Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 10 - Phần 2

Phan Phu Tiên nói: Tam cương ngũ thường là luân lý lớn của loài người. Thái Tông là ông vua khai sáng cơ nghiệp, đáng lẽ phải dựng phép tắc để truyền lại cho đời sau, lại nghe mưu gian của Thủ Độ, cướp vợ của anh làm hoàng hậu, chẳng phải là bỏ cả luân thường, mở mối dâm loạn đó ư? Liễu từ đó sinh ra hiềm khích, cả gan làm loạn, là do Thái Tông nuôi nên tội ác cho Liễu vậy. Có người bảo Thái Tông không giết anh, thế là nhân, nhưng tôi thì cho rằng cướp vợ của anh, tội ác đã rõ ràng, không giết anh [11a] là vì lẽ trời chưa mất mà thôi, sao được gọi là nhân? Xét ra sau này Trần Dụ Tông dâm loạn làm càn chưa hẳn không do Thái Tông đầu têu vậy.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thái Tông mạo nhận con của anh làm con của mình. Sau này Dụ Tông và Hiến Từ đều cho Nhật Lễ làm con của Cung Túc Vương, đến nỗi cơ nghiệp nhà Trần suýt nữa bị sụp đỗ, há chẳng phải là không có ngọn nguồn của nó sau?

Các quan dâng tôn hiệu là Thống Thiên Ngự Cực Long Công Hậu Đức Hiền Công Hựu Thuận Thánh Văn Thần Vũ Hiếu Nguyên Hoàng Đế.

Ban yến cho các quan ở điện Thiên An.

Tháng 2, dời dựng điện Linh Quang ở Đông Bộ Đầu, gọi là điện Phong Thủy. Khi xa giá dừng ở đây, các quan đưa đón, đều dâng trầu cao và trà, nên tục gọi là điện Trà.

[11b] Mùa hạ, tháng 5, tết Đoan ngọ làm lễ điếu Khuất Nguyên và người hiền đời xưa như Giới Tử Thôi. Hằng năm cứ đến tháng này đều cử hành lễ điếu.

Mậu Tuất, (Thiên Ứng Chính Bình) năm thứ 7 (1238), (Tống Gia Hy năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, sai Thống quốc thái sư Trần Thủ Độ duyệt định sổ đinh phủ Thanh Hoá.

Mùa thu, tháng 7, nước to, vỡ tràn vào cung Thưởng Xuân.

Tháng 8, định quy chế thuyền xe cho vương hầu, công chúa, các quan văn võ và người tông thất.

Ban yến cho các quan từ ngũ phẩm trở lên ở điện Bát Giác.

Kỷ Hợi, (Thiên Ứng Chính Bình) năm thứ 8 (1239), (Tống Gia Hy năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, lại cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội thái phó. Sai (Chu) về hương Tức Mặc xây dựng nhà cửa, cung điện.

Tháng 2, thi thái học sinh. Đỗ đệ nhất giáp là Lưu Miễn, Vương Giát; đệ nhị giáp là Ngô Khắc; đệ tam giáp là Vương Thế Lộc.

[12a] Kiểu Hiền làm loạn.

Canh Tý, (Thiên Ứng Chính Bình) năm thứ 9 (1240), (Tống Gia Hy năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, sai Phùng Tá Chu dựng năm sở hành cung ở phủ Thanh Hoá.

Mùa thu, tháng 7, gió lớn, mưa to, động đất.

Tháng 9, ngày 25, hoàng đích trưởng tử là Hoảng sinh, lập làm Đông cung thái tử. Đại xá.

Mùa đông, tháng 10, quan đóng giữ Lạng Giang sai chạy trạm tâu về việc người phương Bắc đến bắt người cướp của dân cư trong hạt ấy. Vua sai thị thần là Bùi Khâm đến biên giới phía bắc để bày tỏ.

Tân Sửu, (Thiên Ứng Chính Bình) năm thứ 10 (1241), (Tống Thuần Hựu năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, chọn người có sức khỏe, am hiểu võ nghệ sung làm quân Túc vệ thượng đô.

Mùa hạ, tháng 4, hạn hán, núi nhiếu nơi bị lở, ở chợ Dừa739, đất toác ra.

739 CMCB6 chép là phường Thịnh Quang có ô Chợ Dừa ở phía nam Hà Nội nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội.

