Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ - Chương 21 - 22 - 23

21

Nơi mà anh đưa chúng tôi tới, nằm rất sâu trong một con hẻm. Chúng tôi phải đi bộ một quãng dãi. Không ai nói với ai câu nào, cả hai người đều muốn tôi thật tĩnh tâm. Những thứ đã chìm sâu thường nổi lên trong mặt nước tĩnh lặng.

Những căn nhà ở đây trông gần như rất giống nhau. Điều duy nhất khác là số nhà. Số nhà đánh lung tung không theo một thứ tự nào. Căn nhà - xưởng vẽ của anh mang số 312, nhưng lại nằm giữa hai căn nhà - xưởng vẽ khác mang số 64 và 248.

Bên trong xưởng vẽ bừa bộn và bụi bặm. Tranh. Màu vẽ. Những giá gỗ. Chúng được bày la liệt. Tranh treo kín tường, không khác gì căn phòng nơi chúng tôi trọ. Và đó cũng là điều duy nhất khiến tôi thấy nó quen thuộc. Ngoài ra, tôi không còn ấn tượng nào về nó nữa.

Những bức tranh đó trước nay vẫn được treo ở đó ư? Những giá gỗ kia vẫn chất đầy những lọ màu san sát nhau như vậy ư? Tôi nhắm mắt lại, cố gắng không suy nghĩ gì hết, để trong đầu mình chỉ là một khối đen như mực. Nhưng không có gì hiện ra trong đó cả, không một hình ảnh, không một âm thanh, không một mùi vị. Chỉ là một sự im lặng đáng sợ. Tất cả những gì xảy ra trong quá khứ như một cuốn băng cũ đã hỏng, không thể tua lại những đoạn đã qua, chỉ là một tiếng rè vô tận và vô nghĩa.

Tôi mở mắt, nhìn sâu hơn vào một giá tranh mà tờ giấy vẫn còn để trống. Giấy, theo như tôi biết, là thứ được người ta tái chế đi tái chế lại. Nhưng ai có thể biết trong tiền kiếp của mình, tờ giấy này đã được chủ nhân của nó vẽ lên những gì. Có thể là một bức họa nổi tiếng, có thể là một tờ giấy nháp, có thể là một tờ hóa đơn, có thể là một trang sách, có thể là một trang nhật kí, cũng có thể là một tờ đơn khám bệnh kết luận rằng bệnh nhân mắc bệnh “mất trí nhớ ngắn hạn, nhưng chưa thể khẳng định khi nào mới có thể bình phục”. Tất cả những gì chúng ta biết được về tờ giấy chỉ là những thứ sẽ được vẽ lên nó. Chỉ hiện trạng của nó là có thể nắm bắt. Còn quá khứ của nó sẽ mãi mãi là một bí mật.

Kí ức của tôi xem ra chính là một tờ giấy mỏng manh. Viết lên nó đủ thứ, nhưng chỉ cần tẩy đi thì chẳng còn dấu vết gì. Cho dù có viết cả trăm lần cũng đều bị tẩy đi cả trăm lần. Bây giờ, tuy không còn ngày ngày bị tẩy đi nữa, nhưng cũng chẳng thể nào lấy lại những gì trước đó. Những nét vẽ sau này sẽ ngày một nhiều, chồng chất lên nhau, nhưng những gì đã từng bị tẩy đi sẽ mãi mãi không thể tìm lại được.

Tôi không nén được một tiếng thở dài. Có khi nào một ngày nào đó tôi tỉnh dậy và chợt nhớ ra tất cả? Chẳng phải ngày hôm trước tôi cũng đột nhiên tỉnh dậy và nhận ra mình không còn quên những thứ diễn ra trước khi chìm vào giấc ngủ đó sao? Điều đó khiến tôi lạc quan hơn, mà cũng bi quan hơn. Những điều kì diệu thường chỉ tới một lần, không tới lần thứ hai.

