Những chàng trai tháng 12 - Chương 31 - 32

31

Vào ngày tổ chức lễ hội, chúng tôi dậy từ sáng sớm, chạy ra bờ biển cùng chú Foley đứng xem các anh trong câu lạc bộ lướt sóng đang thả những cái phao cứu đắm màu đỏ và da cam ra giữa biển. Bỗng dưng chú Foley cúi xuống nháy mắt hỏi tụi tôi: “Khi nào thì mấy đứa sắp xếp hành lý về nhà?”

“Một tuần nữa ạ” – Spark nói.

“Chú cũng đoán thế. Ngày hôm nay mấy đứa chơi thỏa thích đi nhé. Cuối tuần tới, chú sẽ trả lại đầy đủ món nợ cho mấy đứa, về cái vụ biển báo gây sốc lần trước. Đảm bảo ấy đứa sẽ cực kỳ bất ngờ!”

Nói rồi chú quy lưng đi lên trên cồn cát về phía cửa tiệm của cô Teresa, bỏ lại năm đứa tụi tôi đứng chết lặng một chỗ. Chúng tôi thừa biết cái bất ngờ đó là gì rồi: niềm vui và chiến thắng của một đứa, nỗi buồn và thất bại của bốn đứa còn lại. Cứ theo những gì bọn tôi quan sát được từ cô Teresa thì có vẻ như cô ấy chưa biết gì về kế hoạch đó của chú Foley, nhưng chỉ một tuần nữa thôi, cô sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng.

Khoảng một tiếng sau, từ trên đỉnh đồi đằng xa, một nhóm người lạ đang rú ga ầm ĩ, chuẩn bị lao xuống con đường khúc khuỷu đầy sỏi đá - điều mà trước giờ mới chỉ có chú Foley dám làm vào mỗi tối thứ Sáu. Bọn họ mặc váy như lính Ê-cốt, chân đi bốt da trắng, có bịt đầu gối để bảo vệ, trên người mặc áo khoác màu xanh đậm với hàng cúc màu trắng bạc sáng lấp lánh, trên đầu đội mũ vải màu đen và màu đỏ, buộc thêm ruy băng kẻ sọc bay phấp phới.

Liền sau lưng họ là đội tuyển thi đấu lướt sóng, khách du lịch từ các nơi đổ về, họ đi bằng ô tô, xe buýt, thậm chí là cả đi bộ. Xe cộ nối đuôi nhau xếp dọc triền cát trắng, kéo dài xuống tận thung lũng. Trong mắt chúng tôi thì đây chẳng khác gì một cuộc xâm lấn của người nước ngoài. Hàng trăm người đang đổ xô xuống biển cùng ván trượt. Một phần bờ biển được chăng dây để dành riêng cho các sự kiện trên bờ, cuộc đua bơi nước rút và cuộc thi cứu hộ... Chúng tôi nhận ra có một vài người trong số đó trước đây đã từng sống ở vịnh Captain’s Folly này khi cuộc khủng hoảng nổ ra, cả đám bám theo bọn họ đi lên thăm lại khu cắm trại bỏ hoang. Tuy nhiên, họ chẳng có vẻ xúc động khi quay lại chốn xưa gì cả.

“Cái nơi này trông thật bẩn thỉu làm sao!” - một người nhăn mặt thốt lên.

“Đúng vậy. Tôi đã từng nghĩ chúng ta sẽ mục rữa ở cái chỗ khỉ ho cò gáy này.”

Điều này rõ ràng trái ngược hẳn với những gì ông Lão Làng kể cho chúng tôi nghe về thời kỳ khủng hoảng: khi mà tình bằng hữu và lòng cao thượng của con người được thể hiện rõ nhất.

Khi lễ hội bắt đầu, chúng tôi chạy qua ngó nghiêng ở mấy khu vực được chăng dây bảo vệ. Bảy đội đua đang chuẩn bị sẵn sàng cho màn thi đấu chính sắp diễn ra. Mấy người mặc váy Ê-cốt tụ tập vào một chỗ, trên người vẫn mặc y nguyên bộ đồ đua xe hầm hố khi sáng. Sự kiện chính của lễ hội ngày hôm nay chính là cuộc thi cứu hộ trên biển mà chú Foley là đại diện chính thức của vịnh Captain's Folly. Trông mặt chú ấy vô cùng mệt mỏi và chán chường. Bỗng dưng tôi linh tính có chuyện gì đó không hay sắp xảy ra.

