Tâm lý học căn bản - Chương 14 - Phần 6

b. Lý thuyết thất vọng dẫn đến gây hấn: Gây hấn là phản ứng đối với tình trạng thất vọng. Giả sử bạn đang ra sức làm bài tiểu luận đến hạn phải nộp cho lớp vào sáng sớm hôm sau, và chiếc máy in vi tính của bạn lại vừa hết mực đúng vào lúc bạn định in bài tiểu luận ấy. Bạn chạy vội đến cửa hàng để mua thêm mực thì thấy người bán hàng đóng cửa nghỉ việc. Dù thấy được cử chỉ van xin mở cửa của bạn, nhưng ông ta vẫn từ chối qua động tác nhún vai rồi chỉ vào tấm biển đề cửa hàng chỉ mở cửa vào ngày hôm sau. Ngay lúc ấy, tâm tình của bạn có lẽ đang sôi sục lên đến mức bạn áp có hành động gây hấn thực sự đối với người bán hàng ấy.

Lý thuyết thất vọng dẫn đến gây hấn nỗ lực giải thích tính gây hấn bằng các biến cố giống như sự kiện vừa nêu. Hồi mới được đề xướng lần đầu, lý thuyết này chủ trương dứt khoát rằng tâm trạng thất vọng nhất định dẫn đến hành động gây hấn dưới một dạng nào đó, và rằng gây hấn luôn luôn là hậu quả của một tâm trạng thất vọng nào đó, khi mà tâm trạng thất vọng (frustration) được định nghĩa là tâm trạng phát sinh khi một lối cư xử nhằm một mục tiêu nhất định đang diễn ra thì gặp trở ngại hay bị phong tỏa. Tuy nhiên, các lý thuyết gần đây đã cải biến đi, cho rằng tâm trạng thất vọng phát sinh cơn tức giận, dẫn đến tình trạng dễ có hành động gây hấn. Hành động gây hấn thực sự xảy ra hay không còn tùy thuộc vào sự hiện diện của các gợi ý gây hấn (aggressive cues), là các kích thích gắn liền với hành động gây hấn hay bạo hành thực sự trong quá khứ và sẽ làm động cơ tái phát động tính gây hấn trong hiện tại. Ngoài ra, tâm trạng thất vọng được giả định chỉ gây ra hành động gây hấn trong chừng mực tâm trạng ấy nẩy sinh các tình cảm khó chịu.

Các loại kích thích nào tác động như là gợi ý gây hấn? Có thể từ kích thích minh thị nhất, như sự hiện diện các loại vũ khí chẳng hạn, cho đến kích thích tế nhị nhất, như đơn thuần đề cập đến tên tuổi của một cá nhân đã từng cư xử bạo hành trong quá khứ chẳng hạn. Thí dụ, trong một thí nghiệm các đối tượng đang nổi cơn tức giận trong trường hợp có sự hiện diện một khẩu súng đã cư xử gây hấn hơn rất nhiều so với tình huống không có súng. Tương tự, trong một thí nghiệm khác các đối tượng mang tâm trạng thất vọng đã từng xem một bộ phim bạo lực từng có hành đồng gây hấn cụ thể hơn đối với một người đồng mưu thí nghiệm có tên giống như ngôi sao đóng vai chính trong phim ấy so với trường hợp người đồng mưu có tên khác. Như vậy, dường như tâm trạng thất vọng dẫn đến hành động gây hấn, ít ra khi có sự hiện diện các gợi ý gây hấn.

BẢNG 14–3

Phải chăng hành động này là gây hấn?

Muốn biết bản thân bạn có gặp khó khăn khi định nghĩa tính gây hấn hay không, hãy tìm hiểu từng hành vi dưới đây để xác định xem liệu nó có biểu trưng cho lối cư xử gây hấn hay không – theo cách định nghĩa của bạn về thuật ngữ này.

