Tình sử Võ Tắc Thiên - Chương 21 - 22

Hồi 21

Bộ óc lớn nhất thời đại

Một vở bi hai kịch đã hạ màn, đánh dấu một giai đoạn xấu xa tội lỗi trong cuộc đời riêng tư của Võ Hậu.

Nhưng để bù lại, chính sách cai trị của bà mỗi ngày một trở nên nhân đạo hơn. Bè lũ quan lại hung tàn, dốt nát đã tan rã và chế độ khủng bố không còn nữa. Tên ác ôn duy nhất còn sống sót, họ Lại, cũng đã bị đổi đi xa.

Sau vụ Thừa Tự vu khống Thái tử Đán, bà rất chán ghét hắn. Đối với bà, bộ mặt của Thừa Tự chỉ còn đồng nghĩa với một chuyện "khôi hài đen". Hắn là hiện thân của sự hãm tài, quê mùa, hung hăng ngu xuẩn và bợ đỡ. Hắn đã làm bà vỡ mộng, không còn hy vọng gì ở một triều đại huy hoàng của bà họ Võ. Bà bắt đầu chú ý hơn đến một người cháu khác: Võ Tam Tư.

Năm 696, Rốt cuộc, Võ Hậu bảy mươi mốt tuổi, bà trở nên một người lớn, không còn những phút bốc đồng như trẻ con nữa. Bà đã ổn định cả thể xác lẫn tinh thần. Bà cho triệu hồi các hiền thần mà bà vẫn ngấm ngầm khâm phục như Địch Nhân Kiệt, Hứa Viễn Chung, Hứa Ngọc Cung, v.v...

Trước kia bà để hết tâm trí lo củng cố địa vị thực hiện tham vọng riêng tư, nên bà đã bỏ lỡ cơ hội trở nên một nữ hoàng vĩ đại. Giờ đây bà quyết định tổ chức lại triều đình. Không phải chủ tâm bà muốn làm một cuộc cải cách, nhưng bà muốn có nhiều giờ rảnh rỗi để hưởng thụ những lạc thú hấp dẫn hơn cả mối tình lãng mạn với nhà sư điên. Thâm tâm bà chỉ muốn sống thật lâu, tác quái thật nhiều, luôn chiến thắng, ăn mừng và ân ái.

Việc triều chính bà đã trải qua nhiều rồi. Bà không muốn bận tâm thêm nữa. Bà sẽ giao việc cai trị cho các hiền thần giàu khả năng và kinh nghiệm.

Như vậy còn gì hơn Địch Nhân Kiệt được phong làm Đô Ngự Sử. Ông lựa một số người lỗi lạc nhất để cộng tác với ông. Hứa Ngọc Cung được chọn làm Phó Đô Ngự Sử. Ngọc Cung, như đã nói ở một đoạn trước, là một vị Pháp quan cương trực. Ông đã dám tranh luận với Võ Hậu, bênh vực mẹ vợ của Đán vì bà này cầu nguyện cho cô con gái chết một cách bí mật ở trong cung, Đào phi bị Võ Hậu thủ tiêu như đã kể ở chương 20.

Riêng Ngụy Viễn Chung, nhân vật kiêu hùng cứng đầu cứng cổ nhất, cũng trở về giữ chức Thị Trung. Nhìn thấy ông người ta liên tưởng đến một cây cổ thụ sống sót sau một trận bão, ba trận bão mới đúng.

Khi ông về chầu, Võ Hậu hỏi:

- Sao khanh gặp hết rắc rối nọ đến rắc rối kia như vậy?

Viễn Chung hỏm hỉnh trả lời:

- Thần là một con nai tơ, họ Lại và họ Châu lại thích món nai hầm. Thần biết làm sao bây giờ.

Với những khuôn mặt như Nhân Kiệt, Viễn Chung, triều đình đã bước qua giai đoạn tối tăm nhất.

Võ Hậu quả có cặp mắt tinh đời khi chọn những người này. Để Nhân Kiệt làm cột trụ của triều đình là điều hợp lí, nhưng bà đã quên mất một chuyện, Nhân Kiệt từng nói với họ Lại: Là thần tử trung thành của nhà Đường, tôi vui lòng chịu chết.

