Mùa hoa dẻ - Phần I - Chương 3 - 4 - 5

3

Mấy hôm nay Liêu thấy lòng mình cứ vấn vương kể từ sau khi ngẫu nhiên gặp cô gái nhỏ ở làng Phước Sơn này, anh còn được cô gái ấy trao tay những bông hoa dẻ đầu mùa… Tên cô là Hoa. Tuy rằng Liêu còn nỗi buồn về công tác, song mỗi lần nhớ tới hình ảnh ngưởi con gái ấy, lòng anh vợi buồn hẳn đi, còn lâng lâng một niềm vui.

Vào buổi sáng, cô gái ấy thường đi gánh nước qua cửa nhà tạm trú, điều đó càng làm cho Liêu thêm nặng lòng… Buổi sáng nay vắng vẻ, nhà tạm trú chỉ còn lại mình Liêu, mấy anh em cán bộ khác đã đi nhận công tác cả rồi.

Liêu buồn tình, như ông cụ non, ngồi rung đùi, ngâm:

“Người đâu gặp gỡ làm chi

“Trăm năm biết có duyên gì hay không?

“Thà rằng chẳng biết cho xong

“Biết bao nhiêu lại bận lòng bấy nhiêu”…

Cô gái Phước Sơn ấy đã lại đi gánh nước, vẫn lối đi qua cửa nhà tạm trú và hẳn rằng Liêu đã để ý thấy cô ta.

Đôi thúng lủng lẳng hai đầu, ra đến bờ sông. Hoa đặt gánh, kẹp lại mái tóc, xắn cao ống quần.

Một làn gió mát nhẹ thổi dọc theo bờ sông, lừng thơm hương hoa dẻ. Hoa chợt nhớ đến khóm cây hoa dẻ phía trên bến nước. Những bông hoa dẻ đã chín vàng, cánh mong manh như lụa đang lơ lửng trước gió, đầy khêu gợi. Hoa liền đến với khóm cây hoa dẻ, mon men trèo lên; nhoài người ra phía ngọn cây để hái hoa. Bông hoa cùng bóng cây lồng xuống mặt nước sông Gianh trong xanh. Gió đưa, những bông hoa dẻ càng lay động và thêm ngát hương, lúc ẩn lúc hiện sau cành lá như đang chơi trò ú tim với Hoa.

Từ đâu thằng Tân đã lần ra kịp chân Hoa, hắn đứng ngay dưới gốc khóm cây hoa dẻ mà lên tiếng:

- Con yêu! Ai cho mày hái trộm hoa của tao?

Hoa “a” lên một tiếng, giữ chặt cành cây vì giật mình trước sự lên tiếng bất ngờ của Tân. Sau đó Hoa mới quay lại phía Tân:

- Ai bảo hoa của mày? Bờ sông này cũng của mày sao?

- Của tao tất cả!

Tân trả lời với giọng rất gàn. Và sau đó thì cậu ta leo luôn lên khóm cây để giành cướp hoa dẻ với Hoa.

Hoa vùng vẫy, đạp chân không cho Tân lên.

- Thằng quỷ nhà trời! Làm bà ngã bây giờ! Để bà lấy, rồi bà cho một bông.

- Không! Ông lấy tất!

Trong lúc này Liêu cũng đã rời nhà tạm trú ra sông để tắm, cốt tìm cách gặp mặt, họa chăng bắt chuyện được với Hoa, càng vui. Liêu cũng đã dừng bước từ xa đứng ngắm cảnh thằng Tân đang tranh cướp hoa dẻ với Hoa. Anh tiếc cho tuổi trẻ của mình đã không được sống những phút hồn nhiên thoải mái như thế, chỉ có lửa đạn chiến tranh.

Khóm cây hoa dẻ tuy xanh tốt, xum xuê, nhưng cành không chịu đựng được sức nặng của hai con người thân cây đang bị oằn, sà gần xuống mặt nước.

Hoa lại la to lên.

- Tân ơi, làm ngã người ta bây giờ! Đây chửi cho mà nghe!

Tân vẫn gàn:

- Ông đếch sợ. Thiên hạ chẳng ai chết chửi cả.

