Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 08 - Phần 4
Tháng 6, xuống chiếu cho đại thần và các quan chức đô hội thề ở ngoài cửa Đại Hưng. Dự định làm lễ đưa táng Nhân Tông.
An táng Nhân Tông ở lăng Thiên Đức.
Lấy ngày sinh nhật của vua là tiết Thiên thụy.
Mùa thu, tháng 7, tiết Trung nguyên, vua ngự điện Thiên An, các quan dâng biểu mừng. Vì (hôm ấy) là ngày lễ Vu Lan [32a] bồn cầu siêu cho Nhân Tông nên không đặt lễ yến.
Tháng 8, xuống chiếu cho Lưu Khánh Đàm và Mâu Du Đô chọn các quan chức đô.
Ngày Giáp Tuất, đưa di chiếu của Nhân Tông cho các quan xem (chiếu này đã chép ở trên).
Người Chân Lạp vào cướp hương Đỗ Gia599 ở châu Nghệ An, có đến hơn 700 chiếc thuyền. Xuống chiếu sai bọn Nguyễn Hà Viêm ở Thanh Hóa và Dương Ổ ở châu ấy đem quân đánh, phá được.
599 Đỗ Gia: tên hương thời Lý, nay là huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tỉnh.
Mùa đông, tháng 11, lấy Thái úy Lê Bá Ngọc làm Thái sư, đổi làm họ Trương.
Đày nguời (phạm tội) ở châu Quảng Nguyên đến phủ Thanh Hoá.
Châu Nghệ An đệ tâu một phong quốc thư của nước Chân Lạp, xin sai người sang sứ nước ấy. Vua không trả lời.
Kỷ Dậu, (Thiên Thuận) năm thứ 2 (1129), (Tống Kến Viêm năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, nhập nội điện trung là Lý An Dậu dâng hươu trắng. Cho An Dậu tước Đại liêu ban.
Thái úy Dương Anh Nhĩ dâng hươu trắng.
Mở [32b] hội khánh thành tám vạn bốn nghìn bảo tháp ở gác Thiên Phù600.
600 Đây là những cái tháp nhỏ bằng đất nung cao 20 - 50 cm, thường tìm được trong các di tích thời Lý.
Ngày Giáp Ngọ, tôn thân phụ là Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng và thân mẫu Đỗ thị làm Hoàng thái hậu, ở tại cung Động Nhân.
Lê Văn Hưu nói: Thần Tông là con người tông thất, Nhân Tông nuôi làm con, cho nối đại thống, đáng lẽ phải coi Nhân Tông làm cha mà gọi cha sinh là Sùng Hiền hầu làm hoàng thúc, phong mẹ để là Đô thị làm Vương phu nhân, như Tống Hiếu Tông đối với Tú An Hy Vương và phu nhân Trương thị, để tõ ra một gốc mới phải. nay lại phong Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng, Đỗ thị làm hoàng thái hậu, chả hóa ra hai gốc ư? Bởi Thần Tông bấy giờ còn trẻ thơ mà các công khanh trong triều như Lê Bá Ngọc, Mâu Du [33a] Đô lại không biết lễ nên mới như thế.
Tháng 2, vua trai giới để cầu mưa.
Thân vương ban Lý Lộc tâu ở núi Tản Viên có hươu trắng. Vua sai Thái úy Dương Anh Nhĩ đi bắt được. Cho Lộc tước Đại liêu ban.
Xuống chiếu tha cho những người phạm tội trong nước.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nhân Tông thường nhân việc mở hội (Phật) mà tha cho người có tội, là không phải lẽ, nhưng mà còn mượn tiếng hội Phật. Còn như vua (Thần Tông) thì không có việc gì mà cũng tha bổng. Phàm người có tội phạm pháp, có kẻ nặng người nhẹ, năm bậc hình phạt, có trên có dưới, sao lại có thể tha bổng được, nếu nhất loạt tha cả thì kẻ tiểu nhân may mà được khỏi tội, đó không phải là phúc cho người quân tử. Cho nên thời xưa nói về đạo trị nước, tuy nói rằng không thể không xá tội, nhưng cũng cho rằng xá tội là có hại. Tha lỗi [33b] thì được, tha tội thì không được. Kinh dịch nói: "tha lỗi, giảm tội". Kinh thư nói: "Lầm lỗi thì tha cho, cố phạm thì trị tội". Thế là phải.