Nhưng ở một góc sâu xa trong lòng mình, tôi thấy bình thản. Mặc dù tôi không thể nhớ được những khoảng kí ức xưa cũ đã trôi qua trong xưởng vẽ này, song chỉ cần nghĩ đến việc đó là những tháng ngày tôi đã trải qua cùng anh, tôi bỗng thấy cuộc sống của tôi nhất định đã từng biết tới những niềm hạnh phúc, đã từng biết tới thế nào là trông đợi và và hi vọng.

Bây giờ, tôi đã có một khung cảnh trong đầu để làm phông nền cho những câu chuyện diễn ra trên đó. Kí ức về anh chỉ là một tờ giấy trắng, vậy thì tôi sẽ có toàn quyền vẽ lên đó những gì tôi thích, chẳng phải thế sao? Một cảm giác kì lạ lan tỏa trong từng mạch máu của tôi. Tôi sẽ tự tưởng tượng những kí ức đã có trong xưởng vẽ này, tự tưởng tượng những câu chuyện giữa chúng tôi. Không thể nhớ ra được quá khứ nghĩa là sẽ không có một sự thật nào có thể phán xét những tưởng tượng của tôi. Tất cả chỉ là do tôi tự huyễn hoặc ra, nhưng thế thì sao chứ? Ai dám chắc những thứ tự huyễn hoặc ra là không có thật? Chí ít, nó thật trong trí tưởng tượng của tôi. Thế đã là quá nhiều!

22

Cô gái đến xưởng vẽ của tôi vào chiều hôm sau. Khác với tối qua, cô chỉ mặc một chiếc sơ mi trắng dài tay và một chiếc quần jeans đen. Gương mặt không trang điểm, mái tóc để xõa, trong một vài khoảnh khắc, tôi cảm thấy tôi có thể coi cô ấy chính là em mà không có một chút gợn nào.

- Chúng ta bắt đầu thế nào đây?

- Hôm nay chưa vẽ vội. Tôi muốn cô học cách cầm vĩ cầm đã.

- Chỉ là cầm thôi mà cũng mất cả buổi ư?

- Bởi vì cô chưa từng tiếp xúc với nó, mà tôi muốn vẽ một nghệ sĩ vĩ cầm, cho nên yêu cầu cũng sẽ cao hơn.

Tôi lấy từ trong hộp đàn ra một cây vĩ cầm màu đỏ. Tôi mua lại nó từ một sinh viên trường Nhạc với cái giá cũng không hề rẻ, nhất là đối với một người chỉ muốn dùng nó làm mẫu vẽ như tôi. Tôi vẽ hàng trăm bức tranh về vĩ cầm, trong hàng trăm không gian khác nhau. Đối với tôi, nó không phải là một thứ nhạc cụ vô tri. Vĩ cầm có đầy đủ những tâm trạng vui, buồn, phấn khích, hân hoan, tuyệt vọng, đau thương, chênh vênh, cô độc... Vĩ cầm mang mọi hình thái của cuộc sống. Đặt nó nằm ngang và nhìn từ trên xuống, nó giống như con thuyền Noah trong Kinh Thánh. Đặt nó chúc đầu xuống đất, nó giống như một chiếc lá, đôi khi tôi tưởng tượng nó chính là chiếc lá cuối cùng không bao giờ rụng của O’Henry. Đặt nó nằm sấp, nó giống như một con côn trùng khổng lồ với lớp vỏ cứng bóng loáng. Cũng không nhất thiết phải vẽ toàn bộ vĩ cầm, đôi khi chỉ cần chọn một bộ phận của nó. Một nửa của vĩ cầm vẫn là vĩ cầm. Một phần tư của vĩ cầm vẫn là vĩ cầm. Vĩ cầm luôn là nó mà không phải là nó. Vĩ cầm chỉ là vĩ cầm. Nhưng đôi khi toàn bộ thế gian lại gói gọn trong một cây vĩ cầm.

