Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 16 - Phần 4

Lễ thường triều thì hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung thiên, ngồi sập vàng, trăm quan mặc thường phục cổ tròn, đội mũ sa đen. Về nhạc thì có nhạc tế Giao, nhạc tế Miếu, nhạc tế Ngũ tự1658, nhạc cứu khi có nhật thực, nguyệt thực, nhạc đại triều, nhạc thường triều, nhạc cửu tấu khi đại yến, nhạc dùng trong cung, không thể dùng nhất loạt được. Về lỗ bộ đại giá, như xe kiệu thì có đại lộ, tượng lộ, mã lộ1659, có cửu long dư, thất long dư1660, có bộ liễn, có phi liễn1661; về nghi trượng thì có kim qua, phủ, việt, chàng, phướn, [39a] tinh kỳ, mao tiết, chương phiến1662, long ngũ phượng. Số ngựa đóng vào xe và số đội ngũ theo hầu cũng đều có quy định cả, thần không thể chép hết được".

1658 Ngũ tự: theo Lễ kinh, thiên Nguyệt lệnh, thì Ngũ tự là năm lễ tế các thần Hộ (cửa), Táo (bếp) Trung lựu (giữa nhà), Môn (cửa lớn), Hành (đường đi).

1659 Đại lộ: xe lớn, tượng lộ: xe trang sức bằng ngà voi; mã lộ: xe ngựa.

1660 Cửu long dư: kiệu chín rồng; thất long dư: kiệu bảy rồng.

1661 Bộ liễn: xe đi thong thả, phi liễn: xe đi nhanh.

1662 Tinh kỳ, mao tiết: là các loại cờ. Chương phiến: loại quạt lớn làm bằng lông chim.

Thư ấy dâng lên, vua sai Lương Đăng định ra các quy chế. Đăng nhân đó dâng lên quy chế về mũ áo và nhạc khí. Đại để, quy chế do Đăng và Trãi định ra phần nhiều không hợp nhau, những chỗ bàn về số lượng, trọng lượng các nhạc khí có nhiều điều trái nhau, mà trình bày cũng khác nhau, cho nên Trãi xin thôi việc đó.

Vua theo lời bàn của Đăng, rồi làm theo. Vua yết Thái miếu bãi trò hát chèo, không tấu nhạc dâm nữa1663.

1663 Nguyên văn là dâm nhạc, đối lập với nhã nhạc, ở đây chỉ các làn điệu dân gian.

Cho Thị ngữ sử Nguyễn Vĩnh Tích được phục chức.

Bấy giờ có viên Đồng quản lĩnh1664 Lê Trung Xích sai lính làm việc riêng và làm nhiều điều sai trái. Nguyễn Vĩnh Tích hặc tội, cho là đáng phải biếm chức. Tri từ tụng Trịnh Khắc Phục cứu gỡ cho Trung Xích. Vĩnh Tích xin xét tội luôn cả Khắc Phục.

1664 Nguyên văn: "Quan đồng quân quan lĩnh…" hẳn là in lầm, ở đây chúng tôi dựa vào bản dịch cũ.

Vua không nghe. Ngày hôm sau, Vĩnh Tích dâng sớ từ chức. Chưa được lệnh, Vĩnh Tích không chịu đến ban nữa. Đinh Cảnh [39b] An và Phùng Vinh tâu vua: "Vĩnh Tích làm gì mà không cho phục chức?".

Vua bèn cho phục chức.

Thượng thư lệnh tham tri chính sự, tri Bắc đạo quân dân bạ tịch sự Đình hầu Nguyễn Lãm 1665 chết, được truy tặng nhập nội thái bảo, tên thụy là Trung Tĩnh. Lãm người đen mà cao, có tài biện bác.

1665 Sửa lại theo bản dịch cũ.

Tháng 6, hạn hán, có sâu hại lúa. Hạ lệnh cho các lộ, trấn làm lễ cầu mưa.

Lấy Nhập nội thiếu úy Tam tri Tây đạo chư vệ quân sự là Lê Thận làm Tham tri Bắc đạo chư vệ quân sự; Nhập nội thiếu úy thượng Nam Sách vệ1666 tổng quản là Lê Lãng làm Tham tri Tây đạo chư vệ quân sự; Thiên Quan vệ đồng tổng quản là Lê Luận làm Nam Sách Thượng vệ đồng tổng quản; Phán đại tông chính tự là Trịnh Khắc Phục làm tri Bắc đạo quân dân bạ tịch; Thanh Hóa lộ đô tổng quản là Lê Lý làm Bắc Giang Hạ lộ đồng tổng quản; [40a] tri Nội mật viện sự là Nguyễn Văn Huyến làm Thuận Hóa lộ tri phủ; Chính sự viện tham nghị là Nguyễn Tông Trừ làm Thanh Hóa đồng tri phủ; Nguyễn Nhữ Soạn làm Chính sự viện tham nghị.

