Tầm tần ký - Hồi 287 - 288 - 289 (Hết)

Hồi 287

Khoảng khắc sinh tử

Khi cửa thành bị phá, bên phía Hạng Thiếu Long vẫn còn một nửa số người chưa vào địa đạo.

Trong lúc cấp bách, hạng Thiếu Long hạ lệnh cho những người này rút vào trong ngôi mộ mới xây, rồi sau đó đóng tấm cửa sắt dày lại, hy vọng có thể tranh thủ chút thời gian để rút lui tiếp.

May mà Tiểu Bàn tưởng rằng bọn họ đã sớm bỏ đi nên không tra xét. Song, ai cũng biết đó chỉ là vọng tưởng.

Người trong cả tòa thành tự nhiên biến mất đương nhiên là có đường hầm bí mật thông ra ngoài thành.

Giả sử úy Liêu không thể tìm ra đường hầm này thì làm thế nào trả lời với Tần vương vừa mới đăng cơ.

ở trong ngôi mộ ai nấy đều nghe tiếng la hét ở bên ngoài, lòng đều như lửa đốt, nhưng chỉ có thể nghe theo mệnh trời mà thôi. Có tiếng ầm ầm không ngừng truyền đến, rõ ràng là kẻ địch đang phá cửa để vào truy lùng.

"Ầm."

Đó là tiếng cánh cửa sắt bị tông vào, rõ ràng kẻ địch đã mò được tới đây.

Sau mấy lượt tông vào không có kết quả, xung quanh chợt im ắng, ai nấy đều thót tim, ngay cả thở cũng khó khăn.

Mọi người đều đoán rằng kẻ địch lần này sẽ cho xe lôi mộc đến phá cửa.

Thời gian một khắc kéo dài như cả thế kỷ.

Hạng Thiếu Long, Kỷ Yên Nhiên, Ðằng Dực, Kinh Tuấn, Đồ Tiên và hơn mười chiến sĩ Ô gia, tay cầm cung nỏ, chuẩn bị tử thủ, để cho những người khác có thời gian rút lui an toàn.

Mọi người đều không muốn lên tiếng.

Lúc này ngoài bọn họ, vẫn còn có hơn ba mươi người vẫn chưa vào trong đường hầm.

May mà ngày đó khi thiết kế đường hầm đã chú ý đến việc thông khí, nếu không e rằng chưa rời khỏi thì bọn họ đã ngạt chết.

Hạng Thiếu Long bất đồ nhìn lên tấm linh vị nằm giữa một mộ đường của Ni phu nhân, trong lòng cười khổ, nhủ thầm Triệu Ni nàng đâu có ngờ Hạng Thiếu Long này rốt cuộc có một ngày bị chính đứa con ruột thân yêu của nàng giết chết.

"Ầm."

Cả ngôi mộ như bị lay động, song tấm cửa sắt vẫn không hề lung lay.

"Ầm."

Ba thanh sắt chêm ở cửa lúc này oằn lại, cửa hé ra, ánh sáng từ bên ngoài lọt vào, tiếng la hét truyền vào trong ngôi mộ rõ ràng hơn.

May mà lúc này ngoài bọn họ, những người khác đã chui hết vào trong đường hầm.

Hạng Thiếu Long quát lớn, „Mau lùi vào!"

Không ai dám chậm trễ đều bỏ chạy vào trong đường hầm.

Khi bọn Hạng Thiếu Long chưa kịp đậy đường hầm lại thì một tiếng ầm cực lớn vang lên, hai tấm cửa sắt đổ ập xuống đất, làm cho gạch đá cũng đổ theo, bụi bốc lên mù mịt.

Hạng Thiếu Long, Ðằng Dực, Kỷ Yên Nhiên và Kinh Tuấn thủ ở lối ra của đường hầm, chuẩn bị liều chết. Bọn họ đành phải làm thế.

Lúc này trong địa đạo vẫn còn nhiều người, nếu để cho kẻ địch đuổi theo, bọn họ đừng hòng thoát được.

Càng có thể kéo dài được thời gian tìm ra địa đạo của kẻ địch, cơ hội sống sót mới càng cao.