Cô gái đón lấy cây vĩ cầm từ tay tôi. Lúc này, tôi cảm thấy cô gần như đích thực là em. Cây vĩ cầm thanh tú. Gương mặt cô cũng thật thanh tú. Cây vĩ cầm phản chiếu trong đôi mắt mơ màng khói phủ của cô... Có lẽ cô sẽ dễ dàng học được cách cầm cây đàn thôi.

*

Tôi mất đúng hai trăm ba mươi nhăm ngày và bốn trăm tám mươi chín bản nháp để vẽ bức tranh cô gái chơi vĩ cầm. Sau khi hoàn thành bức tranh, tôi thấy mình kiệt sức.

Vào ngày cuối cùng vẽ tranh, cô gái đến sớm hơn thường lệ. Cô đem tới một đóa cúc họa mi và đặt lên chiếc bàn trong xưởng vẽ.

- Mùa này cũng có cúc họa mi sao? – Tôi hỏi.

- Tôi cũng thấy lạ như anh, nên mua đại một bó. Không phải đồ giả đâu.

Trong khi tôi bắt đầu sắp xếp màu và cọ thì cô cởi bỏ y phục treo lên mắc và lấy cây đàn vĩ cầm đã để sẵn ở đó ra. Cô nghịch ngợm cây đàn, kéo ra những tiếng kêu rin rít, kèn kẹt.

- Anh thích vĩ cầm thế sao không học chơi nó?

- Có những người sinh ra để chơi vĩ cầm. Còn tôi sinh ra để vẽ lại nó thôi. Mỗi người một việc, cô biết đấy.

Tôi mở một đĩa nhạc của Mozart. Rồi chúng tôi bắt đầu công việc. Cô đặt vĩ cầm lên vai và ngồi bên cửa sổ. Tôi chỉnh lại những lẵng hướng dương. Ngoài những ngày đầu để phác họa tranh, tôi không yêu cầu cô phải ngồi im. Tôi muốn người con gái trong tranh có những chuyển động. Vĩ cầm chỉ có ý nghĩa khi nó chuyển động. Khi đứng yên không phát ra âm thanh nào thì nó sẽ chết, giống như con người ngưng thở vậy.

Tôi nhìn vào cô, rồi nhìn vào tranh. Tôi không muốn có sự trừu tượng nào ở đây, không muốn có gì khó hiểu. Tôi muốn bức tranh lưu giữ đúng khoảnh khắc này, từng màu sắc, từng đường nét, không sai một li. Tôi muốn người ta nhìn qua cũng có thể biết tôi vẽ ai. Tôi cảm thấy với riêng bức tranh này, nhiệm vụ của tôi không phải là sáng tạo, mà là trung thành sao chép, trung thành hết mức có thể, mọi sự sáng tạo đều sẽ phá hỏng toàn bộ bức tranh, khi mà hiện thực đã là toàn mĩ.

Tôi cặm cụi vẽ quên thời gian. Bản nhạc của Mozart xoay vòng. Đôi khi tôi tính giờ giấc qua đơn vị độ dài của một bản nhạc. Một bản concerto đã qua. Hai bản. Ba bản. Cho đến khi tôi chấm nét cuối cùng, thì không biết bao nhiêu lần chiếc đĩa đã quay lại từ đầu.

- Cảm ơn cô rất nhiều.