Sợ Tân cướp hết hoa dẻ, Hoa nhoài người ra mấy ngọn cây ngoài cùng, nơi những bông hoa dẻ vàng óng đang chờn vờn tựa mấy cánh bướm. Và, cành cây quá yếu gục ngay xuống! Hoa cũng đã ngã lộn xuống sông, không kịp kêu lên một tiếng! Mặt nước sông Gianh đang bình thản trôi về xuôi bỗng dồi lên tung tóe như thể cả một chiếc bình pha lê rơi từ trên cao xuống mặt đá!

Từ xa trông thấy, Liêu bỗng nhẹ hồn! Hai mắt xoe tròn, mặt lạnh đi, khoảnh khắc Liêu chưa có phản ứng kịp.

Tân thì như một gã mất hồn, vừa tụt từ trên khóm cây hoa dẻ xuống vừa la:

- Làng xóm ơi! Cứu! Cứu người chết đuối! Hoa chết đuối!...

Liêu tức tốc chạy tới bờ sông Hoa đã chìm nghỉm. Mặt sông chỉ còn lại những làn sóng tròn lan dãn ra xa. Không còn kịp cởi áo quần ngoài, chẳng quản gì, nhảy bổ xuống sông. Liêu lặn hết nơi này sang nơi khác tìm Hoa dưới đáy nước.

Nghe tiếng la kêu cứu của Tân, người làng chạy bổ ra bờ sông, bộ đội đóng quân trong làng cũng có mặt. Cứ thế, kẻ trước người sau nhảy ào xuống sông, ngụp, lặn để cứu người chết đuối.

Tuy nhiên, trên bờ, ngoài phụ nữ, trẻ em, ông bà già cũng còn có một vài thanh niên ra vẻ thờ ơ, ra bờ sông như thể để đi xem người kéo vó. Anh bí thư thanh niên xã cũng vừa tới. Thấy vậy, anh điên tiết, xô nhào mấy cậu thanh niên kia xuống sông:

- Xuống! Xuống mà cứu người!

Bà con có vẻ đồng tình với bí thư thanh niên, lên tiếng:

- Thanh niên xuống đi!

- Đi cứu người hay đi xem? Xuống đi!

Trong số mấy thanh niên bị anh bí thư đoàn đẩy xuống sông có cậu Luyến, con trai bà Thành. Cậu đã bị ướt từ đầu đến chân, đang ngoi ngóp bò lên bờ.

Ngụp lặn mãi đến kiệt sức, Liêu mới tìm được Hoa và đem lên từ đáy sông. Hai đầu tóc vừa nhú lên mặt nước, lềnh bềnh như một đôi sam thì đã bị nước cuốn trôi. Rõ ràng Liêu không còn đủ sức để đưa Hoa vào bờ.

Tiếng kêu cứu lại nổi lên trên bến sông:

- Kia rồi! Kia rồi!

- Đưa sào ra! Đưa sào ra!

- Thuyền! Thuyền! Thuyền nhanh lên!

Mọi người trên bờ cũng như dưới nước đang sôi lòng, sốt ruột, không chỉ lo cho Hoa mà còn lo cho cả Liêu. Ai cũng thấy Liêu đã hoàn toàn kiệt sức, nếu không kịp tiếp sức cứu vớt thì cả hai sẽ lại bị nước cuốn chìm.

Hay sao một chiếc thuyền ba ván dưới dòng đã chèo thốc lên, vừa kịp dùng mái chèo đón được Liêu và Hoa, đưa dần vào bờ.

Được đưa lên khỏi mặt nước thì Liêu đã nằm bất tỉnh, bên cạnh là Hoa, thân hình mềm rười rượi tựa con bún, tay vẫn nắm chặt một nắm vừa lá vừa hoa dẻ.

Giữa lúc các bác sĩ, y tá thuộc quân y trung đoàn đã ra kịp và đang làm hô hấp nhân tạo, lo cứu chữa cho Hoa và Liêu, thì bà Thành từ trong xóm chạy ra, làm ầm lên. Thân người bà ta cứ nhún nhẩy tựa chim chìa vôi:

- Anh bí thư thanh niên! Sao anh lại đẩy thằng Luyến nhà tôi xuống sông? Con tôi còn trẻ dại, nên yếu, nhỡ ra nó chìm luôn thì sao? Anh muốn làm gì ai thì làm hả?

