Tâm Lý Học Xã Hội - Chương 03 - Phần 2

Nỗ Lực Thừa

Một cách khác mà chúng ta có "sự biện hộ không thỏa đáng" là thông qua những nỗ lực thừa: Bạn càng cố gắng làm việc gì chăm chỉ rồi phát hiện ra rằng chúng vớ vấn, thì bạn càng cảm thấy bất hòa hơn, và do đó bạn lại càng cố gắng để "sửa chữa" hơn. "Tôi đã làm việc X một cách chăm chỉ; X là một việc chẳng có giá trị gì; tôi không làm những việc vô nghĩa; do đó X không thể là một việc vô giá trị được."

Một thực nghiệm do Yaryan và Festinger tiến hành như sau: Những đối tượng tình nguyện tham gia thực nghiệm "phương pháp học tập" được yêu cầu học một danh sách các định nghĩa về từ để chuẩn bị cho một bài kiểm tra chỉ số thông minh (IQ), nhưng họ cũng được thông báo thêm rằng chỉ một nửa trong số họ thực sự được tham gia bài kiểm tra. Một nhóm những sinh viên được yêu cầu đọc qua danh sách và như vậy là đủ đối với họ để có thể tham gia kiểm tra; một nhóm khác được yêu cầu học thuộc danh sách bởi vì họ sẽ không được phép mang theo danh sách đó khi làm bài kiểm tra. Sau khi họ đã đọc qua hay học thuộc danh sách, họ được yêu cầu dự đoán cơ hội mà họ sẽ là một trong những người được tham dự kiểm tra. Những người chỉ đọc lướt qua đã ước tính rằng - như họ đã được thông báo - cơ hội của họ là 50%. Những người học thuộc lòng - đối mặt với viễn cảnh rằng họ sẽ làm tất cả những thứ này mà chẳng được gì cả - ước tính phóng đại cơ hội của mình, cho dù sự thật họ đã được thông báo trước về số người được tham gia kiểm tra (chỉ 50% trong số họ được tham gia).[9]

[9] TQ hiệu đính: một khi ai đó bỏ công nhiều hơn trong công việc, họ nghĩ rằng việc họ làm là quan trọng.

Trong một thế giới bình thường, chúng ta thấy quan điểm này được sử dụng để làm tăng thêm lòng trung thành: các hội học sinh đại học, các tổ chức quân sự, và các bộ lạc nguyên thủy bắt học sinh năm thứ nhất, học viên năm thứ nhất trường lục quân, hải quân và các cậu bé đến tuổi dậy thì phải trải qua một cuộc thử thách cực khổ. Sau đó, họ nói với bản thân "Tôi đã trải qua sự thử thách cực khổ và chắc chắn là nó đáng giá?" Một ví dụ rất quen thuộc đối với các sinh viên là: Chúng ta đôi khi lại nhớ những thầy cô nghiêm khắc nhất của mình với một thái độ tích cực - cho dù sự nghiêm khắc đó có thực sự có ích đối với công việc học tập của chúng ta hay không.

Điều này cũng có thể có tác dụng đảo ngược: Nếu làm điều gì đó quá dễ dàng, chúng ta có thể đánh giá thấp, làm giảm mục đích. Ví dụ, chúng ta có thể tham gia một khóa học dễ dàng nhận được điểm A từ khóa học đó, sau đó chúng ta cho rằng khóa học đó chẳng có giá trị gì cả - điều này có thể không đúng chút nào hết.

Tăng Cường Sự Bất Hòa

Một điều có thể làm tăng thêm sự bất hòa đó là sự không thể hủy bỏ được. Một khi đã làm xong việc gì đó, bạn không thể "đi ngược lại được", bạn nên vui vẻ với nó, thậm chí cho dù bạn có bóp méo sự thật về việc làm đó. Thậm chí những suy nghĩ tiêu cực có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái.

Knox và Inkster đã yêu cầu mọi người ở trên trường đua ngựa ước tính khả năng thắng cuộc của con ngựa họ yêu thích. Một số người trong bọn họ đang đợi để đặt cược, còn một số người khác thì vừa mới đặt cược rồi. Trước khi đặt cược, cơ hội mà họ đưa ra cho con ngựa mình yêu thích là giống với những người đã đặt cược; sau khi đặt cược, họ còn cảm thấy tự tin hơn.