1666 Nên sửa lại là Nam Sách thượng vệ như ở dưới.

Thị ngự sử Đinh Cảnh An tâu vua: "Nhữ Soạn là người tham ô, đã ba lần phạm pháp, nay lại được làm quan tứ phẩm thì lấy gì để khuyên răn kẻ khác".

Vua không nghe.

Ngày Canh Ngọ, kinh sư có mưa, các quan đều chúc mừng, vua sai người đi các lộ xem có mưa không.

Ngày Tân Mùi, xuống chiếu rằng: Mấy năm nay hạn hán sâu bọ xảy ra liên tiếp, tai dịch có luôn, phải bớt hình phạt, giảm thuế khóa, để yên lòng dân.

Lấy Nam Sách Hạ vệ đồng tổng quản Trịnh Khả làm Hành quân tổng quản tri xa kỵ vệ chư quân sự quản lĩnh Thiết đột hậu dực thánh quân thái giám ngự tiền lục quân tri ngự tiền võ sĩ ngự tiền trung quân chư đội; Điện tiền [40b] đô hiệu điểm Lê Ê làm Thiết đột hữu quân đồng tổng quản, Hữu quân đồng tổng quản Lê Hiệu làm Khoái lộ tổng quản; Khoái lộ tổng tri Lê Hổ làm Nam Sách Hạ vệ tổng tri; Đô chỉ huy sứ Hà Thê làm Điện tiền đô kiểm điểm; Chỉ huy sứ Phạm Nội làm Đô chỉ huy; Chỉ huy phó sứ Lê Lung làm Chỉ huy sứ.

Bấy giờ, vua đã lớn tuổi, xét đoán mọi việc đã sáng suốt, mà Lê Sát vẫn tham quyền cố vị nên vua càng ghét Sát, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ vẻ bao dung. Sát không nhận ra điếu đó.

Đến đây, vua cùng những người hầu cận bàn mưuu cho rằng Lê Ê, Lê Hiệu là người thân thích của Sát, mà Trịnh Khả thì truớc có hiềm khích với Sát, bèn cho bọn Ê ra ngoài rồi trao cấm binh cho Khả nắm giữ. Sát xin giữ Hiệu lại nói rằng:

"Nếu Khả được hầu trong cung thì sợ thần nguy mất".

Vua trở vào cung.

Ngày hôm sau, vua sai người báo cho Đinh Cảnh [41a] An:

"Đại tư đồ Sát cho thăng chức mà không nhận, ta muốn lấy Lê Văn An làm Hải Tây đạo đồng đô đốc tổng quản, mà Lê Sát ngăn trở".

Đinh Cảnh An, Nguyễn Vĩnh Tích liền hặc tội rằng:

"Lê Sát quen thói chuyên quyền, tội ấy khó lòng dung thứ".

Tờ tâu dâng lên, vua trao cho Hình quan xét hỏi. Sát bỏ mũ tâu rằng:

"Nay khép cho thần tội chuyên quyền, thế là tội của thần do Tiên đế mà có cả".

Bấy giờ bọn Lê Văn Linh, Lê Ngân đều cứu gỡ cho Sát, nhưng vua không nghe.

Nhập nội tư mã tham dự triều chính Bắc đạo đồng đô đốc tổng quản Đình hầu Lê Văn An chết, được truy tặng Tư không, tên thụy Trung Hiến. Trong đám quan võ, Văn An là người hòa nhã hơn một chút, mỗi khi tiếp các sĩ đại phu đều giữ lễ.

Lấy Hàn lâm viện hiệu khám Nguyễn Khắc Trung làm Tây đạo đại tư mã nha chủ bạ; [41b] Trung thư trước tác Hồ Đức Phùng làm Nội điện biểu tập cục phóc chưởng. Triều trước, chức phó chưởng các cục chỉ đến bát phẩm thôi, nay thăng lên lục phẩm. Người nào đến tước này thì mặc áo lục.

Ngày Bính Tuất, sét đánh lầu cửa Đông kinh thành, có người chết.

