Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 09 - Phần 1

Quyển IV

[1a]

Anh Tông Hoàng Đế

Tên húy là Thiên Tộ, con đích trưởng của Thần Tông, mẹ là Hoàng hậu họ Lê.

Sinh tháng 4 năm Bính Thìn, Thiên Chương Bảo Tự thứ 4 (1136), tháng 9 năm Mậu Ngọ (1138) lập làm Hoàng Thái Tử.

Thần Tông băng, bèn lên ngôi báu.

Ở ngôi ba mươi bảy năm (1138-1175), thọ 40 tuổi (1136-1175), băng ở điện Thụy Quang. Trong việc phế lập, vua không mê hoặc lời nói của đàn bà, ký thác được người phụ chính hiền tài, có thể gọi là không thẹn với việc gánh vách. Song không phân biệt được kẻ gian tà, hình phạt không sáng suốt, cho nên trời xuống tai biến để răn, giặc cướp nổi lên, giềng mối rối loạn, không thể nói xiết.

Kỷ Mùi, Thiệu Minh năm thứ 2 (1139), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 9)620. Nhà tống phong vua làm Giao Chỉ Quận Vương.

620 Việt Sử Lược chép năm Kỷ Mùi (1139) là niên hiệu Thiệu Minh thứ 3. Sở dĩ có sự chênh lệch đó, có lẽ là do việc ghi năm mất của Lý Thần Tông. Việt Sử Lược chép Thần Tông chết tháng 9 năm Đinh Tỵ (1137). Toàn Thư chép Thần Tông chết ngày 26 tháng 9 năm Mậu Ngọ (1138). Đến điều chép về năm Tân Dậu (1141) thì không có sự khác biệt ấy: cả hai tài liệu đều chép Tân Dậu (1141) là niên hiệu Đại Định thứ 2.

Canh Thân, (Thiệu Minh) năm thứ 3 (1140), (Từ tháng 2 về sau là niên hiệu Đại Định năm thứ 1; Tống Thiệu Hưng năm thứ 10). Mùa xuân, tháng giêng, châu mục châu Chân Đăng là Lê Pháp Viên dâng hươu trắng.

Tháng 2, đổi niên hiệu là Đại Định năm thứ 1.

Tháng 3, Ngọc bệ [1b] viên ngoại lang là Nguyễn Nghĩa Minh dâng hươu đen.

Lấy Đỗ Anh Vũ làm cung điện lệnh tri nội ngoại sư. Anh Vũ là em của Đỗ thái hậu, nên Lê thái hậu trao cho chức này.

Mùa hạ, tháng 4, lấy ngày sinh của vua làm tiết Thọ Ninh.

Từ mùa xuân sang mùa hạ, không mưa.

Tháng 5, có mưa.

Mùa đông, tháng 10, được mùa to.

Người thầy bói Thân Lợi tự xưng là con của Nhân Tông621 đem đồ đảng theo đường thủy đến châu Thái Nguyên622, từ châu Tây Nông623 kéo ra, qua châu Lục Lệnh, vào chiếm châu Thượng Nguyên và châu Hạ Nông624, thu nạp những kẻ trốn tránh, chiêu mộ thổ binh, có đến hơn 800 người, cùng mưu làm loạn.

621 Theo Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ, niên hiệu Thiệu Hưng thứ 9 (1139) đời Tống, Quảng Tây súy ty nói: "Vua Nhân Tông nhà Lý có người con của cung thiếp sinh ra, vua không nhận. Khi Lý Thần Tông lên ngôi, người con ấy chạy sang nước Đại Lý, đổi họ là Triệu, tên là Trí Chi, tự xưng là Nam Bình Vương. Khi Thần Tông mất, Trí Chi bèn trở về tranh ngôi với Anh Tông, xin mượn quân của nhà Tống. Quan tỉnh Quảng Tây đem việc ấy tâu lên, vua Tống từ chối". Vậy có lẽ Trí Chi và Thân Lợi chỉ là một người, khi trần tình để xin viện binh của nhà Tống thì nói dối (là con Nhân Tông) để lừa nhà Tống.

622 Thái Nguyên: tên châu thời Lý, tức đất tỉnh Bắc Thái ngày nay.

623 Châu Tây Nông: nay là đất huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái.

624 Châu Hạ Nông: miền Thượng Nông và Hạ Nông huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Thái. Như vậy châu Lục Lệnh và châu Thượng Nguyên ở vào khoảng giữa huyện Phú Bình và huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Thái.