Bây giờ, tôi phải nói tôi ngờ rằng có một số người, giống tôi, biết rằng họ đã làm sai sau khi đã đưa ra quyết định, mọi người có vẻ gặp rắc rối trong việc sửa chữa sự bất hòa hay thậm chí khi thấy bản thân lôi kéo làm tăng sự không chắc chắn. Ví dụ, bản thân tôi luôn biết tôi đã mua nhầm đôi giày ngay sau khi đế giày có vết xước đầu tiên. Chúng ta sẽ quay lại với những câu chuyện này sau.

Một điều khác làm tăng bất hòa là sự lựa chọn: Lựa chọn từ một số lượng lớn những cách khác nhau dường như đòi hỏi rằng chúng ta phải cảm thấy hạnh phúc hơn với so với sự lựa chọn từ số lượng hạn chế. Nếu tôi chỉ có một vài sự lựa chọn, tôi không thể tự do lựa chọn được; tôi có thể hiểu ít hơn so với toàn bộ sự thỏa mãn bởi vì theo nghĩa đen tôi không có sự lựa chọn. Nếu tôi có nhiều sự lựa chọn, tôi có thể đưa ra một sự lựa chọn tốt hơn. Mua một cái xe hơi ở một cửa hàng có nhiều xe sẽ khiến cho người chủ mới của chiếc xe bảo vệ chiếc xe của mình hơn so với chiếc xe mua ở cửa hàng nhỏ hơn. Một anh chàng chưa vợ "thành công" sẽ có thể nhìn cô dâu của mình như một hình ảnh thu nhỏ của phụ nữ nói chung hơn là một người có quá khứ khiêm tốn.[10]

[10] TQ hiệu đính: điều này có liên quan gì đến những vấn đề như: một người có nhiều bạn trước khi lập gia đình thì có cuộc hôn nhân vui vẻ hơn; quen biết nhau lâu dài hơn, thì sẽ ít có thất vọng sau khi thành vợ chồng.

Có hai phương pháp nhỏ để giữ sự bất hòa ở mức nhỏ nhất. Hai phương pháp này được tóm tắt ngắn gọn là: sự chú ý có lựa chọn và ký ức có lựa chọn. Chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn đến những thông tin ủng hộ sự lựa chọn của chúng ta, hay nhớ những thông tin này một cách rõ ràng hơn. Nói tóm lại, đây là một kỹ năng hữu ích.

Một thử nghiệm tiến hành quan sát những người đã quyết định mua một chiếc xe hơi cụ thể nào đó. Họ được nói rằng họ sẽ phải chờ vài phút để hoàn thành các thủ tục giấy tờ, và trong lúc chờ đợi đó họ có thể ngồi xem các ca-ta-log quảng cáo xe hơi. Điều mà họ không được nói cho biết là họ đang bị quay video, và sau đó người ta xem xét xem họ nhìn ngắm loại xe nào trong thời gian bao lâu. Điều mà các nhà nghiên thấy được là mọi người nhìn vào mẫu quảng cáo chiếc xe mình đã chọn mua lâu nhất, và nhìn ít nhất vào quảng cáo của những chiếc xe cạnh tranh tương tự như vậy. Nói cách khác, họ thực sự muốn khẳng định lại sự lựa chọn của mình và phớt lờ các khả năng tương tự khác.

Các Ngoại Lệ

Tôi đã nói rằng một số người không chỉ không thể sửa chữa những bất hòa mà còn thực sự làm cho mọi việc tồi tệ hơn đối với bản thân. Trong học thuyết của Hans Eysenck, ông nói rằng những người hướng nội hay thu mình vào trong là bởi vì họ không thể phủ nhận hay nói cách khác là không thể phớt lờ những sự kiện gây đau buồn, khó chịu - họ không có những phương sách bảo vệ hữu hiệu giống như những người hướng ngoại. Nếu một người hướng ngoại bị tụt quần trong một bữa tiệc, ngày hôm sau, bạn khơi chuyện đó ra với anh ấy, anh ta có thể nói rằng "Yeah? Bạn không đùa đấy chứ?". Nhưng nếu điều tương tự xảy ra với người hướng nội, anh ta sẽ nhớ chuyện đó, có khi đến hàng thập kỷ sau vẫn nhớ. Bởi thế tôi mới nói rằng những người hướng nội là ngoại lệ đối với hiện tượng sửa chữa sự bất hòa, cho dù bản thân nó không bất hòa.