Tháng 3, Lý Tử Khắc dâng tâu rằng, rừng ở Giang Để601 có hươu trắng. Vua sai Thái úy Lưu Khánh Đàm đi bắt được. Thăng Tử Khắc làm Khu mật sứ, xếp vào hàng tước minh tự, được đội mũ bảy cầu.
601 Nguyên bản in là Giang Để, có thể là Để Giang, tức sông Đáy, Để Giang cũng là tên đất. Theo cương mục, từ thời Trần trở về trước gọi là Để Giang, nhà Lê đổi gọi là huyện Sơn Dương, tỉnh Hà Tuyên.
Lê Văn Hưu nói: Phàm người xưa gọi là điềm lành, là nói việc được người hiền và được mùa, ngoài ra không có gì đáng gọi là điềm lành cả. Huống chi chim quý thú lạ không nuôi ở quốc đô cũng là lời khuyên răng của tiên vương để lại. Thần Tông nhân Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc (Lộc và Tử Khắc nguyên là họ Lý, Văn Hưu kiêng húy nhà Trần nên gọi là họ Nguyễn) dâng hươu trắng, cho là vật điềm lành, cho Lộc tước đại liêu ban, cho Tử Khắc tước [34a] minh tự, thì cả người thưởng và người nhận thưởng đều sai cả. Tải sao vậy? Thần Tông vì dâng thú mà cho quan tước, thế là lạm thưởng. Lộc và Khắc không có công mà nhận thưởng, thế là dối vua.
Đại thủ lĩnh châu Tây Nông là Hà Văn Quảng dâng hai khối vàng sống cộng nặng 33 lạng 5 đồng cân.
Mùa Hạ, tháng 6, Nhập nội Long đồ là Mâu Du Đô dâng ngựa trắng bờm đen, bốn chân có cựa.
Cho Nội thường thị Phí Công Tín làm Tả ty lang trung, Ngụy Quốc Bảo làm Viên ngoại lang.
Mùa Thu, tháng 8, làm thần chủ của Nhân Tông Hoàng Đế ở Linh Điện. Rắn thanh trúc quấn ở ngai báu.
Tháng (8) nhuận, ngày Nhâm Ngọ, rước thần vị của Nhân Tông Hoàng Đế vào thờ ở Thái Thất.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Tiên vương đặt lễ thờ người chết cũng như hầu hạ khi còn sống, cho nên làm (mộc) chủ để tượng trưng cho thần, thế thì (mộc) chủ là chỗ dựa của thần. Tế ngu rồi mới làm thần chủ, tế luyện rồi mới đổi thần chủ, [34b] đổi thần chủ xong rồi mới thờ chung vào Thái Miếu, lễ tiết là như thế. Nhân Tông đã chôn từ tháng 6 năm trước, đến đấy đã mười bốn tháng, kỳ tế luyện cũng quá lâu rồi mà bây giờ mới làm thần chủ để thờ chung vào Thái Miếu, thế là để chậm và bất kính quá lắm.
Ngày Giáp Thân, người nung ngói ở cung Động Nhân là Nguyễn Nhân dâng con rùa mắt có sáu con ngươi, trên ức có hai chữ "Phổ nhạc".
Xuống chiếu rằng nô tỳ của vương hầu và các quan không được cậy thế đánh đập quan quân và bách tính, kẻ nào phạm thì gia chủ phải tội đồ, nô sung làm quan nô.
Mùa Đông, tháng 10, thăng cho Tả ty Phí Công Tín làm Chư vệ, ban cho họ Lý.