Cờ đã đến tay Nhân Kiệt, ông có toàn quyền hành động. Thêm vào đó Võ Hậu rất tin cậy ông. Với tài hùng biện và giọng nói dễ nghe, ông đưa ra kiến nghị hoặc tiến cử người nào Võ Hậu cũng nghe theo. Khoảng hai ba chục triều thần là người của ông, kể cả Tống Cảnh và Diêu Sủng, hai vị quan tuổi trẻ tài cao.

Ngự Sử đài do ông cầm đầu không còn sợ bị Thừa Tự lợi dụng làm công cụ để qua mặt luật pháp như trước kia nữa.

Sau một thời gian bị đổi đi xa, họ Lại vận động và được trở về kinh đô, nhưng chỉ giữ một chức quan nhỏ tại đây. Gã và Thừa Tự không còn gắn bó như trước. Gã đang kiếm cách hãm hại Thừa Tự với hy vọng phục hồi quyền lực cũ, nhưng không may cho gã, câu chuyện dính líu cả Công chúa Thái Bình. Vì bất đắc chí, gã trở nên nông nổi thiếu thận trọng.

Hồi đó, Thừa Tự và Công chúa Thái Bình làm vài chuyện lem nhem khiến thiên hạ đàm tiếu không ít.

Chẳng hạn việc Thừa Tự cướp vợ người khác đến nỗi người vợ phải tự tử và người chồng làm thơ khóc vợ. Bài thơ này truyền từ miệng người này đến miệng người kia, cả nước đều biết.

Họ Lại vô tình hùa theo dân chúng nói xấu Thừa Tự và Công chúa Thái Bình và đây là lầm lỗi lớn trong đời gã.

Thừa Tự là kẻ hữu dũng vô mưu, nhưng Công chúa Thái Bình không phải là người dễ chọc. Công chúa lập tức xếp đặt để họ Lại phạm một lúc mấy tội nặng: cưỡng đoạt, hối lộ, bất công, cướp vợ người, v.v...

Khi họ Lại bị bắt, toàn thể dân chúng Lạc Dương vui mừng hớn hở. Mọi người đều muốn uống máu, nhai xương gã cho hả dạ. Gã đã giết không biết bao nhiêu người và phá tan vô số gia đình vô tội.

Hứa Ngọc Cung và các Pháp quan khác buộc tội gã dễ dàng. Bản án của gã được gửi lên Võ Hậu để bà phê chuẩn, nhưng đã mấy ngày bà vẫn chưa đả động tới.

Toàn thể dân chúng Kinh đô đều nôn nóng chờ đợi quyết định của bà. Họ thắc mắc không hiểu số phận của họ Lại sẽ ra sao? Nếu gã bị xử tử thì bao giờ mới hành quyết.

Trong khi đó, tên hầu cận của Võ Hậu cũng sốt ruột không kém. Y từng bị họ Lại bắt, và suýt bị giết. Y vẫn căm họ Lại từ lâu. Một hôm y đánh xe cho Võ Hậu dạo chơi và lựa lời nhắc khéo bà:

- Sao Bệ Hạ chưa phê bản án của họ Lại? Dân chúng đang nóng lòng chờ đợi.

- Gã có công lớn với triều đình. Ta còn đang xét lại.

- Nhưng tội của gã chất cao như núi. Các oan hồn đang lởn vởn khắp nơi. Tất cả triều thần cũng đang mong đợi sự chấp thuận của Bệ Hạ.

Họ Lại bị bịt miệng và đem ra pháp trường.

Từ sáng sớm một biển người đã túc trực quanh pháp trường để chờ xem cuộc hành hình một tên ác ôn chuyên hành hình người khác. Khi đầu họ Lại rơi xuống, đám đông bỗng rú lên vang động một góc trời. Họ reo họ như những người điên. Họ vui mừng vì từ đây họ sẽ ăn ngon, ngủ kĩ, không còn những đêm mất ngủ vì chợt nhớ tới hình ảnh của họ Lại. Tên hung thần cuối cùng đã ra đi. Họ xông vào pháp trường cướp thi thể của họ Lại. Họ cấu xé, họ đạp, họ đá cái xác không hồn: cho đến khi chỉ còn là đống thịt xương nhầy nhụa. Có người còn móc mắt hay vặn một khúc xương của họ Lại rồi ném xuống một cách hả hê.