Anh bí thư thanh niên, người ướt sũng, áo đã cởi vắt vai, xem ra lòng còn nóng hừng hực:

- Bạn bỏ chết đuối không chịu xuống cứu! Bà về bảo với nó mở mắt cho to mà xem gương bộ đội kia kìa!

Bà Thành càng to tiếng:

- Thiếu gì kẻ đứng nhìn trên bờ, riêng gì thằng Luyến!

Mọi người cười ầm ĩ. Một ai đó nói lại:

- Chúng tôi là ông già, bà lão, đàn bà con nít mới đành đứng trên bờ, ví sao được với sức trai tráng con bà.

- Các người đứng về một hùa. Phải, các người chẳng đáng để ví với con tôi đâu, các người nói phải, chẳng đáng đâu, chẳng đáng đâu…!

Chừng như cũng chẳng ai muốn đấu lời với bà Thành. Chỉ có anh bí thư thanh niên nóng tính toan xông đến, làm gì bà Thành thì chưa rõ. Song, mấy cô nữ thanh niên đã giữ anh ta lại, trong đó có Thìn.

Tuy gia đình đã nhận lễ hỏi, nhưng gần đây, Thìn tỏ ra bực mình nhiều với bà Thành. Đi đâu với ai, mỗi khi nói tới chuyện cưới xin giữa Luyến và Thìn là bà Thành nói như thể gia đình, họ hàng bên Thìn so với gia thế bên bà Thành không được môn đăng hộ đối mấy. Chẳng qua chiều con trai mà bà ấy phải hạ mình đến nhà Thìn ăn hỏi... Bởi vậy, Thìn không còn biết nể bà, kính trọng bà nữa. Trong khi can ngăn anh bí thư thanh niên, Thìn đã bực bội:

- Thây bà ấy! Chấp gì cái giống cắn càn hở anh.

Bà Thành đã nghe lọt tai câu Thìn nói. Thân mình bà ta đẫy đà như cái cối xay bỗng quay tròn đủ bốn phương tám hướng, nói như gào cho ai nấy cũng nghe được:

- A… thì ra con Thìn nữa! Mày nói ai thế hở Thìn? Mày, chả phải sắp sửa là con dâu tao sao? Đúng là, giỏ nào quai ấy. Ít ra mày cũng hiểu được, mày sắp về làm dâu một gia thế chứ…

Thìn cố nhịn, nhưng không sao nhịn nổi vì câu nói về sau của bà Thành:

- Thôi bà ơi! Bà im cho tôi nhờ. Gia thế bà là như vậy đấy. Chúng tôi là dân đen, không dám, không dám làm con dâu nhà gia thế nữa đâu!

Bà Thành lại lớn tiếng gọi con trai:

- Luyến ơi! Ra đây, mày ra đây mà nghe vợ chưa rước của mày đang chửi tao đây này… Khi nào cũng một con Thìn ngoan, hai con Thìn hiền… mày ra đây mà nghe Luyến ơi…! – Bà ta lại quay lại với Thìn – Còn con Thìn, mày không còn biết nể tao nữa sao. Mày nỡ muối mặt cha mẹ mày đến thế sao…?

- Nể gì bà! Tôi không biết nể nang gì đối với hạng người lắm điều như bà.

Bà Thành lại gào to hơn:

- Trời ơi! May chưa, may chưa, may mà “chưa cưới nó về, mả tổ mới còn…” May chưa…may cho gia đình nhà tôi chưa…!

Hoa và Liêu đã được quân y cáng về trạm xá để tiếp tục hồi sức. Bà con hàng xóm cũng đã rút dần, chẳng ai buồn đứng lại để mà nghe bà Thành gào thét nữa.

