Tâm lý học căn bản - Chương 14 - Phần 2
3. Mối liên hệ giữa thái độ và cách cư xử
Thái độ ảnh hưởng đến hành vi ứng xử là sự kiện không lấy gì làm ngạc nhiên. Nếu bạn ưa thích món hamburger (yếu tố ảnh hưởng), có ý định đến ăn ở cửa hàng Mc Donald hay Burgerking (yếu tố cư xử), và tin tưởng rằng hamburger là thực phẩm giàu protein (yếu tố tư duy), thì không lạ gì bạn sẽ thường xuyên ăn hamburger. Dĩ nhiên, mức độ bền vững của một liên hệ giữa thái độ và cách cư xử nào đó rất biến đổi, nhưng nói chung người ta cố gắng giữ cho mối liên hệ ấy được nhất quán. Ngoài ra, con người cũng có khuynh hướng khá nhất quán giữa nhiều thái độ khác nhau của mình. Co lẽ bạn sẽ không đồng thời vừa có thái độ xem việc ăn thịt là trái luân lý lại vừa có thái độ ưa thích món hamburger.
Điều thú vị là tuy tính nhất quán khiến cho thái độ ảnh hưởng đến cách cư xử, thì đôi khi nó lại tác động theo chiều ngược lại, bởi vì trong một số trường hợp chính cách cư xử của chúng ta lại uốn nắn thái độ của mình. Chẳng hạn, hãy tìm hiểu trường hợp sau đây:
Bạn vừa mới tốn công sức vào một việc buồn chán nhất đời là vặn chốt theo yêu cầu của một thí nghiệm tâm lý. Ngay khi kết thúc công việc và sắp sửa ra về, thì nhà thí nghiệm đề nghị bạn giúp đỡ ông ta. Ông ấy cần một người đồng mưu dẫn dụ các đối tượng kế tiếp tham gia thí nghiệm. Điều bạn phải làm là bảo họ rằng công việc ấy rất thú vi. Làm xong bạn sẽ nhận được một đô la tiền công.
Nếu chấp nhận đề nghị ấy, bạn sẽ phải chuẩn bị để ứng phó với một tình trạng căng thẳng tâm lý gọi là mâu thuẫn nhận định. Theo nhà tâm lý xã hội tài năng Leon Festinger (1957) hiện tượng mâu thuẫn nhận định (cognitive dissonance) xảy ra khi một cá nhân có hai thái độ hay ý nghĩ (được gọi là lối suy nghĩ nhận định – cognition) đối chọi nhau. Thí dụ, một người nghiện thuốc lá biết rằng hút thuốc có thể mắc bệnh ung thư phổi, người này có hai ý nghĩ đối chọi nhau: (1) Tôi hút thuốc; và (2) hút thuốc gây ra bệnh ung thư phổi. Lý thuyết này dự đoán rằng hai ý nghĩ này sẽ đưa đến tình trạng mâu thuẫn nhận định. Đáng chú ý hơn, nó còn dự đoán rằng con người sẽ bị thúc đẩy tìm cách giảm bớt tình trạng mâu thuẫn ấy bằng một trong các biện pháp sau: (1) cải sửa một hay cả hai ý nghĩ, (2) cải biến mức quan trọng nhận thức của một ý nghĩ; (3) nẩy sinh thêm một ý nghĩ khác; hoặc (4) phủ nhận mối tương quan giữa hai ý nghĩ ấy. Như vậy, người nghiện thuốc lá có thể quyết định không hút thuốc nhiều như trước nữa (cải sửa ý nghĩ, hoặc cho rằng chứng cứ xác nhận mối liên hệ giữa hút thuốc với bệnh ung thư không vững chắc lắm (cải biến tầm quan trọng của một ý nghĩ, hoặc mức độ tập thể dục của anh ta đủ sức vô hiệu hóa tác hại của khói thuốc lá (nảy sinh thêm một ý nghĩ khác), học không có chứng cứ nào xác nhận một liên hệ giữa hút thuốc với bệnh ung thư (phủ nhận). Dù sử dụng bất kỳ kỹ thuật gì đi nữa, kết quả vẫn là nhằm giảm bớt tình trạng mâu thuẫn (xem Hình 4–3).
