Trang - Chương 05 - Phần 2
Bài thơ mà Quí Lan đã gởi cho Đavít, Trang giữ mãi trong ngăn kéo đến ba ngày. Trang chờ đợi nhưng không có khi nào thuận tiện cả. Kể từ hôm lễ Quá Hải, Đavít luôn luôn vắng mặt. Chàng ra ngoài cửa hàng cùng cha và đến tối về rất muộn, chàng lấy sách vào phòng riêng, lánh hẳn những người đàn bà. Trang chờ đợi thái độ chàng thay đổi. Nàng cảm thấy việc bắt buộc chàng ra khỏi chốn nghỉ ngơi là một điều vô ích. Sự việc đã rành rành ra đấy, khi vị giáo trưởng và Arông đến đây, ở tại khuông viên cạnh ông Era.
Trang cảm thấy hoàn toàn xa cách Đavít. Nàng vẫn tiếp tục phụng sự chàng giống như trước nhưng gắn bó hơn và có vẻ trầm tư. Đavít dường như không thấy nàng. Buổi sáng chàng theo học cùng vị giáo trưởng. Arông cũng bị Ngài bắt buộc dự học. Trong tòa nhà rộng lớn này không có gì lọt khỏi mắt bà Era nên Arông không dám kèn cựa. Trang sắp đặt để chốc chốc lại mang trà đến, để được quan sát Đavít. Nàng thấy chàng cúi xuống những trang sách mở rộng trên bàn. Arông loay hoay luôn, đôi mắt hắn ta không ngớt nhìn ra cửa. Hắn không dám gây tiếng động vì sợ cha hắn cảm biết hắn lơ đãng hoặc sợ ông nghe hắn ngáp vặt. Đavít đã than thở cùng mẹ, nỗi bực mình của chàng vì Arông. Bà Era sợ con không dằn được cơn giận, nên đã nhờ Lịch có mặt trong các buổi học và dặn nếu có xảy ra điều gì lộn xộn thì bà sẽ thân hành đến. Lịch vội vã báo tin cho Arông biết ngay việc này.
Khi Trang biết rõ ngày ngày Lịch ở cạnh Đavít thì nàng từ bỏ việc chờ đợi một dịp may mà có lẽ sẽ không bao giờ có cả. Một tối nọ, nàng mang đến cho Đavít cốc nước trà nóng cuối cùng như thói quen từ trước, nàng ngừng lại ở ngưỡng cửa và khẽ đằng hắng. Chàng đang ở trong phòng ngủ, nhưng một nỗi e thẹn mới ngăn Trang không cho nàng tự do vào đấy như trước.
Đavít ra đến cửa và hỏi nàng muốn gì.
Chàng đã cởi áo dài, mình bận áo cụt và quần lụa trắng. Đôi mắt Trang long lanh, hai má ửng hồng và nhìn chàng, tim nàng ngập tràn lửa yêu thương.
Nàng dịu dàng nói:
- Tôi mang trà đến cho cậu.
Chàng ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại báo trước thế? Sao Trang không mang vào ngay như trước kia Trang đã làm?
Vậy là nàng bước vào phòng, đặt cái bình trà xuống, móc túi lấy một tờ giấy xếp tư và đưa cho chàng.
Nàng nói:
- Tôi đợi trao cho cậu cái này, nhưng mãi không tìm ra dịp nào tiện cả, độ rày cậu quá bận.
Chàng cầm lấy mảnh giấy, ngồi xuống, còn nàng thì lắng tai nghe chàng đọc. Ngửng đầu lên, chàng thấy nàng đứng nên bảo:
- Trang ngồi xuống đi. - Và chàng đọc lại bài thơ. Rồi chàng nhìn Trang.- Thật tuyệt! Nàng ta viết đấy à?
Trang đáp:
- Tôi thấy nàng viết bằng bút lông.
