Trang - Chương 05 - Phần 1
5
Khi Trang đã ra về, ông Khương Sơn ở lại một mình trong vườn. Theo thói quen, ông làm việc rất nhiều giờ, một cách cần mẫn, trong gian phòng lớn nơi thương điếm của ông. Ông đến làm việc ở đấy rất sớm và ra về rất muộn. Sản nghiệp của ông ngày một lớn, ông rất giàu. Ông ham thích công việc nhưng không quá đam mê. Mỗi khi cảm thấy trí óc quá mệt mỏi vì vấn đề tiền bạc, ông nghỉ ở nhà không đến thương điếm nữa, ông ngồi một mình trong vườn và trầm tư mặc tưởng.
Cái hôm ông bắt gặp Trang bên cạnh hồ nước là một trong những ngày nghỉ ngơi ấy. Ông vẫn ngồi trên cái đôn sứ men xanh để ngắm đàn cá lội. Những lúc như thế không ai dám đến quấy rầy ông cả. Thỉnh thoảng có một vài người lấp ló ở cổng, liếc mắt nhìn vào, ngập ngừng rồi chuồn mất. Ở giữa cái ngôi nhà quá đông đúc này, ông Khương Sơn có nhiều trách nhiệm và lo nghĩ, nhưng chính đây là nơi ông tìm lại sự yên tĩnh của tâm hồn. Ông Khương Sơn là người thủ phần trong mọi việc, ông tự cho mình là một người sung sướng, mà quả thật như vậy. Ông xem hạnh phúc là một lẽ phải, có thể đạt được. Trên đời này ông muốn giàu sang, kính trọng những người hùn vốn, thỏa hiệp với các bà vợ và đàn con đông đúc, để, nếu một hai đứa có sắp chết đi cũng khỏi phải lo âu gì. Tất cả những điều đó ông đã có đủ.
Ông không đòi hỏi điều gì ở trên trời cả. Ông không tin các thần thánh, không lo nghĩ gì đến đời sau mà chắc chắn rằng chết là hết. Sự bất diệt của con người, ông không cho là cần thiết; tuy nhiên ông tin rằng con người có định mệnh. Ông bàn về các vấn đề tương lai giống như xét các việc hiện tại, với một nụ cười tin tưởng của một con người chính trực và nhân ái. Nếu quả có thượng đế hoặc quỷ thần, ông cũng không lo sợ. Một hôm ông Era hỏi ông về vấn đề tín ngưỡng, ông bình tĩnh nói:
- Nếu có Thượng Đế và nếu quả Ngài giống như bác đã nói, Ngài sẽ quá đuối lý để đòi tôi phải tin trong lúc tôi không thấy.
Thích làm điều thiện, yêu sự công bình, thừa nhận rằng tất cả mọi người đều có quyền sống một đời sống sung sướng như nhau, tóm tắt, tín ngưỡng của ông Khương Sơn là như vậy. Tín ngưỡng mà ông đã cố gắng để thực hành.
Một mình trong khu vườn, sung sướng vì sáng hôm nay trời trong đẹp, đàn cá vàng lóng lánh bơi lội dưới làn nước trong veo, ông Khương Sơn xua đuổi tất cả mọi suy tưởng trong đầu óc và nghỉ ngơi. Nhưng sự nghỉ ngơi bị dao động vì việc hôn nhân của cô con gái thứ ba của ông. Nếu quả thật nàng đã để lòng tơ tưởng đến chàng thanh niên con một của dòng họ Era thì không nên trì hoãn. Trước hết ông phải tự mình quyết định nếu chính ông bằng lòng về cuộc phối hiệp này. Gả con gái cho một gia đình khác giống, tính danh không có trong số trăm họ Trung Quốc, thì thật là một điều hết sức quan trọng. Ông Khương Sơn biết rõ lịch sử của dân tộc Trung Hoa, ông biết có nhiều người cũng đã gả con cho người dị chủng và tin tưởng như ông rằng đấy là cách độc nhất để hòa làm một những dòng máu khác nhau. Nhưng ông Khương Sơn là một người cha rất thương con, nên ông không muốn cân nhắc cuộc sống quá nặng nề đối với cô gái nhỏ.