Hình 14–3: Sự hiện hữu hai ý nghĩ đối chọi nhau (“Tôi hút thuốc lá!” và “Hút thuốc sẽ bị bệnh ung thư!”) gây ra tình trạng mâu thuẫn: Có thể giảm bớt tình trạng mâu thuẫn này bằng một số biện pháp.
Nếu xét tình huống miêu tả ở trên, trong đó một đối tượng thí nghiệm chỉ được trả công một đô la để lừa dối người khác rằng công việc buồn chán là thú vị, chúng ta sẽ thiết lập được một hoàn cảnh gây mâu thuẫn theo cách cổ điển. Đối tượng trong tình huống như thế chỉ còn lại 2 ý nghĩ đối chọi nhau: (1) Tôi tin rằng công việc ấy buồn chán; nhưng (2) tôi đã bảo rằng nó thú vị vì một lý do không xứng đáng (trị giá một đô la).
Theo lý thuyết này, tình trạng mâu thuẫn phải nẩy sinh. Nhưng làm cách nào để giảm bớt mâu thuẫn? Người ta không thể dễ dàng chối cải sự kiện nói rằng việc làm ấy là thú vị mà không phản lại sự thật. Nhưng dù sao người ta cũng dễ dàng thay đổi thái độ của mình đối với việc làm ấy – và do đó, lý thuyết này dự đoán rằng tình trạng mâu thuẫn nhận định sẽ giảm bớt đi khi các đối tượng cải biến thái độ của họ theo chiều hướng tích cực hơn.
Dự đoán này được minh chứng trong một thí nghiệm cổ điển. Thí nghiệm này chủ yếu theo các thao tác giống như đã phác họa ở trên, trong đó một đối tượng được trả công một đô la để nói dối rằng một việc làm buồn chán là thú vị. Ngoài ra, đế kiểm soát người ta thực hiện thêm thao tác bằng cách trả công 20 đô la cho các đối tượng khác để nói dối rằng việc làm ấy thú vị. Lập luận hậu thuẫn cho thao tác này là khoản tiền 20 đô la khá nhiều để cho đối tượng có đủ lý do bóp méo một sự việc; cho nên tình trạng mâu thuẫn không nảy sinh, và ít cần thay đổi hơn. Kết quả thí nghiệm đã bênh vực quan điểm này. Các đối tượng được trả công một đô la phải cải biến thái độ nhiều hơn (trở nên tích cực hơn đối với công việc vặn chốt) so với các đối tượng được trả công 20 đô la.
Đến đây chúng ta biết rằng lý thuyết mâu thuẫn nhận định giải thích được rất nhiều sự việc xảy ra thường ngày liên quan đến thái độ và cách cư xử. Thí dụ, hãy tìm hiểu xem điều gì xảy ra khi bạn quyết định mua sắm một vật dụng đắt tiền, như chiếc ô tô mới chẳng hạn. Trước tiên, có lẽ bạn sẽ thu thập càng nhiều càng tốt các thông tin về các kiểu xe bằng cách nói chuyện với người khác và đọc tài liệu về các loại ô tô. Nhưng sau khi đã quyết định xong, điều gì sẽ xảy ra? Hầu hết mọi người đều cảm thấy mâu thuẫn đến mức nào đó bởi vì chiếc ôtô chọn lựa của họ có một số đặc điểm bất như ý, trong khi các kiểu xe mà họ không chọn lại có một số đặc tính ưu việt. Sự kiện thường xảy ra nhằm làm giảm mâu thuẫn sau khi mua xe là thái độ của người ta đối với các kiểu xe không được chọn trở nên tiêu cực hơn trong khi thái độ đối với kiểu xe được chọn trở nên tích cực hơn”. Hơn nữa, hiện tượng tiếp cận chọn lọc (selective exposure) lại xảy ra. Để tối thiêu hóa tình trạng mâu thuẫn, người ta cố tình chọn lọc thông tin nào bênh vực cho quyết định chọn lựa riêng tư của họ và cố gắng tránh né thông tin nào ngược lại.
