Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 4 - Phần 4

Việc cha cố đạo thâu tóm cả quyền hành chính hai huyện Kim Sơn và Yên Mô đặt ra vấn đề xem xét mối quan hệ của nhà nước đối với các bộ máy hành chính ở vùng ngoại vi như thế nào. Là cầu nối cần thiết về quân sự và hành chính của bộ máy chính quyền thuộc địa trong thời kỳ chinh phục và bình định ở vùng ngoại vi xứ Bắc Kỳ, cha Hữu và nói chung cả địa hạt công giáo ở đây đã chứng tỏ là một trở ngại cho việc thiết lập một nền cai trị hợp thức và đặc biệt về phương diện thu thuế. Vậy mà tình hình này không phải chỉ mang màu sắc địa phương, do tình thế đòi hỏi. Việc thuyên chuyển hành chính ở các vùng dân cư đa số là dân có đạo đòi hỏi phải tế nhị, khôn khéo nhưng phải có sự vô tư, nhiều khi không được các quan quan tâm đúng mực khi xử lý các vụ tranh chấp giữa lương và giáo. Có khá nhiều nguồn tư liệu liên quan đến tình hình này.Năm 1899 công sứ Pháp ở Ninh Bình đã đề nghị hoán vị mặc nhiên giữa tri huyện Yên Hoà và tri huyện Yên Mô, Nguyễn Quang Phổ do sự cai trị kém hiệu quả ở huyện này.

[361] ANV-RST 16937, hồ sơ hành trạng của Trần Luận.

[362] ANV-RST 34675, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Văn Dĩnh.

[363] ANV-RST 31371, hồ sơ hành trạng của Ngô Tuyển.

Viên công sứ khẳng định:

Tri huyện Nguyễn Quang Phổ tỏ ra không chăm chỉ mẫn cán trong công việc để dân khiếu kiện nhiều. Tôi nghĩ ông là người công giáo nên ông bênh vực giáo dân khá đông trong huyện[364].

[364] ANV-RST 34799, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Quang Phổ.

Tương tự, Nguyễn Hữu Ty, tri huyện Lang Tài đã bị công sứ Bắc Ninh nghiêm khắc lưu ý: công sứ Pháp cho rằng vì Ty là người theo đạo lại trọng nhậm ở huyện đa số dân cư cũng theo đạo như ông, lại có nhiều cố đạo Tây Ban Nha truyền giáo ở đây nên khiến ông không đánh mạnh tay đối với dân trong huyện. Còn đối với Nguyễn Trọng Nhị, tri huyện Tiên Lãng cũng là người theo đạo thì dân theo phật giáo thường phàn nàn vì quan huyện bảo vệ dân công giáo. Cuối cùng Lưu Thế Văn luôn luôn nổi lên giữa công giáo và Phật giáo, đòi hỏi quan huyện phải xử lý công bằng vô tư không bao che bên nào[365].

[365] ANV-RST 15758, hồ sơ hành trạng của Lưu Thế Vân.

Ngược lại, tính khách quan của vài quan huyện đã được các nhà cầm quyền Pháp khen ngợi. Như Trần Văn Tạo, tri huyện Kim Động, năm 1892 được đề nghị thăng chức đặc cách vì cư xử đúng mực với việc xử lý các vụ va chạm xích mích giữa công giáo và phật giáo ở Hưng Yên. Tương tự như vậy, Trần Ý năm 1896 được bổ tri huyện Bình Lục vì ông khéo xử và cương quyết để cai quản một huyện phức tạp như Bình Lục luôn luôn chia rẽ vì vấn đề tôn giáo. Còn Ngô Đặng Đấu tri huyện Kim Sơn thì năm 1922 được công sứ Nam Định đánh giá cao vì ông đã quyết đoán một cách khâm phục trong khi xử lý các vụ tranh chấp giữa tín đồ công giáo và đệ tử phật giáo trong huyện[366].

[366] ANV-RST 31541, hồ sơ hành trạng của Trần Văn Tạo. ANV-RST31561, hồ sơ hành trạng của Trần Ý.