Đến bây giờ Võ Hậu mới hiểu rõ thế nào là lòng căm phẫn của dân chúng. Để vỗ về họ, Võ Hậu xuống chiếu tru di cả gia quyến họ Lại.

Sau cái chết của tên hung thần, bầu không khi trở nên êm ả khác thường, không còn cảnh tố cáo hãm hại lẫn nhau.

Võ Hậu lấy làm ngạc nhiên vì không thấy các triều thần thi nhau báo cáo về các cuộc phản loạn như trước nữa. Thừa Tự cũng hết lộng hành và mọi người đều cảm thấy dễ thở.

Trong thời kì khủng bố, quần thần lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Mỗi buổi sáng khi vào triều, họ thường dặn dò vợ con: Không biết hôm nay trong triều sẽ xảy ra chuyện gì và chiều nay ta có về được đến nhà không?

Dù là quan to họ có thể bị bắt bất cứ lúc nào vì tội phản nghịch; và một khi bị bắt, chắc chắn họ sẽ ra đi không bao giờ trở lại.

Thừa Tự hết nơi bám víu.

Bước đầu của Nhân Kiệt là giải quyết dứt khoát việc chọn người kế vị. Thừa Tự không hy vọng gì tranh ngôi Thái Tử vì bao nhiêu công trình sắp đặt của hắn trong một phút đã trôi theo dòng nước. Vì một sự bất cẩn, họ An đã tự mổ bụng và làm lộ âm mưu vu khống Thái tử Đán của hắn. Hơn nữa, Nhân Kiệt đang vận động để Triết và Đán lần lượt nối ngôi Võ Hậu. Việc này tuy khó nhưng theo Nhân Kiệt không phải là không làm được. Trong khi đó Võ Hậu cũng chợt nhận ra tình thế không ổn.

Làm thế nào một người đàn bà có thể lập ra một triều đại mà không cần đến con trai làm người kế nghiệp?

Vấn đề thật nan giải. Con bà họ Lý, còn cháu bà họ Võ. Không lẽ bà truyền ngôi cho cháu mà không truyền ngôi cho con? Tuy bà có gán họ Võ cho Đán, nhưng đó chỉ là giả tạo. Dù sao chàng vẫn thuộc họ Lý và là người của nhà Đường.

Võ Hậu suy nghĩ rất nhiều. Bà có hơn mười người cháu. Bà muốn truyền ngôi lại cho Thừa Tự hoặc Tam Tư vì chúng là cháu nội của thân phụ bà. Nhưng cứ mỗi lần bà trông thấy mặt chúng, trái tim bà như cứ chìm hẳn xuống. Điệu bộ của chúng vừa có vẻ bợ đở, vừa có vẻ hợm hỉnh, khúm núm với người trên, hống hách với kẻ dưới. Càng kiểu cách bao nhiêu, chúng càng làm cho mọi người chán ghét khinh bỉ bấy nhiêu.

Riêng Nghi Tăng, một người cháu khác, tuy có cao vọng nhưng thân hình loắt choắt, xác xơ, không khác gì một người bù nhìn cắm ở ngoài ruộng để dọa đám chim xuống ăn thóc.

Những người còn lại trông còn tệ hơn Nghi Tăng. Chúng ăn mặc cách nào cũng giống bộ xương khô, chẳng có nét nào giống một vị Hoàng đế. Ngoài ra, chúng chỉ là một bọn hèn nhát, ngu xuẩn và vô học.

Trong đám cháu. Võ Hậu tương đối ưa Tam Tư hơn cả. Bà muốn lập y làm Thái tử và hỏi ý kiến quần thần.

Nhân Kiệt cực lực phản đối.

Ông đánh đòn tâm lí:

- Bệ Hạ nên chọn một trong các Hoàng tử làm người kế nghiệp. Như vậy sau này bài vị của Bệ Hạ mới được đặt trong nhà Thái miếu và thờ phụng đúng lễ nghi đời này qua đời khác. Các Hoàng đế chỉ thờ cha chú, chưa có vị Hoàng đế nào thờ dì - em mẹ - tại nhà Thái miếu. Ngoài ra xin Bệ Hạ hãy xét lại xem, con thân hay cháu thân hơn? Dù con có ngỗ nghịch, nhưng chưa chắc cháu đã nhớ ơn dì mãi mãi.