Bọn Hạng Thiếu Long hơi nhích ra phía sau một chút, tránh ánh sáng.

Chỉ có người vui mừng kêu lên, „Lối vào ở đây! Bọn chúng vẫn chưa đậy nắp."

Bọn Hạng Thiếu Long trong lòng kêu khổ thì đột nhiên trong hầm mộ yên lặng như tờ.

Tiếp đó có tiếng quỳ xuống bái lạy.

Bọn Hạng Thiếu Long đưa mắt nhìn nhau đều biết là tiểu Bàn đã tới.

Một giọng nói ồm ồm vang lên, „Ðại vương minh giám, vừa rồi vi thần đã phát giác phản tặc vẫn chưa rời khỏi địa đạo, cho nên chúng ta chỉ cần xông khói vào thì bọn chúng sẽ ngạt thở. Sau đó vi thần sẽ sai người vào trong địa đạo để tìm lối ra, bảo đảm có thể quét sạch một mẻ bọn phản tặc."

Hạng Thiếu Long tức giận vô cùng, nhưng trong lòng cũng bàng hoàng, chẳng còn cách nào để đối phó.

Người ấy chắc là úy Liêu.

Doanh Chính bỗng trầm mặc không lên tiếng.

Rồi có tiếng người quỳ xuống đất. Giọng nói của Lý Tư vang lên trong địa đạo, „Ðại vương khai ân!"

úy Liêu ngạc nhiên nói, „Ðình úy đại nhân!"

Sau đó im lặng trở lại.

Giọng nói của úy Liêu lại vang lên, „Xin đại vương ra lệnh, nếu không thời cơ sẽ qua."

Tiếp theo có tiếng ho khan một cái, hỏi, „Sao đại vương chỉ nhìn linh vị ở phía trước?"

Bọn Hạng Thiếu Long trong lòng đều dâng lên cảm giác khó hình dung, vỡ lẽ ra rằng Tiểu Bàn đang nhìn linh vị của Ni phu nhân, người mẹ ruột của y.

Song nếu Tiểu Bàn chấp nhận đề nghị của úy Liêu, bọn họ chỉ còn một con đường chết mà thôi.

Giọng nói quen thuộc của Tiểu Bàn rốt cuộc vang lên, „úy khanh và tất cả những người khác hãy lui ra cho quả nhân, chỉ có Lý khanh ở lại."

úy Liêu ngạc nhiên nói, „Ðại vương...“

Tiểu Bàn quát lớn, „Lui ra!"

Có tiếng bước chân vang lên.

Cho đến khi tất cả mọi người đều đi xa, Tiểu Bàn trầm giọng nói, „Thế nào mới khiến người trong thiên hạ không nhắc đến chuyện này nữa?"

Chỉ nghe giọng Lý Tư trả lời, „Chỉ cần đại vương chinh phục sáu nước, thống nhất thiên hạ, lúc đó đại vương ban lệnh trong thiên hạ nghiêm cấm nhắc tới ba chữ Hạng Thiếu Long, ai vi phạm sẽ chém đầu, tất nhiên sẽ bịt miệng được thiên hạ, chuyện này tự nhiên cũng giải quyết xong."

Tiểu Bàn lạnh lùng nói, „Nếu bọn chúng không nói bằng miệng mà viết lại thành sách sử, lại có cách gì để ứng phó?"

Lý Tư nói, „Lúc đó đại vương hãy chôn tất cả những người ấy, đốt sách của chúng."

Hạng Thiếu Long nghe mà trố mắt, té ra chuyện đốt sách, chôn học trò vì mình mà có. Những loại sách bói toán bị đốt theo chắc là cũng để che mắt người đời.

Tiểu Bàn nói, „Chuyện Hạng Thiếu Long giết chết Lã Bất Vi thì xử lí thế nào?"

Lý Tư rành rọt nói, „Ðiều này thì dễ, cứ nói là y sợ nội loạn chạy về thực ấp, rốt cuộc uống rượu độc tự tận là xong."

Tiếng bước chân vang lên, có người bước vào phía trong.