Nhưng sự khéo léo của các ông quan huyện chẳng đem lại lợi ích bao nhiêu nếu như uy quyền của ông ta bị chính các cố đạo trong huyện coi thường. Trong các huyện có đông người đi đạo như Nam Xang, Thanh Liêm, Bình Lục (tỉnh Hà Nam) hay Hải Hậu (tỉnh Nam Định) sự can thiệp của cố đạo không phải chỉ trong các vụ việc liên quan đến tôn giáo và mở rộng toàn bộ các công việc hành chính. Sự xích mích giữa Reydallet, công sứ Hà Nam và cha đạo Bocquel, giáo sĩ thừa sai ở Ân Mông trong hai năm 1908 - 1909 tiếp theo sự can thiệp liên tiếp của cha xứ vào các công việc hành chính ở Nam Xang, Thanh Liêm và Bình Lục đã nói lên những khó khăn trong quan hệ giữa quan chức hành chính và các giáo sĩ. Vả lại những lời chỉ trích của giáo hội công giáo đã được tín đồ trong giáo xứ tiếp tục đối với chính quyền. Họ được các cha đạo hay giáo sĩ thừa sai ủng hộ nên họ thường chống đối lại các quyết định của các quan trọng nhậm trong huyện Kim Sơn, Yên Mô hay Nam Xang[367]. Đây là lý do giải thích những thuyên chuyển thường xuyên các quan trọng nhậm ở vùng này.

Nam Xang (…) là địa hạt giàu, đông dân và khó cai trị nhất vì số dân công giáo ở đây rất đông. Các quan tri huyện Bình Lục (Ngô Vi Lâm) và Nam Xang (Đoàn Danh Châu) ở đây đã có quan hệ không mấy tốt đẹp với các cha đạo nên họ xin được đổi đi nơi khác…[368]

[367] ANV-RST 31454, hồ sơ hành trạng của Phạm Văn Triệu. ANV-RST 31324, hồ sơ hành trạng của Lê Trinh. ANV-RST 18370, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Thế Đông.

[368] Công hàm (tháng 12/1896) của tổng thư ký toàn quyền Đông Dương trong ANV-RST 54194, hồ sơ hành trạng của Ngô Vi Lâm.

Những khó khăn nảy sinh hay thứ quyền lực đặt bên nhau: chính quyền và tôn giáo, được lặp đi lặp lại nhiều lần. Hãy lấy trường hợp xã Kiên Trung làm thí dụ để hiểu thêm các nơi khác có tình hình tương tự.

Ngày 12/3/1913, một cậu bé tên là Kinh mới bảy tuổi ở xóm Trung Thành, huyện Hải Hậu không may bị trâu húc khiến cậu bị thương. Chánh tổng Kiên Trung báo cáo sự việc lên huyện. Ngày 27/7 đứa trẻ chết. Cha đạo trong làng là Trần Trọng Cẩn, có tên thánh là Johannes Marmort làm lễ rửa tội xong đã cho gia đình đưa đi chôn mà không kịp trình lên huyện. Có hai giả thiết được đưa ra để giải thích về cái chết của cậu bé: hoặc do bệnh kiết lỵ, hoặc do vết thương do con trâu gây ra. Nếu chết vì bệnh thì cha đạo cũng chẳng có trách nhiệm pháp lý gì nhưng nếu do vết thương quá nặng thì đáng lẽ phải trình ngay lên quan huyện. Như vậy là có lỗi về mặt tư pháp. Có lẽ thấy vết thương quá nặng nhưng một mình cha Cẩn không thể lấy lý do gì để bào chữa rằng đứa bé chết do bệnh. Khi quan huyện nghe cha Cẩn trình báo sự việc, quan yêu cầu cha Cẩn viết lời khai thành văn bản. Cha đạo không dám làm. Nhưng sau đó quan huyện cùng với quan tổng đốc mở rộng cuộc điều tra thì thấy ảnh hưởng của cha Cẩn với con chiên rất lớn khiến cho số đông được quan hỏi đều đứng về phía cha xứ khẳng định rằng đứa trẻ chết vì bệnh chứ không phải vì vết thương quá nặng do con trâu gây ra. Lý trưởng làng Kiên Trung cũng bị truy cứu liên đới trách nhiệm. Nhưng ông ta không sao lấy được lời khai của dân làng vì tất cả dân trong xóm Trung Thành đều đi đạo và đứng về phía cha xứ trong vụ việc này. Lý trưởng nói, việc gì dân cũng tìm đến cha xứ để giải quyết cho nên ông ta thấy khó mà làm tròn nhiệm vụ. Ông ta khai với quan tổng đốc rằng trước sự việc xảy ra nghiêm trọng như thế, ông ta đã nghĩ đến việc phải trình lên quan huyện. Nhưng cha Cẩn lại nói việc đó không cần thiết vì đứa bé chết vì bệnh. Quan huyện chỉ được nghe báo cáo gián tiếp nghĩa là do chánh tổng trình lên. Vì vậy quan huyện không thể tiến hành kiểm tra tư pháp để tìm ra nguyên nhân thật sự gây ra cái chết của đứa trẻ vì thi thể nạn nhân đã chôn rồi. Vì vậy quan huyện chỉ có thể báo cáo lên tỉnh là không được báo cáo kịp thời mà cha cố đã đi quá giới hạn của mình cho phép gia đình đem đi chôn. Viên công sứ Pháp ở Nam Định còn nhận xét thêm: cần phải lưu ý rằng mọi đầu đuôi sự việc diễn ra giữa những người công giáo với nhau mà người công giáo thì nghĩ rằng mình đứng trên pháp luật và mọi quy định vì họ chỉ thừa nhận quyền lực của các quan cai trị khi nào bị bắt buộc phải làm như thế. Do đó, viên công sứ Nam Định đã đòi phải đuổi cha Cẩn không cho phép giảng đạo ở địa phương nữa.