Cô đứng lên, mặc lại đồ và tiến về phía tôi, nhìn bức tranh, cô không nói gì cả. Tôi nhận ra đã từ lâu chúng tôi không nói gì nhiều với nhau, thường chỉ là dăm ba câu cách quãng. Những ngày đầu tiên, cô luyên thuyên và hỏi tôi khá nhiều thứ, đôi khi cô kể lại cả câu chuyện về vài “khách hàng” kì quặc mà cô gặp. Thực sự thì tôi luôn lắng nghe cô nói, nghe từng câu từng chữ, nhưng có lẽ vì tôi quanh đi quẩn lại chỉ biết nói mấy câu: “Vậy sao?”, “Cô nói tiếp đi”, nên cô cho rằng tôi không quan tâm. Tôi thường không thể diễn tả suy nghĩ của mình qua ngôn ngữ. Dần dà, về sau, cô ít nói hơn, đến một lúc cô cũng trở nên trầm mặc như tôi. Cô đến rồi đi. Mối quan hệ của chúng tôi gần như không lời. Cô làm mẫu và tôi vẽ. Tôi thấy quen thuộc với sự có mặt của cô. Với nhiều người, tôi vẫn phải cố nói chuyện phiếm, cố giao lưu những đề tài nhạt nhẽo, cho dù bản thân chẳng mong muốn gì. Nhưng cô thì khác. Tôi không cần phải tỏ ra là một người hoạt ngôn khi ở cạnh cô. Tôi có thể im lặng mà không thấy khó xử. Đó là một cô gái đơn giản, tôi không bao giờ coi cô là một cô gái điếm.

- Anh còn định vẽ bức nào nữa không?

- Nếu có thể, cô hãy tiếp tục làm mẫu được không?

- Chẳng thú vị gì cả. Tôi không làm nữa.

Lúc này, hơi thở của cô mới cho tôi biết rằng cô đang đứng sát bên tôi. Cô không nhìn tôi mà vẫn đắm đuối nhìn bức họa. Ánh mắt cô long lanh. Hai bầu ngực lấp ló sau lần áo. Những làn khói ẩn hiện trong mắt cô như xa như gần. Linh cảm mách bảo tôi rằng có lẽ đó sẽ là lần cuối cùng cô còn ở cạnh tôi như thế này. Sẽ không còn ngày thứ hai trăm ba mươi sáu. Nghĩ đến đó, tôi vội đưa tay kéo cô vào lòng. Trái với suy nghĩ của tôi, cô không hề phản ứng, thân thể cô mềm nhũn. Cô thì thầm:

- Người anh vẽ không phải là tôi.

Rồi cô ẩy nhẹ tôi ra, quay lưng bước ra cửa. Tôi vơ lấy đóa cúc họa mi định trả cho cô.

- Cô quên nó này.

- Anh cứ giữ lại.

Cô đi khỏi. Tôi nhìn lại bức tranh trên giá vẽ, mái tóc buông hững hờ, đôi mắt như một bầu trời xám, cơ thể trắng như ngọc, phiêu diêu với cây đàn vĩ cầm màu đỏ. Rất giống cô ấy, nhưng tự đáy lòng, tôi biết rằng, đó không phải là cô ấy, đó là em.

Tôi nhìn xuống tay mình, trên tay tôi, những bông hoa cúc họa mi trắng muốt và thanh khiết. Ba ngày sau, đóa cúc họa mi tàn úa. Tôi quyết định bán bức tranh cho một khách quen. Họ trả cho tôi một cái giá không tồi. Liền hai tháng tiếp theo, tôi hoàn toàn kiệt sức để có thể vẽ thêm bất cứ một bức tranh nào.

23

Sau hôm trở về từ buổi hòa nhạc, tôi càng ngày càng thấy mệt mỏi hơn. Những cơn buồn nôn và nhức đầu hành hạ. Việc ăn uống cũng trở thành một cực hình. Khi tôi đang định tới một trạm y tế gần đó để xin thuốc thì trên đường tình cờ gặp cô sinh viên thuê phòng ở tầng hai. Sau sự kiện gặp gỡ vào đêm hôm trước, mỗi khi thấy cô ấy, tôi thường vờ như không để ý, cô cũng có vẻ lảng tránh tôi. Nhưng hôm nay cô lại chủ động bắt chuyện với tôi trước:

- Chị đi đâu thế?

- Chị thấy ốm quá, định ra trạm y tế kiểm tra chút.

- Trạm y tế thì kiểm tra được cái gì. Chị có sắp chết họ cũng không biết chị mắc bệnh gì.

- Chắc chỉ là ốm vặt thông thường thôi, có gì đâu mà không chẩn đoán được. Chỉ là nhức đầu, buồn nôn nên chán ăn.

