Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 8 - Phần 3

Làm sao hiểu được thành công của việc phát hành Công trái Đông Dương ở nông thôn nếu không có sự trung gian của các quan tri phủ hay tri huyện? Trong lúc báo chí ít được phổ biến ngoài các thành phố lớn, việc các quan đi giải thích lợi ích và nghĩa vụ mua công trái là chủ yếu như trường hợp của Nguyễn Quang Bật, quyền tri phủ Yên Khánh, một người tích cực tham gia vận động mua Công trái quốc gia lần thứ tư năm 1918, hay Nguyễn Hữu Lộc, quyền tri phủ Xuân Trường, cũng đã tích cực hô hào dân trong phủ hăng hái mua công trái quốc gia các năm từ 1918 đến 1920[725]. Quả thật là lúc đầu dân chúng không mấy hưởng ứng. Dẫn chứng là một bài phóng sự về tỉnh Thái Bình đăng trên báo Khai Hoá năm 1922. Một quan huyện đã nói cho phóng viên các tình huống bất ngờ trong việc vận động mua công trái Đông Dương. Khi ông ta kêu gọi dân chúng tích cực mua công trái để chính phủ có tiền làm đường xe lửa Vinh - Đông Hà, thì các kỳ mục và chánh tổng không giấu được phản ứng nói rằng sáng kiến công trái là rất phi lý. Trong các năm từ 1915 đến 1920, nhà cầm quyền đã 6 lần vay tiền của dân mà lợi ích chẳng thấy đâu. Thêm vào đó là giá phiếu công trái phát hành năm 1922 đưa ra năm mươi đồng là quá cao, ít người dám bỏ tiền mua. Viên tri huyện liền trổ hết tài sư phạm ra để giải thích, thuyết phục dân làng, ra sức chứng minh việc tài trợ cho hạ tầng đường sắt là vì lợi ích của dân xét về mặt kinh tế[726].

[725] ANV-RST 34616, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Quang Bật. ANV-RST 34752, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Hữu Lộc.

[726] Vô danh, “Câu chuyện quan huyện”, Khai hóa nhật báo, 175 (15/2/1922).

Phát hành công trái đâu phải là câu chuyện hoàn toàn mới mẻ. Thời xưa đã có những cuộc lạc quyên. Các triều vua đặc biệt là vua Tự Đức đã kêu gọi sự hào phóng của thần dân để giúp Triều đình ứng phó với các tình huống đặc biệt, và các nhà cầm quyền thuộc địa thời gian đầu cũng chỉ là tiếp nối truyền thống đó. Các thể thức khen thưởng cho các cuộc lạc quyên hay vận động mua công trái hẳn là không giống nhau. Thưởng cho lạc quyên chỉ có giá trị tượng trưng, còn trong vận động công trái là bằng tiền. Tuy nhiên cả hai đều nhằm tài trợ những công trình công ích và tạm trang trải những thiếu hụt trong ngân sách quốc gia.

Công việc chỉ đạo

Vai trò của quan không chỉ giới hạn trong việc làm trọng tài hay giáo dục. Công việc cai trị cũng có thể mang tính cách can thiệp, nói chung là ép buộc, cưỡng bức, như đấu tranh chống buôn lậu muối, thuốc phiện, rượu, là những mặt hàng do nhà nước nắm độc quyền quản lý sản xuất hoặc phân phối. Là người phụ giúp cho các cơ sở do chính quyền thuộc địa lập ra để quản lý các mặt hàng ấy, các quan phải mở các cuộc điều tra tiến hành bắt giữ những kẻ buôn lậu và tịch thu hàng hóa. Đây là thí dụ về việc xảy ra ở phủ Xuân Trường, Trịnh Đóa, người làng Kiên Lao, ngày 18/4/1901 bị kết án hai tháng tù và nộp hai ngàn quan tiền phạt vì tội nấu rượu lậu. Đỗ Các lúc đó là tri phủ kê biên tài sản, niêm phong và báo cho chức dịch trong làng Kiên Lao biết họ phải có trách nhiệm trông nom số tài sản kê biên đó. Để lẩn tránh một phần, người bị án đã cho ngăn đôi nhà của mình và vừa làm xong thì quan trên phủ về đến nơi. Hắn khẳng định là một nửa tài sản thuộc về các em hắn. Nhưng quan tri phủ đã vạch trần thủ đoạn gian dối đó và tịch thu toàn bộ tài sản của kẻ bị án để nộp phạt[727].