Từ khi được xây dựng vào cuối thập niên 1950 đến nay, lý thuyết mâu thuẫn nhận định đã làm đề tài cho vô số cuộc nghiên cứu, và hầu hết đều hậu thuẫn cho nó. Tuy vậy, lý thuyết này cũng bị phê phán. Một số nhà tâm lý đã phê phán phương pháp vận dụng trong các thí nghiệm mâu thuẫn còn một số khác đã đề xướng các lối giải thích khác về mặt lý thuyết.
Một trong các lối giải thích thay thế ấy có vẻ hợp lý nhất là lý thuyết nhận thức bản hân (self–perception theory) của Darryl Bem (1967, 197Z). Bem nêu ý kiến cho rằng con người hình thành thái độ nhờ quan sát cách cư xử riêng của mình, sử dụng các nguyên tắc tương tự với trường hợp quan sát cách cư xử của người khác để rút ra kết luận về thái độ của những người ấy. Nói khác đi, đôi khi con người không hiểu rõ lý do khiến họ vừa biểu hiện một lối cư xử nào đó. Khi ấy họ sẽ tìm hiểu cặn kẻ cách cư xử của mình và cố gắng hình dung ra lý do nào khiến họ đã hành động.
Thí dụ, nếu tôi là đối tượng nhận một đô la để nói dối rằng một việc làm mà tôi chán ghét thực ra lại rất thú vị, có lẽ tôi sẽ xem xét lại điều tôi đã nối và cố hình dung lý do tại sao tôi nói như thế. Cách giải thích khả dĩ nhất là: “À, nếu như tôi đồng ý nói thích việc làm ấy để lấy khoản tiền nhỏ mọn 1 đô la, tức có lẽ không phải là tôi chán ghét việc làm ấy đến thế. Thực ra, có lẽ tôi thích nó.” Cho nên khi được nhà thí nghiệm yêu cầu bày tỏ thái độ, có lẽ tôi đã có thái độ khá tích cực đối với việc làm ấy rồi. Dĩ nhiên, kết quả này tương tự với kết quả mà lý thuyết mâu thuẫn đã dự đoán – cải biến nhiều hơn để có thái độ tích cực trong điều kiện khích lệ thấp (1 đô la) so với trường hợp khích lệ cao (20 đô la) – nhưng lý do căn bản lại khác biệt hẳn. Trong khi lối giải thích theo lý thuyết mâu thuẫn cho rằng sự cải biến thái độ do sự hiện diện (trong trường hợp 1 đô la) của tình trạng mâu thuẫn gây bực mình mà đối tượng nỗ lực khắc phục, thì lý thuyết nhận thức bản thân lại cho rằng sự cải biến ấy do đối tượng chủ động tìm hiểu cách cư xử của mình.
Các khảo hướng mới đây về lý thuyết mâu thuẫn đều chú trọng đến các tình huống xảy ra hiện tượng mâu thuẫn nhận định. Chẳng hạn, một số nghiên cứu cho rằng không phải do sự đối chọi giữa các ý nghĩ mới đưa đến tình trạng mâu thuẫn – mà các nhân tố bổ sung như cảm thấy có trách nhiệm đối với các hậu quả bực mình hoặc cảm thấy bản thân bị đe dọa chẳng hạn, cũng có thể xảy ra tình trạng mâu thuẫn.
