Trang - Chương 07 - Phần 3
Trong lúc Lịch đi một cách vô định như vậy và lòng thầm thì cầu nguyện, thì nàng tưởng như nghe lời phán bảo của Chúa phải tìm Đavít và ngỏ tất cả nỗi lòng cùng chàng. Nàng ngẩng đầu lên, hai dòng lệ chảy dài xuống má. Nếu Chúa còn giúp nàng thì mọi sự đều kết thúc đúng theo ý bà Era và đúng theo ý Lịch. Bởi vì nàng hết dạ thương yêu Đavít. Được trở thành vợ của chàng, Lịch sung sướng biết bao!
Lịch vội vã bước đi trên con đường mà hồi còn thơ ấu nàng đã biết qua. Đã lâu lắm, hồi Đavít còn bảy tuổi, cậu đã từ phòng mẹ sang ở phòng cha. Cô bé Lịch đã đi theo thăm chỗ ở mới này. Bà Era biết được, bà cấm cô không được trở lại đấy nữa. Không có người phụ nữ nào ngoài đám a hoàn, được bén mảng vào phòng đàn ông.
Lịch tìm ra lối cũ đã quên. Dường như bọn nô bộc đang bận sửa soạn bữa cơm trưa nên không ai thấy Lịch. Nàng đến cửa phòng Đavít mà không báo trước.
Đavít vẫn ngồi nơi bàn, như khi Trang mới ra đi. Tay chàng cầm sách, nhưng không đọc. Chàng không để ý gì đến hàng chữ trước mắt mà chàng tưởng rằng đang tìm kiếm chúng, bởi vì sang hôm ấy, khi gặp Quí Lan, một loạt các câu thơ đã hiện ra trong tâm trí chàng, nhưng không phải là một bài thơ tình mà là một bài thơ nói về sự chọn lựa của người thanh niên giữa tình yêu và nhiệm vụ.
Tuy nhiên, chàng tự nhủ, trước khi mở sách ra, rằng đây không phải là một sự lựa chọn giữa tình yêu và nhiệm vụ. Sự lựa chọn của Đavít chỉ nằm trong nhiệm vụ. Chàng có thể từ bỏ hẳn cô gái Trung Hoa mà chàng cảm thấy sẵn sàng yêu nhưng chưa thật sự yêu lắm. Các quyết định mà chàng phải chấp nhận trong cái tiểu vũ trụ của chính mình lại cũng chính là quyết định lớn lao của toàn thể dân tộc. Chàng có chịu tách biệt, có chịu hy sinh cho một tín ngưỡng hay không? Mặc dù tín ngưỡng đó đã làm cho chàng phải sống cô độc trong bất cứ quốc gia nào trên thế giới? Hay chàng sẽ chịu hòa mình vào cái biển người mênh mông đang bao quanh chàng? Chàng có dám mất đi trong cái triều sống ấy chăng? Nhưng trong cái triều sống ấy chàng sẽ mất gì? Không mất gì cả. Con người hấp thụ gì của tổ tiên để lại, vẫn cứ giữ y nguyên, trẻ con sẽ được sinh dựng, bồi bổ them cho cái triều sống ấy mà không mất mát gì cả.
Trong khi Đavít suy nghĩ rất lung, chưa có gì dứt khoát, thì Lịch hiện ra ở ngưỡng cửa. Chàng đứng dậy, lắp bắp:
- Có phải… có phải cô kiếm tôi không?
Vừa nhìn thấy Đavít, Lịch cảm thấy những tư tưởng của mình trở nên rành mạch hơn. Không còn có gì mờ ám giữa hai người nữa, tâm hồn họ phải gặp gỡ nhau.
- Phải, nàng nói. Sáng nay mẹ anh cho gọi tôi đến, bà chê trách tôi đủ điều… về việc anh.
- Mẹ tôi đã nhầm. - Đavít dịu dàng đáp.
Nhưng Đavít bị choáng váng tâm thần. Tại sao Lịch lại đến vào lúc này? Phải chăng đây là ý Chúa?
Lịch bước vào, ngồi vào cái ghế mà Trang đã ngồi hồi nãy. Đavít cũng ngồi theo. Chàng nhận thấy Lịch đã khóc, mặc dù hai hàng lệ đã khô. Đôi mắt của nàng long lanh, trong sáng, hai má ửng hồng. Nàng tuyệt đẹp, đến đỗi Đavít phải tự hỏi tại sao chàng không yêu nàng với tất cả tâm hồn với tất cả con tim. Nhưng lòng chàng câm nín. Chàng sẽ không yêu ai, bao lâu tâm hồn chàng còn chưa ứt khoát việc chọn lựa.
