Trang - Chương 02 - Phần 2

Thật là những người kỳ lạ. Trang thầm nghĩ. Ông già quắc thước này, người con gái xinh đẹp của ông ta và đến cả bà Era trang nghiêm thảy đều có một ngọn lửa bên trong nung nấu lòng họ. Và vì sao, khi họ nói, mắt họ sáng lên như thế, nét mặt họ trở nên cương quyết và giọng họ có vẻ nghiêm trọng đến thế kia? Nơi họ dường như có một thần lực tỏa ra bao trùm lấy họ trong một sự hòa hợp huyền bí và đã gạt ta ra ngoài. Trang bỗng nhìn đôi bàn tay Lịch chắp lại trên đầu gối, đôi bàn tay mạnh mẽ, rắn rỏi, ngón to như tay đàn ông. Trang lại nhìn bàn tay nàng vịn trên thành ghế bà Era, bàn tay mềm mại nhỏ thó, ngón thon thon. Bàn tay Lịch giống bàn tay bà Era nhưng bàn tay Era suôn sẻ mịn màng, không có dấu vết của sự làm lụng, và mang nhiều nhẫn quí nơi ngón cái và ngón trỏ. Tay Lịch không mang nữ trang.

Bà Era nói:

- Thưa thầy, con đến định thưa với thầy về chuyện ngôi giáo đường.

Giáo trưởng nghiêng mình, một chiếc mũ tròn chụp trên chỏm đầu, để lộ ra chung quanh một vành tóc bạc phơ. Người nhã nhặn hỏi:

- Con muốn nói gì về chuyện ấy?

Bà Era vừa trìu mến ngắm nhìn Lịch vừa nói:

- Không biết cô Lịch có nên ở lại trong lúc này không?

Lịch đứng dậy:

- Con xin phép vào trong.

Nhưng bà Era bỗng quả quyết:

- Không. Sao con lại phải đi ra? Con đã lớn rồi và chúng ta có phải là người Trung Hoa đâu. Chúng ta có thể nói chuyện hôn nhân của con trước mặt con.

Lịch ngập ngừng ngồi xuống ghế. Trang ngắm nhìn Lịch và thấy khi nghe hai tiếng hôn nhân, một luồng máu đỏ phát từ vai, từ cổ, rồi dồn dần lên trên đôi má và tận đến chân tóc nàng.

Và Trang cảm thấy mặt mình tái đi, trái tim mình đập thình thịch. Lẽ dĩ nhiên là câu chuyện sẽ diễn ra trước mặt nàng. Có ai bận tâm để biết một con tì nữ cũng có một trái tim không? Bà Era rất tế nhị nên bà thấy rằng để cho Trang nghe chuyện hôn nhân của Đavít là một điều hay. Trang cúi đầu, hai tay chắp lại trên lưng ghế bà Era, nàng giống như một bức tượng nhỏ bằng cẩm thạch.

Bà Era nhắc lại:

- Việc hôn nhân… Thưa thầy, lúc này nói chuyện về đôi trẻ là vừa, chúng đã khôn lớn cả!

Giáo trưởng đáp:

- Lịch mới mười tám. - Người do dự. - Vả lại, không có Lịch thì thầy biết làm sao đây?

Bà Era thưa:

- Mười tám tuổi lấy chồng là vừa, và thầy cũng không thể giữ Lịch lại suốt đời được. Chúng ta sẽ mướn một thiếu phụ Do Thái đảm đang để thay thế Lịch; con có biết một người như thế rồi… Rasen, con gái của Êly.

- Một thiếu phụ Trung Hoa? - Giáo trưởng hỏi, vẻ do dự càng tăng thêm.

- Thưa thầy chỉ một phần thôi. - Bà Era đáp, giọng quả quyết. - Bây giờ khó lòng tìm cho được người giúp việc Do Thái trăm phần trăm. Chính con cũng có gia nô người bản xứ thôi. Tốt hơn là đừng thuê người tạp chủng! Nhưng lẽ dĩ nhiên là để thay thế Lịch ở đây chúng ta phải chọn một người hiểu nghi thức để có thể giúp đỡ thầy được. Rasen có thể đảm đương được việc ấy.