Trong lúc ông suy nghĩ như vậy thì một cảnh rất đẹp mắt hiện ra trong hồ nước trước mặt ông. Mấy hôm gần đây, ông thấy có một con cá vàng bụng căng đầy trứng, nên ông đã mua một con cá đực ở chợ, nơi người ta bán cá cảnh. Con cá đực này bơi lội một cách kiêu hãnh trong hồ nước. Con cá rất đẹp, đuôi lóng lánh, xòe ra quẫy nước như một áng mây lay động. Nó bơi gần mặt nước và những cái vây bắt ánh mặt trời giống như trong một cái lưới nhỏ. Ngay lúc ấy, con cái thấy con đực và lao mình đến bên một cách vui thích.
Ông Khương Sơn đoán được gì sẽ xảy ra, Ông mỉm cười quan sát, hơi xúc động về cái cảnh thú vị ấy. Thấy con cái, con đực nhả bọt lên mặt nước. Con cái bơi đến, con đực quay lại và thân mình chúng quấn lấy nhau. Trong sự ôm ấp ấy, con đực nhẹ nhàng lật mình con cái, dùng những cái vây ánh vàng bọc lấy nó. Chúng ngây ngất một chốc, rồi rời khỏi nhau và con cái rải trứng ra. Con đực há miệng đón lấy những trứng rơi và nổi lên đặt từng cái một vào những cái bọt trên mặt nước. Đôi cá đã gặp nhau, phối hiệp cùng nhau, đến khi con cái nhỏ không thể chịu đựng nổi sự hăng nồng, chúng rời khỏi nhau. Ông Khương Sơn thấy con cái gặp cảnh khốn cùng, ông sẽ thò tay vào hồ vớt nó lên và đặt vào trong một cái chậu sành đầy nước cạnh đấy dùng để vớt cá mỗi khi chúng cắn nhau. Thấy con đực tìm con cái một cách vô ích, ông Khương Sơn cười nói:
- Đừng có tức chú, nàng đã vừa rồi!
Cặp nhân tình đã rời khỏi nhau, mỗi con mỗi ngả. Ông Khương Sơn ngồi xuống ghế. Cái trò chơi bé nhỏ này đã khiến ông nhớ đến khuôn mặt kiều diễm của Trang và cho rằng nhà ông bạn Era không phải là nơi thích hợp cho một thiếu nữ quá trẻ quá đẹp như thế. Ông mỉm cười nghĩ đến cậu con trai của ông Era rồi trở nên nghiêm nghị nghĩ đến cô con gái thứ ba của mình. Nếu cô ta là con gái một, hoặc nếu là Lệ Lí, cô gái thứ tư của ông thì ông sẽ không chấp thuận một cuộc hôn nhân như thế. Lệ Lí là cô con gái mà ông thương nhất, nàng là con của người vợ lẽ mà ông đã yêu, đã làm cho ông nhục nhã hết sức, phải mãi mãi mang một vết thương lòng. Ông Khương Sơn không phải là một người đam mê nhục dục, ông ít ve vãn đàn bà và đã bằng lòng với người vợ mà cha mẹ ông đã cưới cho ông trong thời xuân trẻ. Cuộc sống vợ chồng của ông đã bình lặng trôi không có gì quá vui nếu không phải nguyên nhân bởi những đứa con mà vợ ông sinh dựng: bốn trai và ba gái. Thế rồi, cách mấy năm sau, ông đột nhiên phải lòng một cô gái mà ông đã gặp trong một trà thất. Ông đã đưa cô ta về nhà với sự thỏa thuận của vợ ông. Ông xem đời sống riêng tư của mình như vậy là đã tràn đầy.
Nhưng năm vừa rồi, thình lình ông bắt gặp người thiếu phụ này với tên quản gia. Ông giận dữ hết sức, ông lượng cái bề sâu nỗi buồn phiền của mình và biết rằng nàng ta cũng đau khổ về phương diện tình ái. Ông định trừng phạt hai kẻ đã phản bội mình, nhưng ông tự bảo rằng không có một hình phạt nào đáp lại tình yêu của một người đàn bà ngoài sự trung thành của người đàn ông và ông không dành lấy một chút lợi riêng nào. Ông không muốn giữ nàng lại, ông cho gọi hai tội phạm đến và mỉm cười, ôn tồn sa thải họ, cho một số tiền và bảo họ thành lập một gia đình. Lúc bấy giờ người đàn bà trẻ đẹp, nghĩ đến những lỗi lầm của mình, đã liếc nhìn ông Khương Sơn một cách đầy hối tiếc, nhưng mặt ông vẫn lạnh như tiền. Nàng đã ra đi và nàng cảm thấy nàng đã mất tất cả từ đây.
