khai bị hất hủi. Những lối giải thích khác thì chú trọng đến các nhân tố văn hóa xã hội, bởi vì số người có nhân cách chống lại xã hội xuất thân từ các tầng lớp có tình trạng kinh tế xã hội thấp kém chiếm tỷ lệ rất cao. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng đổ vỡ các nguyên tắc, chuẩn mực và luật lệ xã hội ở các bối cảnh kinh tế nghèo khổ trầm trọng có thể khuyến khích nảy sinh các nhân cách chống lại xã hội. Hơn nữa, không ai có thể nêu đích danh nguyên tắc cụ thể nào gây ra nhân cách chống lại xã hội, nên rất có thể một phối hợp gồm nhiều nhân tố chịu trách nhiệm đối với dạng rối loạn này.
Một thí dụ khác về rối loạn nhân cách là chứng rối loạn nhân cách tự mê (narcissistic personality disorder), đặc trưng bởi ý thức thổi phồng về tầm quan trọng của bản thân. Những người bị dạng rối loạn này cứ mong muốn người khác cư xử đặc biệt với mình, trong khi đó lại chẳng còn quan tâm đến cảm nhận của người khác. Trên thực tế, theo một vài lối giải thích, đặc điểm chủ yếu của nhân cách tự mê là thiếu khả năng cảm thông với người khác.
Có một vài loại rối loạn nhân cách khác, xếp hạng theo mức độ nghiêm trọng từ những người đơn giản bị người khác xem là lập dị (eccatic), đáng ghét (obnoxious), hoặc khó chịu (diftlcult) cho đến những người có hành vi tội phạm và nguy hiểm cho người khác. Mặc dù không lâm vào cảnh mất liên lạc với thực tại như người bệnh tâm thần phân liệt, nhưng những người bị các dạng rối loạn nhân cách cũng sống bên lề xã hội.