Cũng như trăm ngàn người đàn bà khác, Võ Hậu bắt đầu lo rằng khi chết đi sẽ rơi vào cảnh mồ hoang mả lạnh, quanh năm không ai hương khói thờ phụng. Bà rất sợ phải làm hồn ma đói khát. Ngoài ra, Võ Hậu linh cảm thấy những người như Tam Tư hoặc Thừa Tự rất có thể sẽ quên hoặc làm nhục bà khi bà nằm xuống. Bà rất khâm phục lí luận xác đáng của Nhân Kiệt nhưng bà vẫn chưa đầu hàng. Bà nói:

- Ấy là việc riêng trong gia đình ta. Ta sẽ quyết định.

Nhân Kiệt bồi thêm một đòn nữa:

- Xin Bệ Hạ đừng quên rằng tất cả thiên hạ đều thuộc về Bệ Hạ. Vậy đâu còn chuyện riêng hay chuyện chung nữa. Vấn đề chọn người kế vị ảnh hưởng lớn đến Hoàng tộc cũng như trăm họ trong nước. Nó liên quan đến sự an nguy của xã tắc và phải được giải quyết một cách minh bạch. Hoàng tử Triết và Đán do chính bệ hạ sinh ra, dĩ nhiên Bệ Hạ nên chọn làm người nối nghiệp.

Đã từ lâu Võ Hậu lưỡng lự trong vấn đề này. Giờ đây bà bắt đầu cảm thấy Nhân Kiệt có lí. Bà phải chọn hoặc làm mẹ hoặc làm dì của vị vua tương lai, đằng nào an toàn hơn?

Một ngày kia bà hỏi Nhân Kiệt:

- Giữa Triết và Đán, nên chọn ai?

Vẫn với lối lập luận vững chắc, rõ ràng, Nhân Kiệt trả lời:

- Dĩ nhiên nên chọn Triết vì Triết là anh.

Hoàng tử Triết, hiện là Lư Lăng Vương, đã xa Võ Hậu mười bốn năm liền. Nhờ lời đề nghị của Nhân Kiệt, Triết và vợ được triệu hồi về Kinh đô, nhưng việc này được giữ bí mật.

Mọi người chỉ biết láng máng rằng Triết bị bệnh và phải về Kinh đô để chữa.

Riêng Triết là một con chim đã bị tên, thấy cây cung là sợ. Chàng tuân lệnh trong sự sợ hãi lo âu. Chàng không hiểu lần này về Kinh đô, số phận chàng sẽ ra sao?

Một lần nữa Nhân Kiệt vào cung để nhắc nhở Võ Hậu nên có ý định dứt khoát. Ông hồ nghi, không hiểu tại sao Võ Hậu lại phải giữ bí mật chuyện triệu hồi Triết về làm Thái tử. Bà còn có ẩn ý gì chăng?

Nhân Kiệt lại phải dùng đến tài hùng biện của mình để thuyết phục Võ Hậu.

Ông khéo léo khơi động tình mẫu tử đang tiềm tàng trong lòng bà. Cuối cùng bà nghe theo lời ông, không hiểu vì tình mẫu tử thiêng liêng hay vì bà muốn sau này có người hương khói phụng thờ.

Bà lên tiếng gọi Triết, và chàng bước ra từ sau một tấm màn.

Bà thân mật nói với Nhân kiệt:

- Ta trả Thái tử cho khanh đó?

Nhân Kiệt và Triết đều quỳ xuống tạ ơn.

Nhân Kiệt không quên chúc mừng bà đã có một quyết định sáng suốt.

Ông nói:

- Chuyện này không nên giữ bí mật.

- Khanh có ý kiến gì hay?

- Theo hạ thần, Bệ Hạ nên cho dân chúng chứng kiến cuộc trở về của Thái Tử, Bệ hạ nên tổ chức một cuộc tiếp đón long trọng để ngôi Thái Tử được công khai thừa nhận.

