Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 16 - Phần 3
Bấy giờ các mường của Ai Lao, tuy ngoài mặt nói là quy thuận nước ta, nhưng vẫn giáo giở bất thường, nên triều đình phải đặt quan ở những nơi đó để trông coi.
Có bảy tên ăn trộm can tội tái phạm, đều còn ít tuổi, hình quan chiếu luật đáng xử chém. Bọn đại tư đồ Lê Sát thấy giết người nhiều quá, trong lòng ngần ngại. Vua đem việc ấy hỏi Thừa chỉ Nguyễn Trãi. Trãi trả lời:
"Pháp lệnh không bằng nhân nghĩa cũng rõ lắm rồi. Nay một lúc giết bảy người, e không phải là hành vi của bậc đại đức. Kinh Thư có câu: ‘An nhữ chỉ’1630 (hãy yên với chỗ đứng của mình), sách truyện có câu ‘Tri chỉ nhi hậu hữu định’ (biết dừng rồi thì mới vững). Thần xin thuật lại nghĩa của chữ ‘chỉ’ [26a] để bệ hạ nghe:
‘Chỉ’ có nghĩa là yên với chỗ đứng của mình, như trong cung là chỗ đứng của bệ hạ, thỉnh thoảng bệ hạ có ngự ra nơi khác, thì mới yên chỗ đứng của mình được.
1630 Thư Kinh: Thiên Ích Tắc.
Người làm vua đối với nhân nghĩa cũng vậy, phải để lòng nơi nhân nghĩa, coi nhân nghĩa là chỗ đứng của mình. Tuy có lúc ra oai giận dữ, nhưng không thể như thế mãi được, xin bệ hạ lưu ý những lời của thần".
Bấy giờ bọn Sát và Ngân nói:
"Ông có nhân nghĩa, có thể cảm hóa kẻ ác thành người thiện, xin giao chúng cho ông, phiền ông cảm hóa cho".
Bèn bảo bọn Trãi và Thiên Tước nhận lấy những tên tù ấy. Trãi nói:
"Chúng là hạng trẻ con ương ngạnh, ranh mãnh, pháp chế của triều đình còn không trừng trị được, huống hồ bọn chúng tôi đức mỏng, cảm hóa thế nào được".
Rồi sau xử chém hai tên, còn lại thì xử đi đày.
Người nước La La Tư Điện sang cống1631.
1631 La La Tư Điện: là một vương quốc của người Lô Lô hồi đó. Địa bàn nước này là vùng đất tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.
Nước La La Tư ở phía bắc Ai Lễ, giáp với Vân Nam, ăn mặc theo tục [26b] Vân Nam, khi lạy tạ, đều tự nói tiếng nước họ.
Người Quang Châu thuộc phủ Quảng Nam đến dâng ngựa.
Mùa hạ, tháng 4, bọn Mường Qua1632 nước Ai Lao sang cống.
1632 Mường Qua: theo lời chú Bản dịch cũ là nước Lão Qua.
Mường Tàm1633 dâng một con voi.
1633 Mường Tàm: tức Tàm Châu, vùng thượng lưu sông Mã nước Ai Qua.
Ra lệnh cho các quan lộ, huyện, xã rằng: Nếu thấy chỗ nào có sâu ăn hại mầm dâu thì phải cúng lễ để trừ hại cho dân.
Tháng 5, ra lệnh cho các đại thần, hành khiển và các quan tham tri ba tịch, tham nghị, đài quan, quan hình ngục rằng: Từ nay về sau, những ngày xử án và những ngày các đại thần chuẩn quyết1634 thì không được lơ là vắng mặt, nếu ai có vắng mặt thì phải trình báo với mọi người, không được thiếu sót.
1634 Nghĩa như "phê duyệt" ngày nay.
Ra lệnh chỉ cho tướng hiệu các đạo và các lộ, huyện, trấn rằng: Hiện đang mùa làm ruộng, các quan lộ, huyện, trấn không được khinh suất điều động sức dân.
[27a] Tháng 6, ngày mồng 4, ra lệnh cho bọn tướng hiệu các vệ quân năm đạo đều phải sai người sửa chữa những chiến khí bị mối mọt hỏng nát.
Vua hằng ngày vui đùa với bọn hầu cận ở trong cung, các đại thần muốn khuyên vua học, cùng nhau tâu lên xin cử sáu văn thần là bọn Hành khiển thừa chỉ Nguyễn Trãi, Trung thư thị lang Trình Thuấn Du… đi theo hai, ba đại thần chia phiên nhau vào hầu kinh diên. Vua sai Đinh Phúc trả lại tờ tâu không nhận.