Nguồn: ANV-RND 1662. Hồ sơ lưu trữ làng Kiên Trung, tổng Kiến Trung, huyện Hải Hậu (1914-1928).

Bắt chước cha Lục, Vi Văn Lý cũng biết dùng quyền lực của mình ở Lạng Sơn và Cao Bằng để làm giàu. Năm 1884, Lý đã bị loại khỏi chính quyền do xung khắc giữa công chức và quân nhân Pháp. Năm 1894, ông lại trở lại quan trường với chức tuần phủ. Nhưng việc không có mặt trong giới quan trường chỉ là bề ngoài. Người kế nhiệm của ông ta không có phương tiện hoạt động nên nhất nhất phải tìm đến ông. Thực quyền bao giờ cũng ở trong tay Vi Văn Lý. Trước năm 1888 ông có toàn quyền tổ chức nền hành chính theo ý ông và tạo nên một lớp bộ hạ đông đảo làm vây cánh cho ông, bằng chứng là có một danh sách năm mươi hai người được bổ nhiệm tạm thời vào các phẩm hàm danh dự và chức vụ ở địa phương, hàng xã và hàng tổng, các bang trưởng[369], lại mục, thư lại, tổng đoàn (chỉ huy các đồn lính dõng ở địa phương). Các bằng sắc này do chính Vi Văn Lý cấp, có thêm dấu và chữ ký của chỉ huy quân khu biên giới (lúc đó gọi là đạo quan binh). Nhưng Vi Văn Lý phớt lờ quyền lực của kinh lược sứ Hoàng Cao Khải mặc dù lúc này kinh lược Bắc Kỳ khẳng định đặc quyền đó. Tuy nhiên năm 1894, toàn bộ tay chân bộ hạ của Vi Văn Lý đều đã được nhận bằng sắc công nhận thực thụ các chức vụ do kinh lược và thống sứ Bắc Kỳ cấp phát. Vi Văn Lý đã lợi dụng thời gian cáo quan để triển khai một chiến lược thật sự nhằm thâu đoạt lại quyền lực[370]. Ông ta đi tìm sự can thiệp của viên tổng trú sứ Pháp, nhờ cả những người bảo trợ và bạn bè người Việt, chẳng hạn như cha Sáu, chắc đã quen biết ông từ trước 1862, trong thời gian cha Sáu bị đi đày ở Lạng Sơn và cả người Pháp như các sĩ quan Servière và Spitzer, cũng như viên chủ tịch tiểu ban cắm mốc biên giới Trung-Việt.