Bãi chức tước của Đại tư đồ Lê Sát. Xuống chiếu rằng:

"Lê Sát chuyên quyền nắm giữ việc nước, ghen ghét bậc hiền tài, giết Nhân Chú để hòng ra oai, truất Trịnh Khả bắt người ta phục, bãi chức tước của Ư Đài khiến đình thần không còn ai dám nói, đuổi Cầm Hổ ra biên giới cho gián quan đều bịt miệng im hơi. Xét mọi việc làm của hắn đều không phải là phép tắc của kẻ làm tôi. Nay muốn khép nó vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng vì là viên cố mệnh đại thần, có công với xã tắc, nên đặc cách khoan tha, nhưng phải bãi chức tước".

Cho Bùi Ư Đài được phục chức Đồng tri môn hạ tả ty sự, tước Trí tự, thành tri Tây [42a] đạo quân dân bạ tịch như cũ. Đưa Tây đạo tham tri quân dân bạ tịch Đặng Đắc ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn, ít lâu sau bắt hạ ngục

Lấy Phạm Bôi làm Đông đạo hành quân tổng quản: Lê Lý làm Nhập nội thiếu úy tham tri Tây đạo chư vệ quân sự. Tước bỏ chữ "Công thần" và chức tước của bọn Lê Văn Linh, giáng xuống làm Bộc xạ. Lấy Lê Thận làm Tư mã tri Bắc đạo chư vệ quân sự; Tham tri chính sự Lê Định làm Tư mã; Tham tri Nam đạo chư vệ quân sự Lê Lãng làm Tham tri Bắc đạo chư vệ quân sự; Lê Lan làm Bắc Giang Hạ vệ đồng tổng quản. Lấy Thiên ngưu vệ hành quân tổng quản quản lĩnh tả dực thánh quân kiêm Nghệ An lộ đại tổng quản Lê Chuyết làm Bảo chính công thần hành quân tổng quản tri Kim ngô vệ chư quân sự quản lĩnh [42b] hữu dực thánh quân. Đưa Lê Ê ra làm Đồng tổng quản lộ Quy Hóa. Lấy Nhập nội tư khấu Bắc

đạo hành quân đô tổng quản Lê Ngân làm Nhập nội đại đô đốc Quy Hóa trấn phiêu kỵ thượng tướng quân đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ty thượng trụ quốc, Quốc huyện thượng hầu.

Mùa thu, tháng 7, thăng thiếu úy tham tri Hải Tây đạo chư vệ quân sự Lê Khuyển làm Tham tri chính sự, gia bổng thánh tráng sĩ vệ tổng quản thiếu úy tham tri chính sự.

Lấy Chiêu nghi Lê Nhật Lệ, con gái Đại đô đốc Lê Ngân, làm Huệ phi, phế Nguyên phi Ngọc Dao, con gái Lê Sát, làm thứ nhân. Xuống chiếu rằng:

"Lê Sát tội không thể dung thứ, đáng phải chém để rao, nhưng trẫm tha không cho giết. Duy Đặng Đắc là kẻ bày mưu cho Sát, định hại xã tắc thì phải chém bêu đầu. Nguyễn Gia Nô vì biết chuyện lại không tố cáo thì phải đày ra châu xa. Còn [43a] bọn Lê Văn Linh, Lê Lĩnh, Lê Thụ, Lê Ê, Lê Hiệu, đều phải xử phạt theo pháp luật, có ân xá cũng không được hưởng. Lê Bang vì là con rể của Sát, tự tiện ra vào nhà Sát, cho đày ra châu xa".

Lấy An phủ sứ lộ Lạng Sơn là Bùi Cầm Hổ làm Ngự sử trung thừa, vì Hổ trước đã hặc tội Lê Sát1667.

1667 Bùi Cầm Hổ trước làm quan ngự sử, mâu thuẩn với Lê Sát, bị đổi ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn. Xem sự việc năm Thiệu Bình thứ 1 (1434), tháng 9.

Cho Lê Sát được tự tử ở nhà.

Tờ chiếu viết: "Lê Sát nay lại ngầm nuôi bọn võ sĩ, liều chết, mưu hại bậc trung thần lương tướng, mưu kế giảo quyệt, dấu tích gian phi mỗi ngày một lộ rõ, đáng phải chém đem rao".

Lê Ngân và Bùi Cầm Hổ cùng tâu rằng:

"Tội Sát đáng chết, nhưng Sát từng là đại thần, nếu đem xác đi rao để làm nhục thì sợ rằng để tiếng chê cười cho đời sau".

Bèn cho được chết ở nhà. Vợ con và điền sản nhà Sát đều bị tịch thu. Đem đồ đạc của cải nhà Sát ban cho các quan.