Vua yêu dùng hoạn quan Nguyễn Cung. Bọn Lê Sát xin giết đi, vua không nghe. Thế là bọn Sát cáo ốm không vào chầu. Bọn Thiên Tước tâu rằng:
"Bậc sinh trị1635 không ai bằng Nghiêu Thuấn mà còn dùng Quân Trù, Thành Chiêu làm thầy. Các đế vương đời xưa, sở dĩ thánh đức ngày một tăng lên, chưa có bậc nào là không do học vấn. Huống chi bệ hạ đương lúc tuổi còn trẻ, chưa biết được mọi đạo trị nước xưa nay. Đại tư đồ Lê Sát [27b] chọn dùng nho thần vào hầu bên trên, là có ý muốn bệ hạ được như vua Nghiêu vua Thuấn mà thôi, sao bệ hạ coi nhẹ tông miếu xã tắc, không thấy lòng trung thành của họ, để cho họ lo buồn mà không vào chầu? Xin bệ hạ nghĩ đến ý ký thác của Tiên đế, thì thiên hạ được đội phúc mà bệ hạ được hưởng lộc thọ của bậc đại hiếu".
1635 Sinh trị: nghĩa là sinh đã biết mọi việc, không cần phải dạy bảo, từ này chỉ dùng cho các bậc thánh nhân.
Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 5, nước Ai Lao lại làm phản, đánh vào Mường Viễn. Người Man họ Nữu nước ấy đánh bắt được mười ba người, chém được chín thủ cấp, cắt lấy tai đem dâng.
Phụ đạo trấn Thái Nguyên là Nông Văn Thông dâng chiếc cung Ẩm tuyền. Cung ấy rỗng giữa, có thể đứng mà uống được nước suối.
Ra lệnh chỉ cho các quan văn võ trong ngoài rằng:
"Nay các khanh không kính giữ phép công, người giữ tiền bạc sổ sách cả nước thì để chậm trễ hoặc gây khó dễ, thuế đáng thu hay đáng miễn thì không chịu phê tâu dứt khoát [28a] để làm khổ dân. Người coi quân thì không thương dân đau khổ, mượn đồ của dân, vứt bỏ bừa bãi đến nỗi hỏng, mất, đến khi có việc lại đến hạch sách. Còn kẻ coi dân thì chỉ vụ lợi riêng, không lo nuôi dưỡng dân, hoặc tha cho người giàu, bắt tội người nghèo, mua gỗ làm nhà cửa, xử kiện không công bằng, chỉ gây bè phái, lo hối lộ, làm việc không siêng năng, chỉ thích ăn uống nhậu nhẹt. Lại như các quan nơi phiên trấn, quan ải, khi có người lạ qua lại, thì sơ hở để nó trốn thoát, không chịu chú ý xét bắt, chỉ lo buôn bán để kiếm chác cho mình. Các khanh cùng hưởng lộc trời, trị dân mà làm việc như thế, không trái với lòng trời ư? Chớ coi lời trẫm là những lời nói suông. Nếu các khanh biết dốc hết tâm sức đổi lỗi xưa, theo con đường phải, hết lòng trung thành, yêu mến nhân dân, hòa mục với đồng liêu, công bằng xử án, khuyến khích nông tang, dẹp yên trộm cướp, cố giữ liêm khiết thì thân mình vẻ vang, nhà mình vinh hiển, phúc đến con cháu sau này. Nếu ai không theo sẽ tự chuốc lấy trừng phạt".
Ngày mồng 7, thưởng cho các quan làm việc lâu năm, siêng năng tài cán. Hạng nhất được thưởng một tư và năm quan tiền, hạng nhì được thưởng một tư.
Trước đây, vua đã sai người đi hỏi ngầm khắp nước, đến đây căn cứ vào lời tâu, bắt và xét hỏi những viên tham quan ô lại không giữ phép nước, gồm Tuyên úy các phiên trấn, tướng hiệu năm đạo, các viên Tuyên phủ, Chuyển vận; Tuần sát các lộ, trấn, huyện, cộng là năm mươi ba người.
[28b] Cho sư trụ trì chùa Báo Thiên là Huệ Hồng làm sa môn, ban cho áo tía.