[369] Dưới triều Nguyễn, Hoa kiều có thể thành lập ở các tỉnh nơi có đông người Hoa các tổ chức riêng biệt, gọi là bang bao gồm những người nói cùng một thứ tiếng địa phương ở Trung Hoa, nhưng nếu không đủ đề lập bang riêng thì nhà cầm quyền Việt Nam hợp tất cả Hoa kiều trong tỉnh thành một bang. Bang trưởng do toàn thể thành viên trong bang bầu ra và được quan lại người Việt phê chuẩn. Bang đại diện quyền lợi cho người Hoa trước chính quyền người Việt và giải quyết các xích mích nội bộ Hoa kiều, đảm bảo việc thu thuế. Hàng năm cứ đến tháng 10 họ đến khai với chính quyền số lượng thành viên và coi đó là cơ sở để tính thuế.

[370] ANV-RST 31621, hồ sơ hành trạng của Vi Văn Lý.

Việc hình thành các trung tâm quyền lực nói trên đặt ra một vấn đề đáng suy nghĩ đó là lòng trung thành với nhà vua (trung quân). Phải chăng đó là chủ chốt trong quan hệ giữa quan và nhà vua? Trước hết chúng ta hãy xem xét việc các triều đại nối tiếp nhau cuối thế kỷ XIX. Sau khi Tự Đức băng hà đã có bốn triều vua kế tiếp nhau: Kiến Phúc (1883-1884), Hàm Nghi (1885), Đồng Khánh (1886-1888) và Thành Thái (1889-1907). Trung thành với Triều đình, các hoàng đế do chính quyền thuộc địa đưa lên phỏng có ý nghĩa gì? Thay cho trung thành với vua, có cả một chuỗi quan hệ trung thành với các trung tâm quyền lực chung quanh một vị quan to có cả hệ thống cố kết theo ngành dọc từ trên xuống được cuộc chinh phục thuộc địa tạo thuận lợi để phát triển.

Sự phát triển mối quan hệ vây cánh

Trong thời kỳ biến loạn của cuộc “bình định” trong khi các cơ cấu hành chính hãy còn lỏng lẻo thì các chức vụ trung gian là một phương tiện hữu hiệu để đạt mục đích. Đó là các thông ngôn cho các quan đầu tỉnh các ký lục biết ít nhiều tiếng Pháp làm việc tại các toà sứ, họ nắm vững các cơ chế vận hành của bộ máy cai trị hãy còn mờ nhạt. Họ có một vai trò chủ chốt ở điểm giao cắt giữa bộ máy hành chính Việt Nam và chính quyền Pháp. Điển hình là chiến lược công danh của Nguyễn Lại. Ông quê ở Quảng Bình bắt đầu học tiếng Pháp qua cha Hoàng, thông ngôn của vua Tự Đức. Năm 1875 lúc đó bắt đầu tổ chức các nha thương chính (hải quan) Pháp-Việt, Nguyễn Lại được Triều đình phái ra Hà Nội làm ở sở thương chính, mười năm sau kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Hữu Độ đã lấy ông về làm thông ngôn tại nha kinh lược và đưa lên làm quan ngũ phẩm. Như vậy là lên bốn bậc một lúc “mà không phải qua một công trạng đặc biệt nào đó”[371]. Năm 1889 Nguyễn Lại được bổ tri phủ Thuận Thành.

[371] ANV-RST 18248, hồ sơ hành trạng của Tống Xuân Ôn.

Một con đường tiến thân khác: các chức quan nhỏ ở nha Kinh lược. Các trường hợp của Nguyễn Lương và Nguyễn Đình Quang chứng minh con đường làm quan tắt này[372]. Nguyễn Đình Quang có lẽ sẽ mãi mãi chỉ là kinh lịch nếu từ tháng 8/1885 ông không được Nguyễn Hữu Độ bảo trợ.

[372] Nguyễn Lương là thương tá tỉnh vụ Thái Bình năm 1896.