Sau một hồi lặng lẽ, giọng nói của Tiểu Bàn lại nhè nhẹ truyền vào, „Sư phụ! Chúc người lên đường bình an!"

Rồi tiếp theo có tiếng quát của Tiểu Bàn, „Lập tức rút quân!"

Tiếng bước chân đi xa.

Hạng Thiếu Long cố nén nước mắt đang chực trào ra. Gã cứ cảm nhận được mùi vị của một người sáng tạo nên lịch sử Khi Tiểu Bàn bước ra khỏi ngôi mộ này, y không phải là Triệu Bàn đến từ Hàm Ðan nữa. Bởi vì y đã hoàn toàn đoạn tuyệt với quá khứ của mình, thật sự trở thành Doanh Chính.

Sau này y sẽ tập trung tinh thần để thống nhất thiên hạ.

Khi y bước qua tấm cửa sắt này, số phận của sáu nước đã định.

Họ sẽ đối mặt với một vị bá vương mà không ai có thể quật ngã, đó là Tần Thủy Hoàng Doanh Chính, người đã dựng nên Trung Quốc, vị vua của ngàn đời sau.

Bọn Hạng Thiếu Long gấp rút chạy ra khỏi địa đạo thì phát giác Ô Quả đang lẫn vào trong đám thiết vệ.

Té ra bọn họ vì Xương Văn quân khống chế đường thủy nên buộc phải đuổi theo bằng đường bộ, cho nên đến trễ hơn Doanh Chính cả mấy canh giờ, may mà vẫn còn chờ bọn họ ở gần cửa ra của địa đạo.

ô Quả cũng mang đến tin tức Lao ái bị phanh thây giữa chợ, hai đứa con mà Chu Cơ sinh cho y thì bị thiêu sống.

Đó là tin tức của Vương Tiễn cho biết.

Còn Chu Cơ thì bị truyền áp giải về Hàm Dương.

Ðương nhiên mọi người đều biết Chu Cơ đã xong đời, kẻ bị áp tải về giam lỏng ở Hàm Dương chỉ là thế thân mà Doanh Chính sắp xếp.

Ðợi Doanh Chính rút hết quân, mọi người mới vào lại trong mục trường, cỡi ngựa ung dung bỏ đi.

Hạng Thiếu Long mang theo cả linh vị của bọ Triệu Thiên và Ni phu nhân.

Ba tháng sau, rốt cuộc cũng đã đến được quan tái, hoàn thành được ước vọng của mình.

Hồi 288

Thống nhất sáu nước

Vì những kẻ phản loạn là Lã Bất Vi và Lao ái đều là người của sáu nước, lại thêm chuyện đào kênh Trịnh Quốc vốn là kế phá Tần của người Hàn, đồng thời Doanh Chính cũng lo lắng người của sáu nước tiếp tục phao tin đồn nhảm cho nên đã hạ lệnh đuổi khách, khiến cho khách khanh của sáu nước phía đông ai nấy đều cảm thấy nguy ngập cho bản thân mình.

Lý Tư biết mình quả thật đã biết quá nhiều chuyện không nên biết, lại hiểu rõ mong muốn thống nhất thiên hạ của Doanh Chính, cho nên liều chết dâng biểu can gián.

Viết rằng.

"Thần nghe lệnh đuổi khách của đại vương quả thật là sai lầm! Năm xưa Mục công cầu sĩ, phía tây thì lấy được Du Vu Dung, phía đông thì có Bách Lý Hồ, Thúc Vu Tống, Công Tôn Chi, những người này đều không phải là người nước Tần, mà Tần Mục công vẫn dùng họ, nhờ đó đã lấy được hai mươi nước làm bá chủ miền tây."

Tần Thiếu Công dùng Thương ưởng biến pháp, thay phong đổi tục, dân tình thịnh vượng, nước được giàu mạnh, trăm họ yên vui, chư hầu thần phục, lấy được đất của Sở, Ngụy ra đến ngàn dặm, nhờ đó cho đến nay nước Tần vẫn còn hùng cường.