Rồi Trang thú thật:
- Tôi đã mang đến cho nàng bài thơ của cậu, cái bài thơ mà cậu đã làm lỡ dở ấy.
Chàng hỏi mà không quan tâm gì đến những việc Trang đã làm:
- Trang thấy nàng à?
Nàng gật đầu.
Chàng cúi xuống bàn.
- Nàng ta ra sao?
Trang lắc đầu:
- Đừng nói đến là hơn cả.
- Kìa sao lại thế?
Nét nhìn của Đavít không lộ rõ vẻ gì, tay vẫn cầm mảnh giấy.
Trang làm ra vẻ buồn rầu.
- Nàng dễ thương lắm, trẻ, đẹp và rất dịu dàng. Không nên làm cho nàng đau khổ.
Mặt Đavít phớt hồng:
- Tôi không hiểu Trang muốn nói gì?
Trang giữ một vẻ nghiêm trọng:
- Có, cậu hiểu đấy chứ. Nàng đã thấy cậu, nàng sẵn sàng yêu cậu, và khi nàng sẽ…
Trang ngừng lại, không nói nữa.
- Sẽ sao?
Trang lắc đầu. Nàng lặng thinh. Đavít tức giận liệng bài thơ ra giữa bàn:
- Này, Trang, tôi buộc nàng phải giải thích rõ, nàng muốn nói gì. Cái điều tôi ghét nhất trên đời là người đàn bà hay nói bóng nói gió, quanh quẩn một ý nghĩ trong đầu óc mà không muốn nói ra.
Đến lượt Trang nổi giận, nàng nhìn thẳng vào mặt chàng thanh niên dằn từng tiếng:
- Cậu không nên gặp mặt cô ta, đó là điều mà tôi đã nghĩ.
- Không phải nàng phán đoán được việc ấy. Tại sao nàng muốn chia rẽ cô ấy với tôi?
Trong thâm tâm, Đavít lấy làm ngạc nhiên về sự phản trắc của mình. Có nên để Lịch tưởng là chàng yêu nàng không? Cái kỷ niệm trong phút giây ấy ở vườn đào, khi chàng ôm lấy Lịch trong tay đã trở lại trong tâm trí. Chàng nhớ lại với nhiều tình cảm lẫn lộn. Đôi lần, nghĩ đến, tim chàng đập mạnh và chàng cảm thấy lòng mình rung lên khi nhìn khuôn mặt đẹp đẽ trang nghiêm của Lịch nghiêng nghiêng trên quyển Kinh Tôrát, hay khi nàng ngước mắt lên nhìn thân phụ nàng với một vẻ sùng mộ. Song Đavít bắt đầu hiểu rõ rằng cuộc hôn nhân của chàng không phải là một cuộc hôn nhân thường. Nếu chàng chọn Lịch, thì đó chỉ bởi một lý do vượt quá sức chàng. Chàng muốn được giống như mọi người khác, nhưng cảm thấy điều đó không thể được.
Trang nói:
- Tôi không nghĩ đến cậu mà là nghĩ đến Quí Lan.
Đavít điên tiết ngay. Chàng rít lên:
- Trước khi nàng chỉ nghĩ đến tôi kia mà?
- Tại sao bây giờ tôi còn nghĩ đến cậu nữa?
Giọng nàng lạnh lùng đanh lại, chàng không biết gì, vẻ mặt vẫn dửng dưng. Chàng giận giữ kêu lên:
- Trang, nàng sẽ đi đến đâu?
Trang cúi nhìn xuống:
- Tôi sẽ không đi đến đâu cả, chính cậu là người…
- Tôi vẫn thế!
- Không phải bây giờ! - Nàng vừa nói vừa lắc đầu.
Chàng nắm lấy tay Trang; nàng gỡ ra, kêu lên:
- Để cho tôi đi.
- Không. Nàng hãy kể cho tôi nghe cô ấy ra sao đã.