(4)

Đã hai tuần lễ trôi qua, ngày giờ cứ dài đằng đẵng cho đến sáng chủ nhật hôm nay, xem như vừa qua Liêu bị một trận ốm, giờ đã ngồi đánh cờ được với trung đoàn trưởng, sức khỏe trở lại như trước. Phải nói rằng sau vụ Liêu cứu người chết đuối, trung đoàn trưởng đã tỏ ra quý anh thật sự. Chính hôm đó ông cũng có mặt ở bờ sông, lúc mà quân y đang cứu chữa cho cả Liêu và Hoa. Đứng trước hành động đẹp đẽ đó của cấp dưới mình, trung đoàn trưởng đã phải thốt lên trước mặt mọi người: “Chiến sĩ quân đội nhân dân là phải như thế!” Biết Liêu đã hoàn toàn khỏe mạnh, sáng chủ nhật hôm nay, ông cho liên lạc xuống tận nhà tạm trú mời Liêu lên bằng được để chơi cờ với ông, không phải để gỡ hòa, chính là biểu lộ thiện cảm của mình đối với Liêu.

Liêu biết chơi cờ tướng từ lúc bận quần chưa chặt giải rút. Bố Liêu là một ông đồ nho, hiếm hoi, sinh Liêu vào năm ông đã tuổi sáu mươi. Ông đồ rất cưng con, từ lúc con còn nhỏ, ông đã dạy chữ, dạy cho con đánh cờ.

Nhà nghèo, tấm liếp không đủ che. Ông đồ quanh năm chỉ làm nghề dạy mấy đứa học trò trong xóm, kiêm cả nghề viết thuê dẫu rất ít người có việc phải thuê ông viết. Mẹ của Liêu làm nghề khâu mướn. Cứ thế, cha mẹ lần hồi nuôi con lớn lên trên đất Hương Trà, cạnh con sông Bồ trong mát. Đến năm 1913 thì một bất hạnh không tưởng được đã trút xuống đầu đứa trẻ, gặp phải cơn trời hơi gió, cả hai cha mẹ đều đã ra đi cùng trong một tháng! Nước hồ trên khăn tang cha chưa kịp mềm thì Liêu đã chịu nốt tang mẹ. Và, cũng từ đấy, cậu bước vào cuộc đời đi ở chăn trâu. Sang tháng tám năm 1944, vì chủ nhà túng thiếu, gặp lúc đói kém, không nuôi nổi Liêu nữa, cậu đành đi tiếp một bước ra thành phố. Từ giã nơi chôn rau cắt rốn của mình, từ giã các ông bạn nón mê tơi rách, Liêu bước đi mà không hề biết đến tương lai ra sao.

Hết thời Tây, sang thời Nhật, cuộc đời cậu bé ấy vẫn đầu đường xó chợ nơi thành phố Huế với cung cấm lộng lẫy, vàng son, với cuộc sống ăn chơi của các vua quan trên bến dưới thuyền. Nay ở tiệm ăn, mai nằm cạnh bờ tường rào đồn Mang Cá, nào nhà “Xẹc”, căng đá ban, nếu cứ trôi mãi dòng đời ấy thì chẳng bao lâu Liêu sẽ trở thành một gã lưu manh, một tên côn đồ. May thay, cách mạng tháng Tám đã bùng lên, lật đổ cả ngai vàng triều Nguyễn, thiêu đốt tất cả những gì thối nát, cứu vớt mọi cuộc đời nô lệ lầm than… Hồi còn bé, Liêu có học được ít nhiều chữ quốc ngữ và chữ nho, anh đã được vào chạy giấy cho Ủy ban cách mạng lâm thời. Đến tháng mười một thì Liêu lại xin vào chăn ngựa cho quân giải phóng tại đồn Mang Cá.

Nhớ lại, hôm Liêu trở về thăm làng, anh mặc bộ quân phục màu ô liu, chân đi giày da, đầu cũng mũ ca-lô đội lệch như ai, ngồi gọn gàng trên lưng ngựa. Ngựa phóng như gió cuốn ra khỏi thành phố, băng qua các làng mạc ven đô, vượt ngang cánh đồng chiêm quê nhà và Liêu đã dừng ngựa trước sân đình mà gọi vang lên: “Tuấn ơi! Tín ơi! Lưu ơi! Đào ơi! Tao đã về đây này…!” Bọn con trai, con gái trong làng, kéo nhau chạy ra quây quanh Liêu mừng rỡ, chuyện này qua chuyện nọ, tíu ta tíu tít, không biết mấy cho vừa. Đám con nít còn nói lắp, nói ngọng thì sờ mó, vuốt ve vào mình Liêu, từ đôi giày, đến cái nịt da lên thấu mũ ca-lô. Mấy thằng bạn trai ngang lứa chỉ thích xin Liêu phi ngựa một vòng. Chỉ có các cô bạn gái là ưa trò chuyện nhất…

Năm tháng làm một người chiến sĩ, Liêu đã sớm trưởng thành trên bước đường chiến đấu của mình.