Mặc dù chúng ta không thể biết chắc rằng liệu lý thuyết mâu thuẫn nhận định hoặc các lối giải thích thay thế khác đưa ra một giải thích xác nhận về cách phản ứng của con người trong các trường hợp thiếu nhất quán giữa thái độ và lối cư xử của mình, nhưng hiển nhiên là hầu hết chúng ta đều cố gắng gán cho thái độ và cách cư xử của mình một ý nghĩ nhất định và cố gắng duy trì sự nhất quán giữa chúng với nhau. Khi cư xử không phù hợp với thái độ của mình, chúng ta có khuynh hướng cải biến thái độ ấy sao cho ăn khớp cách cư xử của chúng ta.
4. Tóm tắt và học ôn I
A. TÓM TẮT
– Thái độ (attitude) là thành kiến do tiêm nhiễm mà có nhằm phản ứng theo cung cách thuận lợi hay không thuận lợi đối với một sự vật đặc biệt nào đó. Thái độ gồm có 3 thành tố: ảnh hưởng (affect), cư xứ (behavior), và tư duy (cognition).
– Các tiến trình tạo điều kiện hạn chế cũng như tạo điều kiện tác động đều có thể làm nền tảng cho sự thủ đắc thái độ.
– Các nhận tố đề cao sức thuyết phục bao gồm nguồn xuất phát thông điệp, các đặc điểm của thông điệp và các đặc điểm của người tiếp nhận hay mục tiêu của thông điệp.
– Con người cố gắng làm cho thái độ và cách cư xử của mình ăn khớp với nhau theo một cấu trúc hợp logic, và nỗ lực khắc phục bất kỳ trường hợp thiếu nhất quán nào mà họ nhận thấy được.
– Một tình trạng căng thẳng tâm lý là hiện tượng mâu thuẫn nhận định (cognitive dissonance) xảy ra khi một cá nhân đồng thời có hai thái độ hoặc ý nghĩ (gọi là cách suy nghĩ – cognition) đối chọi với nhau. Lý thuyết nhận thức bản thân (self–perception theory) cống hiến một lối giải thích khác về hiện tượng mâu thuẫn này.
B. HỌC ÔN
1/ Thành kiến do tiêm nhiễm mà nhằm phản ứng thuận lợi hay không thuận lợi đối với một sự vật hay đối tượng nào đó được gọi là:...
2/ Cặp đôi mỗi thành tố thuộc mô hình ABC về thái độ với định nghĩa của chúng:
a. Ý nghĩ và niềm tin.
b. Các tình cảm ưa thích hay chán ghét
c. Dự tính hành động theo một lối đặc biệt nào đó.
1. Ảnh hưởng (affect)
2. Cư xử (behavior)
3. Tư duy (cognition)
3/ Một nhãn hiệu bơ đậu phụng quảng cáo sản phẩm bằng cách miêu tả mùi vị và giá trị dinh dưỡng của nó. Người ta hy vọng thuyết phục khách hàng nhờ cách xử lý... Trong các quảng cáo của một nhãn hiệu cạnh tranh. Một diễn viên nổi tiếng được chiếu lên màn ảnh đang ăn sản phẩm một cách thích thú nhưng không miêu tả bản thân sản phẩm. Biện pháp này gọi là cách xử lý...
4/ Lý thuyết mâu thuẫn nhận định cho rằng thông thường chúng ta cải biên cách cư xử của mình để nhất quán với thái độ của chúng ta. Đúng hay sai?...
5/ Lý thuyết cho rằng con người hình thành thái độ nhờ quan sát và cô gắng tìm hiểu cách cư xử riêng của mình gọi là:
a. Tạo điều kiện tác động (Operant conditioning).
b. Mẫu thuẫn nhận định (Cogninitive dissonance)
c. Học tập ủy nhiệm (Vicarious learning).
d. Nhận thức bản thân (Self – perception)
C. CÂU HỎI TỰ VẤN
Giả sử bạn được giao công tác xây dựng một chiến dịch quảng cáo toàn diện cho một loại sản phẩm, bao gồm quảng cáo trên tivi, radio, và các phương tiện in ấn khác. Các lý thuyết đề cập trong chương này sẽ giúp ích được gì để cho chiến lược của bạn phù hợp với các phương tiện truyền thông khác nhau này?