Tân Dậu, (Đại Định) năm thứ 2 (1141), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 11). Mùa xuân, tháng giêng, Thân Lợi tiếm xưng là Bình Vương, lập vợ cả, vợ lẽ làm hoàng hậu và phu nhân, con làm vương hầu, cho đồ đảng quan tước theo thứ bậc [2a] khác nhau. khi ấy đồ đảng của Thân Lợi chỉ hơn nghìn người, đi đến đâu nói phao là Lợi giỏi binh thuật để hiếp chế người miền biên giới. Người các khe động dọc biên giới đều khiếp sợ, không dám chống lại.

Tháng 2, quan coi biên giới dâng thư cáo cấp. Xuống chiếu cho Gián nghị đại phu Lưu Vũ Nhĩ625 đem quân do đường bộ tiến đi, Thái phó là Hứa Viêm đem quân ngược đường thủy để tiến đánh. Khi ấy Vũ Nhĩ sai tướng tiên phong là Thị vệ đô Tô Tiệm và Chủ đô trại Tuyên Minh là Trần Thiềm đem quân đi trước, đóng ở sông Bác Đà626, gặp thủy quân của Lợi cùng giao chiến.

625 Lưu Vũ Nhĩ, Cương mục chép là Lưu Vũ Xứng (CMCB4,25a).

626 Sông Bác Đà: chưa rõ ở đâu, nhưng chắc chỉ là một đoạn sông Cầu, trong vùng đất các huyện Phú Lương, Bạch Thông ngày nay. Phải chăng là đoạn sông ở vùng Bắc Thắm, chợ mới?

Tiệm thua, bị Lợi giết, Lợi trở về giữ châu Thượng Nguyên, đắp đồn ải ở huyện Bác Nhự để chống quan quân. Vũ Nhĩ đánh nhổ được ải Bác Nhự, tiến đến Bồ Đinh627, gặp thủy quân của Lợi, đánh lớn, Vũ Nhĩ thua trận, tướng sĩ chết đến quá nửa, phải rút về.

627 Bác Nhự, Bồ Đinh: chưa rõ ở đâu, nhưng hẳn ở cạnh khúc sông Cầu từ Chợ Mới đến thị xã Bắc Cạn.

Mùa hạ, tháng 4, ngày Mậu Thìn, Vũ Nhĩ về đến Kinh sư. Ngày Tân Mùi, Lợi ra chiếm châu Tây Nông, sai người ở các châu Thượng Nguyên [2b] Tuyên Hóa628, Cảm Hóa629, Vĩnh Thông630 đánh lấy phủ Phú Lương631. Lợi chiếm giữ phủ trị, ngày đêm hợp bè đảng mưu cướp kinh sư. Ngày Kỷ Mảo, vau sai thái úy Đỗ Anh Vũ đem quân đi đánh Lợi.

628 Tuyên Hóa: nay là đất huyện Định Hóa, tỉnh Bắc Thái.

629 Cảm Hóa: nay là đất huyện Ngân Sơn, Na Rì và một phần phía Bắc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Thái.

630 Vĩnh Thông: nay là huyện Phú Lương, tỉnh Bắc Thái.

631 Phú Lương: nay là huyện Phú Lương, tỉnh Bắc Thái.

Tháng 5, ngày Tân Mão, quân của Lợi kéo về cướp kinh sư, đóng ở Quảng Dịch632, gặp quân của Anh Vũ, đánh lớn. Quân của Lợi thua, chết không kể xiết. Anh Vũ sai chém lầy đầu bêu lên ở cạnh đường suốt từ quan Bình Lỗ633 đến sông Nam Hán.

632 Quảng Dịch: (trạm Quảng): Việt sử lược chép là Khoảng Dịch (quyển 3,3a), chưa rõ ở đâu.

633 Bình Lỗ quan: cữa quan ở sông Bình Lỗ. Sông Bình Lỗ có lẽ là sông Cà Lồ.

Bắt được thủ lĩnh châu Vạn Nhai634 là Dương Mục, thủ lĩnh động Kim Kê là Chu Ái, đóng củi giải về Kinh sư. Lợi chỉ chạy thoát một mình về châu Lục Lệnh. Ngày Nhâm Ngọ, giải bọn Mục và Ái về trói giam ở huyện phủ của chúng. Xuống chiếu cho Anh Vũ chiêu tập bọn tàn tốt của Lợi ở cửa quan Bình Lỗ. Phát muối kho công cho bọn Mục và Ái.