Lấy Tuyên phủ đại sứ Thái Nguyên hạ bạn là Lê Lôi làm Xa kỵ đồng tổng quản kiêm đô tổng quản phủ lộ [43b] Thanh Hóa (Lôi người làng Cổ Ninh, huyện Nông Cống); Tuyên úy đại sứ trấn Tuyên Quang là Trần Lựu làm Kim ngô vệ đồng tổng quản kiêm đô tổng quản lộ Thuận Hóa; Nguyễn Cảnh Thọ làm Môn hạ hữu ty thị lang tham tri Hải Tây đạo bạ tịch như cũ; Nội mật viện phó sứ Nguyễn Thúc Huệ làm Đồng tri thượng thư tả ty sự tham tri Hải Tây đạo bạ tịch. Lấy Nhập nội thị sảnh đô áp nha tham dự triều chính Lê Khiêm làm thượng thư lệnh tri Hải Tây đạo quân dân bạ tịch; Tổng tri Bắc Giang trung lộ Lê Chích làm Tuyên úy đại sứ Thái Nguyên hạ bạn.

Bãi chức Chuyển vận phó sứ Đa Cẩm của Phan Thiên Tước, bắt sung quân của bản lộ, vì Tước là bè đảng của Sát.

Lấy Đồng tri Thẩm hình viện sự Bùi Nhữ Lĩnh làm An phủ sứ lộ Quốc Oai Hạ; Chuyển vận sứ lộ Bắc Giang Hạ [44a] Nguyễn Tòng Kiệm làm An phủ lộ sứ trấn Lạng Sơn. Lấy Phụng tuyên sứ Phạm Sát làm nhập nội thị sảnh đô ty; Tri tả hữu ban sự Đào Công Soạn làm Môn hạ tả ty thị lang tham tri Bắc đạo bạ tịch.

Bấy giờ phương tây nam có tiếng kêu như sét đánh, mưa to gió lớn ập tới.

Tháng 8, lấy Thái giám tham tri chính sự Trịnh Khả làm Thiếu úy. Lấy nhập nội thiếu úy tổng quản tiền dực thánh quân Lê Thụ làm Tham tri chính sự.

Thuyền buôn nước Xiêm La sang cống.

Bấy giờ, Ai Lao đem quân sang tranh châu Mã Giang1668 và châu Mộc, Xa Tham đánh lại, chém được tù trưởng của chúng là bọn Man Nữu hơn hai mươi thủ cấp, bắt sống hơn hai mươi người giải về kinh sư. Ai Lao sai sứ sang xin lại. Vua tha cho về.

1668 Vùng huyện sông Mã, tỉnh Sơn La ngày nay.

Chủng đội Nguyễn Văn [44b] Lôi tâu xin cho đi lấy ngọc trai ở Đông Hải để dùng vào các việc của nhà nước, nhưng vua không nghe.

Lấy các Tham tri chính sự Lê Thận, Đỗ Đại, Nguyễn Xí, Lê Thụ làm tri từ tụng sự.

Thiếu bảo tri từ tụng Bùi Quốc Hưng và Phán đại tông chính tự tri từ tụng Trịnh Khắc Phục đều bị biếm một tư. Lang trung Phan Công Ích và Đại phu Nguyễn Trường đều bị bãi chức, đuổi về làm dân.

Bấy giờ, vua sai các đại thần duyệt xét các quan xử kiện xem ai làm tròn chức trách… Nguyễn Tường vì tuổi già lại rất nhiều bệnh tật. Đào Mạnh Cung, Nguyễn Doãn Cung vì đã nhận quan tước của người Minh, thời Thái Tổ lại làm quan xử kiện thời gian dài, nay bọn Khắc Phục, Quốc Hưng xin cho đổi sang chức khác. Vua giận vì bọn Quốc Hưng, Khắc Phục tiến cử người không đúng, lại che giấu tội tham ô cho chúng, xin cho chúng đổi sang chức khác, nên cho biếm chức bọn Khắc Phục và bãi chức của Công Ích và Nguyễn Tường.

Sai các quân ngự tiền theo mẫu sẳn mà vẽ mặt thuẫn [45a] và nón da.

Hàn lâm viện đãi chế Vũ Văn Phỉ thông dâm với mẹ vợ là Nguyễn thị, chuyện bị phát giác, phải xử tội chém. Phỉ xin được chuộc tội, cuối cùng bị đày ra châu xa.

Ra chỉ dụ cho các đãi thần, thái giám và hình quan rằng:

"Những người xử án, phải căn cứ vào các điều chính trong luật mà xét xử, còn căn cứ vào điều nào để xử một tội nào thì phải tham khảo luật hình rồi trình cho đại thần thái giám, đài quan và năm đạo cùng nhau xem xét, nếu các quan ấy đều cho là phải thì sau mới quyết định. Đó là vì việc kiện tụng có thể có oan khuất, cho nên phải xét lại cho rõ ràng, không được như bọn Lê Sát trước đây, chỉ xét xử theo lối thiên vị hối lộ.