Tháng 9, xuống chiếu cho các ty xét án được lấy tiền bình bạc740 (bình tức là xét, trước có ty bình bạc cũng là thế).

740 Tức tiền xét án.

Mùa đông, tháng 10, người Man phương bắc đến cướp biên giới. Sai đốc tướng Phạm Kính Ân đi đánh lấy được các động Man rồi về.

Hoàng tử thứ ba Quang Khải sinh, là em cùng mẹ với thái tử Hoảng. Quốc Khang là anh trưởng, sau đều phong đại vương. Thứ đến Nhật Vĩnh, Ích Tắc, Chiêu Văn, đều phong vương. Thứ nữa thì phong thượng vị hầu. Con trưởng của các vương thì phong vương, các con thứ thì phong thượng vị hầu, coi đó là chế độ lâu dài.

Vua thân hành cầm quân đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình741 của nước Tống phía đường bộ, vượt qua châu Khâm, châu Liêm, tự xưng là Trai Lang, bỏ thuyền lớn ở trong cõi, chỉ đi bằng các thuyền nhỏ Kim Phụng, Nhật Quang, Nguyệt Quang. Người châu ấy không biết là vua, đều sợ hãi chạy trốn. Đến sau biết là vua mới chăng xích sắt giữa sông để chặn đường thủy [13a]. Khi trở về, vua sai nhổ lấy vài chục cái neo đem về.

741 Trại Vĩnh An của Tống thuộc đất châu Khâm, giáp với vùng Móng Cái, Quảng Ninh của ta. Trại Vĩnh Bình của Tống thuộc đất châu Ung, giáp với vùng Lộc Bình, Lạng Sơn của ta.

Phùng Tá Chu mất.

Nhâm Dần, (Thiên Ứng Chính Bình) năm thứ 11 (1242), (Tống Thuần Hựu năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, chia nước làm mười hai lộ742. Đặt chức an phủ, trấn phủ, có hai viên chánh, phó để cai trị. Các xã, sách thì đặt chức đại, tiểu tư xã. Từ ngũ phẩm trở lên là đại tư xã, từ lục phẩm trở xuống là tiểu tư xã. Có người làm kiêm cả 2, 3, 4, xã, cùng xã chính, xã sử, xã giám gọi là xã quan.

742 CMCB6 chép danh sách 12 lộ là Thiên Trường, Long Hưng, Quốc Oai, Bắc Giang, Hải Đông, Trường Yên, Kiến Xương, Hồng Khoái, Thanh Hoá, Hoàng Giang, Diễn Châu. Danh sách này chưa hẳn đúng và đủ tên các lộ thời Trần. An Nam chí lược của Lê Trắc đưa ra một danh sách mười lăm lộ, nhưng chỉ có sáu lộ là có tên trong danh sách của Cương mục.

Làm đơn số743 hộ khẩu. Con trai lớn gọi là đại hoàng nam, con trai nhỏ gọi là tiểu hoàng nam, sáu mươi tuổi gọi là lão, già lắm thì gọi là long lão. Nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc, người không có ruộng đất thì miễn cả. Có một, hai mẫu ruộng thì nộp 1 quan tiền, có ba, bốn mẫu thì nộp 2 quan tiền, có từ năm mẫu trở lên thì nộp 3 quan tiền. Tô ruộng mỗi mẫu nộp 100 thăng thóc.

743 Xem sự việc chép về năm Mậu Tý (1228) ở trên.

Mùa hạ, tháng 4, sai [13b] Thân vệ tướng quân Trần Khuê Kình đem quân trấn giữ biên giới phía bắc, đánh lấy các đất thuộc lộ Bằng Trường.

Trước kia, từ sau khi Nguyên Thái Tông mất, thì cửa ải thường không thông. Nếu có sứ mệnh thì chỉ có hai viên chánh phó sứ và hai bọn người đi theo, còn sản vật tiến cống có bao nhiêu thì gói bọc đưa đến địa đầu biên giới, quan địa phương nhận giữ và chuyển nộp. Sứ thần đến kinh, chỉ dâng biểu tâu thôi, các vật tiến cống không đến nơi cả được. Đến nay, sai tướng chống giữ, đánh chiếm mới thông hiếu được với nước Tống.

Tháng 5, tháng 6, hạn hán, soát tù, đại xá.

Mùa thu, tháng 7, mưa. Miễn một nửa tô ruộng.