- Chị bị lâu chưa?

- Cũng được một thời gian.

- Xin lỗi em hỏi hơi tế nhị, nhưng kinh nguyệt của chị vẫn đều chứ?

- À, thật ra của chị vốn không đều, thành ra... Em nói chị mới để ý, cũng phải hai tháng rồi chị không thấy có. Chắc tại dạo lên đây sinh hoạt ngủ nghỉ không điều độ, ăn uống cũng thất thường. Chị gái chị đã dần hồi phục và tiến triển tốt, có lẽ sau đợt này...

- Chị có nghĩ mình có thai không?

- Em nói gì vậy? Làm sao mà...

- Chẳng giấu gì chị, em đã từng có đến bốn lần, ba lần bỏ, một lần sinh ra nhưng không nuôi được, em bỏ lại tại cổng bệnh viện.

- Nhưng chị...

- Chưa cần đi khám đâu, ở phòng em có sẵn vài que thử, tẹo về chị cầm lấy mà dùng.

*

- Thế nào?

Tôi khẽ thở dài và lắc đầu.

- Chị có muốn thử lại không? Em vẫn còn vài que thử trong kia.

- Chắc không cần đâu.

- Bây giờ chị định làm sao?

Tôi lắc đầu.

- Nếu không muốn giữ, em đưa chị tới chỗ này, chỗ quen của em. Người ta sẽ siêu âm xem mấy tháng rồi, và tìm cách giải quyết êm đẹp nhất.

- Chị cũng không biết nữa.

- Lỡ lần đầu ai cũng thế cả. Em hiểu. Chị cứ về phòng bình tâm lại. Nhưng đắn đo kĩ thì cũng phải quyết định nhanh. Để lâu quá sẽ rất khó bỏ.

- Chị, chị không biết nữa.

*

Tôi không biết nữa. Tất cả những suy nghĩ đều là ba chữ “tôi không biết”. Tôi thậm chí không biết mình đang cảm thấy thế nào? Tôi không thấy đau khổ, không thấy hạnh phúc, tôi cũng không thấy lo lắng hay hoảng sợ. Hoặc có thể bởi lúc này, khi nhìn xuống bụng tôi vẫn thấy bụng mình phẳng lì, đứa trẻ vẫn chưa thành hình và không có dấu hiệu gì cho thấy một thứ gì khác đang sống trong tôi ngoài dạ dày, gan, thận, ruột... nên tôi chẳng có cảm nhận nào khác. Tôi chỉ thấy cơ thể đau nhức và đầu nặng trịch như có một cái ách giữ ở cổ. Giữ nó hay bỏ nó ư? Tôi chưa suy nghĩ đến chuyện ấy. Tôi không thể suy nghĩ ngay bây giờ, nếu suy nghĩ nữa thì tôi sẽ chết mất. Tôi chỉ muốn chìm vào một giấc ngủ thật sâu, rồi khi tỉnh dậy, khi đầu óc đã tỉnh táo, tôi sẽ nghĩ tới chuyện đó sau. Tôi nhắm mắt lại, cõi vô thức đã ở trước mặt, nó là một vòng xoáy đen ngòm như một hố đen sâu thẳm hút tôi vào, không gian và thời gian bị kéo giãn đến bất tận, trong hố đen, mọi sự thật đều là vô nghĩa.

Tôi đã đọc được ở đâu đó người ta viết, khi bị cuốn vào trong hố đen, ta có thể sẽ được tham gia một chuyến du hành về quá khứ. Tôi không ngờ rằng viễn tưởng ấy lại đang xảy ra với chính mình. Tôi trôi ngược qua dòng nước thời gian chảy xiết, rồi khi đến bờ bên kia, tôi thấy mình đang ở trong một căn phòng lớn nhưng rất chật vì những cây đàn dương cầm màu đen choán đầy phòng. Tôi còn nhớ khi ấy tôi mười bảy tuổi. Anh cũng mười bảy tuổi. Anh chỉ sinh trước tôi đúng tròn hai tháng.