[727] ANV-RND 1590.

Tuy nhiên công việc chỉ huy không thu hẹp vào việc trấn áp thuần túy. Trong chương trình học ở trường hậu bổ và trường sĩ hoạn sau này, môn học về vệ sinh có vai trò quan trọng. Các nhà cầm quyền muốn giao cho các quan phủ, huyện tương lai nhiệm vụ chăm lo giữ gìn vệ sinh theo đúng nghĩa của nó, ngăn ngừa dịch bệnh, đấu tranh chống ô nhiễm, kiểm soát các hiệu thuốc trong làng, chống hành vi “mê tín dị đoan” ngăn cản việc giữ gìn vệ sinh.

Sự can thiệp của Lê Văn Thực, tri phủ Xuân Trường, ở làng Kiên Lao, tháng 3 năm 1912 đã cho biết vai trò của quan trong lĩnh vực y tế. Được tin trong làng có 66 người lên cơn sốt rét, quan tri phủ liền phái một y sĩ về làng để phát thuốc và đích thân quan cũng về tận nơi để chỉ dẫn việc tẩy uế nhà ở của bệnh nhân rồi toàn bộ các nhà khác trong làng. Theo lệnh quan, nhà nào nhà nấy phải quét tước lau chùi sạch sẽ và tường phải quét vôi tẩy trùng[728]. Quan nào chểnh mảng trong lĩnh vực vệ sinh đều bị trừng phạt. Như tháng 7 năm 1906, trong huyện Phong Doanh đã xảy ra dịch sốt rét, tri huyện Nguyễn Khắc Hành không kịp báo cáo lên tỉnh. Được tin báo, công sứ liền phái thầy thuốc về điều tra và nhận thấy có rất nhiều người chết. Sau đó công sứ đã đề nghị với tổng đốc khiển trách ghi trong hồ sơ tri huyện Nguyễn Khắc Hành vì đã lơ là để xảy ra nhiều người chết vì bệnh dịch[729]. Cũng vậy ngày 16/5/1910 khi quan binh chỉ huy quân sự ở Việt Trì báo cho công sứ Vĩnh Yên biết có các trường hợp dịch tả được phát hiện dọc sông Lô, trong tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Yên, viên tri huyện Đàm Quang Phượng đã bị đình chỉ công tác. Lý do là các biện pháp vệ sinh (tẩy uế) do công sứ đề ra cho hai huyện Bạch Hạc và Sơn Đồng (nơi đóng lỵ sở của tri huyện Lập Thạch) đã không được thực hiện[730]. Sau cùng là trường hợp của Nguyễn Hữu Thiện, tri huyện Quế Dương (11/1896-4/1898) đã bị cách chức tháng 11/1898 vì chểnh mảng trong việc thực hiện các biện pháp đề ra để đấu tranh chống dịch sốt chấy rận lan truyền trong huyện và đã chậm trễ trong việc thi hành lệnh xóa bỏ chợ mua bán gia súc, điều này được coi như là một hành vi phạm lỗi gây thiệt hại cho nhiều người[731].

[728] ANV-RND 1592.

[729] ANV-RST 55118, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Khắc Hành.

[730] ANV-RST 31104, hồ sơ hành trạng của Đàm Quang Phượng.

[731] ANV-RST 54172, hồ sơ hành trạng của Chu Nguyễn Thiện.