Cho Tả bộc xạ Lê Văn Linh làm Tri từ tụng sự.

Lấy Ngự tiền cường nỗ hỏa đồng tri quân Lê Đổ làm Chính sự viện đồng tham nghị. Trung thừa Bùi Cầm Hổ tâu rằng:

"Chức Tham nghị quan hệ đến việc phụ chính, không phải là bậc [45b] lão thành thì không được. Nay Lê Đổ là người nhiều lầm lỗi mà thăng lên chức ấy thì làm sao cho được?".

Vua không nghe.

Trung thừa Bùi Cầm Hổ tâu rằng:

"Bệ hạ lên ngôi tới nay, hay thay đổi phép cũ của Thái Tổ, như Lỗ bộ ty đồng giám Lương Đăng, Tiên đế cho là người hơi hiểu biết, dùng làm Nội nhân phó chưởng, sau thấy hắn khúm núm, không thể gần gũi được, cho ra làm văn đội. Nay lại thấy hắn làm quan1669 xin bệ hạ nghĩ lại".

1669 CMCB17, 11a ghi Lương Đăng được thăng Đô giám trung thừa.

Tháng 9, người thợ Cao Liệt dâng hai chiếc mũ cỏ và lấy dân xin vào làm ở cục đó. Thị ngự sử Nguyễn Vĩnh Tích can rằng:

"Thời xưa, người làm vua không hề quý nghề đua lạ khoe khéo. Cho nên vua Thuấn đóng đồ sơn mà có đến mười bảy người can ngăn. Nay có người dâng mũ thì xin bệ hạ hãy nghĩ tới thời Tiên đế phải dãi gió dầm mưa, chưa bao giờ có thứ đó?".

Khi bãi chầu [46a] vua đưa mũ cho đại thần và đài quan xem và hỏi họ:

"Cái mũ này có gì là lạ mà quan phải can?".

Vĩnh Tích trả lời:

"Thần muốn vua hơn cả Nghiêu Thuấn, cho nên can trước cái điều chưa manh nha đó thôi!".

Vua lại muốn lấy mười hai người vào cục quan tác1670. Bùi Cầm Hổ dâng sớ can ngăn. Vua giận, cho là Cầm Hổ trước đã hặc tội bọn Quốc Hưng, nay lại giúp cho bọn ấy, trước sau nói không thống nhất, nêm biếm hai tư.

1670 Quan tác: có nghĩa là "làm mũ", cục quan tác có lẽ là cục thợ thủ công chuyên làm các loại mũ dùng cho các quan thời đó.

Giáng chức bọn Quản lĩnh Lê Bồ, Lê Lao, Lê Lỗi, cho trở về các chức Trấn phủ, Tuần sát như trước, vì họ là những người được Lê Sát tiến cử.

Lỗ bộ ty đồng giám kiêm tri điển nhạc sự Lương Đăng dâng nhạc mới phỏng theo quy chế của nhà Minh mà làm.

Trước Đăng và Nguyễn Trãi đã vâng mệnh soạn định nhã nhạc. Trong đó, nhạc ở trên1671 có 8 loại thanh âm như: trống keo lớn, khánh chùm, chuông chùm1672, đặt các loại đàn cầm, đàn sắt, sênh, quản, thược, chúc ngữ, huân trì1673. Nhạc ở dưới điện [46b] thì có phương hưởng treo, khống hầu1674.

1671 Nguyên văn: "Đường thượng". Bản cũ dịch là "trên đường"; ở đây là "triều đường", là điện của nhà vua khi ra coi chầu, đối lập với "đường thượng" là "đường hạ" tức là dưới điện, ngoài điện.

1672 Nguyên văn: "biên khánh, biên chung", tức là bộ khánh, bộ chuông gồm mười sáu chiếc khánh từ nhỏ đến lớn và mười sáu chiếc chuông tử nhỏ đến lớn cùng treo một giá ở trên.

1673 Sênh, quản thược: đều là các loại sáo. Chúc: làm bằng gỗ, hình vuông, cao 1 thước 3 tấc, giữa lồi lên như cái trống đánh. Ngữ: làm bằng gỗ, hình con hổ nằm lưng có hai mươi bảy răng cưa bằng đông, lấy gỗ cọ vào thành tiếng. Huân: làm bằng đất nung hình như quả trứng, có lỗ để thổi. Trì: làm bằng trúc, có lỗ để thổi.