Với một giọng rền rĩ, giáo sĩ nói:

- Người chồng Trung Hoa…

Bà Era đáp:

- Thưa thầy bây giờ chúng ta đã khá vất vả để hỏi cho các con trai chúng ta những người vợ cùng trong chủng tộc. Vì lẽ đó mà con muốn Đavít kết hôn ngay lúc này. Lịch này, con phải giúp dì mới được.

Một vẻ bối rối thoáng hiện trong đôi mắt Lịch. Nàng khẽ nói:

- Bằng cách gì con giúp dì được?

- Con lại đằng dì. Khi đến tuổi cập kê, con đến ở nhà người bạn thân của mẹ con là một điều phải, và tự nhiên. Xưa kia mẹ con và dì như đôi chị em, và đã từ lâu dì muốn ngỏ ý bảo con ở lại đằng dì.

Có tiếng động ngoài cửa. Thình lình Arông bước vào, rồi dừng lại luống cuống trước mấy người khách bất ngờ ấy. Chàng gượng cười bối rối.

Với một giọng buồn phiền, Lịch khẽ gọi em:

- Arông!

Giáo trưởng kêu lên:

- Con đấy à! Con về rất đúng lúc. Chúng ta có thể cùng nhau bàn bạc. Đến đây con. Con ngồi xuống cạnh cha đây.

Giáo trưởng sờ soạng tìm một chiếc ghế, nhưng Arông chần chờ không muốn đến gần cha. Chàng cởi chiếc khăn trên đầu và lau mồ hôi trán. Lịch đứng dậy, đặt một chiếc ghế cạnh giáo trưởng và ra dấu bảo em trai ngồi. Chàng ngồi xuống và cố nén cơn thở dốc.

Giáo trưởng hỏi:

- Vì sao con phải chạy thế?

Arông cau có đáp:

- Vì con muốn.

Là một thiếu niên gầy yếu xanh xao, với đôi mắt ti hí, sống mũi mỏ diều, đầu tóc rối bù, Arông trông rất đáng ghét.

Với một giọng kẻ cả, bà Era bảo chàng:

- Cậu không có gì tỏ ra xứng đáng là con trai của một giáo trưởng cả. Cậu tầm thường như con của bất cứ một người nào khác.

Arông chỉ đáp lại bằng một khóe mắt giận dữ và hiềm thù.

Lịch khẽ gọi em:

- Arông!

- Chị im đi! - Arông nói một cách giận dữ, nhưng rất nhỏ.

- Con đã chào hỏi khách chưa con, Arông?

Bà Era nói:

- Thưa thầy, con xin tiếp tục câu chuyện hồi nãy.

- Vâng, vâng!... Này Arông, bà Era muốn Lịch lại ở đằng bà một thời gian.

Arông cáu kỉnh hỏi:

- Ai sẽ săn sóc chúng ta?

Bà Era đáp:

- Rasen sẽ đến đây.

Lịch có vẻ e lệ hỏi em:

- Arông, em có buồn về nỗi chị đi không?

- Can hệ gì đến em. Chị muốn làm gì thì làm.

Mắt Arông đảo quanh gian phòng và chợt thấy Trang, chàng nhìn sững. Trang cảm thấy đôi mắt Arông trân trân nhìn mình cách thô bỉ, nàng liền cúi gầm mặt xuống.

Bà Era thấy vậy, bất bình đứng dậy chắn ngang giữa hai người. Bà nói với giáo trưởng:

- Thưa thầy, chúng ta hãy quyết định như thế này. Lịch có thể lại đằng con trong ngày mai, con sẽ cho kiệu đến đón và Rasen sẽ đến đây trước đấy một chút. Lịch ạ, như vậy con có thể chỉ bảo những việc cần thiết cho mụ ấy. Con chớ định trước ngày về. Có lẽ dì sẽ giữ con ở lại lâu đấy.