Võ Hậu nhất nhất nghe theo sự xếp đặt của Nhân Kiệt.

Cuộc tiếp đón Thái Tử được tổ chức vào tháng ba năm 698.

Quá thất vọng vì giấc mộng làm vua đã tan theo mây khói, Thừa Tự sinh bệnh và chết vào tháng mười một năm đó.

Riêng Đán rất vui lòng nhường ngôi Thái Tử cho Triết.

Năm sau tôi và các con của chú Đán rất vui mừng được rời khỏi hậu cung để sống đời tự do như trước. Lúc đó tôi đã hai mươi chín tuổi và đương kim Thánh Hoàng - con của chú Đán - mới mười bốn tuổi.

Tôi cảm thấy mình không khác một con chim vừa sổ lồng. Đáng lẽ tôi phải rất khích động vì được tự do dạo phố, nhìn lại các cửa tiệm của các khu dân cư đông đúc, nhưng sự thật trái lại. Dường như lòng tôi đã nguội lạnh từ lâu. Mọi việc trên đời đối với tôi đã trở nên tầm thường. Phải mất mấy năm trời tôi mới bỏ được thói quen ít nói, thận trọng và nhút nhát, để sống lại cuộc đời bình thường.

Địch Nhân Kiệt đã già. Cuộc đời ông là một chuỗi ngày tận tụy hy sinh cho xã tắc. Võ Hậu rất kính nể ông và coi ông như người trong Hoàng tộc. Trong tất cả các cuộc họp mặt, ông đều được đặc biệt tôn kính. Võ Hậu không gọi ông bằng tên hay bằng chức vụ, mà gọi ông là Quốc Lão để tỏ rõ địa vị cao quý của ông.

Tuy Triết đã được chọn làm người kế vị. Nhân Kiệt thấy rõ sẽ còn xung đột giữa họ Lý và họ Võ, vì quyền hành vẫn do họ Võ nắm giữ. Ông tự hỏi cuộc xung đột sẽ kết thúc ra sao? Nhưng có một điều ông biết chắc là phải cần đến những người tích cực hoạt động và can đảm phi thường mới có thể giải quyết vấn đề. Võ Hậu triệt để nghe lời tiến cử của ông, nên xung quanh ông đã có một đám người dám nói dám làm; sẵn sàng đoàn kết để đương đầu với mọi biến cố. Còn ai giàu kinh nghiệm và can đảm hơn Ngụy Viễn Chung. Còn ai hăng say với nhiệm vụ bằng Diêu Sủng và Tống Cảnh.

Nhưng điều khiến cho Nhân Kiệt bận tâm hơn cả là làm thế nào lật đổ nhà Chu. Ông cần phải có những người tâm phúc.

Người đầu tiên ông nghĩ tới là Trương Giản Chi, một bạn thân từ hồi còn nhỏ. Hiện thời Giản Chi chỉ giữ một chức quan nhỏ. Nhân Kiệt biết rõ Giản Chi là người thâm trầm, ít nói, nhưng tài ba xuất chúng. Hai người có chung một ý nguyện khôi phục nhà Đường.

Một ngày kia Võ Hậu bảo Nhân Kiệt tìm một người có khả năng để giữ một nhiệm vụ quan trọng.

Nhân Kiệt hỏi:

- Tâu Bệ Hạ, người đó phải như thế nào?

- Y phải tài ba hơn người, nghĩa là phải nghĩ và hành động trước người khác.

- Nhiệm vụ của người đó là gì, tâu Bệ Hạ?

- Y phải văn võ kiêm toàn, vừa có thể điều khiển việc triều chính, vừa có thể làm Nguyên soái nơi trận mạc.

- Vậy thì không ai bằng Trương Giản Chi.

Không hiểu Võ Hậu nghĩ sao, bà hạ lệnh cho Giản Chi về giữ chức Trưởng quan tại một quận thuộc Kinh đô. Tuy chức vụ này quan trọng nhưng chưa được như lời Võ Hậu nói. Có lẽ bà muốn thử tài Giản Chi.

Một ngày khác Võ Hậu lại bảo Nhân Kiệt tìm người tài giỏi để trọng dụng.

