Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Mở Đầu - Phần 1

LỜI TỰA

Từ ba thập niên trở lại đây, nếu như xã hội học lịch sử về các nền văn minh Đông Á đạt được tiến bộ đáng kể, thì chủ yếu là trong việc nghiên cứu các tầng lớp bình dân hay tầng lớp tư sản lớn thời hiện đại. Ngược lại, tầng lớp thượng lưu xưa, những giai cấp hay thành phần xã hội thống trị, vẫn còn nằm quá lâu trong bóng tối, bắt đầu từ các quan chức cao cấp của các nước thuộc văn minh Trung Hoa, chưa bao giờ trở thành đối tương nghiên cứu có quy mô lớn, kể từ những nghiên cứu của Ch’ü T’ung-tsu (Cù Đồng Tổ), Étienne Balazs và Robert Hartwell, cho đến những khảo cứu gần đây của Pierre-Étienne Will, Paul Smith và Christian Lamouroux, nếu không kể đến các công trình Trung Hoa và Nhật Bản*.

* Ch’ü T’ung-tsu (Cù Đồng Tổ), Local Government in China under the Ch’ing, Cambridge (Mass.), Harvard University Press, 1962. Balazs, É. La bureaucratie céleste, Paris, 1e éd.: Gallimard-Bibliothèque des Sciences Humaines, 1968. Hartwell, R. M. “Financial Expertise, Examinations, and the Formulation of Economic Policy in Northern Sung China”, Journal of Asian Studies, vol. 30/2, 1971, tr. 281-314. Will, P.- É, Bureaucratie et famine en Chine au XVIIIe siècle, Paris, EHESS, 1980. Smith, P.J., Taxing Heaven’s Storehouse: horses, bureaucrats, and the destruction of the Sichuan tea industry, 1074-1224, Cambridge (Mass)/London, Harvard University Press, 1991. Lamouroux, Ch. Fiscalité, politiques financières et comptabilités publiques dans la Chine des Song - le chapitre 179 du Songshi, Paris, Institut des Hautes Études Chinoises, 2003.

Về chế độ quan trường Nhà nước ở Đông Nam Á, cụ thể là ở Việt Nam xưa, hiểu biết của chúng ta đặc biệt hãy còn khiêm tốn. Bằng chứng là những hình ảnh tập thể ngày nay vẫn luôn chịu ảnh hưởng của cách đọc và những định đề thừa kế của nền sử học thuộc địa và các nhà truyền giáo, cũng như nền sử học mang đậm tính dân tộc chủ nghĩa của Việt Nam thế kỷ XX. Những nhận định này, trừ một vài biệt lệ đáng kể và sự khác biệt của một số người khởi xướng trong các thế kỷ XVIII và XIX, còn thì thường được diễn giải, thậm chí là áp đặt, theo mô hình khuôn mẫu của một nền quan lại thối nát và bất lực, trì trệ và xơ cứng, tê liệt trong bảo thủ, cứng nhắc và cổ lỗ. Nói chung, những cuộc điều tra về truyền thống hành chính Viễn Đông chỉ bó hẹp, ít ra là đến thời gian gần đây, trong các quan lại chính thức, và nhiều khi chỉ là mô tả thiết chế của cách thức đào tạo và tuyển dụng - bằng con đường thi cử hay bằng xuy cử - cũng như sự vận hành của bộ máy hành chính mà bản thân nó khá phức tạp. Kết quả của những nghiên cứu hiện có là đáng kể. Nhưng nói thật ra, những công trình nghiên cứu trong tay ta, có ý định khoanh lại diện mạo xã hội học của chế độ hành chính xưa và nay, trong hai lĩnh vực dân sự và quân sự, vẫn còn ít, và hơn nữa, trong trường hợp Việt Nam, thường bỏ qua tầm vóc hiện đại, thực tế hơn người ta vẫn nói. Còn những công trình tìm cách đi sâu vào cơ chế vận hành giữa bộ máy hành chính và các thành phần xã hội mà nó cai trị, đặc biệt là những thuộc viên đảm nhiệm công việc thường ngày, “hệ thống lại viên” mà công trình này nhắc đến, thì lại càng hiếm hơn. Đấy là chưa nói đến khía cạnh địa lý lịch sử của nền hành chính vẫn còn ít được biết đến, chí ít thì cũng chưa có gì chắc chắn.

