Tâm lý học căn bản - Chương 13 - Phần 1
Chương 13. CHỮA TRỊ HÀNH VI ỨNG XỬ BẤT BÌNH THƯỜNG
DÀN BÀI
Mở đầu
Triển khai chủ đề
I. LIỆU PHÁP TÂM LÝ: CÁC PHƯƠNG PHÁP TÂM LÝ TRỊ LIỆU
1. Chữa trị theo quan điểm động lực tâm lý: Chọc thủng tầng vô thức
2. Các phương pháp chữa trị theo quan điểm tác phong
3. Các phương pháp chữa trị theo quan điểm tiến trình trí tuệ
4. Tóm tắt và học ôn I
5. Liệu pháp theo quan điểm nhân bản
6. Liệu pháp nhóm
7. So sánh các liệu pháp tâm lý
8. Đánh giá liệu pháp tâm lý
9. Liệu pháp nào hiệu nghiệm nhất
ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC: Các nhân tố chủng tộc và sắc tộc trong công tác chữa trị: phải chăng thầy thuốc nên phớt lờ các nhân tố này?
Tóm tắt và học ôn II
II. CÁC LIỆU PHÁP SINH HỌC: VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM Y HỌC
1. Liệu pháp dược phẩm
TRÍCH DẪN THỜI SỰ: Prozac – Loại dược phẩm thần diệu hay cơn điên rồ của giới truyền thông?
2. Liệu pháp co giật điện
3. Phẫu thuật tâm thần
4. Triển vọng của liệu pháp sinh học: Có thể chữa lành hành vi ứng xử bất bình thường không?
5. Phong trào tâm lý cộng đồng: nhằm mục tiêu ngừa bệnh
THỪA HƯỞNG THÀNH QUẢ CỦA TLH. Chọn đúng thầy đúng thuốc
6. Tóm tắt và Học ôn III
III. NHỮNG ĐIỂM CẦN GHI NHỚ
IV. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI
MỞ ĐẦU
CÁC TRƯỜNG HỢP ALICE, MARTHA VÀ SANDY
Alice: Tôi đã ưu tư về loại việc làm đặc biệt này. Dù sao tôi đã hình thành được một thứ sở trường. Tôi cho rằng nhờ thói quen, tôi cố gắng làm cho mọi người quanh tôi cảm thấy thoải mái, hoặc làm cho mọi việc diễn ra êm thắm...
Thầy thuốc: Nói khác đi, việc cô làm là luôn luôn nhằm nỗ lực giữ cho mọi việc diễn ra êm thắm, làm cho người khác thấy khá hơn, và làm cho tình huống dễ chịu hơn...
Alice: Đúng. Tôi cho là như thế. Còn lý do việc làm ấy có lẽ là – tôi muốn nói, có lẽ tôi không phải là một người có lòng vị tha luôn luôn chờ dịp đem lại hạnh phúc cho người khác, nhưng việc làm ấy có lẽ thuận lợi nhất đối với tôi. Tôi dù không vững niềm tin, cho đến khi tôi không biết rõ liệu mình còn đủ lòng tin để theo đuổi không...
Thầy thuốc: Cô cảm thấy trong một thời gian dài mình đã đóng vai trò hòa giải các va chạm hoặc bất đồng hoặc điều gì không được...
Alice: Ừm...
Thầy thuốc: Chứ không có bất kỳ ý kiến hoặc phản ứng của riêng mình trong tình huống gặp phải. Phải thế không?
***
Martha: Vấn đề căn bản là tôi bận tâm về gia đình. Tôi bận tâm về tiền bạc. Và dường như chẳng bao giờ tôi có thể thanh thản được.
Thầy thuốc: Tại sao bà bận tâm về gia đình? Trước hết, ta hãy đề cập vấn đề này. Có gì phải ưu tư? Gia đình bà có một số yêu cầu mà bà không muốn dính líu đến.
Martha. Tôi được dưỡng dục để không được suy nghĩ ích kỷ.
Thầy thuốc: Ồ, chúng ta sẽ phải gạt bỏ quan niệm đó ra khỏi tâm trí bà!