1674 Phương hưởng: gồm mười sáu thỏi gang dài, từ nhỏ đến lớn cùng mắc nghiêng vào một giá, có hai tầng, lấy dùi nhỏ bằng đồng để đánh. Không hầu: là thứ nhạc khí như các đàn sắt nhưng nhỏ hơn. Quản dịch: là các loại sáo.

Mùa đông, tháng 10, đày bọn Lê Thảo ra châu xa.

Bấy giờ bọn Lê Thảo, Lê Khản, Lê Khắc Hài đều là võ sĩ, là bọn thân tín của Lê Sát. Đến khi Sát bị tội, có người nói bọn chúng là thích khách của Sát, tra khảo thế nào chúng cũng không nhận. Hình quan cho là bọn Thảo nghe Lê Sát định giết Đại đô đốc Lê Ngân, tội đáng chém. Có chỉ đặc ân tha cho tội chết, bắt đày ra châu xa, tịch thu vợ con, điền sản.

Đạo Mộ ở châu Ngọc Ma bắt em hắn là bọn Đạo Muộn và hơn năm mươi thủ hạ giải về kinh sư.

Muộn là em khác mẹ của Mộ, đều là con của Cầm Quý. Khi quan quân đánh Ngọc Ma, thì Mộ quy thuận triều đình, còn Muộn thì theo cha sang Ai Lao. Sau khi Quý bị giết, Mộ gọi Muộn về. Đến khi về, lại âm mưu giết Mộ, cho nên Mộ bắt đem nộp.

[47a] Ngày Canh Ngọ, năm kiểu xe lộ1675 làm xong. Cho Lỗ bộ ty đồng giám Lương Đăng làm đô giám.

1675 Nguyên văn: "Ngũ lộ", là năm loại xe lớn là: Ngọc lộ (xe nạm ngọc), Kim lộ (xe trang sức bằng vàng), Tượng lộ (xe trang sức bằng ngà voi), Cách lộ (xe bọc da), Mộc lộ (xe đóng gỗ). Số lượng xe và quy cách xe của vua và hoàng hậu, cung phi đều có quy chế sẳn. Các xe ấy đều gọi chung là "lộ".

Nội mật viện sứ Lê Cảnh Xước nhận hai mươi lạng bạc hối lộ, chuyện bị phác giác, theo luật thì đáng tội chết. Vua thấy Cảnh Xước hầu kinh diên lâu ngày, xuống lệnh riêng cho bãi chức về làm dân.

Tháng 11, cho Lê Cảnh Xước làm Hàn lâm viện thị giảng, ngự tiền, học sinh cục phó; Chu Tam Tỉnh làm Tả hình viện đại phu: Trần Phong làm Hữu hình viện đại hu; Nguyễn Nhật Thăng làm An phủ sứ lộ An Bang.

Lấy Chuyển vận huyện Thạch Thất là Trần Hiển làm Thị ngự sử.

Bấy giờ, Hiển tâu là huyện ấy có một nhánh sông cũ, thuyền bè có thể qua lại được mà Tổng quản Lê Hiển tâu xin lấp đi làm đất của mình, do đấy thuyền bè qua lại bị cản trở nhiều. Trung thừa Bùi Cầm Hổ tâu rằng Hiển không né sợ quyền thế, có thể làm chức phong hiến, [47b] cho nên Hiển được phong chức đó.

Ban bố các nghi thức mới định lại trong các dịp lễ thánh tiết, chính đáng, sóc vọng, thường triều, đại yến.

Trước kia, vua sai Lương Đăng định các nghi thức đại triều, đến đây hoàn thành dâng lên. Vua bái yết Thái miếu, các quan mặc triều phục làm lễ theo nghi thức mới bắt đầu từ đây.

Bọn Hành khiển Nguyễn Trãi, Tham tri bạ tịch Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Tham nghị Nguyễn Liễu dâng sớ tâu rằng:

