Trang - Chương 07 - Phần 2

Nàng tựa người vào chàng. Đavít cúi xuống, cố nở một nụ cười, xem như thể đây là một trò đùa. Chàng cúi xuống thấp hơn và đôi môi của chàng đặt lên đôi môi của nàng. Cho đến nay, chưa bao giờ đôi môi chàng chạm vào miệng của bất cứ người đàn bà nào. Đây chỉ là Trang, cô Trang bé bỏng ngày xưa mà chàng đã biết rất rõ. Nhưng đột nhiên chàng cảm thấy một sự ngọt ngào kỳ lạ nơi đôi môi ấm áp ấy.

Trang gỡ ra, nói với một giọng hăng hái và rõ ràng:

- Cám ơn. Bây giờ Trang có thể quên đi tất cả. Nhưng thiếu chủ hãy cho em biết, thiếu chủ đã gặp nàng rồi có phải không?

Sự thay đổi quá sức đột ngột này khiến Đavít không thể nói gì được. Lòng chàng rối như tơ. Tại sao Trang vừa nhen nhóm trong lòng chàng sự ấm áp mới mẻ ấy rồi lại đột ngột xoay chiều câu chuyện hướng về một thiếu nữ khác? Không ngờ nàng đã xúc động, quyến rũ, khiến chàng làm những gì mà nàng muốn. Chàng để lòng tưởng nhớ đến cái giây phút gặp gỡ Quí Lan trong chùa. Ở đó, Đavít đã nấp sau một pho tượng to lớn trấn giữ phía Tây, chàng đã trông thấy Quí Lan. Nàng bận một cái xiêm thêu, bằng lụa màu vỏ táo, dài sát đất. Một bà vú già cầm tay nàng đưa đi. Bên cạnh sự cao lớn phì nộn của bà vú già, tấm thân mảnh dẻ của thiếu nữ giống như một cành liễu mùa xuân. Rồi chàng nhớ lại khuôn mặt của Quí Lan. Chàng thủng thỉnh nói:

- Phải, tôi đã từng gặp nàng. Tôi không ngờ nàng đẹp đến thế! Nhưng tôi không có thể nhớ rõ từng chi tiết được.

- Nàng thật là nhỏ nhắn, có phải không? - Trang gợi ý.

- Nhỏ xíu xíu à! Cỡ của trang ấy. Nhưng tôi thích các cô nhỏ thó.

- Đôi mắt nàng... có to bằng mắt Trang không?

Mắt Trang hình quả mơ, là cái đặc điểm chính của sắc đẹp nàng. Hai hàng mi dài, mềm mại và cong lên, tròng mắt đen pha lẫn màu nâu ấm áp. Đôi mắt của Trang đã khiến Đavít nhớ đến Quí Lan, chàng xích lại gần nàng, nói:

- Tôi chưa từng thấy một đôi mắt nào đẹp đến thế!

Trang tủm tỉm cười làm lúm hai má đồng tiền. Nàng đưa chiếc khăn tay lên lau vội hai giọt lệ vui mừng. Nàng hỏi tiếp:

- Đavít có nói chuyện với nàng chứ?

- Có. Khi nàng đi vào bên trong chùa, nàng đã thấy tôi.

- Cậu đã nói gì với nàng nào?

- Tôi chỉ nói rằng, tôi hi vọng được nàng miễn lỗi vì tôi đã đến đây để gặp nàng.

Đavít đã nói những lời này một cách hết sức thành khẩn, chàng ngồi xuống cạnh bàn, nghiêm trang tiếp:

- Trang ạ! Chắc Trang cũng biết rằng tôi không thể lấy vợ như một người thường. Nếu tôi chọn Quí Lan làm vợ mà không chọn Lịch, mẹ tôi và giáo trưởng sẽ bất bình và có thể ngay cha tôi cũng bất bình nữa.

- Lão gia chỉ nghĩ đến cậu.

- Đúng rồi! Nhưng đối với chúng tôi, đàn bà thường có quyền hơn đàn ông. Tôi không biết mẹ tôi sẽ tính sao đây?

- Cô lịch... Cô ấy có quen biết người nào khác không nhỉ?

- Không. - Chàng đáp, lòng đầy hối hận. - Có điều tai hại là tôi đã làm cho cô ấy tin tưởng...

Chàng lắc đầu buồn bã.

Nãy giờ Trang vẫn đứng. Nàng tiến đến ngồi đối diện với Đavít, lo lắng hỏi:

- Cậu đã làm cho cô Lịch tin tưởng rằng cậu đã yêu cô ấy sao?

Rồi nàng vội vã tiếp:

- Sao có thể như vậy được? Cậu có nói với cô ấy câu nào đâu, ngay cả trong lúc hai người cùng học kinh Thánh cũng vậy cơ mà! Cụ giáo trưởng đã ngồi giữa hai người...

- Một lần nọ, trong vườn đào... - Chàng nói, mặt đỏ bừng.

- Trong vườn đào? Đã xảy ra những gì thế?

- Việc ấy xảy ra vào ngày hôm sau khi đoàn thương hồ trở về. - Đavít nói, vẻ hối hận. - Hôm ấy chúng tôi khá xúc động.

- Cô ta đã đến tìm cậu ở vườn đào! - Trang lớn tiếng nói, nàng đoán được ngay những gì đã xảy ra. - Cậu có biết tại sao cô ta đã cả gan dám theo cậu ra đấy không? Chính mẹ cậu đã bảo cô ta làm như vậy.

Đavít nhìn Trang không chớp mắt. Chàng tỉnh ngộ vì cái nhận xét xác đáng ấy. Chàng đập mạnh bàn tay xuống bàn, Trang giật mình suýt buộc miệng kêu lên. Nàng quơ vội cái quạt mà nàng vừa sửa chữa.

Đavít thoái bộ:

- Tôi sẽ nói với mẹ tôi... - Chàng nói.

Trang xòe cái quạt chạm để che mặt, nàng hít vào lồng ngực mùi trầm hương mà nàng rất thích, nhìn chàng hỏi:

- Để làm gì?

Rồi, nàng tán tỉnh:

- Cậu muốn gì, cậu hãy để tôi trình với lão gia cho. Tôi sẽ là người trung gian cho cậu trong cuộc hôn nhân này.

Nhưng Đavít lắc đầu:

- Dù sao đi nữa, cứ để lịch ở trong tình trạng nhầm lẫn như thế này là một điều không nên. Để tôi suy nghĩ kĩ, rồi tôi sẽ nói với nàng những gì cần phải nói.

- Xin cậu đừng nói gì hết. - Trang năn nỉ - Cần gì phải cải chính những điều mà ta chưa từng nói ra. Có khi đã nói ra rồi thì mọi sự sẽ trở nên rõ ràng và chắc chắn. Và như thế, có thể cô Lịch sẽ cảm thấy đắng cay nhục nhã.

- Lịch cay đắng sao? Không, Trang đã lầm rồi. Chính điều đó mới làm cho tôi khổ tâm. Lịch là một thiếu nữ rất tốt. Tôi muốn yêu Lịch với tất cả tấm lòng, chính vì nàng, chứ không phải vì mẹ tôi.

Chàng dừng lại, ngập ngừng, rồi tiếp như tự nói với mình:

- Có lẽ tôi sẽ có thể yêu Lịch nếu nàng chỉ là một cô gái, một người đàn bà thuần túy, nhưng đàng này nàng lại còn hơn thế nữa.

Đavít cho rằng Trang quá trẻ con, chưa có thể hiểu được những điều chàng nhận xét về Lịch, nhưng trái lại Trang hiểu thấu đáo vấn đề và khá tế nhị, nàng không nói ra. Lịch khác hơn một người đàn bà thường là vì nàng tiêu biểu cho một dân tộc, một truyền thống, một quá khứ; khi Đavít đã cưới nàng là cưới luôn tất cả những điều ấy và bắt buộc phải quay về với quá khứ xưa cũ. Chàng sẽ trở thành một phần tử của toàn bộ cái xưa cũ ấy và thụ nhận cái sức nặng buồn rầu ngàn xưa của dân tộc. Nhưng Trang không để lộ ra là nàng đã biết tất cả những điều đó. Theo thói quen, nàng nhảy choi choi, hai tay vỗ vào nhau, và làm ra vẻ trẻ con, năn nỉ:

- Đavít để cho Trang thưa chuyện với lão gia nhé?

Khuôn mặt trẻ đẹp của Đavít thoáng gợn buồn, chàng gượng cười, nói:

- Cha tôi mà giúp gì tôi được? Chính ông cũng ở vào một hoàn cảnh như tôi mà.

Trang dịu dàng:

- Ngày xưa, không có ai để cứu lão gia cả. Thời xuân trẻ, lão gia làm gì có một Quí Lan. Cậu hãy nghĩ đến cô bé ấy, bây giờ chắc cô ta đang mơ tưởng cậu. Cậu không cảm thấy như thế sao? Đúng đấy? Thôi, cậu hãy để cho Trang thưa chuyện cùng lão gia.

Cuối cùng, Đavít đành phải nghe theo lời ngọt ngào của Trang. Trang chuồn đi gấp, nàng sợ Đavít thay đổi ý kiến. Nàng chạy thẳng một mạch đến phòng ông Era. Nàng thấy ông đang nằm ngủ thẳng cẳng trong ghế dựa bằng mây, cái quạt rơi trên bụng. Ông ngáy như sấm, Trang không có thể làm cách gì cho ông thức giấc được. Nàng ho khan, hát, gọi tên ông khe khẽ, vì nàng sợ hồn ông không kịp nhập vào xác, sẽ bàng hoàng.

Bỗng Trang thấy một con dế mèn đang lùi thùi bò trên gạch. Nàng bắt lấy nó, cầm hai chân và đặt nó lên trên bộ râu xồm xoàm của ông Era. Hoảng hốt, con dế kêu lên mấy tiếng buồn buồn. Ông Era thức giấc, lắc lắc cái đầu, đưa tay lên gãi gãi vào bộ râu. Vớ được con dế, ông giật mình ném thật xa.

- Con thấy con dế bò trên râu lão gia, nhưng con không dám bắt, sợ làm mất giấc ngủ của lão gia.

- Ta chưa từng thấy dế nhảy lên râu bao giờ. - Ông ngạc nhiên nói. (Ông đứng dậy, uốn éo thân mình, co tay duỗi chân, lắc lắc cái đầu cho tỉnh ngủ). - Không biết cái điềm gì đây? Để ta hỏi thầy bói thử xem sao.

- Thưa lão gia, đây chính là điềm tốt. Cái loại dế này chỉ đến những nhà nào giàu có và vững chắc.

Trang với lấy bình nước trà để trên bàn, rót một chén, bưng hai tay dâng lên cho chủ nhân. Rồi nàng lượm lấy quạt trên mặt đất, phe phẩy quạt cho ông. Khi ông đã hoàn toàn tỉnh táo, nàng nói:

- Thưa lão gia, con phải thú tội cùng lão gia.

- Tội gì nữa đây?

Ông ngáp, đưa tay xoa xoa vào trán và mỉm cười.

- Thiếu chủ... cậu con...

Nàng ngừng lại không nói nữa.

Ông Era đột nhiên sợ hãi. Trang có vẻ sung sướng hiện ra nét mặt. Đavít có điên không mà lại đi yêu con bé này? Một con a hoàn, một đứa ở? Trời ơi! Trong nhà sẽ hỗn độn biết bao? Bà Era sẽ đối phó sao đây?

Nhìn vẻ mặt kinh hãi của ông Era, Trang muốn bật cười. Trang đoán được ông đã nghĩ gì và bất giác lòng nàng se lại. Không có ai, ngay cả ông Era người mà Trang đã yêu thương như cha ruột, cũng chỉ xem nàng là một con a hoàn dễ thương, một người giúp việc đắc lực và dễ bảo.

- Xin lão gia chớ sợ. - Nàng dịu dàng nói. - Không phải cậu con yêu con đâu.

Trong khi thốt ra câu này, Trang cảm thấy có đủ sức làm cho Đavít yêu nàng, vì chàng đã khước từ tình yêu của Lịch mà cũng chưa hẳn đã yêu Quý Lan. Nàng có thể len vào cái chỗ trống ấy để đột nhập tim chàng. Nhưng Trang là một thiếu nữ ngoan ngoãn, nàng không làm thế. Không bao giờ nàng có thể chiếm được địa vị là vợ trong Đại gia đình này, mà dầu nàng có chiếm được đi nữa, cuộc sống của chàng sẽ vì vậy mà mất đi sự bằng an. Vì quá yêu Đavít, Trang không muốn thấy chàng khổ sở, vả lại nàng đã được huấn luyện để luôn luôn tuân phục kẻ bề trên. Số phận nàng không phải sinh ra để làm dâu nhà này. Nàng ví như một con chuột nhắt trong hang chui ra để nhảy múa một mình dưới ánh mặt trời. Dưới mái nhà này, nàng lẻ loi, nhưng sẽ tìm ra hạnh phúc của mình.

- Vậy thì nó yêu ai? - Ông Era nghiêm giọng hỏi.

Trang ngước nhìn vào mặt ông Era với một vẻ hết sức dịu hiền, đôi mắt ngây thơ như mắt trẻ con.

Nàng nói:

- Cậu con vẫn còn yêu con gái thứ ba của ông bà Khương Sơn.

Ông Era nhìn sang nơi khác, không nói gì. Ông vuốt râu, thở dài. Mấy ngón tay ông sờ lên môi suy nghĩ lúc thì việc này, lúc thì việc nọ, chẳng việc gì rõ ràng hết. Trong thâm tâm, ông chỉ ước muốn một điều là con ông phải được hạnh phúc với người vợ do hắn chọn lựa.

- Ta có được hạnh phúc với Naomy không? - Ông tự vấn lòng mình.

Ông đã được hạnh phúc. Cưới Naomy, nhưng trước đó ông không yêu nàng. Thật ra thì ông chưa có yêu ai kể cả Bích Ngọc - nghĩa là không quá yêu để có thể cưỡng lời cha mẹ. Nếu Đavít đến xin ông cưới Trang, ông sẽ la rầy và từ chối như chính cha ông đã từ chối ông hồi còn trẻ vậy. Còn Qíu Lan thì lại khác, không ai có thể chê được cô con gái giàu sang đài các ấy của nhà họ Khương. Quí Lan rất xứng đôi với Đavít. Chỉ có điều trở ngại về tôn giáo mà thôi. Tuy nhiên, cũng có nhiều người Do Thái cưới vợ Trung Hoa nhưng không vì thế mà bỏ đạo. Vậy, phải trình bày như thế với Naomy mới được.

Ông Era thường quyết định nhanh chóng. Không nghĩ gì đến Trang, ông đứng dậy đi tìm bà. Còn lại một mình Trang, nàng tự hỏi không biết lời nói của mình sẽ đưa đẩy sự việc đến nơi đâu. Rồi nàng bước theo ông Era ở xa xa, đến nấp ở cây mương để nghe ngóng.

Ông Era gặp vợ ông trong phòng của bà ấy. Khi bước vào phòng, ông thấy vẻ mặt bà hầm hầm dữu tợn, nhưng ông cho đấy là do một vài điều phiền muộn trong nhà. Bà Era là một bà chủ nhà thông minh và sáng suốt, một cái trứng hoặc một cái chén bể bị đánh cắp cũng có thể làm cho bà buồn lòng. Khi ông Era bước vào, bà nhìn ông bằng đôi mắt lạnh lùng. Bà hỏi:

- Hôm nay mình không ra kho hàng sao?

Ông cố mỉm cười và ngồi đối diện bà, ở phía bên kia bàn.

- Không, vì tối hôm qua tôi về nhà khuya quá. Bác Khương Sơn đã mời tôi đi thưởng trăng trên hồ. Có cả hai cậu con trai của bác ấy và Đavít nữa.

- Trông mình không được khỏe. Da mình vàng như nghệ!

- Đâu, đâu có tệ đến thế.

- Hai mắt mình lờ đờ, tóc rối bù như tổ quạ. Đavít có uống nhiều lắm không?

- Sáng nay tôi không thấy nó đâu cả, ông đáp.

Bà mím môi, nói:

- Tôi đã nói chuyện với Lịch rồi.

Dưới đôi mày rậm rạp, ông Era nhìn bà với một nét nhìn vừa dịu dàng vừa sắc bén.

- Ồ, Naomy! - Ông thở dài. - Sao mình không để cho con nó yêu?

- Tôi không hiểu mình muốn nói gì?

- Nó không yêu cô Lịch. - Ông tiếp. - Nếu nó thuận cưới cô ấy là chỉ cốt để làm vui lòng mình. Trong trường hợp đó, cô Lịch cũng như nó, không ai sung sướng cả.

Khuôn mặt đẹp đẽ của bà Era đỏ bừng.

- Đavít chưa từng biết đến đàn bà. Nó cũng không biết gì như ông ngày xưa khi lấy vợ.

- Ngày xưa tôi còn hơn nó nhiều. Tôi chỉ là một nắm đất sét trong tay mình, mặc mình uốn nắn.

Bà không chịu nhịn. Bà nói:

- Ít nhất, Lịch nó đã yêu Đavít.

- Vậy thì tôi rất lấy làm tiếc.

- Tại sao lại tiếc? - Bà Era quay đầu nhìn chồng. - Tại sao mình nói như vậy?

Ông Era đáp:

- Thật ra, ngày xưa tôi chưa từng yêu ai trước khi lấy mình.

Mắt họ nhìn nhau, rồi mỗi người quay sang nhìn một nơi khác. Ngày xưa, cũng ngay trong chính căn phòng này, một sự việc đã xảy ra. Bà Era, người vợ trẻ tự phụ có một sắc đẹp mỹ miều, và một đức tin vững chắc, đã lên án chồng chui vào phòng một con a hoàn. Cả hai người những tưởng câu chuyện ấy đã đi vào quên lãng, nhưng thật ra họ vẫn nhớ rất rõ.

Bà Era nói, giọng cứng cỏi:

- Nếu ông nghĩ rằng con Trang...

Ông lắc đầu quầy quậy:

- Không, tôi không nói đến con a hoàn mà là nói cô con gái của bác Khương đấy chứ.

Bà Era vùng đứng dậy, như mọi khi, chăm chăm nhìn chồng, thét:

- Không, không bao giờ tôi chấp thuận điều đó. Tại sao mình lại nhắc đến đám ấy?

Nhưng ông Era không còn là một người thanh niên hiền lành dễ thương như xưa nữa. Bây giờ ông đã to lớn, mạnh mẽ. Trong suốt bấy nhiêu năm trời chung sống bên vợ, ông đâm ra yêu bà và ông cũng có thể đương đầu nổi với bà.

- Ồ, Naomy!- Ông nói với một vẻ cương quyết. - Không phải trên đời này việc gì cũng phải do mình ưng thuận mới được!

Nói xong, ông đứng dậy bước ra khỏi phòng. Đứng nấp đằng sau cây mương, Trang suy nghĩ về những điều mà nàng đã lỏm nghe được. Có nên kể lại cho đavít nghe chăng? Dầu sao, đây cũng chỉ là một sự cãi cọ cũ rích giữa bậc làm cha mẹ mỗi khi bàn về hôn nhân của con cái. Tốt hơn hết là nên chờ đợi, tùy số mệnh.

Nàng lẻn ra khỏi chỗ nấp, trở về phòng.

oOo

Bà Era đã đẩy Lịch đến chỗ thất vọng hoàn toàn. Bà không cố ý như vậy, nhưng vì lo sợ, bực tức, bà đã quấy nhiễu, trách móc, thúc giục nàng khiến nàng đâm ra hoảng sợ. Nơi đây, nàng những tưởng sẽ tìm được chố trú ẩn, sau bao ngày hi vọng, nàng nhận thấy không yên thân chút nào. Người bạn thân nhất của mẹ nàng lại là người oán giận nàng. Nếu Era trả nàng về, thì đời nàng sẽ ra sao? Nàng thấy dàn ra trước mắt một cảnh sống sầu ảm đạm mà nàng đã trải qua trong căn nhà nhỏ bé của cha nàng. Sau khi cha nàng chết đi, còn lại một mình, nàng sẽ bị lệ thuộc vào lòng bác ái bất nhất của bà Era. Nhưng có điều tệ hơn nữa là phải sống một cuộc đời cô độc vì còn có Arông. Sợ hãi và tuyệt vọng, Lịch không muốn chống chế nữa, chỉ biết vâng lệnh bà Era. Nàng vẫn đứng cúi đầu trong khi bà Era nói không ngừng. Hai tay Lịch chắp lại, lạnh như cầm nước đá. Toàn thân nặng trĩu, đau đớn; tinh thần trở nên đần độn.

Cuối cùng, bà Era gay gắt nói:

- Thôi ngươi hãy đi đi, để cho ta yên. Đừng để ta thấy mặt nhà ngươi trong một thời gian.

Lịch lui ra mà không biết mình đi đâu.

Nàng đã không được bà Era vừa lòng. Nàng biết rất rõ, vì bối rối lo âu mà bà Era, một người đàn bà quá nhiệt thành, đã trở nên giận dữ như vậy. Sự tuyệt vọng đã làm cho bà hóa ra khắc nghiệt - nỗi tuyệt vọng và tình yêu thương. Bà Era yêu thương Đavít hơn tất cả mọi người trên trần thế này, hơn cả chính Thiên Chúa của bà. Đó là cái lí do khiến bà muốn gìn giữ Đavít trong đức tin của dân tộc. Tại đây, trong xứ ngoại giáo này, Đavít sẽ hư mất nếu gặp phải một bà mẹ yếu đức tin. Trong mộng ước, bà Era nhìn thấy Đavít trở thành người lãnh đạo dân tộc và đưa họ trở về tổ quốc. Lịch biết rõ những điều đó như đọc tự tâm can bà Era. Vì hiểu bà nên nàng tha thứ cho bà tất cả.

Không phải bà Era đã lỗi lầm mà chính nàng, vì nàng đã bất lực trong việc nhen nhóm tình yêu trong lòng Đavít, làm cho chàng hứng khởi muốn cưới nàng làm vợ. Nàng khiêm tốn tự nhủ, làm sao có thể trách Đavít được, bởi vì trong đời Lịch nàng không biết gì ngoài việc chăm lo cửa nhà cho cha và em. Nàng chăm chú nhìn vào hai bàn tay của nàng. Mụ Hoàng đã dạy cho nàng cách chăm sóc hai bàn tay bằng cách thoa bóp dầu. Nàng đã cố gắng làm một cách kiên nhẫn, nhưng vì làm lụng, vì nghèo khó, hai tay nàng đã trở nên thô kệch, chữa trị cũng vô ích. Nàng cũng đã thử đọc kinh Toorrat, nhưng hoài công, vì nàng chỉ nghĩ đến Đavít; nàng mơ tưởng đến chàng trong khi chàng vẫn ngồi điềm nhiên, không tỏ vẻ gì cho nàng biết rằng chàng chỉ nghĩ đến cái ngày độc nhất ấy, cái ngày mà nàng đã làm cho chàng xúc động, sau hôm đoàn thương hồ trở về. Từ đó, không nguyện cầu, không xê dịch, suốt ngày này qua ngày khác nàng đã sống trong mộng, sống trong một sự tin tưởng phi lý. Nàng đi tản bộ trong các hành lang, các nhà cầu, xuyên qua các hoa viên mà không nhìn thấy gì, miệng lâm râm khẩn nguyện:

- Lạy đức Dehova, Chúa trời tôi, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, xin hãy nhận lời tôi, giúp đỡ tôi.