1. Con nhện ăn thịt con ruồi.

2. Hai con chó sói cấu xé nhau để tranh đoạt địa vị thủ lãnh của bầy đàn.

3. Một binh sĩ nổ súng vào quân thù ở mặt trận.

4. Viên quản đốc trại giam hành hình tên tội phạm bị kết án tử hình.

5. Một băng đảng thiếu niên tấn công các thành viên thuộc băng đảng khác.

6. Hai người đàn ông đánh nhau để tranh cướp một mẩu bánh mì.

7. Người đàn ông đá con mèo thật tàn nhẫn.

8. Trong khi lau cửa sổ, người đàn ông vô ý làm rơi chậu hoa gây thương tích cho một khách bộ hành.

9. Cô gái đá mạnh vào giỏ rác.

10. Là một người nổi tiếng lắm lời, ông X thường phao tin làm tổn thương thanh danh nhiều người quen biết của mình.

11. Người đàn ông ôn tập trong một vụ sát nhân mà y dự tính gây ra.

12. Đứa con trai vì lúc giận đã cố tình không viết thư thăm hỏi mẹ nó, bà này đang trông thư con và sẽ đau lòng nếu không nhận được thư.

13. Một cậu bé cáu tiết dốc sức đánh đập đối thủ, một cậu bé to con hơn, nhưng chúng làm gì được. Nỗ lực của cậu chỉ làm trò cười cho cậu bé to xác kia.

14. Một phụ nữ mơ ước hãm hại đối thủ nhưng không hy vọng làm được điều ấy.

15. Một thượng nghị sĩ không phản đối việc leo thang oanh tạc, việc làm mà bà chống đối về mặt luân ly.

16. Bác nông dân cắt tiết con gà để làm cơm tối.

17. Bác thợ săn giết được một con thú và khoe con vật như là một chiến tích.

18. Con chó gầm gừ dọa nạt người phát thư nhưng không ăn ông ta.

19. Một bác sĩ tiêm mũi thuốc trị cúm cho một em bé, làm em khóc thét lên.

20. Một võ sĩ quyền Anh đấm đối thủ chảy máu mũi.

21. Một nữ hướng đạo sinh cố gắng giúp một bà lão nhưng lại vô tình gây tai nạn cho bà.

22. Một tên cướp ngân hàng bị bắn trúng lưng trong lúc cố gắng chạy trốn.

23. Một đấu thủ quần vợt đập mạnh cây vợt xuống đất sau khi đánh trượt một cú volley.

24. Một cá nhân hành động tự sát.

25. Chú mèo giết được một con chuột, vờn con vật khốn khổ một lúc rồi bỏ đi.

(Xuất xứ: Benjamin, 1985, trang 41)

c. Lý thuyết Học tập theo quan sát: Tiêm nhiễm thói gây tổn tương người khác. Chúng ta có học cách gây hấn không? Lý thuyết tiến trình học tập theo quan sát (đôi khi gọi là tiến trình học tập tương tác xã hội) đáp rằng có. Chấp nhận một quan điểm gần như đối chọi lại các lý thuyết bản năng, chú trọng đến khía cạnh bẩm sinh của tính gây hấn, lý thuyết học tập theo quan sát (mà chúng ta đã thảo luận lần đầu ở chương 5) nhấn mạnh đến vấn đề liệu các điều kiện xã hội và hoàn cảnh có thể đào luyện con người có khả năng gây hấn đến mức nào. Người ta cho rằng tính gây hấn không phải là một hiện tượng nhất định phải xảy ra, đúng ra nó là một phản ứng tiêm nhiễm được do phần thưởng và hình phạt.

Giả sử một bé gái đánh cậu em của mình vì đã làm hỏng món đồ chơi của nó. Trong khi lý thuyết bản năng sẽ cho rằng năng lực gây hấn bị dồn nén từ trước giờ đây có dịp phát tiết, và lý thuyết thất vọng dẫn đến gây hấn sẽ nói rằng tâm trạng thất vọng vì không còn dùng được món đồ chơi khiến cho bé gái ấy có hành động gây hấn, thì lý thuyết học tập theo quan sát sẽ truy lùng một khích lệ trước đây mà bé gái ấy đã nhận được do hành động gây hấn. Có lẽ em đã hiểu được rằng biểu hiện gây hấn khiến cho cha mẹ quan tâm đến em, hoặc có lẽ trong quá khứ cậu em ấy đã phải xin lỗi sau khi bị đánh đòn chẳng hạn. Dù trong trường hợp nào, lý thuyết này cũng xem hành động gây hấn như là kết quả của phần thưởng mà cô bé đã nhận được trong quá khứ nhờ lối cư xử ấy.