Martha: Tôi cho rằng đó là một trong các rắc rối căn bản của tôi.
Thầy thuốc: Đúng thế. Bà được dưỡng dục để trở thành “một nữ điều dưỡng cao quí”...
Martha: Và giờ đây tôi lại cố tránh né đấy. Chẳng hạn, họ gọi điện cho tôi nói rằng: “Chủ nhật này chị đến nhé?”. Và nếu tôi trả lời: “Không, tôi bận lắm!” thay vì nói: “Tôi sẽ đến nếu thuận tiện.”, hẳn họ sẽ đau lòng ghê lắm. Thế là dạ dày tôi lại quặn lên.
Thầy thuốc: Bởi vì bà tự nhủ: “Tôi sẽ lại đến đó nữa rồi. Tôi thật tệ nếu không hy sinh cho họ!” Chừng nào bà còn tự nhủ kiểu đó, thì dạ dày hay một bộ phận nào trong cơ thể bà sẽ quặn lên! Nhưng đó là triết lý của bà, niềm tin của bà, và là bản án do bà buộc tội bản thân. – “Tôi không phải là người tốt bụng thực sự! Làm sao tôi làm được cái việc tồi tệ, ghê tởm ấy chứ?” Đó chính là ý nghĩ làm cho dạ dày bà quặn lên. Giờ thì bản án ấy là sai lầm. Tại sao bà không phải là người tốt bụng thực sự khi bà quí bản thân hơn họ chứ? Sự việc rốt cục do sai lầm ấy. Ai nói bà không tốt bụng – Chúa Jesus chăng? Moses chăng? Ai đã nói thế? Câu trả lời là chính song thân bà đã nói như thế. Và bà tin bởi họ đã nói như thế. Nhưng họ là vị thánh nào kia chứ?
***
Sandy: Cha tôi... chẳng hề quan tâm đến đứa nào trong bọn con cái chúng tôi cả (Bắt đầu thút thít khóc). Chính mẹ tôi – cầu cho linh hồn bà được an nghỉ – mới thương yêu chúng tôi. Ông ấy bắt bà làm việc đến chết. Chúa ơi, tôi nhớ mẹ tôi lắm (khóc òa lên) – tôi hẳn phải hận cha tôi. Bộ ông không nghĩ rằng tôi có quyền tức giận sao?
Thầy thuốc: Phải chăng cô cho rằng mình có quyền tức giận?
Sandy: Dĩ nhiên, tôi có quyền! Tại sao ông hỏi tôi? Ông không tin tôi phải không?
Thầy thuốc: Cô muốn tôi tin cô mà.
Sandy: Tôi chẳng cần ông tin tôi hay không. Theo tôi, ông chỉ là bức tường vô tri mà tôi đang nói với nó – không biết tại sao tôi tốn tiền cho lối chữa trị đáng ghét này – Bộ ông chẳng có ý nghĩ hay tình cảm gì cả sao? Tôi biết ông đang nghĩ gì – Ông cho tôi điên rồ – hẳn ông đang cười vào mũi tôi – Có lẽ tôi sẽ là một trường hợp nghiên cứu trong cuốn sách sắp tới của ông? Còn ông chỉ việc ngồi ở đấy cười làm dáng – làm như tôi là kẻ xấu xa vậy – cho rằng tôi sai lầm vì điên rồ, rằng tôi không có quyền nổi điên vậy.
Thầy thuốc: Cũng giống như cha cô vậy.
Sandy: Đúng, ông giống hệt ông bố tôi – Ôi! Chúa ơi! Ngay lúc này đây – tôi – tôi nghĩ tôi đang nói chuyện với ông ấy đấy.
TRIỂN KHAI CHỦ ĐỀ
Ba ca bệnh, ba thầy thuốc.