Tháng 12, người giữ voi là Chu Hội dâng rùa trắng.
Lấy Nội thường Đỗ Nguyên Thiện làm Tham tri chính sự, giữ phủ Thanh Hoá; Ngự khố thư gia Phạm Tín làm Viên ngoại lang.
[35a] Canh Tuất, (Thiên Thuận) năm thứ 3 (1130), (Tống Kiến Viêm năm thứ 4).
Mùa Xuân, tháng giêng, xuống chiếu cho con gái các quan không được lấy chồng trước, đợi sau khi chọn sung vào hậu cung, người nào không trúng tuyển mới được lấy chồng.
Lê Văn Hưu nói: Trời sinh ra dân mà đặt vua để chăn dắt, không phải để cung phụng riêng cho vua. Lòng cha mẹ ai chẳng muốn con cái có gia thất, thánh nhân thể lòng ấy còn sợ kẻ sất phu sất phụ không được có nơi có chốn.
Cho nên Kinh Thi tả sự ấy trong thơ "Đào yêu" và thơ "Siếu hữu mai" để khen việc lấy chồng kịp thì và chê việc để lỡ thì vậy. Thần Tông xuống chiếu cho con gái các quan phải đợi xong việc tuyển người vào cung rồi mới được lấy chồng, thế là để cung phụng cho riêng mình, đâu phải lòng làm cha mẹ của dân?
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua bấy giờ chưa đến tuổi hai mươi, ra lệnh ấy là muốn tuyển con gái các quan sung vào hậu cung thôi. Việc ấy chưa lấy gì làm quá. Còn như đánh được giặc mà [35b] quy công cho Phật, dâng hươu mà làm đem tước trật cho người đều là do tính trẻ thơ mà không ai giúp can ngăn. Nếu có người lấy chí thành mà cảm, dùng lời nói khéo mà khuyên, thì vua vốn tư chất thông minh, tất thế nào cũng nghe theo.
Quản giáp nội tác là Chu Thủy dâng cá diếc vàng. Lấy ngự khố thư gia Lương Cải giữ phủ Thanh Hoá.
Tháng 3, người nước Chiêm Thành là Ung Ma, Ung Câu sang quy phụ.
Tháng 5, quản giáp Phù Thu Liễu là Phí Nguyên dâng chim sẻ trắng.
Thái thượng hoàng băng, thụy là Cung Hoàng.
Tháng 6, hạn, làm lễ cầu mưa.
Mùa Thu, tháng 9, mưa dầm, làm lễ cầu tạnh.
Vua ngự điện Linh Quang xem đua thuyền.
Xuống chiếu tha tù giam ở phủ Đô hộ.
Mùa Đông, tháng 10, vua ngự điện Thiên Linh duyệt sáu quân, định các cấp bậc.
Nhà Tống sai sứ mang ấn báu và sắc vàng sang phong vua làm Giao Chỉ Quận Vương602.
602 Việc Nhà Tống phong Lý Thần Tông làm Giao Chỉ Quận Vương, Toàn thư chép hai lần: ở đây (năm 1130) và ở BK3, 37b (năm 1132). Có lẽ Toàn thư ghi thừa ở năm 1130, vì Tống sử (quyển 488) cũng ghi việc này vào năm 1132. Việt sử lược ghi việc nhà Tống phong tước Quận Vương cho Lý Thần Tông vào năm Tân Hợi, 1131 (quyển 3, 1b) có lẽ cũng không chính xác.
Tháng 11, Chiêm Thành sang cống.
Tháng 12, vua đánh cầu ở Long Trì, cho sứ nước Chiêm Thành vào hầu xem. Mở hội khánh thành chùa Quảng Nghiêm Tư Thánh. Tha cho những người có tội. Sai Viên ngoại lang là Lý Phụng Ân và Lệnh thư gia là Doãn Anh Khái sang nước Tống đáp lễ.
Tân Hợi, (Thiên Thuận) năm thứ 4 (1131), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, dựng hai gác ở trong điện Diên Hòa.