Thông tin, báo cáo

Giải thích, thông tin: những chức năng đó không thể được xem xét đơn phương, nghĩa là từ chính quyền trung ương xuống đến dân chúng. Một chính phủ kém thông tin không thể làm tốt việc áp dụng các chủ trương chính sách của mình. Quan là người đưa thông tin từ làng lên chính phủ đồng thời cũng tham gia giúp chính quyền trung ương nắm tình hình tổng thể của lãnh thổ (tức là toàn bộ xứ Bắc Kỳ): hiểu được các nguồn lợi cũng như các nhu cầu của địa phương. Cũng như ở Việt Nam trước thời kỳ thuộc địa, các quan phủ, huyện phải báo cáo đều đặn hàng tháng lên chính quyền cấp tỉnh về tình hình địa phương trong phạm vi cai trị của mình. Thông tin về các làng được tập hợp trong quá trình điều tra do đích thân quan hay các viên chức thay mặt quan tiến hành. Có hai loại báo cáo: báo cáo tổng hợp và báo cáo chuyên đề.

Loại báo cáo tổng hợp mà sau này các quan chức người Pháp gọi “báo cáo về tình hình thời sự địa phương” gồm ba loại thông tin: giáo dục học đường, tư pháp và kinh tế, tức là giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất dưới dạng giá biểu trên thị trường, tình hình nông nghiệp (thủy lợi, trồng trọt, lâm nghiệp). Tri phủ Đoan Hùng chẳng hạn, phải báo cáo chi tiết về tình hình trồng ngô (diện tích trồng, thu hoạch), về hoạt động lâm nghiệp, trồng cây gây rừng trong tháng 8/1915. Đối với mỗi loại giống cây như cây cọ, cây dọc, cây dó, cau, trầu, chè… phải ghi rõ số lượng cây hay diện tích trồng và sản phẩm thu được. Báo cáo viết: “Trong phủ có 7730 cây dọc, trong đó 100 cây cho 2 tạ ta (đơn vị đo lường của Việt Nam thời đó tức khoảng 120 kg) quả mỗi năm, giá bán 2,5 đồng một tạ ta”[732]. Ngoài các thông tin trên, quan tri phủ đề cập đến vấn đề trật tự công cộng (các vụ trộm cắp, trấn lột) và báo cáo về tỷ lệ học sinh đi học ở trường tổng.

[732] ANV-Tòa sứ Phú Thọ, 161. Rapports mensuels du préfet de Đoan Hùng sur la chronique locale (1915-1918).

Các quan tri huyện cũng có thể gửi cho các quan tỉnh các báo cáo chuyên đề - lâm nghiệp, trồng lúa - là những công cụ hữu hiệu trong công tác quản lý nông nghiệp hay lâm nghiệp nếu người ta đánh giá về sự quan tâm của các quan đối với các vấn đề đó. Báo cáo tháng 1-1906 của tri huyện Hạ Hòa gửi tuần phủ Phú Thọ là một thí dụ sáng tỏ. Sau khi lập bảng tổng kết chung về lâm nghiệp, báo cáo đi vào phân tích chi tiết hơn. Trước tiên ông đưa ra diện tích rừng trong huyện, phân biệt diện tích phủ rừng và diện tích chưa phủ rừng. Sau đó báo cáo nói rõ trong vùng phủ rừng, vùng có gỗ để đốn được rộng bao nhiêu, và khối lượng gỗ có thể khai thác tính bằng mét khối. Báo cáo giúp cho việc xây dựng bản đồ và trong đó ghi rõ tên các nơi có rừng được bảo vệ và giải thích rõ nguồn gốc[733].

[733] Xem hình 41.