Người dân huyện Bồ Lãng thuộc châu Hóa là Nguyễn Như Khuê bị vợ là Nguyễn Thị Đồn và con nuôi là Nguyễn Lang giết chết. Việc bị phát giác, Nguyễn Thị Đồn và Nguyễn Lang đều bị chém.
Mùa thu, tháng 8, ngày 11, sét đánh vào thuyền của quân Tây đạo.
Có sâu hại lúa.
Ngày 22, đúc xong tượng vàng của Thái Tổ và Quốc Thái mẫu, [29a] sai nhà sư làm phép điểm nhỡn1636 rồi rước vào Thái miếu để thờ.
1636 Điểm nhỡn: vẽ mắt tượng.
Ngày 28, Lê Bính và Nguyễn Thiên Tích vâng mệnh đi sứ phương Bắc trở về, tâu là phó sứ Phan Ninh, hành nhân Nguyễn Cát Phú và người đi theo, gồm bảy người bị bệnh dịch chết, nước Minh đều có điếu tế.
Tháng 9, thi giám quan ở Quốc tử giám và các lộ, cùng quân dân có học vấn ở Vân Tập đường.
Bấy giờ, các giáo quan nhiều người không xứng chức hoặc nói xấu lẫn nhau, chuyện đến tai triều đình, cho nên cho thi để thải bỏ, mặc khác, cho thi để chọn lấy quân dân bổ sung chân khuyết.
Ngày 18, nghị bàn riêng về ngạch thuế.
Người ở đất bãi trồng dâu, có ruộng cấy lúa, quân thì cấp cho năm sào đất trồng dâu, dân thì cấp cho bốn sào để làm sản nghiệp, miễn thuế, nhưng không miễn cho kẻ không vợ và góa chồng. Phan Thiên Tước nói:
"Người không vợ và góa chồng là hạng chính sách nhà vua thương đến. Nay ban ơn cho quân dân mà hạng đó không được dự, thế thì họ không phải là dân của [29b] vua ư?".
Bọn Đại tư đồ Lê Sát nói:
"Quân dân bỏ sức làm việc, đóng góp thuế khóa, còn hạng không vợ góa chồng kia cho nước được gì? Vả lại, khi còn Tiên đế, chưa từng giảm nhẹ cho ai thì ông im lặng không nói gì, mà nay đã định thành lệ rồi lại cứ nói mãi không thôi là làm sao?".
Tước trả lời:
"Khi còn Tiên đế, Tước này chưa được giữ chức trách nói năng, nay chức trách phải nói, cũng muốn thành điều hay cho nhà nước mà thôi, có phải mưu lợi riêng cho mình đâu?".
Bấy giờ mới cho những người không vợ, góa chồng được miễn thuế tô ba sào.
Lấy Lê Khả Lập làm Môn hạ ty hữu thị lang tri Tây đạo quân dân bạ tịch.
Người đàn bà ở xã Thương Xá, lộ Quốc Oai là Nguyễn Thị Ngọc đã có tám con với chồng. Chồng bị bệnh hủi, Nguyễn Thị Ngọc không cứu chữa nuôi nấng, lấy trộm tài sản của chồng, tư thông với khố giám là Nguyễn Chiếm để mưu lấy chồng khác, bị xử giảo1637.
1637 Xử giáo: xử thắt cổ cho chết.
Vua tập cưỡi voi ở hậu điện, cho voi chạy đuổi nhau. Gặp [30a] lúc có người dâng sơn dương sống, vua cho voi đấu với sơn dương. Con sơn dương thế cùng, buộc phải dương sừng ra húc. Voi sợ hãi lùi lại, bị rơi xuống giết chết. Phan Thiên Tước cùng Lê Sát, Lê Ngân can ngăn. Vua im lặng.
Ngày 26, Thái sử thừa Bùi Thì Hanh mật tâu rằng, ngày 1 tháng 11 sẽ có nhật thực, xin dùng bí thuật như năm xưa, để trấn yểm giải trừ. Vua cho dùng thuật ấy, ban cho 50 quan tiền.
Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 6, lấy Lê Cảnh Xước làm Nội mật viện sứ, vẫn hầu Kinh diên; Đào Công Soạn làm tri Thẩm hình viện sự; Nguyễn Văn Huyến làm tri Nội vật viện sự; Nguyễn Thúc Huệ làm Nội mật viện phó sứ; Hà Lật làm Hữu hình viện đại phu.