Đấy là những chủ đề cơ bản của cuốn sách tiên phong này. Nó đề cập trong bối cảnh xứ Bắc Kỳ, khi kết thúc nền độc lập của Đại Nam (tên gọi thời đó của nước Việt Nam ngày nay), và trong bốn thập niên đầu của nền bảo hộ Pháp, giai đoạn bản lề trong đó công thức chính trị của chế độ thuộc địa ở Đông Dương đang được tìm kiếm và hoàn thành việc chuyển từ “chế độ quan lại thời chinh phục” sang một “chế độ quan lại thời quản lý”. Những đóng góp của công trình này là khá mới mẻ. Trước hết là sự phong phú của tư liệu đầu tay, bằng chữ Hán, chữ Việt hay chữ Pháp, đã được khai thác kiên nhẫn, tập hợp và xứ lý ở đây. Đặc biệt đấy là những phông riêng của kinh lược Bắc Kỳ và phông của thống sứ Bắc Kỳ được bảo quản tại Lưu trữ Quốc gia Hà Nội, mà những hồ sơ hành trạng đã cung cấp nhiều yếu tố phong phú cho công trình lịch sử đầu tiên mang tính xã hội học về chế độ quan lại Bắc Việt Nam đầu thế kỷ XX này. Dưới ánh sáng nguồn tư liệu của triều đình và những công trình gần đây của các nhà sử học Việt Nam, hai chương đầu cuốn sách dựa vào việc nghiên cứu cực kỳ chính xác tính phức tạp của cấu trúc hành chính xưa, về cách thức đào tạo và tập sự, về thể thức chi trả lương bổng và thang bậc thăng tiến, về nền văn hóa riêng biệt và truyền thống triều đình trong việc cải tổ thường xuyên dưới các triều Lê và Nguyễn.

Điều thứ hai cần nhấn mạnh là tính độc đáo của cách tiếp cận vấn đề và phương pháp đã được vận dụng trong nghiên cứu này. Càng đọc, ta càng có những phát hiện đáng ngạc nhiên. Nếu như vấn đề các quan triều đình ít có gốc gác tại địa phương thường được làm sáng tỏ, thì sự tồn tại lâu dài của những làng và tỉnh sản sinh ra các quan (bốn tỉnh Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh và Hải Dương), việc tuyển dụng rất tập trung, cụ thể là ở năm huyện ngoại vi của kinh thành, cả một nền địa dư, tuy cổ xưa nhưng vẫn được duy trì hơn bao giờ hết dưới thời thuộc địa, từ gốc gác những người đỗ đạt và những dòng họ làm quan, cũng như lại viên các văn phòng, là bấy nhiêu điều phát hiện. Dưới thời thuộc Pháp, xu hướng “Bắc hà hóa” tuyển dụng đã được khẳng định, ngược lại với thế kỷ trước. Không kém phần mới mẻ là việc xét lại một cách lành mạnh về mặt lịch sử cách nhìn đối với hiện tượng quan trường Việt Nam, về tính hai mặt trong sự dung hợp với chế độ thuộc địa và tương lai lịch sử của quan trường, mà cuốn sách đã vượt ra khỏi lối mòn mạnh hơn ta tưởng, đã buộc phải bắt đầu từ việc khai thác tỉ mỉ hàng loạt hồ sơ hành trạng của các quan lại Bắc Kỳ trong giai đoạn được nói đến.

