Trang - Chương 03 - Phần 1

3

- Nhưng thưa cha, họ Era là người đồng chủng với chúng ta còn Ette thì đã phải đi đến chốn người ngoại giáo!

- Chỉ ở đây, gần giáo đường, cha mới cảm thấy ở đất thánh. - Giáo trưởng thở dài.- Chao ôi! Nếu cha được thấy nơi này!

Lịch vừa quàng tay lên vai cha, vừa nói:

- Cha cho con ở lại đây với cha…

Giáo trưởng vội vàng đáp:

- Không, không, không phải là cha phàn nàn. Chúa dìu dắt chúng ta. Người có định ý đối với nhà họ Era, và Người đã chọn con để thực hiện ý định của Người, Lịch ạ! Con này, con đưa cha vào phòng để cha cầu nguyện cho đến khi tìm thấy ý muốn của Người.

Chính giáo trưởng lôi Lịch đi theo con đường đã quen thuộc, còn nàng tựa đầu vào vai cha. Arông đưa mắt nhìn theo, rồi bước nhanh ra ngõ chuồn mất. Đến bậc thềm, giáo trưởng dò từng bước.

- Các con ạ...

Lịch quay lại và không thấy Arông, nàng dịu dàng nói:

- Thưa cha, em con đi rồi!

Mọi lần trước, nàng giấu không nói cho cha biết để giữ hòa khí trong nhà và khuyên cha tha thứ cho Arông vì chàng còn nhỏ dại. Nhưng bây giờ, nàng phải cho cha biết sự thật.

- Đi rồi à? Nó mới ở đây mà!

- Cha chắc thấy rằng con không thể xa cha được. Khi con đi khỏi rồi, em con nó sẽ bỏ đi chơi và để cha trơ trọi một mình với người ở.

Giáo trưởng nói, vẻ mặt thảng thốt:

- Cha phải đến trước bàn thờ Dêhôva.

Lịch van lơn:

- Cha ơi! Cha cho con ở lại để săn sóc cha và em con.

Nhưng giáo trưởng hất tay con gái ra, đứng thẳng giữa gian phòng, gõ gậy xuống nền đá lát than thở:

- Chính cha đã giấu con. Chính cha đã tỏ ra hèn yếu. Cha biết tính nết Arông. Con cứ đi và cha sẽ làm phận sự của cha.

- Thưa cha, Arông còn nhỏ, cha làm gì được?

Giáo trưởng đáp, giọng cương quyết lạ lùng:

- Cha có thể nguyền rủa nó như Ygiắc đã nguyền rủa Egian. Cha có thể đuổi nó ra khỏi thánh thất và không bao giờ được trở lại.

Lịch ôm cha:

- Chao ôi! Con nỡ lòng nào ra đi!

Giáo trưởng cố tự chủ. Ông ngập ngừng, quay lại, sờ soạng tìm chiếc ghế và ngồi xuống. Ông run lên, mồ hôi toát ra trên vầng trán nhợt nhạt.

- Bây giờ con hãy nghe cha. Đây không còn là lời của một người cha thể xác, mà là lời nguyền của giáo trưởng!

Lịch đứng thẳng, do dự: nàng cắn môi, hai bàn tay nắm chặt, đôi mắt mở rộng nồng nhiệt và bao la. Sau một lúc im lặng, giáo trưởng đứng đậy và với một giọng hùng hồn bảo:

- Lịch, đây là lời Chúa dạy: con hãy ra đi và nhớ nhiệm vụ của con. Lịch, con hãy trở lại với gia đình Era. Con hãy nhắc cho cha con họ nhớ rằng, họ là con cháu của những người mà ta đã dùng tay Maisen dìu dắt ra khỏi xứ Ai Cập để vào nơi Đất Hứa. Nhưng dân tộc ta đã phạm tội. Chúng đã lấy vợ người ngoại giáo và thờ phụng các tà thần. Ta đã đuổi chúng đi để chúng biết ăn năn, nhưng ta không quên chúng đâu. Chúng sẽ trở về với ta và ta sẽ cứu vớt chúng. Ta sẽ đem chúng về nơi quê hương xứ sở. Và làm sao được như vậy, nếu không phải do bàn tay của những kẻ vẫn trung thành với ta.