Như các đoạn trích dẫn về các buổi chữa trị thực tế nêu trên minh họa, cách trị liệu các trường hợp rối loạn tâm lý không nhất thiết là một tiến trình duy nhất. Trong ca bệnh thứ nhất, vị thầy thuốc chịu khó phản ảnh những điều Alice đã nói, phản hồi lại những nhận xét của cô. Ngược lại, vị thầy thuốc trong đoạn trích dẫn thứ hai năng động hơn rất nhiều, ông thúc giục và khích động người bệnh. Cuối cùng, ca thứ ba cho thấy thầy thuốc nói rất ít; các câu trả lời đối với các khắng định của Sandy nói chung đều vô thưởng vô phạt.
Ba đoạn trích dẫn này chỉ là một số ít trường hợp điển hình cho nhiều lối chữa trị các rối loạn tâm lý. Hiện nay, các thầy thuốc sử dụng đến hơn 250 cách chữa trị khác nhau, từ câu chuyện trao đổi trong một buổi chữa trị duy nhất cho đến các lối chữa trị kéo dài có dùng các loại dược phẩm tác dụng mạnh. Tuy nhiên, dù người ta dùng bất kỳ loại liệu pháp nào, tất cả đều có chung một mục đích: làm giảm bớt rối loạn tâm lý, nhằm mục tiêu tối hậu là giúp người bệnh có được cuộc sống phong phú hơn, ý nghĩa hơn, và mỹ mãn hơn.
Chương này tìm hiểu một số vấn đề quan trọng liên hệ đến hành vi ứng xử bất bình thường: làm cách nào chữa trị những người bị rối loạn tâm lý? Ai là người thích hợp nhất để đề ra biện pháp chữa trị? Tương lai sẽ ra sao đối với những người bị rối loạn nghiêm trọng? Phương pháp nhiều nào hợp lý nhất? Phải chăng một loại liệu pháp nào đó hiệu nghiệm hơn các liệu pháp khác? Phải chăng bất kỳ liệu pháp nào cũng thực sự hiệu nghiệm? Cá nhân làm cách nào chọn “đúng” thầy “đúng” thuốc?
Hầu hết chương này chú trọng đến nhiều phương pháp khác nhau đã được vận dụng để chữa trị các dạng rối loạn tâm lý. Bất kể tính đa dạng của chúng, các phương pháp này đều thuộc vào hai loại chính: liệu pháp tâm lý và liệu pháp sinh học. Liệu pháp tâm lý* (psychotherapy) là tiến trình trong đó bệnh nhân (thường được gọi là thân chủ) và nhà chuyên môn nỗ lực khắc phục các khó khăn tâm lý. Trong liệu pháp tâm lý, trọng tâm nhằm vào sự thay đổi lối cư xử do kết quả của các cuộc thảo luận và tương tác giữa thầy thuốc và thân chủ. Ngược lại, liệu pháp sinh học (biologocally based therapy) dựa vào thuốc men và các biện pháp y học khác để cải thiện sinh hoạt tâm lý.
* Liệu pháp tâm lý/tâm lý trị liệu(psychotherapy): Lối chữa trị dùng các biện pháp tâm lý (ngược lại các biện pháp vật lý) để trị liệu Các rối loạn tâm trí và Các vấn đề tâm lý. Có nhiều phương pháp khác nhau trong tâm lý trị liệu gồm phân tích tâm lý (psychoanalysis), liệu pháp tập trung vào người bệnh (client–centered therapy) và liệu pháp nhóm (group therapy). Các liệu pháp này đều có cùng quan điểm cho rằng quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân có tầm quan trọng hàng đầu, và mục đích tri liệu là giúp phát triển nhân cách và tự hiểu mình nói chung, hơn là làm mất triệu chứng bệnh, và thầy thuốc không chi phối các quyết định của bệnh nhân. Các phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi cho các tình trạng lâm sàng khác nhau. Nhưng hiện nay vẫn chưa được công nhân có giá trị bằng các liệu pháp chữa trị bệnh tâm thần (theo Từ điển Y học).