Trung đoàn trưởng đang mải gỡ nước pháo lồng ngoài hiên có người vào:

- Báo cáo đồng chí! Có một bà già và một cô gái muốn được gặp đồng chí.

Trung đoàn trưởng ngước nhìn ra cửa, nghe lại báo cáo lần nữa, rồi gật đầu:

- Được, mời họ vào – Ông ta cũng không quên bảo Liêu rốn lại và giữ nguyên bàn cờ.

Bà Nhương dẫn cô con gái là Hoa đến gặp ban chỉ huy trung đoàn để cảm ơn bộ đội. Trung đoàn trưởng đứng lên, niềm nở đón tiếp hai mẹ con. Khi đã được mời ngồi vào ghế, bà Nhương mở gói xách tay, đặt lên bàn hai nải chuối đẹp và một chục quả trứng, nói lời lẽ hết sức chân thành, thưa chuyện với trung đoàn trưởng:

- Thưa cấp chỉ huy! Hôm nay tôi đem cháu đến để cảm ơn cấp chỉ huy, cảm ơn đơn vị. Con tôi chết đi, được bộ đội cứu sống, biết đền ơn gì cho vừa…

Trong lúc này, Hoa đã trông thấy Liêu đứng tựa cột nhà phía sau trung đoàn trưởng. Và đôi mắt sáng của Liêu thì cũng đang nhìn vào Hoa làm cho cô mắc cỡ phải nép vào bên cánh cửa.

Bà Nhương vẫn đang nói với trung đoàn trưởng:

-… Trước hết, xin chào cấp chỉ huy. Sau nhờ cấp chỉ huy chuyển đến anh bộ đội đã cứu cháu, lời biết ơn của gia đình tôi. Ơn trời bể đó, cháu nó xin ghi nhớ suốt đời.

Trung đoàn trưởng nở nụ cười sung sướng. Ông lấy làm tự hào, đưa tay ngoái chỉ vào Liêu đang đứng phía sau mình:

- Anh bộ đội ấy đây mẹ này!

Liêu trở nên mất tự nhiên. Không biết sẽ làm gì, nói gì, cử động ra sao sau sự giới thiệu đó của trung đoàn trưởng. Tay chân cứ như thừa, anh sờ sờ túi để tìm thuốc lá hút.

Bà Nhương nhìn Liêu, khẽ gật đầu.

- Chào anh.

Liêu cũng nghiêm mình đáp lễ:

- Xin chào bà mẹ.

Trung đoàn trưởng mời bà cụ xơi nước. Đoạn, nhân thể, ông ta phân tách bản chất tốt đẹp của quân đội nhân dân cho bà Nhương nghe. Ông nói hay như đang đứng ở diễn đàn, giọng nói khi ấm áp đầy tình cảm khi thì rất hùng hồn.

Trong lúc này, Hoa và Liêu, hai người vẫn ở hai phía, chỉ có những ánh mắt giao nhau, bắt gặp nhau, gương mặt đôi bên mỗi lúc một chín đỏ.

Trong nhà, hai cô gái con ông chủ đã lại rúc rích cười, không dám cười to như nắc nẻ, ngài trung đoàn trưởng quở trách như bữa trước. Họ lấp ló ở cửa buồng, hết nhìn Liêu sang nhìn Hoa. Thái độ ấy càng làm cho Liêu và Hoa thêm ngượng ngùng, thẹn nóng cả mặt.

Nếu là một người ngoài bước vào, chưa rõ nội dung câu chuyện, dễ cho rằng đây là một đám ăn hỏi.