Huệ vương dùng kế của Trương Nghi lấy được đất của Tam Xuyên, phía tây thì gộp thâu được Ba Thục, phía bắc thì lên đến Thượng Quận, phía nam lấy được Hán Trung, trong đó có Cửu Di, Yên Dĩnh, phía đông thì chiếm cứ Thành Khâu khiến cho người trong sáu nước đều phải phục tùng, công ấy đến nay vẫn còn ghi.

Chiêu Vương được Phạm Tuy, bỏ Tương Hầu, đuổi Hoa Dương, lấy dần đất của các nước chư hầu, khiến cho Tần trở thành đế nghiệp.

Bốn vua ấy đều dựng được nghiệp lớn nhờ công của các khách khanh. Từ đó mà thấy khách khanh nào có phụ Tần đâu.

Giả sử không dùng khách khanh thì sẽ khiến cho nước không còn giàu mạnh."

Bức thư trần tình khẳng khái của Lý Tư không những đã thể hiện lòng trung tuyệt đối với Doanh Chính mà còn đưa ra những sự thực lịch sử để chứng minh. Rốt cuộc đã khiến Doanh Chính thu hồi lại lệnh đuổi khách.

Còn người bạn cũ Hàn Phi của Kỷ Yên Nhiên và hạng Thiếu Long lúc này được Doanh Chính mời vào nước Tần.

Sau đó y rốt cuộc lòng vẫn nhớ đến nước cũ, cứ nói tốt cho Hàn, mà miệng lưỡi lại không lanh lợi, nên không được Doanh Chính ưa thích.

Sau đó lại đắc tội với Diêu Cồ và Lý Tư, lại thêm hai người này đố kị với tài hoa của y nên đã bị hạ độc chết ở trong ngục.

Doanh Chính quét sạch Lã Bất Vi và Lao ái xong thu lại đại quyền trong nước Tần, tiếp tục mở rộng đại nghiệp chinh phục sáu nước. Lúc này sáu nước đã không còn sức chống Tần nữa.

Nhưng sau khi liên kết trở lại, sau sáu năm Doanh Chính kế vị, tam Tấn và người Sở đã đánh bại người Tần. Nhưng Hàn Sấm thì không may chết trong trận này.

Ðiền Ðan vì mất đi sự ủng hộ của Lã Bất Vi, cho nên thất thế, nước Tề từ đó không còn nhân tài nữa.

Doanh Chính rút kinh nghiệm, được Lý Tư và úy Liêu hiến kế, khéo dùng thủ đoạn ly gián, phân hóa, đột phá vào sáu nước.

Năm thứ mười bốn đời Tần vương Doanh Chính, Hàn vương An đầu tiên khuất phục nước Tần. Năm sau quân Tần đánh vào Tân Trịnh, diệt nước Hàn.

Hoàn Xỉ lúc này đã trở thành thượng tướng quân, không may gặp phải Lý Mục, bị y đánh bại ở Hợp Phì, không còn mặt mũi nào gặp Doanh Chính, trốn đến nước Yên.

Cuối cùng đến lúc Vương Tiễn và Lý Mục gặp nhau trên sa trường. Vương Tiễn và Dương Ðoan Hòa cầm quân đánh thẳng vào nước Triệu, Lý Mục nghênh chiến ở ngoài thành Hàm Ðan, khi hai bên đang giằng co với nhau, nào ngờ Quách Khai bị Lý Tư dùng kế phản gián, xúi giục Triệu vương đổi tướng, Lý Mục không chịu nghe theo, kết quả bị Triệu vương xử tử.

Cây đại thụ đã ngã, nước Triệu không còn tướng nào có thể chống được Vương Tiễn, bị quân Tần đánh cho tan tành.

Năm thứ mười chín đời Tần vương Chính, thái tử Ðan sai Kinh Kha vào nước Tần hành thích Doanh Chính sự việc thất bại chết ngay tại trận.

Doanh Chính lấy đó làm cớ, phái Vương Tiễn đánh Yên, đại phá quân Yên ở bờ tây sông Dịch Thủy, năm sau thì đánh thẳng vào kinh đô của người Yên, giết chết thái tử Ðan.