Nhân Kiệt nói:

- Hạ thần đã tiến cử Giản Chi rồi mà.

- Trẫm đã dùng y rồi.

- Không phải như vay. Thần tiến cử y làm Thừa tướng chứ không phải làm một chức quan nhỏ như vậy.

Võ Hậu phong Giản Chi làm Phó thượng thư bộ Hình. Thế là ông trở nên nhân vật quan trọng.

Nhân Kiệt cảm thấy mình đã già và chẳng còn sống được bao lâu nữa. Ông biết ông sẽ ra đi trong sung sướng vì trong cuộc cờ chính trị ông đã đi những nước cao và đang thắng thế, phần còn lại ông phó mặc cho Trời. Có lẽ Trời không nỡ phụ lòng ông. Sau này chính những người do ông tiến cử như Giản Chi, Diêu Sủng, Kỉnh Huy, Quang Ngạn Phạm, Thôi Ngươi Huy, Viên Thứ Kỷ thành công trong việc khôi phục nhà Đường.

Năm 700, sau khi Nhân Kiệt trăn trối những việc phải làm cho Giản Chi, Địch Nhân Kiệt nhắm mắt từ trần. Lúc đó ông bảy mươi mốt tuổi.

Bộ óc lớn nhất thời đại không còn nữa!

Hồi 22

Viện Chim Hạc

Trước khi Nhân Kiệt chết, Võ Hậu đã bắt đầu dan díu với hai anh em họ Trương - mới ngoài hai mươi tuổi.

Dưới mắt Nhân Kiệt, chúng chỉ là nàng hầu của Võ Hậu, không đáng để ý. Hơn nữa đó là chuyện tình ái của Võ Hậu, ông chẳng cần bận tậm đối với ông, chúng có ích hơn là có hại. Ông có thể lợi dụng chúng để xúi dục Võ Hậu làm theo ý ông. Chính vụ Triết được chọn làm Thái tử một phần cũng nhờ chúng nói giúp.

Ngụy Viễn Chung đã có lần vào can gián Võ Hậu không nên mê đắm anh em họ Trương và để chúng trong khuê phòng, vì đây là một hành động tội lỗi có thể đưa nhà Chu đến chỗ diệt vong.

Nhưng Nhân Kiệt không quá tử tế với Võ hậu như vậy. Theo ông nghĩ, sự đam mê của Võ Hậu sẽ giúp ông khôi phục nhà Đường dễ dàng hơn.

Võ Hậu cảm thấy chưa thỏa mản với quan Thái y họ Trầm. Bà cần phải có hai, ba, bốn, hoặc nhiều người yêu hơn nữa. Các Hoàng đế có nhiều cung nữ, bà cũng phải có nhiều "cung nam". Vả lại bà đã già - bảy mươi ba tuổi - cần phải giải trí. Xưa nay các vị vua già vẫn còn thích gái tơ - dù chẳng làm ăn gì được - vậy tại sao bà không có quyền giữ các trai tơ trong khuê phòng?

Anh em họ Trương thật trẻ, trắng trẻo và đẹp trai. Người anh tên là Trương Diệc Chi - đừng lầm với ông già Trương Giản Chi, bạn của Nhân Kiệt - và người em tên là Trương Xương Tôn.

Mọi người thường gọi chúng là Ngũ Lang và Lục Lang vì chúng là con thứ năm và thứ sáu trong gia đình họ Trương.

Hai anh em thường đánh phấn thoa son, đầu tóc láng mượt và ngậm bạc hà cho thơm miệng. Đặc biệt, gã Lục Lang rất xinh trai, mọi người thường bảo mặt đẹp như một đóa sen. Cả hai anh em đều túc trực trong cung, mặc dầu chúng đã được Võ Hậu cấp cho dinh thự, đất đai riêng và vô số kẻ hầu người hạ.

Xương Tôn do Công Chúa Thái Bình khám phá ra. Sau khi biết rõ khả năng của gã Công Chúa hớn hở khoe với Võ Hậu.

Võ Hậu vời gã vào ngay và sáng hôm sau bà công nhận những lời Công Chúa quảng cáo về gã đều đúng sự thật. Bà ban thưởng Xương Tôn rất hậu khiến gã hứng chí khoe với bà rằng anh ruột của gã là Diệc Chi còn nghề hơn gã nhiều; Diệc Chi rất chuyên môn về khoa kích thích và làm đàn bà hồi xuân.