Ra lệnh chỉ cho các quan ở hai bên tả hữu kinh thành và vệ quân các đạo rằng: Ở địa phận của phường mình, quân mình, [30b] chỗ nào trước có tuần cảnh thì phải làm lại, cắt người luân lưu nhau canh phòng theo như quân pháp. Lại như người của phường nào, quân nào, thì phải làm nhà tại phường ấy, quân ấy, không được ở lẫn chỗ khác.
Ngày mồng 10, ra lệnh chỉ cho đại thần, các quan văn võ, đàn ông, đàn bà rằng: Từ nay về sau, không được may mặc hai màu đen, vàng, còn màu vàng xanh thì không cấm.
Ra lệnh chỉ cho đại thần, các quan văn võ cùng quân dân rằng: Phần đất ở kinh thành thì cấm chỉ không được trồng dâu, nếu là ruộng đất nhà nước ban cho thì được trồng các thứ hoa quả. Bấy giờ Thái sử thừa Bùi Thì Hanh nói rằng trong cấm thành kiêng trồng dâu, cho nên có lệnh này.
Vua thấy quan tam phẩm mặc áo màu hồng không hợp quy chế cũ, muốn sai đổi áo màu xanh. Đại tư đồ Lê Sát nói:
"Tiên đế khai sáng cơ nghiệp, có ý định phân biệt [31a] kẻ hơn người kém để biểu dương các bậc công thần. Quy chế đã định rồi, không nên thay đổi nữa". Vua nghe theo.
Ngày 18, vua ngự ra bến Đông1638 xem năm quân thi vượt sông.
1638 Bến sông Hồng, ở phía đông thành Thăng Long.
Có cây cao mới mọc vài đốt đã có quả. An phủ sứ lộ Lý Nhân là Bạch Khuê cho là điềm lành dâng lên. Vua không nhận.
Bãi các chức tước của Chính sự viện tham nghị Nguyễn Nhữ Lễ.
Bấy giờ giáng bổ Nhữ Lễ vào ngự tiền vũ đệ, Nhữ Lễ cho là bị giáng, không nhận chức. Các đại thần cho là Lễ không thi hành mệnh lệnh của vua, tâu xin bãi truất Lễ.
Ngày 29, ra lệnh chỉ cho các quan ngự tiền, các vệ quân và trấn quân năm đạo, cùng những người trong các sảnh, viện, cục, mỗi người đều phải mang lương ăn trong một tháng và các thứ chiến bào, đồ dùng, hạn đến ngày 15 tháng 11, phải tập hợp đầy đủ tại địa phận của mình để điểm danh và luyện tập võ nghệ.
[31b] Tháng 11, ngày Mậu Thìn, mồng 1, có nhật thực, vì Bùi Thì Hanh đã mật tâu từ trước, nên không hộ cứu mặt trời.
Ngày Quý Dậu, mồng 6, có sấm và cầu vồng.
Ngày Đinh Sửu, mồng 9, trời có tiếng như sấm. Kinh sư và các huyện bên cạnh động đất.
Chém Chuyển vận sứ huyện Thủy Đường là Nguyễn Liêm.
Liêm nhận của người 2 tấm lụa. Lê Sát căn cứ vào lệnh chỉ thời Thái Tổ ghi nhận một quan tiền hối lộ thì tâu lên xử trảm, (nên chém Liêm). Con Liêm xin chịu chết thay cho cha, cũng không được.
Chiêm Thành sai sứ sang.
Phát hơn 5.000 quan tiền cấp cho tướng hiệu và quân nhân đi đánh dẹp theo thứ bậc khác nhau.
Mường Bồn1639 sang cống các thứ ngà voi, sừng tê, bạc, vải.
1639 Mường Bồn: tức là Bồn Man.
Mường Bồn giáp giới với đất của Cầm Quý, thấy Quý vô lễ, sợ vạ lây đến mình, cho nên quy thuận trước. Vua khen ngợi, sai đem áo kim tuyến về thưởng cho phụ đạo xứ ấy và ban lụa cho người đi sứ theo thứ bậc khác nhau.
Ngày 21, lấy [32a] Tư mã Tây đạo Lê Bôi làm Tổng quản; hữu bật Lê Văn Linh làm Tham đốc, đốc suất các vệ quân năm đạo và hai vạn trấn quân Nghệ An đi đánh tên phản nghịch Cầm Quý ở châu Ngọc Ma. Vua răn bảo phải nghiêm cấm tướng sĩ, vỗ yên nhân dân, tổng quản, đồng tổng quản, tổng tri nào trái lệnh thì bắt giam mà tâu xin xử tội. Từ vệ đồng tri trở xuống, người nào ra trận mà trái lệnh hoặc lùi lại thì cho chém trước tâu sau.