Mặt giáo trưởng có vẻ khác phàm. Chiếc gậy rơi xuống đất và cụ giơ hai tay lên trời. Lịch chăm chú nghe và khi giáo trưởng dứt lời, nàng cúi đầu khẽ đáp:

- Con xin vâng lời cha dạy. Con sẽ làm hết sức của con.

Giáo trưởng trở nên bối rối. Vừa đứng dậy đã thấy đuối sức, cụ lại ngồi phịch xuống ghế. Với một giọng mệt mỏi, cụ nói tiếp:

- Con hãy tuân theo ý Chúa. Thôi con hãy ra sửa soạn đi.

Lịch líu ríu đi ra và lẳng lặng sắp đặt suốt ngày hôm ấy. Căn nhà gần giáo đường lúc nào cũng sạch sẽ và tươm tất, nhưng Lịch vẫn quét dọn lại một lần nữa, xong mới đi sửa soạn bữa trưa cho cả ba người. Arông vẫn chưa về nên nàng để lại phần cho em. Hai cha con im lặng ngồi vào bàn ăn. Khi biết Arông không có mặt, giáo trưởng thở dài và dặn Lịch hễ thấy em về thì giục vào ngay cho ông bảo. Sau bữa ăn trưa, giáo trưởng đi ngủ. Trong lúc ấy, Lịch xếp một ít áo quần vào chiếc va-li da, tắm rửa và gội đầu. Nàng vừa sửa soạn xong thì có người gõ cửa. Rasen đến với một người đàn ông đội chiếc rương gỗ của mụ ta.

Mụ vắn tắt nói:

- Bà Era bảo tôi đến đây.

Lịch đáp:

- Chúng tôi đang đợi thím - nàng dắt mụ Rasen về phòng nàng - thím sẽ ngủ ở đây, gần phòng của cha tôi. Thím đã ăn cơm chưa?

- Tôi ăn rồi. Tôi đến sớm để cô bảo qua công việc cho tôi, rồi tôi nấu cơm tối, vì bà Era dặn tôi thưa với cô đừng thức khuya, để sáng mai bên nhà sang đón cô sớm. Tối nay cô cứ ngủ ở đây, tôi ngủ sau bếp cũng được.

Người đàn bà mập mạp chắc chắn này làm cho Lịch yên lòng, nàng cùng mụ ngồi xuống giường. Nàng giải thích cặn kẽ thức gì cha nàng ăn và thức gì không ăn, giờ nào cha nàng cần nước nóng để rửa ráy, cần phải săn đầu tóc và bộ râu của cha nàng như thế nào. Nàng căn dặn không ai được động đến đồ đạc của cha nàng để trên chiếc bàn riêng. Nàng lại dặn phải quét tước giáo đường, lau bụi nơi chiếc tủ đựng Thánh kinh, và săn sóc các bức màn nhung; vì nhung quá cũ nên phải làm rất nhẹ tay. Sau cùng, nàng buồn rầu nói về Arông:

- Nó còn dại và tệ lắm. Tốt hơn là tôi nói trước cho thím biết để thím đừng có tin cậy vào nó.

Rasen quả quyết đáp:

- Cô cứ để mặc tôi.

- Thím coi sóc nó chắc tốt cho nó hơn là tôi.

Rasen khom mình, hai tay mập mạp chống lên gối, nói:

- Tôi lớn tuổi hơn cô. - Rồi lắc đầu tiếp. - Thương hại cho con cừu non, người ta sắp dắt đi làm thịt…

Lịch nhìn mụ sửng sốt không hiểu:

- Nhà họ Era dễ chịu lắm mà. Tôi thường đến đó luôn, lúc tôi còn nhỏ, Đavít và tôi… - Nàng đỏ mặt và phì cười - Nhưng khi cha tôi và bà Era đã hiệp sức để ra lệnh cho tôi thì tôi biết làm thế nào khác được?