Khi miêu tả các phương pháp trị liệu khác nhau, điều quan trọng phải ghi nhớ là mặc dù các phân biệt dường như rõ rệt, nhưng lại có rất nhiều trùng lắp trong các chứng loại và biện pháp áp dụng và thậm chí trong công tác huấn luyện cũng như ấn định chức danh của các thầy thuốc (xem Bảng 13–1). Trên thực tế, hiện nay nhiều thầy thuốc dùng nhiều biện pháp cho một bệnh nhân theo một lối chữa trị gọi là phương pháp trị liệu chiết trung (eclectic approach to therapy) Vì cho rằng thông thường hành vi ứng xử bất bình thường là hậu quả của cả hai tiến trình tâm lý và sinh học, nên các thầy thuốc theo quan điểm chiết trung có thể đồng thời căn cứ vào một số quan điểm khác nhau, trong nỗ lực nhắm đến cả hai khía cạnh tâm lý và sinh học trong các rối loạn của người bệnh.
Nhờ vậy, sau khi đọc xong chương trình này bạn sẽ đủ sức trả lời các câu hỏi sau đây:
– Các loại liệu pháp tâm lý và sinh học nhằm vào mục tiêu nào?
– Liệu pháp tâm lý gồm có các liệu pháp căn bản nào?
– Liệu pháp tâm lý nói chung hiệu nghiệm đến mức nào, và loại liệu pháp nào hiệu nghiệm nhất trong một tình huống nhất định?
– Hiện nay các liệu pháp sinh học như liệu pháp dược phẩm, kỹ thuật co giật điện, và phẫu thuật tâm thần được vận dụng ra sao trong việc chữa trị các rối loạn tâm trí?
BẢNG 13–1
Tìm đến đúng thầy đúng thuốc
Nhà tâm lý lâm sàng (Clinical psychologist)
Người có bằng tiến sĩ chuyên chẩn đoán và chữa trị các rối loạn tâm lý.
Nhà tâm lý tư vấn (Counseling psychologist)
Nhà tâm lý có văn bằng tiến sĩ hoặc cao học thường giải quyết các vấn đề thích nghi trong cuộc sống hàng ngày ở một cơ sở tư vấn, như y viện thực tập sức khỏe tâm thần thuộc các viện đại học.
Bác sĩ tâm thần (Psychiatrist)
Bác sĩ y khoa tốt nghiệp hậu đại học về hành vi ứng xử bất bình thường để có khả năng kê toa thuốc như là một phần thuộc công tác điều trị.
Nhà phân tâm (Psycho analyst)
Bác sĩ y khoa hoặc nhà tâm lý chuyên về phân tích tâm lý, một kỹ thuật chữa trị do Sigmund Freud xây dựng đầu tiên.
Cán bộ xã hội chuyên ngành sức khỏe tâm thần (Psychiatrist social worker)
Nhà chuyên môn có bằng cao học, được huấn luyện đặc biệt và công tác chữa trị tại gia và các cơ sở y tế cộng đồng.
Người ta kỳ vọng những nhà chuyên môn được huấn luyện chu đáo này cống hiến những lời khuyên và hướng dẫn hữu ích. Mặc dù bản chất của vấn đề mà một cá nhân đang mắc phải có thể phù hợp hơn với cách chữa trị khác. Chẳng hạn, một bệnh nhân mắc phải rối loạn nghiêm trọng và mất hẳn liên lạc với thực tế điển hình sẽ cần đến một liệu pháp sinh học nào đó có dùng dược phẩm. Trong trường hợp đó, bác sĩ tâm thần – vốn là một bác sĩ điều trị – hiển nhiên sẽ là nhà chuyên môn được chọn lựa. Ngược lại, những người bị rối loạn nhẹ hơn, như khó thích nghi với cái chết của một người thân trong gia đình, được quyền chọn lựa rộng rãi hơn, có thể tìm đến bất kỳ nhà chuyên môn nào trong bảng liệt kê ở trên. Nói chung, người ta có thể quyết định dễ dàng hơn nhờ các khuyến cáo ban đầu của các nhà chuyên môn ở các cơ sở sức khỏe tâm thần thuộc các cộng đồng, các trường đại học, và các tổ chức y tế, là những người thường giúp đỡ bệnh nhân chọn lựa một thầy thuốc thích hợp.