Tháng 2, Hoàng đệ là Tinh chết (con của Sùng Hiền hầu).
Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu cấm gia nô của các vương hầu, công chúa và các quan không được lấy con gái của các quan chức đô và bách tính.
Cấm con gái dân gian không được bắt chước kiểu búi đầu tóc như cung nhân.
Tháng 5, hạn, cầu đảo được mưa to.
Chủ đô Nhiễm hoành là Hà Nhi dâng chim sẻ trắng.
Dựng nhà cho đại sư Minh Không.
Mùa thu, tháng 7, các quan dâng biểu mừng [36b] được mùa.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Các triều thần bấy giờ xiểm nịnh quá lắm! Tháng 5, đại hạn, cầu đảo may mà được mưa, đến tháng 7, thì lúa hè đã quá vụ, mà lúa thu chưa chín, đã vội cho là được mùa, dâng biểu chúc mừng. Nếu đến tháng 9, tháng 10, mà gặp lụt hạn hay bị sâu cắn thì đối với tờ biểu mừng ấy thế nào?
Tháng 9, mở vườn bảo hoa.
Xuống chiếu cho Mâu Du Đô coi châu Nghệ An.
Tháng ấy mưa lâu ngày, làm lễ cầu tạnh.
Mùa đông tháng 10, Ngự tiền chỉ huy sứ là Vương Cát tâu là có dấu vết thần giáng ở Long Trì trước lầu chuông bên tả, dấu dài 9 tấc 5 phân, rộng 5 tấc.
Hoàng đệ là Chu Cá chết.
Tháng 12, người ở hương Thái Bình là Nguyễn Mãi dâng hươu trắng. Người lính ở Tả Vũ Tiệp là [37a] Đỗ Khánh dâng cá xương công (tức là cá hầu)603 sắc vàng. Vua cho là điềm lành, xuống chiếu cho các quan chúc mừng. Cáp môn sứ Lý Phụng Ân tâu rằng: "Con cá ấy là vật nhỏ mọn mà bệ hạ lấy làm điềm lành. Nếu có lân phượng đến thì bệ hạ cho là vật gì?".
603 Xương công ngư: lời chú nguyên bản nói cá "xương công" tức là cá "hầu". Cương mục cũng chép việc này, nhưng chua rằng "xương" và "công" là hai loài cá khác nhau. Cá Xương tức cá hầu, phần trên đầu gồ lên liền với sống lưng, mình tròn, chỉ có một xương sống, thịt mềm, ăn được; cá Công là loài cá giống như con cua, ăn được (CMCB4, 28b).
Vua khen lời nói phải.
Nhâm Tý, (Thiên Thuận) năm thứ 5 (1132), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 2). Mùa hạ, tháng 4, đêm có rồng vàng từ điện Vĩnh Quang hiện ra ở cung Lệ Quang604.
604 Nguyên bản khắc sai nét chữ "cung" thành ra hình như chữ "quản".
Tháng 5, ngày mồng 1, hoàng thứ trưởng tử là Thiên Lộc sinh, sau phong làm Minh Đạo Vương.
Tháng 5, nhuận, hoàng trưởng nữ sinh, rồi chết.
Tháng ấy, gió bão làm đắm thuyền Diên Chương.
Mùa thu, tháng 7, người nước Chiêm Thành là bọn Cụ Bàn trốn về nước, đến trại Nhật Lệ605 bị người trại ấy bắt được, giải về Kinh sư.
605 Nhật Lệ: là tên sông ở tỉnh Quảng Bình, trại Nhật Lệ chỉ miền ấy.
Tháng 8, Chân Lạp và Chiêm Thành đến cướp châu Nghệ An.
Hỏa đầu quân Tã Vũ Lâm và Đỗ Quảng dâng cá xương công.
Xuống chiếu cho Thái úy Dương Anh Nhĩ đem người ở phủ Thanh Hóa [37b] và châu Nghệ An đi đánh quân Chân Lạp và Chiêm Thành, phá tan.