Ông Khương Sơn không còn nghĩ gì đến vấn đề tình ái nữa, nhưng cảnh yêu đương ngắn ngủi mà ông vừa thấy đã làm ông nhớ lại cái giấc mơ đã quên ấy, ông thở dài. Tình ái chóng qua, không một người đàn ông nào có thể hoãn được hồi kết thúc, và với ái tình, hôn nhân chẳng có tác dụng gì. Nếu con gái ông cảm thấy say đắm chàng trai ngoại quốc ấy và nếu nàng cũng sẽ được gia đình chàng tiếp đón nồng hậu, dĩ nhiên là thế, ông Khương Sơn chỉ còn xét về phương diện thương mại. Nếu ông từ chối việc gả con cho con trai ông Era, ông sẽ khó mà có thể hợp tác thương mại với bạn ông. Từ giao kết giữa đôi bên sẽ không bao giờ kí được, ông Era sẽ kết thúc việc ấy với một thương gia khác, mà trong thành phố này thì có nhiều nhà kinh doanh tốt, mặc dầu họ không giàu bằng ông Khương Sơn. Ông ta sẽ rất lấy làm khó chịu thấy một trong những người ấy thu lợi lớn nhờ số hàng ngoại quốc của ông Era. Trái lại, cuộc hôn nhân thành tựu sẽ là mối dây liên hệ vững chắc giữa hai nhà. Sự chung vốn của họ không phải chỉ nguyên trong vấn đề thương mại. Tất cả mọi sự kinh doanh đều phải có những ràng buộc của con người, có thế mới bền chặt và lâu dài.
Ông Khương Sơn không tin tưởng ở sự tin cậy tuyệt đối của ông Era. Nhưng nếu dòng máu của đôi bên hòa chung lại với nhau làm một thì sự bất tín cẩn giữa họ sẽ trở thành vô nghĩa.
Thật đã rõ ràng, ông Khương Sơn lẩm bẩm.
Tóm lại, cô con gái thứ ba của ông sẽ sung sướng hơn nếu có Trang ở trong cái gia đình ngoại quốc ấy. Một cô gái Trung Hoa, một người bạn! Ông sẽ nói việc này với con gái mình mới được, nhưng trước hết là phải nói với mẹ nàng.
Ông Khương Sơn đứng dậy một cách tiếc nuối và đi sang nhà vợ ông. Ông dừng lại ở cửa và vỗ tay ra hiệu. Một con tì nữ chạy đến, thấy ông, nó mời vào.
Ông hỏi:
- Bà mầy có bận gì không?
- Thưa ông chủ, bà con đang ngồi sửa nắng, không bận gì cả.
Ông Khương Sơn bước vào và gặp ngay vợ ông, một người đàn bà đứng tuổi, béo mập, đang ngồi trong một cái ghế phô-tơi rộng bằng mây. Trước mặt bà, con mèo tam thể đang đùa giỡn với một con chuột nhắt vừa bắt được. Bà Khương Sơn ngửng nhìn chồng, cười:
- Mình xem con mèo kìa! Hôm nay nó đã bắt được đến hai con chuột rồi đấy!
Ông nói đùa:
- Mình là Phật tử kia mà!
Bà đáp:
- Tôi không giết chuột!
- Mình không phải là mèo chứ?
- Dĩ nhiên.
- Con mèo cũng không là Phật tử?
Bà Khương Sơn không đáp lại sự đùa giỡn ấy, mà tiếp tục quan sát con mèo. Ông Khương Sơn không lấy thế làm phật ý. Đã từ lâu, ông biết rằng vợ ông dễ dãi và vô tâm.
Ông biết đích xác cái chiều sâu của tâm trí bà nên ít khi họ cãi vã nhau. Ông ngồi xuống ghế và tránh không nhìn đến con mèo đang khéo léo nhăn con chuột cho mềm.
Ông nói:
- Tôi đến hỏi ý kiến mình về con Quí Lan.
Vợ ông đưa hai bàn tay mập mạp đầy nhẫn vàng phác một cử chỉ thiếu kiên nhẫn:
- Ồ, cái còn bé ranh! Nó không chịu học thêu học thùa gì hết. Tôi chắc mụ Chu đã làm thay cho nó cả.