Thật vậy, đâu là số phận của hệ thống quan lại, khi nó phải đối mặt với vấn đề lịch sử mới do chế độ thuộc địa thiết lập? Ở đây chỉ nêu lên vài câu trả lời mà Emmanuel Poisson đã giải đáp câu hỏi đó. Thứ nhất là sức sống liên tục, tính năng động, của hiện tượng quan trường từ chế độ này sang chế độ khác. Vì hệ thống quan lại châu Á không có nghĩa là nặng nề, đè nén lên xã hội. Nó không phải hay không giống nền hành chính Sa hoàng nước Nga với thế giới nhỏ hẹp của các quan thanh tra mà Gogol thích miêu tả, thường bị giới trí thức Nga thế kỷ XIX lên án. Ở ViệtNam bộ máy hành chính của triều đình tương đối nhẹ hơn (dù cho nó có dày đặc hơn Trung Quốc), dưới thời đô hộ Pháp nó vẫn như vậy, ít ra là đến những năm 1920. Cách thức tuyển dụng quan lại, việc bắt buộc phải trải qua “các lò rèn đúc nhân tài” của các trường học chữ Hán rất sống động và có tiếng, kể cả những trường ở một số làng, ở đó các thầy truyền đạt cho học trò những công thức lập luận không thể xóa mờ, vẫn không thay đổi cho đến kỳ thi hương cuối cùng tại Nam Định vào năm 1918. Hậu quả là, giống như những người tiền nhiệm, các quan của nhà nước bảo hộ Bắc Kỳ gồm hơn hai phần ba là người đỗ đạt qua các kỳ thi khó khăn đó, và họ không bị cắt rời khỏi thực tế như người ta nói. Công trình này còn nêu rõ tính liên tục của sách lược cá nhân và dòng họ để đi vào hoạn lộ, cũng như sức mạnh của hệ thống thuộc lại bên trong bộ máy quan trường. Từ đấy có thể thấy là nhầm lẫn, hình ảnh “viên thông ngôn tầm thường” hay “kẻ đao bút”** được bổ làm quan lớn do đã có “lòng tận tụy” với kẻ thống trị ngoại bang, hình ảnh này thường được các nhà báo thuộc địa cũng như phần lớn các tác giả chống thực dân phổ biến một cách dễ dãi. Trong giới quan trường đầu thế kỷ XX, những thuộc viên đắc lực của cuộc xâm lược, những chuyên gia đàn áp, trên thực tế rõ ràng chiếm số ít. Những người ra làm quan theo con đường cổ điển chiếm đa số. Giới quan lại cao cấp đã trở thành đối tác không thể bỏ qua của nền Bảo hộ, ít nhất nhờ kinh nghiệm và “hiểu biết công việc”, theo cách nói xác đáng mà tác giả lấy lại của Max Weber.

** Đao bút: người làm lại đời xưa, có việc gì thì chép vào quyển sách bằng trúc, nếu lầm, lấy dao cất đi, nên gọi đao bút.

Hiệu năng của bộ máy quan lại không hề giảm sút, nó còn được cải thiện bằng việc cấy ghép thêm những truyền thống và khoa học hành chính Pháp. Dù không chống lại chế độ thuộc địa, giới quan trường Việt Nam không chỉ là những kẻ bù nhìn tham nhũng. Về mặt xã hội và cách ứng xử công việc, họ thường có một kinh nghiệm thực hành lâu dài, đa dạng và cụ thể, tích lũy trong quá trình thăng tiến qua các bậc thang hành chính. Ngoài ra, các công sứ Pháp rất chú trọng việc duy trì một mối quan hệ có tính hợp tác với quan chức Việt Nam trong chừng mực có thể. Giữa hai bên không thiếu gì mâu thuẫn, nhưng Nhà nước bảo hộ buộc phải luồn lách một cách thực dụng vào cấu trúc quan lại Việt Nam, đồng thời tìm cách hợp lý hóa và hiện đại hóa nó, cụ thể bằng việc thành lập trường Hậu bổ năm 1897, cũng như ở miền Thượng du thì dựa vào các thủ lĩnh dân tộc và các dòng họ lớn người Tày, người Thái. Người Pháp không thể cai trị chống lại tầng lớp thượng lưu thuộc địa, như các viên chức cao cấp sáng suốt đã nhìn thấy, từ Jean-Louis de Lanessan đến Albert Sarraut, và trên quan điểm đó, vị trí lịch sử của chế độ quan lại không thể nào không gợi đến cái mà sau này ở Pháp người ta gọi là “sự hợp tác”. Nhưng tầng lớp quan lại ưu tú đã không bị chế độ thuộc địa biến thành kẻ thừa hành làm công việc kỹ thuật, bị công cụ hóa và dễ vâng lời, tuy họ vẫn chấp nhận chế độ đó, cụ thể là chế độ thuế khóa nặng nề, vì nhờ vậy họ đạt được tự chủ với triều đình Huế. Đấy là hai chiều kích của vị trí lịch sử mới của quan lại, vừa không thể tách rời vừa mâu thuẫn nhau, và chính trong sự căng thẳng thường xuyên đó mà quyền lực thuộc địa được vận hành.