Con trai của Vương Tiễn là Vương Bôn cũng chiếm được hơn mười thành của người Sở. Năm sau thì y lại đại triển thần oai, vượt sông đánh vào Ðại Lương, nước Ngụy mất.

Năm thứ hai mươi ba Vương Tiễn đánh Sở, đại phá quân Sở ở Bình Dư. Ðến năm tiếp theo thì cùng Mông Võ đánh đến Thọ Xuân, vua Sở và Lý Viên đều bị bắt làm tù binh, Lý Yên Yên uống thuốc độc mà chết, nước Sở mất.

Năm thứ hai mươi sáu thời Tần vương Chính, Vương Bôn đánh vào Lâm Tri, Tề vương Ðiền Kiện đầu hàng.

Ðến lúc này sáu nước phía đông đều thuộc về Tần. Doanh Chính nhớ lại ba chữ Thủy Hoàng đế mà Hạng Thiếu Long đã nói, vì thế lệnh cho quần thần xem thử tên này có hợp với thân phận thống nhất sáu nước của y hay không.

Mọi người đương nhiên đồng thanh kêu hay.

Vì thế Doanh Chính tự Xưng mình là Thủy Hoàng đế. Phế bỏ chế độ phong chư hầu, chia thiên hạ ra làm ba mươi sáu quận, thu hết binh khí trong thiên hạ, đúc thành mười hai tượng người bằng kim loại, thống nhất chế độ cân đo, đặt ra chế độ tiền tệ, thống nhất kích thước của trục xe trong cả nước, dùng chung một loại chữ, tập trung mười hai vạn hộ giàu có về Hàm Dương.

Xác lập nên một nước Trung Quốc rộng lớn.

Khi Doanh Chính trở thành Tần Thủy Hoàng đế, tòa Hoài Thanh đài hùng vĩ cũng được xây dựng. Muôn dân đều tưởng rằng vua của họ nhớ đến quả phụ Thanh mà dựng lên. Chỉ có vài người như Lý Tư, Vương Tiễn mới biết Doanh Chính thật sự là vì nhớ đến hạng Thiếu Long mà xây nên Hoài Thanh đài này.

Hồi 289

Lời cuối

Tất cả cảnh vật đều lùi ra phía sau.

Hạng Thiếu Long cùng với Ô Trác, Kinh Tuấn và Ðằng Dực phóng như bay trên miền thảo nguyên xanh tốt vô tận.

Trên bầu trời xanh là những áng mây trắng lững lờ, ở cách đó nửa dặm có hàng ngàn thớt ngựa hoang đang phóng lên phía bắc.

Bốn người hú lên, thúc ngựa đuổi theo.

Bọn Hạng Thiếu Long chia thành hai tốp. Tốp thứ nhất chạy vòng về phái trước, buộc thớt ngựa phải đổi hướng, còn tốp kia thì đuổi lên ở phía sau.

Sau một hồi bầy ngựa buộc phải nhảy xuống sông, bơi qua bờ bên kia.

Hạng Thiếu Long kìm ngựa lại kêu lớn, „Các con, hãy giở bản lĩnh của mình ra!"

Bờ bên kia bỗng xuất hiện bọn Ô Quả, Ô Ngôn, Triệu Ðại, Lưu Sào cùng với hơn một trăm người, ai nấy tay cũng cầm dây thừng, đợi lúc ngựa lên bờ.

Hạng Thiếu Long vui mừng nhìn thấy huynh đệ và thủ hạ bắt ngựa hoang, khen rằng, „Ðại ca quả thật biết chọn chỗ, ở đây đều là các con sông lớn, nguồn nước dồi dào, đất đai tươi tốt, cỏ mọc xanh rì, quả là thắng cảnh chốn nhân gian."

Ô Trác nhìn vùng thảo nguyên vô tận, hít làn hương thoang thoảng trong gió, cười rằng, „Lúc mới đến cứ nghĩ là bị ép buộc, nhưng sống ở đây đã lâu, ta không muốn rời khỏi nữa."

Ðến hoàng hôn ai nấy đầu quay về.