Các báo cáo hàng tháng về tình hình trồng lúa cũng chính xác không kém. Bốn loại thông tin được nêu lên: diện tích trồng trọt - con số tổng quát, phân ra từng hạng đất để tính thuế; diện tích đất lưu canh; dự báo mất mùa do thời tiết không thuận hay do nạn chuột hay côn trùng phá hại; giá cả từng loại gạo. Như vậy Phan Hữu Lợi, tri huyện Phú Xuyên, trong báo cáo tháng 9/1911 nhận xét rằng vụ thu hoạch lúa chiêm (tháng 5 âm lịch) nông dân có thể cấy 6120 ha ruộng[734]. Ông còn phân ra các hạng ruộng để tính thuế: 1800 ha ruộng loại một, 3240 ha ruộng loại hai và 1080 ha ruộng loại ba. Cũng vậy, Trần Trác, tri huyện Ứng Hòa (Sơn Lãng)[735] báo cáo chi tiết giá bán mỗi tạ ta (60 kg) thóc và gạo trong huyện là bao nhiêu. Ông còn phân biệt 3 hạng gạo thóc khác theo hạng thuế, nói rõ 1 tạ ta gạo tẻ chiêm hạng ba (thu hoạch vào tháng 5 âm lịch), giá 6,2 đồng[736] trong khi gạo tẻ mùa hạng hai (thu hoạch vào tháng 10 âm lịch) giá 6,6 đồng một tạ ta.

[734] Xem cột 5, 6, 7, hình 42. Trong báo cáo, diện tích tính theo mẫu.

[735] Viên quan này kiêm chức tri huyện Yên Lãng. Vì vậy báo cáo có nói đến tình hình Yên Lãng.

[736] Xem dòng 10, hình 43 (phần 2).

Hình 41 - Trích báo cáo ngày 3/1/1906 của Nguyễn Cao Đàm, tri huyện Hạ Hòa gửi lên tuần phủ Phú Thọ về tình hình lâm nghiệp

Nguồn: ANV-Tòa sứ Phú Thọ, 1176. Rapport des phủ et huyện au sujet des forêts (en caractères chinois) 1906.

Hình 42 - Báo cáo hàng tháng (25/9/1911) của Phạm Hữu Lợi, tri huyện Phú Xuyên về tình hình trồng lúa

Nguồn: ANV-RHD 3425. Rapports mensuels des phủ et huyện sur la situation de la culture du riz et du maïs (juillet-septembre 1911).

Hình 43 - Báo cáo hàng tháng (24/9/1911) của Trần Trác, tri phủ Ứng Hòa (Sơn Lãng) gửi lên tổng đốc Hà Đông về tình hình trồng lúa

I. Cách thức thứ nhất: Nói về việc cấy cầy ruộng lúa

1/ Huyện gì?

Sơn Lãng

2/ Ruộng chiêm cấy cầy được bao nhiêu?

Ruộng chiêm cấy cầy hai vạn chín nghìn hai trăm ba mươi tám mẫu

3/ Ruộng mùa cấy được bao nhiêu?

Ruộng mùa cấy được ba nghìn chín trăm bốn mươi sáu mẫu

4/ Phải mưa nắng sâu bọ tổn hại thế nào?

Kỳ này lúa mùa cấy xong rồi phải đê Hà Nam vỡ nước chàn lên những chỗ thấp điều ngập phải mất cả, còn chỗ cao phải nắng lắm cũng tổn hại

5/ Năm nay biên vào sổ thuế được bao nhiêu?

1- bốn nghìn bốn trăm hai mươi tám mẫu

2- một vạn hai nghìn hai trăm ba mươi tám mẫu

3- một vạn sáu nghìn hai trăm mười lăm mẫu

Tất cả là ba vạn ba nghìn một trăm tám mươi bốn mẫu

6/ Để phòng các ông có nói gì không?

II. Cách thức thứ hai: Nói về việc cầy cấy và giá thóc gạo

1/ Huyện gì?

Sơn Lãng

2/ Cầy cấy có tiện không?