Đột nhiên, những hàng chữ ghi khắc trong đền thờ lại hiện ra rõ ràng trong trí chàng.
“Thờ phượng là để làm vinh danh Thượng Đế, tỏ lòng đạo đức là theo gương tổ tiên. Nhưng trước sự thờ phụng và đạo đức, còn có tinh thần nhân loại.”
Cái tư tưởng phóng đạt này đã làm cho tâm hồn Đavít trở nên vững vàng hơn đối với Thượng Đế, đối với con người.
Đột nhiên, chàng nói với Lịch:
Cô đừng có buồn mẹ tôi, cô Lịch ạ. Hồi tôi còn nhỏ, hình như tôi không bao giờ làm vừa lòng mẹ tôi cả, tôi không dễ dạy mấy. Mẹ tôi thật tốt- thật nhiệt thành.
- Mẹ anh có lý. - Lịch nói, giọng quyết đoán. - Chính tôi đã lầm và cả anh cũng lầm nữa, Đavít ạ.
- Tôi đã làm điều gì không nên không phải chăng?
Chàng nói câu này và làm ra vẻ pha trò, vì chàng sợ tình trạng tâm lý của Lịch hiện tại sẽ chỏi lại với cái tư tưởng tự do phóng khoáng của chàng.
- Nếu không có những người đàn bà như mẹ anh và những người đàn ông như cha tôi thì dòng giống của chúng ta không còn tồn tại mãi cho đến ngày hôm nay, mà đã bị hủy diệt từ lâu rồi. Lịch nói. Chúng ta đã trở nên giống như các dân tộc khác, không biết gì đến một Thiên Chúa độc nhất chân thật. Những người trung thành đã giữ gìn chúng ta, đã làm cho chúng ta nguyên vẹn là một dân tộc riêng biệt và sống động.
Đavít nhìn xuống hai bàn tay trẻ trung và mạnh mẽ của Lịch đang để trên mặt bàn. Rồi chàng nói với một giọng hết sức bình tĩnh:
- Tôi phân vân tự hỏi, phải chăng tại những người ấy mà dân tộc của chúng ta đã bị các dân tộc khác chống đối mãi cho đến ngày nay.
Đôi môi Lịch hé mở, vẻ ngạc nhiên. Đavít nhận thấy nàng khó có thể nhận thức được cái ý nghĩa của câu nói ấy, bèn tiếp:
- Thiên hạ khó tin rằng chúng ta tốt hơn họ, giỏi hơn họ. Mà có thật chúng ta hơn họ không, Lịch? Chúng ta là những thương gia giỏi, làm giàu mau, chúng ta thông minh, có tài về âm nhạc, hội họa chúng ta dệt hàng sa-tanh đẹp, và ở bất cứ đâu, chúng ta cũng làm ăn phát đạt. Như vậy, chúng ta đã khơi nguồn cho sự hận thù ghen ghét và thiên hạ tàn sát chúng ta… Tại sao? Đó là điều tôi phân vân tự hỏi đêm ngày và bây giờ tôi tưởng là tôi đã bắt đầu hiểu.
Lịch không thể chịu đựng nổi câu hỏi của Đavít.
- Thiên hạ thù ghét chúng ta chỉ là ganh tị. Họ không muốn nhận biết Thiên Chúa; họ là những con người xấu không muốn trở nên tốt.
Đavít lắc đầu:
- Chúng ta đã cho họ là xấu, chúng ta là tốt.
Câu nói này đã làm phật lòng Lịch:
- Đavít, tại sao anh lại có thể cố tình giải thích kinh Tôrát một cách sai lạc như thế? - Lịch kêu lên, (nét nhìn của Lịch nghiêm nghị, giọng nói hăng hái). - Cha tôi có giải thích với anh như thế đâu? Không phải chúng ta tốt. Nhưng Thiên Chúa đã chọn chúng ta để chúng ta để cho thiên hạ biết rõ Thánh ý của người nhờ kinh Tôrát. Nếu chúng ta cũng như mọi dân tộc khác thì lấy ai để bảo vệ sự công chính và lòng nhân ái? Quả đất rồi đây sẽ thành của tội lỗi, của điều ác.