Châu mục châu Chân Đăng là Lê Pháp Quốc dâng hươu đen.
Tháng 9, Lệnh hỏa đầu ở đô Phụng vệ là Đinh Ngưu dâng hươu trắng.
Lệnh thư gia châu Nghệ An là Trần Lưu dâng ba người Chiêm Thành. Trước đây bọn người này thường ẩn nấp ở chỗ hiểm yếu, bắt người châu Nghệ an đem bán cho người nước Chân Lạp, Lưu đặt phục binh ở chỗ ấy, bắt được đem dâng.
Mùa đông, tháng 10, sai Viên ngọai lang Lý Phụng Ân và Phụng nghị lang Doãn Anh Khái sang nước Tống đáp lễ.
Dựng điện Cảm Linh và gác Phụng Thiên.
Tháng 12, vua đón xuân ở đình Quảng Văn. Khánh thành điện Cảm Linh, ban yến cho các quan.
Thượng thư Lý Nguyên bị tội, chết ở trong ngục, vì con gái của Nguyên là thứ phi Chương Anh có lỗi.
Nhà Tống phong vua làm Giao Chỉ Quận Vương.
[38a] Giáp Dần, Thiên Chương Bảo Tự năm thứ 2 (1134), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, cho Viên ngoại lang Ngụy Quốc Bảo tước Đại liêu ban.
Dựng hai chùa Thiên Ninh, Thiên Thành và tô tượng Đế Thích. Vua ngự đến xem.
Lệnh thư gia Nguyễn Mỹ dâng con ngựa màu hoa đào, đầu xanh, bốn chân mọc sáu cựa (hai chân trước đều một cựa, hai chân sau đều hai cựa).
Tháng ấy mưa lâu, làm lễ cầu tạnh.
Tháng 3, vua ngự đến quán Ngũ Nhạc.
Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu cấm các viên chi hậu và nội nhân hỏa đầu không được tự tiện ra ngoài, ai trái thì khép tội nặng, nếu có việc công phải tâu trước rồi mới được ra.
Tháng 5, khánh thành điện Vĩnh Quang mới sửa chữa.
Phạm Tín ở châu Nghệ An và Lệnh tư gia là Trần Lưu dâng hươu trắng.
Hỏa đầu quân Hữu Ngự Long là Quách Tư dâng ngọc thiềm thừ606 hình dạng như [38b] mắt cá. Vua nói: "Đó là vật nhỏ mọn, không đáng quý". Không nhận.
606 Thiềm thừ châu: cũng như ở trên đã nói đến tân lang châu (ngọc cau), ở đây nói thiềm thừ châu (ngọc cóc), chưa rõ là thứ ngọc gì (chú thích 2, tr. 291).
Người lính ở quân Hữu Hưng Vũ607 là Vương Cửu dâng con rùa mắt có sáu con ngươi, trên ức có nét chũ Trựu608, xuống chiếu cho các học sĩ và các tăng đạo biện nhận, đọc thành tám chữ: "Thiên thư hạ thị thánh nhân vạn tuế".
607 Nguyên bản in là Thạch Hưng Vũ. Tên cai đội quân thường có chữ Tả, Hữu; ở đây chữ Thạch do chữ Hữu khắc lầm.
608 Trựu văn: tức là chữ đại triện (tương truyền là do quan thái sử Sử Trựu đời Chu Tiên Vương, Trung Quốc, đặt ra.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Rùa là vật linh thiêng vì nó có thể báo điềm trước, nhưng đời nào cũng thường có, không như rồng phượng và kỳ lân ít thấy. Thế mà đương thời cho rùa là điềm lành mà đem dâng cho nhiều thế là làm sao? Còn như trên ức có nét chữ chỉ là những vết trắng, nét đen xen nhau mà thôi, bầy tôi nhận là văn tự, đó là chiều ý vua mà nói nịnh thôi, có phải thực có chữ đâu. Cho nên người làm vua phải cẩn thận sự ưa chuộng.