Các bang tá hay từ hàn, từ trát (những “thư ký riêng” của các quan “lớn”) đi theo đường thứ ba. Bang tá chỉ là một chức vụ bản lề giữa các quan tham gia “bình định” quân đội và nhà cầm quyền địa phương. Người ta giao cho bang tá những công việc lặt vặt, đa dạng từ việc thu nhận bọn giặc cướp quy hàng, đến việc tuyển mộ dân phu làm việc khuân vác, chuyển vũ khí hay tiếp tế cho quân đội. Còn các từ hàn, từ trát là những người giúp quan thảo văn kiện, các tờ “trát” (lệnh triệu tập), tờ sức (mệnh lệnh) hay công văn thư từ giao dịch… Đây là vị trí then chốt nếu người ta nhớ lại Cao Xuân Dục đã là từ hàn của các quan “lớn” như Nguyễn Văn Trường rồi Trần Đình Túc. Có phải là trường hợp cá biệt chăng? Chắc chắn là không! Bởi vì gần 80% thủ hạ - những người được che chở - của Hoàng Cao Khải trong các đạo quân “đánh dẹp” ở các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh và Hưng Yên đó là những từ hàn từ trát trong nha kinh lược. Các cuộc bình định, quan kinh lược đều cho lên một bậc hay một chức quan nào đấy trong bộ máy cai trị.

Việc tiến cử, không phải chỉ phát huy tác dụng ở giai đoạn đầu khi mới bước vào quan trường mà còn ở giai đoạn sau. Khi kéo dài hay “làm lại” nếu bị cách tuột mọi chức vụ, một ông quan bị giáng chức hay bị đình chỉ chức vụ vì phạm lỗi trong khi thừa hành nhiệm vụ có thể được phục hồi chức vụ sau thời gian “hiệu lực” (lập công chuộc tội). Thể chế này không phải là mới nhưng những quan cấp cao thường lạm dụng để đưa thủ hạ của họ trở lại ngạch quan trường và sẽ làm dần dần mất đi giá trị của “hiệu lực” vào cuối thế kỷ XIX. Thể chế này có dạng như thế nào? Quan phạm lỗi sẽ phải làm việc dưới quyền một quan lớn hơn với danh nghĩa sai phái, hậu phái hay hiệu phái làm đủ mọi việc do quan trên yêu cầu để “thử thách” và “để lập công chuộc tội” như phụ trách các việc dân sự, giám sát công việc tu bổ đê điều, hoặc quân sự trong một đội quân đi “đánh dẹp” giặc giã. Kết thúc nhiều vụ đó có thể được quan trên che chở xin cho trở lại quan trường. Ví như trường hợp của Tô Vĩ, quê quán làng Nhân Mục huyện Trấn Yên. Năm 1892 bị cách chức vì những lạm công quỹ phải đi làm quân dịch trong đội quân của Lê Hoan, tuần phủ Hưng Hóa, đi “đánh dẹp” giặc giã trong các tỉnh Hải Hưng, Hưng Yên và Bắc Ninh để có thể lập công chuộc tội. Trong các cuộc hành quân đó, được phép của Lê Hoan, Tô Vĩ chỉ huy hai mươi dân binh do chính ông nuôi cho ăn và trang bị vũ khí. Lê Hoan đánh giá cao thành tích của ông và mong muốn giữ ông làm hậu bổ để làm công việc giám sát và thông tin[373]. Trường hợp Tống Xuân Ơn cũng khá rõ. Năm 1884 được bổ tri huyện Gia Lâm do tổng đốc Bắc Ninh Vũ Quang Nhạ là người bảo trợ tiến cử. Hai năm sau, Tống Xuân Ơn đổi đi tri phủ Thuận Thành. Năm 1891, quan kinh lược giáng chức ông hai trật và đình chỉ chức vụ vì tham nhũng. Nhưng bộ Hình cho hình phạt như thế là quá nhẹ nên hạ lệnh cách chức ông và tước mọi phẩm hàm, kèm theo đánh bảy mươi roi. Tống Xuân Ơn về làm hậu phái cho quan bảo trợ mình là Vũ Quang Nhạ, lúc này là tổng đốc Hải Dương. Ông này được quan kinh lược phục hồi chức chánh bát phẩm vì chuộc tội bằng việc hoàn thành tốt việc tu bổ đê điều[374].