Châu Ngọc Ma ở phía tây Nghệ An, phía đông Ai Lao. Cầm Quý chỉ có một vạn quân. Khi Thái Tổ khởi nghĩa, Quý đã từng đem quân sang giúp, được trao chức Thái úy. Ít lâu sau lại ngờ vực, hối hận tự đem quân về. Đến khi dẹp xong giặc Ngô, Quý rất hổ thẹn và lo sợ, nhưng lại cậy đất hiểm, đường xa, không chịu thuần phục. Quý là người tham lam, tàn bạo, cấm dân không được trồng trọt tranh với mình, xây dựng cung thất lớn, lấy đồng làm cột, vợ cả vợ lẽ phải kể hàng trăm, [32b] bắt dân đóng góp nặng, nói láo là để nộp cống, nhưng thực ra là vơ hết về mình. Thái Tổ định giết hắn, nhưng vì bấy giờ còn đương có việc, nên chưa rảnh tính đến. Tới đây, vua sai đi đánh, bắt Cầm Quý đóng củi đưa về kinh sư.
Ngày 22, là ngày Kế Thiên thánh tiết. Ban yến cho các quan. Cho trình diễn các trò vui và múa gươm ở thềm điện. Ban cấp tiền mới đúc theo thứ bậc khác nhau.
Ngày 24, sứ Chiêm từ biệt về nước. Ban cho vải lụa. Sau Lê Nhữ Lãm hỏi bọn họ rằng:
"Đồng ruộng các xứ Thổ Lũy1640 của nước Chiêm vốn là đất của ta, các ngươi nhân lúc nước ta nhiều biến cố, cướp lấy để tự vỗ béo mình, tới nay vẫn không nói đến trả lại. Lễ cống hàng năm lại không nộp là tại làm sao?".
1640 Dịch theo nguyên văn. Bản dịch cũ chép là "Ruộng các xứ Chiêm Động và Cổ Lũy".
Sứ Chiêm trả lời:
"Bọn thần muốn cho hai nước thân yêu nhau, còn để gõ cửa mà xin lửa. Song chúa nước thần già lẫn, không chịu tin ai. Thần xin triều đình cử sứ sang báo cho chúa nước tôi, nếu không thì dù bọn thần có nói cũng không có bằng chứng gì để làm tin cả". [33a]
Nhữ Lãm nói:
"Triều đình há lại không có lấy một sứ thần hay sao? Nhưng nước ngươi không giữ lễ nước nhỏ thờ nước lớn, thì sứ thần đâu có thể khinh xuất mà đi được?".
Bèn làm công văn đóng dấu của Thượng thư trao cho sứ Chiêm mang về.
Lấy tri Thẩm hình viện sự Đào Công Soạn làm Thẩm hình viện sứ kiêm Lễ bộ thượng thư. Công Soạn rất am hiểu điển cũ và phong tục người Ngô. Bấy giờ sứ nhà Minh sắp sang, vua muốn Công Soạn giữ việc ứng tiếp, cho nên có lệnh này.
Đặt chức Trấn quan tri quân dân sự.
Tuyển tráng đinh sung quân.
Tháng 12, sứ Minh là Chu Bật, Tạ Kinh sang báo việc vua Minh lên ngôi1641 và việc gia tôn thái hoàng thái hậu.
1641 Tức là Minh Anh Tông.
Bật vào đến địa giới, trước hết sai người tâu với vua mặc đồ cát phục1642 đón tiếp. Đến khi mở đọc chiếu thư, cũng không làm lễ cử ai, yến tiệc vui chơi như thường.
1642 Cát phục: áo mặc lúc có việc vui, trái với tang phục.
Bọn Bật tham lam thô bỉ, trong bụng rất hám tiền của nhưng ngoài [33b] mặt làm ra vẻ liêm khiết, mỗi khi có tặng lễ vật vàng bạc, đều từ chối không nhận, nhưng lại nhìn những người đi theo nét mặt ngần ngại. Triều đình biết ý, mới đưa những người đi theo sang dự yến ở phòng khác, rồi nhân lúc rót rượu, ngầm lấy mấy nén vàng ấn vào lòng bọn Bật. Bật mừng rỡ khôn xiết. Bọn Bật lại mang nhiều hàng phương Bắc sang, đặt giá cao, ép triều đình phải mua. Đến khi về nước, phải bắt đến gần một nghìn dân phu khiêng gánh đồ cống vật và hành lý của bọn Bật.