Sau khi nghe cấp chỉ huy bộ đội giảng giải về “tình quân dân, tình cá nước” một cách đầy đủ, có lúc thừa nữa, bà Nhương liền đứng lên, bước tới trước mặt Liêu. Bà đưa đôi bàn tay già nhăn nheo da mồi cầm lấy bàn tay Liêu, giọng hết sức cảm động:

- Công ơn của anh biết lấy gì đền đáp. Anh đã cải tử hoàn sinh cho cháu. Ơn ấy, cháu nó nguyện sống để dạ, chết mang theo.

Liêu cũng chỉ biết đỡ lấy đôi bàn tay bà Nhương, nhìn vào bà đang có những giọt nước mắt chảy quanh. Mái tóc bà Nhương đã bạc, Liêu thấy mủi lòng, nhớ đến mẹ mình. Chẳng bao giờ Liêu có thể được gặp lại mẹ mình nữa…!

Đứng ở phía cửa bên này, Hoa cũng đang sống những giây phút hết sức bồi hồi. Tay cô cứ giữ chặt vạt áo như cố nén nỗi rạo rực của con tim. Đôi mắt tròn của cô càng dương to nhìn Liêu, như cốt để khắc sâu hình ảnh ân nhân của mình.

(5)

Những con chim gáy, cứ như kẻ tiếc thời gian, gáy giục giã, có con vỗ mạnh đôi cánh, bay vút như một mũi tên, bắn thẳng lên trời xanh… Nhưng, ở làng Phước Sơn này, buổi sáng mùa hạ bao đời nay vẫn rất yên ả, gió thổi lất phất, khí trời dịu mát. Tiếng ve buổi sáng nghe cũng trong không đến nỗi đục buồn.

Hoa đang ngồi dệt ở khung cửa. Cô ngừng tay đưa thoi, nhìn qua cửa sổ ra lối đi. Trên hai bờ chè mạn hảo có tơ hồng leo mấy con chim vành khuyên ríu rít tìm sâu cán mỏ tí tách. Ở giàn bầu phía cuối sân những cánh bướm vàng nhởn nhơ, hút mật quanh hoa bầu.

Có tiếng sáo mồm ai huýt, nghe rất gần và khá quen thuộc. Thì ra Tân đang đến với Hoa. Hắn đến lần này ra chiều đứng đắn.

- Bà đi đâu hở Hoa? – Tân hỏi thay lời chào.

- Hái dâu.

- Tằm ăn mấy rồi?

- Ăn lên – Hoa hỏi lại – Tân không đi câu hả?

Chừng như không để ý tới câu hỏi của Hoa, Tân đến dỡ tằm ở các nong ra xem, khen đẹp. Rồi hắn quay lại, ngồi bịch xuống giường cạnh khung cửi:

- Nghe rồi… con Thìn bỏ thằng Luyến rồi phải không Hoa?

Hoa tròn xoe mắt:

- Ai nói?

- Phong thanh nghe thế, chẳng biết hư thực ra sao?

- Nó bỏ cũng đúng. Thanh niên quèn, nhát như cáy, lại hay khoe chữ và khoe giàu.

Tân đứng lên gần Hoa hơn:

- Hoa này!

- Gì hở Tân?

Tân thành thực:

- Hoa ạ, theo mình thì cậu lấy quách anh bộ đội ấy đi.

Hoa làm bộ ngạc nhiên:

- Nói gì vớ vẩn thế Tân?

- Ồ…“vớ vẩn” là thế nào? Tớ nói thật đấy chứ.

Hoa tự hỏi:

- À, anh ấy tên là gì, Tân nhỉ?

- Nghe người ta gọi là Liêu. Hoa chỉ còn cách lấy anh ta mới đền hết ân nghĩa.

- Không phải yêu nhau, chỉ cần đền ân trả nghĩa?

- Mình không nói thế, tất nhiên, trước hết hai người phải có tình yêu, điều đó dễ thôi. Một mai đi chiến đấu, anh ta sẽ bị thương, đó là dịp tốt cho Hoa báo đáp.

Hoa trừng mắt:

- Ăn nói độc miệng thế! Cậu mong cho bộ đội bị thương hả?

