Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ - Chương 19 - 20
19
Xưởng vẽ ở thành phố của tôi nằm trên một con ngõ dài dằng dặc. Đó là một khu dân cư tĩnh lặng, vì xung quanh đó, chủ yếu cũng là những xưởng vẽ khác. Những họa sĩ cần sự tĩnh lặng, không hẳn là để vẽ, người ta hoàn toàn có thể vẽ trong một không gian ồn ào náo nhiệt, mà là để tận hưởng cảm giác cô độc, để đôi khi giam mình trong đó, không biết bên ngoài là ngày hay đêm, mưa hay nắng.
Chúng tôi, ý tôi là tôi và em và người chị song sinh của em, đi một chuyến xe khách để lên đây. Chúng tôi cùng tới xưởng vẽ. Có lẽ nó sẽ gợi lại điều gì đó trong trí nhớ của cô ấy, tôi và em cùng hi vọng như thế.
Vào ngày thứ Ba vừa rồi, cô ấy tỉnh dậy và, thật không ngờ, cô ấy không hề quên chuyện của ngày hôm trước. Cô ấy nhớ tôi, nhớ cả em, thậm chí nhớ cây vĩ cầm màu đỏ, nhớ cả căn phòng treo đầy tranh, trong đó có một bức tranh về vĩ cầm. Đó là một tín hiệu tốt. Điều gì đã khiến cô nhớ ra? Là thuốc thang ư? Tôi không nghĩ vậy. Có trời mới biết! Nhưng quan trọng hơn cả là cô ấy đã có tiến triển tốt.
Xưởng vẽ rất bừa bộn vì đã gần hai tháng không có người dọn dẹp. Bụi phủ một lớp mỏng trên mặt sàn. Dù thế, chỉ cần bước một chân vào đây, tôi đã thấy thanh thản. Đối với tôi, nơi đây là thánh đường. Như một con chiên ngoan đạo tìm tới Chúa trời, tôi tìm đến nơi đây cầu mong một sự yên an trong tâm hồn.
- Đây, xưởng vẽ này, có một dạo ngày nào cô cũng tới. Cô xem, có quen không?
Cô lắc đầu.
- Hoàn toàn xa lạ.
- Cứ từ từ, không thể nhớ ngay được là chuyện bình thường. Đi lại một lúc biết đâu sẽ nhớ ra. Chị cũng đừng cố nhớ làm gì, cứ để mọi thứ tự nhiên – Em khoác tay người chị của mình an ủi.
- Tại sao anh không kể lại cho tôi những chuyện trước đây của chúng ta? Ví dụ như anh đã gặp tôi như thế nào, tại sao lại thuê tôi làm mẫu vẽ? Anh đã vẽ tôi thế nào? Và, và bức vẽ ấy đâu?
- Phải đấy, anh cũng chưa kể tôi kĩ về chuyện này. Bây giờ chị ấy đã khá hơn rất nhiều. Anh kể ra, chị ấy không những không quên mà sẽ còn tạo tiền đề để nhớ ra hết những chuyện cũ – Em hào hứng.
- Chuyện này... – Tôi ngập ngừng. Một mặt, tôi muốn giúp cô tìm lại trí nhớ, cũng là giúp em tìm lại quá khứ. Nhưng mặt khác, có những điều người ta không thể thành thực, có những điều tôi không thể để một ai khác biết, có những điều tôi không thể để em biết – Chúng ta đi dạo quanh một vòng, rồi tôi sẽ kể dần dần có được không?
*
Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày hôm đấy.
Có những ngày tưởng chừng rất bình thường như bao ngày khác. Chúng ta cũng thức dậy vào giờ đó, cũng mong chờ những điều tương tự như những ngày trước đó. Nhưng lại có những thứ xảy ra khiến nó không thể bình thường được nữa. Cuộc sống của chúng ta giống như chuỗi những cuốn sách xếp nối tiếp nhau đều đặn, đôi khi lại bắt gặp một vài cuốn chồi ra bên ngoài hoặc thụt vào bên trong, như đánh dấu những phân đoạn kí ức mà mà mỗi khi nghĩ lại, ta đều thấy hình như nó mới diễn ra vào hôm qua hôm kia thì phải.