Mà linh cảm của tôi trước giờ chưa bao giờ sai. Tôi chuồn vội ra phía cồn cát nơi tôi đã chôn cái khung ảnh của mình. Tôi đăm đăm tìm kiếm một sự bảo vệ, nhưng bốn góc khung không hiện lên điều mà tôi mong đợi. Ngay từ lúc xuất phát, chú Foley đã có vẻ mất tập trung, rất lâu trước khi chạm được vào cái phao cứu hộ, nơi đồng đội của chú đang chờ được cứu. Chú bị đội trưởng các đội khác bỏ xa, những cú sải tay và đạp chân của chú cực kỳ thiếu nhịpnhàng. Trong khi các đội khác đã về đến đích từ lâu, đội của chú Foley vẫn ì ạch ở phía đằng xa. Tôi thật muốn làm sao cái khung ảnh có thể xóa bỏ hình ảnh về đích vừa rồi của chú Foley, bởi chú đang được người mà đáng-ra-chú-phải-cứu dìu lên bờ.

Trước đây tụi tôi đã từng chứng kiến người lớn bị ngã khuỵu vì kiệt sức. Ví dụ như mấy vị sơ già ở St. Roderick, một vài người trong dàn đồng ca của nhà thờ... Tuy nhiên chưa bao giờ chúng tôi nhìn thấy một người thân thuộc với mình như chú Foley bỗng dưng mất hết sức lực kiểu như vậy. Nó chẳng khác nào tượng thần Adonis ở ngã tư đường bị sét đánh vào và đổ sập.

Spark, Maps, Fido và Misty đang quỳ đối diện với chú ở trên bờ. Tôi vội chôn cái khung ảnh xuống và chạy ra nhập hội.

Chân chú Foley dường như không còn tí sức nào cả. Mặc dù chú đã cố gắng hết mức nhưng vừa đứng lên, bước đi được một bước, cả người chú lại đổ nhào xuống cát. Chú vẫn nhất quyết không chịu cho ai giúp, gạt tay tất cả những ai định chìa tay ra đỡ mình đứng dậy. Cả đám chúng tôi cũng đã định xúm lại đỡ chú nếu không nghe thấy tiếng nói lè nhè quen thuộc của ông Lão Làng: “Tránh ra đi, mấy đứa. Mấy người đó làm phiền cậu ta còn chưa đủ hay sao mà mấy đứa còn định tham gia vào?"

Chú Foley chống tay xuống cát, dùng hai đầu gối nhổm người dậy, lắc lắc đầu thật mạnh, như thể muốn xua tan sự yếu đuối của mình đi. Một vị khách - đi chân trần, áo khoác trắng vắt vẻo trên vai, mái tóc đen buông xõa, che một bên mắt - đang quỳ bên cạnh cố gắng thuyết phục chú Foley.

“Đó là Jimmy Sullivan” - ông Lão Làng giới thiệu - “Cậu ta đã từng sống ở khu cắm trại bỏ hoang trên kia. Cậu ta bỏ đi đã hai năm nay rồi. Nhưng chưa bao giờ Jimmy quên được Henry. Chính miệng cậu ta đã nói với ta như vậy. Jimmy đã rất sốc khi nghe được tin Henry không còn trên cõi đời này nữa".

Sau khi tìm mọi cách mà vẫn không thuyết phục được chú Foley để cho người khác giúp đỡ, chú Sullivan đành nhún vai bỏ cuộc, đứng sang một bên. Chú Foley dùng hết sức bình sinh đứng dậy, loạng choạng như người say rượu. Chú lảo đảo nhích từng bước lên cồn cát, đi về nhà. Các đội thi đấu đang trình diễn các động tác cứu hộ cho ban giám khảo chấm điểm. Giờ thì chỉ còn sáu đội, bởi đội Captain's Folly đã buộc phải bỏ cuộc.