Tháng 9, ngày canh thìn, mồng 1, nhật thực.

Mùa đông, tháng 10, Chiêm Thành sang cống.

Tháng 12, rồng vàng hiện.

Quý Mão, (Thiên Ứng Chính Bình) năm thứ 2 (1243), (Tống Thuần Hựu năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, lệnh cho quan các lộ làm sổ dân đinh, [14a] hạn trong hai tháng phải xong.

Tháng 2, đắp thành nội, gọi là thành Long Phượng và trùng tu Quốc tử giám.

Mùa hạ, tháng 6, sai viên ngoại lang Trương Thất xét xử các án ở Đô vệ phủ.

Mùa thu, tháng 8, nước to, vỡ thành Đại La.

Mùa đông, tháng 10, chọn người bổ sung vào các quân bộ để sai khiến.

Giáp Thìn, (Thiên Ưng Chính Bình) năm thứ 13 (1244), (Tống Thuần Hựu năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, sai các văn thần chia nhau đi trị nhậm các phủ, lộ trong nước gồm mười hai nơi. Phủ có tri phủ, lộ có thông phán, châu có tào vận sứ và phó sứ, giữ việc vận chở.

Định các cách thức về luật hình.

Tháng 3, cho Phùng Tá Khang, cha Phùng Tá Chu, làm tả nhai đạo lục, tước Tả Lang.

Bấy giờ các vương hầu bổ quan tăng đạo thì gọi la Tả nhai, vì không thể cho đứng vào hàng ngũ các quan trong triều. Tả nhai là phẩm cao nhất của tăng đạo. Không phải là người thông thạo [14b] tôn giáo của mình thì không được dự càn. Nay đem phong cho Tá Khang là lễ ưu hậu lắm.

Mùa đông, tháng 10, qui định lương bổng cho các quan làm việc trong ngoài và các quan túc vệ.

Ất Tỵ, (Thiên Ứng Chính Bình) năm thứ 14 (1245), (Tống Thuần Hựu năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, vua ngự hành cung Ứng Phong (nay là phủ Kiến Hưng)744.

744 Phủ Kiến Hưng: hay phủ Nghĩa Hưng đời Lê là gồm đất 3 huyện: Nghĩa Hưng, Ý Yên, Vụ Bản, tỉnh Nam Hà ngày nay. Từ đời Lý đã có hành cung ở Ứng Phong, có lẽ ở trong đất huyện Ý Yên.

Mùa thu, tháng 8, nước to, vỡ đê Thanh Đàm745.

745 Đê Thanh Đàm: nay là đê Thanh Trì.

Mùa đông, tháng 12, gió to, mưa lớn 3 ngày, nước sông tràn ngập, rắn, cá chết nhiều.

Bính Ngọ, (Thiên Ứng Chính Bình) năm thứ 15 (1246), (Tống Thuần Hựu năm thứ 6, Nguyên Định Tông, Quý Do746 năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 2, định quy chế các quận.

746 Quý Do tức hãn Mông Cổ Guyuk. Vì các bản khắc Toàn thư bị sứt chữ hay in không rõ, nên chữ Do ở đây dễ bị đọc nhầm thành chữ Diền (Bản dịch cũ, tậ II, 1971, tr.20).

Chọn người khỏe mạnh sung làm quân Tứ thiên, Tứ thánh, Tứ thần747. Đinh tráng lộ Thiên Trường748 và Long Hưng749, sung vào các quân Thiên thuộc, Thiên cương, Chương thánh và Củng thần; lộ Hồng750 và lộ Khoái751sung quân tả hữu Thánh dực; lộ Trường Yên 752 và lộ Kiến Xương753 sung vào Thánh dực, Thần sách. Còn các lộ khác thì sung vào cấm quân trong Cấm vệ. Hạng thứ ba thì sung vào đoàn đội trạo nhi.754 [15a] (Có sách chép là phong đội).

747 Bản dịch cũ (tập II, 1971, tr.285) chú thích Tứ thiên là bốn vệ Thanh dực, Tứ thần là 4 vệ Thần sách. Nhưng theo các quân hiệu được chép ở đây thì lại có thể nghĩ rằng: Tứ thiên là hai vệ (tả và hữu) của quân Thiên thuộc và hai vệ của quân Thiên Chương; Tứ thánh là hai vệ của quân Thánh dực và hai vệ của quân Chương thánh; Tứ thần là hai vệ của quân Thần sách và hai vệ của quân Củng thần. Chú ý là đời Trần chỉ thấy nói đến các quân tả và hữu, chứ không gặp các quân tiền và hậu.