[373] ANV-RST 18160, hồ sơ hành trạng của Tô Vĩ.

[374] ANV-RST 18248, hồ sơ hành trạng của Tống Xuân Ôn.

Các chiến lược làm quan thường được xây dựng trên nhiều tiến cử của các quan “lớn” có danh tiếng. Đây là biện pháp có công hiệu nhất trong các cuộc thăng quan tiến chức. Con đường làm quan của Vương Hữu Bình, Hoàng Đức Phu hay Nguyễn Quang Phổ là những thí dụ điển hình.

Nguyên là thầy dạy kinh bổn (giáo sĩ cơ đốc) không có bằng cấp gì, năm 1891 được đề bạt chánh bát phẩm vì đã tham gia hành quân cùng với Hoàng Cao Khải, Hoàng Đức Phu được bổ thự tri huyện Thần Khê năm 1890 do các chiến tích trong các cuộc hành quân nhờ vào ảnh hưởng của các vị thừa sai. Công sứ Pháp Thái Nguyên đánh giá trình độ học vấn của Phu rất kém cỏi nên bị lại viên giật dây khiến ông không tài nào chỉ huy và kiểm soát họ được. Một năm sau ông bị cách chức vì bất lực không bảo vệ được huyện của mình chống giặc, nhưng sau đó ông lại được bổ tri huyện Thụy Anh nhờ có sự can thiệp của Đức giám mục Ofiat. Nhưng mạng lưới của quan này không chỉ giới hạn trong giới công giáo. Ví như Piglowski, cựu công chức của tòa sứ Thái Bình, biên tập viên tờ báo Indépendance Tonkinoise (Nền độc lập của Bắc Kỳ), năm 1895 đã tiến cử ông đi làm tri huyện Yên Mô vì ông ta cho rằng bổ nhiệm một quan đi đạo sẽ được dân theo đạo nhìn bằng con mắt thiện cảm.

Còn Nguyễn Quang Phổ, ông được ba người tiến cử: cha Sáu, kinh lược Hoàng Cao Khải và công sứ Ninh Bình Pierre De Goy. Năm 1888, Phổ đã tham gia hành quân cùng với cha Sáu lúc đó được phong là Tiễu phủ sứ rồi đến tháng 8/1889 ông đã tham gia đạo quân bình định của Hoàng Cao Khải. Sau đó De Goy nói thẳng ra rằng năm 1890 ông đã đưa Phổ vào quan trường là do được giáo xứ Phát Diệm tiến cử. Sau khi sử dụng ông trong tòa sứ Thái Bình như nhân viên phụ ngạch, ông cũng đã tiến cử Phổ làm tri phủ Lâm Thao trong tỉnh Hưng Hóa rồi về làm tri huyện Yên Mô. Vì vậy năm 1896, khi Phổ làm đơn xin thuyên chuyển với Chéon, trưởng phòng hai thuộc phủ thống sứ Bắc Kỳ, ông không quên kèm vào đơn một lá thư riêng của Pierre De Goy để giới thiệu với lời lẽ nhiệt tình với Chéon[375]. Việc có nhiều người tiến cử đã giúp Nguyễn Quang Phổ và Hoàng Đức Phu vượt qua được nhược điểm là bất tài trong công việc.

[375] ANV-RST 34799, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Quang Phổ.