Hạ lệnh cho vệ quân các đạo và năm quân Thiết đột vét sông Đông Ngàn1643.
1643 Sông Đông Ngàn: khúc sông Đuống chảy qua huyện Từ Sơn cũ nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc.
Ngày 11, lấy tri nội mật viện là Nguyễn Văn Huyến, Điện trung thị ngự sử Lương Thiên Phúc, Quản lĩnh Lê Lung, Tả hình viện đại phu Đinh Lan, cùng đi với sứ phương Bắc là Chu Bật, đem biểu mừng vua Minh lên ngôi và hoàng thái hậu được gia tôn.
Ván khắc mới sách Tứ thư đại [34a] toàn hoàn thành.
Lấy Đỗ Văn Lộng làm Tri phủ lộ Quốc Oai Thượng; Hà Đa Mẫn làm Đồng tri phủ lộ Thiên Trường; Phạm Thì Trung làm Tham tri bạ tịch Đông Đạo; Hà Phủ và Bùi Nhữ Lĩnh đều làm Đồng tri Thẩm hình viện; Nguyễn Tông Nhân làm Thiên tri Thẩm hình viện sự; Phan Công Ích làm Hữu hình viện lang trung.
Sai bọn Tư không Mường Mộc và Lê Khả Tham, Thiếu úy Lê Xa Miên cùng đem quân Mường của trấn ấy đi đánh bọn Đạo Quỳnh ở Ai Lao.
Ngày 27, ban tiền cho các quan văn võ theo thứ bậc khác nhau.
Bính Thìn, (Thiệu Bình) năm thứ 3 (1436), (Minh Anh Tông Chính Thống năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, bàn sai Thẩm hình viện sứ kiêm Lễ bộ thượng thư Đào Công Soạn và Nội mật viện phó sứ Nguyễn Thúc Huệ sang nhà Minh cầu phong.
Mùa hạ, tháng 5, ngày mồng một, đại xá.
[34) Tháng 6, ngày mồng 6, sai bọn Thẩm hình viện sứ kiêm Lễ bộ thượng thư Đào Công Soạn và Nội mật viện phó sứ Nguyễn Công Cứ sang nhà Minh nộp cống hằng năm.
Mùa thu, tháng 7, bổ sinh đồ các lộ.
Lấy Lê Thúc Hiển làm An phủ sứ lộ Trường yên. Hiển người thôn Hồn, thuộc Hồng Châu, có tài về chính sự, được mọi người khâm phục.
Đinh Tỵ, (Thiệu Bình) năm thứ 4 (1437), (Minh Chính Thống năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, thổ tù châu Mỗi1644, trấn Gia Hưng là bọn Đạo Quỹ, Đạo Thang dẫn người châu đó đến bắt viên thổ quan là Đại tri châu Đạo Lễ đem thắt cổ chết, rồi giữ trại sách làm phản. Chiêu thảo sứ Hà An Lược đánh dẹp được, bắt sống bọn Quỹ và bè đảng hơn trăm tên giải về kinh giết đi. Lại lấy An Lược làm Chiêu thảo đại sứ; Đao Xa, con Đạo Quỹ làm Hoài viễn tướng quân, kiêm Đồng tri châu bản châu, ban cho mũ, đai, [35a] y phục.
1644 Mỗi Châu: tức Mường Muỗi, sau đổi là Thuận Châu. Thuận Châu đời Lê gồm các huyện Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn tỉnh Sơn La và huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu ngày nay.
Sai Hành khiển Nguyễn Trãi và Lỗ bộ ty giám Lương Đăng đốc suất làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc múa.
Ngày 13, nhà Minh sai chánh sứ là Binh bộ thượng thư Lý Úc, phó sứ là Thông chính ty hữu thông chính Lý Hanh mang chiếu sắc ấn vàng sang phong vua làm An Nam Quốc Vương (ấn nặng 100 lạng, núm hình con lạc đà, làm bằng vàng). Khi bọn Úc về nước, vua ban cho lễ vật rất hậu, nhưng bọn Úc từ chối không nhận.
Ngày 17, lấy Quản lĩnh quân Hùng tiệp là Thái Sĩ Minh làm chánh sứ; đồng tri Thẩm hình viện sự Hà Phủ và Hữu hình viện đại phu Nguyễn Nhật Thăng làm phó sứ sang tạ ơn nhà Minh.