Võ Hậu lập tức cho gọi Diệc Chi vào để thử và quả nhiên gã làm bà một trận mê tơi.

Dù sao phải công nhận bà càng già càng dẻo càng dai.

Năm sáu mươi bảy tuổi, Võ Hậu mọc thêm một chiếc răng khôn. Năm bảy mươi tư tuổi có lẽ vì dùng quá nhiều thuốc kích thích của Diệc Chi, bà mọc thêm một cặp lông mày và bà tổ chức một bữa tiệc ăn mừng. Giả sử bà mọc thêm một cặp ria mép cũng không có gì là lạ.

Xương Tôn có thân hình hấp dẫn hơn, nhưng kỉ thuật không bằng Diệc Chi. Trong hai người khó biết nên chọn ai. Hay hơn hết là chọn cả hai. Hơn nữa như vậy mẹ con Võ Hậu dễ trao đổi hơn. Xương Tôn và Diệc Chi dĩ nhiên trẻ, đẹp và vui vẻ hơn nhà sư điên hay ông lão họ Trầm làm nghề bốc thuốc.

Võ Hậu bắt hai gã phải luôn luôn ở bên bà. Bà không sống nổi nếu thiếu chúng.

Chuyện tình của Võ Hậu có vẻ khó tin nhưng chưa lạ bằng máu ghen của bà - một bà già ngoài bảy mươi ghen với một cô gái vì tranh nhau một chàng trai!

Thượng Quan Uyển Nhi là cháu nội Thượng Quan Nghi. Thượng Quan Nghi là người đã cùng vua Cao Tôn mưu truất ngôi Võ Hậu nhưng không thành và bị bà giết, cả gia đình bi bắt làm nô lệ - xem chương 8.

Uyển Nhi may mắn được vào giúp việc trong cung. Nàng lớn lên giữa triều nội và nhờ văn hay chữ tốt nàng được Võ Hậu cho giữ việc soạn thảo các chiếu chỉ. Nàng thầm yêu Xương Tôn và gã cũng để ý đến nàng. Hai người thường có dịp thấy mặt nhau trong các buổi tiệc tùng hoặc giải trí và đều tìm cơ hội đưa mắt tống tình nhau. Một hôm nhân lúc bốc đồng, hai người có những cử chỉ quá lộ liễu khiến Võ Hậu bắt gặp. Bà nói lớn:

- Quân này to gan thực!

Vừa nói bà rút ra một lưỡi dao nhỏ bằng vàng và đâm vào mặt Uyển Nhi.

Nàng vội thụt lui để tránh nhưng vẫn bị mũi dao sượt vào trán.

Cũng may, Xương Tôn kịp thời quỳ xuống xin tội dùm nàng, nên Võ Hậu mới nguôi.

Từ đó về sau nàng luôn luôn để xõa tóc để che vết sẹo, và nàng cũng hết dám liếc mắt đưa tình với Xương Tôn, nhất là khi có mặt Võ Hậu.

Thực ra, Uyển Nhi cũng chẳng hiền lành gì. Đến đời vua Trung Tôn - Triết - nàng trở thành một nữ ma đầu, thường cùng Vi Hậu - vợ Triết - tư thông với Võ Tam Tư và gây rất nhiều sóng gió trong triều đình.

Nhiều người tự hỏi anh em họ Trương giữ chức vụ gì trong cung và thuộc cơ quan nào?

Dĩ nhiên Võ Hậu không bao giờ muốn hai gã bận với công việc gì, dù là việc của một vị Thừa tướng, Thượng thư hay Trưởng quan tại các cơ quan biệt lập. Nhưng bà cần phải tránh tai tiếng và hợp thức hóa sự có mặt của hai gã ở trong cung.

Bà đặt ra một cơ quan mới, Viện Chim Hạc, và cho Diệc Chi làm Viện trưởng.