Lý thuyết này đặc biệt quan tâm không chỉ đến phần thưởng và hình phạt trực tiếp mà đích thân con người nhận được, mà còn lưu ý đến phần thưởng và hình phạt mà các nhân vật mẫu mực – những cá nhân nêu gương cư xử thích hợp – nhận được do lối cư xử của họ. Theo lý thuyết này, con người quan sát lối cư xử của các nhân vật mẫu mực và hậu quả sau đó của lối cư xử ấy. Nếu hậu quả tốt thì lối cư xử ấy nhất định sẽ được bắt chước theo khi người quan sát thấy bản thân mình lâm vào tình huống tương tự.

Quan điểm căn bản này của lý thuyết đã được ủng hộ rộng rãi. Thí dụ, thiếu nhi ở độ tuổi học mẫu giáo đã từng nhìn thấy người lớn cư xử gây hấn sẽ biểu hiện lối cư xử tương tự khi chúng nổi giận. Như vậy, hóa ra hiện tượng bắt chước các nhân vật mẫu mực nói chung chỉ dẫn đến hành động gây hấn tự phát trong trường hợp người quan sát nổi giận, bị sỉ nhục, hoặc thất vọng sau khi đã nhìn thấy tấm gương của các nhân vật mẫu mực ấy. Khám phá này có ý nghĩa quan trọng đối với việc tìm hiểu ảnh hưởng của hành động gây hấn biểu hiện qua các phương tiện truyền thông.

d. Hành động gây hấn qua các phương tiện truyền thông: Xem tivi nhiều có hại không?

Thiếu nhi Mỹ trong khoảng tuổi từ lên 5 đến 15 trung bình xem không dưới 13.000 ngàn vụ chết chóc do bạo hành trình chiếu trên TV; con số các vụ ẩu đả và các cảnh gây hấn khác các em xem qua còn cao hơn thế nữa. Thậm chí những buổi tối thứ Bảy ngày xưa thường là thời gian để cho tâm tư tương đối được thanh thản, thì nay nhan nhản những bộ phim, như X–Men và Batman chẳng hạn, gồm rất nhiều cảnh miêu tả các hành động gây hấn.

Phải chăng mức độ ham thích những cảnh bạo hành trên TV, cũng như trên các phương tiện truyền thông khác, cho thấy thế giới của chúng ta chắc chắn sẽ diễn ra thảm cảnh bạo hành còn nhiều hơn trước đây nữa? Bởi vì các cuộc nghiên cứu tiến trình học tập theo quan sát về hiện tượng mô phỏng hay bắt chước cho thấy con người thường học tập và bắt chước lối cư xử gây hấn mà họ quan sát được, nên câu hỏi này là một trong các vấn đề quan trọng nhất đang được các nhà tâm lý xã hội đề cập đến.

Hầu hết các cuộc nghiên cứu đều cho rằng có mối liên hệ vững chắc giữa tình trạng ham thích xem các chương trình TV đầy cảnh bạo hành với việc biểu hiện tác phong gây hấn. Chẳng hạn, một thí nghiệm cho thấy các đối tượng đã từng xem TV rất nhiều hồi còn học lớp ba đến khi trưởng thành đã có hành động gây hấn nhiều hơn các đối tượng ít xem TV. Dĩ nhiên, các kết quả này không thể chứng tỏ rằng xem TV là nguyên nhân của lối ứng xử gây hấn lúc trưởng thành. Một nhân tố bổ sung nào đó, như hoàn cảnh kinh tế xã hội của cá nhân chẳng hạn, có thể dẫn đến hậu quả vừa thích xem cảnh bạo hành trên TV vừa có khuynh hướng tăng thêm hành động gây hấn.