(Giải đáp câu hỏi học ôn cuối chương)
II. NHẬN ĐỊNH VỀ XÃ HỘI: TÌM HIỂU NGƯỜI KHÁC
Dù có tán thành đường lối và lý tưởng của ông hay không, dù biết ông đã xuyên tạc sự thật đến mức nào ở các cuộc họp báo, và dù các rắc rối mà thuộc cấp của ông gây ra như thế nào chăng nữa, hầu hết người dân Mỹ đều yêu thích cựu tổng thống Donald Reagan của họ. Các vấn đề này tuy có thể bị xem là gây bất lợi cho cá nhân ông, nhưng dường như không hề ảnh hưởng gì đến lòng mến mộ của dân chúng đối với Reagan, và ông còn được giới báo chí xưng tụng là “vị tổng thống không vấy bẩn”. Là một “người đàn ông dễ mến”, cho đến cuối nhiệm kỳ thứ hai ông vẫn giữ được thanh danh là một trong các vị tổng thống được nhân dân Mỹ mến mộ nhất trong thế kỷ 20.
Những trường hợp giống như thế minh họa sức mạnh của ấn tượng trong lòng chúng ta và chứng thực tầm quan trọng của việc xác định xem con người làm cách nào để tìm hiểu người khác. Một trong các lãnh vực nghiên cứu nổi bật trong ngành tâm lý xã hội trong mấy năm gần đây nhằm khám phá vấn đề liệu chúng ta làm cách nào để tìm hiểu người khác và liệu chúng ta làm sao để giải thích các lý do hậu thuẫn cho cách cư xử của họ.
1. Tìm hiểu người khác
Hãy tìm hiểu trong một phút vô số thông tin chúng ta tiếp nhận được về người khác. Chúng ta làm sao quyết định được thông tin nào quan trọng và thông tin nào không quan trọng để phán đoán về các điểm đặc trưng của người khác? Các nhà tâm lý quan tâm đến câu hỏi này ra sức nghiên cứu chủ đề nhận định về xã hội (social cognition) – các tiến trình làm nền tảng cho việc tìm hiểu thế giới chung quanh trên bình diện xã hội. Họ đã khám phá được con người có các lược đồ (schemas) phát triển cao độ, tức là các tổ hợp nhận định về con người và kinh nghiệm xã hội. Các lược đồ này sắp xếp có hệ thống các thông tin lưu trữ trong ký ức; tượng trưng phương thức vận hành của xã hội trong tâm tư chúng ta; và trình bày cho chúng ta một cơ cấu để phạm trù hóa và diễn dịch các thông tin liên quan đến các kích thích có tính xã hội.
Nói chung, chúng ta có các lược đồ tiêu biểu cho các mẫu người đặc biệt trong hoàn cảnh sống của mình. Chẳng hạn, lược đồ về “giáo sư” nói chung bao gồm một số đặc điểm như: kiến thức về nội dung môn giảng dạy, thế là mong ước truyền thụ kiến thức ấy cho người khác, và hiểu rõ nhu cầu học hỏi của sinh viên. Hoặc giả chúng ta có thể có lược đồ về “người mẹ” bao hàm các đặc điểm như: tình thương nồng nàn, dưỡng dục, và chăm sóc. Bất kể mức độ chính xác của chúng – và như chúng ta sẽ thấy, chúng thường không chính xác – các lược đồ đóng vai trò quan trọng bởi vì chúng tổ chức phương thức nhờ đó chúng ta nhớ lại, nhận biết, và phân loại các thông tin về người khác. Hơn nữa, chúng cho phép chúng ta dự đoán về một người khác trên cơ sở tương đối ít thông tin. Bởi vì chúng ta có khuynh hướng gán ghép họ vào các lược đồ tâm trí ngay cả trong trường hợp không có chứng cứ cụ thể cho lắm để tiến hành việc này.