Eysenck cũng có một kích cỡ thứ hai của tính khí được gọi là loạn thần kinh chức năng[11]. Ông coi nó như một vấn đề của "sự hiếu động thái quá liên quan đến tình cảm," có nghĩa là sự phản ứng quá mức tình cảm. Trên thực tế sự hiểu biết truyền thống về chứng loạn thần kinh chức năng có liên quan đến lo lắng thái quá. Lo lắng là sự dự đoán đau khổ về nỗi đau buồn, nó khá giống với sự bất hòa. Bởi vậy tôi cho rằng sự loạn thần kinh chức năng ở mức độ cao sẽ làm tăng mô hình hướng nội (cũng như hướng ngoại) liên quan đến sự bất hòa và sửa chữa sự bất hòa. Kỳ lạ là, điều này rất phù hợp với những bệnh học tâm lý nhất định và với những giải thích nhất định của học thuyết Freud về những bệnh học tâm lý này. Có thể một trong số các bạn sẽ thực hiện một bài luận văn về nó.

[11] Neoroticism

SỰ BẢO VỆ

Như những nhà nghiên cứu về sự bất hòa nhận thức đã chỉ ra, sự bất hòa đáng kể nhất xuất hiện khi có sự phi lý giữa sự tự nhận thức và hành động thực tế của chúng ta. Điều này đã được rất nhiều nhà trị liệu-học giả chẳng hạn như Karen Horney, Carl Rogers, George Kelly, Albert Bandura, Viktor Raimy, và nhiều người khác xác nhận.

Đôi khi nói dối để ủng hộ cái tôi của chúng ta có thể không phải quá xấu. Nhưng nói dối sinh ra nói dối: "Chúng ta dệt nên một cái mạng rối rắm khi chúng ta nói dối!" Và trước khi bạn biết điều này, sự tự nhận thức và hành động thực tế của bạn cách rất xa nhau khiến bạn đối mặt với nhiều vấn đề.

Như Carl Rogers nói, càng có sự phi lý giữa điều về bản thân bạn và con người thực sự của bạn thì bạn sẽ càng thấy bản thân mình phải đối mặt với những tình huống đe dọa, và đáp trả lại nó sẽ khuyến khích bạn bóp méo sự việc...

Freud có nói rất nhiều về vấn đề này: Cái tôi nghèo nàn ("Tôi") được bao quanh bởi những đòi hỏi thường xuyên xung đột của ba thực thể có sức mạnh: thực tế, xung động bản năng (đại diện cho xu hướng sinh lý), và cái siêu ngã (đại diện cho những đòi hỏi cha mẹ - có nghĩa là xã hội). Ví dụ, một người có thể tức giận đến nỗi anh ta muốn đánh những đứa con của mình. Nhưng điều đó không đúng, anh ta không phải là người cha như thế, và ngoài ra, nếu làm như vậy vợ anh ta sẽ mang con đi và bỏ anh ta...

Khi tất cả những áp lực này trở nên quá lớn, cái tôi cảm thấy tràn ngập, như thế sắp cuốn trôi. Tất cả chúng ta thường cảm thấy chúng ta sắp mất tự chủ, phát điên lên, chết...

Đấy chính là lo lắng, và nó không quá khác biệt với sự bất hòa ở cường độ lớn. Để giải quyết nó, cái tôi lập nên những rào cản chống lại thực tế, xung động bản năng, và cái siêu ngã, hàng rào đó được gọi là các cơ chế bảo vệ, hay gọi là sự bảo vệ cho ngắn.

Freud, con gái của ông là Anna Freud, và những người theo học thuyết Freud đã xây dựng nên hàng chục lý thuyết về sự bảo vệ. Nhưng chúng ta sẽ không xem xét ở đây mà để lại chúng cho các học thuyết về nhân cách xem xét, thay vào đó, chúng ta chỉ tập trung vào hai sự bảo vệ mà Carl Rogers tập trung:

Sự phủ nhận[12] - một thuật ngữ cũng được sử dụng bởi những người theo học thuyết của Freud - là từ chối có mặt trong hiện tượng nhất định, đẩy chúng xuống phía sau và tránh không "giải quyết" chúng. Ví dụ một số sinh viên không bao giờ đi thi. Hay một bà góa xếp chỗ ngồi ở bàn ăn cho ông chồng đã mất của mình và trò chuyện với ông ta.