Chiến lược làm quan cũng còn được xây dựng trên quan hệ dòng họ. Là những nhân tố chủ yếu, các dòng họ muốn đưa vào bộ máy nhà nước nhiều người trong dòng họ mình bằng quan hệ thông gia với các quan đại thần. Việc đặt quan hệ thông gia với các gia đình có thế lực hơn như cho con trai lấy con gái hay chị, em gái một vị đại thần có ảnh hưởng lớn đã củng cố thế lực của quan cấp dưới. Thật là có lợi lớn nếu thông gia được với Dương Lâm, tham tá của quan kinh lược hay Trần Lưu Huệ quyền kinh lược, Lê Hoan hay Hoàng Cao Khải vì đó là những nhân vật chủ chốt trong bộ máy quan lại ở Bắc Kỳ. Chính các vị này cũng muốn gả con trai hay con gái cho các cậu ấm cô chiêu con quan. Tương tự như vậy con trai Hoàng Cao Khải là Hoàng Trọng Phu đã được đề bạt giữ những chức vụ cao. Tuy nhiên cũng không nên khẳng định con đường làm quan của họ hàng các vị quan tai to mặt lớn đó là hoàn toàn do quan hệ hôn nhân quyết định. Đối với người đỗ tú tài, cử nhân đã được bổ làm quan, những chiến lược đó có phải do tình thế đòi hỏi không? Nghiên cứu tìm tòi các nguồn gia phả cho phép đi đến kết luận không phải hoàn toàn như thế. Thí dụ như dòng họ Nguyễn Văn Nhã, quê làng Nhân Mục, một trong nhóm các quan được chúng tôi coi là đối tượng nghiên cứu, giữ chức thương tá tỉnh vụ Hà Nội năm 1896.

Nghiên cứu dòng họ Nguyễn Hữu cũng cho ta biết nhiều điều lý thú[376]. So sánh với các dòng họ có uy tín hơn như Nguyễn Bá, Lê Lưu thì thấy ngay là dòng họ Nguyễn Hữu ở Nhân Mục không có gì nổi bật. Trong họ có ít nhà khoa bảng văn hay võ. Dưới triều Nguyễn không có ai còn dưới triều Hậu Lê chỉ một sinh đồ, 1 hương cống ở thế hệ thứ 6, hai biền sinh hợp thức, một sở cử và một tạo sĩ (đỗ ở kỳ thi võ gọi là bác cử).

[376] Phân tích dựa vào Chính kinh Nguyễn tộc thế phả thống biên, bản đầy đủ nhất của chi họ Nguyễn Hữu ở Nhân Mục.

Tuy nhiên đa số các thành viên dòng họ này thuộc về lớp trung gian về văn cũng như về võ mà người ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng. Ở trung tâm quyền lực họ có vị trí then chốt mặc dù không có vị trí nào quan trọng về chính trị. Như ở thế hệ thứ bảy và thứ tám có ba người làm quan câu kê (trông coi về kế toán) trong Lại phiên, Hình phiên và Công phiên. Ngoài ra còn có bốn người của thế hệ thứ tám đã tổng chỉ huy các trung đoàn cấm quân bảo vệ phủ Chúa. Như Nguyễn Hữu Thiêm (1702-1771) một nhân vật điển hình về sự gần gũi với trung tâm quyền lực. Có tài thư pháp, ông được phái đến phủ chúa Trịnh Giang, Trinh Doanh và Trịnh Sâm để dạy chúa viết chữ đẹp. Sau khi thi đỗ các kỳ thư toán ông được bổ vào chức câu kê của Hình phiên. Được chúa Trịnh đặc biệt đánh giá cao, ông như đã leo lên tột đỉnh danh vọng đạt đến tước Kỷ Phương tử. Thành đạt của ông còn được thể hiện trong cảnh quan Nhân Mục. Là chủ của một lò gạch, ông tài trợ cho nhiều công trình xây dựng có lợi ích công cộng như bảy cầu, cống, một đình và hai ngôi chùa.

Đầu tư vào việc đào tạo quan chức thuộc tầng lớp trung gian trong bộ máy cai trị vào cuối triều Hậu Lê đã tăng cường thêm uy thế trong giới quan lại của dòng họ này. Như ở thế hệ thứ chín và thứ mười các con do cha làm quan có nhiều công tích nên được vào học trong các trường nổi tiếng dành cho lớp quan lại trung gian: Chiêu văn quán, Tú lâm cục. Nguyễn Hữu Thực (1769-1818), Nguyễn Hữu Độ[377]. Nguyễn Đức Mậu và Nguyễn Quốc Hoan là học sinh Chiêu văn quán; Nguyễn Hữu Tình và Nguyễn Hữu Thụy là học sinh Tú lâm cục. Dưới triều Nguyễn, dòng họ này vẫn phải lụy vào vai trò của mình tuy có kém hơn triều Hậu Lê: làm lại viên ở các nha môn tỉnh hay địa phương như thư lại, thông lại, lại mục. Tuy nhiên họ khá đông: năm người ở thế hệ thứ 9, ba ở thế hệ thứ mười, mười hai ở thế hệ thứ mười một, và năm ở thế hệ mười hai. Ngoài ra còn gả con trai con gái cho các quan khác càng củng cố uy thế của chi họ này trong giới quan trường.

