Trang - Chương 06 - Phần 2

Đavít và ông Khương Sơn sánh vai đi trong ngôi đền, mỗi người suy nghĩ về những ước muốn của mình. Ông Khương Sơn tự nhủ rằng ông không có gì phải khiếp sợ về việc gả cô con gái thứ ba của ông cho con trai một gia đình mà giáo thuyết hết sức gần gũi với đạo lý thánh hiền; Đavít thì cảm thấy cái trọng lực mà chàng đã tiếp nhận từ ngày Cao Liên trở về, hầu như tan biến mất. Sự hiện diện của ông Khương Sơn đã an ủi chàng, làm nhẹ lòng chàng và cởi mở những mối dây đã thắt chặt tâm hồn chàng bấy lâu. Cái con người tốt bụng này khó lầm lẫn, còn vị giáo trưởng thì đôi khi đã lầm lạc một cách nguy hiểm. Những tia sáng yếu ớt của hy vọng và an ủi đã len lỏi vào tận các xó ngách thầm kín nhất của tâm hồn chàng, và Đavít sau bao ngày khắc khổ, chàng mong ước được tiêu khiển; muốn được như trước kia, tức thời đi khắp các nẻo đường tràn ngập ánh mặt trời. Chàng có cảm tưởng như được trở về nhà sau cuộc hành trình trong một xứ miền u sầu ảm đạm; chàng đã nhận được cái cảm giác ấy từ ông Khương Sơn, nơi con người oai vệ, khoan thai và đại lượng đang đi bên chàng.

Ông Khương Sơn thán phục tất cả những gì mà ông đã thấy, những kiến trúc bằng đá, những đài kỷ niệm vòng cung, những chậu nước hình hoa sen trong các sân, nơi tắm gội và giết súc vật.

Ông rất ngạc nhiên thấy những kiến trúc này trong một đền thờ. Khi ông được giải thích rằng người Do Thái nhận thấy thể xác phải được trong sạch để giữ đúng nghi lễ, ông gật đầu đồng ý, nhưng khi Đavít giải thích thêm rằng tôn giáo của họ bắt buộc phải giết một con vật rút gân để cúng tế, thì ông Khương Sơn thắc mắc chẳng hiểu lý do. Khi ông nghe kể câu chuyện một người tên là Jacob chiến đấu với thiên thần, ông liền cười với một nụ cười hoài nghi.

- Về phần tôi, - ông nói - tôi không chấp nhận việc sát sinh, dù là để thờ phụng. - Rồi ông tiếp với một nụ cười cởi mở.

- Tuy nhiên, khi người ta dọn cho tôi một đĩa thịt heo thì tôi vẫn xơi ngon lành như thường lệ.

Đavít không nói gì; chàng tự hỏi không biết cụ giáo trưởng đã rời khỏi gian nội điện chưa? Chuyện gì sẽ xảy đến nếu cụ vẫn còn ở đấy? Chắc cụ sẽ xung trận vì Đavít đã quay trở lại mà còn dắt theo một người Trung Hoa. Đavít bước chậm rãi, anh sẵn sàng để dừng chân khi cần, nhưng mặc dầu không muốn, cuối cùng anh cũng đã bước vào cung thánh, nơi mà vị giáo trưởng đang quỳ cầu nguyện dưới tủ đựng Thánh tích. Đavít mừng thầm nghĩ rằng vị giáo trưởng không thể nào nhìn thấy được chàng và ông Khương Sơn, ngay cả nếu cụ có ngẩng đầu lên nhìn cũng vậy. Tuy nhiên chàng lấy làm hổ thẹn vì ý nghĩ ấy. Ông Khương Sơn ngừng lại ở ngưỡng của và nhìn Đavít.

- Cụ giáo trưởng… - Ông nói.

- Ngài đang cầu nguyện. - Đavít khẽ nói.

Cả hai đang quay gót trở ra thì vị giáo trưởng với thính giác hết sức tinh nhạy, nhận được tiếng bước chân và những tiếng thì thầm. Ông quay đầu hỏi lớn:

- Đavít, con! Con đã trở lại!