[12] Denial

Rogers gộp cả cái mà Freud gọi là sự kiềm chế vào trong sự phủ nhận - những ký ức về "sự phủ nhận". Khi còn là một đứa trẻ, bạn gần như đã bị chết đuối, nhưng bây giờ bạn không thể nhớ. (Nhưng bạn thực sự sợ những vùng nước rộng - có nghĩa là bạn không bao giờ có thể phủ nhận thực tế).

Chú ý rằng chúng ta lại đang nói về sự chú ý có lựa chọn và ký ức có lựa chọn.

Chúng ta có thể biểu tượng hóa sự phủ nhận (và sự kìm nén):

Nó rất nguyên thủy, khó khăn nhưng gần với "mặt ngoài" của sự nhận thức.

Sự bóp méo hơi phức tạp, máy móc và khó nhận biết hơn. Nó có thể được biểu tượng hóa như sau:

Chúng ta "lén lút trốn xung quanh" sự đe dọa của hiện tượng - nhận thức hay ký ức - với chút ít sự nói dối, sự nhận thức sai lầm, quan niệm sai lầm...

Điều này cũng được biết đến như sự giải thích duy lý. Khi thi trượt trong một kỳ thi, các sinh viên thường đưa ra nhiều giải thích cho thất bại của họ: giảng viên tồi, những câu hỏi bẫy, cuốn sách kỳ quặc, tối qua có tiệc - hay bất kỳ lý do nào để tránh cho lòng tự trọng (sự ngu dốt, lười biếng, nghiện rượu, v.v.). Hãy nhớ rằng đôi khi những lời bào chữa lại là lý do - đôi lúc chính là do giảng viên tồi! Điều này khiến cho sự bóp méo trở nên dễ dàng hơn và gây nguy hiểm về lâu về dài.

Chú ý rằng đôi khi chúng ta tạo nên lý do, theo cách nhằm đoán trước sự tự hoàn thành ước nguyện. Ví dụ, một sinh viên có thể uống rượu say vào đêm hôm trước khi thi. Khi thi trượt, anh ta có thể nói với bản thân mình rằng, đó là do rượu chứ không phải do sự ngu si của anh ta (đã uống rượu).

Các nhà trị liệu gặp khó khăn khi chữa trị cho những người bóp méo sự thật một cách nghiêm trọng, chẳng hạn như những người đạo đức giả và những người mắc bệnh hoang tưởng. Đôi khi mạng lưới của sự nói dối phức tạp đến mức họ có thể dễ dàng nói dối với cả bác sĩ trị liệu của mình.

Ở mức độ tột cùng, việc bóp méo sự thật trở thành điều mà những người ủng hộ thuyết hiện sinh gọi là tập tục hay "bận công việc". Chúng ta không nhận ra vấn đề bởi vì chúng ta đã quá quen thuộc với tập tục của riêng mình rồi. Chiến tranh? Sự chết đói? Ô nhiễm? Sự bất công? Vô nhân đạo? Đợi một phút..., đây rồi, đó là do bánh xe số phận. Tập tục có thể được minh họa như sau:

Cùng với tập tục, không ai phải lo lắng gây trở ngại với những trải nghiệm hay tạo ra những giải thích duy lý. Các vấn đề vẫn không được nhận thức (bị phớt lờ) bởi vì chúng đã trở thành một phần của nền tảng xã hội. Bất kỳ khi nào chúng ta cảm thấy rằng sự việc phải như chúng vốn có, hay đó là điều tự nhiên, hợp lý, khi chúng ta nói rằng tất nhiên là chúng ta phải có chiến tranh, hay tất nhiên là có những người giàu, người nghèo, hay tất nhiên điều này phải bị cấm và tuyệt nhiên như vậy, thì chúng ta có thể phải đối mặt với sự bảo vệ rộng lớn của xã hội.