Cấy cầy được mưa tiện lắm

3/ Lúa có tốt không?

Lúa cấy được mưa tốt lắm

4/ Ruộng chiêm mỗi mẫu được mấy tạ?

Mùa này mỗi mẫu phỏng được sáu tạ nam

5/ Giá thóc hạng nhất bao nhiêu?

Hạng nhất thóc tẻ mùa mỗi tạ nam là bốn đồng một hào năm xu

6/ Giá thóc hạng nhì bao nhiêu?

Hạng nhì thóc tẻ mỗi tạ nam là ba đồng chín hào

7/ Giá thóc hạng ba bao nhiêu?

Hạng ba thóc tẻ mỗi tạ nam là ba đồng hai hào

8/ Giá gạo hạng nhất bao nhiêu?

Hạng nhất gạo tẻ mùa mỗi tạ nam là bảy đồng một hào

9/ Giá gạo hạng nhì bao nhiêu?

Hạng nhì gạo tẻ mùa mỗi tạ nam là sáu đồng sáu hào

10/ Giá gạo hạng ba bao nhiêu?

Hạng ba gạo tẻ chiêm mỗi tạ nam là sáu đồng hai hào

Nguồn: ANV-RHD 3425. Rapports mensuels des phủ et huyện sur la situation de la culture du riz et du mais (Báo cáo hàng tháng của các phủ và huyện về tình hình trồng lúa và ngô).

Bộ máy thuộc lại chính thức và không chính thức

Làm trọng tài, khuyến nghị, chỉ huy, thông tin, quan tri huyện là một nhà điều hành thực sự trên thực địa. Vai trò của các lại viên có vì vậy mà xem thường không? Chắc chắn là xưa nay họ vẫn là đối tượng bị khinh miệt hay chê bai, bị công kích nhiều lần liên tiếp. Người đời đánh giá họ là tham lam, hám lợi, xảo quyệt, gây phiền hà, đao bút. Những lời xúc phạm ấy vẫn tồn tại dai dẳng và phát triển suốt từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX[737]. Tuy nhiên không thể không thừa nhận rằng hành động của ông quan không thể đem lại hiệu quả nếu không có sự tiếp xúc của hạ tầng cơ sở quan lại, nghĩa là của các nha lại ở vị trí bản lề giữa quan huyện và chính quyền xã.

[737] TT, bản kỷ thực lục, q.14, kỷ nhà Lê, tờ 10b; TT, bản kỷ tục biên, q.19, kỷ nhà Lê, tờ 24a. TT, kỷ II, q.58, t.9, tr.204. Vô danh, “Lại tệ dân tình sách”, Nam Phong, 24 (1919/6), tr.484-488.

Một quyền lực đáng kể

Đâu là những nhân tố của quyền lực đó? Trước hết là kinh nghiệm của những nhân viên dưới quyền, những thuộc lại các hạng gắn với tuổi tác và tính ổn định cao về vị trí công tác. Khác với cấp trên là quan tri huyện hay tri phủ chỉ trọng nhậm ở địa phương một thời gian, những viên chức bàn giấy thường nhiều tuổi hơn quan tạo nên những nhân tố vững bền của các chức năng hành chính. Họ thông thạo địa bàn, biết rõ phong tục tập quán của nhân dân, đâu là những vấn đề phải giải quyết, nắm vững hồ sơ các vụ việc. Ngoài ra họ còn là những người độc quyền nắm giữ kỹ năng làm việc mà không một ông quan nào bỏ qua.