Hình thành ấn tượng. Làm cách nào chúng ta xác định được Galli là một có gái thích được tán tỉnh, hoặc Andy là một anh ngố, hoặc John là một chàng trai thực sự dễ mến? Công trình nghiên cứu đầu tiên về vấn đề nhận định xã hội nhằm khảo xét sự hình thành ấn tượng (impression formation), tức là tiến trình nhờ đó một cá nhân tổ chức các thông tin về một người khác nhằm thiết lập một ấn tượng tổng quát về người đó. Chẳng hạn, trong một khảo cứu cổ điển các sinh viên được yêu cầu cho biết cảm tưởng về vị diễn giả được mời đến diễn thuyết tại trường. Một nhóm sinh viên nói rằng vị diễn giả ấy là “Người khá nhiệt tình, tận tụy, có óc phê phán, thực tiễn, và quyết đoán”, trong khi nhóm khác cho rằng ông là “người khá lãnh đạm, tận tụy, có óc phê phán, thực tiễn và quyết đoán”.
Sự thay thế chi tiết nhỏ nhặt “lãnh đạm” cho “nhiệt tình” gây khác biệt lớn lao trong cách nhận định của mỗi nhóm sinh viên về vị diễn giả ấy, dù ông đã diễn thuyết cùng một đề tài theo cùng một phong cách trong mỗi tình huống. Các sinh viên vốn cho rằng ông “nhiệt tình” đã đánh giá ông theo chiều hướng tích cực hơn nhiều so với các sinh viên nói rằng ông “lãnh đạm”.
Khám phá từ thí nghiệm này dẫn đến các cuộc nghiên cứu bổ sung về các hình thành ấn tượng đều chú trọng vào phương thức theo đó con người đặc biệt quan tâm đến một số nét nhân cách quan trọng lạ thường – gọi là nét nhân cách trung tâm (central traits) – giúp con người thiết lập một ấn tượng tổng quát về người khác. Theo các công trình nghiên cứu này, sự hiện diện của một nét nhân cách trung tâm làm thay đổi ý nghĩa của các nét nhân cách khác. Do đó, sự miêu tả vị diễn giả ấy là “tận tụy” hẳn là phản ảnh ý nghĩa khác nhau tùy theo nó gần liền với nét trung tâm “nhiệt tình” hay “lãnh đạm” vậy.
Một công trình khảo cứu khác về cách hình thành ấn tượng đã sứ dụng các phương pháp xử lý thông tin (xem chương 7) để xây dựng các mô hình theo định hướng toán học về cách phối hợp các nét nhân cách cá biệt nhằm thiết lập một ấn tượng tổng quát. Nói chung, kết quả của các nghiên cứu này cho rằng khi đưa ra một phán đoán tổng quát về một cá nhân, chúng ta sử dụng một “con số” trung bình tâm lý về các nét nhân cách mà chúng ta thấy được, theo phương thức tương tự với cách tìm số trung bình toán học của một vài con số.
Dĩ nhiên, khi hiểu biết thêm về người khác và thấy họ biểu hiện cách cư xử trong nhiều tình huống khác nhau, thì ấn tượng của chúng ta về họ lại càng phức tạp hơn. Thế nhưng, bởi vì thường có nhiều khoảng trống trong hiểu biết của chúng ta về người khác, nên chúng ta vốn có khuynh hướng gán ghép họ và các lược đồ nhân cách tượng trưng cho những “loại” người đặc biệt nào đó. Chẳng hạn, chúng ta có thể có lược đồ “người thích giao du”, cấu thành bởi các nét nhân cách như thân thiện, năng nổ, và cởi mở. Chỉ cần có một hoặc hai trong số nét nhân cách này cũng đủ khiến cho chúng ta gán ghép một cá nhân vào một lược đồ tâm trí nhất định.