- Con bé nó thế là vì tôi. Tôi không thích thêu thùa.
Ông Khương Sơn nói, vẻ mặt nghiêm trang nhưng đôi mắt ngời sáng, ranh mãnh.
Bà nhìn ông, kinh ngạc:
- Người ta đâu có dạy ông thêu thùa!
- Chính thế! Nhưng nếu người ta có dạy tôi, tôi cũng làm hỏng. Xin lỗi bà, nó là con tôi.
Thấy ông lại đùa cợt, bà Khương Sơn bật cười. Rồi bà quay nhìn con mèo một cách thích thú mà không nói gì. Hai bàn tay bà đặt trên hai đầu gối nổi bật trên nền áo sa tanh màu xám ngọc, giống như màu búp sen vàng gần úa.
Hồi còn xuân trẻ, bà Khương Sơn quá xinh đẹp đến nỗi mãi tới mấy năm sau ông mới biết đến sự ngu dốt của bà.
Sau một hồi thinh lặng, bà nói:
- Rồi sao nữa mình?
Ông Khương Sơn nói:
- Tôi đang đợi tin người ta đến hỏi con Ba nhà mình.
- Ai vậy?
Các cô con gái của ông Khương Sơn được rất nhiều nơi đi hỏi. Những gia đình giàu sang, có con trai lớn đều nhắm đến một trong các cô ấy trước tiên.
Ông đáp:
- Bác Era muốn hỏi cho thằng con bác ấy.
Bà Khương Sơn có vẻ bất bình:
- Việc ấy chúng ta phải thận trọng mới được.
Với một giọng dịu dàng, ông nói:
- Tôi cũng đã nghĩ thế. Nhà họ Era giàu, hơn nữa bác ấy và tôi đang dự định kí một giao kèo mới. Bác ta chỉ có một mình thằng ấy là trai, thì dĩ nhiên là có ai nữa mà bảo tranh giành với con gái nhà chúng ta?
- Nhưng người ngoại quốc thì…
- Mình chưa bao giờ thấy sao?
Bà lắc đầu.
- Tôi cũng đã có nghe người ta nói rồi. Mắt họ rất to và mũi lõ. Tôi không muốn có cháu ngoại mắt to và mũi lõ.
Ông nói:
- Mũi của con Quí Lan nhà ta thì gần như là quá bé. Mình cũng biết đấy, rốt cuộc lại, dòng máu Trung Hoa của chúng ta luôn luôn đồng hóa được các dòng máu khác. Qua thế hệ sau, bọn trẻ sẽ giống hệt người Trung Hoa cho mình xem.
- Người ta nói với tôi rằng người ngoại quốc đều hung bạo.
- Hung bạo? - Ông lặp lại.
Bà nói:
- Họ sùng giáo quá. Họ kiêng ăn vật này vật khác, họ cầu nguyện hằng ngày, họ có một vị Thượng đế mà họ, không bao giờ thấy, nhưng họ rất kính sợ và cho rằng các vị thần mà chúng ta thờ là các tà thần. Những điều ấy thật quá phiền rầy. Con bé nhà chúng ta chắc sẽ bị buộc phải thờ phụng một vị Thần vô hình.
Ông Khương Sơn cười đáp:
- Con bé ba nhà chúng ta sẽ không bao giờ làm những cái mà nó không thích.
Bà hỏi:
- Có biết bao thanh niên muốn hỏi cưới nó, sao chúng ta không gả, lại gả nó cho một người ngoại quốc?
Con mèo đã ngấu nghiến hết con chuột, còn cái đầu nó tha vào sau cánh cửa, việc này làm bà Khương Sơn quá thích nên đã bật cười lớn và quên lửng câu chuyện.
Ông Khương Sơn kiên nhẫn nói:
- Công việc kinh doanh hãy để riêng một bên. Theo tôi, việc chia rẽ các dân tộc thành hai loại khác nhau, tôi tưởng không phải là điều tốt. Mọi con người đều có những lỗ tai, những con mắt, những cánh tay, những quả tim, và theo tôi biết thì tất cả đều sinh sản một cách và như nhau.