Rasen đáp một cách hài hước:

- Bà Era nói nhân danh người đời, còn giáo trưởng thì nhân danh Chúa. - Rồi mụ ta trở lại nghiêm nghị. - Cô đừng có kết hôn với một người mà cô không thể yêu. Khó thật! Nhứt là trong một gia đình như nhà họ Era, nơi mà người ta không dung chế độ đa thê. Đối với người Trung Hoa, hôn nhân không thành một gánh quá nặng đến thế. Khi người ta không yêu chồng thì cưới cho chồng một nàng hầu và người vợ chính vẫn giữ địa vị mình trong gia đình. Nhưng làm vợ một người mà ta có ác cảm thì chán thật!

Lịch dịu dàng nói:

- Không một ai có thể có ác cảm đối với Đavít được.

Nói xong, mặt nàng đỏ thêm lên.

Rasen nhìn nàng mỉm cười:

- À, vậy thì… Nhưng tốt hơn là tôi đi xem thử trong nhà còn gì để ăn tối đã.

Trong gian phòng nhỏ cạnh phòng thân phụ, suốt đêm cuối cùng này, Lịch thao thức không ngủ. Phòng của Arông ở phía bên kia sân. Đến bữa cơm tối, chàng cũng chưa về, mãi đã quá nửa đêm mới có ánh đèn rung rinh sau khung cửa sổ chấn song, và phản chiếu yếu ớt trên các bức màn trắng nơi phòng Lịch. Nàng đứng lên, nhìn ra sân và thấy em trai thấp thoáng trong phòng chàng như một chiếc bóng. Nếu không phải là đêm nay, có lẽ nàng đã qua hỏi thăm em đi đâu về, và đã ăn uống gì chưa? Nhưng nay nàng cảm thấy đã xa cách em rồi. Đời nàng đối với gia đình này đã chấm dứt và ngày mai một cuộc đời mới sẽ bắt đầu. Nàng lại nằm xuống, bình tĩnh, gối đầu trên hai bàn tay xếp lại sau gáy.

Trong một lúc, nàng cố gắng suy nghĩ đến những lời dạy của thân phụ. Người bảo nàng là dụng cụ của Thiên Chúa, nhưng nàng còn bán tín, bán nghi. Vì quá bận bịu việc nhà nên nàng không còn có thì giờ đọc kinh Tôrat, kể từ ngày mẹ nàng qua đời. Ngày đau khổ ấy đã quá xa xưa, đến nỗi muốn nhớ lại gương mặt mẹ, nàng phải xua đuổi mọi ý nghĩ khác ra khỏi tâm trí. Khi đã tập trung tư tưởng, hình như nàng thấy hiện ra trên bức màn xám của dĩ vãng một gương mặt xanh xao, gầy yếu, đôi mắt to, với cái miệng nhỏ và buồn rầu. Nhưng nàng còn nhớ rõ các lời trối trăn của mẹ nàng một tối hôm nọ, trước khi bà nhắm mắt:

- Lịch, con hãy chăm sóc cha con và Arông!

Lịch đã đáp ứng giữa cơn nức nở:

- Thưa mẹ, vâng!

Và mẹ nàng thở hổn hển dặn tiếp:

- Con ạ, mà con cũng phải lo cho bản thân con, chứ còn ai lo cho con nữa!

Nhưng đến bây giờ Lịch vẫn chưa hiểu thấu lời dặn cuối cùng của mẹ.

Nàng làm thế nào mà chăm sóc người khác được, nếu nàng phải lo nghĩ đến bản thân nàng?

Nàng thở dài, bỏ qua không tìm câu giải đáp và bắt đầu nghĩ đến Đavít.