Bà Era mỉm cười, khẽ gật đầu với Lịch trong lúc nàng đang vội vã đứng dậy. Rồi sau khi chào giáo trưởng, bà bước ra khỏi phòng như không trông thấy Arông. Giáo trưởng cũng đứng dậy, người vịn vào vai con trai, tiễn bà Era đến tận cổng.

Lịch cũng theo một bên cha. Trang đã ra trước để tin cho phu kiệu sửa soạn.

Thế là bà Era trở về nhà, bất mãn về những tư tưởng của chính mình. Trang nhận thấy điều đó. Bà lặng thinh về phòng riêng và vắn tắt bảo dọn dẹp căn nhà phía đông cho Lịch. Nghe xong lời chỉ bảo của chủ, Trang lui ra để làm phận sự. Nhưng khi nàng vừa ra đến cửa, bà vội gọi giựt lại dặn thêm:

- Bọn thiếu nữ có tài tiên tri. Con hãy sắp xếp hai gian phòng ấy theo cách con nghĩ, để cho Lịch vui lòng. Ở đấy, con hãy cho treo những bức tranh, bày những bình sứ, cắm các thứ hoa và dùng loại nước thơm mà nàng thích hơn cả.

- Nhưng thưa bà, làm sao con biết được sở thích của một người lạ?

Rồi đôi mắt mở to và ngây thơ của Trang gặp nét nhìn đăm đăm của bà Era.

Bà xẵng giọng nói:

- Thì hãy đoán lấy!

Nét nhìn ngây thơ của cô gái dao động.

Khi ra đến dãy nhà cầu rêu đóng, Trang dừng lại một chút. Rồi nàng vội vã trở về phòng riêng. Nàng cởi bộ y phục sắc sẫm, mặc bộ áo quần bằng lụa mịn màu hồng đào. Nàng lấy nước thơm rửa mặt, rửa tay, cuốn cái đuôi sam lại lên trên vành tai và cài vào đấy một chiếc trâm vàng; rồi nàng mang một chuỗi ngọc, thoa một lượt phấn trên mặt, tô son lên môi. Xong, nàng men theo những dãy hành lang kín đáo của ngôi nhà cổ để đến khuôn viên Đavít, cạnh khuôn viên thân phụ chàng.

Một gia đình Trung Quốc giàu có và đông đúc đã kiến tạo ngôi nhà này từ mấy trăm năm trước, và trải qua nhiều thế hệ kế tiếp người ta đã tùy nhu cầu hoặc sở thích mà lập thêm nhiều tòa ngang dãy dọc san sát. Bây giờ có nhiều chỗ vắng vẻ không dùng đến, nhưng Trang và Đavít vì tò mò đã giẫm chân khắp nơi, rồi đôi bạn trẻ càng lớn lên, mọi xó xỉnh hóc hiểm đối với họ đều là những nơi quen thuộc. Dưới mái nhà thênh thang ấy, nào hành lang, nào nhà cầu, liên tiếp làm thành một hệ thống đường đi kín đáo, thích hợp cho một đời sống thầm kín. Cái dinh cơ này là cả một thế giới đối với Trang. Nàng sống ở đây với gia đình chủ nhân, nhưng lắm lúc dường như nàng chỉ cô đơn một mình. Hàng giờ hàng buổi, nàng thơ thẩn trong một khuôn viên hoang vắng, cây cối um tùm, tha hồ ngẫm nghĩ về cuộc đời hoặc thả hồn mơ mộng. Nhưng từ trước đến nay, chưa bao giờ Trang hoàn toàn cô đơn, vì Đavít luôn luôn có mặt. Thực sự có mặt hay không, hình ảnh chàng cũng không ngớt hiện ra trong những điều mộng tưởng hoặc suy tưởng của nàng thiếu nữ.