Dù vậy, hầu hết các chuyên gia đều tán thành rằng xem nhiều cảnh bạo hành trên các phương tiện truyền thông có thể khiến cho người ta dễ có hành động gây hấn hơn (nếu không muốn nói rằng chắc chắn sẽ có hành động gây hấn trực tiếp và công khai và khiến cho người ta trở nên vô cảm hơn đối với sự thống khổ của các nạn nhân do bạo hành gây ra. Một vài lý do, vượt ngoài hiện tượng bắt chước đơn thuần, góp phần giải thích nguyên nhân khiến cho việc xem cảnh bạo hành qua các phương tiện truyền thông có thể khơi dậy tính gây hấn. Một mặt, việc chấp nhận phố biển các cảnh bạo hành dường như làm giảm hiệu lực của các cấm đoán xã hội đối với sự thể hiện tình gây hấn – xem các cảnh miêu tả bạo lực trên TV khiến cho hành động gây hấn dường như là một phản ứng hợp pháp trong các tình huống đặc biệt. Mặt khác, xem cảnh bạo hành quá nhiều có thể khiến cho chúng ta hiểu sai lạc ý nghĩa cách cư xử của người khác: Chúng ta có thể có thành kiến xem hành vi đơn thuần của người khác là hành động gây hấn, và sau đó có thể hành động căn cứ vào cách hiểu mới mẻ này bằng phản ứng gây hấn. Cuối cùng, xem liên tục các cảnh gây hấn có thể khiến cho chúng ta bớt nhạy cảm đối với bạo lực, và những hành động trước đây khiến chúng ta ghê tởm thì nay đã khiến chúng ta bớt chán ghét hơn. Mối đồng cảm với nỗi đau đớn và thống khổ của các nạn nhân do hành động gây hấn có thể mất đi, và chúng ta cảm thấy mình dễ có hành động gây hấn hơn.

e. Mối liên hệ sách báo khiêu dâm với thói bạo hành đối với nữ giới. Phải chăng xem nhiều sách báo khiêu dâm có nội dung bạo hành đối với nữ giới sẽ khiến cho người xem có hành động bạo lực thực tế đối với nữ giới? Câu hỏi này cũng là một vấn đề phức tạp, nhưng các chứng cứ mới đây cho rằng có thể có mối liên hệ giữa một số nội dung khiêu dâm với thói gây hấn.

Trong một thí nghiệm nhằm tìm hiểu vấn đề này, các đối tượng nam giới đang có tâm trạng tức giận trước đó đã từng xem phim khiêu dâm có nội dung bạo hành đối với nữ giới đã biểu hiện thói gây hấn đối với nữ giới mãnh liệt hơn các đối tượng xem phim khiêu dâm không có nội dung bạo lực. Các thí nghiệm khác đã khám phá được rằng xem cảnh bạo lực và tình dục lâu dài sẽ khiến cho người ta bớt lòng tôn trọng nữ giới đưa đến tình trạng giảm bớt nhạy cảm về mặt sinh lý cũng như về tình cảm. Thí dụ, các đối tượng được cho xem một loạt phim bạo lực “đánh đập phụ nữ” thuộc hạng R sau đó tỏ ra bớt lo âu và trầm cảm đi, đồng thời bớt thương cảm các nạn nhân bị cưỡng hiếp hơn so với các đối tượng xem các phim không có nội dung bạo lực.

Nói chung, các cuộc nghiên cứu trong lãnh vực này đều cho rằng xem nhiều sách báo và phim ảnh khiêu dâm có nội dung bạo hành đối với nữ giới sẽ khiến cho người ta bớt nhạy cảm về sinh lý và tình cảm đối với hành động gây hấn nhắm vào nữ giới và đồng thời tăng thêm xác suất có hành động gây hấn thực tế đối với họ. Dường như vấn đề đặc biệt gây tranh cãi là liệu các sách báo phim ảnh khiêu dâm có chứa đựng nội dung bạo hành đối với nữ giới không. Nội dung gây hấn trong các tài liệu khiêu dâm hiển nhiên đã làm tăng mức biểu hiện thói gây hấn sau khi xem.

Liệu các khám phá này có hàm ý rằng nên cấm đoán các sách báo phim ảnh khiêu dâm hay không là một vấn đề gây tranh luận – một biện pháp như vậy chắc chắn sẽ vi phạm Tu Chính án Thứ Nhất về quyền tự do ngôn luận. Hơn nữa, có lẽ nhóm sách báo khiêu dâm ít gây rắc rối hơn các bộ phim hạng R phố biển khá rộng rãi, thường được trình chiếu trên hệ thống cáp truyền hình. Một phân tích nhằm so sánh nội dung của các bộ phim hạng R (cấm thanh thiếu niên 17 tuổi hoặc lớn hơn nếu không đi chung với cha hoặc mẹ) với các bộ phim hạng X và hạng XXX (thiếu niên dưới 18 tuổi không được vào xem) đưa ra một số dữ kiện đáng lưu ý. Tuy tỷ lệ các hành vi tình dục trong loạt phim hạng X cao hơn rất nhiều so với loại phim hạng R, nhưng các hành động bạo lực trong loạt phim hạng R lại chiếm tỷ lệ cao hơn.