Tiếng “sinh sản” đập ngay vào tai bà Khương Sơn. Bà nói:
- Tôi nghe nói rằng đến kỳ sinh nở, người ngoại quốc phanh bụng và lôi đứa trẻ ra.
- Không đúng.
- Sao mình biết được?
- Ông bạn Era đã cùng tắm chung với tôi một chỗ, tôi biết. Ông ta cũng giống như tôi, trừ ra thân hình ông ấy nhiều lông hơn.
Bà Khương Sơn tỏ vẻ quan tâm hơn:
- Người ta cho rằng sở dĩ người ngoại quốc nhiều lông là vì họ gần giống vượn hơn chúng ta. - rồi bà tỏ vẻ lo lắng - Nhưng nếu con bé Quí Lan nhà ta không thích đàn ông lông lá thì sao?
- Con bé chưa bao giờ gặp người đàn ông nào khác ngoài người sắp cưới nó. Vậy nếu sự lông lá làm nó không thích, nó sẽ không biết gì đâu.
Họ đã phăng đến cái mối dây của vấn đề, ông Khương Sơn hỏi vợ:
- Nếu người ta đến hỏi cười thì tôi…
Bà Khương Sơn cắt ngang:
- Nếu, sao lại nếu?
Ông chữa lại:
- Khi người ta đến xin cưới nó, tôi sẽ nhận lời.
Câu nói này gần như là một lời xác nhận. Bà Khương Sơn gật đầu chấp thuận với một vẻ thờ ơ. Bà thấy việc chấp thuận khỏe hơn là phản đối.
Bà ngáp dài lẩm bẩm:
- Chúng ta đông con cái…
Ông Khương Sơn thấy vợ lơ đãng, không quan tâm gì, nên trở ra. Khi đến cửa, ông quay lại và thấy bà nằm dựa ngửa ra, hai mắt lim dim ngủ.
Ông Khương Sơn cảm thấy tức giận. Ông muốn đến gặp con gái ông, nói chuyện với nàng, vì nàng đã có một bà mẹ không quan tâm gì đến số phận của con. Nhưng ông lại thôi. Như thế quá sớm. Tốt hơn là hãy đợi người ta đến xin cưới đã, ông lại trầm ngâm nghĩ ngợi… Cô con gái thứ ba của ông còn quá trẻ. Lúc bấy giờ ông cảm thấy bối rối. Ông quay gót, bước những bước chậm rãi và chững chạc đến phía cổng thông ra đường. Cái xe lừa của ông có mui và diền sa-tanh luôn luôn đậu đợi sẵn ở đấy. Người gác cổng ra hiệu, tên xà ích nhảy xuống đất, ông Khương Sơn bước lên xe, ông bảo:
- Ra thương điếm!
Tên xà ích ra roi, chiếc xe chuyển bánh.
oOo
Trong đền thờ, sáng hôm lễ Quá Hải, bà Era vừa cầu nguyện vừa sắp đặt những dự tính của mình. Bà xem xét mọi khía cạnh của vấn đề với khối óc linh hoạt của bà. Bà đã không nói với ông những dự tính của mình. Trước hết, bà sẽ mời giáo trưởng về ở nhà mình một thời gian. Có lẽ một tuần, hoặc một tháng cũng chưa chắc! Nào ai biết được thế là dài hay ngắn, ít nhất cho đến khi Đavít tỏ ý muốn cưới Lịch làm vợ. Nếu bà Era hỏi ý kiến ông về việc này, thì ông sẽ kêu lên rằng không nên ép buộc Đavít. Nhưng Đavít sẽ không hành động như thế vì bắt buộc mà đó là ý Chúa.
Ý Chúa… Hai chữ “Ý Chúa” đã mang lại một niềm an lạc ngập tràn tâm hồn bà Era. Đền thờ là chốn bình an. Nó chưa có vẻ gì hư hỏng cả, còn tốt. Những bức màn cửa đã quá cũ, nhưng còn nguyên, nhờ các bà đã hết lòng khâu vá. Phần đông người Do Thái đều nghèo khổ, nhà họ ở chen chúc quanh ngồi đền thờ. Đôi khi bà Era tự trách mình đã không cùng họ chia sẻ sự nghèo nàn; những gì còn lại của một xã hội rộng lớn ngày xưa.