Trong giai đoạn đầu đó của kỷ nguyên thuộc địa, quan lại trở thành người trọng tài, tất nhiên không phải là vô tư, của vô số vụ xung đột quyền lợi địa phương, là người điều chỉnh gắn bó với cuộc sống nông thôn. Họ thường xuyên tỏ ra có đầu óc cách tân, tìm cách hiện đại hóa công việc xã hội và các phong tục, khai thác có lợi cho xã hội thuộc địa chức năng hiện đại hóa có chọn lọc và có giới hạn mà chế độ thuộc địa không thể từ bỏ vì lợi ích của nó. Một số lớn quan lại đã tham gia một cách thận trọng vào các hoạt động cải lương dân tộc đầu thế kỷ, điều đó dù sao cũng phù hợp với văn hóa về trách nhiệm đối với việc công và với cải cách từ bên trên mà các quan đã chia xẻ ít nhiều từ lâu. Quả thật đã có một xu hướng cải cách quan trường, đôi khi gắn với phong trào dân tộc cách tân của những năm 1905-1914, vì vậy chính quyền Pháp không ngừng nghi ngờ các quan chơi trò hai mặt. Thực tế là cải cách hành chính thuộc địa đã kết hợp với cuộc cải cách của triều đình sẵn có từ trước. Cụ thể là cho đến sau Thế chiến thứ nhất, chưa bao giờ sự kết hợp giữa tầng lớp quan chức ưu tú và các tầng lớp xã hội bị gián đoạn thực sự. Cuối cùng, Emmanuel Poisson đã đem lại sự soi sáng mới về tầm quan trọng chưa được biết đến của quyền lực không chính thức trong tay các thuộc lại, những “con người phải luồn lách”, của hạ tầng bộ máy hành chính và những quan hệ phức tạp, bắt rễ sâu vào nền tảng địa phương. Vai trò của nó, chia sẻ với quan cấp dưới là các “quan phủ” và “quan huyện”, có tính quyết định trong việc thực thi hữu hiệu và đa dạng của nhà nước thuộc địa để quản lý hàng ngày mười nghìn làng của Bắc Kỳ, như vị trí lịch sử mang tính chiến lược của nó, nằm ở bản lề giữa làng xã với quan chức hàng tỉnh, vào điểm giao nhau của quyền lực thuộc địa, quyền lực quan lại và kỳ hào làng xã, giữa lòng của sự quản lý thuộc địa đối với xã hội bị đô hộ, của cái mà ta có thể gọi là sự thỏa hiệp lịch sử - một sự thỏa hiệp đương nhiên không bình đẳng - của chế độ thuộc địa Đông Dương.