Sở dĩ bà đặt ra Viện Chim Hạc là tượng trưng cho đạo giáo - do Lão Tử sáng lập, các bậc thần tiên thường cưỡi chim này. Theo Võ Hậu, nếu phong cho anh em họ Trương làm Nội thị, chức này nghe có vẻ phàm tục quá; còn nếu phong cho chúng làm Quan Giữ Bô (để vua đi tiểu) thì lại có vẻ thực tế quá, đến mức phũ phàng. Nhưng nếu đã đặt ra một viện, thì viện đó phải có nhiệm vụ nhất định.

Viện Chim Hạc có nhiệm vụ nghiên cứu tinh thần, soạn thảo một Tuyển tập và Tam Bảo trong đó ghi chép những lời nói của Khổng Tử, Lão Tử và Phật Thích Ca, cũng những tư tưởng của các bậc thần nhân khác.

Thực ra Viện Chim Hạc gồm một bọn người làm ít chơi nhiều, tuy cũng có một vài học giả chân chính. Chúng thường a dua, bợ đỡ Võ Hậu, hoặc tụ tập nhau rượu chè cờ bạc.

Người ta có cảm tưởng rằng Võ Hậu đã tổ chức một động tiên cho bọn thuộc hạ vui chơi thỏa thích, và người ta nhớ tới cảnh trác táng của Hoàng đế nhà Tùy, đến nỗi mất ngôi vì mỏi gối.

Có vài kẻ còn bịa ra rằng Xương Tôn là hiện thân của một đệ tử của Lão Tử. Gã thường mặc áo lông chim, miệng thổi sáo và cưỡi trên lưng một con hạc gỗ trong vườn thượng uyển để biến giấc mộng thần tiên của Võ Hậu thành sự thực.

Rốt cuộc, Viện Chim Hạc trở thành nơi qui tụ các gã đẹp trai, trung tâm đồng tính luyến ái nổi tiếng thời bấy giờ.

Một gã trẻ tuổi họ Vi đã huênh hoang tuyên bố rằng gã có đủ điều kiện để gia nhập Viện Chim Hạc vì hạ bộ gã rất đẹp.

Khi lời nói phạm thượng này tới tai Chu Thanh Sắc, một vị quan thâm nho - xem chương 19. Ông đùng đùng nổi giận, lập tức viết một bức thư cho Võ Hậu:

- Tâu Bệ Hạ, thần nghĩ rằng anh em họ Trương đã quá đủ cho cho Bệ Hạ, đâu cần tìm thêm ai khác. Triều đình đã mang tiếng quá nhiều. Vừa rồi thần lại nghe Vi Hữu Tường yêu cầu được vào phục thị trong cung vì gã có những khả năng bẩn thỉu, và xung quanh gã còn nhiều kẻ khác.

Sau khi đọc bức thư, Võ Hậu gọi Chu nói:

- Cảm ơn khanh đã nhắc nhở. Trẫm thực tình không biết.

Những học giả có một chút khí phách của bậc nho sĩ đều lắc đầu trước cảnh phong hóa suy đồi này.

Tống Cảnh đã có lần nhục mạ Xương Tôn bằng cách cười vào mũi gã và gọi gã bằng bà. Một lần khác, anh em họ Trương rủ bọn lái buôn đất Tứ Xuyên vào cung đánh bạc, quan Trung Thư họ Ngụy lập tức nắm cả bọn lái buôn vứt ra ngoài.

Sau bức thư của họ Chu, Võ Hậu khám phá ra rằng Viện Chim Hạc của bà nổi tiếng đến mức độ kinh khủng. Bà vội đổi tên Viện này thành Phủ Nội thị để khỏi bị chú ý và bà dễ làm ăn.

Có người tính ra rằng ngoài những lúc chè chén say sưa, Võ Hậu dành một nửa thời giờ để sống trên giường.

Thiên hạ đàm tiếu mỗi lúc một nhiều.

Hai người con lớn của Triết - một trai, một gái - cũng dại dột buông lời nói ra nói vào.

Không may đến tai Võ Hậu, bà nổi giận. Bà sai người đánh hai đứa cháu ruột đến chết, sau đó bà còn bắt chồng mới cưới của đứa cháu gái tên là Kỳ - con Thừa Tự - phải tự thắt cổ.

Trời già vẫn không làm Võ Hậu trầm tĩnh chút nào.