SỰ BẤT HÒA VÀ SỬA CHỮA BẤT HÒA XÃ HỘI

Chúng ta đang nói đến việc sửa chữa sự bất hòa, hầu như nó là vấn đề của sự thay đổi tinh tế hay thay đổi lớn của bản thân - niềm tin, thái độ, cảm giác, hay bất kỳ điều gì. Bạn cũng có thể làm giảm sự bất hòa bằng cách thay đổi những điều "ở ngoài kia." Ví dụ, "Tôi là một người sạch sẽ; một người sạch sẽ phải giữ cho nhà sạch sẽ; nhà tôi giống như một cái chuồng lơn." Sự bất hòa có thể được sửa chữa bằng cách dọn nhà cho sạch sẽ.

Nhưng còn vấn đề này thì sao: " Tôi xứng đáng nhận được sự quan tâm từ bạn đời của mình; bạn đời của tôi không quan tâm đến tôi." Giả sử như bạn không thay đổi thái độ của mình, thì cần phải thay đổi người bạn đời của bạn. Chúng ta có thể bỏ người bạn đời đó và thử tìm một người khác (và người khác, và người khác nữa...). Hay chúng ta có thể lôi kéo người bạn đời hiện tại, làm cho họ cảm thấy tội lỗi, quấy rầy họ, đánh họ, hay bất kỳ điều gì có tác dụng. Tôi gọi điều này là Sự Bất Hòa Xã Hội[13] và sửa chữa sự bất hòa xã hội.

[13] Social dissonance

Eric Berne, chuyên gia tâm thần học xã hội đã thực hiện một nghiên cứu chi tiết về vấn đề này, Eric Berne cũng là người sáng tạo ra Phân Tích Giao Tiếp, và là tác giả của cuốn "Những trò chơi mà con người chơi". Berne là người theo học thuyết của Freud, nên ông cũng sử dụng những thuật ngữ mà Freud sử dụng. Berne giải thích chi tiết cái tôi bằng cách coi chúng có ba "trạng thái của cái tôi" mà ba trạng thái này tương ứng với 3 sức mạnh mà nó phải giải quyết: Một mặt của cái tôi mà mặt này gần gũi với sự thật nhất đó là người lớn; mặt gần gũi với xung động bản năng nhất là đứa trẻ; và mặt gẫn gũi nhất với cái siêu ngã là cha mẹ. Mặt mạnh của người lớn là lý trí; mặt mạnh của đứa trẻ là sự vui chơi, mà điều này có thể trở thành sự từ bỏ chủ nghĩa khoái lạc; và mặt mạnh của cha mẹ là đạo đức, điều này có thể trở thành việc lúc nào cũng tự cho mình là đúng. Berne minh họa cái tôi như sau:

Nếu chúng ta đặt hai cái tôi ở cạnh nhau, chúng ta sẽ có một biểu đồ đại diện cho các tương tác xã hội, mà Berne gọi sự tương tác này là giao tiếp. Dưới đây là các giao tiếp bổ sung:

Chúng đại diện cho các giao tiếp như " Bọn trẻ không kinh khủng?" "Chúng thật khủng khiếp!" (a) "Chơi thôi!" "Ồ, Vui quá!", (b) và "George, đứng thẳng lên!" "Ừ, em yêu nhỏ bé của anh!" (c). Đôi khi chúng ta không đồng ý với các giao tiếp mà chúng ta thực hiện, trong trường hợp đó chúng ta có sự giao tiếp chéo:

Ví dụ: "Martha, hãy xem tình hình tài chính của chúng ta." "Không thèm quan tâm?" (a) và "Martha, hãy xem tình hình tài chính của chúng ta." "Được rồi. Em phải bỏ ngay những sở thích ngu ngốc của em đi!" Đây chắc chắn không phải là những giao tiếp vui vẻ, và chúng ta thường thấy những giao tiếp này trong những mối quan hệ gặp trục trặc. Nhưng còn một loại giao tiếp nữa: Dưới vỏ bọc của sự giao tiếp bổ sung thường xuyên, chúng ta có thể có giao tiếp kín đáo đồng thời.