Tâm trí nàng đi sâu vào dĩ vãng, cố nhớ lại những kỷ niệm xa xưa, thuở mà mỗi tháng một lần, thím Hoàng đến đón nàng về nhà bà Era. Sau khi ngắm nghía hỏi han nàng, người ta cho nàng kẹo, trái cây và cho nàng ra sân chơi với Đavít, cậu bé đẹp trai, ăn mặc sang trọng, vui vẻ và dễ thương. Nàng còn nhớ giọng cười của Đavít, một giọng cười giòn giã không ngừng! Bất kỳ cậu bé ở đâu, thời ở đấy có một không khí vui tươi. Nhà Lịch luôn luôn buồn tẻ, cha nàng miệt mài đọc Thánh Kinh hoặc cầu nguyện, Arông đau yếu, rên siết, tính khí bất thường, khi thì nương tựa vào chị, khi lại cộc cằn; và kèm theo là sự nghèo nàn, một sự nghèo nàn bất tuyệt!... Nàng phải tiết kiệm, giật gấu vá vai và cố gắng tập tành giặt giũ, nấu nướng. Trước kia, giáo trưởng có nuôi một người đầy tớ gái, nhưng khi Lịch được mười hai tuổi thì nhà đã cho người ở thôi. Từ đó việc nội trợ chỉ có một mình Lịch cáng đáng, không kể người lão bộc Trung Hoa dùng để đi chợ, chăm sóc mảnh vườn rau nhỏ bé phía sau nhà, hốt cỏ rác và làm các việc ti tiện khác. Người lão bộc đã điếc lại câm nên ngày này qua ngày nọ sống hoàn toàn trong sự tịch mịch.

Như vậy, nhà bà Era là nơi vui sướng độc nhất mà Lịch đã biết trong thời ấu thơ. Nay nếu Chúa và thân phụ nàng buộc nàng trở lại nhà ấy thời nàng còn gì vui mừng hơn. Nàng tự nhủ: “Nhưng ta sẽ thường về đây, sắp xếp việc nhà cho hoàn hảo hơn lên và nếu quả ta kết hôn với Đavít…”

Nghĩ đến dây, nàng có vẻ tự ti mặc cảm và một nỗi lo sợ xâm chiếm tâm hồn nàng. Nếu nàng lấy chàng, nếu bầu trời mở rộng thênh thang như vậy đối với nàng, suốt đời nàng sẽ cảm ơn Thiên Chúa và sẽ tỏ ra hết sức xứng đáng với đặc ân Ngài đã ban cho. Nàng sẽ chiếm được trái tim của Đavít nhờ tay chàng xây dựng lại ngôi giáo đường và thực hiện các điều ước nguyện của cha già. Số người Do Thái còn lại trong thị trấn, bấy lâu tản mát, sẽ đoàn tụ lại trong ngôi giáo đường mới. Đavít sẽ là người lãnh đạo họ, Arông sẽ phụ tá chàng, và có lẽ nhờ vậy mà em nàng sẽ hối cải chăng. Mọi việc sẽ được như sở nguyện đối với mọi người, nàng tự nhủ, lòng chứa chan hy vọng.

Bóng dáng một thiếu nữ Trung Quốc xuất hiện ven lề giấc mơ của nàng; bóng dáng của cô bé đã chơi đùa với Đavít, một cô bé tươi đẹp với mắt hạnh đào lớn, cái miệng đỏ chót xinh xinh. Cô bé ấy đã dần dần trở thành một thiếu nữ mảnh mai, càng xinh đẹp hơn trước. Cô ta mang nước trà đến hầu Đavít và nàng, ép hai người ăn nhiều bánh ngọt, và luôn luôn có mặt kia. Trang... Trang! “Nhưng Trang chỉ là một tì nữ” - Lịch tự nhủ.

Gần sáng, Lịch thiếp đi, áp má lên trên hai bàn tay chắp lấy nhau, và Rasen nhè nhẹ bước vào phòng không nỡ đánh thức nàng dậy. Người đàn bà tốt bụng trở lại nhà bếp nhúm lửa nấu nước, thổi cơm sáng và đập ba quả trứng làm thức ăn.

Lịch vẫn còn ngủ, khi Rasen nghe có tiếng ồn ào ngoài ngõ, mụ mở cửa nhìn ra và thấy thím Hoàng ngồi trên kiệu, sau có một chiếc kiệu khác để trống.