Táng 6, Hoàng bà là Vương Bà Lịch chết.
Mùa thu, tháng 7, rồng vàng ban đêm hiện ở điện Vĩnh [39a] Quang.
Mùa đông, tháng 11, sửa lại điện Diên Sinh và quán Ngũ Nhạc.
Tháng 12, Thành Đạo hầu (không rõ tên) chết.
Bầy tôi dâng thêm tôn hiệu là Thuận Thiên Duệ Vũ Tường Linh Cảm Ứng Khoan Nhân Quảng Hiếu Hoàng Đế. Đại xá cho thiên hạ.
Ất Mão, (Thiên Chương Bảo Tự) năm thứ 3 (1135), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, lấy Ngự khố thư gia là Dương Chưởng giữ phủ Thanh Hóa.
Tháng 2, hai nước Chân Lạp và Chiêm Thành sang cống.
Tháng 3, Khánh Thiện hầu (không rõ tên)609 chết.
609 Khánh Thiện hầu mà Toàn thư ghi tại đây là Tăng thống Khánh Hỷ có tiểu truyện trong Thiền uyển tập anh (tờ 61a); chữ Thiện và chữ Hỹ, nét chữ gần giống nhau, có thể chép lầm.
Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu cho Tả ty lang trung Lý Công Tín ra vào cung cấm để tâu việc, không được ngăn cấm.
Vua ngự đến quán Ngũ Nhạc để khánh thành tượng Tam tôn610 bằng vàng bạc.
610 Tam tôn: thường là tượng phật A Di Đà và tượng hai bồ tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chi.
Cho Viên ngoại lang Ngụy Quốc Bảo làm Tả y lang trung.
Từ mùa xuân đến mùa hè không mưa.
Tháng 5, ngày mồng 1, có mưa.
Tháng 6, Chi hậu thư gia là Lý Xương và nhà sư ở chùa Quán Đính611 là Nguyễn Minh đều [39b] dâng chim sẻ trắng.
611 Theo Thiền uyển tập anh, chùa Quán Đính ở núi Không Lộ, lại theo Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Sơn Tây, núi Không Lộ ở địa phận huyện Thạch Thất, trên núi có chùa Lạc Lâm, là chỗ Thiền sư Không Lộ trút xác mà hóa. Như thế thì chùa Quán Đính còn có tên là chùa Lạc Lâm và núi không Lộ, tức là Sài Sơn (núi Thầy), nay ở huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.
Xuống chiếu rằng những người đã bán ruộng ao không được trả tăng tiền lên mà chuộc lại, làm trái thì phải tội.
Mùa thu, tháng 7, Thái sư Trương Bá Ngọc612 chết.
612 Trương Bá Ngọc: tức là Lê Bá Ngọc, do Lý Thần Tông đổi làm họ Trương (xem BK3, 32a).
Mùa đông, tháng 12, mở hội độ tăng613 ở Nghênh Tiên đường.
613 Nguyên văn: "độ nhân hội", tức lễ độ cho những người đủ tư cách tăng nhân.
Mở đàn chay khánh thành ở điện Diên Sinh.
Đóng 3 chiếc thuyền Nhật Đỉnh, Thanh Lan, Diên Minh.
Bính Thìn, (Thiên Chương Bảo Tự) năm thứ 4 (1136), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, mở vườn Diên Quang tại hương Lãnh Kinh614.
614 Hương Lãnh Kinh: có lẽ là miền Thị Cầu, thị xả Bắc Ninh ngày nay, xem thêm chú thích (4) tr.260.
Thấy chuông lớn thời xưa.
Tháng 2, Thành Hưng hầu (không rõ tên) chết.
Tháng 3, Thái úy Lưu Khánh Đàm chết.
Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ. (Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này).
Mùa hạ, tháng 4, Hoàng bà là Lã A Mãi ốm chết.
[40a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Sách chép các đế vương chưa có chỗ nào chép việc hoàng bà chết, mà trong đời Thần Tông thấy chép hai lần, có lẽ là vua đặt cách gia phong ân tứ trọng hậu cho các bảo mẫu, cho nên sử thần theo đó mà chép chăng?