Bầu không khí im lặng một lúc lâu. Đavít cầm tay Trang, gài những ngón tay mình giữa những ngón tay nàng; người nàng rung lên. Nàng muốn được nắm lấy tay chàng và giữ chặt trong tay mình. Nàng gần muốn khóc; tim đập dồn dập trong lồng ngực nàng. Rồi, nàng ngước nhìn chàng thỏ thẻ:
- Cô ấy… Cô ấy… bận… bận màu xanh lá cây sẫm.
- Khuôn mặt ra sao?
- Nhưng cậu đã biết mặt nàng rất xinh đẹp!
- Nói đi, sao?
- À… À… miệng cô nhỏ, môi dưới dầy hơn môi trên một chút, mọng đỏ như một quả lựu chín… hàm răng đều và trắng khi cô ta viết cái lưỡi liếm vào môi, xinh như lưỡi một con mèo con.
Trang ngừng lại.
- Gì nữa?
- Mắt nàng đen ngời, đôi mày như lá liễu, cậu có thấy rõ không?... Khuôn mặt cô ta giống hình trái xoan, dường như… đôi tai nhỏ và trắng xanh. Trên mái tóc cô có cài một đóa hoa hồng…
- Kể tiếp nữa đi.
- Tôi cúi xuống một bên cô trong lúc cô viết, hơi thở của cô như hương hoa; còn bàn tay của cô thì thanh mảnh hơn cả tay của tôi nữa.
Đavít mở ngửa bàn tay của Trang ra trong tay mình. Chàng nói:
- Tay Trang nhỏ và đẹp đấy chứ!
Trang nhìn chàng và nói cách van lơn:
- Cậu đừng có làm cho cô ấy yêu cậu!
Chàng để tay nàng xuống bàn.
- Sao Trang biết cô ta nghĩ đến tôi?
Trang vòng tay lại trong hai cánh tay áo phồng. Nàng cúi xuống, khẽ nói:
- Tôi biết!
- Nói đi Trang!
- Khó nói lắm. Đó là điều mà tôi cảm thấy.
Một sự im lặng bao trùm lấy hai người. Đavít đột ngột đứng dậy và quay sang phía kệ sách. Trang hiểu rõ lắm.
Chàng nói mà không quay lại:
- Tôi muốn đích thân gặp lại nàng.
Trang mỉm cười sau hai cánh tay áo. Nàng đáp:
- Không!
Đavít nắm tay đấm xuống mặt bàn rít lên:
- Có!
Trang nói:
- Cậu dữ quá!
- Tôi biết phải làm gì nếu tôi không thấy cô ấy?
Trang nghĩ ngợi:
- Nếu tôi thu xếp để cậu gặp cô ta thì cậu phải hứa với tôi đừng có viết gì cho cô nữa mà cũng đừng có xin gặp cô nơi này nơi khác và đừng có làm một việc gì có thể khiến cho lòng cô tan nát, nghe cậu?
Đôi mắt chàng chớp chớp và miệng mỉm cười:
- Ừ, tôi hứa với Trang như thế. Khi tôi thấy cô ta, tôi sẽ quyết định, rồi tôi sẽ viết thư cho cô ấy hoặc gặp nàng nếu tôi muốn.
Mắt trong mắt, họ đắm đuối nhìn nhau rất lâu. Rồi Trang đứng dậy với một vẻ duyên dáng thường lệ.
Nàng trịnh trọng nói:
- Đó phải là một lời giao ước giữa chúng ta.
Nàng đưa tay sờ thử bình trà, nhận thấy còn đủ nóng nên chúc chàng ngon giấc rồi lui ra và lấy làm thỏa dạ.
Giữa lúc trong nhà xảy ra những sự biến đổi ấy thì ông Era giữ một vẻ lặng thinh khác với thường ngày. Câu chuyện ông Cao Liên đã kể làm cho ông quá xúc động. Nhưng đời ông là một cuộc đời hoạt động và thỏa mãn, nên những cảm giác ấy khi thu nhận bị giảm bớt hiệu lực rất nhiều. Vợ ông, cái người đàn bà lạ lùng và khó hiểu ấy, là người giữ đức tin cho ông. Mọi hoạt động về thương mại, xem ra ông rất sáng suốt; nhưng khi nghĩ đến Thiên Chúa thì tâm trí ông lại mờ mịt tối tăm. Vợ ông nhắc cho ông nhớ đến thân sinh ông, người mà ông đã yêu thương và kính sợ, thân phụ ông luôn luôn dịu dàng, nhưng buồn, một nỗi buồn dai dẳng. Lúc trẻ thơ ông không thể hiểu được, nhưng nó đã làm cho ông cảm thấy mình có tội mà tội ấy không phải do mình gây ra nên đã chạy đến chia sẻ cùng người mẹ Trung Hoa của mình. Tuy nhiên, ông không bao giờ nghe đến một lời than trách, và mẹ ông cũng không thể tỏ vẻ buồn rầu hay hối hận. Cạnh mẹ, ông quên tất cả, nhưng khi bà đã mất thì cái cảm giác về tội phạm ấy chỉ đè nặng lên trên một mình ông và sau đó ít lâu, để làm vừa lòng thân sinh, ông cưới cô Naomy làm vợ. Trong thời gian đầu chung sống, ông đã cố gắng rất nhiều để làm vui lòng người vợ trẻ. Nhưng thấy rõ rằng mình sẽ không bao giờ đạt đến được sự thỏa hiệp hoàn toàn, nên ông đã trở về với cái nếp sống cũ và tìm lại được tất cả tính vui vẻ ngày xưa. Tuy nhiên, đôi lúc, nỗi ám ảnh và cái cảm giác khó hiểu về tội lỗi ấy đã trỗi dậy trong lòng ông, giống như khi Cao Liên kể câu chuyện người Do Thái bị tàn sát.
Ông Era nhận thấy biết bao việc đã xảy ra trong nhà và lũ nô tì Trung Hoa cũng đã thông báo cho ông biết những điều đó. Ông không nói gì cả. Ông hiểu người này người khác, bởi vì ngay ông cũng cảm thấy bị chia trí. Nhờ đôi mắt tinh tế của thím Hoàng mà ông biết rằng, vị giáo trưởng đang xây một cái mộng lớn là được thấy Đavít đứng đầu dân tộc Do Thái nếu Arông không tròn nhiệm vụ. Thím Hoàng đã không lầm. Sau vài buổi học, vì không thấy rõ được mặt Đavít nên vị giáo trưởng nói:
- Con ơi! Đến đây, đến đây để ta được biết mặt con!
Đavít đến bên Ngài.
- Con hãy quì xuống như quì trước mặt Chúa con ạ.
Đavít quì xuống, giáo trưởng đưa tay sờ khuôn mặt trẻ trung của chàng, mười đầu ngón tay Ngài rất tinh nhạy, đến nỗi Đavít như cảm thấy một niềm vui chiếu sáng trên khuôn mặt nhăn nheo. Tiếp đến, Ngài sờ thử đôi vai rộng, lồng ngực nở nang và cái vóc dáng thon thon của chàng thanh niên. Ngài kéo chàng đứng dậy, sờ vào đôi đầu gối thẳng tắp, hai mắt cá chắc gọn và đôi bàn chân vững vàng. Ngài cầm lấy hai bàn tay của Đavít để biết rõ cái hình thể và sức mạnh của chúng. Tiếp đến, Ngài đứng lên và sờ vào đỉnh đầu chàng. Thốt nhiên, Ngài nói:
- Con cao lớn hơn ta, con ạ.
Arông nhìn một cách cau có.
- Ồ! Nếu con là con trai của ta, thì ta được ơn Chúa biết bao!
Nghe vậy, Đavít đột nhiên cảm thương cho Arông người con trai đã bị thất sủng. Nhìn chàng, Đavít nói với giáo trưởng:
- Theo con tưởng, bề ngoài của con người không đáng kể; ít ra đó là điều mà con đã học ở thầy đồ nho của con.
Giáo trưởng hỏi, vẻ ganh tị:
- Ông ta có còn dạy con nữa không?
Đavít do dự, đáp:
- Mẹ con đã cho thầy ấy nghỉ dạy từ khi Ngài đến.
Bà Era đã bảo vị đồ nho nghỉ dạy mà không nói trước cho ai biết cả. Đavít do dự, vì chàng không muốn giáo trưởng biết chàng vẫn còn tiếp tục đến gặp thầy đồ già của chàng. Ông Era biết việc này, do thím Hoàng nói. Thím ta thì thầm:
- Hồi trưa, cậu con đến gặp thầy đồ tại nhà ông ấy ở đường Tiết Phụ.
Mỗi buổi chiều, thím Hoàng bưng đến cho ông một chén nước gạo rang. Ông thủng thỉnh hớp từng hớp một và nghe người nữ tì mách chuyện. Nhờ thế ông biết thêm được nhiều điều. Khi thím Hoàng cho ông biết việc ấy, ông có vẻ nghiêm nghị và thím ta do dự tiếp:
- Cậu ấy có nên học chữ nho nữa không?
Ông Era nghĩ ngợi, hai tay ôm cái chén, miệng húp từng ngụm nước gạo rang nóng và thơm. Ông nói:
- Ta không muốn quyết định việc ấy. Theo ta, vì kính nể mẹ, Đavít phải tránh ông đồ nho vì ông ta khó phá bỏ được những gì mà vị giáo trưởng đã làm.
Thím Hoàng kêu lên cách lo lắng:
- Sao ông nghiêm khắc đến thế?
Sự thân mật giữa hai người trong thời họ còn xuân trẻ, cho phép người tì nữ đối diện với chủ nhân, một sự tự do mà bà ta không có đối với ai khác.
- Thiên Chúa của ta không muốn thế.
Thím Hoàng đáp:
- Các thần thánh đều do con người tạo ra. Người Do Thái đã tạo ra Chúa của họ.
Ông Era bật cười:
- Không phải là ta.
Nụ cười nở ra giữa chòm râu đen, quá tươi trẻ, quá chân thật làm thím Hoàng nhớ lại cái chàng tuổi trẻ ngày xưa, thím mỉm cười. Rồi thím cúi xuống thì thầm vào tai chủ:
- Đừng để con trai ông khổ sở. Tôi biết cậu ấy lắm. Ông là người Do Thái, ông bị buộc phải giống người Do Thái. Ông nói đi… nhưng không, vô ích… khi ông nghĩ đến thân sinh ông là Do Thái, thì ông buồn. Khi ông nhớ lại mẹ ông là người Trung Hoa, thì ông sung sướng, cuộc đời thật là tốt đẹp.
Ông Era nhận thấy thím Hoàng đã đưa vấn đề đi hơi xa một chút. Ông nói:
- Có lẽ đôi khi ta đã buồn vì ta cảm thấy mình không phải là một người Do Thái tốt.
Thím Hoàng cười.
- Ông sẽ sung sướng khi ông nghĩ rằng ông là một người công bình và nhân ái, một người giàu có và thông minh, ngoài ra thì có gì quan trọng đâu? - Thím ta nhích lại gần ông hơn. - Trong thành phố này ai ai cũng kính trọng ông. Nào có ai nghĩ đến việc thân sinh ông trước kia ra sao đâu?
Ông Era cảm thấy xúc động mỗi lần thím Hoàng minh chứng như thế với một lòng mến phục và thân yêu. Từ hồi hai người còn xuân trẻ, người tì nữ Trung Hoa này đã hết lòng tán đồng ý kiến ông, điều mà vợ ông đã khước từ. Ông thích cảm thấy mình sung sướng và tin cậy thím Hoàng, người đã mang niềm vui đến cho ông.
Thím Hoàng nói:
- Kìa, ông không đặt lại sự giao thương cùng ông Khương Sơn à? Từ ngày đoàn thương hồ về đến nay ông có vẻ buồn buồn. Ông cứ ở nhà mãi. Đàn ông đừng ở nhà mãi như thế. Để việc nhà cho đàn bà. Ông Khương Sơn sẽ tự hỏi rằng bây giờ ông đã ra sao. Ông ấy bị hối thúc đặt hàng của nhà mình bán ở các thương điếm của ông.
- Thím nói có lý. Sáng mai ta sẽ đến văn phòng của ông ấy sớm.
Ông đứng dậy thay áo quần ngủ, còn thím Hoàng thì mang cái chén đi. Khi thím Hoàng ra đến cửa, ông nhớ lại và nói theo:
- Phải để Đavít đi gặp thầy đồ già của nó.
Thím chậm rãi đáp:
- Có thế chứ!
***
Sáng hôm sau, ông Era thức dậy, lòng đầy tràn một nghị lực mới và cảm thấy yêu đời. Điều này đã khiến ông linh động và rộng rãi trong vấn đề buôn bán, do đó, ông quyết định mời ông Khương Sơn dùng cơm tối tại Thạch Kiều tửu quán, ngôi tửu quán sang trọng nhất thành phố. Cao Liên cũng sẽ đến dự và cả ba người sẽ cùng thảo luận về các cuộc kinh doanh mới, nhiều lời. Thời thế làm ăn dễ dàng. Gần mười năm nay chưa bao giờ có cảnh đói kém. Vị Tổng Đốc là người đức độ, thuế má không có gì quá nặng, vì vậy người dân chịu mua sắm. Đó chính là lúc làm thương mãi.
Sáng hôm ấy, ông Era ra đi, không gặp ai trong nhà, ngoại trừ hai vợ chồng lão Hoàng là những người hầu hạ ông. Thím Hoàng thỏa dạ về những điều thím đã nói với ông hôm qua, thím lặng thinh mỉm cười. Vốn sốt sắng, lão Hoàng tìm cách làm vui lòng ông chủ. Lão ta trỗi dậy, ăn vận sạch sẽ, đứng gác ở cổng và cái xe lừa có mui đậu đợi sẵn bên ngoài. Đó là một buổi sáng hè đẹp trời, ngoài đường kẻ qua người lại tươi tỉnh, sung túc và sẵn sàng để vui đùa. Vừa đi giữa đám đông ông Era vừa tự bảo nếu cứ khăng khăng cho rằng dãy đất ấy là của tổ tiên thì là chuyện điên rồ. Được sinh trưởng ở đây thật quá hạnh phúc. Ông khá rõ rằng Palestine là một xứ sở nhỏ bé, khô khan, hạng người du mục và ngoại giáo đã cư ngụ từng bao thế kỷ. “Nếu chúng ta trở về đấy, ông thầm nghĩ, chúng ta có thể để họ đến sinh sống không? Nơi đây chúng ta được trọng đãi, không ở lại đây thì thật là điên rồ”.
Ông Era tự hỏi, nếu ở đây người ta thù ghét ông thì sao? Ông không thể tưởng có điều ấy được. Ở Trung Hoa người ta chưa bao giờ tàn sát ai vì lý do chủng tộc cả. Sự thật, người Trung Hoa có thể tỏ ra độc ác với kẻ mà họ ghét, nhưng không phải vì lý do chủng tộc, mà là để hành phạt một kẻ phạm lỗi. Một lần, khi ông Era còn bé, ông từng thấy một người Bồ-đào-nha bị kẻ đi đường đánh trọng thương vì hắn ta đã dám động đến một cô gái quê theo cha lên phố bán rau. Era đã chạy đến xem, nhưng người đàn ông ấy không còn hình thể nữa, chỉ là một đống thịt bầy nhầy. Người ta có thể nhận ra cái đầu: một vật to lớn, tóc đen quăn, rối bù, đôi mắt còn mở lớn, cái miệng tầm thường với đôi môi nhợt nhạt ở giữa chòm râu rậm, màu nâu. Nhưng người đàn ông ấy đã tự mình gây nên cái chết, và mọi người đều cảm thấy rằng công lý đã được thi hành. Nếu gã Bồ-đào-nha kia tỏ ra lễ độ, người ta sẽ tiếp đón tử tế. Người ta sẽ khéo léo nhìn hắn cách tò mò, và có thể họ sẽ chế giễu chút ít về cái đầu tóc rối bù của hắn mà không hành động điều gì không tốt đối với hắn cả.
Vì đã được tin trước nên ông Khương Sơn chờ đợi ông Era. Ông ngồi trong một gian phòng lớn nơi thương điếm của ông, trung tâm của mọi việc kinh doanh. Gian phòng trưng bày toàn đồ quí giá: nền nhà lát bằng đá men, bàn ghế đều bằng gỗ gụ chạm trổ tinh vi, khảm cẩm thạch Giang Nam. Những cái gối tựa bọc sa-tanh đỏ thẩm càng làm tăng thêm vẻ sang trọng của các ghế ngồi, cửa sổ đều che mành trúc kết bằng những dây tơ màu sắc rực rỡ. Tất cả dường như trưng bày vì tiện nghi, nhưng nhờ kinh nghiệm, ông Era biết rằng đó là một lối quảng cáo khéo léo.
Khi ông Era bước vào, ông Khương Sơn đứng nghiêng mình một cách rất là thân hữu.
- Chào bác, chà lâu ngày quá! Tôi có sai thằng tiểu đồng đến hỏi thăm người gác cổng nhà bác. Tôi muốn biết, nếu quả bác đau thì khỏi dám phiền bác về chuyện ấy nữa.
- Dạ không dám, xin bác tha lỗi!
Chủ khách an vị. Cánh cửa hé mở, một tì nữ bước vào dọn nước trà và bánh ngọt, đoạn lui ra.
Sau khi uống nước trà và ăn bánh ngọt, ông Khương Sơn nói:
- Tôi hy vọng rằng bên nhà, bác không gặp sự gì bất như ý.
- Dạ, không!
Ông do dự. Làm sao giải thích cho ông Khương Sơn, con người rất tốt và đầy lịch sự này rõ nhưng điều đã xảy ra tại nhà ông? Đột nhiên, ông quyết định sẽ dò hỏi ý kiến ông Khương Sơn để xem bạn ông trả lời ra sao. Tại sao ngoài người Trung Hoa ra, mọi dân tộc đều xem người Do Thái là những kẻ lầm lỗi? Có lẽ con người chính trực này sẽ giúp ông khám phá ra tại sao người ta đã thù ghét người Do Thái trong bao xứ sở và nếu quả họ là thủ phạm, tại sao ở đây người ta lại tiếp đón họ tử tế?
- Tôi muốn hỏi bác một vấn đề, nhưng tôi lại tự hỏi nếu tôi nói rõ cho bác hiểu, chính xác, bác sẽ nghĩ sao.
- Bác thử nói xem.
Ông Khương Sơn có vẻ đầy khôn ngoan, đầy hiểu biết. Ông bận áo gấm xanh thẫm, nụ cười nở ra trên khuôn mặt nhẵn nhụi, và trong đôi mắt ánh lên một vẻ bằng lòng. Ông Era cảm thấy như tin cậy ở một người anh. Ông nói:
- Đại huynh ạ. Thân phụ tôi là con dân của một dân tộc kỳ lạ, một dân tộc mà tôi không bao giờ hiểu nổi, ngoại trừ một vài khía cạnh của chính mình tôi. Đại huynh phải biết, dân tộc chúng tôi…
Ông Khương Sơn dịu dàng:
- Đại huynh cứ kể…
- Một dân tộc nhỏ bé, một nhóm người giữa đại đa số. Chúng tôi đã chết dần mòn trong kiếp nô lệ ở Ai Cập.