Anh chọn lấy một cây đàn ở trong góc phòng và ngẫu hứng một đoạn nhạc để thử đàn.

- Hôm qua anh vừa chỉnh âm lại cho cây đàn này, em nghe xem chuẩn chưa?

- Nghe cũng được.

- Cũng được là thế nào. Bây giờ anh chỉnh rất nghề rồi.

- Anh bảo viết một bài hát mới mà. Chơi thử em nghe xem nào.

- Nghe nhé!

Anh dạo nhạc. Những âm thanh bắt đầu dìu dặt vang lên, những nét lướt như những chuỗi ngọc trai, những đoạn non-legato như từng giọt mưa tí tách rơi, nhỏ dần, nhỏ dần rồi hòa theo dòng tuôn chảy êm ái của đoạn legato.

- Bài này thì có gì mới?

- Em vẫn còn nhớ sao?

- Còn em lại tưởng anh quên nó rồi cơ. Chúng ta đã quen nhau qua bản nhạc này, nhanh thật, đã bảy năm rồi. Bản nhạc đến từ giấc mơ, ai nghĩ ra cho anh cái tên sến súa này vậy?

- Em vẫn còn nhớ thì tốt. Nhưng còn một chuyện nữa em có nhớ không?

- Chuyện gì?

- Em nói sau này nhất định chúng ta sẽ song tấu bản nhạc này.

- Tại sao bỗng dưng nhắc chuyện đó?

- Thế có đúng là em nói vậy không?

- Đúng.

- Thế em có định giữ lời không?

- Giữ thì giữ, em sợ sao?!

Nói rồi tôi lấy cây đàn vĩ cầm của mình ra. Anh và tôi đã cùng song tấu rất nhiều bản nhạc, đều là của Mozart, của Chopin, Bach, Brahms, nhưng đó đều không phải chúng tôi. Bản nhạc rất bình thường này, đó mới chính là chúng tôi. Tiếng dương cầm ngập ngừng, chậm rãi, du dương, liền mạch, trôi chảy nâng đỡ cho âm thanh cao vút và trong sáng của cây vĩ cầm, như bầu trời và mặt biển đã hòa làm một, trong trời có biển, trong biển có trời, một chuyển động nhỏ nhất của bầu trời cũng được phản chiếu trên mặt biển, trên trời mây bay thì mặt biển cũng gợn sóng, ánh nắng chiếu từ bầu trời, chạm tới mặt biển, lại khúc xạ trở lại bầu trời. Trời và biển không còn là hai thực thể nữa, chúng chỉ còn là hai mặt của một đồng xu, chúng chẳng qua chỉ là sự phân thân của tạo hóa. Vĩ cầm và dương cầm khác nhau tới thế, chẳng qua chỉ là sự phân thân của âm nhạc.

Tôi không biết bản nhạc đã kết thúc từ bao giờ, tôi chỉ thấy bàn tay anh nắm lấy tay tôi và ghì chặt tôi xuống cây đàn. Những âm thanh vang lên không tạo thành một giai điệu nào hết. Những phím đàn vẫn còn hơi ấm sót lại từ đôi tay anh. Rất nhẹ nhàng, anh cúi xuống, môi anh chạm môi tôi, cảm giác say đắm như khi tiếng dương cầm chạm vào tiếng vĩ cầm. Một tay ôm lấy gương mặt tôi. Tay còn lại anh lướt trên cơ thể tôi như lướt trên phím đàn, rồi lần mở những cúc áo của tôi. Giữa tôi và anh lúc này, không còn Mozart, không còn Chopin, cũng không còn bất cứ một nốt nhạc nào, không có “giữa tôi và anh” vì chúng tôi đã hòa làm một.

Trước khi tôi về, anh nói:

- Hay là em viết lời cho bản nhạc của chúng ta đi?

- Tại sao lại là em mà không phải là anh?

- Em viết có lẽ hay hơn anh.

- Nhưng giờ em không nghĩ ra ngay được.