Làm lễ tấu cáo Thái miếu, vì nhà Minh sang phong.
[35b] Hạ lệnh cho các Hành khi Ban cho quan võ đội mũ cao son. Trước đây, quan võ đội mũ chiết xung, đến nay cho đội mũ cao sơn cũng như quan văn.
ển năm đạo làm sổ hộ tịch.
Thi viết chữ làm tính, lấy đỗ 690 người, bổ làm thuộc lại các pha môn trong ngoài.
Phép thi: Kỳ thứ nhất, thi viết ám tả cổ văn. Kỳ thứ hai, thi viết chữ chân, chữ thảo. Kỳ thứ ba, thi phép làm tính. Người dân và sinh đồ đều được vào thi, giám sinh và những người đã ở sổ quân thì không được thi.
Bấy giờ quan tể tướng đều là đại thần khai quốc, không thích Nho thuật, chuyên lấy việc sổ sách, giấy tờ và kiệnn tụng để xét thành tích của các quan, bọn lại thuộc phần nhiều chiều hót quan trên, cho nên quan trong ngoài có chức nào khuyết thì tiến cử để bổ dùng. Bọn hãnh tiến chán ghét học thuật, theo nghề đao bút1645. Giám sinh cũng muốn bỏ việc học hành mà xin vào làm lại, cho nên cấm không cho thi. Lần thi này, những kẻ luồn lọt, thỉnh thác có tới một nửa.
1645 Đao bút: chỉ bọn thư lại chuyên nắm giấy tờ sồ sách.
Hành khiển Nguyễn Trãi dâng bản vẽ khánh đá và tâu rằng:
"Kể ra, đời loạn dùng [36a] võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc.
Thần vâng chiếu soạn nhạc, không dám không dốc hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc".
Vua khen ngợi và tiếp nhận. Sai thợ đá huyện Giáp Sơn lấy đá ở núi Kính Chủ để làm.
Tháng 2, vua tới trường đua xem tập võ nghệ.
Lấy Tả hình viện đại phu Đinh Lan làm An phủ phó sứ lộ Bắc Giang thượng. Đổi Đoàn Quốc Sĩ làm An phủ phó sứ lộ An Bang, lấy bọn nội thị Nguyễn Đình Trạc ba người làm Chuyển vận phó sứ, Vũ đội [36b] khách đội trưởng Lưu Bá Cung làm Tứ sương chỉ huy sứ.
Trước kia, Bá Cung làm thông sự cho Thành Sơn hầu Vương Thông. Năm Đinh Mùi (1427), Thái Tổ đóng bản doanh ở Bồ Đề, Vương Thông thường sai Bá Cung đi lại thông tin tức. Thái Tổ bảo Bá Cung rằng:
"Nếu Vương Thông quả rút quân về nước, ta sẽ phong ngươi tước hầu".
Khi đất nước bình yên, được cất nhắc làm đội trưởng.
Đến đây, các đại thần đều nhắc tới việc đó, cho nên có lệnh này.
Ngày Ất Hợi, làm lễ tấu cáo Thái miếu. Truy dâng tôn hiệu cho các Tiên đế, Tiên hậu:
Hiển Tổ Chiêu Đức Hoàng Đế là Hiển Tổ Chiêu Đức Chí Nhân Hoàng Đế1646 Hiển Từ Gia Thục Hoàng Thái Hậu là Hiển Từ Gia Thục Khâm Thuận Hoàng Thái Hậu1647, Tuyên Tổ Hiến Văn Hoàng Đế là Tuyên Tổ Hiến Văn Duệ Triết Hoàng Đế1648, Trinh Từ Ý Văn Trang Du Hoàng Thái Hậu1649, Thái Tổ Thống [37a] Thiên Khải Vận Thánh Đức Thần Công Duệ Văn Anh Vũ Đại Hiếu Hoàng Đế1650, Cung Từ Quốc Thái Mẫu là Cung Từ Quang Mục Hoàng Thái Hậu1651, vì nhà Minh sai sứ sang phong.
1646 Tức Lê Đinh, ông tỗ bốn đời của Thái Tông.
1647 Tức bà Nguyễn Thị Quách, vợ của Lê Đinh.
1648 Tức Lê Khoáng, cha Lê Lợi, ông nội của Thái Tông.
1649 Tức bà Trịnh Thị Thương, vợ của Lê Khoáng.
1650 Tức Lê Lợi.
1651 Tức bà Phạm Thị Trần, mẹ Thái Tông.
Gia phong thần từ các xứ trong nước, sai quan đến tế.