Trang vừa tiếp tục đi theo con đường bí ẩn, vừa lo sợ phập phồng. Nàng vẫn biết và đã biết từ lâu rằng, một ngày kia sẽ có một người đàn bà về làm vợ Đavít. Nhưng nàng không cho rằng người đàn bà ấy sẽ có thể chia rẽ Đavít với nàng. Nghĩa là mọi sự sẽ cứ tiếp diễn, sẽ không ai chú ý đến sự thân mật giữa hai người trong cuộc sống hàng ngày của gia đình. Nhưng nếu người ta đưa Lịch về đây, liệu nàng có tha thứ điều ấy không? Liệu nàng có đòi hỏi toàn thể con người Đavít, thể xác, linh hồn và lý trí không?

Có lẽ nàng sẽ khuôn rập tín ngưỡng của chồng theo hình ảnh tín ngưỡng của nàng, nàng sẽ lôi kéo chồng theo đúng tôn giáo của ông cha và người chồng sẽ chỉ gắn bó với một mình Lịch mà thôi. Có lẽ sẽ không có một chỗ nào cho một người đàn bà khác trong trái tim của chàng trai trẻ. Trang e sợ Lịch vì nàng cảm thấy Lịch đủ sức để chiếm đoạt hoàn toàn một người đàn ông và giữ vững lấy. Đôi mắt Trang đầy lệ. Phải mau mau đến gần Đavít, chinh phục chàng và nối lại tất cả các dây liên hệ. Nàng hấp tấp bước, trong nỗi lo sợ này nàng cả gan dám trái lời bà Era. Chân mang giày satanh, nàng lặng thinh chạy mãi đến thư phòng, nơi Đavít đang đọc sách, mà không gây nên một tiếng động nào.

Chàng ngồi nơi bàn học, chồng sách đẩy cả ra xa. Lúc vào đến cửa, Trang thấy chàng cúi xuống trên một mảnh giấy, vẻ rất chăm chú, miệng cắn quản bút lông, không biết có nàng tì nữ xinh trẻ, tươi cười, đang đợi chàng ngửng mắt nhìn nàng. Chàng vẫn ngồi bất động, nàng phì cười. Chàng quay đầu lại, mặt còn giữ vẻ mơ mộng và xa xăm. Nàng đến gần, rút trong tay áo ra một chiếc khăn lụa trắng, cúi xuống lau đôi môi lấm mực của chàng.

- Chao ôi! Miệng với mồm. Cậu xem đây này.

Nàng chỉ vết mực trên chiếc khăn, nhưng chàng còn mơ màng như hồn để cả ở đâu đâu.

- Trang tìm giúp tôi một vần với “tiên” nào.

Nàng nhanh nhẩu đáp, vẻ đùa cợt:

- “Điên”.

Vừa đặt quản bút xuống bàn, chàng vừa nói:

- Chính Trang điên thì có.

- Cậu viết gì đây?

- Một bài thơ.

Trang giật lấy mảnh giấy, nhưng Đavít giành lại nên mảnh giấy rách làm đôi.

- Kìa, báo hại chưa! - Chàng kêu lên, giận dữ. - Tôi chép lại đến lần thứ năm rồi đấy.

- Để nộp cụ đồ à?

Và nàng cất cao giọng ngâm thơ của Đavít:

Thình lình lạc bước chốn hoa viên,

Ngào ngạt mùi hương tưởng cảnh tiên.

Trăm đóa hoa thơm đều tủi phận,

Trước cây huệ trắng…

Trang hỏi:

- Sao lại cây huệ? Tôi cứ tưởng là cậu thấy nàng giống như một con linh dương kia chứ. Một thiếu nữ không thể nào vừa giống một cây huệ lại vừa giống một con linh dương được.