Vị trí của các thuộc lại cũng còn được củng cố thêm trong trường hợp các quan được bổ về có chức và hàm không cao lắm. Trong thập kỷ đầu của chế độ thuộc địa, nhiều quan chức, đặc biệt là tri phủ hay tri huyện, chưa từng qua trường ốc, không đỗ đạt gì, được cất nhắc chẳng qua là có chút công trạng đi theo người Pháp trong các cuộc hành binh thảo phạt. Thế nhưng nếu loại ngay những quan cai trị tồi như thế thì cũng gây khó khăn cho nhà cầm quyền không lấy đâu ra người để ổn định tình thế, lập lại guồng máy cai trị và cũng không muốn đột ngột bỏ rơi những người đã phụ giúp đắc lực trong cuộc chinh phục. Một nhân tố khác là tình hình hành chính ở các miền thượng du hoàn toàn giống như thời kỳ trước khi lập chế độ thuộc địa, các quan tri châu vốn là người dưới xuôi lên không dễ gì thích nghi ngay với khí hậu, dân tình ở miền ngược. Trong trường hợp này các nha lại thường lợi dụng thái độ bị động, thậm chí luôn luôn vắng mặt của quan trên để tự mình giải quyết công việc. Như Nông Hữu Ân, lại mục châu Bình Gia (Lạng Sơn) từ 1908 đến 1914, được công sứ Pháp xem như “tri châu thực sự”[738]. Cuối cùng là cuộc cải cách hành chính và tư pháp đã củng cố vai trò của các thuộc lại. Nếu như chức năng của nha môn người Việt cấp tỉnh dần dần được giảm đi để giao cho các viên chức Pháp, thì nhân viên ở các huyện - quan huyện và các thuộc lại - vẫn tiếp tục thực hiện phần lớn các nhiệm vụ hành chính. Trong bộ máy đó vai trò các thuộc lại như thế nào?

[738] ANV-RST 54280, hồ sơ hành trạng của Nông Hữu Ân.

Công việc của thuộc lại

Công việc bàn giấy là nền tảng hoạt động của họ. Họ phải giữ sổ sách hoặc phải nắm các vụ việc tư pháp ở cấp tỉnh hay phủ, huyện, đây là nhiệm vụ được quy định khá tỉ mỉ. Việc chậm trễ trong soạn thảo hay chuyển giao các công văn sẽ bị phạt. Như trường hợp của Trần Đức Sán, thư lại trong ty niết (dinh quan án) tỉnh Bắc Ninh năm 1896. Tháng 8/1898 Sán đã bị phạt bảy mươi trượng nhưng có thể chuộc được, phải ghi trong hồ sơ vì đã chậm trễ trong việc gửi lên cấp trên sổ tổng kết cuối năm gọi là tất niên sách. Cũng như Lê Cần, thư lại trong ty phiên (dinh quan bố chính) tỉnh Ninh Bình, tháng 12/1882 bị án phạt năm mươi trượng vì đã chậm gửi lên quan trên sổ quyết toán thu chi gọi là chi tiêu tồn sách. Một năm sau Cần lại bị phạt năm mươi thước (gậy nhỏ to bản) vì đã làm chậm sổ quyết toán hàng tháng và hàng quý[739]. Các quan tỉnh và quan phủ, huyện cũng giao cho các nhân viên thừa hành tiến hành các cuộc điều tra, thẩm định các nguồn tin do các xã trình lên. Công việc này có tầm quan trọng đáng kể như trong trường hợp của Lê Quang Oánh làm thí dụ. Là thư lại trong ty phiên tỉnh Hưng Yên, năm 1897 ông phát hiện trên 10800 ha ruộng ẩn lậu không khai báo nộp thuế điền thổ[740].

[739] ANV-KL 2516, tờ 27, 49.

[740] ANV-RST 55110, hồ sơ hành trạng của Lê Quang Oánh.