Hoàng trưởng tử Thiên Tộ sinh. Các quan dâng vàng bạc tiền lụa và biểu mừng.
Tháng 6, cho Tả ty lang trung Lý Công Tín615 làm Thiếu sư, tước Minh tự.
615 Lý Công Tín: tức Phí Công Tín, được ban họ Lý (BK3, 34b).
Mùa thu, tháng 9, Gián nghị đại phu Mâu Du Đô bị bãi chức.
Mùa đông, tháng 10, Thái úy Dương Anh Nhĩ chết.
Tháng 12, ngày lập xuân, vua ngự điện Sùng Uyên, các quan dâng biểu mừng. Ngày ấy gặp ngày quốc kỵ, cho nên lại đặt biểu này.
Hỏa đầu đo Tả Hưng Thánh là Tô Vũ dâng rùa thần, ở ức có nét chữ Trựu. các quan nhận ra bốn chữ "Nhất Thiên Vĩnh Thánh".
Vua ngự đến [40b] phủ Thanh Hóa xem bắt voi.
Đinh Tỵ, (Thiên Chương Bảo Tự) năm thứ 5 (1137), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, châu Nghệ An chạy trạm tâu việc tướng nước Chân Lạp là Phá Tô Lăng616 cướp châu ấy. Xuống chiếu cho thái úy Lý Công Bình đem quân đi đánh.
616 Việt sử lược chép là Tô Phá Lăng và chép việc vào năm 1136 (quyển 3, 2a).
Tháng 2, châu Nghệ An động đất, nước sông đỏ như máu. Công Bình sai Nội nhân hỏa đầu Đặng Khánh Hương về Kinh sư đem việc ấy tâu lên.
Công Bình đánh bại người Chân Lạp.
Tháng 3, Đại liêu ban Nguyễn Công Đào dâng rùa trắng.
Vua ngự đến chùa Báo Thiên, làm lễ Phật Pháp Vân để cầu mưa. Đêm ấy mưa to.
Mùa hạ, tháng 4, hoàng tử thứ ba (không rõ tên) sinh.
Tháng 5, Thiếu sư Lý Công Tín dâng một khối vàng sống, nặng 47 lạng.
Tháng 6, hạn xuống chiếu cho Nguyễn Công Đào đến Vu đàn617 ở phía nam làm lễ cầu mưa.
617 Vu đàn: đàn tế trời để cầu mưa. Theo Công Dương truyện, vua thân đến đàn Nam Giao cầu đảo, cho đồng nam đồng nữ vừa múa vừa hô "Vu! Vu…", vì thế gọi là "Vu đàn".
Mùa thu, tháng 9, mở hội khánh thành chùa Linh Cảm, tha [41a] người có tội trong nước.
Xuống chiếu rằng: Trong ngoài kinh thành cứ ba nhà làm một bảo, để giám sát các quan chức đô coi triều ban không được đem con mình cho người khác nuôi làm con để nhờ cậy nhà quyền thế. Kẻ nào không có quan ấm618 mà can phạm thì bắt giữ tâu lên. Người một bảo mà không giám sát nhau thì cùng một tội với can phạm.
618 Quan ấm: theo chế độ cũ, con cháu các nhà quan có công với triều đình hoặc chết vì việc nước, được bổ làm quan, gọi là quan ấm.
Mùa đông, tháng 10, ngày Nhâm Ngọ, vua ngự đến hành cung Ly Nhân xem gặt.
Ngày Ất Sửu, hoàng nữ thứ hai sinh, sau phong làm Thụy Thiên công chúa.
Tháng 12, vua về đến Kinh sư.
Cho Ngự khố thư gia coi phủ Thanh Hóa là Dương Chưởng làm Viên ngoại lang.