I. LIỆU PHÁP TÂM LÝ: CÁC PHƯƠNG PHÁP TÂM LÝ TRỊ LIỆU
Mặc dù khác biệt nhau về nhiều khía cạnh, tất cả các liệu pháp tâm lý đều xem việc chữa trị là một biện pháp giải quyết các rối loạn tâm lý nhờ cải sửa tác phong cư xử của người bệnh, nhằm giúp đỡ họ hiểu rõ hơn về bản thân cũng như về quá khứ hiện tại và tương lai của họ. Chúng ta sẽ tìm hiểu bốn loại liệu pháp tâm lý chủ yếu: động lực tâm lý, tác phong, tiến trình trí tuệ, và nhân bản. Tất cả các liệu pháp ấy đều căn cứ vào các quan điểm khác nhau về hành vi ứng xử bất bình thường mà chúng ta đã thảo luận ở chương 12.
1. Chữa trị theo quan điểm động lực tâm lý: Chọc thủng tầng vô thức
Liệu pháp động lực tâm lý(psychodynamic therapy) căn cứ vào tiền đề, do Freud nêu lên đầu tiên, cho rằng nguồn gốc chủ yếu của hành vi ứng xử bất bình thường chính là các xung đột chưa giải quyết được trong quá khứ và tình trạng lo âu đối với khả năng các xung lực vô thức không chấp nhận được sẽ xâm nhập vào rằng ý thức thuộc tâm tư con người, để bảo vệ chống lại khả năng không mong muốn này, con người dùng các cơ chế phòng vệ (defense mechanisms) – các biện pháp tâm lý bảo vệ họ trước các xung lực vô thức này (xem chương 11). Cho dù tình trạng dồn nén này – là cơ chế phòng vệ thường thấy nhất (trong đó các xung đột và xung lực đe dọa bị đẩy trở lại vùng vô thức) thường hay xảy ra, nhưng các xung đột và xung lực không chấp nhận được ấy không bao giờ bị chôn vùi hoàn toàn. Do đó, một số tình trạng lo âu lên hệ đến chúng có thể là nguyên nhân gây ra hành vi ứng xử bất bình thường dưới dạng mà Freud gọi là triệu chứng loạn thần kinh (neurotic symptoms)
Làm cách nào rũ sạch tình trạng lo âu do sự dồn nén các xung lực và thúc đẩy vô thức không mong muốn ấy? Đối với Freud, câu trả lời là giáp mặt với các xung đột và xung lực ấy bằng cách đưa chúng ra khỏi vùng vô thức để hiện ra ở tầng ý thức thuộc tâm trí con người. Freud cho rằng kỹ thuật này sẽ làm giảm bớt tình trạng lo âu đối với quá khứ, nhờ đó người bệnh có thể tham dự hữu hiệu hơn vào cuộc sống.
Như vậy, thách đố mà thầy thuốc theo liệu pháp động lực tâm lý gặp phải chính là làm cách nào tạo điều kiện thuận lợi để người bệnh nỗ lực thăm dò và tìm hiểu vùng vô thức của chính họ. Kỹ thuật này đã bị cải biến theo quan điểm của những người kế thừa, nhưng tựu trung vẫn là hướng dẫn bệnh nhân tìm hiểu và thảo luận công khai các chi tiết về kinh nghiệm quá khứ của họ kể từ thời điểm lưu lại những ký ức ban đầu. Tiến trình này giả định rằng bệnh nhân cuối cùng sẽ bắt gặp lại những cơn khủng hoảng, các chấn thương, và các xung đột ẩn nấp lâu ngày đang gây ra tình trạng lo âu trong cuộc sống ở tuổi trưởng thành hiện tại của họ. Khi ấy họ có thể “chọc thủng” – hiểu rõ và sửa sai – các khó khăn này.