- Tại sao thế?
- Tôi cũng không hiểu. Theo truyền thuyết, người ta cho rằng dân tộc chúng tôi đã làm cho đấng Dêhôva nổi giận, tôi không hiểu lý do vì sao.
- Dêhôva là gì?
- Là Thượng Đế của dân tộc Do Thái.
Một nụ cười lướt qua khuôn mặt ông Khương Sơn, nhưng ông nói cách lịch thiệp và tôn kính:
- Đó là Thượng Đế của bộ lạc trong nước đại huynh à?
Ông Era do dự:
- Thân phụ tôi xem Ngài là Thượng Đế của nhân loại. Vị Thượng Đế chân thật và độc nhất.
- Ở đây chúng tôi chưa bao giờ nghe nói đến Ngài, nhưng xin đại huynh cứ tiếp tục.
- Dân tộc chúng tôi được giải thoát khỏi ách nô lệ nhờ tay của một trong những vị thủ lãnh của chúng tôi. Ông ta đã hứa, nghĩa là Thượng Đế hứa rằng, nếu chúng tôi vâng lời Ngài trong mọi việc, chúng tôi sẽ được trở về đất tổ.
Ông Khương Sơn ra chiều lưu ý, hỏi:
- Thân phụ đại huynh có trở về đấy à?
- Không, nhưng một vài người trong chúng tôi đã trở về đấy. - Ông Era đáp, luôn luôn do dự.
- Vậy, tại sao dân tộc bác vẫn còn phải sống tản mát?
- Dân tộc chúng tôi đã không vâng lời Chúa; đã chung lộn với người ngoại giáo và đã làm nhiều việc như thế!
Ông Era khó mà giải thích điều ấy trước nét nhìn tươi sáng và nhã nhặn của người bạn Trung Hoa - đột nhiên ông ta từ bỏ câu chuyện định nói. Thật là khó, điều ấy có vẻ vô lý!
Khi ông Era không nói nữa, ông Khương Sơn hỏi:
- Nhưng bây giờ những việc ấy có can gì đến chúng ta nữa đâu?
- Tôi có thể nói rằng việc ấy không quan hệ gì đến tôi cả nếu Cao Liên không mang về cho chúng tôi cái tin thương tâm là: người ta đã tàn sát dân Do Thái hàng ngàn - ở bên kia chân trời.
- Khổ chưa! Họ đã phạm lỗi bên ấy sao?
Ông Era đáp, cương quyết:
- Không, không một lỗi nào.
- Vậy tại sao họ lại khốn khổ thế?
- Đó là điều mà tôi muốn hỏi bác. Xin bác tự xét lấy những gì bác đã thấy ở chúng tôi, ở đây!
Ông Khương Sơn lắc đầu:
- Tôi không thể nói với bác lời gì về việc ấy. Tôi chưa bao giờ nghe nói một việc như vậy. Tôi muốn sẽ tự mình hỏi Cao Liên việc này.
Đó là điều mà ông Era đang mong.
- Tôi đến đây, đúng là để mời bác dùng bữa tiệc rượu cùng tôi chiều nay. Tôi sẽ xin đưa Cao Liên đến.
- Ồ, bác tốt quá! Cảm ơn bác.
Ông Era hỏi:
- Vậy quán Thạch Kiều nhé?
- Chỗ ấy thì tuyệt.
- Vào khoảng trăng mọc nhé?
- Lúc ấy tuyệt nhất, nhưng xin bác cho tôi được hân hạnh mời bác, tiếp bác.