Đavít đáp:

- Nàng không hoàn toàn giống một cây huệ. Thân hình nàng đâu có cao đến thế, tôi đã muốn ví với một cây lan, thứ lan nhỏ, nhưng không tìm ra vần.

Trang vò bài thơ.

- Dầu nàng giống hoa gì đi nữa, tặng thơ cho nàng cũng vô ích.

Chàng nắm lấy tay nàng bảo:

- Tiện tì!

Chàng giành lại bài thơ, vuốt cho thẳng, rồi nhìn Trang và sực nhớ những điều nàng vừa nói.

- Trang vừa bảo gì thế?

Trang im lặng một lúc, rồi nói với một giọng quả quyết:

- Lịch sắp đến.

- Ở đây? - Chàng vội hỏi.

Sự kinh khủng đọc được trong đôi mắt của Đavít làm Trang vui thích. Nàng khẽ gật đầu, đáp:

- Sáng mai nàng đến, - và nàng thật rất xinh đẹp; tôi chưa bao giờ thấy ai đẹp đến thế! Sao lại không giữ lấy bài thơ? Hoa huệ xứng hợp với nàng lắm.

Đavít cắn môi bứt rứt:

- Vì sao nàng lại đến đây?

- Lại còn phải hỏi nữa, cậu biết… cậu biết lắm. Nàng đến để kết duyên với cậu.

- Thôi đừng đùa nữa (chàng đứng phắt dậy, nắm chặt hai cườm tay nàng). Kể đầu đuôi cho tôi nghe đi. Mẹ tôi bảo nàng đến phải không?

Trang gật đầu:

- Tôi theo bà đến nhà giáo trưởng và tôi nghe rõ đầu đuôi cả. Họ sắp trùng tu lại ngôi đền, - ngôi đền thờ Chúa của cậu ấy mà, - và Lịch đến ở đây.

- Ồ, mẹ ta cứ tưởng…

- Chao ôi! Bà sẽ làm theo ý muốn của bà. Bà có quyền hơn cậu, bà sẽ buộc cậu lấy Lịch.

- Không thể được, tôi không muốn… Thân phụ tôi sẽ bênh vực tôi.

- Ông chủ không có quyền bằng bà đâu.

- Nhưng thân phụ tôi và tôi hiệp sức lại…

- À! Nhưng họ, họ cũng hai người đấy chứ. - Trang đáp vẻ đắc thắng. - Lịch và mẹ cậu!... Họ mạnh hơn cha cậu và cậu nhiều.

Nàng cảm thấy có một ý muốn lạ lùng là trêu Đavít làm cho chàng đau khổ để chàng phải cầu cứu đến nàng. Rồi nàng sẽ giúp đỡ chàng. Nàng ngẩng mặt lên, nhìn vào mắt Đavít và thấy chàng có vẻ bối rối.

Chàng khẽ bảo:

- Trang phải giúp tôi mới được.

Nàng khăng khăng đáp:

- Lịch đẹp lắm!

- Nhưng Trang đã biết, tôi yêu một người khác kia mà!

- Con gái ông Khương Sơn có phải không? Nàng tên gì?

Với một giọng thiểu não, chàng đáp:

- Nào tôi có biết.

- Nhưng tôi, tôi biết.

Trang đã chế ngự được Đavít. Chàng buông hai tay nàng.

- Tên nàng là gì?

- Cậu muốn ví nàng với hoa hoàng lan là gần đúng rồi đấy. Tên nàng là Quý Lan.

- Quý Lan! Ồ! Tôi đã biết mà!

Trang ngọt ngào nói:

- Và nếu cậu muốn, tôi sẽ đích thân mang đến tận tay nàng bài thơ của cậu, khi cậu làm xong.

Đavít rút ngăn kéo, lấy một tờ hoa tiên khác.

- Mau lên, Trang nghĩ hộ tôi câu đầu đi nào.

- Đừng ví với hoa, thường lắm!

Chàng sốt sắng hỏi:

- Không ví với hoa… Ở địa vị tôi, nàng sẽ ví với gì nào?