Công việc trên thực địa rất đa dạng liên quan đến nhiều mặt trong việc cai trị - thuế khóa, tư pháp, an ninh trật tự, thủy lợi. Ngoài việc chuyển công văn về các làng, giao cho các tay chân lo liệu, thông lại phải tự mình đảm nhiệm các công việc đó. Quan còn giao cho các lại việc kiểm soát đê điều, đường xá, như Đặng Duy Tân, thông lại hàm chánh cửu phẩm, đã được thăng lên chánh bát phẩm tháng 6/1892 và bổ dụng lại mục huyện Thụy Anh vì đã giám sát có hiệu quả công việc tu bổ đê điều ở Hoàng Xá[741]. Trần Công Bách, thông lại huyện Hoài Đức (1908-1909) được phái đi giám sát hộ đê ở Liên Mạc tổng Hạ Trì đang bị uy hiếp nặng vì nước sông Hồng đang lên (8/1909)[742]. Các thông lại và thư lại còn giữ vai trò then chốt trong bộ máy tư pháp. Ngày 28/8/1910 thông lại Trần Công Bách được phái về làng Dương Thông thuộc phủ Kiến Xương tỉnh Thái Bình để khám rượu lậu tại nhà Bùi Công Trần, tịch thu rượu và đồ nghề[743]. Tương tự như vậy, Vũ Khoan, thư lại năm 1921 được quan tuần phủ Phú Thọ giao cho việc xem xét lời khiếu nại của dân thôn An Lãng, tổng Hạ Giáp, kiện quan huyện Phù Ninh là Bùi Kiến Đẩu. Viên quan này, ta nhớ lại, đã bị bốn người dân thôn này tố cáo là đã lấy cắp các gốc sắn của một người trong bọn họ, đã cho đốn gỗ và chặt lá cọ của hai người, đã chặt hạ cây trám của hai người khác và xẻ ra để dùng riêng. Việc chặt hạ cây trám đã bị cấm theo quy định của ngành lâm nghiệp[744]. Vũ Khoan liền được quan tuần phủ phái về tận nơi điều tra thực hư. Có chánh tổng đi kèm, ông đã đo đạc đống gỗ trám được tìm thấy trên các đồi Rốc Giai, Đông Mô và Quân Neo thuộc địa phận làng Thanh Thúy, và lấy mẫu đem về. Ông yêu cầu dân trong thôn cho biết tên chủ nhân đống gỗ trám và tên người đã chặt hạ. Ông cũng tìm thấy trong ấp trại của quan huyện Đẩu, gỗ trám lấy cắp đem về và cả các gốc sắn, những gốc sắn do những người nhà quan huyện đã đào trộm của một người dân thôn An Lãng[745].

[741] ANV-KL 2520, tờ 16.

[742] ANV-RST 14491, hồ sơ hành trạng của Trần Công Bách.

[743] Như trên.

[744] Nghị định (3/3/1919) của toàn quyền Đông Dương cấm chặt hạ cây trám trong các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Yên, Bắc Giang, Hải Phòng và Quảng Yên.

[745] ANV-RST 54310, hồ sơ hành trạng của Bùi Kiến Đẩu.

Các thông lại cũng đến khám nghiệm sơ bộ tại chỗ khi xảy ra vụ giết người hay gây thương tích. Như trường hợp của Nguyễn Văn Phương ở làng Tả Thanh Oai, thưa kiện với tri huyện Thanh Oai về Đỗ Ngân đã cùng một người trong làng tên là Đan chửi bới ông Lập, là chú họ, khi mẹ là Thị Ba và Thị Nãi can thiệp, thì Đan và con trai là Khoan đã xông vào đánh hai mẹ con bị thương. Một thông lại đã được phái về làng để xem xét tại chỗ. Viên thông lại đã ghi tuổi, số vết thương của nạn nhân[746].

[746] ANV-RHD 135. Archives du village de Tả Thanh Oai, canton de Thanh Oai, huyện de Thanh Oai, province de Hà Đông (1902-1909).