748 Vùng tỉnh Nam Định cũ, nay thuộc tỉnh Nam Hà.

749 Gồm phần lớn tỉnh Thái Bình ngày nay.

750 Vùng tây Hải Dương.

751 Vùng nam Hưng Yên.

752 Vùng tỉnh Ninh Bình.

753 Vùng nam Thái Bình ngày nay.

754 Tức là đội chèo thuyền, thủy thủ của thuyền trên.

Tháng 3, xét duyệt các quan văn, võ, trong ngoài.

Cứ mười lăm năm một lần xét duyệt, mười năm thăng tước một cấp, mười lăm năm thăng chức một bậc. Chức quan nào khuyết thì chức chánh kiêm chức phó. Chánh phó đều khuyết thì lấy quan khác tạm giữ, đợi đủ hạn xét duyệt thì bổ chức ấy.

Bấy giờ quốc gia vô sự, nhân dân yên vui, người làm quan giữ mãi một chức, người ở quán, các mười năm mới được xuất thân, người ở sảnh, cục mười năm năm mới được xuất thân, chức tể tướng thì chọn người hiền năng trong tôn thất, có đạo đức, tài nghệ, thông hiểu thi thư thì cho làm.

Mùa hạ, thạng, tháp trên núi Long Đội đổ.

Mùa thu, tháng 7, định lệ thi tiến sĩ, cứ bảy năm một khoa.

Mùa đông, tháng 12, cho Trương Mông làm Ngự sử đại phu (Mông người Thanh Hóa, có hùng tài).

Đinh Mùi, (Thiên Ứng Chính Bình) năm thứ 16 (1247), (Tống Thuần Hựu năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên [15b] Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn; Đặng Ma La đỗ thám hoa lang. Cho 48 người đỗ thái học sinh, xuất thân theo thứ bậc khác nhau.

Trước đây, hai khóa Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239) chia làm giáp, ất, chưa có chọn tam khôi755. Đến khoa này mới đặt (tam khôi).

755 Tam khôi: là ba bậc đõ đầu gồm trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa.

Mùa hạ, tháng 4, động đất.

Mùa thu, tháng 8, thi các khoa thông tam giáo. Ngô Tần (người Trà Lô) đỗ giáp khoa, Đào Diễn, Hoàng Hoan (người Thanh Hóa) và Vũ Vị Phủ (người Hồng Châu) đỗ ất khoa.

Mậu Thân, (Thiên Ứng Chính Bình) năm thứ 17 (1248), (Tống Thuần Hựu năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng, đổi miế hiệu của Huy Tông gọi là Thái Tổ, Thọ Lăng gọi là Huy Lăng.

Tháng 3, lệnh các lộ đắp đê phòng lụt, gọi là để quai vạc, từ đầu nguồn đến bờ biển, để ngăn nước lũ tràn ngập.

Đặt hà đê chánh phó sứ để quản đốc. Chỗ đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo giá trả lại tiền [16a]. Đắp đê quai vạc là bắt đầu từ đó.

Mùa hạ, tháng 4, làm cầu Lâm Ba ở chùa Chân Giáo, qua hồ Ngoạn Thiềm, đến quán Thái Thanh cung Cảnh Linh, cực kỳ tráng lệ.

Tháng 6, hoàng hậu Thuận Thiên băng, truy tôn là Hiển Tử Thuận Thiên hoàng thái hậu.

Sai các nhà phong thủy đi xem khắp núi sông cả nước, chỗ nào có vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, như các việc đào sông Bà Lễ756 đục núi Chiêu Bạc757 ở Thanh Hóa; còn lấp các khe ở kênh mở đường ngang dọc thì nhiều không kể xiết. Đó là làm theo lời Trần Thủ Độ.

756 CMCB6 chép là sông Bà Mã. Nguyên văn: "Bà Lễ giang", có lẽ là sông Bà Mã và sông lễ gọi tắt. Bà Mã tức sông Mã ở Thanh Hóa, còn sông Lễ thì Cương mục chú là sông Mã, nhưng có lẽ là sông Chu.