Một chàng cao bồi ở một nông trại nói với một vị khách thăm quan nữ "Lại đây, tôi sẽ dẫn cô đi xem chuồng ngựa." Cô gái nói "Cám ơn anh! Tôi rất thích những cái chuồng ngựa, tôi thích chúng từ hồi tôi còn là một cô bé!" Mặc dù ta nhận thấy rằng họ cùng có một sở thích kỳ lạ là những cái chuồng ngựa, nhưng họ lại có vẻ đang tán tỉnh nhau nhiều hơn. Dưới vỏ bọc của người lớn-người lớn, họ đang chơi trò trẻ con-trẻ con. Theo thuật ngữ của Berne thì họ đang chơi một trò chơi.

Berne và các sinh viên của ông đã theo dõi hàng trăm trò chơi. Tôi sẽ cho các bạn xem, dưới đây là một vài kịch bản có liên quan đến việc trốn tránh trách nhiệm, một chủ đề rất phổ biến của các trò chơi:

"Hãy Xem Điều Mà Anh/Cô Khiến Tôi Phải Làm"

Ông bà White đang có màn dạo đầu trước khi quan hệ. Khi đã nóng lên đôi chút, bà White đột nhiên nói "Em hy vọng là bé Johnny đã ngủ." Ông White mất bình tĩnh vì chuyện đó và hét lên "Cô đã làm rồi đó! Cô đã phá hỏng cảm xúc của tôi! Bây giờ tôi cũng ngủ đây!"

Berne nói, thực sự đây là một trò chơi nhỏ mà ông bà White chơi thường xuyên. Bằng việc chơi trò chơi này, bà White muốn tránh quan hệ tình dục với ông, người mà bà không bao giờ cảm thấy thoải mái khi quan hệ cả, còn ông White thì tránh cảm giác thất bại bẽ bàng mà ông thường phải trải nghiệm, trong khi chẳng ai trong hai người phải thừa nhận sự dè dặt của mình.

Chính tôi/cái tôi, tôi đang viết những tác phẩm lớn trừ việc tôi không bao giờ có đủ thời gian, và liên tục bị gián đoạn... Thật tuyệt khi bạn tin tưởng vào khả năng của chính bản thân và đổ lỗi cho sự thiếu thành công của mình là do có sự can thiệp của những người/những điều khác.[14]

[14] TQ hiệu đính: có thể liên tưởng chuyện làm tình này với chuyện khác tế nhị hơn, như khi một cô nói "em bận, không thể đi xem phim với anh chiều nay!", cậu bạn trai liền đồng ý "thôi thì khi khác nha". Như vậy cậu ta chiều bạn gái, hay câu ta đang lo lắng không biết kiếm đâu ra tiền để đi xem phim, và đây là cơ hội tốt để khỏi đi xem phim? Còn cô bạn gái, thật sự cô ta bận hay cô ta đang có những hoài nghi về quan hệ tình cảm của 2 đứa?

"Nếu Không Phải Vì Anh "

Một người phụ nữ than phiền về cuộc sống không niềm vui, phải hi sinh bản thân làm một người nội trợ. "Nếu không phải vì anh" - cô nói với người chồng độc đoán, phong kiến của mình - "Em đã có thể đến trường và làm điều gì mình muốn."

Trên thực tế, cô đã vượt qua nhiều rắc rối để tìm và lấy được anh chàng này, anh chàng giúp cô không phải đối mặt với những thứ mà cô cảm thấy sợ nhất: phải đến trường, và đối mặt với thế giới kinh doanh. Tất nhiên, anh ta cũng chơi một trò chơi nhỏ của riêng mình: bằng việc đóng vai một "anh chàng không tốt," anh ta cũng nhận được cái mà anh ta muốn. Các trò chơi thường là các hợp đồng xã hội nhỏ được thỏa thuận giữa những người chơi. Cả hai lôi kéo lẫn nhau vào việc duy trì trạng thái tù đày trong khi lảng tránh sự bất hòa (lo lắng, tội lỗi) liên quan đến việc chịu trách nhiệm. Việc đóng vai dễ dàng hơn so với việc đối mặt với những thử thách của cuộc sống.

Thêm Sự Bất Hòa Và Sửa Chữa Sự Bất Hòa Xã Hội

Nhà xã hội học Erving Goffman đặt tất cả sự bất hòa và việc sửa chữa sự bất hòa bên ngoài con người và đặt vào trong sự tương tác xã hội. Ông coi con người như những diễn viên đóng những vai nhất định trong một vở diễn. Sự so sánh ẩn dụ này là cơ sở của hướng tiếp cận kịch nghệ đối với tâm lý học xã hội.