Tôi lật giở cuốn sách của ngày hôm đó và bắt đầu hồi tưởng lại. Tôi thấy mình đi dọc trên những con phố trong một buổi xế chiều. Lửa bùng cháy trên những tán lá bàng. Đó là nếu nhìn tổng thế. Nhưng nếu nhặt một chiếc lá bàng rụng bên lề đường lên để ngắm nghía, có thể thấy màu đỏ thắm của nó, rồi cái đường gân chính ở giữa mà từ đó tỏa ra vô số những đường vân con chằng chịt, thật giống với mặt sau của một cây vĩ cầm. Tôi đang trên đường từ xưởng vẽ tới bờ hồ phía tây thành phố, nơi mà tôi, ngày nào cũng vậy, trong suốt nhiều năm qua, có một cuộc hẹn kì lạ.
Em luôn đến đúng giờ. Nếu tới trễ, thì chắc chắn là em sẽ không đến, tôi có thể đi về luôn mà không cần đợi thêm. Hôm nay, em có tới. Tôi không bao giờ nhớ được em mặc trang phục như thế nào. Điều đó với tôi không lấy gì làm quan trọng. Em có đôi mắt phủ một lớp khói mờ, và em chơi vĩ cầm, tiếng vĩ cầm xao động. Sự xinh đẹp, thánh thiện và kiêu sa của em đều nằm cả trong đó. Không cần một thứ trang sức lấp lánh nào, không cần những thứ cầu kì diêm dúa. Chân – thiện – mĩ thường nằm ở những gì đơn giản nhất.
Tôi lắng nghe em chơi đàn. Chỉ thế thôi. Tưởng chừng trên đời không còn hoạt động nào đơn giản hơn thế, đối với riêng tôi, lại tốn rất nhiều công sức. Tôi không chỉ muốn nghe, tôi còn muốn hiểu, tôi muốn hiểu từng sắc thái trong từng nốt nhạc khi vui khi buồn, khi nhanh khi chậm, khi da diết khi sôi nổi, khi réo rắt khi trầm đục của em. Tiếng đàn là tiếng nói từ nơi sâu thẳm nhất trong tâm tư một con người. Tôi muốn hiểu em. Nhưng chưa đủ, tôi là một họa sĩ. Khi Leonardo da Vinci lần đầu tiên nhìn thấy Mona Lisa, hẳn ông đã biết bà chính là một tuyệt tác của tạo hóa. Mặc dù tôi không bao giờ là một vĩ nhân như ông, song tôi tin rằng những xúc cảm dâng lên trong tôi khi ngắm nhìn em chơi vĩ cầm, có lẽ cũng có những nét tương đồng với mĩ cảm nơi Vinci khi ngắm nhìn nụ cười của Lisa Gherardini. Phải, tôi muốn vẽ em, đó là một khao khát mãnh liệt, em là một ân huệ mà cuộc đời ban cho một họa sĩ tầm thường như tôi. Tôi chỉ cần đem giấy và bút ra, vừa nghe em kéo đàn, vừa phác họa chân dung tuyệt mĩ của em trên giấy. Nghe chừng thật dễ dàng. Nhưng hoàn toàn ngược lại. Bởi lẽ, tôi chỉ muốn vẽ em và vĩ cầm. Chỉ có em và vĩ cầm, chỉ có vĩ cầm và em. Đúng thế, tôi muốn vẽ một bức chân dung về em chơi vĩ cầm, khỏa thân. Chỉ có một bức tranh khỏa thân mới có thể lột tả được hết tâm hồn thánh thiện của em. Và cây đàn vĩ cầm đầy tính nữ, sự thanh cao và trong sáng sẽ càng tô điểm cho vẻ đẹp thuần khiết, trinh bạch nơi em. Và nếu như tôi có thể dồn hết tinh hoa của mình vào đó, thì nhất định bức tranh sẽ là một tuyệt phẩm, nó sẽ là đỉnh cao của cuộc đời tôi, không thể sai được.
Đó là một viễn cảnh thật tươi đẹp, nhưng cũng thật xa xôi. Tôi có thể nói thế nào với em đây? Tôi có thể mở lời với em thế nào đây. Tranh khỏa thân vốn là một điều chưa hoàn toàn được chấp nhận trong lòng xã hội hiện đại ở đất nước này. Tôi biết mình đã hoàn toàn bế tắc. Có lẽ đã định sẵn, em là một tác phẩm nghệ thuật của riêng Đấng Tối Cao, tôi chỉ có thể ngắm nhìn em như một bức họa được cất giữ sau tấm kính dày, không bao giờ có thể chạm tới được.
Tôi lang thang trên những con phố ngang dọc lắt léo. “Cuộc hẹn” đã kết thúc từ lâu. Nắng đã tắt. Thành phố lên đèn. Tôi rảo bước qua những quán xá vỉa hè với đủ thứ quà xanh đỏ. Ngay lúc này tôi chưa muốn về xưởng vẽ vội. Không khí tĩnh lặng của xưởng vẽ sẽ khiến những khát khao bị giam kín của tôi trở nên thêm phần nhức nhối, nó sẽ khiến cơ thể tôi cắn rứt như một kẻ lên cơn nghiện. Ở ngoài đường, tiếng còi xe, tiếng người nói, tiếng chó mèo sủa, mùi hương thức ăn, dòng người đông đúc, cơn gió mùa thu hanh mát, tiếng bước chân của chính tôi... làm tôi tạm quên đi những suy tư vọng tưởng trong đầu. Tôi cứ mải miết đi như thế, không biết đã đi qua bao nhiêu căn nhà, bao nhiêu con đường. Tôi rẽ trái, rồi rẽ phải, rồi đi thẳng, rồi rẽ phải... Tôi đi chẳng theo một lịch trình nào, cứ thế mà đi, cho đến khi phố xá dần thưa vắng, cho đến khi hai bàn chân nóng rực, tôi vẫn đi. Đôi khi nghĩ lại, tôi cảm thấy dường như mọi thứ trong cuộc đời đều đã được sắp đặt từ trước. Chúng ta cảm tưởng rằng thế giới này được định đoạt bởi một định luật ngẫu nhiên, nhưng sự thực thì chúng ta cuối cùng đã hành xử như thế, đã làm những việc như thế, đã nghĩ như thế và rốt cục chẳng có cách nào thay đổi được. Chẳng hạn như nếu ngày hôm ấy tôi không rẽ trái thì có lẽ đã không rẽ phải, nếu không rẽ phải chưa chắc sẽ đi thẳng, nếu tôi đi một con đường khác, nếu tôi trở về xưởng vẽ và không đi nữa, nếu tôi dừng vào một quán ăn và ngồi đó tới khuya, nếu... Có vô vàn chữ nếu, những đều chẳng xảy ra. Bởi vì cuối cùng thì tôi đã tình cơ gặp được cô ấy, bởi vì có sự tình cờ ấy mà có bức vẽ định mệnh kia, bởi vì có bức vẽ ấy mà tôi và em đến gần nhau hơn. Đó chỉ là một vòng tròn của số phận. Ông trời rất giỏi trong việc sắp xếp những câu chuyện lòng vòng như thế.
Không ai biết tại sao, nhưng tôi đã gặp cô ấy, trên một con đường vắng, chỉ thi thoảng mới có vài chiếc xe lướt qua rất nhanh. Cô đứng trong bóng tối, và dù ánh đèn đường gần như không hắt đến cô, tôi đã gần như kinh ngạc khi nhìn thấy dáng vẻ ấy. Giống, rất giống, tôi không thể nói rõ là giống ở điểm nào, vì dường như điểm nào cũng rất giống. Tôi nhìn cô từ đằng xa, ngay cả cách cô hất mái tóc của mình, ngay cả cách cô nhún chân, không thể nào sai được. Nhưng, tại sao lại là ở đây, giờ này? Con phố này vốn là phố của gái điếm về đêm. Không, không thể nào, ở đây, giờ này, ăn mặc như thế, chỉ có thể là một cô gái điếm. Vớ vẩn, tại sao phải làm gái điếm? Không thể như thế được, chắc là tôi đã đi bộ quá lâu đến nỗi hai mắt trông gà hóa cuốc. Khi tôi còn chưa kịp định thần lại, thì cô có vẻ đã phát hiện ra có người đang chăm chú theo dõi mình. Cô bước lại gần, từng bước, từng bước, cô bước ra chỗ có ánh sáng, cô đến gần hơn, gần hơn, gần hơn nữa.
- Sao anh cứ nhìn tôi mãi vậy? Có muốn đi không?
Hình như cô còn nói điều gì sau đó, nhưng tôi không để ý nữa. Tôi chỉ nhìn vào mắt cô. Đôi mắt cô có một làn khói mơ hồ phiêu dật, làn khói màu xám tro, mơ màng, che giấu tất cả những gì phía sau. Mỗi người trên đời có một ánh mắt riêng biệt không ai giống ai, cho dù là ruột thịt, thậm chí là song sinh. Đôi mắt này chẳng phải là đôi mắt của em hay sao? Không sai. Chính là của em! Trong giây lát, tôi đã gần như tin rằng cô gái điếm đứng trước mặt tôi đây là em.
- Thế nào? Anh có đi không? – Cô lại lên tiếng.
- Đi, đi đâu cơ? – Tôi còn chưa kịp định thần lại.
Cô chẳng nói gì, quay đầu bước đi. Tôi không biết tại sao, tôi vội đưa tay ra túm lấy cánh tay cô.
- Đợi đã, đi, tôi có đi!
- Đi bộ sao? Nhà anh ở đâu? Một chuyến là...
- Bao nhiêu cũng được, đi! Nhà tôi ở gần đây, chỉ hơn một cây số, đi bộ cũng không xa đâu.
- Được – Cô vẫn còn quay nghiêng khi nói với tôi câu này. Ở góc nhìn nghiêng, lớp khói trong mắt cô như hút lấy cả vầng ánh sáng.
Tôi dẫn cô về xưởng vẽ nằm trong con ngõ nhỏ. Mặc dù con ngõ ấy thường chìm trong sự thinh lặng vô biên, bên trong từng căn nhà, vẫn luôn có những bàn tay họa sĩ đang miệt mài vẽ và tận hưởng nỗi cô đơn của chính mình.
Trong bóng tối, tôi quờ quạng mở cửa và vào bật công tắc đèn trước, sau đó cô gái mới thận trọng bước vào, cô nhìn quanh như thăm dò xem tôi có phải một kẻ sát nhân hay một kẻ biến thái kì quái nào đó.
- Anh là họa sĩ?
- Vâng. Nếu như mọi người vẽ tranh đều có thể coi là họa sĩ.
- Ý anh là sao?
- À, cô hiểu sao cũng được.
Cô nhún vai, chừng như muốn nói dù tôi là họa sĩ hay nhà buôn hay triết gia, thủ tướng hay lao công, bảo vệ, thì cô cũng không bận tâm gì, quan trọng là cô có thể xong việc và nhận được thù lao.
- Thế nào, anh còn đứng đó ư? Không phải gọi tôi đến đây để đứng đó chứ? Nói trước cho anh hay, cho dù không làm gì mà anh cứ bắt tôi đứng ở đây thì anh cũng phải trả chừng ấy. Cho nên...
- Tại sao cô làm công việc này? – Tôi thốt nhiên hỏi, để mặc lời nói cứ tự động tuôn ra mà không kịp cân nhắc.
- Anh là phóng viên hay sao, đang cần tìm tư liệu viết bài à?
- Tôi chỉ hỏi vậy thôi.
- Có gì vinh quang đâu. Tôi cần tiền. Nếu chỉ coi đó là một nghề kiếm sống thì nó cũng chẳng có gì – Cô nhếch mép cười.
- Cô có thể chơi vĩ cầm?
- Anh luyên thuyên cái gì vậy? Sao anh không làm chủ tịch nước? Vĩ cầm, tôi còn chưa từng sờ vào nó. Mà thật ra nếu anh không nói đến, tôi cũng còn chẳng nhớ tới có thứ gì tên là vĩ cầm trên đời.
Tôi ngẩn người khi nghe cô nói. Lời cô ấy nói rõ ràng đến thế cơ mà, cô ấy không chơi vĩ cầm. Vậy có nghĩa cô ấy không phải là em. Nhưng đôi mắt ấy, chính là đôi mắt ấy, sao mà nhầm được.
- Cô có chị em không?
- Không, điều đó thì liên quan gì ở đây chứ?
Phải, liên quan gì cơ chứ. Dù là song sinh cũng không thể giống tới vậy. Có lẽ chỉ là trùng hợp, có lẽ chỉ là sự xếp đặt trêu người của ông trời. Tôi vẫn luôn tin mỗi con người có một ánh mắt hoàn toàn khác nhau, đó là cách mà tôi dùng để phân biệt họ. Nhưng niềm tin thì có gì quan trọng? Ai đó đã nói trên đời chẳng có gì là chắc chắn. Chẳng phải thuyết tương đối của Einstein vĩ đại cũng không toàn năng đó sao?
- Anh đưa tôi đến đây chỉ để nói chuyện thôi sao?
- Tôi xin lỗi. Cô cầm lấy, rồi nếu muốn cô cứ ra về. Xin lỗi vì đã làm phiền – Tôi móc từ trong ví ra mấy tờ giấy bạc còn mới cứng dúi vào tay cô.
Cô nhìn chúng, một nửa cất vào người, một nửa đưa lại cho tôi.
- Trả lại anh chỗ này. Coi như phí để xem tranh. Tôi xem tranh được chứ?
- Cứ tự nhiên. Cô thích chúng ư?
- Không, tôi chỉ tò mò thôi. Tôi có hiểu gì đâu mà nói là thích được.
Cô đi quanh một hồi. Tôi không biết cô suy nghĩ gì về chúng. Cô lững thững đi, tiếng guốc vang lên trong căn phòng tĩnh lặng, thi thoảng cô dừng lại ở một bức và nhìn chăm chú. Cô cũng không bao giờ hỏi: Đây là anh vẽ cái gì? Hay tại sao lại vẽ thế này? Vẽ thế có nghĩa gì? Cô chỉ im lặng ngắm nhìn. Không tỏ ra vồn vã. Không tỏ ra trịch thượng. Không tỏ ra hiểu biết. Không tỏ ra gật gù hay tán thưởng. Có thể bởi vì cô chỉ là một cô gái điếm không được học hành, cũng chẳng hiểu gì về thẩm mĩ, nghệ thuật. Nhưng điều đó ở cô lại làm tôi thích thú, cô nhìn tranh với một tâm hồn rộng mở, không chút định kiến, ít ra là hơn những kẻ cố làm như mình hiểu hết, phân tích cái nọ, phân tích cái kia, thậm chí làm như là mình còn hiểu về tác phẩm hơn chính tác giả của nó nữa. Kì thực họ biết đâu rằng đầu óc của họ đã bị cầm tù trong sự tự cao của họ rồi.
- Tôi xem xong rồi – Cô nói khi đôi mắt vẫn còn đang nhìn vào một bức tranh vẽ cây vĩ cầm màu đỏ.
- Vậy thì cô về đi, xin lỗi đã làm phiền.
- Hình như chính tôi mới là người đã làm phiền anh thì phải.
Ánh mắt cô vẫn chưa rời khỏi bức tranh đó. Nói rồi, cô mới quay bước đi ra phía cửa. Khi cô đi lướt ngang qua tôi, tôi có thể nhìn rõ con mắt bên trái của cô. Màn khói mờ mịt như trong một cõi mơ. Đằng sau màn khói ấy là gì, tôi hoàn toàn không có một manh mối nào. Tay tôi bất giác đưa tay lên giữ lấy cánh tay cô. Cơ thể cô hơi lành lạnh.
- Đợi đã. Cô nghĩ sao nếu tôi muốn thuê cô làm mẫu vẽ?
- Mẫu vẽ, nhưng...
- Người ta trả cô đi khách bao nhiêu, tôi sẽ trả chừng ấy, không, tôi sẽ trả gấp đôi.
- Được, nhưng vẽ cái gì? Anh vẽ tôi hả?
- Phải, cô làm mẫu cho tôi vẽ.
- Nhưng có lâu không?
- Mỗi tối cô đến làm mẫu cho tôi một vài tiếng. Xong việc cô có thể về làm việc của cô.
- Nhưng...
- Tôi sẽ trả cô gấp ba.
- Vậy cứ thế đi. Chúng ta sẽ bắt đầu luôn chứ?
- Từ ngày mai được không? Bây giờ tôi chưa chuẩn bị gì cả.
- Tùy anh, mai thì mai. Mấy giờ? Chiều mai được không?
- Chiều mai.
- Tôi chỉ phải làm mẫu cho anh vẽ thôi là được hả?
- Tôi muốn vẽ tranh khỏa thân. Cô làm được không?
- Chuyện đó thì quá đơn giản – Cô cười nhạt.
- Thật ra tôi muốn vẽ cô với cây vĩ cầm.
- Nhưng tôi đâu biết chơi vĩ cầm?
- Không cần phải chơi, cô chỉ cần biết cách cầm nó đúng tư thế thôi.
- Anh rất thích vĩ cầm thì phải?
- Tôi...
- Đó là thứ đồ sang trọng. Nếu có cơ hội, tôi cũng sẽ thích nó. Thôi, tạm biệt anh, hẹn ngày mai.
Cô bước ra cửa. Cô hất mái tóc của mình. Ngay cả cái hất tóc cũng rất giống, không thể lẫn đi đâu được. Tôi nhìn theo cô cho đến khi cô khuất hẳn. Tôi cần phải đợi tới tận ngày mai để biết rằng đó liệu có phải một giấc mộng dài hay chăng.
*
Tôi không bao giờ quên ngày đó. Nhưng tôi không kể lại với hai cô gái tất cả. Những đoạn mà hình bóng em xuất hiện, chúng sẽ mãi là bí mật trong lòng tôi.
20
Thành phố vẫn như thế, ồn ào và tĩnh lặng, xô bồ và trầm mặc, như những mùa đông trước, những cây bàng đã bắt đầu trút lá, trời trở lạnh hơn. Quán phở bò cạnh nhà tôi vẫn mở, đông đúc như thường lệ, khách vào ra tấp nập chẳng có chỗ mà ngồi. Nồi nước phở bốc hơi nghi ngút quyện với mùi thịt bò thơm ngậy quen thuộc khiến tôi nôn nao như một đứa trẻ đi lạc tìm được đường về nhà.
- Về rồi sao? Đi đâu mà lâu vậy? Ba cháu không có nhà đâu. Ông ấy đi biểu diễn cả tuần nay ở trong Sài Gòn rồi, không bảo gì với con gái sao? – Cô chủ quán phở đã nhìn thấy tôi từ đằng xa.
- Dạ không. Không biết hôm nào ba cháu mới về hả cô?
- Không biết nữa, chắc phải cuối tuần. Không có cháu ở nhà, ba cháu cả ngày chơi đàn. Nếu không có việc gì chắc ông ấy cũng chẳng bao giờ ra đường luôn. Thế cháu đi đâu mà lâu không thấy mặt mũi? Mà sao về không báo trước cho ba một tiếng?
- Cháu có chút việc riêng nên phải đi xa. Lần này về cũng là đột xuất nên chưa báo với ba. Thôi cháu xin phép cô.
Tôi để anh họa sĩ và người chị song sinh của mình về trước, dự định ở lại thành phố mấy ngày để thăm ba. Tôi nhớ ông. Nhớ tiếng đàn của ông. Nhớ cái dáng gầy và cao trầm tư kéo đàn bên cửa sổ. Mỗi khi ở bên ông, tôi luôn cảm thấy như mình lại là một đứa trẻ, ngồi thu lu trên một chiếc ghế, lắng nghe ông chơi đàn, lắng nghe từng nốt nhạc thốt ra trên những dây vĩ cầm. Tôi đã lớn lên trong căn phòng đó. Nhắm mắt lại để nghe một khúc ca, khi mở mắt ra, đã thấy mình không còn nhỏ.
Không gặp được ba, đôi chân tôi tự động đi tới những nẻo đường xưa cũ. Góc hồ kia, hàng liễu rủ kia, đó là nơi đã từng có thời trong suốt nhiều năm liền, ngày nào tôi cũng tới đó chơi vĩ cầm. Chơi nhạc ở một nơi ồn ào khiến cho tôi học được cách bình tâm. Kể cả khi tất cả mọi thứ xung quanh cùng chuyển động, tôi vẫn có thể đứng yên mà không lo sợ rằng mình sẽ tụt lại phía sau. Những ai dừng chân để nghe tiếng đàn của mình, dù chỉ là một chút hiếu kì, với tôi cũng đã là một mối duyên không dễ gì có được. Ba tôi nói, mọi thứ đều là do duyên phận. Mặc dù tôi không thể nhớ được những gương mặt đã dừng lại nghe tôi chơi vĩ cầm, tôi cảm thấy cũng không có gì cần thiết. Riêng trong âm nhạc, đôi tai quan trọng hơn đôi mắt. Vì thế kí ức của thính giác cũng quan trọng hơn kí ức của thị giác. Người ta không thể nghe nhạc bằng mắt được.
*
Buổi hòa nhạc bắt đầu lúc tám giờ, nhưng tôi đã tới từ lúc bảy giờ. Tấm vé hòa nhạc tôi vừa xin được của một người bạn vài tiếng trước. Người biểu diễn hôm nay là người vừa giành giải nhất trong một cuộc thi Concour quốc tế ở Vacsava.
Tôi ngồi trên lô ghế tầng hai của nhà hát, nhìn ngắm anh đang đùa nghịch với cây đàn dương cầm Steinway trước giờ biểu diễn. Trong buổi tối nay, anh sẽ là nhân vật chính, mọi ánh mắt sẽ hướng đến anh. Sẽ không giống như mọi khi anh chơi đàn cho riêng tôi, cho riêng mình tôi. Có lúc chúng tôi cùng song tấu dương cầm và vĩ cầm. Nhưng cũng có lúc hai chúng tôi sẽ tập một bản dương cầm cho bốn tay. Tiếng dương cầm ngờ nghệch của tôi hòa với tiếng dương cầm điêu luyện của anh. Chúng tôi lăn ra cười khi đến một đoạn phức điệu, ngón tay tôi trượt khỏi phím đàn làm bản nhạc trở nên lộn xộn.
Tôi cố gắng tận hưởng cái khoảnh khắc khi cả phòng hòa nhạc mới chỉ có mình tôi tới, vờ như mọi thứ vẫn không có gì thay đổi. Chỉ có anh và tôi cùng một cây dương cầm. Cho dù sự thực là ngay lúc này đây, anh không biết rằng tôi đang lắng nghe anh, ngắm nhìn từng cảm xúc trên gương mặt anh biến đổi theo điệu nhạc. Thật ra ở vị trí xa thế này, tôi không thể nhìn rõ gương mặt anh được. Nhưng chúng tôi đã ở bên nhau đủ lâu để chỉ cần nghe một nốt nhạc, tôi có thể biết anh sẽ nhíu mày hay nhắm mắt. Những người chơi nhạc đều nhạy cảm với âm thanh, đôi khi chúng tôi nhìn cuộc đời bằng đôi tai.
Khán giả bắt đầu tới kín phòng. Tiếng vỗ tay rộn vang khi ánh sáng bừng lên, dàn nhạc đã vào vị trí. Anh bước ra sân khấu, cúi chào khán giả. Bản concerto của Mozart vang lên, tiếng đàn vui tươi sôi nổi chảy trôi như một dòng sông. Thế nhưng, lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy âm nhạc không lấp kín được những lỗ hổng trong tâm hồn mình. Lần đầu tiên, niềm vui của Mozart không khiến tôi trở nên bình thản, không khiến những con sóng trong tôi trở nên êm dịu, thậm chí nó còn gào thét mạnh mẽ hơn. Có lẽ bởi vì, lần đầu tiên, tôi cảm thấy hình như mình không còn hiểu được chàng trai đang diễn tấu dương cầm trên kia nữa. Đến đoạn đó, anh đã không còn nhíu mày như trước nữa. Gương mặt anh giãn ra, trong khi đó, tôi thấy hai mắt mình nhòe đi.
- Cuối chương trình cậu ấy sẽ có một tiết mục nhỏ biểu diễn với bạn gái mình đấy – Người phụ nữ ngồi cùng lô ghế với tôi thì thầm với người bạn cạnh mình, rất nhỏ, nhưng đủ để tôi nghe được.
- Sao biết? – Người bên cạnh thì thào đáp lại.
- Em họ tôi, tôi phải biết chứ. Chính cậu ấy kể với tôi mà. Nhìn đi, cô gái chơi vĩ cầm tóc dài ngồi ngay hàng đầu, chính là cô ấy. Cậu ấy kể dù mới gặp nhau nhưng tưởng như đã quen từ lâu rồi. Còn nói cái gì mà duyên phận.
- Thôi tập trung nghe nhạc đi.
Tôi nhìn lên người phụ nữ. Hoàn toàn không quen. Lúc này tôi mới nhận ra giữa tôi và anh là một mối quan hệ câm lặng. Chỉ có tôi và anh là biết đến. Còn bây giờ thì tôi không chắc lắm về anh. Duyên phận. Tôi đã nghĩ hai chúng tôi chính là tri âm, là duyên phận. Chẳng phải ba tôi đã nói: mọi thứ đều do duyên phận hay sao? Không, ba tôi không sai, chỉ là tôi chưa thấu hết ý ông. Tôi mới chỉ hiểu rằng: mọi sự gặp gỡ đều do duyên phận. Nhưng không biết rằng: mọi sự chia li cũng là do duyên phận.
Tôi đứng lên ra về. Không phải vì anh, không phải vì cô gái kia, không phải vì sợi dây đã đứt giữa chúng tôi, mà vì có người đã nói với tôi rằng: không thể để nước mắt rơi xuống những phím nhạc tươi đẹp của Mozart.