Quan trọng nhất là tỷ lệ số cảnh bạo hành tình dục thực ra tương đồng trong các bộ phim hạng R, hạng X, và hạng XXX. Một phân tích rất chi tiết về các loại phim ảnh cho thấy rằng tuy các cảnh bạo hành tình dục kéo dài hơn trong các bộ phim hạng X, nhưng tỷ lệ số cảnh bạo hành tình dục đặc biệt nhằm vào nữ giới trong các bộ phim hạng R lại cao hơn các bộ phim hạng X. Do đó, điều khiến người ta ngạc nhiên hơn là các bộ phim hạng R có nội dung bạo hành tình dục đối với nữ giới lại gây ảnh hưởng tệ hại hơn các bộ phim hạng X.

2. Giúp đỡ người khác: Khía cạnh tươi sáng của Nhân tính

Rời khỏi khía cạnh gây hấn, đến đây chúng ta tiến sang mặt trái – và tươi sáng hơn của nhân tính. Lối cư xử giúp đỡ người khác, hoặc hành vi ứng xử phụng sự xã hội (prosocial behavior) theo danh xưng trang trọng hơn, đã được nghiên cứu tìm hiểu theo nhiều hướng khác nhau và vấn đề được các nhà tâm lý quan tâm nhiều nhất chính là hành động can thiệp của những cá nhân chứng kiến trong các tình huống khẩn cấp. Nhân tố nào khiến cho ai đó ra tay giúp đỡ một cá nhân đang lâm vào cảnh nguy khốn?

Như đã đề cập ở chương 1, một nhân tố quyết định là số người chứng kiến có mặt tại hiện trường. Khi có nhiều người chứng kiến một tình huống khẩn cấp, thì những người chứng kiến có thể nẩy sinh cảm tưởng khuếch tán trách nhiệm. Khuếch tán trách nhiệm (diffusion of responsibility) là khuynh hướng khiến cho con người cảm thấy trách nhiệm phải ra tay hành động bị chia sẻ, hay bị phân tán, cho những người cùng có mặt tại hiện trường đồng thời với mình. Như vậy, càng nhiều người hiện diện trong tình huống khẩn cấp, thì mỗi người chứng kiến sẽ cảm thấy trách nhiệm cá nhân của mình càng ít hơn – và do đó càng ít chịu ra tay giúp đỡ hơn.

Tuy đa số các cuộc nghiên cứu về tác phong giúp đỡ người khác đều bênh vực quan điểm khuếch tán trách nhiệm, nhưng hiển nhiên các nhân tố khác cũng ảnh hưởng đến hành vi ứng xử này. Theo lý thuyết do Latané và Darley (1970) xây dựng, tiến trình ra tay giúp đỡ người khác bao gồm 4 bước:

– Nhìn thấy một cá nhân, biến cố, hay tình huống có thể cần đến sự giúp đỡ.

– Giải thích biến cố ấy như một trường hợp cần được giúp đỡ. Ngay cả trong trường hợp người ta đã nhìn thấy biến cố rồi, nhưng nếu khá mơ hồ thì biến cố ấy vẫn bị giải thích là tình huống không khẩn cấp. Chính ở bước này sự hiện diện của những người khác tác động trước tiên đến hành vi giúp đỡ. Có lẽ sự hiện diện của những người thụ động khác báo hiệu cho người quan sát rằng tình huống đang diễn ra không cần đến sự giúp đỡ – một phán đoán không nhất thiết chỉ riêng người quan sát mới có.

– Cho rằng mình có trách nhiệm ra tay hành động. Chính tại thời điểm này cảm giác khuếch tán trách nhiệm dễ xuất hiện nếu những người chứng khác có mặt tại hiện trường. Thí dụ, nếu những người được huấn luyện các kỹ thuật trợ y hay cấp cứu có mặt tại hiện trường, thì những người chứng kiến không chuyên môn sẽ ít chịu ra tay can thiệp bởi vì họ cảm thấy mình không thạo việc bằng người khác. Điểm này được minh chứng khá sáng tỏ trong một khảo cứu của Jane và Irving Piliavin (1972). Hai vị này đã tiến hành một thí nghiệm hiện trường trong đó một cá nhân giả vờ ngã bệnh trong một xe điện ngầm, nặng đến mức máu tuôn ra ở khóe miệng. Kết quả thí nghiệm cho thấy những người chứng kiến ít chịu ra tay cứu giúp khi một cá nhân (thực ra là người đồng mưu thí nghiệm tự xưng là bác sĩ nội trú có mặt tại hiện trường hơn trường hợp vị “bác sĩ nội trú” đó không có mặt.