a. Phân tích tâm lý: Liệu pháp của Freud. Liệu pháp động lực tâm lý của trường phái Freud cổ điển, gọi là phần tích tâm lý (psycho analysis), thường là việc làm vừa kéo dài vừa tốn kém. Nói chung, bệnh nhân thường xuyên đến gặp thầy thuốc một giờ mỗi ngày, từ 4 đến 6 ngày mỗi tuần, kéo dài trong vài năm. Trong các buổi chữa trị, người ta dùng một kỹ thuật do Freud sáng chế, gọi là liên kết tự do (free assodation). Bệnh nhân được yêu cầu nói ra bất cứ điều gì hiện ra trong tâm trí, dù cho điều đó không thích hợp hay vô nghĩa hiển nhiên. Trên thực tế, họ được khuyến khích không nhằm cố gắng làm cho các sự việc có ý nghĩa hoặc áp đặt tính logic lên những điều họ đang nói ra, bởi vì người ta giả định rằng các câu nói không mạch lạc được gợi ra trong thời gian tiến hành liên kết tự do thực sự là các đầu mối quan trọng đế tìm hiểu vô thức, việc làm này có một logic riêng của nó. Công việc của nhà phân tích là nhận định và đặt tên cho các mối liên hệ giữa điều đang được nói ra với vô thức của bệnh nhân.
* Liên kết tự do (free association) Trong phân tâm học, liên kết tự do là một kỹ thuật trong đó bệnh nhân được khuyến khích theo đuổi một dòng ý tưởng đặc biệt khi nó xuất hiện lên tầng ý thức của tâm trí họ. (theo Từ điển Y học).
Một công cụ khác của thầy thuốc là giải thích giấc mơ (dream Interpretation). Như đã thảo luận ở chương 6, việc làm này nhằm kiểm tra các giấc mơ của bệnh nhân để tìm kiếm các đầu mồi hầu làm sáng tỏ các xung đột vô thức liên hệ đến các rắc rối đang gặp phải. Theo Freud, các giấc mơ giúp người ta tìm hiểu cặn kẽ hơn về vô thức, bởi vì các biện pháp phòng vệ của con người bị giảm đi trong lúc ngủ. Nhưng ngay cả trong lúc giấc mơ cũng vẫn có tình trạng kiểm duyệt các ý tưởng, nên các biến cố và con người xuất hiện trong các giấc mơ thường được tượng trưng bằng các biểu tượng. Do sự kiện này, người ta phải thoát ra khỏi miêu tả bề ngoài giấc mơ, tức là nội dung công khai (manifest content) của giấc mơ, để tìm hiểu nội dung tiềm ẩn (latent content) của chúng: chính nội dung này tiết lộ thông điệp chân chính của giấc mơ.
Các tiến trình liên kết tự do và giải thích giấc mơ không luôn luôn diễn ra trơn tru. Chính các lực lượng vô thức đã gây ra sự dồn nén ban đầu cơ thể tác động để phát sinh đề kháng nhằm giữ cho các rắc rối trong quá khứ không lộ diện lên tầng ý thức.
Đề kháng (resistance) là tình trạng không có khả năng hay không muốn thảo luận hoặc tiết lộ những ký ức, ý nghĩ, hay động lực đặc biệt. Thái độ đề kháng có thể biểu hiện theo rất nhiều cách. Thí dụ, bệnh nhân đang thảo luận về một ký ức thời thơ ấu thì đột nhiên quên béng đi những gì mình đang nói hoặc đột nhiên thay đổi hẳn đề tài. Chính công việc của thầy thuốc là nhặt nhạnh các trường hợp đề kháng ấy để giải thích ý nghĩa của chúng, và tạo điều kiện cho người bệnh quay trở lại đề tài đang nói – rất có thể chứa đựng các kỷ niệm khó chịu hay đau buồn của họ.
Do một tương tác gần gũi, gần như mật thiết giữa người bệnh với nhà phân tâm, nên mối quan hệ giữa hai người thường ngày càng ràng buộc về mặt tình cảm và dẫn đến tình trạng phức tạp không giống như hầu hết mọi người khác. Bệnh nhân có thể đến mức xem nhà phân tâm như là đại biểu cho những nhân vật trong quá khứ của bệnh nhân, có thể là cha mẹ hay người yêu và bày tỏ tình cảm đặc biệt dành cho những nhân vật ấy dồn cho nhà phân tâm – một hiện tượng gọi là chuyển di thái độ (transference).