Điều mà công trình nghiên cứu này gợi lên mạnh mẽ, rốt cùng là tính tự trị vững chắc của các xã hội Đông Á ở buổi đầu thế kỷ XX và trước đó nữa, cũng như việc các hệ thống quan lại - ngay cả trong thời đại hiện đại hóa tương đối của chế độ thuộc địa (mà có lẽ người ta không nên đánh giá thấp) - có khả năng tiếp nhận những đòi hỏi, những áp lực, những mưu toan ở mức vi mô, vô vàn lợi ích và sự giằng xé của những xã hội nông dân vẫn sống động và nói chung, những xã hội dân sự theo kiểu cũ. Những người đứng đầu Nhà nước - kể cả Nhà nước thuộc địa - thường xuyên chạy theo hai nguy cơ nhìn thấy xã hội bị tuột khỏi tay mình hay bị vô hiệu hóa từ bên trong công cụ chỉ đạo, và vận hành trống không như trong trường hợp khủng hoảng nặng nề vào thời Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX hay muộn hơn vào năm 1930-1931 và năm 1944-1945. Các nhà nước nhìn bề ngoài có vẻ như chuyên chế, nhưng lại như là bị cầm tù, nhiều khi kiệt sức vì phải huy động các xã hội ít được thể chế hóa, luồn lách, phản ứng hay chống lại một cách thụ động. Mặc cho sức mạnh và tính duy lý cao, nhà nước thuộc địa cũng bị cầm tù trong các màng lưới của chế độ quan lại và thuộc lại, nơi tiết ra áp lực của nông thôn. Đương nhiên không nên quan trọng hóa tầm vóc của sự lệ thuộc tiềm ẩn đó: nhà nước thuộc địa vẫn làm chủ sự điều hành lịch sử và việc quyết định đường lối cũng như không ngừng can thiệp vào sự phát triển của xã hội, đặt áp lực lên nó. Tuy không nắm giữ tất cả quyền lực, các quan vẫn là những người cung cấp tin không thể thiếu của nhà nước đó, những người thừa hành hiểu biết, đôi khi là những cố vấn, thực chất và phần đông là những người phụ thuộc nhưng cùng quyết định.

Những nhà nước đó không nên được xem như là ngưng trệ mà là tự cải cách, với hai trách nhiệm hữu cơ - tất nhiên nó đảm đương với thành công ít hay nhiều tùy theo hoàn cảnh lịch sử - là hiện đại hóa xã hội và hiện đại hóa công việc hành chính, cả hai cái đều không thể tách rời. Cuốn sách này cho thấy sự lo toan của chính quyền để hoàn thiện không ngừng khả năng huy động xã hội bên dưới, không phải chỉ bắt đầu dưới thời thuộc địa. Cải cách hành chính là mối quan tâm thường xuyên đối với các vua Việt Namtrong thế kỷ XIX. Nó được chuyển sang cho các công chức Pháp của Nhà nước Bảo hộ, bản thân họ đã đến với sứ mệnh khai hóa, đặc biệt trong hai mươi năm đầu của thế kỷ XX, trong thời gian đó cải cách quan chế là đề tài nổi bật vì nó quyết định việc chế độ thực dân có nắm được hay không nền thuộc địa. Quả thật tại Đông Dương thuộc Pháp, vào hạ tuần của một biến động lịch sử chưa từng có, chế độ quan trường vẫn liên tục phát triển, đặc biệt trong cách thức cai trị xã hội. Nền thuộc địa rõ ràng đã thắng thế, nhưng để quản lý nó vẫn buộc phải ủy quyền cho hệ thống quan lại. Nó cũng cần đến sự hợp tác với quan lại triều đình (ít nhất là đến những năm 1920), và điều đó không phải là theo một hướng duy nhất. Phải chăng chúng ta còn phải nhấn mạnh rằng sự vận hành kéo dài của quan trường trong hai khu vực bảo hộ của Đông Dương thuộc Pháp là Bắc Kỳ và Trung Kỳ, là trường hợp duy nhất ở Đông Á? Phải chăng đây là trường hợp quan trường lớn duy nhất ở châu Á đã được duy trì dù cho xấu tốt thế nào chăng nữa, không chỉ ở chóp bu mà cả trong từng tế bào xã hội cho đến khi nó bị thủ tiêu hoàn toàn với sự tan rã của cuộc chiếm đóng Nhật Bản và của cách mạng năm 1945? Nó có được thay thế không? Chính ở những câu hỏi mạnh mẽ này mà cuốn sách quan trọng này được khép lại.