Chúng tôi có cảm giác đây chính là sự kết thúc của một triều đại. Sự suy sụp này của chú Foley không làm chúng tôi bất ngờ lắm, bởi cách đây không lâu, cô Teresa đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho cả bọn, khi nói rằng thời kỳ đỉnh cao của chú đã qua. Hơn nữa, tụi tôi còn nghe thấy mấy anh trong đội thì thào với nhau là khi ở dưới nước, chú Foley không còn nhanh nhẹn như xưa. Chúng tôi lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của chú, chứ không phải vì lại íchcủa chúng tôi, không phải vì lo sợ chấn thương có thể sẽ khiến chú suy nghĩ lại về kế hoạch nhận con nuôi của mình.

Lớp cát mịn dưới chân càng khiến chú đi lại khó khăn hơn. Người ta đã hạ thấp các sợi dây thừng xuống cho chú nhưng chú vẫn giơ cao chân bước qua đầy nghị lực. Tuy nhiên, nền cát liên tục làm chú mất cân bằng, và chú lại ngã dúi dụi xuống. Trông chú giờ chẳng khác gì một tượng đài chiến tranh bị sụp đổ, cát dính bết vào mặt và ngực. Cô Teresa hớt hải chạy lại đỡ nhưng chú vẫn nhất quyết từ chối. Cô choàng tay chú qua vai, dìu chú đi qua đám đông lễ hội về nhà.

“Tay đó thật là ngang bướng!” - chú Jimmy Sullivan lắc đầu nói - “Hầu hết những người tôi đã gặp trong tình cảnh này sẽ đều ngoan ngoãn lên cáng cho người ta khiêng về.”

“Chuyện đó không có gì là lạ” - ông Lão Làng lầm bầm.

“Để tôi đi xem xem có giúp gì được Teresa với đám khách ngoài tiệm không. Càng lúc họ kéo tới càng đông.” - vừa nói chú ấy vừa sải chân đi về phía cửa tiệm của cô Teresa.

Từ đằng xa, có tiếng mọi người reo hò chúc mừng cho đội thắng cuộc ngày hôm nay. Chúng tôi chẳng còn lòng dạ nào quan tâm tới kết quả thi đấu gì nữa.Cả lũ kéo nhau lên cồn cát tìm một chỗ có thể quan sát được phòng của chú Foley.

Lễ hội dần đi tới hồi kết thúc và bóng chiều tà bắt đầu che phủ lấy toàn vịnh Folly. Hàng dòng người lũ lượt kéo nhau rời khỏi vịnh, khách khứa ở cửa tiệm của cô Teresa cũng thưa thớt dần. Thỉnh thoảng, cô lại chạy qua nhà xem chú Foley ra sao trong khi chú không hề ló mặt ra khỏi nhà một lần nào. Chắc hẳn chú ấy đã bị sốc lắm. Rất nhiều điều kỳ lạ có thể xảy ra với những người đã từng gặp biến cố trên biển. Ví dụ như sơ Agnes chẳng hạn. Tôi vẫn luôn tin rằng chính lần suýt chết đuối năm xưa đã mang lại cho sơ khả năng biết vui cười và tận hưởng cuộc sống. Đó có lẽ cũng là số phận của chú Foley. Mặc dù tôi có thể hiểu được chuyện này chẳng khác nào tấn bi kịch đối với một người đàn ông.

Chúng tôi vẫn tiếp tục kiên nhẫn quan sát, mặc dù Mặt Trời đã xuống núi. Xe buýt và xe ô tô đã ra về gần hết. Trên bãi biển giờ đây chỉ còn lại bãi chiến trường rác hậu-lễ-hội.

Bình thường thì chúng tôi đã chạy ào xuống bãi để đào đào bới bới rồi đó, nhưng hôm nay chẳng đứa nào có tâm trạng làm việc ấy cả. Chúng tôi vẫn ngồi bên ngoài chờ đợi sự xuất hiện của chú Foley. Hết chú Jimmy Sullivan lại đến các thành viên của câu lạc bộ lướt sóng tới nhà thăm, nhưng tuyệt nhiên chú Foley vẫn không ló mặt ra khỏi nhà. Nền cát đã trở nên lạnh ngắt dưới chân chúng tôi, và cả đám quyết định gõ cửa vào thăm chú. Ở bên ngoài cửa, chiếc xe mô-tô phân khối lớn đang đứng chễm chệ.Nó không phải chỉ đơn thuần là một phương tiện di chuyển của chú Foley, nó giống như một thứ nhạc cụ cổ xưa không thể thiếu được với các nhạc công, chỉ có điều phải là những người bạo gan lắm mới có thể chơi được loại nhạc cụ đặc biệt này.