Giáo trưởng hối hận vì cơn nóng nảy của mình, cụ đã quỳ gối cầu nguyện trước Thiên Chúa, van xin ngài, cầu khẩn ngài dẫn đưa Đavít trởi lại và cụ tin chắc rằng lời cầu xin của cụ đã được chuẩn nhận. Cụ bước ra khỏi cửa, đưa tay chờ đón. Đavít thụt lùi, nhưng ông Khương Sơn với lòng quảng đại tự nhiên, tiến lên, nói:

- Thưa cụ giáo trưởng, xin cụ cẩn thận.

Vị giáo trưởng ngừng lại, buông hai tay xuống, hỏi:

- Ai đấy?

Ông Khương Sơn chân thật đáp ngay:

- Thưa cụ tôi đây, tôi là Khương Sơn, thương gia; tôi gặp cậu con trai của ông Era bạn tôi ở cửa, và vì tò mò, tôi đã nhờ cậu ấy dắt vào xem bên trong ngôi đền thờ của cụ.

Vị giáo trưởng nổi xung hét lên hỏi Đavít:

- Tại sao nhà người dám dẫn một người lạ vào nơi này hả?

Ông Khương Sơn có thể bỏ qua những lời nói đó vì ông cụ là một giáo trưởng già nua mê tín, nhưng ông nhận thấy bào chữa cho Đavít là điều phải, nên dịu giọng thưa:

- Xin lão sư bớt giận, không phải cậu ta mời tôi vào mà chính vì tôi yêu cầu đấy ạ. Xin lão sư cứ khiển trách tôi.

Giáo trưởng xẵng giọng:

- Ông là con cái của A Đam, còn nó, nó là con Thiên Chúa. Vậy phải khiển trách nó!

Ông Khương Sơn hết sức ngạc nhiên. Ông nói:

- Tôi không phải là con cái của A Đam, tổ tiên tôi không có ai tên đó cả.

- Tất cả người ngoại giáo đều là con cái của A Đam.

Ông Khương Sơn cảm thấy nổi nóng, ông nói:

- Tôi không muốn nghe ai nói rằng tôi là con của một người mà tôi chưa từng biết đến.

Giọng nói của ông vẫn ngọt ngào. Là một người cao thượng, ông cảm thấy tỏ lộ sự tức giận ra bên ngoài là một điều bất đối xứng, nhất là đối với người già cả. Nhưng cơn giận sôi sung sục trong lòng, và ông phải dằn lòng nói tiếp:

- Vả lại, tôi không thích nghe ai cho rằng họ và dân tộc của họ là con cái của Trời. Chúng tôi chấp nhận, nếu cụ muốn, rằng cụ là con cái Trời, nhưng có nhiều Trời kia mà.

- Chỉ có một Trời, một Chúa, đó là Dêhôva. - Toàn thân ông run rẩy khi nói những tiếng đó. Ông Khương Sơn nghiêm giọng nói:

- Các đồ đệ của Mahômet cũng cho rằng họ là con của Thiên Chúa. Allah. Không hiểu Allah có phải cũng chính là Dêhôva của cụ đấy chăng?

- Không có Thiên Chúa nào ngoài Thiên Chúa của chúng tôi cả. - Vị giáo trưởng nói lớn và dằn từng chữ một. - Ngài là vị Chúa thật và độc nhất.

Ông Khương Sơn chăm chú nhìn giáo trưởng, đoạn quay sang Đavít:

- Vị lão sư này điên rồi. - Ông nói. - Thật ái ngại cho ông. Những người suy nghĩ quá nhiều về Thần, Tiên, Ma, Quỷ hoặc những điều tương tự đều lâm vào trạng thái như thế. Tốt hơn hết là chúng ta không nên biết những gì ở bên ngoài trái đất này.

Nhưng vị giáo trưởng không muốn được thương xót. Ông lớn tiếng quả quyết:

- Chúng ta phải biết có những gì ngoài cái quả đất này. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã chọn dân tộc chúng tôi; để cho chúng tôi nhắc nhở mãi mãi sự hiện hữu của ngài giữa nhân loại. Chỉ có ngài ngự trị. Chúng tôi là những con ong chăm chích vào tâm hồn người ta. Chúng tôi chỉ nghỉ ngơi khi nào nhân loại biết tin Thiên Chúa thật.

Tất cả cơn nóng giận đã tan trong lòng ông Khương Sơn. Ông nói với một giọng hết sức ôn tồn:

- Nếu quả có vị Chúa ấy, thì ngài sẽ không chọn một người để đặt lên trên mọi người và cũng không chọn một dân tộc để thống trị thế giới. Dưới bầu trời này, chúng ta đều là anh em.

Vị giáo trưởng không có thể chịu đựng được câu nói của ông Khương Sơn. Ông ta ngẩng cao đầu và cầu cúng Thiên Chúa của ông:

- Ôi! Lạy Chúa, Chúa có nghe chăng lời xúc phạm của kẻ ngoại giáo này!

Trong khi đôi bên tranh luận, Đavít đứng yên không nói một lời, hai tay chắp lại, đầu cúi xuống. Giữa hai người, tâm hồn chàng vẫn phân vân bất quyết.

Ông Khương Sơn quay sang Đavít:

- Hãy để cho lão sư cầu nguyện nếu điều đó an ủi được ngài. Tôi không tin các vị Chúa; vậy các vị ấy không có thể gây thiệt hại gì cho tôi, gia đình tôi. Tôi xin kính chào nhị vị.

Ông tiến ra cửa, rất trịnh trọng, rẽ sang hướng đông đến cổng chính. Đavít tan nát cõi lòng, vừa thương cảm vừa hổ thẹn. Chàng chạy theo ông Khương Sơn và bắt kịp ông này ở cổng:

- Xin bác tha lỗi cho cháu.

Ông Khương Sơn quay lại, khuôn mặt nhân từ, không còn lại một dấu vết nào của sự xung giận vừa rồi. Ông nói một cách trịnh trọng:

- Có gì thiệt hại cho tôi đâu, vậy thì không việc gì phải tha lỗi cả. Tuy nhiên, vì nể cậu, tôi mới thành thật nói với cậu câu này: không có ai trên trái đất này có thể thương yêu được những người cho rằng chỉ có họ là con độc nhất của Thiên Chúa.

Nói xong, ông Khương Sơn lại tiếp tục đi. Đavít tần ngần ở ngưỡng cửa, và câu nói đó đã khắc sâu vào tâm khảm chàng. Chàng không thể nào quay trở lại cùng vị giáo trưởng, điều đó rất quan hệ đến cuộc đời của chàng. Nhưng sự hấp dẫn của thú vui vô tư lự đã tan biến. Gánh nặng dân tộc lại rơi xuống trên chàng với sức nặng của bao thế kỷ.

Một tiếng nấc trào lên cổ, nghẹn ngào, chàng trở vào đền thờ và ẩn mình dưới một khung cửa tò vò khóc thương chua xót.

***

Cũng trong buổi sáng hè ngột ngạt ấy, Trang biết Đavít ra đi với vị giáo trưởng, nàng bèn chạy đến cửa sổ phòng Lịch xem nàng có cùng đi với hai người không. Thấy Lịch đang bận thêu thùa. Trang liền lẻn đi. Đavít trở về lúc xế chiều. Trang hỏi chàng có cần gì không, nhưng chàng lắc đầu muốn ở một mình.

“Trong nhà này, ai cũng muốn ở một mình cả.” Trang nói vẻ bất bình. Nàng cảm thấy mệt mỏi đến rã rời. Từ khi nàng trao bài thơ cho Đavít, chàng không hề nói một lời nào, chàng không để cho Trang hỏi và cũng không viết một hàng nào. Trang chỉ biết bài thơ mà nàng tự nhận là do Quí Lan sáng tác, đang nằm trong bàn giấy của Đavít. Mỗi ngày sau khi Đavít đã đi ra ngoài, nàng lôi ngăn kéo và nhìn thấy bài thơ đặt dưới một cái dằn giấy bằng ngọc. Nàng chỉ biết chờ đợi đến chiều tối.

Hai bàn tay Trang rất khéo léo, nàng biết xoa dịu cơn đau của bắp thịt hoặc con tim. Thím Hoàng đã dạy cho nàng cái nghệ thuật ấy và nàng đã học được cách khám phá các cơn đau và tập trung ở những nơi nào trong quãng lộ trình của thần kinh và huyết quản. Đôi khi như vậy nàng đã xoa dịu được một chứng đau nhức của bà Era hoặc Đavít. Nhưng nàng hết sức ngạc nhiên, vì chiều hôm ấy ông Era đã bảo nàng xoa hai bên thái dương và hai lòng bàn chân của ông, mặc dầu sau cơn giông trời đã dịu mát. Lâu nay, nàng chưa từng thấy ông chủ khỏe mạnh và vui tính ấy đau vặt bao giờ. Nàng gặp ông ngồi trong phòng, và khi đứng sau lưng ông để xoa bóp, nàng cảm thấy máu tích tụ hai bên thái dương và cái điểm then chốt của cơn đau do tại óc.

- Thưa chủ nhân, lòng ngài đang đau khổ.

Trang biết phân biệt nhiều lối đau trên thân thể, loại nào do các bắp thịt, loại nào do tinh thần.

- Ta đang buồn khổ. - Ông Era đáp. Ông ngả đầu về phía sau, nhắm mắt lại để mặc Trang xoa bóp.

Trang lặng thinh xoa những dây thần kinh vuốt các mạch máu đầu, làm máu tản đi.

Bỗng nhiên ông Era nói:

- Hai bàn tay của con tài tình làm sao! Con đã học ai thế?

- Một phần con học thím Hoàng, một phần khác con tự tìm học lấy.

- Thế là thế nào?

Hai mắt ông vẫn nhắm nhưng trên miệng thoáng hiện một nụ cười.

- Chính con, đôi tay con cũng cảm thấy buồn. - Trang khẽ nói.

- Kìa, kìa sao lại buồn? - Ông vui vẻ nói. - Trong nhà ai nấy đều thương yêu con cả mà?

- Chủ nhân rất yêu thương con, nhưng con biết rõ rằng con không sinh ra trong nhà này và con không có bà con thân thích gì với chủ nhân cả.

- Nhưng ta đã mua con kia mà! - Ông Era dịu dàng nói.

- Phải, chủ nhân đã mua con, nhưng điều đó không làm cho con trở thành con của chủ nhân được. Không ai có thể mua một con người toàn diện.

Ông Era tỏ vẻ nghĩ ngợi trong khi hai bàn tay cô gái xoa nắn những bắp thịt khỏe mạnh trên cổ của ông. Tiếp đến, Trang cuối xuống cởi vớ cho ông chủ và bắt đầu chà xát vào hai bàn chân. Ông ngồi thẳng dậy, tỉnh táo nói:

- Tuy nhiên ta xem con như con gái ta! Trong thâm tâm, ta không nên để cho con săn sóc hai chân ta. Điều này sẽ làm cho các đồng bào của con kinh ngạc. Nhưng dân tộc ta cho phép con gái hành động như vậy. Tại Ấn Độ cũng thế. Khi ta đi ngang qua Ấn Độ cũng với đoàn thương hồ, ta đã thấy họ chữa lành chứng đau chân bằng cách ấy.

- Đôi chân chịu sức nặng của thân thể, cái đau mang sức mạnh của trí thông minh, con tim mang sức mạnh của tinh thần và tư tưởng…- Trang dịu dàng nói. - Đừng có quan tâm đến những gì người ta có thể nói. Người ta có thể nghĩ rằng đấy chỉ là tục lệ của người ngoại quốc. Chủ nhân đã biết rõ lòng nhân hậu của người Trung Hoa, chúng tôi chấp nhận tất.

- Ta biết chứ, họ là những kẻ tốt nhất trên đời này và họ đã chứng tỏ là người nhân hậu nhất…

Ông thở dài khiến Trang đoán được những ý nghĩ của ông, tuy thế, nàng hỏi:

- Cớ sao chủ nhân lại thở dài?

- Tại vì ta không biết đâu là tốt, đâu là xấu.

Trang mỉm cười:

- Lúc nào chủ nhân cũng nói đến điều tốt điều xấu.

Nàng chà vào gan bàn chân của ông Era, vừa làm việc nàng vừa vui vẻ tiếp:

- Nói thế chứ người tốt là người đã mang hạnh phúc đến cho ta và người xấu là người đã tạo cho ta niềm đau khổ.

- Con có thể nói như vậy vì con không có gì phải phân vân giữa trời và đất cả.

- Con biết, con thuộc về quả đất.

- Nhưng chúng ta, chúng ta thuộc về trời.

Nàng làm xong nhiệm vụ, mang vớ vào chân cho chủ. Nàng nói:

- Chúng ta nói đến Trời và Đất nhưng chúng ta lại nghĩ khác.

- Nghĩ gì vậy?

Nhưng ông biết nghĩ gì rồi. Trang dang ra một chút, và ngồi xuống trên hai gót chân nhìn ông:

- Chúng ta cùng nghĩ đến Đavít. - Nàng dịu dàng nói.

- Con cũng nghĩ đến nó sao?

- Con nghĩ đến chàng luôn. - Trang đáp (nàng vẫn ngồi xổm, tiếp tục nhìn ông và quyết định nói cùng ông tất cả). - Con biết rằng đó là một chuyện điên rồ, chủ nhân ạ! Nhưng biết làm sao được, con yêu chàng.

Với vẻ mặt vui tươi như thường lệ, ông Era nói:

- Cố nhiên. Vì chúng con đã chung sống với nhau từ thuở bé, như anh em.

- Vâng. Nhưng chúng con không phải anh em và không vì vậy mà con yêu chàng.

Ông lộ vẻ lo lắng. Nếu ông suy nghĩ chín chắn, tất ông phải hiểu rằng, một cô gái trẻ và dịu hiền không có thể sống bên Đavít, săn sóc chàng, mà không yêu chàng. Ông nhớ lại thời xuân trẻ, thời mà ông say mê thím Hoàng. Bấy giờ ông còn thẹn thùng. Bởi vì mặc dầu bao năm tháng đã trôi qua, ông chưa bao giờ xem thím Hoàng như một tỳ nữ. Khi ông được 16 tuổi và thím Hoàng cũng xấp xỉ tuổi ấy, sắc đẹp của thím đã làm cho ông biết bao xao xuyến đến nỗi ông đã phải nói cho thân phụ ông biết rằng ông không muốn cưới ai khác làm vợ ngoài nàng. Lúc bấy giờ tên thím là Bích Ngọc. Bích Ngọc! Mỗi khi tên Bích Ngọc trở lại trong ký ức của ông Era, một cái gì trong ông đã chết từ bao lâu nay bừng trỗi dậy. Xưa kia thím Hoàng đẹp hơn Trang nhiều, màu da tươi mát, vóc người thon hơn, mũi dọc dừa và đôi môi xinh xắn hơn.

Nhưng thân phụ ông đã cười bảo:

- Đó là một đứa nô lệ. Con ơi đừng lấy đầy tớ.

Chàng thanh niên Era hăng hái nói:

- Khi đã là vợ con rồi thì cô ta sẽ không còn là đầy tớ nữa.

Nụ cười đột tắt trên môi ông cụ.

- Những gì đã xảy ra giữa nhà ngươi và con tỳ nữ ta chẳng quan tâm, có điều là đừng có nói những chuyện đó với ta. Ta phải cưới Naomy, con gái của Judah Ben Isaac cho ngươi.

Era đã hiểu. Trong đám thanh niên bạn bè của chàng, Naomy được xem là cô gái Do Thái xinh đẹp nhất thành phố. Chàng thanh niên Era khá tinh nhạy và tự hào để tưởng tượng sự thèm muốn của bạn bè nếu chàng công bố tin chàng đính hôn cùng Naomy, bởi vì Judah Ben Isaac thuộc một gia đình hết sức giàu có, đến nỗi đã xuất tiền tái thiết ngôi đền thờ sau khi bị sụp đổ trong một trận lụt hồi đầu thế kỷ. Gia đình này đã được nhà vua ân ban tên họ Trung Quốc là Trình nhưng Judah đã xác nhận rằng điều đó chỉ có mục đích thương mại.

Ông Era nói với Trang trong khi nàng vẫn còn ngồi xổm nhìn ông:

- Con ơi, con hãy giữ kín tình yêu của con trong lòng, để trong nhà khỏi phải lộn xộn. Ông xin con.

Đến lượt ông cũng vậy, ông đã lập lại những gì mà thân sinh ông đã nói với ông trong thời niên thiếu. Thật là điên rồ nếu nói đến việc làm vợ lẻ trước mặt Trang, bởi vì bà Era không bao giờ chấp nhận cho con trai bà làm việc đó. Nhưng Trang biết tất cả mọi tư tưởng của ông chủ, nàng vẫn yên lặng nhìn ông với đôi mắt trong sáng, thay vì hết sức tươi vui bây giờ đã hóa ra buồn bã. Nàng nói hết sức khẽ:

- Đavít sẽ khốn khổ nếu chàng cưới cô Lịch.

Ông Era nhún vai thở dài:

- Ngươi lại làm cho ta nhức đầu trở lại rồi! Cút đi con, để cho ta yên một chút.

Nàng cảm thấy ông sẽ không giận dữ lâu. Ông thường thích tỏ ra luôn luôn khoan hồng đại lượng, ông không quên rằng Trang chỉ là một con bé duyên dáng dễ thương, một sự thoải mái cho trong nhà. Tim Trang se lại. Nàng đứng dậy, chào ông, và lui ra, trong khi ông Era vì tốt bụng, đã ân hận đưa tay ra ngăn lại.

- Này con, đợi ta một chút. Ta cho con một món quà nhỏ mà đoàn thương hồ đã mang về cho ta. Có biết bao sự lộn xộn trong nhà khiến ta quên không đưa cho con. Con hãy mở cái hộp này ra và xem thử vật gì ở bên trong nào!

Ông trỏ một cái hộp sơn mài để trên bàn. Trang cầm lấy và mở nắp hộp, bên trong đựng một cái lược bằng vàng.

Nàng trố mắt hỏi:

- Cho con sao?

Ông Era mỉm cười:

- Cho con đấy. Cài vào tóc của con đi!

- Không có gương! - Trang kêu lên, vẻ hoảng hốt.

Ông Era lại cười:

- Kìa, cầm lấy đi và vui vẻ lên.

- Cảm ơn lão gia. Cảm ơn vô cùng.

- Kìa, cảm ơn làm gì. Vẽ chuyện…

Nàng cảm thấy ông vui hơn. Ông thích biếu xén, ông muốn tất cả mọi người đều sung sướng. Nụ cười của Trang đã làm cho ông thích thú, nên nàng phải cố gắng tỏ ra vui vẻ. Cái lược rất đẹp. Nàng ưa thích các vật xinh đẹp. Nhưng nàng không còn là một đứa trẻ và một món đồ chơi đối với nàng không đủ. Nàng tiếp tục bước đi, lòng nặng trĩu.

***

Khi Trang đã ra đi rồi, ông Era than vắn thở dài. Ông bối rối lo âu vì đã ngu ngốc làm hài lòng ông Khương Sơn bằng cách ám chỉ đến cuộc tác hợp giữa Đavít và đứa con gái thứ ba của ông ấy. Tuy nhiên ông không đến nỗi thiếu lịch sự để nói đích danh. Ông đã nói:

- Đại huynh ạ, nhà của đại huynh cũng như nhà của tôi… Nào có nghĩa gì một giao kèo thương mại, sao ví được với đàn con lũ cháu sinh ra bởi sự kết hợp của hai nhà?

Ông Khương Sơn nghiêng mình mỉm cười. Bây giờ tất cả đều rối ren, ông Era tự hỏi tại sao, trong khi ông chỉ muốn hạnh phúc cho mọi người kể cả chính ông, ông nhận thấy luôn luôn lâm vào hoàn cảnh không mang lại niềm vui cho ai cả mà chính ông thì lại càng kém vui hơn. Thí dụ, ông đã cảm thấy khó chịu có vị giáo trưởng trong nhà. Ông ta là một người đạo hạnh, dĩ nhiên, nhưng ông chỉ nghĩ tới những cổ tục Tôrát. Lề luật Tôrát là công việc của một giáo trưởng, nhưng nó chỉ mang lộn xộn đến trong nhà. Không ai được thoải mái dễ chịu nếu người ta cứ mãi mãi không ngừng nhắc lại thời quá khứ. Chính vì vậy mà ngay cả ông Era cũng cảm thấy bực mình trong chính nhà của ông, mỗi khi ông gặp vị giáo trưởng mù mò mẫm đi dọc các hành lang. Ông muốn lẩn tránh vị giáo trưởng, nếu chỉ có một mình giáo trưởng thì ông Era nín thở đứng bất động để ông ta đi ngang qua.

Ông tiếp tục nghĩ đến Lịch. Nàng đẹp hơn Naomy, nhưng ít khi nghiêm túc hơn bà hồi trẻ. Ông Era không mấy khi nói chuyện với Lịch, nhưng đôi lúc ông gặp nàng trong vườn đào buổi chiều. Năm ấy đào đẹp. Lịch lại càng ít nghiêm túc hơn khi nàng chỉ một mình, không như vợ ông hồi xưa. Có thể Đavít sẽ hạnh phúc với nàng? Đavít tính tình mạnh dạn hơn ông ngày trước, chàng sẽ có thể đương đầu dễ dàng với một người đàn bà ngoan cố. Ông Era nghĩ rằng dạo này ông ít khi gặp Đavít. Ngày lại ngày trôi qua kể từ khi giáo trưởng dạy dỗ cho chàng, ông chỉ gặp chàng trong các bữa ăn. Ông Era vùng dậy quyết định đi tìm Đavít tại phòng chàng mặc dầu lúc bấy giờ đã khá khuya.

Đoạn ông nghĩ đến Trang, Đavít có biết chăng nỗi lòng của cô gái trẻ? Trong thời niên thiếu của ông, mọi việc xảy ra khác hẳn, ông đã bày tỏ nỗi lòng cùng thân phụ, còn bây giờ, chính cô gái đã thổ lộ trước tiên. Như vậy càng ít quan trọng! Chân không, ông bước nhanh đến phòng Đavít theo những dãy hành lang chiếu sáng bởi ánh trăng trong.

* * *

Sau khi nghe mấy lời của của chủ nhân, Trang đi thẳng đến vườn đào. Nàng không thể nào ngủ được. Phải chăng cuộc hôn nhân của Lịch và Đavít đã được quyết định? Phải chăng đó là nguyên nhân do nỗi buồn phiền của chàng? Nếu người cha đồng ý thì sẽ không còn đối thủ nữa, bà mẹ đã thắng.

Trang bối rối lo âu. Khi Lịch trở thành bà thiếu chủ, liệu nàng có để cho Trang ở lại trong nhà này nữa không? Cho dù bà Era có còn giữ quyền cai quản trong nhà này đi nữa, cuộc sống của nàng cũng sẽ trở nên khó khăn hơn, vì chính Lịch mới đích thực là kẻ nắm quyền hành. Lịch sẽ điều khiển Đavít chuyển đạt ý kiến nàng đến bà Era. Người mẹ sẽ chấp nhận tất cả chỉ vì con bà đã nghe lời bà: cưới cô gái do chính bà đã lựa chọn.

- Ôi mẹ ơi! Xin mẹ hãy thương con! - Trang khẽ rên rỉ.

Như vậy, Trang đã kêu đến người mẹ mà nàng không thể nào nhớ được nét mặt, người mẹ đã mang bán nàng. Không biết bà có nghe chăng? Bà còn sống hay đã chết?

- Tôi chỉ còn một mình tôi để tự cứu lấy tôi.

Vừa thất vọng vừa giễu cợt, nàng năn nỉ:

- Trang ơi! Hãy đến giúp ta những gì người có thể giúp được, hãy thương chính mày.

Đoạn nàng bước vào vườn đào và gặp Lịch đang ngồi trên ghế dưới hàng cây. Người thiếu nữ Do Thái bận một áo dài trắng, mang thắt lưng vàng. Với một lòng khiêm nhường, Trang thầm nghĩ, sắc đẹp của nàng không thể nào sánh được với sắc đẹp của Lịch đang tắm ánh trăng.

- Thưa cô chủ, cô ngồi chơi!

- À, ta không thể nào ngủ được.

- Tôi cũng thế. Sáng trăng, không ngủ được.

Nàng đến bên Lịch, nhìn ánh trăng qua kẽ lá, đưa tay trỏ:

- Cô chủ có thấy ông Nguyệt lão trên ấy không? Ở trong mặt trăng ấy.

- Nguyệt lão? - Lịch nhắc lại, nhìn lên trời.

- Ông Nguyệt lão ở trong mặt trong mặt trăng, ông ban cho ta những giấc mộng đẹp. - Trang nói, giọng vui vẻ. - Nào, cô chủ muốn xin ông những mộng ước nào?

Lịch cao hơn, Trang chiêm ngắm khuôn mặt tuyệt mỹ của nàng với một vẻ thích thú đượm buồn. Tính bao dung, Trang không một chút ghen tức vì sắc đẹp của Lịch, tuy nhiên điều đó đã làm cho nàng buồn rầu muốn khóc.

- Chỉ có Thiên Chúa ban cho ta những gì mà ta mơ ước. - Lịch nói với một giọng nói trầm trầm, dịu dàng.

Trang khẽ cười.

- Vậy thì ta hãy xem ai có quyền lực hơn, ông Nguyệt lão hay là Thiên Chúa của cô.

Và, nàng ranh mãnh qùy gối cúi đầu sát đất, đoạn ngẩng đầu lên khấn vái:

- Xin Nguyệt lão ban cho con điều mà con mộng ước.

Lịch nghiêm nghị nhìn Trang. Trang đứng dậy nói với một vẻ nghịch ngợm:

- Nào, bây giờ chúng ta có thể thổ lộ cho nhau nghe những điều đã mơ ước.

Lịch lắc đầu:

- Không, ta không thể thổ lộ nổi lòng ta cho ai hay cả. Nhưng khi nào được thỏa nguyện, ta sẽ nói cho ngươi hay.

Hai người vẫn tiếp tục nhìn nhau. Trang chỉ muốn la lên: “Tôi biết cô mơ ước điều gì rồi, cô muốn làm vợ Đavít”.

Nếu có thể nói trắng ra cùng Lịch rằng chính nàng cũng yêu Đavít và đang tìm cách chinh phục chàng, vì lợi ích của nàng, thì thật thỏa lòng Trang biết bao! Nhưng Trang vẫn im lặng. Biết một việc và giữ riêng cho mình, đó là một vũ khí để hộ thân.

- Kính chào cô chủ. - Trang nói sau một phút im lặng.

- Chào ngươi.

Hai người từ giã nhau. Khi bước ra cửa vườn, Trang quay lại và thấy Lịch đang đi bách bộ dưới các rặng đào.

***

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3