DANIEL HÉMERY

---

DẪN LUẬN

Mặc cho những biến động do cuộc xâm lược gây ra và những kháng cự của người Việt, chế độ quan trường ở miền Bắc Việt Nam trong thế kỷ XX vẫn trường tồn: có thể gọi như vậy cái nghịch lý từ đó bắt nguồn công trình nghiên cứu của chúng tôi. Biến động chính trị có vẻ mang tầm vóc lớn hơn so với những điều nó làm nảy sinh trong hệ thống hành chính. Phải chăng từ đó ta có thể suy rằng biến đổi của nền hành chính dân sự tuân theo một lôgic khác với những gì diễn ra trong biến đổi về chính trị do việc mất chủ quyền đem lại? Thật vậy, không thể trả lời dễ dàng câu hỏi đó, nhưng đặt vấn đề một cách thô bạo có cái lợi là chuyển dịch được góc độ phân tích. Vì vậy nó giải thích công trình nghiên cứu hành chính nhà nước ở giai đoạn bản lề của nước Đại Nam[1] với nền đô hộ Pháp, vào thời điểm mà hệ thống chính trị triều Nguyễn và hệ thống quyền lực mới đang được xây dựng tại Bắc Kỳ khó ăn khớp với nhau. Ý đồ duy lý hóa bộ máy quan lại mở đầu từ gần cuối thế kỷ XIX trên thực tế chẳng phải đã được khởi nguồn từ rất lâu đó chăng? Chẳng phải nó đã kéo từ những cải cách của Lê Thánh Tông ở thế kỷ XV, đến cải cách của Minh Mạng vào đầu thế kỷ XIX đó sao? Câu hỏi này có vẻ có hiệu quả hơn cách đặt vấn đề đã cũ về một quá trình hiện đại hóa hành chính đơn giản, đồng nghĩa với việc cải cách triệt để do chế độ thuộc địa đem lại. Phần lớn những tranh luận về chủ đề cải cách hành chính trước ngưỡng cửa của thế kỷ XX chẳng phải là tiếng vọng của những cuộc tranh luận từ thời tiền thuộc địa đó sao?

[1] Đại Nam, tên nước được Minh Mạng chọn năm 1838 để chỉ Việt Nam.

Trước khi suy luận xa hơn, việc xem xét lại ngôn từ không phải là vô ích khi đang còn những điểm mơ hồ, trong dư luận chung cũng như trong giới khoa học, về khái niệm quan, chế độ quan lại, lại viên. Đối với nho sĩ Việt Nam - Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục (1777) hay Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí (1821 ) - rồi các tác giả Pháp thời thuộc địa, quan được định nghĩa như là một viên chức, rường cột thực sự của Nhà nước[2]. Có thể bổ sung định nghĩa đó bằng cách thêm rằng từmandarin trong tiếng Pháp đã được vay mượn từ mandarim của người Bồ Đào Nha năm 1581, tiếng Bồ dùng để chỉ các viên chức cao cấp ở Mã Lai, Trung Quốc và Việt Nam từ năm 1514. Từ mandarim là biến dạng của từ mandar “ra lệnh, tống đạt”, gốc chữ Phạn mantrin “cố vấn Nhà nước” qua trung gian tiếng Mã Lai mantari. Tiếng Phạn xuất phát từ chữ mantra “lời khuyên”, có từ gốc là man “suy nghĩ”. Gốc này gắn với gốc tiếng Ấn-Âu chỉ sự vận động của tư tưởng, biểu hiện trong tiếng Latinh là mens, từ đó mà có chữ mental. Xuất hiện trong tiếng Pháp với nghĩa “cố vấn của vua, của quan thượng thư, ở châu Á”, từ đó có ý nghĩa hiện tại là “viên chức cao cấp Trung Quốc, Đông Dương hay Triều Tiên” năm 1604. Còn chữ mandarinat (chế độ quan trường), biến thể của từ trên, ra đời năm 1700, mang hai ý nghĩa: chức trách, chức vụ của người làm quan; bộ máy quan trường[3]. Việc sử dụng của các nhà sử học có thể dẫn đến lẫn lộn: nó bao gồm toàn bộ các nhân viên hành chính, hay chỉ dùng riêng đối với quan? Từ Hán-Việt quan lại không có sự hiểu nhầm: nó chỉ toàn bộ những kẻ cai trị nhưng vẫn có sự phân biệt chủ yếu trong bộ máy hành chính giữa quan (viên chức chịu trách nhiệm) với lại (kẻ thừa hành), nhân đây cũng lưu ý đối với Việt Nam, lại là bộ phận rất ít được giới sử học nghiên cứu, vì họ quá bị cuốn hút bởi bộ phận quan.