- Thì bao giờ nghĩ ra chẳng được. Ngày rộng tháng dài, em cứ nghĩ đi. Mười năm nữa nghĩ ra cũng chưa muộn.

- Để xem đã. Em về đây. Không khéo bố mẹ anh sắp về.

- Còn lâu bố anh mới về. Em muốn về thì cứ về đi. Nhưng nhớ nhiệm vụ viết lời đấy.

- Biết rồi!

Đó là lần đầu tiên của chúng tôi. Sau đó, giữa tôi và anh không còn bao giờ xảy ra chuyện đó nữa. Tôi chỉ đến phòng nhạc hoặc một quán cà phê nhỏ trong thành phố cùng tập luyện một vài khúc nhạc với anh, hoặc cùng nhau trò chuyện. Cho đến hơn hai tháng trước, khi anh đến một triển lãm và vô tình thấy bức tranh kia, mới có lần thứ hai.

*

Cô sinh viên dẫn tôi tới một phòng khám nhỏ. Bên ngoài nhìn vào, trông nó không khác những phòng khám thông thường. Người đón chúng tôi ở cửa là một người đàn ông với gương mặt không thể đoán được tuổi thật. Nhìn nước da có thể cảm thấy anh ta còn rất trẻ, nhưng những đường nét trên mặt lại già nua.

- Lại đến à? Cả năm nay không thấy đến, tưởng cô đổi nghề luôn cơ đấy – Anh ta lên tiếng đùa.

- Hôm nay không phải tôi đến, mà là chị bạn tôi. Có phải đợi không? Hay vào luôn?

- Chị ấy hả? Lần đầu phải không? – Anh ta quay sang hỏi làm tôi lúng túng.

- Tôi...

- Chị đừng ngại, vào đến đây rồi còn ngại gì nữa – Cô gái an ủi tôi – Thôi, tôi vào trong đây.

Nói rồi cô kéo tôi vào bên trong. Đó là một căn phòng có phần lụp xụp, tối tăm. Vị bác sĩ nữ mặc chiếc áo bờ-lu hơi ố vàng. Chiếc ga giường bệnh cũng có màu hơi ố vàng. Vị bác sĩ dường như cũng đã quen mặt cô ấy nên tỏ ra rất thân thiện.

- Ngồi xuống đi, làm sao?

- Dạ, như mọi khi. Nhưng lần này không phải cháu, là chị ấy.

- Vậy cháu ra ngoài đi.

- Vâng, cháu ra trước – Quay sang tôi, cô nói – Em đợi chị ngoài kia. Yên tâm, bác sĩ mát tay lắm.

Còn lại mình tôi và bác sĩ trong phòng, lúc này mùi thuốc sát khuẩn nồng nặc và khó chịu mới xộc vào mũi tôi.

Sau một hồi hỏi han và khám qua loa, bà lạnh lùng nói:

- Không phải lo, thai dưới ba tháng, uống thuốc là đủ. Bác kê đơn, tẹo bảo anh ngoài kia đưa cho.

- Thuốc để làm gì ạ? – Tôi ngập ngừng hỏi.

- Thế cháu đến đây làm gì?

- Cháu...

- Uống vào trong vòng ba mươi phút đến bốn tiếng sẽ thấy ra nhiều máu. Sau đấy có thể ra máu nhẹ từ mười ngày đến một tháng. Cố gắng ăn uống đầy đủ vào.

- Có đau không ạ?

- Bác đã kê cả thuốc giảm đau rồi. Nếu thấy đau quá thì uống. Nói cho cháu hay, nỗi đau về thể xác có lớn đến mấy cũng đều có cách cả. Thôi xong rồi, về đi.

Bà đưa cho tôi một tờ giấy dày đặc chữ viết ngoáy, tôi hầu như không đọc được, nhưng người đàn ông ngoài kia chỉ cần liếc qua một lần đã có thể lấy hết tất cả các loại thuốc ra cho tôi, như thể cái đơn thuốc đó anh ta đã quen lắm rồi.