Rasen nói:

- Mời chị Hai vào. Trong nhà mọi người còn ngủ cả.

Thím Hoàng bước vào. Ai không biết thì sẽ tưởng thím là một bà chủ nhà đấy, vì áo quần thím toàn bằng lụa màu thiên thanh, mang hoa tai vàng và đeo nhẫn vàng. Đầu tóc thím chải dầu láng mướt có bao chiếc lưới tơ đen rất nhỏ sợi. Thím đánh má hồng, còn nhổ và kẻ lông mày là đàng khác.

- Mọi người còn ngủ. - Thím nhại lại.

Rasen và thím Hoàng là đôi bạn thân. Cả hai đều tuân theo lệnh chủ. Bà Era thường cho Rasen tiền mỗi khi chồng mụ đau ốm hoặc thất nghiệp, còn thím Hoàng thì vì bà là chủ của thím.

Rasen nói:

- Giáo trưởng thì già cả, cậu con trai lại đi suốt ngày đến quá nửa đêm mới về; còn Lịch, chắc là một cô gái khốn khổ…

Thím Hoàng chau mày:

- Sao lại khốn khổ? Cô ấy có phước lắm mới được đến đằng nhà chúng tôi.

Rasen nói, giọng làm lành:

- Đúng thế, đúng thế. Mời chị Hai dùng chén nước, tôi xin đi đánh thức cô Lịch.

Thím Hoàng quả quyết nói:

- Để tôi đi cho. Còn chị hãy chăm sóc giáo trưởng và Arông. Tốt hơn là chúng tôi phải làm nhanh lên vì có lẽ đoàn thương hồ sẽ về đến nơi hôm nay. Khi tôi đi ngang qua cổng, người gác cổng có nói với tôi rằng, lúc hai giờ sáng có người lại báo cho biết là đoàn thương hồ đã về đến làng Tam Chung rồi. Nhưng xin chị đừng nói với cô Lịch. Bà tôi dặn không được làm rộn trí cô ta.

- Đoàn thương hồ đã về thật à, chị Hai được ở đằng ấy, thật có phước quá!

- Quả thật là có phước về nhiều phương diện, có điều là… Nhưng thôi, chúng ta hãy lo làm phận sự!

Thím Hoàng nhún vai. Rasen gật đầu ra hiệu và dẫn thím Hoàng vào phòng Lịch. Khi Lịch vừa thức dậy, nàng nhìn thấy trước tiên gương mặt hồng hào xinh tươi của thím Hoàng. Tâm trí còn bâng khuâng vì giấc mộng đêm qua, nàng phân vân tự hỏi:

“Vì sao, vì sao, ta còn ở nhà kia mà?”

- Xin cô dậy thôi, đằng nhà cho tôi lại đón cô đây.

Lịch vùng dậy và lấy tay hất tóc ra sau lưng. Với một giọng buồn rầu, nàng khẽ nói:

- Chao ôi! Sao hôm nay tôi lại dậy quá trưa như thế này!

Thím Hoàng nói:

- Không sao đâu cô ạ. Cô hãy mặc tạm thứ gì cũng được và xin mời cô đến đằng nhà. Bà tôi đã may sắm quần áo mới cho cô rồi. Cô đừng đem theo gì cả, vô ích.

- Tôi đã sắp sửa đâu vào đấy cả rồi.

Lịch vừa nói vừa nhanh nhẹn đứng dậy và ngượng ngùng liếc nhìn thím Hoàng. Chưa bao giờ nàng thay y phục trước mặt ai nên nàng phân vân e lệ. Thím Hoàng thấy vậy liền nói:

- Kìa, xin cô chớ ngại. Nếu cô ở luôn đằng nhà thời chính tôi sẽ tắm gội và săn sóc cô, ít ra cho đến lúc Trang quen việc ấy, và cô không có gì phải che giấu đối với một bà già như tôi cả.

Lịch xoay lưng lại phía thím Hoàng để cởi y phục và bước vào chậu tắm.