Dân tộc Do Thái sẽ tiêu diệt tại nơi nào? Mỗi một người đã tự hỏi mình như vậy. Người Trung Hoa không ngược đãi họ, cũng không có ác tâm nào đối với họ, nhưng mỗi thế hệ, dòng giống Do Thái sút giảm bớt dần từng số lớn, điều này đã làm bà Era nổi giận. Họ đã để mình bị lôi kéo thành người Trung Hoa, tiêm nhiễm những tập quán vô lo, không còn sống trong sự sợ hãi Thiên Chúa, bình dị một cách khác với bản tính cố hữu của người Do Thái. Một lý do nữa khiến bà đã sống một cách nghiêm ngặt, bất chấp cả sự giàu sang của mình. Có lẽ ngay chính vì cái lý do giàu sang ấy. Một người Do Thái nghèo nàn cân nhắc việc chọn lựa giữa tiền bạc và Thiên Chúa. Bà không một chút nào cân nhắc theo lối ấy cả. Những điều này làm cho ý muốn của bà càng mạnh mẽ hơn. Chẳng bao lâu buổi lễ chấm dứt, bà nán lại sau và tìm vị giáo trưởng. Bà đã quyết định sẽ nói việc ấy với chồng. Nấn ná lại sau các tín hữu không phải là chuyện khó vì bà dự lễ cách biệt với ông bằng một bức tường gỗ cao chia hai đền thờ, một bên nam, một bên nữ. Lịch ngồi cạnh bà và phía bên kia Đavít ở cạnh ông Era. Lịch về nhà với thím Hoàng trong lúc bà đến gặp vị giáo trưởng.
Một sự bình an đã đến với bà Era khi bà nghe tiếng nói rõ ràng của vị giáo trưởng. Bà ngước mắt lên nhìn vị giáo trưởng đứng cạnh cái tòa giảng của ông Maisen, trên đó có quyển Kinh Thánh Côran mở rộng. Mình Ngài khoác áo choàng đen và đầu đội một cái mũ đen có sợi dây nhỏ bằng hàng trắng vấn quanh, hai mối dây buông thõng ra sau lưng. Ngài lớn tiếng đọc, còn Arông thì đứng bên lật từng trang một, chàng cũng phục sức như giáo trưởng, nhưng mũ thì màu xanh. Dường như giáo trưởng đọc quyển Thánh kinh ấy, nhưng thật ra Ngài đã thuộc lòng trang này đến trang khác. Nếu Ngài ngập ngừng do dự thì Arông lớn tiếng nhắc cho Ngài.
Nhưng sau đó bà Era đã phải khó khăn trong việc thuyết phục vị giáo trưởng. Khi bà giải bày hoàn cảnh cùng Ngài và khẩn cầu Ngài về ở nhà mình ngay, Ngài đã lắc đầu:
- Con hãy cho thằng con trai của con đến cùng thầy để thầy dạy Kinh Côran cho nó. - Ngài quả quyết nói.
Bà Era than thở:
- Thầy! Tại sao thầy giấu con sự thật? Nếu thầy không đến thật nguy hiểm cho nó. Trong lúc này, nó nhiệt thành lắm. Nó đã xúc động vì câu chuyện Cao Liên kể dân tộc ta bị tàn sát. Nó còn quá trẻ, một ngày nào đó nó sẽ tìm lời thoái thác vì một trò chơi, một sự mê ngủ, nó sẽ vui đùa với một con chim, một con chó… với bất cứ gì. Trong lúc nếu có thầy ở nhà, nó sẽ không thoát khỏi thầy.
Câu nói này đã làm giáo trưởng nghĩ ngợi:
- Ta là đầy tớ của Chúa. Ta phải thỉnh ý Ngài.
Bà Era nhận thấy khỏi cần phải nói dài dòng hơn. Ý Chúa sẽ tỏ hiện cùng giáo trưởng rất rõ ràng và làm cho cái ông già bướng bỉnh này thấy đó là việc dĩ nhiên.
- Thưa thầy, xin thầy đừng quên, con nói không một chút khoe khoang rằng, gia đình chúng con là một gia đình thuộc dòng chỉ huy dân tộc Do Thái.
Bà Era thấy bóng một nụ cười thoáng hiện trên đôi môi vị giáo trưởng mù, bà do dự tiếp:
- Con thấy rằng tâm trí nhà con để ở đâu đây, con có thể nói bằng tất cả sự thật rằng, nhiều đêm con đã khóc lóc vì mối tình vật dục của nhà con. Thưa thầy, con sẽ cố gắng hơn để chu toàn nhiệm vụ đối với chồng con, con con. Thầy có biết chăng, đó là sự thật.