Thầy thuốc có thể vận dụng hiện tượng chuyển thái này để giúp bệnh nhân tái lập các mối quan hệ khó chịu về mặt tâm lý trong quá khứ đối với họ. Thí dụ, nếu bệnh nhân đang tiếp nhận kỹ thuật chuyển thái xem thầy thuốc của mình là biểu tượng của cha mình – người mà bệnh nhân có mối quan hệ khó chịu – thì bệnh nhân và thấy thuốc có thể “tái lập” mối tương tác ngày xưa, nhưng lần này sẽ chứa đựng các khía cạnh tích cực hơn. Thông qua tiến trình này, các xung đột liên quan đến người cha chân chính có thể được kết liễu. (Những thầy thuốc theo quan điểm phân tâm sẽ xem kỹ thuật chuyển thái được vận dụng trong lời chỉ trích của Sandy ở đầu chương này rằng vị thầy thuốc là giống hệt ông bố của cô).
* Hiện tượng chuyển di thái độ(transference) Trong phân tâm học, chuyển thái là tiến trình trong đó bệnh nhân cảm nhận và hành động đối với thầy thuốc như thể vị này là một nhân vật nào đó trong quá khứ của bệnh nhân, đặc biệt là người cha hay người mẹ đầy quyền uy. Tình cảm chuyển thái của bệnh nhân có thể là yêu mến hay căm ghét nhưng lại không phù hợp với con người thực của thầy thuốc. Hiện tượng phản chuyển thái (counter transference) là phản ứng của thầy thuốc đối với bệnh nhân, cũng đạt cơ sở trên những quan hệ quá khứ của chính người thầy thuốc (theo Từ điển Y học).
b. Các quan điểm phân tích tâm lý đương đại. Nếu thời gian là tiền bạc, thì bệnh nhân chữa trị theo biện pháp phân tâm sẽ cần đến cả hai thức này rất nhiều. Như bạn có thể hình dung được, ít người có sẵn thời gian, tiền của, hoặc lòng nhẫn nại để theo đuổi chữa trị trong nhiều năm theo yêu cầu phân tâm truyền thống. Ngoài ra, không có chứng cứ dứt khoát rằng biện pháp phân tâm theo quan niệm ban đầu của Freud công hiệu hơn các quan niệm khác, mới mẻ hơn về liệu pháp động lực tâm lý. Thí dụ, hiện nay liệu pháp động lực tâm lý có khuynh hướng rút bớt thời gian chữa trị, thường kéo dài không quá ba tháng hay quá 20 buổi chữa trị. Thầy thuốc đóng vai trò tích cực hơn so với chủ trương của Freud, kiểm soát tiến trình tri liệu và ra sức thúc giục cũng như khuyên bảo bệnh nhân bằng các chỉ thị quan trọng. Cuối cùng, thầy thuốc ít chú trọng hơn đến thời thơ ấu và các biến cố quá khứ của bệnh nhân. Thay vì thế, người ta dùng phương pháp hiện tiền nhiều hơn, trong đó thầy thuốc chú trọng đến các mối quan hệ và mức độ hoạt động trong hiện tại của bệnh nhân.
Dù các cải tiến ấy, liệu pháp động lực tâm lý cũng bị nhiều phê phán. Liệu pháp này dù sao vốn còn tương đối tốn thời gian và công sức, đặc biệt so với các hình thức liệu pháp tâm lý khác mà chúng ta sẽ đề cập dưới đây. Ngoài ra, chỉ có một số bệnh nhân mới khá phù hợp với biện pháp này. Đó là những bệnh nhân mắc phải các rối loạn dạng lo âu và những người có khả năng diễn đạt ý tưởng của mình khá rõ rệt – các đặc điểm phản ảnh trong cách ghép chữ khá khôi hài để ám chỉ các loại bệnh nhân hoàn hảo là YAVIS: trẻ tuổi (young), lôi cuốn (attractive), có khiếu về ngôn ngữ (verbal), thông minh (intelligent), và thành đạt (successful).