- Chẳng ai dại mong như thế. Song đi chiến đấu thì cũng khó mà nguyên vẹn, bởi vậy, người ta mới nói hy sinh.

- Mỗi đứa mình đều phải chịu ơn anh ấy. Cậu sẽ trả ơn bằng cách nào?

Tân ra vẻ nghĩ ngợi, tay đập đập vào trán.

- Cũng thử một cách bàn với cậu lấy anh ta. Đến cách thứ hai là sẽ đi bộ đội, làm lính như anh ta.

Sẵn cái vỏ bưởi cạnh cửa sổ, Hoa nhặt ném bẹt vào má Tân. Tân sờ sờ má, mắt như bị méo hẳn đi. Rồi cậu ta vớ ngay lấy mảnh vỏ bưởi nọ, giơ cao lên, ném lại Hoa. Hoa vội quay mặt, nhắm cả hai mắt, chờ trả thù. Nhưng Tân đã không ném, chỉ cầm vỏ bưởi, quẹt một cái vào má hồng của Hoa, rồi bỏ chạy, hết cả vẻ đứng đắn lúc mới tới.

Tân về rồi. Hoa trút một hơi thở sung sướng, nghiêng mình xuống khung cửi, áp má lên khuôn tơ, lòng lâng lâng. Có thể lúc này Hoa đang tự hỏi: “Mình yêu anh Liêu rồi chăng”.

Đôi hàng mi đen khép lại, Hoa muốn để cho sức tưởng tượng của mình không bị ngoại cảm chi phối. Hoa đang hình dung đôi cánh tay rắn chắc của Liêu xiết chặt lấy mình. Đôi cánh tay ấy đã đem Hoa từ cái chết dưới đáy sông trở lại cuộc sống hôm nay. Bao giờ, có bao giờ nữa không. Hoa được ở trong đôi cánh tay ấy, để rồi cô lại tỉ tê, kể chuyện cho Liêu nghe những ngày nhớ mong thầm kín này…

*

* *

Vào những ngày này, Liêu cũng đang có tâm trạng tương tự, xốn xang, nhớ Hoa thế nào ấy… Chiều nay thờ thẫn Liêu lại một mình lần ra bến nước, ngồi mát bên khóm cây hoa dẻ, thả hồn trên dòng sông Gianh. Vào mùa hạ, không bị mưa lũ ở thượng nguồn, nước sông Gianh thường là trong xanh. Dòng nước cứ trôi triền miên. Gió chiều nhẹ lướt trên mặt sông gợn sóng lăn tăn, róc rách xóa bờ. Cỏ cây lau lách đôi bờ cũng theo gió mà rì rào, xào xạc. Thỉnh thoảng một vài quả sung rơi “bõm” xuống mặt sông. Liêu nhặt nắm đất cạnh chỗ ngồi ném theo quả sung rụng vu vơ…

Bên kia sông là cả một dãy núi đá răng cưa chập chùng như một trường thành xanh thầm kín đáo, hễ có một tiếng vang có hàng chục tiếng vọng dội, lan lan.

Tiếng vang vào núi đá còn có hồi âm, Liêu biết rằng mình đã yêu Hoa, yêu tha thiết, nhưng đâu có gọi tên cô lên thì… vẫn chưa thể có được hồi âm. Một tình yêu chưa nói được mới da diết làm sao!

Hoa cũng ra bến nước với Liêu chăng? Không, đã hứa hẹn gì đâu! Hoa đi bến, đập sợi vải để đem về hồ. Non tháng nay Hoa mới dám ra sông, nhìn thấy mặt nước cứ ngờm ngợp, sợ nữa, đáy thâm hiểm, thẳm sâu… Chỉ một làn sóng nhỏ cũng đủ làm cô nhẹ người.

Trông thấy Hoa e dè, đập vải hí hoáy bên tảng đá, một ý nghĩ nghịch ngợm nổi lên trong óc. Liêu không còn giữ được nghiêm túc, lặng lẽ cởi áo quần ngoài, bí mật bò lên khóm cây hoa dẻ. Rồi bất thần, Liêu nhảy ùm xuống sông, nước vung cao lên tận ngọn cây!