Trang đáp:

- Nếu là tôi, tôi sẽ nhắc lại với người… người tôi yêu… một… mùi hương… phảng phất trong gió lướt chiều hôm hay sương sa buổi sớm.

- Sương sa buổi sớm. - Chàng nhắc lại giọng quả quyết.

Chàng ngồi xuống trước tờ hoa tiên và cầm lấy quản bút lông.

Trang lấy lòng bàn tay và xoa nhẹ vào má chàng, dịu dàng bảo:

- Trong lúc cậu viết, tôi đi làm việc này cho bà đã.

Chàng không nghe Trang nói và cũng chẳng hay nàng đang bước ra. Thấy chàng chăm chú đến thế, Trang mím môi, mắt long lanh tựa hạt huyền và nàng đi dọn phòng cho Lịch.

Nàng lăng xăng sai bảo hai người tì nữ mà nàng gọi đến để giúp mình. Còn chính nàng thì không nhúng tay vào một việc gì cho đến khi một cái xó dưới gậm giường cũng đã được quét tước, các bức màn lụa rũ hết bụi, đôi chăn xếp để trên giường và chiếc bàn bằng gụ chạm lau chùi sạch sẽ. Bấy giờ Trang mới cho hai người nữ tì lui ra, và nàng ngồi xuống nghĩ đến Lịch.

Trong thâm tâm, Trang muốn để các gian phòng này như vậy: sạch sẽ nhưng trống trải. Vì sao nàng lại phải trang hoàng? Rồi Trang thở dài. Nàng biết mình vốn độ lượng, vậy không nên ganh tị với Lịch mới phải. Vả lại Lịch là người tốt bụng kia mà. Trang miễn cưỡng đứng dậy và đi kiếm các đồ vật xinh đẹp: đôi chậu sứ vẽ hoa sặc sỡ, chiếc tráp sơn, hai bức tranh phi điểu có đề thơ, chiếc ghế đẩu bằng trúc, một bình thủy tiên, và nàng trang trí hai gian phòng dành cho Lịch một cách rất mỹ thuật.

Lúc đã hoàn tất, nàng nhìn quanh một lượt và cảm thấy bổn phận mình đã làm xong, rồi đóng các cửa lại. Ra đến sân nàng dừng bước nghĩ ngợi. Chắc Đavít đã làm xong bài thơ. Nàng có nên đến hỏi chàng muốn dùng bài thơ ấy để làm gì không? Nàng lại băng qua các hoa viên mãi đến tận thư phòng. Thấy vắng vẻ, nàng khẽ gọi:

- Đavít!

Gian phòng vẫn im lặng. Nàng rón rén bước vào và nhìn thấy tờ hoa tiên trên án thư. Đavít chỉ mới viết được một câu:

“Hạt sương lóng lánh nụ sen hồng.”

Sau đó, chắc chàng đã phải ném bút. Trang sờ thử ngòi bút và thấy đã khô. Đavít đi đâu, chàng ở đâu nãy giờ?

Trang nhìn quanh gian phòng vắng, trên kệ la liệt sách vở. Nàng thử vận dụng khả năng trực giác và thấm nhuần không khí của gian phòng. Đavít đã cảm thấy xấu hổ, nhưng vì sao? Trang chỉ muốn chạy đi tìm chàng, nhưng đời đã dạy nàng phải kiên nhẫn. Nàng tự kiềm chế và đứng yên bất động. Rồi nàng cầm lấy quản bút, đậy tháp đồng lại và cất vào hộp; nàng sắp xếp lại cái nghiên và thỏi mực. Nàng đợi một lát nữa, xếp cẩn thận tờ hoa tiên với bài thơ bỏ dở, cất vào túi áo, xong mới trở về phòng riêng. Suốt buổi chiều hôm ấy, nàng mải miết thêu thùa quên cả ăn uống mà không một ai để ý đến tìm nàng cả.

***