Ví dụ, trong một cuộc gặp gỡ xã hội, nên giữ thể diện cho nhau. Ví dụ nếu John xúc phạm Mary, thì cả nhóm sẽ cảm thấy việc bị mất mặt của cô ấy như là điều gì đó giống với sự bất hòa. Mary hay ai đó trong nhóm sẽ hỏi John: "Anh đã nói cái gì?" "Anh không có ý như vậy, phải không?" "Và còn gia đình anh thì sao?", v.v… Nếu John vẫn muốn tiếp tục ở trong nhóm, anh ta sẽ phải sửa đổi ("sửa chữa sự bất hòa"): " Các cậu biết đấy, tớ chỉ đùa thôi!" "Ah Mary, cậu đúng là một người dễ mến!" "Trời ơi, tôi đúng là một kẻ ngớ ngẩn!" hay chỉ cần nói "Tôi xin lỗi!" Mary (hy vọng rằng) chấp nhận lời xin lỗi và tha thứ cho anh ta, John (hy vọng rằng) sẽ cám ơn Mary và mọi chuyện lại tiếp tục. Kiểu mẫu này - xúc phạm, chất vấn, sửa chữa, chấp nhận, cảm ơn - khá thực tế: Hãy cố gắng đừng chơi trò chơi kiểu như thế này.

Tất nhiên cũng có rất nhiều biến thể: người phạm lỗi có thể tự "chất vấn" bản thân; việc sửa chữa có thể được nhắc lại; người khác thực hiện việc sửa chữa, thậm chí đó là người bị xúc phạm; nhưng nếu không có sự sửa chữa nào được thực hiện thì nhóm sẽ tan rã hoặc người phạm lỗi (hay làm tổn thương) sẽ bị đuổi ra khỏi nhóm.

Tuy nhiên, các quy tắc cũng có thể được lạm dụng. Ví dụ, vấn đề không phải ai là người xúc phạm - mà vấn đề là hành động đó cần được sửa chữa. Bởi vậy, bạn có thể tự xúc phạm bản thân! Một người thực sự xấu xí nói "Tôi rất xấu xí!" và mọi người nói "Không!" "Sắc đẹp nằm trong con mắt của kẻ đang yêu," và "Tính cách của bạn thật tốt!" Hay một người thực sự ngớ ngẩn nói "Tôi rất ngu dốt" và mọi người đáp lại rằng " Không! bàn tay cậu thật khéo léo," và "Không phải lúc nào chúng ta cũng dùng tới chỉ số thông minh đâu!" Họ cần phải giữ thể diện cho người đó và cho nhau.

Điều đáng sợ hơn là việc làm mất mặt mang tính công kích chẳng hạn như moi móc: Những người có quyền thường xúc phạm đến người khác mà không bị trừng phạt - họ có đủ khả năng. Những người có học thức thường xuyên làm việc này bằng cách cố gắng ám chỉ rằng những sở thích của họ là hoàn hảo, chẳng hạn "Tối qua bạn có xem chương trình hòa nhạc trên PBS không?" "Không, tôi không có ti vi."[15]

[15] TQ hiệu đính: một ví dụ cụ thể hơn cho người Việt ở VN là, "bạn có lên mạng đọc tin tức gốc bằng tiếng Anh không?" "Không, tôi không biết tiếng Anh". Người biết tiếng Anh, gián tiếp hạ nhục người không biết tiếng Anh, rằng bạn dốt cho nên bạn không cập nhật tin tức.

Chúng ta có thể đi một bước xa hơn và kết hợp cả hai phương pháp nói trên: Một người phụ nữ hấp dẫn, thon thả nói với những người bạn mập mạp của mình "Dạo này mình đang tăng cân! Mình khó có thể mặc vừa những đồ cỡ số 5 của mình nữa!" Và người thông minh nhất lớp (cũng là người mập) có thể đáp lại "Đúng, mình chỉ vừa cỡ 35 kg thôi!" Thật thông minh: họ làm mất mặt bạn bằng cách "làm mất mặt" bản thân họ, do đó bạn không thể làm gì họ được. Nghe hơi giống một trò chơi, phải vậy không?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3