Không may thay, các lược đồ ấy lại dễ bị nhiều nhân tố tác động làm biến đổi mức chính xác trong phán đoán của chúng ta. Thí dụ, tâm trạng ảnh hưởng đến cách nhận định của chúng ta về người khác. Những người có tâm trạng hạnh phúc thường hình thành ấn tượng tốt đẹp và phán đoán tích cực hơn những người đang có tâm trạng buồn rầu.
Cho dù các lược đồ không chính xác hoàn toàn đi nữa, chúng cũng rất có hiệu quả. Chúng cho phép chúng ta xây đắp các kỳ vọng về cách cư xử tương lai của người khác, giúp chúng ta phác họa các tương tác với tha nhân dễ dàng hơn, và giúp đơn giản hóa việc nhận định một xã hội muôn màu muôn vẻ mà chúng ta đang sống.
2. Các tiến trình quy trách: Tìm hiểu nguyên nhân cư xử
Khi Barbara Washington, một nhân viên mới vào làm việc ở công ty Staeliron Computer, hoàn thành một dự án nhân sự quan trọng sớm hơn thời hạn hai tuần lễ thì thượng cấp của cô là bà Marian rất hài lòng. Trong buổi họp nhân viên sau đó, bà tuyên bố rất hài lòng về Barbara và giải thích rằng đây là một thí dụ về thành tích bà mong mỏi ở các thuộc cấp của bà. Các nhân viên khác xem ra khá bực mình, họ cố tìm hiểu xem lý do nào khiến Barbara làm ngày làm đêm để hoàn tất dự án ấy không chỉ đúng thời hạn, mà còn sớm hơn đến những hai tuần. Họ cho rằng hẳn cô là người khắc khổ phi thường.
Thỉnh thoảng hầu hết chúng ta đều đã từng gặp cảnh khó lòng hiểu được các lý do hậu thuẫn cho cách cư xử của một cá nhân nào đó. Có lẽ giống như hoàn cảnh vừa nêu, hoặc trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, như khi chung ta là thành viên trong hội đồng kỷ luật sinh viên ngồi xét xử một vụ gian lận thi cứ chẳng hạn. Ngược lại công trình nghiên cứu vấn đề nhận định về xã hội, tức là công trình miêu tả cách thức con người hình thành ấn tượng tổng quát về tha nhân căn cứ trên các nét nhân cách của họ, lý thuyết quy trách (attribution theory) tìm cách giải thích cách thức chúng ta căn cứ vào một số hành vi điển hình của một cá nhân để xác định các nguyên nhân đặc biệt khiến cho cá nhân ấy có lối cư xử nào đó.
Trong nỗ lực tìm hiểu các nguyên nhân làm cơ sở cho một lối cư xử nhất định, thông thường con người trước hết cố gắng xác định xem nguyên nhân ấy thuộc hoàn cảnh hay có tính tiền định. Các nguyên nhân hoàn cảnh (situational causes) là các nguyên nhân phát sinh do một đều gì đó trong hoàn cảnh sinh sống. Chẳng hạn, trường hợp một cá nhân nốc cạn một bình sữa lớn rồi sau đó đi rửa sạch bình, làm như thế có lẽ không nhất thiết bởi vì y là một người cực kỳ ngăn nắp, mà vì hoàn cảnh buộc y phải có hành động ấy. Ngược lại, một người cất công nhiều giờ liền để đánh bóng sàn bếp, có lẽ bởi vì y đúng là một người ngăn nắp thực sự – do đó hành động này có một nguyên nhân tiền định (dispositional cause), tức là bị thúc đẩy bởi một thiên hướng của người ấy (nét cá tính nội tâm hay điểm đặc trưng nhân cách của y).