– Quyết tâm cứu giúp và ra tay thực hiện biện pháp trợ giúp. Sau khi cho rằng mình có trách nhiệm ra tay giúp đỡ, cá nhân phải quyết định làm cách nào để giúp đỡ nạn nhân. Hành động giúp đỡ có thể từ các hình thức can thiệp gián tiếp nhất, như gọi điện báo cho cảnh sát, cho đến các hình thức trực tiếp hơn, như cấp cứu hay đưa bệnh nhân đến bệnh viện chẳng hạn. Hầu hết các nhà tâm lý xã hội đều dùng lý thuyết phần thưởng – đền bù –cho công sức – ra tay–giúp đỡ (rewards–costs approach for helping) để dự đoán bản chất biện pháp trợ giúp mà người chứng kiến sẽ chọn dùng. Theo nhận định của người chứng kiến, nói chung phần thưởng cho hành động giúp đỡ nạn nhân phải vượt qua cái giá phải trả nếu ra tay can thiệp, và hầu hết các cuộc nghiên cứu đều có khuynh hướng bênh vực quan điểm này.

– Sau khi đã quyết định được bản chất biện pháp giúp đỡ rồi, vẫn còn một bước nữa là thực hiện biện pháp cứu giúp. Một phân tích dựa trên lý thuyết phần thưởng – đền bù cho – công sức cho rằng biện pháp ít tốn công sức nhất thường được sử dụng nhiều nhất. Tuy vậy, quan điểm này không nhất thiết lúc nào cũng đúng. Trong một số trường hợp, con người cư xử đầy lòng vị tha. Người có lòng vị tha (altruism) dám chấp nhận hy sinh bản thân để cứu giúp kẻ khác. Thí dụ, trường hợp một cá nhân liều mình xông vào một ngôi nhà bốc cháy để cứu mạng một em bé không có liên hệ máu mủ gì với mình cả có thể được xem là người có lòng vị tha, nhất là khi so sánh với một giải pháp chọn lựa khác là đơn giản gọi điện báo cho sở cứu hỏa.

Một số cuộc nghiên cứu cho rằng những người ra tay can thiệp trong tình huống khẩn cấp thường có một vài đặc điểm nhân cách khác biệt với những người xuôi tay thụ động. Chẳng hạn, Shotland (1984) cho rằng những người ra tay giúp đỡ thường có lòng tự tin hơn. Còn các nghiên cứu khác đã khám phá được rằng những cá nhân giàu lòng trắc ẩn (empathy) – một nét nhân cách phản ảnh sự cảm thông với tâm trạng của người khác – dễ đáp ứng nhu cầu của người khác hơn.

Tuy vậy, hầu hết các nhà tâm lý xã hội đều nhất trí rằng không có các đặc điểm cụ thể nào giúp chúng ta phân biệt được những người ra tay giúp đỡ với những người xuôi tay thụ động. Các nhân tố hoàn cảnh nhất thời đóng vai trò ưu thế trong việc xác định xem liệu một cá nhân có ra tay can thiệp trong một tình huống cần được giúp đỡ hay không.

Chẳng hạn, tâm trạng nhất thời của chúng ta góp phần xác định mức độ ra tay giúp đỡ của thúng ta (Salovey, Mayer & Rosenhan, 1991). Không lấy gì làm ngạc nhiên rằng tâm trạng yêu đời thường khiến chúng ta ra tay giúp đỡ người khác. Một khám pha tuy không quan trọng bằng, ít ra khi mới thoạt nhìn, chính là khám phá rằng tâm trạng buồn rầu dường như cũng thúc đẩy người ta ra tay giúp đỡ kẻ khác. Một mặt, chúng ta có thể cho rằng hành động giúp đỡ kẻ khác khiến chúng ta thấy mình sống không đến nỗi vô ích, nhờ đó nâng cao tinh thần chúng ta lên để xua tan tâm trạng buồn rầu. Tương tự, nếu tâm trạng kém vui khiến chúng ta xét lại bản thân, thì thang giá trị mà chúng ta hằng ôm ấp về hành vi giúp đỡ người khác sẽ nổi bật hơn – khiến chúng ta dễ ra tay giúp đỡ mọi người hơn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3