Spark là đứa mở lời đầu tiên, khi cô Teresa ra mở của - mặt cô xanh xao và mệt mỏi. “Bọn cháu rất lo lắng muôn biết chú Foley có sao không ạ?”

Cô buồn bã lắc đầu nói: “Chú các cháu dường như không chịu hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình.”

“Chú có cần bọn cháu mua vui không ạ?” - Misty hỏi.

“Ồ, tất nhiên rồi” - cô mỉm cười gượng gạo - “Nhưng giờ chú chẳng chịu gặp ai.”

“Hay tại gần đây chú chưa được nghe câu chuyện cười nào?” - Misty vẫn kiên nhẫn hỏi.

“Hiện chú các cháu đang không có tâm trạng nghe bất cứ một câu chuyện cười nào đâu. Tin cô đi!”

Nói rồi cô quay lưng đi vào trong nhà, còn chúng tới buồn bã trở về. Bỗng dưng, tôi có cảm tưởng như cái xe máy kia sẽ không bao giờ còn được chủ nhân của mình sờ tới nữa.

Không lẽ nước biển đã cuốn trôi mất tiếng cười và khiếu hài hước của chú Foley Can Đảm rồi sao?

32

Phải chăng cô Teresa từ chối không chịu nhào lộn cho tụi tôi xem là bởi vì đã dự cảm được về những gì sắp xảy ra với chú Foley?

Chúng tôi liên tục đặt ra những câu hỏi kiểu như vậy suốt dọc đường về nhà ông bà McAnsh, thỉnh thoảng lại ngoái đầu nhìn về phía căn tiệm của cô Teresa, hy vọng có thể thấy bóng dáng chú Foley.

“Ê! Mấy đứa! Đi đâu về thế?”

Đó là tiếng của ông Bandy McAnsh. Hình như ông ấy đang đi tìm bọn tôi.

“Hah! Tụi bay đây rồi!” - ông Bandy có vẻ rất hào hứng khi nhìn thấy chúng tôi - “Những dấu vân tay, những dấu vân tay, mấy cái chai và lớp bụi mỏng. Thật không ngờ, thật không ngờ!”

Ngày hôm nay quả là một ngày xấu đối với vịnh Captain's Folly. Đầu tiên thì chú Foley xảy ra chuyện, và giờ thì ông Bandy tối ngày say xỉn đang đi kiếm tụi tôi, hẳn phải có chuyện.

“Ta cảnh cáo mấy đứa” - ông nói tiếp - “bà vợ McAnsh của ta có thể rất nhân từ và hiền hậu, không người đàn ông nào không mong muốn lấy được một người vợ hoàn hảo như thế, nhưng đồng thời đó cũng là một phụ nữ vô cùng quyết đoán. Tin ta đi.” Mặc dù chưa hiểu lắm câu chuyện của ông Bandy nhưng tự dưng cả đám chúng tôi cúi gằm mặt xuống đất vì cảm giác tội lỗi.

“Hôm đó, ta tới quán bà ấy uống rượu như mọi ngày, trước khi kịp tỉnh cơn say, ta đã thấy mình đang đứng trước bàn thờ Chúa rồi. Hồi còn trẻ, ta đã từng có lần chứng kiến bà ta quăng cả một người đàn ông to lớn ra khỏi quán bar của mình! Tống thẳng cổ ra ngoài đường! Mấy đứa nghĩ sao về chuyện đó?”

Chúng tôi chẳng nghĩ được gì ngoài cái câu ông nói về mấy cái dấu vân tay, chai rượu và lớp bụi mỏng. Cả đám đang đối mặt với nguy cơ bí mật về mấy chai rượu bí ngô có thể bị bại lộ. Rõ ràng là ông bà ấy đã phát hiện ra tụi tôi chính là mấy “nhà giả kim” đã biến niềm vui và niềm tự hào của ông Watson Đồng Hồ Mặt Trời thành nước trà lạnh.