757 Núi Chiêu Bạc: Bản dịch cũ chú có lẽ là núi Chiếu Bạch (hiện có sông Chiếu Bạch) ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Sứ thần Ngô Sĩ Liên nói: Từ khi có trời đất này, thì đã có núi sông này, mà khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời, đều có số cả. Khí trời từ bắc chuyển xuống nam, hết nam rối lại quay về bắc. Thánh nhân trăm năm mới sinh, đủ số lại trở lại từ đầu. Thời vận [16b] có lúc chậm lúc chóng, có khi thưa khi mau mà không đều, đại lược là thế, có can gì đến núi sông? Nếu bảo núi sông có thể lấy pháp thuật mà trấn áp, thì khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời có pháp thuật gì trấn áp được không? Ví như Tần Thủy Hoàng biết là phương đông nam có vượng khí thiên tử, đã mấy lần xuống phương ấy để trấn áp, mà rút cuộc Hán Cao vẫn nổi dậy, có trấn áp được đâu.

Kỷ Dậu, (Thiên Ứng Chính bình) năm thứ 18 (1249), (Tống Thuần Hựu năm thứ 9). Mùa xuân, tháng giêng, trùng tu chùa Diên Hựu, xuống chiếu vẫn làm ở nền cũ.

Đại xá.

Mùa hạ, tháng 4, ngày Nhâm Dần mồng 1, nhật thực.

Mùa thu, tháng 7, mưa đá lớn.

Canh Tuất, (Thiên Ứng Chính Bình) năm thứ 19 (1250), (Tống Thuần Hựu năm thứ 10). Mùa xuân, tháng 3 động đất.

Xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là quan gia758.

758 Nguyên văn là "quốc gia", ngờ là bản in nhầm. Vì "quan gia" là tiếng để gọi vua đời Trần, thường hay gặp. Chưa có sách nào gọi vua là "quốc gia". Chúng tôi sửa lại.

Đổi Đô vệ phủ làm Tam ty viện, gồm các viện Phụng tuyên, Thanh túc, Hiến chính.

Mùa hạ, tháng 5, xuống chiếu các việc kiện tụng đã thành án, phải cùng quan thẩm hình viện xem xét định tội.

[17a] cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử trung tướng, tri Tam ty viện sự.

Mùa thu, tháng 7, cho Minh tự Lưu Miễn làm an phủ sứ phủ lộ Thanh Hóa.

Tân Hợi, (Thiên Ứng Chính Bình) năm thứ 20 (1251). (Từ tháng 2 về sau là Nguyên Phong năm thứ 1, Tống Thuần Hựu năm thứ 11, Nguyên Hiến Tông Mông Kha năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 1, đổi nguyên hiệu là Nguyên Phong (năm thứ 1).

Vua tự viết bài minh ban cho các hoàng tử, dạy về trung, hiếu, hoà, tốn, ôn, lượng, cung, kiệm.

Gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương (không rõ tên). Con trai Yên Sinh Vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn.

Ngày 15 tháng ấy, vua mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc759 và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành là lễ kết tóc với Trung Thành Vương.

759 Nguyên văn là "trần hợp kế đồ", có người hiểu "đồ" theo nghĩa Nôm là "đồ đạc". CMCB6 chép là "bày đồ quý báu".

Trước đó, vua cho công chúa Thiên Thành đến ở trong dinh Nhân Đạo Vương (Nhân Đạo Vương là cha Trung Thành Vương). Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào [17b] chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng.

Công chúa Thụy Bà (chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn, nuôi Quốc Tuấn làm con) liền đến gõ cửa điện cáo cấp. Người coi cửa vội vào tâu. Vua hỏi có việc gì, Thụy Bà trả lời:

"Không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu".

Vua vội sai nội nhân đến dinh Nhân Đạo Vương. Đến nơi, thấy yên lặng, bèn vào chỗ Thiên Thành, thì thấy Quốc Tuấn đã ở đấy. Nhân Đạo bấy giờ mới biết chuyện.

Hôm sau, Thụy Bà dâng mười mâm vàng sống, tâu rằng: "Vì vội vàng nên không sắm được đủ lễ vật".

Vua bắt đắc dĩ phải gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn, lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên760 để hoàn lại sính vật cho Trung Thành Vương.