[2] KVTL, q. 2: Thể lệ thượng, trong Lê Quý Đôn toàn tập (1977), t. 2, tr. 110. HC, Quan chức chí, t. I, tr. 441. Gosselin, Ch, L’Empire d’Annam(1904) tr. 39. (Niên đại trong dấu ngoặc chỉ năm xuất bản).

[3] Rey, A. (ed), Dictionnaire historique de la langue francaise, Paris, Dictionnaires Le Robert. (1992), t. 2, tr. 1178.

Nhưng chỉ giới hạn trong từ nguyên của quan (mandarin) và quan trường (mandarinat), chẳng phải là làm nghèo đi sự phong phú của ngữ nghĩa và không chấp nhận cuộc tranh luận về chủ đề này? Hai từ đó không chỉ nói lên quy chế của quan chức và quan trường, mà còn là những biểu hiện vô cùng hàm súc, đến độ chúng làm lu mờ ý nghĩa vốn có của hai từ này. Một số người nghĩ rằng quanquan trường có nghĩa quá “nhạy cảm”, đề nghị thay thế bằng những từ trung tính hơn như công chức hay bộ máy công chức. Ngược lại, chúng tôi đã quyết định giữ lại hai từ đầu tiên vì sự nhạy cảm của chúng nằm ở trung tâm công trình này.

Xem xét nhanh nguồn tư liệu xưa sẽ cho phép ta nắm vững hơn tính hai mặt của cách biểu hiện đó vì phần lớn các lời thường được dùng để ca tụng hay chê bai quan trường đều bắt nguồn từ những khuôn mẫu xưa hơn. Xuất xứ đầu tiên là của Việt Nam. Ai cũng biết chính sử Việt Nam, do quan chức viết cho quan chức, được coi như là một công cụ luân lý đối với quan chức. Tiêu biểu cho thái độ đó là những mô hình đạo đức do Đại Nam liệt truyện đưa ra, và việc xử lý các trường hợp tham nhũng của quan lại trong Đại Nam thực lục. Tiêu chuẩn và mẫu hình của người quân tử cũng được đưa ra trong các sách công trình không chính thức như Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn. Trong lời tựa, ông đã đối lập giá trị của người quân tử và kẻ tiểu nhân qua những ví dụ rút ra từ các sách kinh điển: đạm bạc/xa hoa; vị tha/ích kỷ; vô tư/tham lam; hy sinh/vụ lợi[4]. Cả một luồng tư tưởng trong những người cai trị thuộc địa, những người nhiệt tình ngưỡng mộ chế độ quan trường, đã lấy lại mô hình đó. Chẳng hạn Luro đã dựng lên chân dung cao cả của Phan Thanh Giản “mà cuộc đời tư và công có thể lấy làm mẫu mực cho mọi thời và ở mọi nước”. Và Luro đã chỉ rõ các “đức tính truyền thống” của viên quan này: hiếu thảo khi ông đến cứu cha mình, cương trực và thành thật với vua ngay cả khi ông đã bị giáng chức và điều đi hiệu lực ở Quảng Nam, hay khi làm lính thì vẫn nêu gương dũng cảm và kỷ luật. Sự hy sinh và liêm khiết của Phan Thanh Giản cũng được tác giả này thán phục[5]. Ở Pasquyer cũng có cùng một dấu ấn về mô hình Việt Nam cổ điển: Hoàng Diệu và Phan Thanh Giản đã khiến ông phải nói lên sự ngưỡng mộ của mình trong sách Nước An Nam xưa:

Ví dụ tuyệt vời về lòng hy sinh và tinh thần ái quốc cao (…) ví dụ về tính độ lượng, về tính khắc kỷ cao cả mà toàn dân An Nam thấu hiểu (…)[6].

[4] KVTL, q. 1: Châm cảnh, sđd, t. 2, tr. 17-53.

[5] Luro, J.B.E., Le pays d’Annam. Etude sur l’organisation politique et sociale des Annamites (1897), tr. 101-104.

[6] Pasquyer, P., L’Annam d’autrefois. Essai sur la constitution de l’Annam avant l’intervention francaise (1929), tr. 100.