- Thầy biết lắm. - Vị giáo trưởng dịu dàng đáp.
- Song con sẽ không sống vĩnh viễn mãi được, con phải dẫn đứa con trai của con đi theo con đường của tổ tiên. Nếu có cưới Lịch…
Vị giáo trưởng tỏ vẻ kinh ngạc:
- Sao lại nếu?
Bà Era kiên nhẫn đáp:
- Dạ đã đành, nhưng chưa cười thì chúng ta chưa lấy làm chắc. Thưa thầy, thầy không hiểu thanh niên đời bây giờ. Con đoán chắc với thầy rằng, nếu cứ để yên cho Đavít thì bao giờ nó cũng là một thằng con trai tốt, nhưng lũ thiếu nữ Trung Hoa luôn luôn nhắm vào nó. Con sẽ không yên tâm khi mà…
Vị giáo trưởng cắt ngang:
- Đavít có để ý đến bọn chúng nó không?
Bà Era lựa lời đáp:
- Nó sẽ không chú ý đến một ai khi nó đã cưới Lịch.
Giáo trưởng thật thà hỏi:
- Vậy sao không cho nó cưới ngay?
- Thưa thầy, trước hết phải để cho Đavít ngỏ ý muốn cưới nàng.
Với vẻ nghiêm trọng, giáo trưởng hỏi:
- Nó muốn cưới con Lịch không?
- Thanh niên luôn luôn không biết họ muốn gì, khi ta chưa chứng tỏ cho họ biết.
Vị giáo trưởng cúi đầu suy nghĩ, hai bàn tay tì vào cái gậy. Rồi Ngài ngửng đầu hỏi:
- Ta phải làm gì trong việc này?
Bà Era hăng hái đáp:
- Không làm gì cả. Đó là việc của con và Lịch sẽ giúp con. Phần thầy, xin thầy dẫn dắt Đavít trong tiếng nói của đấng Dêhôva. Thầy hãy giáo dục nó, dạy cho nó học Kinh Tôrát, làm cho lòng trí nó hướng về với Thiên Chúa. Phần còn lại xin để cho chúng con.
Giáo trưởng suy nghĩ trước khi trả lời. Ngài nói:
- Thầy phải đến trước mặt đấng Dêhôva để lĩnh ý Ngài. Bây giờ con hãy để mặc thầy con ạ.
Bà Era đứng dậy thưa:
- Xin vâng. - Nhưng người ta cảm thấy cơn giận run lên trong giọng nói lanh lảnh của bà. - Con tin rằng chốc nữa thầy sẽ tìm chúng con.
Bà Era trở về nhà, còn vị giáo trưởng thì đi men theo một lối đi nối liền ngôi nhà ở với đền thờ. Cụ biết rõ từng bước và đặt chân lên trên các tảng đá lát đã khuyết mòn. Từ bao năm nay, cụ không còn thấy rõ ngôi đền thờ bằng mắt, nhưng cụ có một cảm quan khác. Cụ đoán biết màn cửa mốc meo, bụi chất đầy trên các cửa ngõ, bàn ghế, bàn thờ, bám chặt như cát trên các đầu ngón tay rất tinh nhạy của cụ. Nhờ đôi chân, cụ biết nền nhà không được quét tước ngay cả trong ngày lễ Xa Ba. Cụ cảm thấy có sự hiện diện của một người nào trong ngôi đền thờ. Cụ lắng nghe và nhận ra tiếng ai đang ngáy phì phò.
Giáo trưởng lớn tiếng hỏi:
- Ai đang ngủ ở đây thế? Ai ngủ trong nhà của Chúa?
Có tiếng ngáp dài và một tiếng nói ấp úng, ngái ngủ:
- Dạ, dạ thưa thầy con… Già Ly đấy ạ! Con đã ngủ quên. Thưa, buổi lễ đã xong rồi chứ?
Đó là người chồng của mụ Rasen, ông ta giữ việc coi sóc ngôi đền thờ.
Vị giáo trưởng nói:
- Con đừng có ngủ ở đây. Buổi lễ chấm dứt đã lâu rồi.