Việc phân phối đồ cứu trợ cho các nạn nhân thiên tai cũng thuộc thẩm quyền của các lại. Ta hãy lấy thí dụ việc tổ chức cứu trợ sau vụ nước biển dâng lên trong hai ngày 5 và 6 tháng 10 năm 1909 làm thiệt hại hai tổng Tân Khai và Ninh Nhất thuộc huyện Hải Hậu, và hai tổng Hà Cát và Hoành Nha thuộc huyện Giao Thủy. Thiệt hại ước chừng 14000 đồng, đã ảnh hưởng đến việc trồng lúa (10000 đồng) và làm muối (4000 đồng). Sóng thần đã làm mất mùa thu hoạch lúa mùa và hư hại hạ tầng làm muối: đê ngăn ruộng muối, kho chứa. Theo báo cáo của tri huyện Hải Hậu Hoàng Đạo Tiến, đặc biệt làng Xuân Hà thuộc tổng Tân Khai bị thiệt hại nặng. Vì vậy công sứ Nam Định cho mua 900 kg gạo tại chợ Quần Phương và lệnh cho tri huyện phái thông lại áp tải bằng thuyền ngày 24/10. Ngay ngày hôm sau, gạo đã được phát chẩn cho nạn nhân, mỗi người lớn 5 bát, trẻ em 2 bát[747]. Tất cả đều do thông lại lo cả.

Vào đầu thế kỷ XX, do cải cách hành chính, lĩnh vực can thiệp của các quan tri huyện mở rộng. Quan phải có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên có thể giao một phần việc cho các nhân viên thừa hành. Ngoài ra, công việc giấy tờ soạn thảo văn bản cũng tăng lên, nhất là trong lĩnh vực tư pháp. Chẳng hạn như từ khi áp dụng cải cách hành chính năm 1917, các tờ khai của đương sự khi được thẩm vấn hay điều tra đều phải viết trên giấy riêng, “điều này cũng phát sinh thêm nhiều thứ giấy tờ” theo lời phàn nàn của Phạm Văn Thụ, tổng đốc Nam Định[748]. Kết quả là cuộc cải cách hành chính đã củng cố địa vị của các nhân viên thừa hành.

Việc tăng thêm nhiều nhiệm vụ hành chính đương nhiên đã kéo theo việc tăng thêm tình trạng mất cân đối trong bộ máy làm việc ở các phủ, huyện. Cuộc cải cách đã làm tăng thêm số lại viên làm việc trong các cấp tỉnh, huyện nhất là ở các tỉnh lớn đồng bằng sông Hồng: Hà Nội, Bắc Ninh, Sơn Tây. Ở mỗi tỉnh này, năm 1921 người ta tính có 76 lại cho 26 quan tri phủ, tri huyện, so với năm 1896 chỉ có 62 lại cho 38 quan.

[747] ANV-RND 1734.

[748] ANV-RST 57386.

Việc xem lại vị trí của các quan trong bộ máy hành chính Bắc Kỳ là cần thiết. Sử sách lâu nay đều ngộ nhận rằng các quan lại Bắc Kỳ đã mất dần quyền hạn nên rơi vào tình trạng ăn không ngồi rồi và trở thành những kỹ thuật viên đơn giản. Công việc trọng tài, khuyến khích, động viên cổ vũ dân chúng, chỉ huy và thông tin đã khiến vai trò của các quan phủ, huyện trong thời gian đầu thời kỳ thuộc địa trở nên trọng yếu trong bộ máy cai trị địa phương. Ngoài ra việc thực hiện bốn chức năng đó đã chứng tỏ truyền thống cai trị của quan lại Việt Nam luôn luôn duy trì và tiếp nối có hiệu lực. Cơ sở hạ tầng của chế độ quan liêu, cấp trung gian giữa làng xã và Nhà nước trung ương có vai trò quan trọng mà các cuộc cải cách hành chính và tư pháp triển khai từ đầu thế kỷ XX đã dẫn đến việc thay đổi phương thức cai trị tại các phủ, huyện. Vai trò hòa giải không vì thế mà biến mất, việc cai trị ở cấp phủ, huyện ngày càng mang tính cách can thiệp.