Hoa vùng chạy lên bờ, chẳng còn hồn vía, mặt nhợt nhạt, tay chân như rã rời, cố bíu lấy gốc xoan, chưa biết có chuyện gì sẽ đến. Hai mắt dương to đầy sợ hãi nhìn xuống mặt nước quái gở.

Trên mặt sông, một con người lưng trần màu nâu như con cá kình rẽ nước bơi phăng phăng mái tóc quăn, đen mượt, nhấp nhô, nhấp nhô. Hoa nhìn theo không chớp mắt. Giờ lâu, cô đã nhận ra đấy là Liêu, thở phào, hoàn hồn. Đôi mắt Hoa vui trở lại chớp chớp, đôi môi thắm dần và hé nở một nụ cười. Cô khẽ lắc đầu một cách yêu mến “Anh Liêu… nghịch hơn quỷ!” Đôi lúm đồng tiền hằn mãi trên má, mà hai bàn tay không rời khỏi gốc xoan.

Giữa sông, Liêu như một con rái cá, hết bơi dọc lại bơi ngang, một mình vùng vẫy, ngụp lặn… Khoảng mười lăm phút sau, Liêu mới bơi vào bờ, lúc này đôi cánh tay khoát nước hiền từ như thuyền lúc ghé bến.

Hoa đứng lên, mặt hớn hở như đang được đón một niềm vui. Một không khí thật dịu ngọt cho hai người nên Liêu đã đánh liều lên tiếng trước:

- Cô Hoa ra bến làm vải?

Chừng ấy thôi mà khó khăn lắm mới có dịp, đủ cho Liêu can đảm để bắt chuyện với Hoa. Một câu chào hỏi mà cả hai người đều cảm thấy sung sướng:

- Anh Liêu nghịch quá, làm em mất hồn – Hoa trách yêu.

- Thế nhặt lại được chưa?

Cả hai nhìn nhau, miệng cười.

Hoa bắt đầu chủ động hỏi chuyện:

- Anh Liêu quê ở đâu mà bơi lặn giỏi thế?

- Xa lắm, ở tận trong vùng địch tạm chiếm.

Hoa ngoái lại phía sau bến, kiễng chân ngó lên đường. Bến nước vẫn vắng vẻ, và câu chuyện giữa hai người lại tiếp tục.

- Vậy gia đình anh, ông cụ bà cụ hiện ở đâu?

Liêu vừa kỳ cọ quanh mình vừa trả lời, giọng buồn hẳn:

- Họ ở dưới đất cả rồi.

Hoa chép miệng, đứng lặng vì mấy câu trả lời cộc lốc của Liêu. Một nét buồn thoáng hiện trên mặt cô. Hoa đã là một đứa bé lớn lên không biết mặt cha, song còn có mẹ, có anh chị bao quanh còn có tổ ấm họ hàng, xóm làng… Còn anh Liêu, thương biết mấy, một con người côi cút, cô đơn, không dưng. Hoa lại buộc buồn thương đó vào mình.

Giọng Hoa nhẹ và ấm:

- Anh Liêu, sao anh không lại nhà em chơi cho vui. Mẹ em vẫn thường nhắc tới anh.

- Tôi ngại…

- Anh ngại gì?

- Người ta sẽ…

Đến đây câu chuyện ngừng lại… Có thể có một điều gì khó nói, giữa lúc hai người vẫn đang muốn trò chuyện mãi với nhau.

Trên sông, hai con thuyền buồm căng gió, nối nhau rẽ nước một cách bình thản, không còn biết luyến nhớ đến đôi bờ.

Liêu và Hoa đều hướng ra sông nhìn theo hai cánh buồm trắng lướt theo gió sông hây hây. Liêu bỗng buột miệng hỏi Hoa:

- Thuyền người ta về đâu ấy nhỉ?

Hoa trả lời như có sự đồng cảm với Liêu:

- Người ta xuôi về hạ bạn đấy anh ạ.

Bỗng nhiên, chẳng hiểu do đâu, tình cảm diễn biến ra sao mà Liêu nhảy xô ra, bơi đuổi theo thuyền và bước đầu tiên trò chuyện giữa Liêu và Hoa đến đây coi như chấm lửng…