Bọn Kỷ Yên Nhiên, Cầm Thanh, Ô Ðình Phương, Triệu Chi, Ðiền Trinh, Ðiền Phụng, Châu Vi, Thiện Lan, Lộc Ðan Nhi đang ngồi trên một sườn dốc, nhìn bầy trẻ đang chơi đùa ở phía dưới.

Trong đó có cả Hạng Bảo Nhi nữa.

Cậu bé trông to khỏe rắn chắc hơn những đứa trẻ khác, đầu đội chiếc mão có cắm lông vũ, mắt to mày rậm, trông rất có cá tính.

Trong doanh trại, làn khói lững lờ bốc lên, đám phụ nữ đang nổi lửa nấu cơm, đợi chồng con quay về.

Đồ Tiên và Tiêu Nguyệt Ðàm đang ngồi đàm đạo, ánh mắt dõi theo ở phía xa.

Cầm Thanh đột nhiên vui mừng kêu, „Phu quân đã quay về."

Mọi người đều nhìn ra ngoài xa, hơn một trăm chấm đen dần dần hiện rõ, tiếng vó ngựa cũng truyền về văng vẳng.

Kỷ Yên Nhiên vui mừng đứng dạy kêu, „Ai cùng ta đi nghênh đón các chiến sĩ khải hoàn quay về?"

Bọn trẻ ngừng chơi, đứng đón đoàn quân chiến thắng trở về.

Trong chốc lát tiếng vó ngựa rầm rập lao tới.

Kỷ Yên Nhiên cùng mọi người nhảy lên ngựa, trong chốc lát đã gặp đoàn chiến sĩ ở phía ngoài thảo nguyên, rồi tất cả cùng quay về.

Bọn trẻ thì dương dương đắc ý dẫn đầu.

Hạng Thiếu Long đi với Cầm Thanh và Kỷ Yên Nhiên nói, „ông trời đối đãi với chúng ta rất hậu hĩ, trước đây đâu có cuộc sống hạnh phúc không lo không nghĩ như thế này."

Cầm Thanh chép miệng, „Vì chúng ta đã sống như thế cho nên mới hiểu rõ cuộc sống ở thảo nguyên quý báu dường nào. Còn bọn trẻ này thì lại bảo cứ muốn quay về Trung Nguyên."

Ô Ðình Phương giận dỗi nói, „Sau này chàng đừng nhắc đến chữ Trung Nguyên nữa, thiếp chẳng hiểu nổi tại sao Bảo Nhi lại không thích nơi này?"

Hạng Thiếu Long cười, „Mỗi người đều có ước mơ riêng của mình, bởi vì ước mơ của chúng ta đã thành hiện thực cho nên mới an tâm mà tận hưởng. Bảo Nhi chỉ là muốn tìm ước mơ của nó mà thôi. Chúng ta không nên cản trở, cũng không nên buộc nó phải an vui trong giấc mộng của chúng ta."

Kỷ Yên Nhiên nói, „Phu quân nói thật hay, giấc mộng của Bảo Nhi chính là trở thành loài phi ưng trên trời cao có thể tự do bay lượn đến khắp nơi."

Triệu Chi cười, „Ai cũng cưng chiều nó, thiếp đã bảo rồi, tiểu Trinh và tiểu Phụng đã chiều nó quá đáng."

Ðiền Trinh và Ðiền Phụng che miệng cười, khuôn mặt đầy vẻ hạnh phúc.

Kỷ Yên Nhiên như nhớ ra chuyện gì nói, „Suýt nữa quên cho chàng hay, Bảo Nhi chê tên của nó quá trẻ con, cho nên muốn đổi thành tên khác."

Hạng Thiếu Long vui vẻ nói, „Ðổi tên gì cũng được, nhưng phải mang họ Hạng."

Ô Ðình Phương giả vờ bực mình nói, „Bảo Nhi là do thiếp đặt, đó là nhũ danh của nó kia mà."

Kỷ Yên Nhiên nói tiếp, „Thiếp thấy nó thích loài chim ưng cho nên định đặt cho nó tên là ưng."