634 Vạn Nhai: nay là đất huyện Võ Nhai, tỉnh Bắc Thái.

Mùa thu, tháng 8, quốc sư Minh Không chết (sư người xã Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên, rất linh ứng, phàm khi có tai ương hạn lụt, cầu đảo đều nghiệm cả. Nay hai chùa Giao Thủy và Phả Lại đều có tượng thờ)635.

635 Hai chùa này đều gọi là chùa Keo, ở huyện Giao Thủy, tỉmh Nam Định cũ. Chùa Keo Giao Thủy, hay chùa Keo Dưới, nay ở xã Vũ Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa Keo Phả Lại hay chùa Keo Trên, nay ở xã Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉmh Nam Hà.

[3a]Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1, lại sai Anh Vũ đi đánh châu Lục Lệnh, bắt được bọn bè đảng của Lợi hơn hai nghìn người. Lợi trốn sang châu Lạng, Thái phó Tô Hiến Thành bắt được Lợi, giao cho Anh Vũ đóng củi giải về kinh sư. Sai Lý Nghĩa lâm chiêu tập vỗ yên dư đảng của Lợi. Xuống chiếu cho quan Đình úy xét tội Lợi. Án xét xong, vua ngự điện Thiên khánh xử tội Lợi và bọn đồng mưu hai mươi người đều xử trảm, những kẻ còn lại đều theo tội nặng nhẹ mà xử, tha cho những kẻ vì ép buộc mà phải theo. Các quan dâng biểu mừng.

Lưu Vũ Nhĩ dâng hươu trắng, lại dâng ngọc tân lang (ngọc cau).

Sử thần Ngô Sĩ liên nói: Bấy giờ Lưu Vũ Nhĩ có tội về sai quân luật mà bại trận, lại dâng những vật điềm lành để che lỗi, thế mà không một người nào dám bàn đến, có thể biết hình pháp chính sự bấy giờ nhiều việt sai trái. Đỗ Anh Vũ lăng loàn dữ tợn đâu phải không có nguyên do.

[3b] Nhâm Tuất, (Đại Định) năm thứ 3 (1142), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 12). Mùa xuân, tháng 2, Lưu Vũ Nhĩ dâng ngọc thiềm thừ (ngọc cóc).

Mùa đông, tháng 10, sai thủ Lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh đến châu Quảng Nguyên để chiêu tập người châu ấy.

Tháng 12, xuống chiếu rằng những người cầm đợ ruộng thục636 trong vòng hai mươi năm thì cho phép chuộc lại; việc tranh chấp ruộng đất thì trong vòng năm năm hay mười năm còn được tâu kiện; ai có ruộng đất bỏ hoang bị người khác cấy cày trồng trọt trong vòng một năm thì được kiện mà nhận, quá hạn ấy thì cấm. Làm trái thì xử 80 trượng. Nếu tranh nhau ruộng ao mà lấy đồ binh khí nhọn sắc đánh chết hay làm bị thương người thì đánh 80 trượng, xử tội đồ, đem ruộng ao ấy trả lại người chết hay bị thương.

636 Nguyên văn: điển thục điển, điển tức là điển mại, nghĩa là bán nhưng còn có quyền được chuộc lại (khác với tuyệt mại nghĩa là bán đoạn tức là bán hẳn, không được chuộc lại). Thục điền là ruộng đã cày cấy thành thục, khác với ruộng đất mới khai khẩn.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Giết người thì phải xử tội chết, đó là phép của đời xưa, nay tôi giết người cũng xử như tội khác thực là không phân biệt mức độ, mất sự cân nhắc nặng nhẹ.

[4a] Xuống chiếu rằng những người bán đoạn ruộng hoang hay ruộng thục đã có văn khế rồi thì không được chuộc lại nữa, ai làm trái bị phạt đánh 80 trượng.

Xuống chiếu tha tội lưu cho các bè đảng của Thân Lợi.

Quý Hợi, (Đại Định) năm thứ 4 (1143), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 13). Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu thiên hạ từ nay về sau cứ ba nhà làm một bảo, không được mổ riêng bò trâu, nếu có việc cúng tế phải tâu xin được chỉ rồi mới cho mổ, kẻ làm trái thì trị tội nặng, láng giềng không cáo giác cũng xử cùng tội.

Từ mùa xuân đến mùa hạ, đại hạn, vua thân làm lễ cầu đảo. Tháng 6, ngày Đinh Sửu, có mưa.

Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu cho Dương Tự Minh cai quản việc công các khi động dọc theo biên giới về đường bộ.

Tháng 9, xuống chiếu rằng, các nhà quyền thế ngoài đầm ao của mình không được ngăn cấm xằng bậy, làm trái thì có tội.

Mùa đông, tháng 10, sai Thái phó Hoàng Nghĩa Hiền và Viên ngoại lang Khổng Trường đem quân các khe động dọc biên giới về đường bộ đi đãi vàng ở các xứ Như Cá…

Giáp Tý (Đại Định) năm thứ 5 (1144), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 14). Gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh, phong Tự Minh làm Phò mã lang.

Tháng 5, Mâu Du Đô dâng chim sẻ trắng. Cho Mâu Du Đô làm Thái sư, xa lĩnh việc các khe động dọc biên giới về đường bộ.

Ất Sửu, (Đại Định) năm thứ 6 (1145), (Tống thiệu Hưng năm thứ 15). Mùa hạ, tháng 4, mưa dầm, làm lễ cầu tạnh.

Phụng chức là Nguyễn Phụng dâng rùa mắt có sáu con ngươi, ức có hai hàng chữ triện các quan nhận ra bốn chữ "Vương dĩ công pháp"637.

637 "Vương dĩ công pháp" vua theo việc công.

Xống chếu rằng những người tranh nhau ruộng ao của cải không được nhờ cậy nhà quyền thế, làm trái đánh 80 trượng, xử tội đồ.

Mùa thu, tháng 7, dựng đền thần núi Tản Viên và các đền Bố Cái, Ông Nghiêm, Ông Mẫu.

Tháng 8, kẻ có yêu thuật người nước Tống là Đàm Hửu Lượng trốn sang châu Tư [5a] Lang638, tự xưng là Triệu tiên sinh639, nói dối là vâng lệnh đi sứ để dụ nước An Nam640. Các khe động ở dọc biên giới nhiều người theo.

638 Châu Tư Lang: nay là đất huyện Trùng Khánh và một phần đất huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

639 Việt sử lược chép là Lữ tiên sinh (quyển 3, 3b). Hai chữ "Lữ" và "Triệu" có thể lầm với nhau.

640 Đối chiếu thì thấy một số sự việc từ năm 1140 đến năm 1157, toàn thư phần nhiều chép lùi hai năm so với Đại Việt sử lược như việc Đàm Hửu Lượng nói ở trên, Đại Việt sử lược (ĐVSL) chép vào năm Quý Hợi (1143); làm kho Thiên Tư, ĐVSL chép năm Giáp Tý (1144), Toàn thư chép vào năm Bính Dần (1146); hoàng hậu họ Đỗ (Chiêu Hiến) mất. Đại Việt sử lược chép năm Ất Sửu (1145), Toàn thư chép năm Đinh Mão (1147)… Sở dĩ có sự chênh lệnh như vậy có lẽ vì Toàn thư chép năm Lý Thần Tông mất nuộn một năm với Đại Việt sử lược (xem chú BK4, 1a) và về khoảng thời gian này, Đại Việt sử lược lại chép sớm lên một năm nữa. (Trong bản dịch Việt sử lược Trần Quốc Vượng đã so điều ghi về việc sao Chổi xuốt hiện, Đại Việt sử lược chép vào tháng 4 năm Giáp Tý (1144), Mà Tống sử thì ghi tháng 4 năm Ất Sửu (1145), cho thấy Đại Việt sử lược chép sớm một năm). Sự chênh lệnh ấy đến năm Mậu Dần (1158), kể từ việc Nguyễn Quốc (Đại Việt sử lược chép là Nguyễn Quốc Dĩ) đi sứ về tâu xin làm hộp thơ bằng đồng, lại tiếp tục ăn khớp.

Hữu Lượng bèn đem đồ đảng đến cướp châu Quảng Nguyên. Bấy giờ Kinh lược suý ty lộ Quảng Tây nước Tống đưa thư nhờ đuổi bắt Hữu Lượng. Vua xuống chiếu cho Phò mã lang Dương Tự Minh và văn thần là Nguyễn Nhữ Mai, Lý Nghĩa Vinh đi đánh. Không bao lâu lại sai Thái sư Mâu Du Đô đem quân các khe động dọc biên giới về đường bộ tiếp đánh. Khi ấy Tự Minh đã lấy được ải Lũng Đổ, châu Thông Nông641 bắt được bè đảng của Hữu Lượng và bọn Bá Đại hai mươi mốt người, duy có Hữu Lượng chạy thoát, trốn vào núi chằm. Xuống chiếu cho Quản quân sứ là (Lý) Nghĩa Vinh trông coi áp giải bọn Bá Đại giao trả về nước Tống. Trước đó Ung Châu làm cáo sắc giả sai người đi gọi Hữu Lượng, Hữu Lương cho là thực, cùng với bọn thủ lĩnh châu Tự Minh hơn hai mươi người mang ấn đồng, địa đồ và vật thổ sản quy phụ nhà Tống. Khi đến [5b] trại Dương Sơn, viên thủ Ung Châu là Triệu Nguyệt bắt Hữu Lượng và bè đảng giải đến súy ty. Người Tống thấy trong bọn ấy có Dương ở ngực có thích hình rồng đen, và bọn thủ lĩnh ở châu Bồ năm người, biết là người nước Việt ta, đều trả về.

641 Châu Thông Nông: nay là huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng.

Dựng cung Quảng Từ để hoàng thái hậu ở.

Dựng các chùa Vĩnh Long, Phúc Thánh.

Cấm các thợ bách tác642 không được làm đồ dùng theo kiểu của nhà nước tự tiện bán cho dân gian.

642 Tức thợ thủ công làm các đồ dùng cho vua và nhà nước.

Bính Dần (Đại Định) năm thứ 7 (1146), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 16). Mùa xuân, tháng giêng, An Trung hầu (không rõ tên) ở châu Lạng dâng hươu trắng.

Tháng 3, Viên ngoại lang Lý Ngọ dâng hươu trắng.

Thái sư Mâu Du Đô chết.

Mùa hạ, tháng 4, trâu và gia súc chết dịch.

Hạn, cầu đảo được mưa.

Sao Chổi mọc.

Tháng 6 nhuận, xuống chiếu cho các ty xử án, kẻ nào tranh bậy không hợp điều luật pháp chế thì xử 60 trượng.

Mùa thu, [6a] tháng 7, dựng 6 sở kho Thiên Tư.

Tháng 8, xuống chiếu rằng các quan quản giáp và chủ đô, phàm sung bổ cấm quân, phải chọn những hộ nhiều người, không được lấy người cô độc, làm trái thì trị tội.

Đinh Mão, (Đại Định) năm thứ 8 (1147), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 17). Mùa thu, tháng 8, đóng hai thuyền Vĩnh Long, Thanh Lan và hai thuyền lớn Trường Quyết, Phụng Tiên.

Tháng 9, thư gia là Lý Chiêu dâng con quạ trắng. Mùa đông, tháng 10, ngày Canh Thìn, tiểu thị vệ là Lý Sùng dâng con rùa mắt có sáu con ngươi, ức có tám chữ triện.

Dựng hành dinh ở trại Yên Hưng643.

643 Yên Hưng: nay là đất huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.

Xuống chiếu cho Đỗ Anh Vũ đi phủ Phú Lương khảo xét quan liêu và định số mục hộ tịch.

Tháng 11, làm nhà cho Công chúa Thụy Thiên ở châu Lạng.

Hoàng thái hậu họ Đỗ băng, thụy là Chiêu Hiếu hoàng hậu.

Mậu Thìn, (Đại Định) năm thứ 9 (1148), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 18). Mùa xuân, tháng 2, vua ngự đến hành cung ly Nhân cày ruộng tịch điền [6b] rồi đến hành cung Ứng Phong.

Mùa hạ, tháng 6, xuống chiếu cấm các thủ lĩnh và quan lang người Man Lý và người Sơn Lão ở hai trấn Đại Thông và Quy Nhân644 không có việc gì không được về Kinh.

644 Địa danh thời Lý - Trần không thấy tài liệu nào ghi tên Quy Nhân, ngờ là Quy Hóa mà bản in khắc lầm. Quy Hóa là tên phủ thời Lý, cuối thời Trần đổi làm trấn, đầu thời Lê đổi làm lộ, từ đời Hồng Đức (1470 - 1497) về sau lại đổi làm phủ: nay thuộc tỉnh Yên Bái, Lao Cai, Đại Thông là tên phủ thời Lý (có ghi trong Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi) chỉ miền Hưng Hoá, phía tây sông Hồng. Như vậy, hai trấn Đại Thông và Quy Nhân (sửa là Hoá) đại thể là đất tỉnh yên Bái, Lao Cai, Lai Châu và một phần Vĩnh phú ngày nay.

Công chúa Thụy Thiên về châu Lạng.

Mùa đông, tháng 10, khánh thành cung quảng Từ.

Kỷ Tỵ, (Đại Định) năm thứ 10 (1149), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 19). Mùa xuân, tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa645, Lộ Lạc646, Xiêm La647 vào hải Đông648, xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là vân Đồn, để mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương.

645 Trảo Oa: tức đảo Java, (Inđônêxia). Cương mục chép là Qua Oa (CMCB4,33a), cũng tức là Java, theo cách phiên âm thường dùng trong Nguyên sử và Minh sử.

646 Lộ lạc: chưa rõ chỉ nước nào. Thời trần, có thuyền buôn Lộ hạc đến Vân Đồn. Có lẽ Lộ Lạc chính là Lộ Hạc. Dựa vào âm đọc, có thể cho rằng Lộ Hạc là nước La Hộc được nhắc đến trong thư tịch Trung Quốc thời Nguyên - Minh (xem thêm chú thích về Xiêm la ở dưới). La Hộc là quốc gia Lavo ở Lopburi, Thái Lan. Lộ Hạc có khả năng là nước Locac được nhắc đến trong du ký của Marco Polo.

647 Xiêm La: quốc gia của người Thái vùng thượng lưu sông Mê Nam thời trung đại. Điểm đáng chú ý là Toàn thư đả chép tên Xiêm La vào năm 1149. Trong khi đó, thư tịch Trung Quốc chỉ nhắc đến nước này vào cuối thế kỷ XIII (xem Nguyên sử, Xiêm quốc truyện) nhưng trong suốt thời Nguyên, chỉ gọi là Xiêm chứ không phải là Xiêm La. Sang thời Minh, từ năm Hồng Vũ thứ 4 (1371), mới thấy nhắc đến tên Xiêm la. Minh sử, Minh nhất thống chí, Quảng Đông thống chí giải thích rằng vào khoảng niên hiệu Chí Chinh (1341 - 1368), nước Xiêm đầu hàng nước La Hộc (tức Lavo) bên cạnh, hai nước mới hợp nhất thành nước Xiêm La. Nguyễn Thiên Túng chú Dư địa chí của Nguyễn Trãi cũng theo thuyết đó mà nói rằng Xiêm La xưa là hai nước Xiêm La và La Hộc. Nếu đúng như thế thì phải chăng tên Xiêm La chép ở Toàn thư năm 1149 là do Ngô Sĩ Liên và các sử thần thời Lê chữa từ tên Xiêm? Nhưng chưa có căn cứ để nói rằng thuyết đó đúng. Nước Xiêm nói trong Nguyên sử rõ ràng là vương quốc Sukhothai hình thành vào thế kỷ XIII ở Thái Lan. Mãi đến thế kỷ XV, Sukhothai mới trở thành thuộc quốc của vương quốc Ayuthya.

648 Hải Đông: vùng đất tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

Mùa hạ, tháng 4, mở hội Nhân Vương ở Long Trì, đại xá người có tội.

Vua ngự ở Long Trì xem bắt voi.

Mùa đông, tháng 11, Công chúa Thiên Thành mất.

Cho trung thư hỏa giữ phủ Phú Lương làm Nguyễn Quyền là Trung thư xá nhân, đến Na Dâm Điền ở đầu phía nam châu Văn, hội với Triều phụng lang châu Thất Nguyên là Nông Ngạn Cương [7a] để bàn việc, vì người châu Quảng Nguyên bắt Liêu Ngũ ở châu Thất Nguyên.

Dựng hành cung ở Ly Nhân.

Canh Ngọ, (Đại Định) năm thứ 11 (1150), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 20). Mùa xuân, tháng 3, hạn.

Mùa thu, tháng 7, hạn.

Tháng 9, người Chân Lạp cướp châu Nghệ An, đến núi Vụ Thấp649 gặp nắng nóng ẩm thấp, phần nhiều chết vì lam chướng bèn tự tan vỡ.

649 Núi Vụ Thấp: còn gọi là Vụ Ôn, tức là núi Vụ Quang ở huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh.