06. Những vòng đồng ký ức - Phần 1

Những vòng đồng ký ức

Truyện ngắn

Tôi giở cuốn sổ tay, dò tìm tên người bạn đồng ngũ. Lê Tuấn Hải, địa chỉ: Cộng hòa Latvia, thành phố Riga, đường X, nhà Y, phòng Z. Bạn tôi ở ký túc xá, không có điện thoại riêng. Muốn liên lạc với bạn chỉ có gửi thư, đánh điện, hoặc ra bưu điện đặt cuộc gọi.

Tôi đang cần liên lạc với Hải gấp, nên quyết định ra bưu điện trung tâm đặt cuộc gọi đường dài. Điền đầy đủ tên tuổi địa chỉ của Hải vào tờ đăng ký rồi đưa cho cô nhân viên bưu điện. Bưu điện sẽ có trách nhiệm thông báo cho bạn tôi ngày giờ chính xác để bạn tôi ra bưu điện gần nhất thực hiện cuộc kết nối điện thoại.

Hải ra quân sớm cùng thời kỳ với tôi, sau đợt hai đứa bị thương. Từ đó chẳng có tin tức gì về nhau. Tôi thi đại học rồi sang Nga. Hải về quê làm anh thợ cày. Tình cờ năm ngoái có chút việc vào ốp người Việt ở Mátxcơva, tôi gặp Hải đang vật vờ trong đó. Trông bạn tôi vẫn như xưa với mái tóc rũ dài xù tổ quạ như hồi còn trên chốt. Cái quần mặc lép xẹp một bên mông. Hỏi ra mới biết cậu ta đã sang đây mấy năm theo diện xuất khẩu lao động, làm ở nhà máy giày, dưới thành phố Riga. Chúng tôi lấy địa chỉ của nhau rồi chia tay vì cả hai cùng vội. Hẹn có dịp, tôi sẽ xuống chơi.

*

* *

Điểm cao mà đơn vị chúng tôi chọn làm đài quan sát là một ngọn núi đá vôi lọt thỏm trong dãy núi đất cao sừng sững. Độ cao mỏm núi này không lớn, chỉ khoảng sáu bảy trăm mét so với mực nước biển, nhưng vô cùng khắc nghiệt vì địa hình hiểm trở. Tôi với Hải chung một hầm. Thực ra nó chỉ là một hốc đá nhỏ đủ chỗ cho hai thằng và một máy nhìn xa Tiệp Khắc. Cửa hầm được che chắn bằng các bao tải cát màu xanh xỉn to bằng cái gối, nhưng bị bột đá nhuộm bạc trắng.

Mấy hôm vừa rồi pháo địch bắn rát, ầm ầm cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi nằm khoèo trong hốc đá nhai gạo rang qua bữa, thỉnh thoảng ngớt pháo thì tranh thủ chỉnh lại những bao cát xô lệch do sức ép của đạn pháo nổ gần.

Hải nằm gối đầu lên ba lô lép kẹp, xoa xoa bụng ọc ạch chỉ toàn nước, hỏi tôi: “Mày bảo liệu anh nuôi có mang cơm lên được không?”. Hải to như bồ tượng, sức ăn bằng hai bằng ba người khác mà phải nhai gạo mấy ngày liền nên tôi an ủi: “Trời hôm nay mù, tầm nhìn kém, chắc dàn DKZ sẽ ngậm miệng”. Hải ừ một câu rồi trở mình, nằm co quắp như con tôm, thiu thiu ngủ.

Tôi mở ba lô lấy cái vòng đồng màu vàng đỏ làm bằng vỏ đạn đeo thêm vào cổ tay phải. Tôi đeo vòng để theo dõi thời gian, dùng vòng tuần như bọn trẻ con chơi đồ hàng ở dưới thành phố. Cổ tay tôi có năm cái vòng, tức là hôm nay thứ Năm. Cứ hết một tuần vòng, tôi lại nhét một viên sỏi vào túi cóc ba lô. Ngày tháng giờ giấc đặc biệt có ý nghĩa đối với những kẻ trong hoàn cảnh như chúng tôi. Thỉnh thoảng tôi mang sỏi ra đếm: “À, mình đã sống thêm được ngần này ngày”.

Bao nhiêu viên sỏi, là bấy nhiêu tuần địch chưa phát hiện ra mục tiêu cụ thể. Hốc đá mà chúng tôi dùng làm đài quan sát lưng dựa vào một vách đá dựng đứng, miệng hầm đối diện với ngọn núi không có địch, vì thế mà tránh được tầm bắn của dàn DKZ trên sườn núi đằng sau. Chúng chỉ có duy nhất một nhiệm vụ là ngày đêm vãi đạn sang bên này, bắn vỡ tất cả những tảng đá có khả năng bộ đội ta ẩn nấp. Đá vôi vỡ vụn, bột đá phủ trắng như tuyết từ đỉnh xuống đến chân núi. Trên ngọn núi trơ trọi này, trong cơn bão đạn, bộ đội ta vẫn phải bám trụ ngày đêm. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ phải quan sát, ghi chép và báo cáo tình hình địch khi phát hiện được cho Tiểu đoàn và ở đây khoảng hai tư, hai lăm viên sỏi thì sẽ hoàn thành công việc.

Hải lồm cồm bò dậy, vớ can nước tu một ngụm, súc miệng òng ọc rồi nhổ toẹt vào vách đá, giương cặp mắt phù thũng sưng húp híp vì thiếu chất, nhìn tôi, cười: “Răng lung lay quá. Đánh răng bây giờ là rụng”. Tôi đùa: “Thế có chân giò luộc mày có ăn được không?”. Hải bảo: “Luộc chân mày nhé?”. Tôi bảo: “Phỉ phui cái mồm mày”. Hải nhăn nhở: “Sống chết có số rồi, sợ cái gì”.

Cánh lính chốt chúng tôi thường kiêng kỵ ba điều: cắt tóc cạo râu, mặc quần áo mới và nói lời tạm biệt khi chia tay. Họ sợ vận đen khi cắt tóc. Quần áo mới chỉ dành cho tử sĩ. Nói tạm biệt rồi không bao giờ về nữa. Nó như một thứ luật ngầm ngấm vào tiềm thức của mỗi người, bất thành văn mà ai cũng tuân thủ tuyệt đối. Thế nhưng chuyện sống chết thì Hải cứ bô bô chẳng kiêng cữ vì “có số cả rồi”.

Một lần, giữa hai đợt oanh tạc, không gian yên ắng lạ thường. Sự yên tĩnh khiến tôi thấy mình là người thừa trong trò chơi tìm và diệt này. Thiếu tiếng pháo, thiếu cảm giác âm âm rung rung dưới lòng đất, chúng tôi ngủ không sâu giấc. Tôi khều Hải dậy, gợi chuyện:

- Hay là ta chuồn?

- Lượn à? Tùy mày! Nhưng đã ở được từng ấy ngày rồi giờ lại tuột xích. Sao không phắn mẹ nó từ dưới kia cho nhanh.

- Nhưng tao thấy mình như con chuột sống trong nhà có nuôi mèo.

- Sợ bị mèo vồ à? - Hải cười khùng khục trong cổ họng.

- Tao không sợ chết. Chết là hết, chính ra lại nhẹ nhàng. Tao chưa có vợ con nên chẳng vướng bận. Cùng lắm bố mẹ khóc vài ngày rồi cũng nguôi ngoai. Tao sợ bị thương. Tàn phế cả đời. Cả đời dặt dẹo và làm nhiều người khác khổ lây.

- Ôi dào, mày cứ lắm chữ rồi nhiều chuyện. Có ngày bị một mảnh vào đầu đấy. Cho mày bi bô cười nói cả ngày, tha hồ mà yêu đời nhé! - Hải đùa độc mồm.

Tà chiều thì anh nuôi mang được cơm lên cho chúng tôi. Cơm nắm ăn với cá mắm. Con cá to bằng hai ngón tay bốc mùi khắm lặm. Hải vừa ăn vừa chửi anh nuôi, cơm phùi ra cả mép: “Tổ sư mấy thằng nhát chết. Để bọn tao chết đói thế này lấy đâu ra sức mà đánh nhau”. Cậu anh nuôi cỡ tuổi chúng tôi, trẻ măng, chớp cặp mắt ngân ngấn nước, uất ức bảo: “Tao là thằng thứ ba đấy, hai thằng kia đưa cơm cho chúng mày đều đi rồi”. Tôi thấy vậy bảo: “Về đi, lát nữa là đến giờ pháo bắn”.

Khi tôi đếm được mười tám hòn sỏi và ba cái vòng tay thì bọn địch phát hiện ra cửa hầm. Lúc ấy vào buổi trưa, phát đạn đầu tiên nổ cách cửa hầm khoảng chục mét. Đá vỡ bay rào rào, bụi đá lẫn khói đạn quánh đặc. Hải chồm dậy, chửi: “Bọn chó nó thay đổi vị trí bắn rồi”. Ánh lửa đầu nòng của cối 81 ly lóe lên ngay sườn núi đối diện đã nói lên điều đó. Hải phản xạ tương đối nhanh, thò khẩu trung liên RPK qua kẽ hở bao cát bắn xối xả về phía có địch. Vỏ đạn văng ra đập côm cốp vào vách đá bắn cả vào mặt tôi. Tôi xách khẩu phóng lựu M79 ra bắn cắc đùm, khoảng cách khá xa nên đạn không tới được mục tiêu. Quả đạn cối thứ hai nổ gần hơn, hơi đạn đập vào vách núi dội ngược gí bẹp tôi xuống đất. Hốc đá chúng tôi nấp như công sự đá tự nhiên, đằng trước lại được che chắn bởi một vài tảng đá lẫn bao tải cát. Vì vậy, trừ trường hợp chúng chỉnh được đạn rơi chính giữa miệng hốc đá thì mới lo, chứ rơi vãi xung quanh thì chỉ như muỗi đốt gỗ. Đạn cối bắn cầu vồng, chỉnh chính xác đến thế không phải dễ.

Tôi đã nghe thấy tiếng súng chi viện của một vài hầm khác. Qua cơn bối rối ban đầu, Hải giờ đã bình tĩnh hơn, mắm môi bắn từng loạt ngắn, vai rung bần bật. Thỉnh thoảng lại quay sang nhìn tôi lóng ngóng không biết làm gì với khẩu phóng lựu vô dụng, quát: “Thỗn cái mặt ra đấy à! Tiếp đạn cho tao”. Bên kia, địch bị đánh trả nên không thể bình tĩnh chỉnh góc bắn chuẩn, quả đạn tiếp theo vượt qua đầu chúng tôi rơi mãi phía sau lưng.

Đúng lúc đó tôi nhìn thấy một quầng lửa, chỉ kịp nghĩ trong đầu: “Thôi xong... DKZ” thì xung quanh lửa bùng lên rồi tôi chẳng hay biết gì nữa.

*

* *

Hình như tôi có tỉnh dậy một lần, thấy xung quanh tối đen, đầu óc tay chân nặng trịch. Cảm giác chật chội khiến tôi nghĩ mình đang nằm trong quan tài. Mình đã chết, phần xác đã được chôn và phần hồn đang trên đường sang thế giới bên kia, đợi được phân loại lên thiên đường hay xuống địa ngục.

Tôi tỉnh lại lần thứ hai thấy mình đang nằm trên giường của bệnh xá sư đoàn. Khắp người quấn bông băng trắng toát và ê ẩm đau. Ánh nắng xiên qua tán cây chui vào cửa xổ vãi tung tóe xuống nền nhà. Đàn gà cục tác bới đất kiếm ăn ngoài vườn. Tỉnh hay mê? Tôi đưa tay lên dụi mắt để nhìn cho rõ. Cánh tay tôi nhẹ bẫng vuốt mãi không tới mặt. Tay phải cụt đúng đến khuỷu và máu rỉ ra ngoài băng đã khô màu nâu sậm. Tôi bật khóc hu hu như trẻ con.

Nửa tháng sau khi tôi đủ sức để đi lại tập tễnh thì cũng là lúc được tháo băng. Khắp người tôi lồi lõm chi chít sẹo đang lên da non màu hồng nhạt xấu xí vô cùng. Nhưng dù sao nó còn được che đậy bởi lớp quần áo bên ngoài nên không phải ai cũng nhìn thấy. Còn cánh tay phải, người ta tháo khớp rồi khâu túm lại. Một khúc thịt, xương, da ngoe nguẩy bên hông trông rõ tởm. Thật khó diễn tả tâm trạng tôi khi ấy. Lúc khoác chiếc áo lên người, ống tay áo rủ xuống thõng thượt, gió thổi bay phần phật. Tôi bèn xắn lên cho gọn, một khoảng trống không gì bù đắp nổi hiện ra. Thế là lại thả tay áo xuống và đành phải giắt vào cạp quần cho gọn.

Hải thỉnh thoảng có sang thăm tôi. Cậu ta bị mảnh đạn phạt mất một miếng mông. Gặp tôi là than phiền: “Rơi mất mấy lạng thịt sấn”, rồi nhìn tôi lắc lắc cái đầu: “Trông mày chán quá”. Tôi im lặng không muốn nói chuyện, thỉnh thoảng lắm mới ừ hữ một câu cho nó biết tôi chưa cụt lưỡi. Vài lần như thế nó cũng nản, chẳng qua độc thoại với tôi nữa. Hải ra viện sớm hơn. Ngày về đơn vị, Hải xách ba lô qua chào. Nó nhìn tôi một lúc rồi lấy tay xoa xoa lên mái tóc cắt vội lởm chởm của tôi, chép miệng nửa đùa nửa thật: “Mày càng ngày càng vô hồn. Để tao kiểm tra xem có mảnh nào chui vào sọ không”. Tôi không muốn ai động vào người mình. Thói quen dùng tay phải bao năm không dễ mà bỏ ngay được, mẩu thịt xương da nơi bả vai tôi khua lên khua xuống mấy cái nhưng không chạm được vào tay Hải vì ngắn quá. Lúc ấy tay trái mới có phản xạ hỗ trợ hất cánh tay của Hải đang để trên đầu tôi. Ra đến cửa còn nghe thấy Hải lẩm bẩm: “Thằng này hỏng rồi”.

*

* *

Đúng giờ như đã đăng ký, tôi ra bưu điện trung tâm. Cô nhân viên bưu điện tóc vàng mắt xanh mỉm cười xin lỗi: “Bạn anh không còn ở địa chỉ trên”. Tôi phản ứng rất vô nghĩa: “Không có lẽ, bạn tôi ở đấy mà”. Cô gái nhắc lại chậm rãi từng từ như thể tôi không hiểu tiếng Nga: “Bạn... anh... chuyển... đi... rồi... hiểu... chưa?”.

Có thể Hải đã về nước. Giai đoạn này công nhân về nước ồ ạt vì hợp đồng lao động chấm dứt trước thời hạn do Liên Xô tan vỡ. Cũng có thể Hải đã chuyển sang thành phố khác làm ăn? Dù thế nào đi chăng nữa, thì sợi dây duy nhất để liên lạc với Hải đã đứt mà tôi thì đang rất cần sự giúp đỡ của cậu ta.

Các nữ công nhân nhà máy dệt dưới thành phố Hải đang đóng gói để về nước. Tùy vào vị trí và thâm niên công tác mà mỗi người được đóng từ một đến vài khối hàng. Lương của các cô trừ chi tiêu hàng tháng, tiết kiệm mua hàng chỉ được một góc thùng. Góc thùng còn lại được các chủ hàng trên Mátxcơva sử dụng và trả phí cho chủ nhân. Niken lúc này ở nhà đang tiêu thụ mạnh, lãi tới dăm sáu lần. Loại này là mặt hàng cấm xuất. Mua được cũng không dễ, phải thông đồng với đám công nhân ăn cắp từ các nhà máy cơ khí ra.

Để thoát được sự kiểm tra của Hải quan Nga, họ đã nghĩ ra một loại thùng rất kỳ lạ. Thoạt đầu mới nhìn thì cũng giống như bao thùng khác đóng bằng những thanh gỗ thông. Bên trong nhét hầm bà lằng chăn ga gối đệm xô chậu nồi niêu bát đĩa cũ nát. Đại khái là những mặt hàng Hải quan khi kiểm tra cũng phải nhỏ lệ thương cảm cho những công nhân nghèo. Thế nhưng, chì Hải quan đã được kẹp vào nắp thùng, thì đêm ấy họ cậy hai thanh gỗ bên hông được đóng rất lỏng lẻo, lôi hết đống của nợ ra để mai còn ngụy trang thùng khác. Nhét gì vào thùng đã kẹp chì là tùy thuộc vào độ liều của chủ thùng và độ máu của chủ hàng trên Mátxcơva. Họ đã làm thế nhiều lần và đều trót lọt. Công việc đang xuôi chèo mát mái thì bỗng đâu rơi xuống một nhóm người, chúng đòi thu phế bến bãi theo kiểu phia. Nếu không chấp nhận thì sẽ bị báo Hải quan thu trắng. Chưa kể nếu giải quyết không khéo, chúng nổi khùng lên xin tí tiết các chủ hàng để dằn mặt thì còn khốn hơn.

*