Thím Hoàng không ngớt thúc giục:

- Hơi đâu cô phải nhọc sức thế! Tôi sẽ tắm gội cho cô với nước thơm trước khi cô mặc áo quần mới.

Rasen bưng vào một bát cháo gạo nóng và phụ lực với thím Hoàng để sửa soạn cho Lịch mọi việc. Nàng chỉ có việc vào từ giã thân phụ và em trai là điều hai người không thể giúp được mà thôi. Nàng rón rén bước vào phòng Arông. Chàng còn yên giấc. Nàng nhìn em hai mắt ứa lệ. Em nàng ốm yếu xác xơ, gương mặt xấu xí xanh xao ấy làm Lịch phải động lòng. Người em này, ai mà yêu được? Nơi chàng không có gì đáng yêu cả. Nàng cảm thấy bừng dậy trong lòng biết bao niềm yêu thương đứa em hèn yếu. Nàng cúi xuống, hôn lên trán em. Hơi thở chàng nặng nề và đầu tóc hôi hám.

- Chao ôi! Arông - nàng khẽ gọi. - Chị có thể làm gì cho em?

Chàng mở đôi mắt đen bé nhỏ, nhận ra chị, trề môi lầm bầm:

- Chị để em ngủ nào!

- Nhưng chị đi đây em ạ.

Chàng nhìn chị đăm đăm, không hiểu.

- Em hãy chăm sóc cha, Arông. - Nàng khuyên lơn em. - Em nên tu tỉnh. Arông yêu dấu, chị van em!

- Chị có trở về không? - Chàng hỏi, giọng khàn khàn.

- Nếu được phép, chị về luôn. Vả lại, cũng đã có Rasen ở đây.

- Như vậy thì tốt lắm.

Chàng quay mình chui vào chăn.

Lịch bước ra khẽ khép cửa, rồi vào phòng thân phụ nàng. Giáo trưởng đã khăn áo chỉnh tề và đang đọc kinh.

- Cha!

Giáo trưởng quay lui, và nàng lại nói:

- Thưa cha, người ta đến đón con.

- Sớm thế à! Nếu vậy, con phải mau lên, con ạ. Con đã sẵn sàng chưa?

Nàng đến gần cha. Sau khi lấy tay sờ đầu, mặt, vai, tóc và áo nàng, giáo trưởng khẽ gật gù nói:

- Ờ có thế chứ, con đã sửa soạn xong. Vậy con đã ăn sáng chưa?

- Thưa cha, rồi ạ. Rasen đã sắp đặt mọi việc cho cha.

Cảm động, nàng ngả đầu vào ngực cha già, thổn thức:

- Cha ôi!

Giáo trưởng vuốt tóc con an ủi:

- Nhưng con có đi xa đâu. Con sẽ trở về gần như hằng ngày và con thử nghĩ mọi việc sẽ tốt đẹp biết bao đối với chúng ta tất cả.

Nàng ngửng đầu dậy, lau nước mắt và mỉm cười:

- Xin cha đừng tiễn con làm gì. Cha cho con từ biệt cha tại đây. Chốc nữa Rasen sẽ vào hầu cha.

Nàng đi ra không quay đầu trở lại, và sau khi chào Rasen nàng bước ra ngõ. Khi các bức màn kiệu đã buông xuống. Lịch có cảm tưởng là nàng đang bắt đầu một cuộc viễn du, có lẽ không hẹn ngày về.

Tại nhà bà Era, Trang đã đợi sẵn trước sân ngoài. Thím Hoàng đã truyền lại lệnh ấy của bà chủ cho Trang lúc tảng sáng, và nàng đã trừng trừng đôi mắt hỏi:

- Tôi có phải hầu hạ cô ta không?

Thím Hoàng đã xích lại gần, lấy tay véo vào má Trang.