Đavít đáp, vẫn với lòng nhiệt thành ấy:
- Tôi không biết người đàn ông nào xấu… người đàn bà nào xấu.
Chàng nổi cáu vì thấy Lịch cũng bướng bỉnh như mình. Chàng liền nói:
- Nếu tôi phải nói ra tên của gã đàn ông xấu xa mà tôi biết thì chính đó là Arông, em của Lịch.
Câu nói này đã làm động lòng Lịch.
- Anh…anh dám nói thế sao? - Lịch hét lên.- Anh phải xấu hổ vì đã nói như vậy, anh có biết không, Đavít?
- Bởi vì nó là em cô có phải không?
- Không, bởi vì nó… nó… là người của chúng ta.
Đavít cười nhạt:
- Đấy, tôi nói có sai đâu: Sự công bằng sẽ không còn nữa ở cả cô cũng như ở mẹ tôi. Đối với tôi, một người tốt hoặc xấu không cứ gì Do Thái hay không.
Trước sự giận dữ của Đavít, Lịch đâm ra bối rối:
- Vậy Arông đã làm gì?
Đavít đứng dậy đi đến cửa, lưng quay về phía Lịch. Chàng nói:
- Tôi không thể nói điều ấy với cô. Nói ra chỉ bẩn tai cô.
Chàng nhìn chăm chăm ra khoảng sân rợp bóng tre.
- Tôi có quyền biết tất cả những gì mà em trai tôi đã làm. - Lịch nói.
- Nếu vậy thì cô nên biết, hắn đã làm một việc hết sức khả ố đối với một người đàn bà.
Lịch im lặng. Lí trí của nàng khuyên nàng im lặng, nhưng con tim của nàng phừng phừng tức giận Đavít. Một lần nữa Đavít lại quá lời, Lịch vừa giận dữ vừa kinh hoảng, nàng điên tiết quát:
- Người đàn bà nào?
- Tôi không nói đâu.
Đavít vẫn đứng nhìn ra sân, lưng quay về phía Lịch.
Con chó nhỏ ở đâu lò dò bước tới cửa vòng nguyệt, đối diên với Đávít. Nó đứng nhìn quanh với đôi mắt tròn xoe, buồn bã: cái lưỡi thè ra ngoài. Con chó nhỏ luôn luôn theo Trang bén gót, nó có vẻ nhút nhát chậm rãi theo sau nàng một quãng, hai mũi hít hít hơi hướm của Trang mà không cần phải thấy nàng.
Nhìn thấy con chó, Lịch biết Trang đnag ở đâu đấy không xa và nàng hiểu ngay như bùi nhùi bén lửa.
- Tôi biết người đàn bà ấy là ai rồi. Đó là con Trang!
Đavít rủa thầm con chó. Nhưng biết nói sao? Chàng quay trở lại, ngồi xuống, vỗ tay vào mặt bàn, nói lớn:
- Đúng! Đó là Trang, một con a hoàn trong nhà mà Arông làm khách.
Bốn mắt gặp nhau, cùng tức giận như nhau, không ai chịu nhịn ai.
- Nếu là một con bé khác thì anh chẳng lấy làm điều!
Lịch rít lên như điên. (Nàng chỉ còn một ước muốn là làm cho Đavít càng đau đớn càng hay). Tôi biết tại sao anh không thèm đoái hoài gì đến tôi rồi! Con Trang đã làm cho anh hư hỏng, trụy lạc, suy nhược đến tận xương tủy. Nó còn cướp luôn cả linh hồn anh nữa!
Lịch không có thể nói tiếp. Nàng cố nuốt nước mắt xuống nhưng nó vẫn trào ra đầm đìa. Nàng tức giận vì không tự chủ được.
Cơn giận của Đavít xẹp xuống ngay.Nhìn thấy khuôn mặt đẹp đẽ của nàng đnag đầy nước mắt thất vọng, chàng động lòng thương:
- Không phải, không phải Đavít yêu Trang đâu, Đavít yêu một người…một người khác, chắc Lịch chưa từng thấy bao giờ.
Như vậy, rốt cuộc con tim đã chọn lựa, lí trí vẫn nín thinh.
Lịch ngừng khóc. Nàng nhìn sững Đavít, mắt không thần sắc, đôi môi run rẩy, trong khi câu nói của Đavít xuyên sâu vào tim nàng. Nàng cảm nghe như chúng gầm lên trong tim nàng, ngấm vào mạch máu nàng như thuốc độc, nàng phát điên lên. Nàng vùng dậy, giật cây gươm treo trên tường, vung chém xuống bàn. Lưỡi gươm cong cong sắc bén đã trúng vào đầu Đavít. Chàng đưa tay lên ôm đầu và cảm thấy máu đang phun ra. Chàng té nhào xuống nền gạch… Lịch cúi xuống nhìn chàng, tay nàng vẫn lăm lăm cầm cây gươm.
Con chó nhỏ đứng nhìn, rồi bước từng bước một đến bên chủ của nó, đưa mũi hít hít và thè lưỡi liếm máu. Nó tru lên.
Tiếng chó tru đã làm cho Lịch bừng tỉnh, thanh gươm rời khỏi tay nàng. Nàng quỳ xuống bên Đavít, đưa cánh tay áo chùi máu cho chàng và rên lên.
- Ôi, Chúa! Sao con có thể làm thế này? (Nàng bật khóc, cơn giận tiêu tan). Ôi! Biết làm sao bây giờ?
Con chó vẫn còn tru.
Trang có thói quen nghe tiếng con chó nhỏ. Nếu không thấy con chó mà nghe tiếng nó tru lên thì nàng vội vã đi tìm. Lần này tiếng tru có vẻ ai oán giận dữ của con chó đã xuyên qua các hoa viên vẳng đến tai Trang. Nàng giật mình đứng dậy hướng theo tiếng chó tru, bước nhanh đến phòng Đavít. Đến cửa, nàng thấy Lịch đang quỳ gối, nước mắt đầm đìa, lưỡi gươm nằm tênh hênh trên nền gạch:
- Trời ơi! Sao cậu tôi bị thương như thế này?- Trang vừa kinh hoảng kêu lên, vừa chạy vào phòng.
Lịch đứng dậy, hai má ửng đỏ, nghẹn ngào nói:
- Chính tôi. Tôi đã làm…
- Cô! - Trang khẽ nói (và nhìn Lịch bằng đôi mắt dữ tợn) - Hãy phụ với tôi đỡ cậu ấy lên giường và đi tin với bà chủ gấp.
Nàng ra lệnh cho Lịch như chính cô ta là một a hoàn mà nàng là cô chủ-Lịch líu ríu vâng lời. Hai thiếu nữ mang chàng vào phòng ngủ, đặt nằm trên giường. Đầu chàng vẻo sang một bên, máu phun ra như xối, chảy cả xuống mang tai.
- Anh ấy chết rồi sao? - Lịch kêu lên.
- Không, chưa chết đâu. - Trang đáp một cách chắc chắn. - Hãy để đấy cho tôi, cô nên đi kiếm bà chủ đi.
- Tôi không thể, tôi không dám. - Lịch rên rỉ nói.
Trang quay lại:
- Tôi đi kiếm bà chủ bây giờ để cho cậu ấy chết sao?
Biết trả lời sao? Lịch khóc lớn, hấp tấp bước ra khỏi phòng. Đoạn nàng dừng lại, khóc lóc, cúi xuống đất. Thanh gươm nằm sóng sượt trên nền nhà; con chó nhỏ nằm một bên như canh giữ tang vật. Nhưng Lịch không để ý gì con chó cả. Nàng lượm cây gươm lên, cứa vào cổ. Lịch quỵ ngã, thanh gươm rơi xuống nền gạch kêu một tiếng keng. Con chó nhỏ sủa dữ dội.
Từ phòng ngủ, Trang nghe tiếng bước chân Lịch ngừng lại. Nàng đang đặt tay lên ngực Đavít, lắng nghe quả tim chàng đập. Một sự vắng lặng tuyệt đối, Trang chờ đơi. Rồi Trang nghe tiếng chó gầm gừ. Sau giây lát, nàng nghe tiếng kim khí rơi đánh xoảng. Nàng chạy ra cửa có che màn. Nàng thấy Lịch nằm sóng sượt trên nền gạch, cổ bị cắt một đường, tóc bê bết máu, thanh gươm nằm một bên, và con chó sủa không ngớt.
- Xuỵt! Im đi. - Trang bảo con chó.
Nàng chạy ra khỏi phòng như bị ma đuổi. Nàng đã bảo Lịch đi báo tin cho bà Era, nhưng chính nàng, nàng lại không có can đảm làm việc đó. Nàng nhận thấy đi tìm thím Hoàng thì tốt hơn. Nàng sẽ không nói cho ai hay trước khi báo tin cho người tỳ nữ lớn tuổi ấy.
Trang gặp lão Hoàng trước tiên.Ông ta đã nhân lúc mọi người trong nhà đang say ngủ trong không khí nóng bức buổi trưa, để kéo lên một quả dưa treo ở giếng phía bắc. Ông bổ ra và ngồi ở hàng hiên cạnh bếp là nơi khuất tịch nhất để ăn cho mát miệng. Trong lúc lão Hoàng đang ăn thì Trang đi tới. Ông sợ bị Trang rầy vì tội ăn vụng, nhưng nàng không nói gì mà chỉ hỏi:
- Thím Hoàng đâu rồi?
- Đang ngủ đằng kia, dưới rặng tre.
Ông ta hất hàm ra dấu.
Trang hấp tấp bước đi; nàng thấy mụ Hoàng ngồi trên một cái ghế đẩu, thiu thiu ngủ, đầu gục xuống gối.
Trang gọi khẽ với một giọng thúc bách:
- Thím Hoàng! Thím Hoàng!
Là một gia nô trung thành, mụ Hoàng luôn luôn tỉnh ngủ. Mụ thức giấc ngay và đăm đăm nhìn Trang, nhưng vẫn ngái ngủ. Trang lắc lắc hai vai mụ:
- Thím Hoàng, có người chết. Cô gái Do Thái và tiểu chủ cãi vã nhau, cô ta đã phóng kiếm chém vào đầu cậu ấy.
- Trời đất! - Mụ hoàng khẽ kêu lên. (Mụ vùng đứng dậy).- Ở đâu? - Mụ hỏi.
- Ở đằng phòng cậu Đavít: Cô ta đã dùng gươm cứa vào cổ.
- Trời! Cả hai…chết cả sao? - Mụ Hoàng hốt hoảng hỏi.
- Không…chỉ cô ta chết thôi.
- Ông bà chủ đã biết chưa?
- Tôi có phải đi trình cho ông bà chủ biết không, thím muốn sao…?
Hai người nhìn nhau, họ phản ứng thật nhanh:
- Tôi chạy đến phòng cậu Đavít, còn cô, cô đi trình cho ông bà chủ biết những gì đã xảy ra.
Mỗi người đi mỗi ngả. Trang chạy đến trình bà Era trước, nhưng đồng thời nàng gặp luôn ông ở đấy.
Thấy Trang hớt ha hớt hải chạy vào, bà Era thét hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
- Hãy bình tĩnh, Naomy!
Ông Era đứng dậy. Trang không thể nào nói nên lời, nàng đưa tay ra hiệu cho ông bà Era đi theo nàng.
- Đi, đi… cả hai người. Ôi, trời…!
Nàng vừa chạy vừa khóc. Hai ông bà nhìn nhau sửng sốt, rồi hấp tấp chạy theo Trang.
Hai ông bà rụng rời khi thấy Trang chạy về phía sân nhà của Đavít. Cả hai không nói một tiếng nào; họ chạy nhanh hơn, bà Era chạy trước.
Trang dừng lại ở cửa vòng nguyệt:
- Con phải báo trước cho ông bà hay…
Nhưng bà Era đã gạt Trang sang một bên và tiếp tục chạy tới trước.
Ông Era ngập ngừng, nói không ra tiếng:
- Có phải…Đavít không?
- Không…không phải cậu con. Nhưng, trời! Xin lão gia hãy bình tĩnh, cô Lịch đã tự tử bằng lưỡi gươm.
Ông Era thét lên kinh hoàng. Ông gạt Trang sang một bên và chạy theo bà bén gót. Trang chạy theo sau.
Mụ Hoàng đã nắm vào cổ áo chồng mụ, kéo đến phòng Đavít. Hai người hì hục nâng xác Lịch mang sang một căn phòng ở sân kế cận, nơi mà trước đây giáo trưởng đã dạy kinh Tôrát cho Đavít. Họ đặt Lịch nằm trên giường. Mụ Hoàng bứt một cái màn cửa, phủ lên xác của Lịch. Trong lúc đó, lão Hoàng cởi áo ngoài, chùi sạch vết máu trên nền vạch và múc nước trong hồ rửa thật sạch.
Khi bà Era chạy vào, bà không còn thấy gì ráo. Bà bước nhanh vào phòng ngủ của Đavít. Chàng nằm thiêm thiếp trên giường, trông như ngủ, sợi thắt lưng bằng lụa trắng của Trang băng trên đầu. Chàng thở dồn dập. Bà Era sợ cuống cuồng. Bà vừa khóc vừa gọi tên con, nhưng không nghe trả lời, bà liền nắm lấy Trang.
- Naomy, hãy bình tĩnh. Hãy cho mời lang y.
- Tại sao mày không nói cho tao biết, con tao bị thương, hử? Bà Era nắm vai Trang vừa đay vừa nghiến răng quát hỏi.
Ông Era đã phải gỡ bà ra. Trang không nói một tiếng nào. Nàng không oán trách bà chủ. Nàng biết rằng, nỗi lo âu đã làm cho bà hóa điên; bà phải trút tất cả sự giận dữ lên bất cứ ai để nhẹ cõi lòng.
Lão Hoàng đi vào, mụ Hoàng theo sau. Ông Era sai lão Hoàng đi mời thầy lang, còn mụ Hoàng thì chuẩn bị sắc thuốc.
Trang ở lại một mình để kể cho ông bà Era nghe những gì đã xảy ra. Nàng kể rất vắn tắt. Hai ông bà Era ngồi nghe, tim đập mạnh, hai mắt mở lớn. Bà Era ngồi bên Đavít, lặng thinh, xoa bóp hai bàn tay con.
Ông Era hỏi một cách ngạc nhiên và buồn bã:
- Nhưng tại sao chúng nó lại cãi vã nhau?
- Con không biết gì hết. - Trang đáp. - Con chỉ thấy cậu con khi cậu đã ngã trên nền gạch, và con nhớ rằng khi con băng đầu cho cậu con thì cô ấy…
Bà Era khóc lớn.
- Ôi, con quỷ cái! Con quỷ dữ tợn, tôi đã đối xử với nó chẳng khác nào con gái của tôi, thế mà nó lỡ đang tay giết con tôi!
- Lịch đâu có dữ. - Ông Era buồn rầu nói. - Có lẽ có việc gì đấy khiến nó phát điên lên, nhưng cho đến giờ, ta vẫn còn chưa biết tại sao.
Bà Era đột ngột ngừng khóc.
- Tôi không thể nào tha thứ cho nó được.
- Nếu Đavít được cứu sống, bà cũng không tha thứ cho con Lịch sao? Ông Era hỏi.
- Không. Nó muốn giết Đavít kia mà!
Trong lúc ấy, Đavít khẽ động đậy, mở mắt nhìn mấy người chung quanh chàng.
- Lịch! - Chàng thều thào.
- Xuỵt! - Bà Era khẽ bảo chồng im lặng.
- Nhưng cô ta đâu có chủ ý…
Tiếng thều thào của Đavít đã tắt.
- Xuỵt! - Bà Era lại xuỵt, vẻ quả quyết.
- Đừng có nói, con! - Ông Era dịu dàng bảo.
Ông đến bên giường nắm lấy bàn tay Đavít, cả hai ông bà chờ đợi, Đavít nhắm mắt lại và im lặng. Mụ hoàng bưng chén thuốc sắc đến. Trang lấy muỗng đổ thuốc mỗi khi một ít vào miệng Đavít trong lúc chờ đợi lang y.
Thầy lang là một người đàn ông nhỏ thó, lưng còng và ít nói; ông mang kiếng gọng sừng, hôi mùi gừng và mùi xương khô.
Khi ông bước vào, hai ông bà Era đứng dậy; họ yên lặng đợi chờ trong khi vị lang y chẩn mạch, xem xét vết thương, vẻ mặt suy nghĩ.
Cuối cùng, ông Era hỏi:
- Con tôi có sống được không thầy?
- Anh ấy có thể sống được, nhưng cần phải giữ gìn trong một thời gian rất lâu. Chẳng những anh ta bị thương về thể xác mà còn bị tổn thương ở tâm hồn nữa.
Bà Era hỏi, giọng năn nỉ:
- Chúng tôi phải làm gì, thưa thầy?
- Phải nhượng bộ anh ấy tất cả.
***