- Ở đây rất yên tĩnh! Ngoài các ngày thánh lễ, không ai vào đây cả, trừ thầy.
Giáo trưởng đột ngột bảo:
- Tới đây!
Ngài nghe tiếng chân của lão từ từ bước đến gần. Ngài hỏi:
- Hãy nói rõ, các bình bạc ra sao rồi?
Già Ly ho khan vì tuổi tác, ông lắp bắp:
- Những cái bình… thưa…
Vị giáo trưởng sẵng giọng bảo:
- Kìa, nói đi! Sao?
- Thưa mấy cái bình bây giờ bằng thiếc cả.
Giáo trưởng lẩm bẩm:
- Ta đã cảm thấy khác. Hồi sáng nay cầm trong tay, ta nhận biết ngay.
Giáo trưởng ngửng đầu lên và khuôn mặt Ngài phản chiếu một nỗi đau đớn khôn lường.
Già Ly động lòng nói:
- Thầy, cớ sao thầy lại tự làm khổ mình, những người trẻ bao giờ cũng…
Ông ta ngừng lại.
Giáo trưởng mù run run hỏi:
- Nói cho ta rõ, con ta đã làm những gì?
Già Ly đằng hắng, rồi im lặng, đưa tay áo lên lau mặt. Nhưng ông ta phải vâng lời giáo trưởng.
Bầu không khí nặng nề khó chịu, ông ta giả tảng cười khẽ, để tỏ ra rằng việc đó không có gì quan trọng cả, rồi ông nói để trấn an vị giáo trưởng:
- Thưa thầy, tuy bằng thiếc nhưng đều mạ bạc, giống hệt như mấy cái bình cũ. Thầy cũng đã rõ sự khéo léo của các người thợ bạc Trung Hoa, khi thiếu chủ con giải thích cho họ rõ thì…
Giáo trưởng lắp bắp:
- Con trai ta đã bán các bình thánh của đền thờ sao?
Già Ly van nài:
- Xin thầy chớ cho cậu con biết là con đã nói cùng thầy.
Giáo trưởng lẩm bẩm:
- Chỉ một mình ta nhận ra là đồ giả… Những người dự lễ…
Già Ly nói để an ủi:
- Bây giờ ít người lắm thầy ạ.
Giáo trưởng lảo đảo. Già Ly chạy đến đỡ Ngài.
Ông nói:
- Xin thầy theo con. Thầy hãy đi nghỉ. Thầy đã quá già, đau khổ làm gì cho cực, những người già cả phải được sung sướng như trẻ con. Đã đến lúc thầy phải ngủ, phải ngồi sưởi ánh mặt trời, phải được ăn vật ngon thức bổ và để người ta giúp đỡ mọi sự.
Giáo trưởng nói:
- Con nói giống như một người Trung Hoa.
Giọng nói có vẻ chua chát, nhưng lão Êly tươi cười:
- Thật thế, bảy phần trong người con đã có sáu phần là Trung Hoa! Ngoài đây ra, người ta đều gọi con là già Ly và con đã đáp lại.
Vừa nói, lão vừa dịu dàng dắt giáo trưởng ra khỏi giáo đường về nhà và đặt Ngài ngồi nghỉ rồi chạy xuống bếp bảo mụ Rasen bưng cháo lên. Giáo trưởng để mặc ông ta làm gì thì làm. Ngài vẫn ngồi, choáng váng như đã bị một quả chùy đánh vào đầu. Ngài húp từng ngụm cháo nhỏ và nói giọng khàn khàn:
- Con tốt với thầy hơn là con đẻ của thầy.
Lão Êly đáp:
- Nhưng giáo sĩ trẻ… thời thế quá khó khăn…
Sau khi lão Êly đã đi khỏi, giáo trưởng nghĩ ngợi về câu nói ấy, Ngài lẩm bẩm:
- Phải, quá khó cho con ta. Ôi, đấng Dêhôva! Nếu một kẻ khác thay thế địa vị nó thì đấy là ý Ngài. Con sẽ đến ở nhà họ Era.
Thế là vị giáo trưởng đã rõ được ý Chúa. Cách một ngày sau, Ngài cùng Arông đến ở nhà họ Era. Ngài nhờ mụ Rasen giữ nhà đợi ngày Ngài trở lại. Ngài không quở trách Arông, Ngài cũng không nói với anh ta.
***