- Nếu trong đầu chị có một chút khôn ngoan, thì chị sẽ không hỏi điều gì chị ưa làm, điều gì không. Nếu lúc trước thím cũng hỏi như thế thì bây giờ thím đâu có được ở đây. Vâng lời… vâng lời… và tự do làm theo ý mình muốn. Hai điều đó đi đôi với nhau hoàn toàn nếu mình khéo léo một chút. – Bây giờ thì chị phải nhanh lên, đoàn thương hồ không còn bao xa nữa. Ông chủ đã đi đón từ lúc chưa sáng kia.

- Đoàn thương hồ! - Trang kêu lên.

- Phải, mà sao? - Thím Hoàng hỏi có vẻ sốt ruột.

Rồi vừa bỏ đi vừa dặn tiếp:

- Đừng nói với Lịch đấy, bà cấm.

Khi thím Hoàng bước vào, Trang mới bắt đầu tết tóc và lúc thím bỏ đi, chiếc đuôi sam dài thườn thượt đã đánh xong. Trang chỉ còn nghĩ đến đoàn thương hồ, xúc động vì cái tin đoàn ấy đã trở về. Rồi đột nhiên nàng quên bẵng chuyện ấy. Thím Hoàng đã bảo chuyện gì kia? - “Vâng lời… vâng lời… và tự do làm theo ý mình muốn. – Hai điều đó đi đôi với nhau, - nếu mình khéo léo một chút”. Câu nói kỳ lạ, đầy khôn ngoan! Trang ngẫm nghĩ về ý nghĩa các lời này như một châm ngôn, thấm dần, thấm dần vào tận đáy tâm hồn nàng. Bỗng nhiên, nàng chúm chím cười, làm cho đôi má lúm đồng tiền trông rất xinh.

Nàng không vấn đuôi sam lên mé tai như thường nhật mà buông thõng xuống lưng. Nàng buộc tóc lại ngang gáy với một sợi tơ đỏ thắt nơ, và giắt vào đấy một đóa hoa sơn chi vừa ngắt ngoài vườn. Bận y phục màu thiên thanh, Trang có vẻ duyên dáng, khiêm tốn, Lịch trông thấy nàng trước tiên, vì lúc đến cổng chính Trang tươi cười vén màn kiệu và đon đả hỏi:

- Cô đã đến, thật là quí hóa. Xin mời cô xuống kiệu.

Vừa nói nàng vừa đưa cánh tay ra để Lịch vịn. Nhưng Lịch đã nhanh nhẹn xuống khỏi kiệu không phải nhờ tới sự giúp đỡ ấy. Nàng lớn hơn Trang một cái đầu. Nàng chỉ mỉm cười mà không nói gì.

Trang nhích sang một bên để nhường lối, và hỏi:

- Cô đã dùng sáng chưa?

Lịch thành thật đáp:

- Cám ơn chị, tôi đã ăn điểm tâm rồi nhưng hãy còn đói.

- Vì cô đi sớm quá. - Trang lịch thiệp nói. - Hôm nay khí trời ấm áp và trong lành quá. Đưa cô về phòng riêng xong, tôi xin mang thức ăn đến để cô dùng. Hôm qua, tôi đã dọn dẹp đâu vào đấy cả, và chốc nữa tôi sẽ đưa hoa sơn chi tươi đến tặng cô. Tôi sợ hái sớm quá, hoa sẽ có quầng đen, mất đẹp.

Hai thiếu nữ cùng nhau đi vào. Cả hai đều ý thức mối liên hệ mới giữa đôi bên, và mỗi người đều có ý định xử trí cho thích nghi. Thím Hoàng đã vào trước để trình với bà Era và để Trang dẫn Lịch về phòng riêng.

Khi Trang dừng bước, Lịch ngạc nhiên hỏi:

- Cả tòa nhà này dành riêng cho tôi à?

Chưa bao giờ nàng được ở những gian phòng đẹp đẽ như thế này. Nàng nhớ lại lúc nàng còn nhỏ nàng đã thấy bà tổ mẫu của Đavít ở đây và cứ đến tối là bà cụ thắp nến sáng trưng.

- Chỉ có hai gian. - Trang đáp. - Gian này để làm phòng ngủ, còn gian kia để tiêu khiển khi vắng vẻ một mình.