“Sự vô ơn bạc nghĩa ư? Không, ta không nghĩ vậy. Trái lại, ta đã rất khoái món đồ xoáy trộm đó của tụi bay. Và vợ ta cũng vậy. Nhưng giờ mấy đứa nghe đây - những dấu vân tay, mấy chai rượu và lớp bụi mỏng! – Bà McAnsh đang ở nhà, dọa rằng sẽ tống cổtụi bay về với Mẹ Bề trên ngay lập tức mà không cần nghe một lời xin xỏ hay giải thích nào cả. Tuy nhiên, nếu tụi bay đồng ý, ta sẽ là người thi hành án phạt” - ông Bandy vỗ ngực đầy tự mãn - “Hãy giao phó sinh mạng của tụi bay vào tay ta, rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đó.”

Giao phó sinh mạng của tụi tôi vào tay của ông Bandy ư?

Không lẽ vịnh Captain's Folly giờ đây sẽ biến thành nơi che giấu cho một băng nhóm tội phạm nhí do ông Bandy cầm đầu sao? Ông Lão Làng đã từng kể cho chúng tôi nghe rằng, cái con đường khúc khuỷu đầy sỏi đá kia được xây dựng nên bởi các tù nhân. Và giờ thì chúng tôi cũng đang bị xiềng xích lại với nhau bởi một nỗi sợ hãi: rằng một đứa trong nhóm sẽ chuồn đi đánh lẻ nhằm thu hút sự chú ý đặc biệt của cô Teresa.

Đôi bàn tay đã tống cổ được cả một người đàn ông to lớn ra khỏi quán bar trên phốSerenity đang khoanh lại trước ngực, đầy vẻ bực bội.

“Tụi nó đây, Cynthia” - ông Bandy vừa nói vừa đẩy năm đứa tụi tôi vào trong bếp. Sau đó, ông giơ tay điểm danh từng đứa, một cách thừa thãi - “Một - hai - ba - bốn - năm đứa. Đủ cả. Anh đã lùa được chúng về hết đây rồi. Không thiếu đứa nào".

Bà McAnsh không nói tiếng nào, chỉ lạnh lùng gật đầu. Cái miệng của bà mím chặt lại, cố gắng ghìm cơn thịnh nộ trong lòng. Nhưng vẫn không ăn thua! Như một cái nồi áp suất xì hơi, bà tuôn ra một tràng nhiếc móc:

“Liệu ta có nên đi báo với Quý bà về sự việc động trời này không? Ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu bà ấy ngừng ngay lòng hảo tâm của mình lại và tống cổ tụi bay về St. Roderick, sau khi biết chuyện. Nhưng làm sao ta dám kể cho người một chuyện kinh khủng đến như vậy, nhất là khi người đang bị bệnh tim?! Ta thật không dám nghĩ tới những lần mấy đứa trơ tráo bước vào đây đưa cho ta chai rượu bí ngô và bảo là của ông Watson gửi tặng. Tại sao mấy đứa lại phải đi ăn trộm rượu như vậy? Đứa nào trả lời ta xem?”

Câu trả lời duy nhất của tụi tôi khi đó là mười cái chân di qua di lại trên sàn nhà sơn bóng.

“Chưa hết, tụi bay còn dám đổ nước trà lạnh vào mấy cái chai không rồi đem trả lại vào trên giá nhà người ta nữa chứ. Tại sao làm như vậy?”

Vẫn tiếp tục di chân qua lại trên sàn.

“Có lẽ vợ chồng ta sẽ không bao giờ phát hiện ra nếu một trong những người khách của ông Watson không kiên quyết đòi tìm cho ra sự thật về vụ việc này. Tất nhiên chẳng ai tin được là rượu bí ngô tự dưng biến thành nước trà lạnh mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Ta đã phát hiện ra mấy cái dấu vân tay và khi ông Watson cùng người bạn của mình tới đây nói chuyện, chúng ta đã biết ai là người phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ sự việc trên. Mấy đứa đã suýt biến ông Watson thành kẻ mất trí trong mắt mọi người.”