"Muốn chế tác lễ nhạc, phải đợi có người rồi hãy làm, được như Chu Công thì sau mới kkhông có lời chê trách. Nay sai kẽ hoạn quan Lương Đăng chuyên định ra lễ nhạc, chẳng nhục cho nước lắm sao! Vả lại, quy chế lễ nhạc của y là dối vua lừa dưới, không dựa vào đâu cả, như đánh trống là bao giờ ra chầu triều sớm, nay vua ra chầu triều sớm, nay vua ra chầu rồi mới đánh. Theo quy chế xưa, khi vua ra, thì bên tả đánh chuông hoàng chung, rồi[48a] năm chuông bên hữu ứng theo, lúc vua vào đánh chuông chưng tân rồi năm chuông cũng ứng theo. Nay vua ra chầu, đánh 108 tiếng chuông, đó là số lần đếm tràng hạt của nhà sư. Nếu theo quy chế của nhà Minh, thì khi vua ngồi ở cửa Phụng Thiên phải có ngai báu, nay chỉ có một điện Hội Anh, lại chỉ có sập vàng, nếu di chuyển thì sợ không yên, đặt cả hai thứ cũng không được, thế là lễ nghi gì? Làm xe thì đằng trước có diềm, đằng sau mở cửa. Nay lại mở cửa đằng trước, quy chế xưa làm như thế hay sao? Khi vua ra thì có hô thét, khi vào thì có thu dẹp, đó là quy định của nghi lễ. Nay quan coi cửa xướng tâu mọi việc xong, các quan lui ra, vua con ngồi mà người thu dẹp đã la thét dọn dẹp là làm sao? Vả lại, Đăng là đứa hoạn quan, thần trộm lấy làm ngờ lắm".

Đăng tâu: "Thần không có học thức, không biết quy chế cổ, các nghi thức nay đã làm, [48b] chỉ trông cả vào hiểu biết của thần mà thôi, còn ban hành hay không là quyền của bệ hạ, thần đâu dám chuyên quyền".

Nguyễn Liễu tâu rằng: "Từ xưa đến nay chưa bao giờ có cảnh hoạn quan chuyên phá hoại thiên hạ như thế này".

Đinh Thắng từ trong bước ra, mắng rằng:

"Hoạn quan làm gì mà phá hoại thiên hạ? Nếu phá hoại thiên hạ thì chém đầu ngươi trước".

Cuối cùng phải giao Liễu cho hình quan xét hỏi. Án xử xong, tội đáng chém, nhưng được lệnh riêng, cho thích chử vào mặt, đày ra châu xa.

Ngày Bính Ngọ, vua ra coi chầu! Khi ra khi vào có vút roi dẹp đường. Vút roi dẹp đường bắt đầu từ đó.

Ngày Mậu Thân là lễ tế Kế Thiên thánh tiết.

Hôm ấy, buổi sáng vua bái yết Thái miếu, làm lễ 4 lạy. Khi về cung, Lỗ bộ ty1676 bày nghi trượng ở Đan Trì. Vua mang triều phục, áo cổn, mũ miện, ngự ở điện Hội Anh. Đại đô đốc Lê Ngân dẫn các quan mặc triều phục, làm lễ dâng biểu chúc mừng. Vua mặc áo cổn, mũ miện, các quan mặc triều phục [49a] bắt đầu từ đây.

1676 Lễ bộ: nghĩa là nghi trượng của thiên tử. Lỗ bộ ty là cơ quan của triều đình chuyên trông coi các nghi trượng của nhà vua.

Ban đại yến cho các quan, việc treo hoa dâng cỗ đều theo nghi lễ mới.

Nước Xiêm La sai sứ là bọn Trai Cương Lạt sang cống. Vua đưa cho sắc thư bảo mang về và trừ cho phần thuế buôn giãm xuống bằng nửa phần trăm năm trước, cứ hai mươi phần thu một phần, rồi thưởng cho rất hậu. Ngoài ra, về phần chúa nước ấy, cho hai mươi tấm lụa màu, ba mươi bộ bát sứ, phần của bà phi nước ấy là năm tấm lụa màu, ba bộ bát sứ, mỗi bộ ba mươi lăm chiếc.

Có người cáo giác Đại đô đốc Lê Ngân thờ Phật Quan Âm trong nhà để cầu mong cho con gái mình là Huệ phi được vua yêu. Vua ngự ra ở cửa Đông thành, sai Thái giám Đỗ Khuyển dẫn năm mươi võ sĩ lục

soát nhà Ngân, bắt được tượng Phật và các thứ vàng bạc, tơ lụa. Ngày hôm sau, Ngân vào chầu, bỏ mũ ra để tạ tội. Vua sai bắt nô tì nhà Ngân để tra hỏi.

[49b] Tháng 12, ngày mồng 1, lấy Nhập nội tư mã hành quân tổng quản Lê Khôi làm Nhập nội tư mã tham tri chính sự tri Tây đạo chư vệ quân sự.