Trên đường về, cô sinh viên mở túi thuốc của tôi ra xem.

- Những thứ này em cũng đã dùng rồi. Mà thật ra các loại thủ thuật phá thai, chắc chẳng còn cái nào em chưa biết. Lần đầu tiên mang thai em đã sinh đứa bé ra vì hắn ta, ý em là bố đứa bé, đã hứa hươu hứa vượn sẽ làm đám cưới. Đúng là một thằng cha khốn nạn. Những lần sau đấy, có lần uống thuốc, có lần nạo hút điều hòa kinh nguyệt, có lần to quá phải đặt thuốc rồi sinh non.

- Đứa bé đó có sống không?

- Làm sao mà sống được. Mà tốt nhất cũng không nên sống làm gì. Có gì sướng đâu chứ. Chị biết không, nhiều lúc em chỉ mong ngày xưa mẹ em giết quách em từ trong bụng đi cho rồi, lại đẻ em ra rồi vứt ở bệnh viện. Sống nhiều chỉ thêm khổ.

- Thật ra chị cũng là cô nhi, chị được người ta nhận về nuôi. Chị gái song sinh của chị, chị mới gặp lại được không lâu. Chuyện này chắc chưa bao giờ kể với em.

- Hóa ra chúng ta đều là những đứa con chẳng ai mong đợi – Cô cười nhạt.

*

Tôi dốc những viên thuốc lên tay. Những viên thuốc bé nhỏ như những viên kẹo, nhìn bề ngoài không ai nghĩ chúng có thể giết chết cả một sinh linh. Tôi đặt tay lên bụng mình, ngoài những cơn buồn nôn dấy lên cổ họng, tôi vẫn chưa cảm thấy có chút gì khác biệt, tôi vẫn chưa cảm thấy có một hình hài nào đang lớn lên trong đó. Nếu bây giờ có uống những viên thuốc này, tôi chỉ cần coi như trải qua một kì kinh nguyệt kéo dài, sẽ chẳng có ai chết cả, tôi cũng sẽ không cần sợ hãi, sẽ không có một nỗi ám ảnh nào hết. Mọi thứ sẽ qua nhanh thôi.

Cô gái ấy nói đúng. Tốt nhất là không nên sinh ra. Sống thì có gì sung sướng đâu. Làm một đứa trẻ không cha, sinh ra đã là bất hạnh. Thà rằng để đứa trẻ ra đi trong êm ái, để nó đầu thai vào một gia đình tốt hơn, tránh cho nó phải gánh chịu những tội nghiệt trong đời. Khi bản thân mình chưa lâm vào hoàn cảnh này, khi chưa phải đau đớn, giằng xé đứng giữa các lựa chọn, tôi cũng thường lên án những người phụ nữ đang tâm bỏ đứa con của mình. Chỉ khi chính mình phải đối diện, tôi mới thấy cuộc đời muôn hình vạn trạng chẳng bao giờ như mình nghĩ. Những thứ cứ tưởng mắt thấy tai nghe, những thứ mà ai ai cũng công nhận chính là chân lí, hóa ra, vốn chẳng có gì gọi là chân lí.

Tôi rót một cốc nước, tu một hơi hết sạch. Nước đẩy trôi viên thuốc xuống cổ, tôi cảm nhận được nó đang trườn xuống cổ mình. Nó trườn xuống rất chậm rãi. Tôi uống thêm một hơi nước nữa để viên thuốc trôi xuống nhanh hơn, nhưng miếng nước lại bất ngờ ập xuống cổ họng làm tôi gần như tắc thở. Tôi lao vào nhà vệ sinh trong cơn ho và khạc ra tất cả những gì mắc trong cổ họng mình. Một tiếng cạch nhẹ nhàng vang lên. Một vật thể tròn màu trắng đang run lên bần bật. Viên thuốc trôi tuột xuống nắp cống. Nó hoàn toàn biến mất trong cái hố sâu hun hút ấy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3