“Đừng lo” - ông Bandy nói - “chúng sẽ phải trả giá cho hành động của mình. Từng đứa một. Đứa nào cũng sẽ phải bị trừng phạt.”

Chúng tôi đã bị phản bội chăng? Ông ta đang từ từ cởi thắt lưng ra kìa.

“Mỗi đứa mười hai roi!” - bà McAnsh nghiêm giọng - “Mười hai roi thật đau!”

“Tất nhiên rồi” - ông Bandy vung cái thắt lưng vụt mạnh vào cửa - “Mấy đứa, vào phòng!” - vừa ra lệnh ông vừa nháy mắt ra hiệu với tụi tôi.

Năm đứa líu ríu rời khỏi bếp, đi qua phòng khách rồi lần lượt đi vào trong phòng ngủ. Nếu so với các cú đét đít của các sơ ở St. Roderick thì trận đòn roi bằng thắt lưng sắp tới đây quả là một trời một vực.

“Mấy đứa lại đây!” - ông Bandy khép cửa lại, thì thào nói - “Trong tụi bay, đứa nào hét khỏe nhất? Mày thử xem nào! Hét đi!” - ông giơ tay chỉ về phía tôi, sau đó lồng lại thắt lưng vào quần - “Nào, hét to lên, mười hai lần!”

Mười hai tiếng kêu gào ứng với mười hai cái quất tưởng tượng bằng thắt lưng, để cho bà McAnsh nghe thấy. Tôi mở miệng ra nhưng sợ đến líu hết cả lưỡi, chẳng phát ra tiếng gì cả.

“Thằng Choker lại bị líu lưỡi rồi ạ!” -Maps khinh bỉ nhìn tôi chế giễu.

“Vậy thì mày thử đi” - ông Bandy thì thầm - “Mười hai lần nhé. Kêu la thật to vào. Bắt đầu!”

Maps không bỏ phí một giây nào, rống lên những tiếng kêu thảm thiết xé toạc không gian yên tĩnh của buổi đêm hè. Và trước khi Maps kịp kêu tới tiếng thứ mười hai thì đã có tiếng kêu khác vọng ra từ trong bếp.

“Anh Bandy!”

“Chúng ta thành công rồi. Vở kịch của chúng ta đã có tác dụng!”

“Dừng lại ngay, anh Bandy! Đừng đánh nữa! Đừng đánh nữa!” - tiếng bà McAnsh nức nở kêu lên.

“Ồ, em yêu. Em quả là người có trái tim bằng vàng. Mấy đứa đi được rồi. Ta phải ra an ủi vợ ta đây” - nói rồi ông xốc lại quần và đi ra ngoài bếp.

“Cậu giỏi thật đây, Maps” - Misty trầm trồ ngưỡng mộ.

“Có gì đâu, tớ chỉ gào lên tí thôi mà” - Maps nhún vai nói.

Cả đám chúng tôi lại kéo nhau ra ngoài vịnh chơi.

Trăng đã lên cao. Cô Teresa vừa nhìn thấy tụi tôi liền vẫy tay gọi lại hỏi. Vẫn không thấy bóng dáng chú Foley đâu.

“Đứa nào vừa hét lên lúc nãy thế?”

“Cháu ạ” - Maps nói.

“Tại sao? Có chuyện gì thế?”

“À, lúc ông McAnsh dùng thắt lưng da quật cháu ấy mà.”

“Sao họ dám đối xử tàn tệ với mấy đứa như vậy!” - cô Teresa giận dữ thốt lên - “Chú Foley nói là không thể có chuyện đó xảy ra nhưng cô không tin cho lắm. Mặc dù chưa bao giờ cô nghe thấy những tiếng kêu la đến như vậy.”

“Cháu còn hét được to hơn thế nữa cơ” - Maps cười khoái chí.

“Sẽ không có chuyện như vậy xảy ra lần thứ hai đâu. Sẽ không có chuyện quất roi vào người khác như thế. Cô sẽ đảm bảo điều đó.”