Mậu Ngọ, (Thiên Chương Bảo Tự) năm thứ 6 (1138), (từ tháng 10 về sau là niên hiệu của Anh Tông, Thiệu Minh năm thứ 1; Tống Thiệu Hưng năm thứ 8). Mùa hạ, tháng 5, Nội nhân hỏa đầu là Hứa Viêm dâng một khối vàng sống nặng 66 lạng.
Tháng 6, hạn, sai Nhập nôi tả ty lang trung là Ngụy Quốc Bảo triệu các quan hội bàn. Chư vệ là Phạm Tín [41b] xin đến Vu đàn làm lễ cầu mưa. Vua y theo.
Mùa thu, tháng 7, không mưa. Vua sai Hửu ty làm lễ cầu ở Vu đàn và chùa Báo Thiên.
Ban cho các quan aó mùa đông.
Tháng 9, vua không khỏe.
Lập Hoàng trưởng tử Tiên Tộ làm Hoàng thái tử. Trước vua đã lập Thiên Lộc làm con nối. Đến đây ốm, ba phu nhân là Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh muốn đổi lập thái tử khác, mới sai người đam của đút cho Tham tri chính sự Từ Văn Thông, nói rằng nếu có vâng mệnh thảo di chiếu thì chớ bỏ lời của ba phu nhân. Văn Thông nhận lời. Đến khi vua ốm nặng, sai soạn thảo di chiếu, Văn Thông tuy vâng mệnh vua, nhưng nhớ lời dặn của ba phu nhân, cứ cầm bút mà không viết.
Một lát ba phu nhân đến, khóc lóc nghẹn ngào nói rằng: "Bọn thiếp nghe rằng đời xưa lập con nối ngôi thì lập con đích chứ không lập con thứ. Thiên Lộc là con của người thiếp được vua yêu, nếu cho nối ngôi thì người mẹ tất sẽ tiếm lấn, sinh lòng nghen ghét làm hại, [42a] như thế thì mẹ con bọn thiếp tránh sao khỏi nạn?".
Vua vì thế xuống chiếu rằng: "Hoàng tử Thiên Tộ tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn thái tử Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo Vương".
Ngày 26, vua đăng ở điện Vĩnh Quang, quàn ở thềm phía tây điện ấy. Các quan dâng tôn hiệu là Quảng Nhân Sùng Hiếu Văn Vũ Hoàng Đế, miếu hiệu là Thần Tông.
Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1, Hoàng thái tử Thiên Tộ lên ngôi ở trước linh cữu, bấy giờ mới lên ba tuổi. đổi niên hiệu là Thiệu Minh năm thứ 1. Đại xá cho thiên hạ. Tôn mẹ là Cảm Thánh phu nhân họ Lê làm Hoàng thái hậu.
Hội thề quốc nhân ở Long Trì.
Sai sứ sang cáo phó với nhà Tống.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thần Tông nối nghiệp lớn của tiên vương, làm thiên tử đời thái bình [42b], bỏ con đích trưởng còn bú mớm, muốn lập con thứ đã trưởng thành, là lấy việc lầm lỗi khi trước mình còn non dạ làm răn, nhưng rốt cuộc chí ấy không thành. Việc Từ Văn Thông ăn hối lộ thì đã rõ ràng. Lời nói của ba phu nhân thế là thẳng thắn, nhưng tiếc rằng khi ấy không gọi ngay kẻ đại thần biết khuông phò xã tắc mà ủy thác con côi. Than ôi! Bề tôi gian tà giao kết với người ở trong cung đình để đến nỗi làm hỏng việc của người, từ xưa vẫn có.
Song việc Từ Văn Thông và ba phu nhân này chẳng còn hơn việc dạy Vệ Vương619 phải vâng mệnh ư? Tuy thế truyền ngôi cho con đích là lẽ thường xưa nay, nếu được người giúp là bậc hiền như Y Doản, Chu Công giúp Thái Giáp và Thành ương thì để tiếng khen đời sau mãi mãi.
619 Chỉ Vệ Vương Đinh Toàn, con Đinh Tiên Hoàng.