Sau cùng, một ưu tư quan trọng nhất đối với chữa trị động lực tâm lý là liệu nó có thực sự hiệu nghiệm không, và chúng ta không tìm được câu trả lời thỏa đáng. Các kỹ thuật chữa trị theo liệu pháp động lực tâm lý đã từng gây tranh luận kể từ khi Freud giới thiệu chúng. Một phần vấn đề là tình trạng khó xác minh được liệu bệnh nhân theo đuổi liệu pháp động lực tâm lý có cải thiện được sức khỏe không. Người ta buộc lòng phải lệ thuộc vào các báo cáo của thầy thuốc hay của chính các bệnh nhân là các báo cáo hiển nhiên dễ bị thiên lệch và giải thích chủ quan.
Những người phê phán nghi ngờ về toàn bộ cơ sở lý thuyết của quan điểm động lực tâm lý, cho rằng không có chứng cứ nào về sự hiện hữu của các thành phần cấu trúc như vô thức chẳng hạn. Dù bị phê phán mạnh mẽ như vậy, liệu pháp động lực tâm lý vẫn là một kỹ thuật có khả năng tồn tại. Đối với những người đề xướng, nó không những cống hiến một lối chữa trị hiệu nghiệm trong nhiều trường hợp rối loạn tâm lý, mà còn giúp cho bệnh nhân xây dựng kiến thức sâu sắc phi thường về cuộc sống của mình.
2. Các phương pháp chữa trị theo quan điểm tác phong
Hồi còn bé có lẽ bạn đã từng được cha mẹ thưởng một cây kem khi bạn đặc biệt tỏ ra hiếu thuận... hoặc bị giam vào phòng khi bạn phạm lỗi. Như đã thấy ở chương 5, các nguyên tắc hậu thuẫn cho biện pháp dưỡng dục trẻ như thế là hợp lý: duy trì hạnh kiểm tốt bằng khích lệ, và tiêu trừ hạnh kiểm xấu bằng trừng phạt.
Các nguyên tắc này là nền tảng chủ yếu của phương pháp chữa trị theo quan điểm hành vi/liệu pháp cư xử (behavioral treatment approaches). Xây dựng trên cơ sở các tiến trình học tập căn bản – tạo điều kiện hạn chế và tạo điều kiện tác động – các liệu pháp này dựa trên một giả định chủ yếu là: cả lối cư xử bình thường lẫn bất bình thường đều do học tập hay tiêm nhiễm mà có. Những người có tác phong cư xử bất bình thường đã bị thất bại trong việc học tập các kỹ năng cần thiết để ứng phó với các vấn đề trong cuộc sống thường ngày hoặc đã tiêm nhiễm các khả năng lệch lạc và các thói hư tật xấu, được duy trì thông qua một hình thức khích lệ nào đó. Như vậy, muốn cải sửa lối cư xử bất bình thường người ta phải học tập lối cư xử mới mẻ để thay thế cho các kỹ năng lệch lạc mà họ đã hình thành và đồng thời phải loại trừ tinh trạng tiêm nhiễm lối cư xử bất bình thường.
Đối với các nhà tâm lý theo trường phái tác phong, người ta không cần phải khai quật quá khứ của người bệnh hoặc đào sâu vào tâm hồn họ. Đúng ra, nên xem lối cư xử bất bình thường là một triệu chứng của một rắc rối căn bản nào đó, vì thế họ xem bản thân lối cư xử bất bình thường ấy là một rắc rối cần được cải sửa. Thay đổi lối cư xử của người bệnh để giúp họ hành động hữu hiệu hơn nhằm giải quyết rắc rối – không cần phải ưu tư đến nguyên nhân căn bản của vấn đề. Như vậy, theo quan điểm này nếu cải sửa được lối cư xử thì bạn đã chữa lành rối loạn rồi vậy.