Hạng Thiếu Long cười ha hả nói, „Hạng ưng! Nghe cũng hay đấy!"

Cầm Thanh nói, „Chàng làm cha mà chẳng hiểu con chút nào, nó chê chữ ưng quá giống cầm thú, sợ người ta cười nên đã đổi thành chữ Vũ."

Hạng Thiếu Long giật mình kìm ngựa, kêu lên, „Cái gì?"

Mọi người xung quanh đều ngạc nhiên, ánh mắt tập trung về phía gã.

Lúc này Hạng Thiếu Long trong lòng dâng lên cơn sóng dữ.

Hạng Vũ?

Đó chẳng phải là Sở Bá Vương Hạng Vũ, người đã cùng tranh thiên hạ với Lưu Bang, cuối cùng cũng cùng mỹ nhân Ngu Cơ tự vận ở Ô Giang? Chuyện gì thế này?

Chả lẽ đây chỉ là một sự trùng hợp?

Nhưng nếu tính toán theo thời gian, chuyện này cũng có thể lắm.

Theo lịch sử nhà Tần trải qua hai đời thì mất.

Từ lúc Doanh Chính lên ngôi bị quân, ba mươi bảy năm sau, đi tuần ở miền nam rồi bệnh chết tại Xa Khâu, sau đó Tần nhị kế vị, ba năm thì mất.

Lúc này đứa con Hạng Vũ của mình đã hơn ba mươi tuổi, đang ở tuổi tráng niên.

Tiếng gọi của mọi người làm gã giật mình.

Kỷ Yên Nhiên nghiêm mặt nói, „Phu quân đại nhân không thích cái tên này sao? Nếu chàng muốn đổi thì hãy tự nói với nó."

Hạng Thiếu Long định thần lại, đang suy nghĩ là có nên cảnh cáo cho đứa con yêu này biết hay không, ví dụ như khi gặp một người tên Lưu Bang thì phải lập tức giết y.

Nhưng gã nghĩ lại, dù cho mình đã biết được sự phát triển của lịch sử rốt cuộc cũng không thể thay đổi được.

Vận mệnh không thể thay đổi chút nào vì sự cố gắng hoặc ý chí của bất cứ ai.

Con người cứ nghĩ rằng mình đang sáng tạo ra vận mệnh, là bởi vì họ không hề biết rằng vận mệnh đi về hướng nào, chỉ có mình mới hiểu rõ được điều ấy.

Một đứa con của mình là tiểu Bàn xây dựng nên đế quốc đại Tần, một đứa con khác của mình là Hạng Vũ lại phá hủy đế quốc đại Tần ấy.

Cầm Thanh nhíu mày kêu, „Phu quân đại nhân đang nghĩ gì?"

Hạng Thiếu Long đột nhiên cười lớn, „Ta đã thông suốt!"

Giọng nói của Ðằng Dực bên kia truyền qua, „Tam đệ đã thông suốt điều gì?"

Hạng Thiếu Long vui mừng nói, „Hạng Bảo Nhi về sau sẽ là Hạng Vũ."

Mọi người đều ngạc nhiên.

Kỷ Yên Nhiên thắc mắc, „Chuyện này cũng cần phải nghĩ thông nữa hay sao?"

Hạng Thiếu Long cười rằng, „Ðiều ta nghĩ thông là thắng thì sao, bại thì đã sao. Thành công hay thất bại không quan trọng, chỉ cần sống một cách oanh liệt, tên tuổi đi vào lịch sử của ngàn năm sau thì đã không uổng kiếp này."

Mọi người càng hoang mang hơn, đâu biết rằng ý gã muốn nói đến con trai của mình sau này sẽ trở thành Sở Bá Vương Hạng Vũ, danh truyền đến ngàn sau.

Hạng Thiếu Long cười lớn thúc ngựa theo sau Hạng Vũ. Mọi người cũng vội vàng đuổi theo.

Ðoàn người và cả vùng thảo nguyên hợp thành một khối, trong ánh chiều tà tráng lệ, tạo thành một bức tranh đầy hạnh phúc và tiếng cười.

Hết.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay