Trang - Chương 06 - Phần 3

Sáng hôm ấy, khi rời khỏi đền thờ để ra về, Đavít đã nức nở khóc. Chàng nhìn quanh. Không ai có thể thấy được hai dòng nước mắt của chàng. Tuy đã nguôi nhưng chàng còn cảm thấy buồn. Chàng không còn quan tâm gì nữa. Thiên Chúa đã không kêu gọi chàng, chàng không thấy gì thay đổi hết. Chàng vẫn là chàng. Đavít cho thế là tốt. Chàng không còn muốn gặp ông Khương Sơn cũng như vị giáo trưởng, chàng chỉ muốn ở yên một mình. Chàng gấp mũ nồi lại, đút vào túi và rảo bước trên đường phố, mắt nhìn quanh, không quan tâm gì hết, nhưng tâm thần đã dần dần định tỉnh. Chàng bước vào đền thờ đức Khổng Tử. Tại đây người ta có thể xem nhiều trò lạ mắt và nghe những tiếng lạ tai: các trò ảo thuật, múa rối, nhào lộn, gấu khiêu vũ, két nói tiếng người v.v… Nhưng những trò này không làm cho chàng vui thích như trước nữa. Đavít dửng dưng không buồn nhếch mép cười. Đavít nhìn thấy một gánh hàng rong với những đĩa thức ăn ngon lành nóng sốt, chàng mua một đĩa, nếm thử, nhưng hôm nay không ăn gì thấy ngon cả, bèn mang cho lũ ăn mày.

Mặc dầu cô đơn, nhưng chàng không muốn gặp bạn bè, mà chỉ muốn đắm mình trong nỗi buồn êm ái ấy. Đột nhiên chàng nghĩ đến Cao Liên và muốn nói chuyện với ông ta. Cao Liên hiện đang có mặt tại thương điếm của ông Era. Ông ta có thói quen dậy trưa và đến cửa hàng trễ, nhưng mãi mà đến khuya mới về nhà. Còn ông Era thì đến sớm và về sớm. Đavít bèn đến kiếm ông ta.

Thương điếm của ông Era hết sức lớn, tọa lạc tại một đường phố đông đúc, trên cửa treo nhiều băng lụa màu bay phấp phới, kê nhiều hàng ngoại hóa, bán sỉ và bán lẻ. Sau khi hợp đồng được ký kết với ông Khương Sơn thì tên hai nhà sẽ được viết lên trên các băng lụa; bây giờ chỉ vỏn vẹn mấy chữ: “Era và con trai.”

Đavít bước vào thương điếm, bọn làm công cúi chào, và khi nghe chàng hỏi Cao Liên, một người trong đám ấy dẫn chàng đi vào phòng giấy riêng của ông ta. Trong căn phòng mát mẻ, Cao Liên đang ngồi viết những hàng chữ Tàu ở một cuốn sổ lớn. Thấy Đavít bước vào, Cao Liên đứng dậy. Ít khi Đavít đến một mình vì vậy ông Cao Liên tỏ vẻ ngạc nhiên và lo lắng. Ông hỏi:

- Ba cậu ốm à? Tôi vừa thấy ông đây mà!

- Hôm nay tôi không gặp ba tôi đâu cả. Tôi muốn nói chuyện cùng chú, nếu chú cho phép.

Họ ngồi xuống và Cao Liên nhìn Đavít không nói một tiếng. Qua nét nhìn hòa ái của ông Cao Liên, Đavít không còn đắn đo nữa, chàng nói một mạch:

- Từ khi chú kể chuyện dân tộc của chúng ta bị tàn sát đến nay, tôi rất khổ sở. Tôi cảm thấy cần phải làm một cái gì thay đổi lối sống của tôi hiện nay, tôi nghĩ rằng tôi không có quyền sung sướng tại đây, vui chơi thỏa thích và thụ hưởng cuộc đời.

Một nụ cười chua chát nở trên môi Cao Liên. Ông hỏi:

- Vậy, cậu cảm thấy cậu cần phải khổ sở sao?

Đavít thành thật:

- Tôi biết là vô ích. Nhưng tôi nhận thấy trong lúc dân ta đang bị khốn đốn khắp nơi thì tại đây, tôi sống như thế này là điều không phải.

- Vị giáo trưởng đã khuyên dạy cậu, còn mẹ cậu thì bảo cậu cưới cô Lịch.

- Rồi chú trở về và mang lại những tin tức ấy cho nên tôi nghĩ rằng phải vâng lời giáo trưởng và mẹ tôi.

- Vậy trong trường hợp vâng lời họ, cậu có ngăn được cái chết của dân tộc chúng ta không?

- Không, không… Nhưng điều đó có thể làm nhẹ lòng tôi.

- Để được toại ý mà cậu phải nghe theo lời vị giáo trưởng và vâng lời mẹ cậu cưới cô Lịch. Vậy sao cậu không làm đi?

- Bởi vì tôi hoang mang không biết chắc. - Đavít kêu lên. - Tôi muốn được như cũ, như khi chưa biết gì về sự khốn khổ của dân tộc ta.

Đavít ngồi trên một ghế đẩu, thấp hơn ghế của ông Cao Liên. Ông này nhìn xuống, chàng bối rối.

- Nhưng cậu đã biết và phải biết về điều đó. Nào ai trong chúng ta có thể chối bỏ sự thật?

- Sự thật nào?

Ông Cao Liên biết rất rõ gia đình Đavít. Cha chàng là một người tính tình nồng nhiệt, khao khát hạnh phúc, và trong người mang hai dòng máu Do Thái và Trung Hoa, giống như ông. Còn bà mẹ thì lại là một người đã kiêu hãnh vì sự tinh tuyền huyết thống muốn bảo tồn tất cả những tập tục xưa cũ của một dân tộc trước đây tự do và hùng mạnh, bây giờ sống như nô lệ, không đất đai, không tổ quốc, bị tản mát khắp thế gian. Bà Era muốn truyền cho Đavít tất cả niềm kiêu hãnh của bà. Bà ghen tức, chỉ muốn giữ lấy linh hồn Đavít cho riêng mình.

- Đấy là sự thật. - ông Cao Liên nói. - Cậu hãy nhận biết cậu là ai và quyết định cậu phải làm gì. Mẹ cậu nhận định cuộc đời theo quan điểm riêng của bà.

- Nhưng mẹ tôi chỉ muốn tôi học sách Tôrát với giáo trưởng.

- Vậy thì cậu sẽ nhìn thấy thế giới và nhân loại qua khung cửa hẹp của mẹ cậu.

Đavít xúc động:

- Cả chú nữa chú Cao Liên ạ. Chú cũng là người Do Thái kia mà!

- Phải, tôi là người Do Thái lai Tàu (một vẻ trào lộng thoáng xuất hiện trên khuôn mặt dài của ông Cao Liên rồi vụt biến mất). Sự thật tôi đã lạnh xương sống khi thấy các thấy ma trên khắp các thành phố phía Tây, nhưng bởi vì đó là những thây ma song sượt chứ không riêng gì họ là Do Thái. Tôi tự hỏi: Tại sao những người này, những người kia bị giết như vậy? Tại sao lại ghét bỏ họ?

- Phải, tại sao vậy? - Đavít nói. - Đó là điều mà tôi không ngớt suy nghĩ. Tôi nghĩ rằng nếu tôi biết được điều đó thì tôi sẽ hiểu được tất cả.

Đôi mắt của ông Cao Liên trở nên sắc bén hơn.

- Tôi có thể nói cho cậu biết điều mà tôi chưa từng dám hở môi: Họ bị thù ghét chỉ vì họ tách rời khỏi nhân loại. Họ cho rằng họ là một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn. Tôi biết rõ điều đó như thế nào. Tôi sinh trong một gia đình đông con, một đứa trong chúng tôi cả gan rêu rao rằng nó là người được cha mẹ tôi yêu quý nhất, nên chúng tôi thù ghét nó (miệng ông Cao Liên mím lại). Đến giờ tôi vẫn còn ghét nó. Tôi sẽ vui mừng nếu nó chết đi. Là một người văn minh, tôi không giết nó. Nhưng nếu nó chết, tôi sẽ không rỏ một giọt nước mắt nào.

Trong cái tranh tối tranh sáng của gian phòng đã im lặng, rộng rãi, Đavít hoảng hốt nhìn ông Cao Liên lẩm bẩm:

- Chúng ta không phải là những người đã được Thiên Chúa tuyển chọn sao?

- Ai nói điều ấy, phải chăng chính chúng ta?

Đavít bối rối:

- Nhưng còn kinh Tôrát thì sao?

- Sách Tôrát do người Do Thái viết ra trong sự thất trận chua cay. Đó là sự thật. Chúng ta là một dân tộc kiêu hãnh. Chúng ta đã mất nước. Hy vọng độc nhất của chúng ta để phục hồi Tổ quốc là giữ cho được sự đoàn kết dân tộc. Muốn được vậy, chúng ta phải giữ trọn một tín ngưỡng chung, tin vào một Thiên Chúa độc nhất, Thượng Đế của chúng ta. Thượng Đế ấy biểu hiện cho Tổ quốc xứ sở chúng ta và sự đoàn kết đã được thêu dệt bằng âu sầu, ảo não, thở than và bằng tất cả những gì mà chúng ta đã mất. Đó là điều mà các giáo trưởng đã dạy cho chúng ta từ bao thế hệ!

- Ngoài những điều đó… không còn gì nữa sao? - Đavít hỏi.

Giọng của chàng khàn khàn, kỳ lạ.

- Vì những điều đó mà có nhiều người sẵn sàng hy sinh đấy. - Cao Liên dằn từng tiếng một.

- Chú cũng thế chứ?

- Không.

Đavít không nói gì. Những kỷ niệm của buổi thiếu thời đã sụp đổ. Trong chàng đồng vọng bao kỷ niệm, những ngày thánh lễ, mẹ chàng đã đốt hàng bạch lạp đón lễ Sa Ba, ngày lễ ánh sáng Haunkar tuyệt diệu; ngày lễ Memorah với 8 cây nến nơi cửa sổ để tưởng nhớ tới ngày mà dân tộc Do Thái bại trận nhưng vẫn còn tiếp tục giữ đạo dưới sự thống trị của người Syrie; ngày lễ Pourim để tưởng niệm trận chiến chống bạo chúa Haman; và cái kỷ niệm rõ ràng hơn hết là cái ngày mà chàng được chọn là chỉ huy dân tộc.

Sau một lát, Đavít nghiêm nghị hỏi:

- Chúng ta có buộc phải quên chúng ta là ai không?

- Không. Nhưng chúng ta phải quên quá khứ và đừng có sống cách biệt nữa.

Chúng ta ở đâu cứ sống ở đấy, và truyền sức mạnh tâm hồn của chúng ta cho dân tộc trên hoàn vũ.

Ông Cao Liên đưa hai bàn tay gầy guộc lên che mắt như đang cầu nguyện. Sau một phút im lặng, ông ra hiệu cho Đavít lui ra. Đavít đứng dậy bước ra cửa, ông Cao Liên ngăn lại:

- Tôi không biết có nên nói với cậu những điều vừa rồi không; nhưng có sự thật nào tôi có thể nói ngoài những cái mà tôi đã cảm thấy trong lòng? Cậu có thể kể lại cho ba má cậu nếu cậu muốn, tôi không buộc cậu phải giữ kín làm gì.

- Không, tôi đã xin chú nói cho tôi biết sự thật kia mà! Cảm ơn chú lắm.

Nói xong Đavít ra về.

oOo

Khi Trang từ giã Lịch trong vườn đào, nàng thấy Đavít từ ngoài sân bước lên thềm. Nàng theo chàng vào phòng xem chàng đã ăn chưa và có cần gì không vì đó là bổn phận của nàng.

- Tôi ăn rồi, (và rút trong túi ra một cái mũ chóp đầu cho Trang).

- Cất cái này đi. - Đavít nói.

Sau khi đã cất cái mũ, Trang trở lại gian phòng và thấy Đavít đang ngồi khoanh tay trên bàn. Nàng chăm chú nhìn chàng:

- Tôi có thể giúp cậu những gì nữa đây?

- Không gì cả. Khi nào cần tôi sẽ gọi.

Đavít có vẻ nghiêm nghị, khe khắt khiến nàng không dám nói gì thêm, chung quanh chàng đầy những sách, quyển thì mở trước mặt, quyển thì nằm dưới đất, khi Trang cúi xuống lượm, chàng lạnh lùng nói:

- Để đấy. Tôi vứt xuống đấy.

Nàng chỉ biết rút lui, bối rối lo âu vì chưa bao giờ Đavít giấu giếm nàng điều gì mỗi khi chàng lo nghĩ. Trang chỉ biết một điều duy nhất là: tiếp tục yêu thương chàng. Nàng do dự, không biết có nên đi khỏi đây không? Nhờ trực giác bén nhạy, Trang cảm thấy một làn không khí lạnh lẽo bao quanh Đavít. Một cuộc chiến đấu nội tâm đang diễn ra trong chàng mà nàng chưa thể hiểu nổi.

“Ta muốn biết những điều đó, nhưng không nên gấp gáp, nàng tự nghĩ. Những sự đã đổi thay sẽ giúp ta hành động”.

- Chào cậu, nàng dịu dàng nói.

Nhưng không một tiếng trả lời. Nàng trở về phòng riêng và sửa soạn đi ngủ.

Nằm trên giường, nàng suy nghĩ: “Ta cùng chàng nằm chung dưới một mái nhà”. Và nàng khẩn cầu với mặt trăng: “Xin Nguyệt lão cho những điều con mơ ước được trở thành sự thật”. Đoạn nàng nhắm mắt lại, ngủ trong một giấc mộng đẹp.

Khi ông Era tiến đến phòng Đavít, ông thấy ánh sáng yếu ớt của ngọn nến lọt ra bên ngoài, ông nấp cạnh khung cửa sổ mắt cáo nhìn vào trong. Ông hoảng hồn. Đavít trầm ngâm nghĩ ngợi, khuôn mặt xanh xao, hết sức buồn bã, ông đâm ra khiếp sợ. “Kìa việc gì đã xảy ra thế nhỉ! Thật là tai hại khi ta để cho đàn bà và cái ông già lẩm cẩm ấy mặc tình hành động”. Ông tự nghĩ. Biết tính sao đây nếu ông để mất đứa con trai độc nhất, biết bao yêu mến! Nó là đôi đồng tử của mắt ông, là niềm hy vọng của cuộc đời ông và sự nghiệp thương mại của ông!

Ông xô cửa bước vào, hung tợn như một con gấu, vì sau khi xoa bóp màng tai cho ông, Trang không có chải lại tóc và ông cũng quên đội cái mũ chóp. Tóc tai rối bù trông đến khiếp. Khi suy tư ông thường nắm râu cằm kéo mạnh, áo quần xốc xếch, vì ông có thói quen gãi mỗi khi có điều suy nghĩ.

Đavít nhìn ông, ngạc nhiên. Nhưng ông Era đã nói:

- Trăng tuyệt đẹp! Những đêm như đêm nay, ba không sao ngủ được. Ba đã sai lão Hoàng sang xem ông Khương Sơn còn thức hay không. Nếu bác ấy còn thức thì mời bác ấy và cậu bên ấy cùng ta ra chơi trên mặt hồ. Ba còn nợ bác ấy một bữa nhắm. Ba phải đãi trà bác ấy ngay trong đêm nay. Lão Hoàng đã mướn thuyền, mua rượu đặt tiệc và thuê bọn ca kỹ. Đi con! Sửa soạn đi với ba.

Ông kéo tay Đavít. Sau đôi mi rậm rạp, ông nhìn con. Khuôn mặt râu ria của ông, đầu tóc rối bời của ông dường như tươi tỉnh lên.

Nhưng khi ông thấy Đavít ngập ngừng do dự, ông quàng tay ôm lấy vai chàng:

- Đi con cưng của ba, - ông thì thầm - con còn non trẻ! Hãy vui chơi. Đợi đến già rồi suy tư cũng không muộn, tội gì lo nghĩ cho mệt xác!

Làn hơi ấm áp của ông Era, giọng nói ngọt ngào êm dịu và cái vòng tay chắc nịch của ông đang quàng lấy Đavít đã làm chàng cảm động. Chàng lăn mình vào lòng cha và òa khóc, không một chút thẹn thùng. Ông Era ôm chặt con vào lòng, ông đã hiểu! Mắt ông ngấn lệ, những giọt lệ giận dữ. Ông nghiến răng lẩm bẩm:

- Rõ là một sự hành hạ - thế là thế nào đã chứ? Họ đã tự hành hạ mình và hành hạ tất cả mọi người chung quanh họ. Nhưng lần này, họ hành hạ lũ trẻ! Tôi không muốn như thế! Họ làm như thế để làm gì chứ? Tuổi trẻ vô tội. Chúng ta đã biết gì về Chúa? Thật cái lão giáo trưởng già lẩm cẩm…

Đang khóc, Đavít bỗng bật cười khi nghe cha càu nhàu tức giận. Ông Era đẩy chàng ra, nhìn thích thú:

- Tốt, cười lên con! Tại sao không cười phải không con? Có thể Thiên Chúa thích tiếng cười, nào ai biết được? Bây giờ con sửa soạn đi. Con hãy bận cái áo nào đẹp nhất. Chúng ta đi rất khẽ để người trong nhà khỏi thức dậy. Cha con ta đợi nhau ngoài ngõ.

Đavít trở vào phòng, ngạc nhiên nhận thấy mình khoan khoái lạ lùng. Sự sầu muộn của ngày hôm ấy đã hóa nên niềm vui tươi hoan lạc. Cái mặc cảm tội lỗi đã biến mất, nguồn an ủi vô bờ của cha đã đập tan mọi ưu tư sầu muộn. Chàng chải tóc và để đầu trần. Chàng bận áo lụa tàu, màu xanh tươi và vấn một thắt lưng mềm bằng lụa đỏ. Chàng mang tất trắng và giày tàu bằng nhung đen. Chàng đã sửa soạn xong sau mất vài phút.

Ông Era ngắm nghía Đavít với đôi mắt yêu thương vô bờ. Ông cảm thấy sẵn sàng chống trả bất cứ ai để bảo vệ cho con trai ông. Con trai ông là của ông. Ông không thể giao nộp cho ai cả. Ông đột ngột nói:

- Cha không phải là Abraham! Cha không hy sinh con đâu, ôi con thương mến!

Ông quàng lấy vai Đavít và hai cha con cùng đi ngang qua các sân rộng ngập ánh trăng, xuyên qua cửa ra đường phố. Họ đi bộ như vậy đến tận bờ hồ. Lúc ấy đã khá khuya nhưng vẫn còn dư thời giờ để tiêu khiển, những người sống chừng mực đều đã ngủ khò trên giường, nhưng các thanh niên và những ông lão còn yêu đời thì không thể bỏ qua những đêm trăng đẹp như đêm nay. Mùa hạ đã gần tàn. Mùa thu sắp tới; chẳng bao lâu nữa hoa sen trên hồ sẽ tàn tạ. Bây giờ là lúc thụ hưởng cuộc đời.

Ông Era và Đavít đi dọc theo những con đường vắng lặng; một vài người đàn bà còn ngồi trước ngưỡng cửa nhà họ, cho con bú và nhìn trăng mơ mộng. Hai cha con đến bờ hồ nơi mà ông Khương Sơn và hai người con trai lớn của ông đang chờ đợi. Hai chàng trai vui vẻ, sẵn sàng nô đùa. Người con trai trưởng của ông Khương Sơn giống cha như đúc, cũng khuôn mặt chữ điền với đôi mắt hiền lành và đôi môi láng bóng. Đavít nhận thấy người em vóc dáng thanh mảnh và đẹp trai, khiến chàng liên tưởng đến Quí Lan. Nghĩ đến khuôn mặt yêu kiều của nàng, quả tim của chàng bỗng đập mạnh. Hai chàng thanh niên tiếp đón Đavít một cách vui vẻ. Họ siết tay nhau và mặc cả mướn thuyền trong khi ông Khương Sơn và ông Era còn đứng trên bờ.

- Chúng ta cùng có chung một ý định đó bác Era ạ! - Ông Khương Sơn nói. - Khi tôi sai thằng tiểu đồng của tôi sang mời bác đi thưởng trăng cùng chúng tôi thì nó gặp lão Hoàng của bác ở ngưỡng cửa.

- Con trai tôi trong thời gian gần đây học hơi nhiều. - Ông Era nói một cách thận trọng. - Nó cần được giải trí để quên bớt sách vở.

Ông Khương Sơn biết rõ câu nói bóng gió của ông Era. Ông sẽ đặt lại vấn đề này sau khi họ đã thấm hơi men. Ông không tỏ một dấu hiệu nào cho Đavít để nhắc đến cuộc gặp gỡ hồi sáng. Thời nào việc ấy.

Mấy cậu thanh niên đã chọn thuyền xong, và người ta đang cầm sào cập thuyền vào bờ. Tất cả xuống thuyền. Ông Khương Sơn và ông Era ngồi dưới một cái tán lụa, ba người con trai thì ngồi bên ngoài trời. Phía sau thuyền, một bà già đang quạt một lò than đun nước pha trà.

Người lái thuyền lễ phép:

- Thưa các đại nhân, quí vị có ý định đến ăn tối tại chỗ nào đấy ạ?

- Tại sao không bảo họ mang xuống thuyền này, có phải tiện không. - Ông Khương Sơn nói.

Đã được quyết định như vậy, người lái thuyền bèn cho thuyền lướt về phía Kim Tước tửu lầu.

Đối với Đavít, chưa có đêm nào êm dịu như đêm nay. Không gian yên tĩnh. Chàng ngồi dựa lưng nhìn trời trăng sáng vằng vặc, tai nghe tiếng lá sen cọ nhẹ vào mạn thuyền. Chàng quay người lại, khom mình với tay ngắt một gương sen, chàng bẻ ra, bên trong trắng và khô, những hàng sen xếp đều đặn. Tách ra từng hạt, Đavít bóc vỏ xanh khoan khoái nhai cái nhân màu trắng ngà.

Người lái thuyền khom mình với lấy cái gương sen rỗng và cẩn thận giấu dưới những lá sen. Gã nói:

- Năm nay lão già Lưu đã mua trước sen trong hồ nầy. Hắn ta yêu cầu cảnh sát phạt nặng những ai bứt sen của hắn. Nhưng thưa thiếu chủ, cậu cứ ăn như ý. Cậu càng ăn nhiều bao nhiêu, lão Lưu càng thâu lãi ít bấy nhiêu. Chúng tôi chỉ xin thiếu chủ một món tiền lẻ để chuồi cho cảnh sát là xong.

Mọi người bật cười vô tư lự. Đavít dựa ngửa trông trăng. Chàng không còn muốn nghĩ ngợi gì hết, không một vấn đề nào phải giải quyết, không một ngờ vực nào, một chiến đấu nào ở nội tâm; chàng tự tiết chế để sống vui và thụ hưởng cuộc đời.

Thuyền cập vào một cái bến rất thấp, cạnh tửu điếm. Con ông Khương Sơn đang thảo luận về các món ăn.

- Món cua, dĩ nhiên phải có rồi! - Người con cả nói.

- Cua rang muối, chứ đừng ăn cua hấp. - Người em tiếp.

- Xin các tiểu chủ nhớ đặt mua thứ rượu nào thật ngon để dùng với món cua, người lái thuyền nói. Vì đây là một món ăn đặc biệt, cua ở đây ăn toàn đồ thừa của các thực khách từ thuyền ném xuống hồ, thức ăn càng bổ thì thịt cua càng ngon.

- Hãy làm cua hấp, như thế thịt mới thơm. - Ông Khương Sơn nói.

Qua vài lời, mỗi người một ý, họ đã đặt món cua, món vịt quay, món rau và món chè kê nấu với chà là. Chính ông Khương Sơn đã đặt món ăn cho người chủ quán; hắn ta đã hấp tấp chạy đến khi nghe gã lái thuyền gọi. Viên chủ quán đứng bên bờ, khuôn mặt phì nộn, bóng láng dưới ánh trăng, tươi cười niềm nở. Gã dạ dạ mỗi lần ông Khương Sơn đặt một món. Đoạn gã hỏi:

- Thưa các quan khách, các ngài có muốn nghe ca hát không ạ! Ăn món cua của nhà hàng chúng tôi, uống rượu của nhà hàng chúng tôi dưới ánh trăng trong như thế này mà không nghe ca nhạc thì có khác gì cưới một bà vợ không có của hồi môn!

Mọi người bật cười rồn rã. Cậu con thứ hai của ông Khương Sơn vui vẻ nói:

- Hãy gọi ba cô hát thật hay. - Rồi quay sang bố, vẻ láu lỉnh. - Ba cô đủ chưa hả ba?

- Đủ rồi, đủ rồi! - Ông Khương Sơn mỉm cười. - Tôi chỉ nhìn ngắm các cô ấy. Các cô chỉ có hát cho chúng tôi nghe mà thôi. Hai chúng tôi đã già rồi, có phải thế không đại huynh?

- Đúng rồi! - Ông Era đáp (ông dựa ra sau khoan khoái). - Cuộc đời thật đáng sống! - Ông đột nhiên nói.

- Tại sao chúng ta lại phải sầu khổ? - Ông Khương Sơn nói. - Khi mặt trời đã cho chúng ta giàu sang, sầu khổ làm gì vô ích.

Trên khoang thuyền lộ thiên, mấy cậu thanh niên nằm tựa vào những cái gối bọc lụa một cách ngả ngớn. Ánh trăng chiếu xuống họ như một thứ huyền ảo. Trông họ giống như những pho tượng thần nằm nghỉ. Trên bờ, ngôi tửu điếm rực ánh đèn lồng và từ các khung cửa sổ ánh đèn yếu ớt chiếu ra, văng vẳng tiếng ca hòa cùng tiếng địch và tiếng trống cơm vỗ nhịp.

Ông Era đã từng tham dự những buổi dạ tiệc có đàn hát như vậy nhưng ông không hiểu hết ý nghĩa. Bây giờ, ông nhận thấy phải lựa chọn. Trong thành phố này, những thú vui loại này ở trong tầm tay của ông, nhưng ở nơi đây còn có sự hiện diện của vị giáo trưởng sầu khổ vô tận. Con người thường ưa sung sướng, ghét sầu muộn. Nhưng vị giáo trưởng thì đã lao mình vào sầu muộn, sự sầu muộn bất tuyệt của con người ám ảnh bởi Thượng Đế. Cụ lại còn tỏ lộ một thú vui ảm đạm và kỳ lạ. Nổi khổ đau càng sâu đậm thì niềm hoan lạc càng gia tăng, chẳng khác nào những con thiêu thân đập cánh khi lao mình đến bên ngọn lửa. Sự so sánh thật đúng; linh hồn con người tự thiêu đốt trong sự chiêm ngưỡng Thượng đế. Nhưng loài người có cần cùng một thứ hạnh phúc như thế cả không? Vị giáo trưởng tự do chọn lựa con đường hạnh phúc của cụ nhưng không được phép ép buộc bọn trẻ, “đặc biệt là con ông”, ông Era trầm ngâm nghĩ ngợi.

- Suy nghĩ gì thế đại huynh? - Ông Khương Sơn hỏi. - Tôi xem chừng trong lòng đại huynh có điều không ổn?

- Tôi đã suy nghĩ về hạnh phúc của con người. Mọi người có thể hạnh phúc hết thảy chăng. -

Miệng ông Khương Sơn mím lại.

- Những người nghèo khổ thật khó mà có hạnh phúc. Mà cũng khó cho những ai đặt hạnh phúc độc nhất của mình vào kẻ khác. Có một yếu tố may rủi: trong sự nghèo khó từ bên ngoài đến và trong tình yêu do ở trong lòng mà ra. Nhưng nếu ai vượt qua được sự nghèo khó và biết yêu thương vừa phải thì không có trở ngại nào ngăn cản hạnh phúc đến với mọi người.

- Khi đại huynh nói đến một tha nhân, đại huynh đã nghĩ đến con người hay Thượng đế?

- Cả hai. - Ông Khương Sơn đáp. - Hạng người này quá yêu thương con người nên đã bị chế ngự bởi tình yêu, hạng người kia thì vì quá yêu Thiên Chúa nên đã biến thành nô lệ của Ngài. Con người phải được sống tự do và độc lập.

Câu chuyện chấm dứt vì bóng ba cô gái thấp thoáng từ cửa tửu điếm bước xuống. Một cô cầm đàn tỳ bà, một cô cầm chũm chọe và một cô cầm trống nhỏ. Họ bận áo màu hồng đào, màu thiên thanh và thủy lục, phất phơ trước gió, trông đẹp như hoa. Bọn tửu bảo theo sau, mang thức ăn, trong khi bà vợ người lái thuyền lo dọn bàn. Một vài phút sau, tất cả đều sẵn sàng, các người lái thuyền đẩy thuyền ra giữa hồ. Bờ sông rực rỡ ánh đèn xa dần và tiếng đàn tiếng nhạc chỉ còn là những tiếng vang yếu ớt.

Ông Khương Sơn mời ai nấy cầm đũa. Mấy tên tửu bảo hầu rượu. Các nàng ca kỹ ngồi trước, lưng quay về phía ánh trăng, mặt đối diện với thực khách. Họ bắt đầu cử nhạc và đồng ca một điệu hết sức trầm bổng, mê ly, đến đỗi mấy cậu thanh niên không dám nói cười. Các cảnh thanh nhã và mỹ miều dường như quyện lẫn vào bóng đêm dưới vầng trăng sáng. Tiếng hát của họ cao vút và dịu dàng hòa làm một, có khi tách rời làm nhiều âm điệu réo rắt đê mê. Các cậu thanh niên tai lắng nghe, mắt ngắm nhìn những khuôn mặt tuyệt mỹ nhợt nhạt của các thiếu nữ, mắt họ đều to, buồn và dửng dưng. Đêm trăng tuyệt vời, lời ca thánh thót, thức ăn ngon lành, khoái cảm ri rỉ thấm vào lòng Đavít. Sự thấp kém tầm thường đã lăng nhục chàng. Sau bao ngày sống cùng vị giáo trưởng, tâm hồn Đavít đã đạt đến một trình độ giáo dục hết sức cao, nó không có thể hạ thấp một cách quá đột ngột từ trời xuống đất. Tối hôm nay thú vui trần thế mời gọi quyến rũ nhưng cõi trời thanh cao vẫn khép kín, lặng thinh.

***

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3