“Chỉ là trò vui thôi mà cô” - Maps vội đứng dậy ngăn cô Teresa lại, khi thấy cô đang định lao về phía nhà ông bà McAnsh.

“Cháu gọi thế là vui sao?”

“Ông Bandy không phải là đánh tụi cháu thật. Ông ấy chỉ giả vờ thôi” - Misty giải thích.

“Thật chỉ là giả vờ thôi sao? Ơn Chúa!”

Đến lượt Fido: “Là bà McAnsh bắt ông Bandy đánh tụi cháu nhưng ông ấy chỉ đánh giả vờ thôi. Và Maps đã kêu gào thảm thiết như cô nghe thấy đấy ạ. Kế đó, chính bà McAnsh lại là người bảo ông Bandy đừng đánh tụi cháu nữa. Và giờ thì mọi chuyện đã xong, như lời ông Bandy nói. Bọn cháu đã được tha thứ.”

“Tha thứ vì chuyện gì?”

“Vì đã ăn trộm rượu bí ngô của ông Watson rồi sau đó đổ trà lạnh vào chai...” - Fido thì thào nói.

“Mấy đứa!” - cô Teresa thảng thốt kêu lên, trố mắt nhìn năm đứa tụi tôi - “Chú Foley và cô cũng có nghe về chuyện rượu của ông Watson biến thành trà lạnh. Nhưng cô chú cho rằng chắc tại ông ấy nhầm lẫn gì đó. Hóa ra là các cháu làm sao?”

Không đứa nào định nói thêm câu nào nữa. Nhưng cuối cùng thì cô Teresa vẫn moi được toàn bộ câu chuyện từ mồm tụi tôi, bắt đầu từ kế hoạch bắt chú Foley giảm tốc độ. Tiếp đó là kế hoạch làm sao có thể lẻn ra ngoài dựng biển báo nếu không muốn bị ông bà McAnsh phát hiện ra. Và cuối cùng là chúng tôi đã đổ trà xanh vào những chai rượu rỗng rồi đem bỏ lại lên trên giá bếp nhà ông Watson như thế nào.

Điều duy nhất chúng tôi cẩn thận không để lộ ra cho cô biết là lý do tại sao chúng tôi lại quá quan tâm bảo vệ chú Foley đến như vậy. Mà chưa biết chừng, có khi chúng tôi cũng sẽ buột miệng nói ra nốt cái bí mật ấy, nếu không bị cắt ngang bởi một tiếng động phát ra từ cửa sổ: nghe vừa như tiếng khụt khịt, lại vừa như tiếng rên rỉ, xen lẫn tiếng thở dài và tiếng nấc cụt... Tất cả xảy ra đồng thời, như từ cùng một người. Làm tôi liên tưởng tới con chó chăn cừu nằm bẹp ở xó chợ sau khi bị một bầy lạc đà đá cho túi bụi. Hay một người phụ nữ say khướt luôn mồm xưng tội ởbên ngoài cửa nhà thờ vào các tối thứ Sáu và thứ Bảy. Cả đám chúng tôi nhảy dựng lên hoảng hốt.

“Chỉ là chú Foley thôi mà” - cô Teresa mỉm cười trấn an tụi tôi.

“Nhanh lên cô oi!” - Fido kêu lên - “Chú ấy bị đau.”

Cậu ấy nói cũng có phần đúng.

Chú Foley xuất hiện ở ngoài cửa sổ, người vẫn run rẩy, đứng không vững, hai tay đang ôm chặt lấy bụng. Năm đứa chúng tôi mặt mày tái mét, nhìn chú lo lắng. Bỗng nhiên chúFoley phá lên cười ngặt nghẽo, hai tay buông ra khỏi bụng, chú bám vội lấy thành cửa sổ, và rồi ngã bổ nhào ra đất vì cười.

Phải mất một lúc tụi tôi mới hiểu được chuyện gì đang xảy ra, và cả bọn lăn ra cười cùng với chú. Dường như chúng tôi ăn trộm những chai rượu kia không phải để bảo vệ chú khỏi cơn bốc đồng mỗi chiều thứ Sáu, mà thực ra là để giải thoát cho chú khỏi mọi tai ương, khi thời cơ đến.