Trong thí dụ của chúng ta về Barbara ở trên, các đồng nghiệp quy trách cách cư xử của cô cho nhân tố tiền định chứ không cho nhân tố hoàn cảnh. Nhưng trên cơ sở logic, cũng có vẻ hợp lý ngang như thế khi cho rằng có một điều gì đó thuộc hoàn cảnh đã khiến cho cô có cách cư xử ấy. Chẳng hạn, nếu được hỏi Barbara có thể quy trách nỗ lực hoàn thành sớm dự án ấy cho các nhân tố hoàn cảnh, phân trần rằng cô có quá nhiều việc khác phải làm cho nên cô đành phải làm dự án ấy cho xong trước đã, hoặc dự án ấy chẳng có gì khó cả nên thật dễ hoàn tất trước dự tính. Như vậy, đối với cô nguyên nhân khiến cô cư xử như thế có lẽ chẳng có chút gì tiền định cả, mà là do nhân tố hoàn cảnh gây ra.
3. Các thiên kiến trong tiến trình quy trách: Lầm lạc là bản chất của con người
Nếu chúng ta luôn luôn xử lý thông tin theo cung cách hợp lý như lý thuyết quy trách chủ trương, thì có lẽ thế giới này đã diễn biến trơn tru hơn khá nhiều. Bất hạnh thay, tuy lý thuyết này giúp chúng ta dự đoán chính xác – ít ra đối với các trường hợp trong đó con người có kiến thức cụ thể, trực tiếp về tính nhất trí, nhất quán và cá biệt – nhưng con người lại không thường xuyên xử lý các thông tin về tha nhân theo kiểu hợp lý như thế. Trên thực tế, các cuộc nghiên cứu đều cho thấy rằng thường hay có các thiên kiến cố chấp trong cách thức thực hiện các tiến trình quy trách của con người. Các thiên kiến điển hình nhất là:
a. Thiên kiến quy trách căn bản: Một trong các thiên kiến thông thường nhất trong tiến trình quy trách của con người là khuynh hướng gán cho cách cư xử của người khác các nguyên nhân tiền định – trong khi cư xử của họ thực ra lại do các nhân tố hoàn cảnh. Được gọi là thiên kiến quy trách căn bản (fundamental attribution bias), khuynh hướng này rất thịnh hành. Thí dụ, một phân tích về các thư ngõ và các lời khuyên nhủ trong các cột báo, như “Dear Abby” và “Anna Landers” chẳng hạn, cho thấy các tác giả đều gán cho các khó khăn riêng tư của mình là do các nhân tố hoàn cảnh gây ra, trong khi các vấn đề của người khác đều do các nguyên nhân tiền định, thuộc cá tính, gây ra. Trong thí dụ nêu trên, chúng ta thấy Barbara quy trách lối cư xử của mình do hoàn cảnh bó buộc (nhân tố hoàn cảnh), trong khi các đồng nghiệp lại cho rằng cách cư xử ấy do các đặc điểm nhân cách của cô (nhân tố tiền định).
Tại sao thiên kiến quy trách căn bản lại phổ biến đến thế? Một lý do phải kể đến chính là bản chất của các thông tin sẵn có đối với người thực hiện tiến trình quy trách. Khi chúng ta nhìn thấy cách cư xử của người khác trong một bối cảnh đặc biệt thì các thông tin nổi bật nhất chính là bản thân lối cư xử của người ấy. Bởi vì các chi tiết hoàn cảnh chung quanh người ấy vào lúc bấy giờ tương đối an tỉnh và bất biến, nên người ấy chính là trọng tâm chú ý của chúng ta. Nhưng khi tìm hiểu cách cách cư xử của mình, thì các biến đổi trong bối cảnh lại rõ rệt hơn, nên chúng ta dễ quy trách cho các nhân tố hoàn cảnh hơn.
Một hậu quả của thiên kiến quy trách căn bản là chúng ta có thể biện minh cho thất bại của mình bằng cách quy trách vào hoàn cảnh để được giảm nhẹ trách nhiệm (“Tôi không thể hoàn tất bài tiểu luận bởi vì thư viện không có cuốn sách tôi cần tham khảo!”), nhưng khi người khác gặp rắc rối thì chúng ta lại đổ lỗi sai lầm ấy cho các nhân tố cá tính của họ (“Chỉ vì hắn quá lười nên làm sao viết xong bài tiểu luận cho được!”).