Lê Ngân trút mũ tâu rằng:

"Trước kia thần theo khởi nghĩa ở Lam Kinh, nay thần cũng nhiều bệnh, thầy bói bảo là trong chỗ nhà thần ở, trước đây có miếu thờ Phật, vì để ô uế, nên xảy ra tai họa. Cho nên thần làm lại để thờ cúng. Nhưng vì người vợ lẽ đã bị bỏ của thần là Nguyễn thị và người vợ lẽ của Lê Sát là Trần thị đã ban cho thần, cả hai đứa đều thù oán thần, cùng với đứa gia nô điêu ngoa của thần thêu dệt bày đặt cho ra chuyện đó. Tiên đế biết rõ lòng thần, thường vẫn ưu ái bao dung. Nay gân sức của thần đã mỏi mệt lắm rồi, xin cho được về quê để sống hết tuổi tàn còn lại. Nếu nghe những người xung quanh mà tra tấn người nhà của thần, khi bị đánh đau quá, nhất định chúng sẽ khai khác đi, thì thân thần sợ không giữ được, xin bệ hạ nghĩ lại cho".

Phát [50a] lương ở quân doanh Gia Hưng để trấn quan Gia Hưng cho dân vay ăn.

Trước kia, khi Thái Tổ đi đánh châu Phục Lễ, sai vận chuyển lương thực đến cất giữ ở quân doanh Gia Hưng. Đến đây, Tuyên úy đại sứ trấn Gia Hưng Lê Dao tâu là cả kho chứa và lương thực đều bị mục hỏng, xin đưa chuyển về Đông Kinh. Trung thừa Bùi Cầm Hổ tâu:

"Chứa lương ở nơi biên giới thực là phép hay, chuyển về Đông Kinh sợ cũng không tiện".

Vua nghe theo, nên có lệnh này.

Ra lệnh cho người Minh phải mặc quần áo người Kinh1677 và cắt tóc ngắn.

1677 Người Kinh: ở đây chỉ người Việt, tức là bắt người Minh phải theo phong tục nước Đại Việt.

Đốc suất dân chúng năm đạo đào các kênh.

Giáng Huệ phi Nhật Lệ, con gái Lê Ngân làm Tư dung. Mụ đồng Nguyễn thị bị đày ra châu xa. Thầy phù thủy Trần Văn Phương bị đồ làm lính ở phường nuôi voi.

Lấy Chính sự viện đồng tham nghị Nguyễn Khâm làm An phủ sứ Diễn Châu, Trấn phủ sứ châu Phục Lễ là Lê Ngạn làm Tri châu Quỳ Châu, [50b] Lê Khôi làm Trấn phủ sứ lộ Nghệ An.

Truy tôn Cung Từ Quang Mục hoàng hậu là Hoàng thái hậu1678.

1678 Tức là bà Phạm Thị Trần, mẹ sinh ra vua Thái Tông.

Ra lệnh cho các quan Đô tổng quản năm đạo sửa sang thuyền chiến, thuyền tuần tiễu và cờ xí cho nghiêm chỉnh, đầy đủ để tháng giêng năm sau diễn tập thủy trận.

Mậu Ngọ, (Thiệu Bình) năm thứ 5 (1438), (Minh Chính Thống năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, sai dân chúng bốn đạo đào kênh ở Trường Yên, Thanh Hóa, Nghệ An.

Mùa hạ, tháng 5, sai văn thần đốc thúc quân dân đào các kênh ở lộ Thanh Hóa.

Giáng quận vương Tư Tề xuống làm thứ nhân.

Ngày 27, vì có nhiều tai dị, xuống chiếu rằng:

"Mấy năm nay, hạn hán, sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện. Khoảng tháng 4, tháng 5 năm nay, nhiều lần sét đánh vào vườn cây trước cửa Thái miếu ở Lam Kinh. Cứ nghiệm xét việc xảy ra tai họa, nhất định là có duyên do trong đó. [51a] Có phải do rẫm không lo sửa đức để mọi việc bê trể hay là do quan tể phụ bất tài xếp đặt khôngđiều hòa? Hay là dùng người không đúng, để người tốt kẻ xấu lẫn lộn? Hay là hối lộ công khai mà việc hình ngục có nhiều oan trái? Hay là làm nhiều công trình thổ mộc để sức dân mỏi mệt? Hay là thuế khóa nặng nề mà dân túng thiếu? Trẫm tự trách tội mình, đại xá cho thiên hạ. Tất cả các đại thần, các quan văn võ các ngươi nên chỉ ra những lầm lỗi kể trên, cứ thẳng thắn nói hết, đừng kiêng nể gì. Nếu có điều gì tiếp thu được, nhất định sẽ khen thưởng cất nhắc, dẫu có ngu dần vu khoát, cũng không bắt tội. Ngõ hầu có thể lay chuyển lòng trời, chấm dứt được tai biến, để nước nhà mãi mãi hưởng phúc lớn vô cùng vậy".

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3