760 Tức phủ Ứng Hoa đời sau, tương ứng với các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, tỉnh Hà Tây ngày nay.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Con gái vua lấy kẻ bề dưới tất phải sai chư hầu cùng họ đứng ra làm chủ hôn [18a] theo lễ phải thế. Thái Tông đem Thiên Thành công chúa gả xuống cho Trung Thành Vương, nhưng công chúa lại về với Hưng Đạo Vương, việc hôn nhân rất là bất chính. Thế thì lễ cưới này không ai đứng chủ ư? Vì vua đã bất chính trong đạo vợ chồng, cho người làm tôi con cũng bắt chước. Vả lại, hôn nhân không lấy người khác họ mà lấy người cùng họ, thì chỉ có nhà Trần làm thế. Trong việc trái lễ, lại trái lễ nửa.

Vua ban yến ở nội điện, các quan đều dự. Đến khi say, mọi người đứng cả dậy, dang tay mà hát. Ngự sử trung tướng (sau đổi là Trung úy) Trần Chu Phổ Cũng dang tay theo mọi người, nhưng không hát câu gì khác, chỉ nói: "Sử quan ca rằng, sử quan ca rằng".

Sau này, trong yến tiệc, có người đội mo nang, cầm dùi làm tửu lệnh thì lại càng thô bỉ lắm.

[18b] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Xem thế đủ thấy, tuy bấy giờ vua tôi cùng vui, không gò bó vào lễ pháp, cũng là điều giản dị, chất phát của phong tục, nhưng không còn chừng mực gì nữa. Hữu Tử nói: "Biết được hòa đồng rồi hòa đồng, nhưng không lấy lễ mà tiết chế, thì cũng không thể làm được". Ngự sử là bề tôi giữ việc can ngăn, chức phận là phải uốn nắn, đã không nói thì thôi, lại còn vào hùa với họ thì kỷ cương của triều đình để đâu?

Mùa hạ, tháng 4, Yên Sinh Vương Liễu mất, thọ 41 tuổi, gia phong đại vương.

Phạm Kính Ân mất (Kính Ân là thái úy quan nội hầu của triều Lý cũ).

Nhâm Tý, Nguyên Phong năm thứ 2 (1252), (Tống Thuần Hựu năm thứ 13). Mùa xuân, tháng giêng, vua thân đi đánh Chiêm Thành, sai Khâm Thiên Đại vương Nhật Hiệu làm lưu thủ.

Chiêm Thành từ khi nhà Lý suy yếu, thường đem thuyền nhẹ [19a] đến cướp bóc dân cư ven biển. Vua lên ngôi, lấy đức vỗ về, sai sứ sang dụ, tuy họ có thường sang cống, nhưng lại đòi xin lại đất cũ, và có ý dòm ngó (nước ta). Vua giận, nên có viễc thân chinh này.

Mùa đông, tháng 12, bắt được vợ của chúa Chiêm Thành là Bố Da La và nhiều thần thiếp, nhân dân của y rồi về.

(Có thuyết nói bắt được chúa Chiêm Thành Bố Da La là sai. Nếu quả như thế thì Lê Văn Hưu làm Sử ký sao không dẫn để ca ngợi cùng với việc bắt được Sạ Đẩu. Nay theo (Phan) Phu Tiên là phải.)

Quý Sửu, Nguyên Phong năm thứ 3 (1253), (Tống Bảo Hựu năm thứ 1). Mùa hạ, tháng 4, cho Khâm Thiên Đại Vương Nhật Hiệu làm Thái úy.

Tháng 6, lập Quốc học viện. Đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh (Mạnh Tử), vẽ tranh 72 người hiền761 để thờ.

761 Chỉ 72 học trò xuất sắc của Khổng Tử (Thất thập nhị hiền).

Mùa thu, tháng 8, lập Giảng võ đường.

Tháng 9, xuống chiếu vời nho sĩ trong nước đến Quốc tử viện giảng tứ thư lục kinh.

Giáp Dần, (Nguyên Phong) năm thứ 4 (1254), (Tống Bảo Hựu năm thứ 2). Mùa hạ, tháng 5, định quy chế xe kiệu, mũ áo và người hầu cho tôn thất và các quan văn võ [19b] theo thứ bậc khác nhau.

Từ tông thất cho đến quan ngũ phẩm đều được đi kiệu, ngựa và võng. Tôn thất thì kiệu đầu đòn chạm phượng sơn son, tướng quốc thì kiệu đầu đòn chạm vẹt sơn đen, lọng tía; từ tam phẩm trở lên thì kiệu đầu đòn chạm mây, lọng xanh; từ tứ phẩm đến lục phẩm thì kiệu đầu đòn bằng dầu; ngũ phẩm trở lên thì lọng xanh; lục thất phẩm thì lọng giấy đen. Người theo hầu nhiều thì 1.000 người, ít thì 100 người.

Bấy giờ các vương hầu phần nhiều coi việc đánh nhau bằng tay không và một mình đi cướp là dũng cảm. Vũ Uy vương Duy (con Thái Tông) cũng làm thế. Một hôm, Vũ Uy (Vương) đánh nhau tay không ở Đông Bộ Đầu, vua vi hành qua đấy trông thấy hỏi rằng:

"Người béo và trắng kia là ai, bắt lại đây để sai bảo".

Vũ Uy (Vương) nghe thế trốn mất.

Tháng 6, bán ruộng công762, mỗi diện là 5 quan tiền (bấy giờ gọi mẫu là diện), cho phép nhân dân mua làm ruộng tư.

762 Nguyên văn chử Hán là "quan điền".

[20a] Mùa đông, tháng 10, ban tiền cho Phạm Ứng Mộng, bảo tự hoạn để vào hầu.

Trước đó, vua nằm mơ đi chơi thấy thần nhân chỉ một người bảo vua: "Người này có thể làm hànnh khiển". Tỉnh dậy, không biết là người nào.

Một hôm tan buổi chầu, vua ngự ra ngoài thành, thấy một người con trai theo học ở cửa nam thành, hình dáng giống hệt người trong mộng. Vua gọi đến hỏi, người đó ứng đối giống như những lời trong mộng.

Vua muốn trao cho chức hành khiển, nhưng thấy khó, mới cho 400 quan tiền bảo tự hoạn, ban tên là Ứng Mộng. Sau này thăng dần đến chức hành khiển. Đó là bắt chước lệ cũ của triều Lý, dùng Lý Thường Kiệt và Lý Thường Hiến vậy.

Ất Mão, (Nguyên Phong) năm thứ 5 (1255), (Tống Bảo Hựu năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, sai Lưu Miễn bồi đắp đê sông các xứ ở Thanh Hóa.

Mùa hạ, tháng 4, chọn tản quan làm hà đê chánh phó sứ các lộ. Khi việc làm ruộng nhàn rỗi [20b] thì đốc thúc quân lính đắp đê đập, đào mương ngòi đề phòng lụt, hạn.

Hoàng tử thứ sáu Nhật Duật sinh.

Trước đó, đạo sĩ cung Thái Thanh tên là Thậm cầu tự cho vua. Đọc sớ xong (đạo sĩ) tâu vua: "Thượng đế đã y lời sớ tấu, sắp sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh, ở trần thế bốn kỷ".

Thế rồi hậu cung có mang. Sau quả nhiên sinh con trai, hai cánh tay có chữ "Chiêu Văn đồng tử", nét tử rất rõ, vì thế đặt hiệu là Chiêu Văn (Tức là Nhật Duật). Lớn lên, nét chữ mới mất đi.

Đến năm (Nhật Duật) bốn mươi tám tuổi, bị ốm hơn một tháng, các con ông làm chay, xin giảm tuổi thọ của mình để kéo dài tuổi thọ cho cha. Đạo sĩ đọc sớ xong, đứng dậy nói:

“Thượng đế xem sớ xong, cười bảo: 'Sao hắn quyến luyến trần trục muốn ở lại lâu thế, nhưng các con hắn thực lòng hiếu thảo, cũng đáng cho. Thôi cho thêm hai kỷ nữa'.”

Bệnh liền khỏi. Sau Nhật Duật mất, thọ bảy mươi bảy tuổi, thế là được đủ sáu kỷ lẻ năm năm.

[21a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Việc đạo sĩ cầu tự, cho là đúng như thế chăng? Thì đạo trời xa, không thể biết được. Cho là không như thế chăng? Thì lòng thành cảm hóa, xa mấy mà chẳng tới được. Song, khi đạo sĩ rạp lạy đợi mệnh trời, có lẽ trời hiện chiêm bao để bảo cho. Kể ra số và lý nương tựa lẫn nhau, lý sinh ra từ số, số cũng chưa bao giờ không sinh ra từ lý, mệnh dài ngắn là số, lòng hiếu thành là lý. Có người bảo rằng đạo sĩ có thể nắm tính mạng bay lên được, nhưng tôi không tin.

Tháng 5, trồng 500 trượng toàn cây muỗm (suốt từ bến Hồng đến đê quai vạc Cẩu Thần).

Mùa thu, tháng 8, nước to, vua ngự chơi Hồ Tây.

Mùa đông, tháng 10, Vua ngự đến hành cung phủ Thiên Trường.

Bính Thìn, (Nguyên Phong) năm thứ 6 (1256), (Tống BẢo Hựu năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Trần [21b] Quốc Lặc đỗ kinh trạng nguyên; Trương Xán đỗ trại trạng nguyên; Chu Hinh đỗ bảng nhãn; Trần Uyên đỗ thám hoa lang763. Lấy đỗ thái học sinh bốn mươi ba người (kinh bốn mươi hai người, trại một người), xuất thân có thứ bậc khác nhau.

763 CMCB6 chú Quốc Lặc người huyện Thanh Lâm (châu Hồng); Trương Xán người huyện Tế Giang (lộ Bắc Giang); Trần Uyên người huyện Đường Hào (châu Hồng).

Hồi quốc sơ, cử người chưa phân kinh trại, người đỗ đầu ban cho (danh hiệu) trạng nguyên. Đến nay, chia Thanh Hóa, Nghệ An làm trại, cho nên có phân biệt kinh trại.

Tháng 3, nhuận, đúc 330 quả chuông.

Mùa hạ, tháng 5, sét đánh điện Thiên An, lại đánh cung Thái Thanh, tượng Thiên Tôn gãy mất một ngán tay.

Vét sông Tô Lịch.

Mùa thu, tháng 7, Vũ Thành Vương Doãn đem cả nhà trốn sang nước Tống. Thổ quan Tư Minh là Hoàng Bính bắt lại đưa trả cho ta.

(Doãn là con Yên Sinh Vương do Hiển Từ sinh. Yên Sinh có hiềm khích với vua, đến khi Hiển Từ mất, bị thất thế, nên trốn sang nước Tống.)

Vua thưởng vàng lụa cho Bính. Do đấy việc giữ phòng quan ải càng thêm nghiêm ngặt.

Đinh Tỵ, (Nguyên Phong) năm thứ 7 (1257), (Tống Bảo Hựu năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 2, Hoàng Bính đem cả nhà đến cửa khuyết, dâng con gái [22a] vào cung. Vua nhận, sách phong làm Huệ Túc phu nhân.

Mùa thu, tháng 8, chủ trại Quy Hóa764 là Hà Khuất sai chạy trạm tâu (vua) là có sứ Nguyên sang.

764 Trại Quy Hóa: thời Trần gồm đất tỉnh Yên Bái, phần hữu ngạn sông Hồng và đất các huyện sông Thao, Thanh Hòa và Yên Lập, tỉnh Vĩnh Phú hiện nay.

Tháng 9, xuống chiếu, lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Quốc Tuấn.

Mùa đông, tháng 11, lệnh truyền cả nước sắm sửa vũ khí.

Tháng 12, ngày 12, tướng Nguyên Ngột Lương Hợp Đải765 xâm phạm Bình Lệ Nguyên766.

765 Tên Mông Cổ là Uy - ry - ang - kha - đai (Uriyangqadai), có sách phiên âm là Ngột Lương Hợp Thai hay Ngột Lương Cáp Thai.

766 Có lẽ là chổ sông Cà Lồ gặp quốc lộ số 2, tức là vùng gần Hương Canh, huyện BÌnh Xuyên (nay là huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú).

Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần (tức Lê Trần) một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không.

Lúc ấy, có người khuyên vua dừng lại767 để chỉ huy chiến đấu. Phụ Trần cố sức can vua:

"Nay thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế!".

767 Nguyên văn: "Khuyến đế trú dịch thị chiến". "Trú dịch" nghĩa là "ở lại dịch trạm", dùng ở đây không phù hợp. Chúng tôi ngờ rằng đó là hai chữ "trú tất" có nghĩa là "dừng lại", "dừng xe ngự", một kiểu nói đối với vua. Chữ tất đã bị chép lầm thành chữ dịch do dạng chữ gần giống nhau.