[377] Không nhầm với kinh lược cùng tên Nguyễn Hữu Độ.

Một cách truyền thống, việc đặt quan hệ hôn nhân với dòng họ xuất hiện từ thôn Chính Kinh thường hướng một cách không phân biệt với những người ở thôn cùng trong làng Nhân Mục như Quan Nhân, Cự Lộc, Thượng Đình và Hạ Đình. Nhưng đến thế hệ thứ 10, thấy hình thành rõ rệt sự gần gũi dòng họ Nguyễn Hữu với dòng họ Lê Lưu ở Cự Lộc là dòng họ của Lê Hoan. Ví như Lê Thị Thịnh là cô ruột Lê Hoan là vợ của Nguyễn Đức Tư, con trai của Nguyễn Hữu Canh và cha của Nguyễn Văn Nhã. Lê Thị Huyện là vợ của Nguyễn Hữu Thường, con trai của Nguyễn Hữu Quý. Lê Thị Mỹ, vợ của Nguyễn Hữu Khải, con út của Nguyễn Hữu Quý. Việc gần gũi này nói lên ý nguyện của thành viên dòng họ Nguyễn Nhã là gắn với số phận chính trị của Lê Hoan. Bắt đầu từ 1895 Lê Hoan là bạn đồng liêu với Hoàng Cao Khải ở Hưng Yên đã tạo thuận lợi cho ba thành viên của dòng họ Nguyễn Nhã là em họ của Lê Hoan bằng cách đưa họ vào hàng ngũ thủ hạ của chính mình hay của tuần phủ Hưng Yên[378].

[378] ANV-RST 18160, hồ sơ hành trạng của Tô Vĩ.

Trong những năm đầy biến loạn của cuộc chinh phục nếu nhà cầm quyền thuộc địa thấy cần phải dựa trên những mạng lưới gia đình hay thủ hạ thì việc duy trì các mạng này vấp phải những đòi hỏi chính trị của giữa những năm 1890. Các mạng lưới đó tỏ ra là những trở ngại cho việc tái lập một nhà nước thật sự. Đây là vấn đề mà nhà cầm quyền thuộc địa sẽ gặp phải tương tự như thời Minh Mạng. Làm sao để nhà nước thắng được các nhóm ngoại vi có tiềm lực cạnh tranh sau này. Hệ quả của chủ nghĩa vây cánh, nhân viên không thích hợp với nhiệm vụ được giao, việc đóng góp vào công việc chinh phục hay bình định của một người con quan hay của một thuộc hạ nhà quan có thể thay thế cho bất tài về cai trị? Việc này đã bị chỉ trích nhiều[379]. Trong một số báo cáo đã thể hiện một tâm trạng lo âu: “Cần phải lập càng nhanh càng tốt danh sách các quan lại có họ hàng với nhau và luôn luôn phải cập nhật danh sách đó”[380]. Nói thế có quá đáng không? Không, nếu người ta chú ý đến quan hệ thông gia giữa gia đình Hoàng Cao Khải và Lê Hoan, Trần Lưu Huệ và Dương Lâm. Chính sách của nhà cầm quyền thuộc địa là từ nay phải đập tan các mối quan hệ thủ hạ và họ hàng trong hàng ngũ quan lại người Việt[381].

[379] Như thí dụ của Phạm Đình Am người mà công sứ Nam Định nhận xét không tốt là thủ hạ của cựu tổng đốc Đào Trọng Kỳ. ANV-RST 16312, hồ sơ hành trạng của Phạm Đình Am.

[380] Nhận xét công tác (1/12/1896) của phòng hai phủ thống sứ Bắc Kỳ trong ANV-RST 54194, hồ sơ hành trạng của Ngô Vi Lâm.

[381] ANV-RST 15172, hồ sơ hành trạng của Đào Trọng Tề.