Bọn Đinh Cảnh An cho là triều nghi không nghiêm, hặc tội bọn Điện tiền đô chỉ huy sứ Hà Thê, Phạm Nội, Lê Lung, đều phạt từ tám mươi trượng trở xuống. Từ đấy, triều nghi mới hơi nghiêm.
Khảo xét võ nghệ của các tướng hiệu. Phép khảo xét: bắn cung là một môn, ném tên là một môn, đánh mộc là một môn. Cả ba môn đều được thì cấp lương toàn phần, ai không được môn nào thì bị giảm lương, sau coi đó làm lệ thường.
[37b] Tháng 3, nêu biển biểu dương liệt nữ Lê thị.
Lê thị tên là Liễn, người làng Phúc Lâm, lộ Quốc Oai trung, là vợ của Túc vệ Lương Thiên Tích đời Hồ, có nhan sắc, góa chồng sớm, không có con, thờ phụng nhà chồng, cúng lễ chồng đến khi chết. Thiếu bảo Lê Quốc Hưng đem việc ấy tâu lên, nên được biểu dương.
Hạn hán, hạ lệnh cho các lộ, huyện trong nước làm lễ cầu mưa.
Ngày Ất Tỵ, có nguyệt thực. Thái sử Bùi Thì Hanh mật tâu nên ẩn đi, không hộ cứu.
Đô tri tả hữu ban á hầu Lê Vận chết. Truy tặng Trung thư lệnh Tự hiệu hầu, tên thụy là Huệ Tri. Vận là anh của Cung Từ Hoàng Thái Hậu1652 (trước họ Phạm, được ban quốc tính là họ Lê).
1652 Cung Từ Hoàng Thái Hậu là bà Phạm Thị Trần, sinh ra Lê Thái Tông.
Vua ngự ra hồ Tây xem cá.
Lấy Tuyên úy sứ Lạng Sơn là Lê Lộng làm Tuyên úy đại sứ, Tả hình việnn đại phu Đào Mạnh Cung làm Lang trung viện ấy; Nguyễn Doãn Cung [38a] làm Hữu hình viện lang trung; Tường hình viện đại phu Nguyễn Trường làm Hữu hình viện đại phu; chuyển vận huyện Thủy Đường1653 là Vũ Đình Ngạn làm Ty hình viện đại phu; Chuyển vận huyện Để Giang1654 là Nguyễn Nhật Ty làm Tường hình viện đại phu.
1653 Huyện Thủy Đường: nay là huyện Thủy Nguyên; Hải Phòng.
1654 Huyện Để Giang: nay là huyện Sơn Dương, tỉnh Hà Tuyên.
Mùa hạ, tháng 4, làm lễ cầu mưa ở cung Cảnh Linh.
Vua muốn xem thủ chiếu và thơ văn của họ Hồ1655, Nguyễn Trãi sưu tập được vài chục bài thơ, văn bằng quốc ngữ dâng lên.
1655 Tức Hồ Quý Ly, Hồ Quý Ly có nhiều thơ văn bằng chữ Nôm, nhưng hiện nay chưa tìm lại được.
Ban tiền sắm triều phục, mũ, đai cho các quan văn võ trong ngoài theo thứ bậc khác nhau.
Tháng 5, Hành khiển Nguyễn Trãi tâu rằng:
"Mới rồi, bọn thần cùng với Lương Đăng hiệu định nhã nhạc, nhưng kiến giải của thần không giống với Lương Đăng, thần xin trả lại công việc được sai".
Trước kia Thái Tổ sai Nguyễn Trãi định ra quy chế mũ áo, chưa kịp thi hành. Đến đây, Lương Đăng dâng sớ thư [38b] đại ý nói:
"Về lễ thì có lễ đại triều và lễ thường triều. Tế trời, cáo miếu, ngày thánh tiết1656, ngày chính đám1657, thì làm lễ đại triều, hoàng đế mặc áo cổn, đội mũ miện, lên ngồi ngai báu, trăm quan đều mặc triều phục đội mũ chầu. Còn những ngày mồng một, ngày rằm hằng tháng thì Hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung thiên, ngồi ngai báu, trăm quan đều mặc công phục, đội mũ.
1656 Thánh tiết: ngày sinh của vua.
1657 Chính đám: ngày mồng một tết Âm lịch.